|
6 - Bố học nhạc
Khi còn bé, ông bà nội mua cho Bố đủ loại đồ chơi, nào bóng, bộ cờ xổ số, nào xe ô-tô và thình lình ông bà nội mua một cây đàn dương cầm, nhưng đây không phải là đồ chơi. Đó là một cây đàn dương cầm thật trăm phần trăm, rất đẹp với nắp đậy màu đen sáng bóng. Cây đàn rất lớn, nó chiếm cả nửa gian phòng.
Bố hỏi ông nội:
- Bố có biết chơi dương cầm không Bố?
Ông nội trả lời:
- Không!
Bố lại hỏi bà nội:
- Thế mẹ đánh đàn được chứ?
Bà nội trả lời:
- Không!
Bố lại hỏi:
- Thế ai sẽ đánh đàn dương cầm?
Ông bà nội cùng nói:
- Chính con đấy!
- Nhưng con cũng không biết chơi đàn mà!
Ông nội bảo:
- Con sẽ học nhạc! Bà nội tiếp luôn:
- Cô giáo dạy nhạc của con là cô Nađetđa Fiôđorôpna.
Lúc đó Bố nghĩ rằng mình đã được một món quà rất tuyệt. Trước đây, chưa có thầy, cô giáo nào đến nhà. Bố thường một mình chơi với các đồ chơi mới.
Rồi cô giáo dạy nhạc đến. Cô là một phụ nữ lớn tuổi và có giọng nói rất dịu dàng. Cô đã đánh đàn cho Bố nghe rồi bắt đầu dạy cho Bố các nốt nhạc. Có bảy nốt tất cả: A, B, C, Đ, E, F, G thay cho các nốt La, Si, Đô, Rê, Mi, Fa, Sol. Bố học thuộc chúng rất nhanh vì bố vẽ hình các nốt nhạc y như trong tập sách học vần.
Bố đọc: A là anh em và vẽ hai anh em dắt nhau, B là bò và vẽ hình con bò; rồi vẽ một quả cam thay cho chữ C; con dê thay cho chữ D, bố lấy làm thích thú. Nhưng sau đó Bố biết là học đàn dương cầm không dễ chút nào. Bố đâm ra chán phải chơi một cái gì mãi. Dù sao đọc truyện, chơi đùa hoặc không làm gì cả cũng thích hơn nhiều. Được hai tuần lễ, Bố chán nản việc học nhạc đến nỗi không thể đứng nhìn cây đàn. Cô giáo Fiôđorôpna, dù lúc đầu rất bằng lòng về Bố, bây giờ cũng bắt đầu buồn bã.
Cô ấy hỏi Bố:
- Cháu không thích học nhạc sao?
Bố trả lời:
- Vâng ạ!
Mỗi lần nói như thế, Bố nghĩ là cô sẽ giận và không dạy Bố nữa, nhưng cô ấy vẫn tiếp tục.
Ông bà nội rầy la Bố:
- Con nhìn cây đàn xinh xắn bố mẹ đã mua cho con. Cô giáo đã đến học cùng với con. Thế mà con lại không muốn học đàn nữa, thật là xấu hổ!
Ông nội nói thêm:
- Bây giờ con không muốn học nhạc, rồi có ngày con sẽ bảo không muốn đến trường, rồi không muốn làm việc gì cả. Những đứa bé lười biếng như vậy cần phải được dạy dỗ thói quen lao động ngay từ lúc còn nhỏ. Bây giờ chắc con muốn học đàn dương cầm chứ?
Bà nội tiếp:
- Nếu mà mẹ được học nhạc lúc còn nhỏ, mẹ sẽ rất biết ơn đấy!
- Rất cám ơn mẹ, nhưng con không muốn học nhạc nữa. Bố trả lời.
Lần sau cô giáo đến, Bố biến mất. Mọi người tìm Bố khắp nhà, ngoài phố, nhưng không thấy Bố đâu cả. Khi hết giờ học đàn, Bố từ gầm giường chui ra và nói:
- Chào tạm biệt, cô Fiôđorôpna!
Ông nội bảo:
- Lần này thì con hối hận đấy!
Còn bà nội thì bảo với ông nội:
- Tôi sẽ phạt nó sau khi ông phạt nó xong!
Bố trả lời ngay:
- Bố mẹ làm gì con cũng được, miễn là đừng bắt con phải học nhạc nữa. Rồi Bố oà ra khóc. Dù sao, Bố cũng còn quá nhỏ và lại không thích âm nhạc!
Cô giáo bảo:
- Âm nhạc là nguồn vui đối với mọi người. Không có em học sinh nào của tôi lại trốn tôi ở gầm giường cả. Nếu có người thích nằm dưới gầm giường hàng giờ đồng hồ, có nghĩa là người đó không thích học âm nhạc. Thế thì không ích gì mà bắt buộc cả. Có lẽ khi lớn lên, người đó sẽ hối tiếc. Tôi xin chào tạm biệt để đến với các em nào không chui vào gầm giường ấy!
Thế là cô đã đi, không bao giờ trở lại nữa. Ông nội phạt Bố, rồi đến bà nội. Rất lâu sau đó, cứ mỗi lần đi ngang qua cây đàn dương cầm, Bố lại sa sầm nét mặt lại.
Khi lớn hơn, Bố hiểu rằng mình không có khiếu âm nhạc, thậm chí Bố không hát được một bài hát nào đúng cả. Lẽ ra Bố không nên học đàn.
Vâng, có lẽ không phải đứa trẻ nào cũng học đàn dương cầm được cả. |
|