SƠ LƯỢC TIỂU SỬ ĐỨC THÁNH CHA BENEDICTO XVI


Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI


Nhân dịp Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI mừng sinh nhật thứ 81 vào ngày Thứ Tư, 16 tháng 4 năm 2008 trong chuyến Tông Du Hoa Kỳ, Hồn Nhỏ xin tóm lược tiểu sử của Ngài. Chúc mừng Ngài, và “Xin Chúa gìn giữ Ngài, thêm sức linh lực và ban cho Ngài đời này hạnh phúc. Đừng trao Ngài cho ác tâm quân thù”.

Ngày 19 tháng 4 năm 2005, hơn 1 tỷ người Công Giáo và toàn thế giới đã hân hoan chào đón Đức Tân Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI. Ngài đã được mật nghị Hồng Y bầu chọn lên ngôi Giáo Hoàng, kế vị Thánh Phêrô và là Đại Diện Chúa Kitô dưới trần gian để cai quản Giáo Hội. Ảnh hưởng của ngôi vị Giáo Hoàng không những chỉ riêng đối với các tín hữu Công Giáo mà còn lan rộng trên toàn thế giới. Chỉ cần nhìn vào sự tiếp đón trang trọng mà Tổng Thống và nhân dân Hoa Kỳ, và Giáo Hội Hoa Kỳ đã dành cho ngài trong chuyến tông du Mục Vụ Hoa Kỳ thì đủ hiểu tầm quan trọng và ảnh hưởng lớn lao của ngài như thế nào.


Vào lúc 5giờ 50 chiều giờ Rôma, thứ Ba ngày 19 tháng 4 năm 2005, khói trắng đã bốc lên từ ống khói của điện Sistine. Cùng lúc chuông các thánh đường ở Rôma đã vang lên những tiếng vui mừng. Mọi người đều hân hoan và nao nức đón xem vị Giáo Hoàng mới sẽ là ai. Đức Ông Georg Ratzinger bào huynh của Tân Giáo Hoàng cũng có mặt trong số những khách hành hương tại quảng trường Thánh Phêrô lúc bấy giờ.

6giờ 43 phút, Đức Hồng Y Jorge Arturo Medina Estevez của Chí Lợi, đã xuất hiện trước ban công của dinh Giáo Hoàng và tuyên bố với mọi người là: “Chúng ta đã có Đức Giáo Hoàng. Đó là Đức Hồng Y Joseph Ratzinger. Ngài lấy tên là Benedict XVI”.

6 giờ 48 phút, Đức Bênêđíctô XVI với thánh giá dẫn đầu, tiến ra chào mừng mọi người, và ban phép lành Tông Đồ “Urbi et Orbi” - cho thành Rôma và toàn thế giới. Và Chúa Nhật 24 tháng 4 năm 2005, Ngài chính thức đăng quang Giáo Hoàng.

Đức Hồng Y Josepth Ratzinger đã được mật nghị Hồng Y gồm 115 vị đến từ 52 quốc gia trên thế giới bầu chọn làm Đấng kế vị Đức Gioan Phaolô II. Ngài là vị Giáo Hoàng thứ 2 sau Đức Gioan Phaolô II không phải là người Ý suốt chiều dài gần 500 năm của lịch sử Giáo Hội. Ngài cũng là vị Giáo Hoàng thứ 6 người Đức kể từ thế kỷ thứ 11.

Một điều khác cũng làm mọi người hết sức ngạc nhiên, là tuy rất thân thiết và đồng nhất quan điểm với Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, nhưng Ngài lại không chọn tước hiệu Gioan Phaolô mà là Bênêđíctô.

Đức Bênêđíctô XVI sinh ngày 16 tháng 4 năm 1927 tại Marktl Am Inn, nước Đức. Thân phụ là một cảnh sát. Ngài xuất thân từ gia đình nông gia truyền thống ở Lower Bavaria. Song thân ngài có 3 người con, mà hai người con trai, trong đó có ngài trở thành linh mục.

Tuổi trẻ Ngài lớn lên tại Traunstein, và được lệnh gia nhập quân ngũ, phụ vụ trong đơn vị phòng không. Ngài phục vụ trong quân đội cho đến những tháng cuối của Thế Chiến II. Giải ngũ năm 1945 và trở lại Traunstein. Nhưng sau đó bị quân đội Mỹ bắt. Tháng 6 năm 1945, Ngài được thả tự do, và trên đường về nhà, Ngài đã phải đón đường đi nhờ một chiếc xe chở sữa.
Từ năm 1946 đến 1951, Ngài theo học triết và thần học tại Đại Học Munich và Cao Đẳng Thần Học ở Freising. Ngày 29 tháng 6 năm 1951 cùng với bào đệ của ngài, cả hai đã lãnh chức linh mục.

Năm 1953 Ngài đậu Tiến Sĩ Thần Học với luận án: “Dân Chúa và Nhà Chúa theo giáo huấn của Thánh Augustinô”. Sau đó được mời dậy Thần Học Tín Lý tại trường cao đẳng Thần Học Freising.

Từ năm 1959 đến 1969 ngài dậy tại Đại Học Bonn. Từ năm 1963 đến 1966 tại Đại Học Munster. Và từ năm 1966 đến 1969 tại Đại Học Tubinga. Năm 1969, Ngài chính thức trở thành Giáo sư Thần Học Tín Lý của Đại học Regensburg, và cũng tại đây Ngài được chọn là Phó Chủ Tịch.

Năm 1962, lúc 35 tuổi, Ngài trở thành một chuyên gia Thần Học cho Đức Hồng Y Joseph Frings, Tổng Giám Mục Cologne, Đức tại Công Đồng Vatican II.

Tháng 3 năm 1977, Đức Thánh Cha Phaolô VI chọn Ngài làm Tổng Giám Mục Munich và Freising. Ngài được tấn phong ngày 28 tháng 5 năm 1977. Ngài là linh mục triều được cất nhắc vào chức vụ này sau 80 năm lịch sử của Giáo Phận rộng lớn Bavarian.


Một tháng sau ngày tấn phong Tổng Giám Mục. Trong mật nghị Hồng Y ngày 27 tháng 6 năm 1977, Đức Phaolô VI vinh thăng Hồng Y cho ngài, và tiếp tục làm Tổng Giám Mục Munich cho đến ngày 25 tháng 11 năm 1981, khi được Đức Gioan Phaolô II đề cử vào chức vụ Tổng Trưởng Thánh Bộ Tín Lý và Đức Tin, Chủ Tịch Ủy Ban Thánh Kinh và Ủy Ban Thần Học Quốc Tế của Tòa Thánh.

Tháng 11 năm 2002, Ngài trở thành chủ tịch của Hồng Y Đoàn. Ngài ở chức vụ Tổng Trưởng Thánh Bộ Tín Lý và Đức Tin, và tiếp tục làm chủ tịch Hồng Y Đoàn cho đến ngày được bầu làm Giáo Hoàng.

Để bảo vệ an ninh cho thánh lễ đăng quang, có tới 7.000 nhân viên an ninh được trưng dụng. Không phận Rôma trong vòng 5 dặm không một phi cơ nào được bén bảng đến gần. Có tới 100 bác sỹ, 100 y tá, và 50 nhóm cấp cứu sẵn sàng túc trực cùng với 80 xe cứu thương trong tư thế sẵn sàng phục vụ trong 8 trạm cứu thương chung quanh khu hành lễ và quanh thành Rôma.
141 phái đoàn đại biểu các quốc gia, cùng với 70 vị đại diện các tôn giáo gồm Chính Thống, các Giáo Phái Tin Lành, và các tổ chức Kitô Giáo khắp thế giới.


Cũng như Đức Gioan Phaolô II, triều đại giáo hoàng của ngài gặp nhiều sóng gió và thử thách. Những vấn đề phá thai, đồng tính, hôn nhân đồng tính, giáo sỹ lạm dụng tình dục, vai trò nữ giới, nữ giới làm linh mục, hiệp nhất Kitô giáo, đặc biệt việc đối thoại với Hồi Giáo. Ngoài ra, sự băng hoại và chối bỏ căn tính Kitô Giáo tại Âu Châu luôn luôn là những đề tài nóng mà vị Giáo Hoàng 81 tuổi này phải đối phó. Có lẽ vì hiểu được những nhu cầu và thách đố của thời đại. Và vì ý thức được vai trò của mình, nên ngài đã chọn danh hiệu Bênêđíctô. Cũng như chú trọng nhiều về tình yêu. Thông Điệp đầu tiên của ngài là thông điệp nói về tình yêu: “Thiên Chúa là tình yêu”.
Chủ đề của chuyến Tông Du lần này của ngài tại Hoa Kỳ cũng nhằm vào sức hoán cải và sự giải hóa của tình yêu, nên ngài đã chọn “Đức Kitô, Hy Vọng Của Chúng Ta”. Và trong chuyến tông du này, ngài sẽ dành nhiều nỗ lực cho việc đối thoại với các tôn giáo bạn. Chấn chỉnh lại sự sai trái của hàng ngũ giáo sỹ Hoa Kỳ, và đề cập đến vai trò quan trọng của tôn giáo.


[I] “Chúng ta hãy cầu xin cho Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI. Xin Chúa gìn giữ Ngài, thêm sức sinh lực và ban cho Ngài đời này hạnh phúc. Đừng trao Ngài cho ác tâm quân thù”. Và chúng ta cũng hãy cầu xin cho triều đại Ngài trở thành một nguồn phúc lộc lớn lao cho Giáo Hội và toàn thể nhân loại như tên Bênêđíctô mà Ngài đã tự chọn, vì Bênêđíctô có nghĩa là phúc đức.


(honnho.com)