|
Nhớ Tết Xưa Khi Xuân Về
Xuân sắp về, Tết sắp đến khiến ai cũng nôn nao. Trẻ nhỏ thì mong quần áo mới đẹp, tiền lì xì đầu năm. Người đi xa thì mong ngóng ngày đoàn viên. Nhiều người lớn lại lo Tết vì những chi phí phát sinh trong thời buổi kinh tế khó khăn. Nhưng mà nói vậy thôi chứ thực tâm, nghĩ đến Tết, chắc ai cũng thấy xao xuyến một chút tình, bâng khuâng một chút nhớ, bồi hồi một chút vui… Nhất là với những người hay hoài niệm mốt cái Tết quê xưa.
Nếu ai có dịp, muốn về Miền Bắc ăn Tết, ở một vùng quê nào đấy, thì hãy nhớ về từ khoảng ngày 23 tháng Chạp (23-12 âm lịch). Về muộn hơn, sẽ mất đi nhiều thứ, nhiều điều. Vì Tết ở mỗi miền quê là không khí đón Tết chứ không phải chỉ “ăn Tết”.
Từ ngày 23 tháng Chạp không khí Tết đã về khi đưa ông Táo lên trời. Ảnh internet
Quê tôi, ai cũng rất coi trọng ngày ông Táo lên trời, ngày 23 tháng Chạp. Nhà nào cũng mua cá chép để cúng. Vào ngày này, người quan trọng nhất trong nhà sẽ dọn dẹp, lau quét bàn thờ tổ tiên, rút đốt chân nhang. Nhà giàu thì làm cỗ to, nhà không giàu thì làm một mâm cơm đạm bạc, bình thường… Nhưng dường như nhìn vào ai cũng hồ hởi, ai cũng vui vẻ. “Nhà bác cúng trưa hay cúng tối”; “Nhờ ông sang khấn cho nhà con vài câu ạ”; “Cá chép đẹp quá nhể. Thế này thì cá sẽ hóa rồng đây”… Đó là những câu mọi người hay nói với nhau khi gặp nhau...Sau ngày cúng ông Táo thì sẽ đến việc chuẩn bị đón Tết. Bây giờ thì nhà ở quê tôi cũng đẹp hơn xưa nhiều rồi. Đôi khi chẳng ai quét vôi lại nhà nữa vì đã có sơn tường. Nhưng ngày xưa, khi tôi còn ở quê. Bắt đầu từ ngày 24 tháng Chạp, nhà nào cũng lo sửa soạn quét vôi lại nhà cho sáng sủa. Nhà nào đàn ông đi vắng thì nhờ hàng xóm quét giúp. Người quê, chân chất, thật tình nên chẳng ai từ chối mà ai cũng vui vẻ nhận lời. Đến hết ngày 27 âm lịch, làng xóm như bừng sáng hẳn ra vì nhà nào cũng được tô vôi rất trắng. Trắng từ những gốc cây ven đường cho đến tận góc sân phía trong…
Chợ chồm hổm quê vào xuân. Ảnh internet
Nói đến không khí chuẩn bị Tết, không thể không nói đến chợ. Mà phải là đúng là chợ quê kia. Hàng hóa được bày bán trên một tấm bạt trải trên mặt đất. Người bán hàng ngồi chồm hổm hoặc có cái ghế con con để ngồi. Có lần tôi đã nói với một người bạn là: “Niềm vui duy nhất của mình khi đi chợ là được nhìn thấy các bà già đội khăn len, mặc quần đen, đi bộ, nói chuyện với nhau và cười”. Tôi rất thích cái cảnh ấy. Nhìn nụ cười của những người già, như nhìn thấy cả mùa xuân trước mặt. Chỉ nhìn thôi cũng đã thấy ấm lòng, chỉ nhìn thấy thôi cũng đã thấy một phần quê hương ở đấy.Khoảng từ ngày 25-26 âm lịch, mọi người sẽ mua những thứ như hành, dưa về để làm dưa hành. Rau thì hầu hết nhà nào cũng trồng được ít nhiều. Loại rau phải mua chủ yếu chỉ là khoai tây, cần nước… Công việc dọn dẹp nhà thì sẽ tiếp tục việc làm sạch cỏ ở các lối đi lại từ vườn ra ao, từ ngõ vào sân, gom quét lá cây trong vườn và đốt sạch chúng trước khi đón Tết. Việc này thường do phụ nữ trong nhà làm.
Người già và trẻ nhỏ đi chợ hoa xuân. Ảnh internet
Khoảng ngày 28, 29 âm lịch là mọi người đi chọn đào, quất, cúc… để chơi Tết. Ở quê tôi, việc này thường do đàn ông trong nhà đi chọn. Tuy nhiên thanh niên trẻ tuổi đi xa về cũng rất thích đi chợ hoa, lựa hoa. Không khí náo nức, thiêng liêng đến kỳ lạ.
Bây giờ thì có vẻ như mọi người thích đơn giản hóa cuộc sống đi nhiều rồi nên chỉ có những ai đi xa, thật sự thèm không khí Tết quê mới có hứng thú và niềm vui chung nhau mổ lợn. Mổ lợn thì thường mổ vào ngày 30 hoặc 29 Tết. Có khi cả xóm mổ chung một con rồi chia theo từng gia đình đăng ký. Tôi không thích nhìn người ta sát sinh nên thường không thích quan tâm đến việc mọi người vui vẻ trong “bữa tiệc mổ lợn”. Nhưng những người dân quê tôi thì coi đó là một việc trong ngày Tết giúp mọi người gần gũi, đoàn kết với nhau hơn trong tình làng nghĩa xóm.Việc tôi thích nhất đó là gói bánh chưng. Đây là việc mà cả gia đình ai cũng tham gia làm, nhà nào cũng làm. Lúc có thịt lợn rồi thì sẽ tiến hành gói bánh chưng. Nhiều nhà thì phải mua lá dong ở chợ nhưng nhà tôi, lúc nào cũng có lá dong trong vườn dành cho Tết gói bánh. Gia đình tôi thường gói bánh vào ngày 30 Tết, để lúc đêm còn thức trông bánh đón giao thừa. Gạo, đậu thì bà hoặc mẹ sẽ chuẩn bị ngâm từ tối hôm trước. Hôm sau cũng là mẹ hoặc bà sẽ vo sạch gạo, sóc đều với gạo với muối. Còn thịt thì ông ngoại sẽ thái và ướp. Bởi vì ông rất quan trọng việc chia đều thịt trong từng cái bánh nên phải tự tay ông làm thì ông mới… an tâm.
Bánh chưng xanh màu Tết. Ảnh internet
Sáng sớm ngày 30 Tết tôi có nhiệm vụ ra vườn cắt lá dong. Cắt tận gốc, mang hết về nhà rồi lựa lấy lá to, lá đẹp mang đi rửa sạch, lau khô. Phần thân cây dong cũng được rửa sạch để dùng làm lạt buộc bánh. Khi lớn lên, tôi đến nhiều nơi, cứ thấy nhiều người lo chẻ lạt dang, lạt tre để gói bánh, tôi thấy ngộ vì người dân quê tôi, lấy chính thân cây dong để buộc bánh mà vẫn rất chắc, rất đẹp, chẳng bao giờ bị đứt. Phần gói bánh gói giò thủ thì ông, ba, các cậu tôi là người làm việc đó. Việc xào thịt để gói giò thì thường là mẹ hoặc bà làm. Tôi chỉ đứng ngoài làm… chân sai vặt và góp vui với mọi người trong gia đình bằng những câu hỏi. Củi lửa thì ông tôi đã chuẩn bị từ trước đó cả tháng. Vào đêm giao thừa, cái việc ngồi trông bánh chưng cũng vui. Nhà tôi thì không có việc cả nhà ngồi quanh nồi bánh chưng để kể chuyện cho nhau nghe mà việc này là phần việc tôi đảm trách. Đảm trách là lúc nào cũng phải để cho lửa cháy to, đều. Khi nước cạn thì phải… múc nước đổ vào. Đến giờ vớt bánh thì ai đó là nam giới vớt chứ không để phụ làm vì sợ dễ bị bỏng. Vớt bánh ra rồi phải ép cho bánh bớt nước, cứng lại. Thường là xếp bánh lên hai tấm phản dài, dùng đá, hoặc cái gì đó rất nặng, đè lên đều lên phía trên cho nước bánh ra bớt. Như vậy thì bánh mới không bị chảy nước, nhão nhiễu khi ăn. Khi vớt bánh chưng ra thì bàn thờ gia tiên cũng đã bày biện, nhang khói sẵn sàng để đón giao thừa.
Nụ đào hé nở giữa xuân. Ảnh internet
Thời khắc chuyển giao thì cả nhà cùng quây quần tụ họp bên nhau, chúc mừng giữa giây phút đất trời giao hòa. Trò chuyện về những điều trong năm cũ và năm mới đã đến.Sáng ngày mồng 1 Tết, thì ai cũng phải mặc đẹp để đi chúc Tết mọi người trong gia đình thân thiết. Ở quê, dù bên nội hay bên ngoại cũng rất gần nhau. Đi bộ lòng vòng quanh làng, quanh xóm một buổi là hết. Mà là cả nhà kéo nhau đi chúc Tết như vậy chứ không phải chia lẻ. Cái không khí chỉ ở quê mới có.Ngày 2 Tết thì việc đầu tiên của phụ nữ trong nhà là đi chợ ra hàng. Ngày này, ai đi chợ cũng sẽ mua một gói muối nhỏ về gói kỹ, để trong bếp nguyên một năm. “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” là như vậy. Những họ hàng xa hơn một chút, phải đi bằng xe đạp (xưa kia) hoặc đi bằng xe máy (bây giờ) thì cũng đi chúc Tết vào ngày này. Buổi tối thì đi chơi nhà, chúc Tết hàng xóm, không phải anh em, họ hàng.Sang ngày 3, tất cả được “giải phóng”. Nghĩa là mọi người được đi chơi với bạn bè của riêng mỗi người. Từ ngày hôm nay, các nhà lại có một bữa cúng… “đưa chân các cụ” và hẹn gặp lại năm sau.Ngày tháng đuổi niềm vui và nhận thêm nhiều những… niềm riêng. Đổi lại đó là bình yên hoặc sóng gió. Nhưng khi nghĩ đến tình thân, kỷ niệm của mùa xuân, lòng ai cũng hân hoan, đầy tình yêu thương. Có lẽ đó là ý nghĩa của Tết nay.
sưu tầm từ nguồn: http://www.proguide.vn
Các chủ đề cùng thể loại mới nhất:
|
|