Gương phấn đấu – Viết bằng chân vẫn thi đậu vào hai đại học



Dang Van Thanh




Đặng văn Thành sinh năm 1990 tại Bắc Giang. Sau giờ học mỗi chiều Thành thường giúp cha mẹ chăn trâu, cắt cỏ. Lúc 12 tuổi, Thành chơi cùng các bạn ở một khu vực có các công nhân đang dăng đường dây điện qua vùng quê. Cậu cùng các bạn chăn trâu trèo lên một cột điện và bị điện giật rơi từ 4 mét cao xuống đất nằm bất động suốt mấy tiếng đồng hồ. Đưa vào bệnh viện, bác sĩ cắt bỏ tay phải của cậu. Tay trái cũng tệ lắm, da hư hết, đáng lẽ cũng phải cắt bỏ luôn nhưng thấy cụt cả hai tay thì tội lắm nên bác sĩ đành để lại.

Từ bệnh viện về thấy mẹ khóc mãi, nghĩ đến tương lại khó giúp gì được cho cha mẹ lại là gánh nặng cho họ, Thành rất đau lòng. Rồi nhìn những cái lắc đầu thương hại của những người xung quanh ngụ ý “rồi chẳng làm được gì nữa đâu”, Thành thấy trong lòng chợt dấy lên một quyết tâm mãnh liệt chống lại nỗi bất hạnh xảy đến cho mình. Nhưng chưa biết phải làm gì trong tình cảnh bây giờ. Trong thời gian nghỉ học một năm sau đó, Thành thơ thẩn trên bờ ruộng, nhìn các bạn hằng ngày cắp sách tới trường, thấy họ sao hạnh phúc ngập tràn và thiết tha muốn được đi học trở lại. Nhìn lại cảnh hai tay mình, cậu thở dài tuyệt vọng. Nhưng cậu lại nghĩ, “Không một thành tựu nào lại không phải trả một giá tương xứng.” Lòng quyết tâm phấn đấu lại trở nên mãnh liệt.


Nghĩ mình không còn tay nhưng còn có chân mà, Thành bắt đầu dùng chân viết chữ. Cậu dùng hai ngón chân kẹp một hòn sỏi lên cố viết vài chữ ngụêch ngọac trên nền đất. Khó vô cùng, nhưng Thành quyết không bỏ cuộc. Nhiều lúc bong gân, bỏng rát và những ngón chân bị rỉ máu, cậu tự nhủ, “Nếu không viết được thì làm sao mình xin tới trường” và tiếp tục cố gắng. Cuối cùng cậu cũng viết được bằng chân và . . . viết trên đất. Rồi cậu thuyết phục được cha mẹ cho đến lớp cùng các bạn mà chỉ để nghe, để nhìn cho đở . . . thèm học.


Nhưng với sự quyết tâm vô bờ bến của cậu, mới đầu là hòn sỏi, sau là cây viết, cây thước . . . Thành đã tập luyện ngày đêm và thành công sử dụng chúng như khi vẫn còn hay bàn tay của mình. Không những viết chữ được, vẽ hình được mà cậu còn viết đẹp, viết nhanh theo kịp các bạn trong lớp. Nhìn những chữ viết rõ ràng, sạch đẹp, và phóng khóang của Thành không ai có thể ngờ đó nét bút của một học sinh tàn tật viết từ bàn chân! Cả một khung trời tươi sáng mở cửa lại cho Thành.



Nhiều người nghĩ chắc Thành chỉ đi học để biết chữ, biết cộng trừ nhân chia rồi ở nhà phụ cha mẹ những chuyện lặt vặt. Nhưng không, mục tiêu của cậu là lên được đại học. Từ lớp 6 đến lớp 12, Thành liên tục là học sinh xuất sắc và tốt nghiệp Trung Học Phổ Thông với số điểm 9,5 trên 10 trong 2 môn Tóan và Vật Lý. Khi còn học cấp 3, Thành còn dạy kèm cho các bạn cùng lớp trong xóm. Vì Thành học giỏi nên bạn học trong xóm thường xuyên tới hỏi bài lúc đầu vài đứa sau tăng dần lên hơn chục cô cậu. Thành chỉ dạy miễn phí.


Sau đó Thành ra Hà Nội thi lên đại học và đậu kỳ thi tuyển vào hai trường đại học: Đại Học Công Nghiệp và Đại Học Nông Nghiệp. Thành chọn nghành Công Nghiệp, theo khoa Kỹ Thuật Phần Mềm.
Thành là người biết quyết tâm khai thác đúng mức những gì mình đang có để thực hiện hòai bảo đời mình. Tất cả chúng ta còn đủ chân tay và nhiều khi dồi dào các điều kiện thuận lợi khác cũng nên suy gẫm đừng nên lãng phí, nhất là thời gian và khối óc chúng ta.





Nghiệp Nguyễn sưu tầm
(Nguồn: Lê Hường-Ong Lý và Phương Nhung, “Sức phấn đấu của con người là vô hạn”, đăng trên Việt Tide, số 432, ngày 23 tháng 10, 2009)