Love Telling bethichconlua nhắn với Thiếu Nhi TCVN: bé chúc các bé trong gia đình TCVN nhà mình một năm mới tràn đầy niềm vui và tràn đầy hồng ân của Chúa..bethichconlua nhắn với Thiếu nhi TCVN: Chúc các em thiếu nhi một mùa hè ấm áp yêu thương bên gia đình, người thân và cộng đoàn nhé......Xin Chúa ban nhiều ơn lành cho tất cả... Amen.phale nhắn với con ong nhỏ: nhớ con ong nhỏ nhiều lắm ! cầu mong nơi ấy được bình yên.bethichconlua nhắn với DDTNCGVN: bé xin kính mời 12 giờ trưa Việt Nam, cả nhà cùng vào tham dự giờ kinh mỗi ngày trên DDTNCG này nhé ...Xin Chúa thương hiện diện và chúc lành. Amenbethichconlua nhắn với Các bé TCVN: Chúc các bé nhà mình luôn tràn đầy ơn ChúaNhật Minh nhắn với DDTNCG: Chúc mừng Giáng Sinhphale nhắn với F.X Nhatdong: Chúc mừng bổn mạng F.X Nhatdong! Chúc người tông đồ nhỏ mãi là tông đồ nhiệt thành! Ước mong em mãi yêu DĐTCVN và cùng chung tay xây dựng nhà nhỏ.DonRac nhắn với Diễn đàn TNCG: Đã khắc phục xung đột Mod và lỗi khung soan thảo dạng Trù Phú - ACE có thể đăng bài như bên Diễn đàn TCVNphale nhắn với tất cả mọi người: chúc toàn thể Thành Viên và Khách viếng thăm một Mùa Giáng Sinh An Lành – Thánh Đức – Tràn đầy Hồng ÂnF.X Nhatdong nhắn với phale: Con về rồi đây ạ... hihi!!

+ Trả Lời Ðề Tài
kết quả từ 1 tới 6 trên 6

Ðề tài: Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng Sáu

  1. #1
    hongbinh's Avatar

    Tham gia ngày: May 2011
    Tên Thánh: Gioan Baotixita
    Giới tính: Nam
    Đến từ: Giáo Xứ Thổ Hoàng
    Bài gởi: 898
    Cảm ơn
    678
    Được cảm ơn 1,025 lần trong 735 bài viết

    Default Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng Sáu

    HÃY NÂNG TÂM HỒN LÊN THÁNG SÁU
    1 THÁNG SÁU
    Hơi Thở Sự Sống
    Bản văn Thánh Kinh trong Sách Sáng Thế cho phép chúng ta hiểu rõ rằng con người – được tạo thành như thế – khác hẳn với toàn thể thế giới hữu hình, nhất là khác hẳn với thế giới động vật. Chính “hơi thở sự sống” đã làm cho con người có thể biết các động vật, có thể đặt tên cho chúng – và có thể nhận ra mình khác với chúng (St 2, 18 – 20).
    Mặc dù trình thuật Gia-vít về cuộc tạo dựng con người không nói đến “linh hồn”, ta vẫn dễ dàng nhận ra từ trình thuật này rằng sự sống con người là một sự sống siêu việt trên sự sống thuần túy chất thể của động vật, rằng sự sống vượt quá vật chất để vươn tới chiều kích tinh thần. Đây chính là nền tảng cốt yếu của “hình ảnh Thiên Chúa” mà bản văn Sáng Thế 1, 27 nói về.
    2 THÁNG SÁU
    Triều Thiên Của Tạo Vật
    Con người là một thể thống nhất, là duy nhất trong chính mình. Nhưng trong thể thống nhất này có hàm chứa tính lưỡng diện. Thánh Kinh trình bày cả thể thống nhất (ngôi vị) lẫn tính lưỡng diện (hồn và xác) của con người. Chẳng hạn, Sách Huấn Ca viết: “Đức Chúa lấy đất mà tạo ra con người, rồi lại đưa con người trở về đất” (Hc 17, 1 – 2). Nhưng Sách Huấn Ca cũng viết: “Người ban cho chúng trí khôn, luỡi, mắt, tai, và trái tim để chúng suy nghĩ. Người làm cho chúng được đầy kiến thức thông minh, tỏ cho chúng biết điều tốt điều xấu.” (câu 5 – 6)
    Từ quan điểm này, Thánh Vịnh 8 thật hết sức có ý nghĩa. Con người được tôn dương là một tuyệt tác khi tác giả thánh vịnh nói với Thiên Chúa bằng những lời này: “… con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến; phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm? Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo, đặt muôn loài muôn sự dưới chân” (câu 5 – 7).
    3 THÁNG SÁU
    Bản Tính Lưỡng Diện Của Chúng Ta
    Người ta thường nhấn mạnh rằng truyền thống Thánh Kinh nêu bật tính duy nhất của ngã vị con người khi sử dụng những từ ngữ như “xác phàm” hay “nhục thể” để chỉ con người xét như một toàn thể (Tv 145,21; Ge 3,1; Is 66,23; Ga 1,14). Cái nhìn ấy thật chính xác. Song điều đó không phủ nhận rằng trong truyền thống Thánh Kinh, tính lưỡng diện của con người cũng được trình bày – đôi khi một cách rõ rệt. Truyền thống này được phản ảnh nơi lời Đức Kitô: “Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn và xác trong hỏa ngục” (Mt 10,28).
    Nhận từ email
    NƯỚC TRỜI LÀ CỦA TUỔI THƠ

  2. Các thành viên đã cám ơn hongbinh vì bài viết này:


  3. #2
    hongbinh's Avatar

    Tham gia ngày: May 2011
    Tên Thánh: Gioan Baotixita
    Giới tính: Nam
    Đến từ: Giáo Xứ Thổ Hoàng
    Bài gởi: 898
    Cảm ơn
    678
    Được cảm ơn 1,025 lần trong 735 bài viết

    Default Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng Sáu

    4 THÁNG SÁU
    Một Quá Trình Suy Tư Chậm Rãi
    Chúng ta có cơ sở Thánh Kinh để xem con người như một ngã vị duy nhất, và đồng thời như một luỡng diện gồm hồn và xác. Quan điểm này đã được trình bày trong toàn bộ truyền thống và trong giáo huấn của Giáo Hội. Giáo huấn này bao gồm không chỉ Thánh Kinh mà cả những chú giải thần học về Thánh Kinh nữa.
    Sự nhận hiểu này đã phát triển dưới ảnh hưởng của một số trường phái tư tưởng Hi lạp – trong đó có trường phái Aristôte. Một tiến trình suy tư chậm rãi đã đạt đến một mức tròn đầy nơi các tác phẩm của Thánh Tôma Aquinô. Chúng ta nhận thấy điều này trong các tuyên bố về con người tại Công Đồng Vienne vào năm 1312. Trong các văn kiện Công Đồng, linh hồn được gọi là “mô thức” của thân xác: “mô thức của thân xác con người, bởi chính nó và một cách thiết yếu” (DS 902). “Mô thức” này ấn định chính bản chất của hữu thể con người và nó có bản tính thiêng liêng. Xa hơn nữa, mô thức thiêng liêng ấy của con người – tức linh hồn – thì bất tử. Điều này đã trở thành giáo huấn chính thức của Công Đồng La-tê-ra-nô V năm 1513: “Linh hồn thì bất tử, trái lại, thân xác thì khả diệt” (DS 1440).
    Trường phái suy tư do Thánh Tôma Aquinô đặt nền móng cũng dạy rằng do bởi tính hiệp nhất trong bản thể giữa xác và hồn, nên sau khi chết linh hồn mãnh liệt hướng đến tái hiệp nhất với thân xác. Và quan điểm thần học này được củng cố bởi chân lý mạc khải về sự phục sinh của thân xác.
    Ngay cả dù các thuật ngữ triết học mà chúng ta dùng để diễn tả tính duy nhất và tính phức hợp (hay lưỡng diện) của con người có thể bị chất vấn lúc này lúc khác, thì tính duy nhất của ngôi vị con người và tính lưỡng diện (tinh thần – xác thể) của nó cũng hoàn toàn có nền tảng trong Thánh Kinh và trong truyền thống. Người ta thường cho rằng con người là “hình ảnh của Thiên Chúa” bởi vì con người có khía cạnh “hồn”. Tuy nhiên, giáo huấn truyền thống không hề loại trừ quan điểm rằng thân xác cũng tham dự vào phẩm giá “hình ảnh của Thiên Chúa” – cũng như nó tham dự vào trọn vẹn phẩm giá của ngôi vị xét như cả tinh thần lẫn xác thể.
    5 THÁNG SÁU
    Mạc Khải Và Thuyết Tiến Hóa
    Trong thời hiện đại của chúng ta, giáo thuyết mạc khải rằng con người được tạo dựng như một hữu thể gồm cả hồn lẫn xác đã gặp một khó khăn đặc biệt do thuyết tiến hóa dấy lên. Nhiều nhà khoa học nghiên cứu nguồn gốc con người chủ trương rằng không những có một mối liên kết giữa con người và toàn bộ thế giới tự nhiên mà, hơn nữa, con người đã tiến hóa từ các động vật thượng đẳng. Vấn đề nguồn gốc con người đã taọ ra sự tranh luận công khai và rộng rãi. Nó đã trở thành mối quan tâm chủ yếu của nhiều nhà khoa học trong hơn một thế kỷ nay.
    Câu trả lời của huấn quyền được tìm thấy trong Thông Điệp Humani generis (1950) của Đức Piô XII: “Huấn quyền Giáo Hội không có gì chống lại học thuyết tiến hóa, trong mức độ mà thuyết tiến hóa tìm kiếm nguồn gốc của thân xác con người nơi một chất thể sống động và hiện hữu trước – vì đức tin Công Giáo khẳng định rằng linh hồn người ta do Thiên Chúa trực tiếp tạo dựng…” (DS 3896).
    Vì thế, từ quan điểm giáo thuyết, không có gì trở ngại để tin rằng thân xác con người đã tiến hóa từ các loài động vật thượng đẳng. Song cũng cần phải nhớ rằng thuyết tiến hóa cũng chỉ là một giả thuyết. Nó nêu lên một khả tính rằng một điều gì đó có thể đúng. Nó không phải là một sự chắc chắn về mặt khoa học. Đàng khác, giáo huấn đức tin dạy chúng ta một cách chắc chắn rằng linh hồn thiêng liêng của con người được Thiên Chúa trực tiếp tạo dựng.
    Nói vậy có nghĩa là thân xác con người có thể đã được chuẩn bị từng bước cho con người, theo một thứ tự do Đấng Tạo Hóa vạch định. Nhưng, linh hồn con người không thể phát xuất từ vật chất, vì linh hồn có bản tính thiêng liêng. Và chính linh hồn là yếu tố quyết định định mệnh cuối cùng của con người.
    6 THÁNG SÁU
    Những Hữu Thể Siêu Việt
    Công Đồng Vatican II nói về nguồn gốc con người trong công cuộc sáng tạo: “Con người duy nhất với xác và hồn. Xét về thể xác, con người là một tổng hợp những yếu tố thuộc thế giới vật chất. Vì thế nhờ con người mà những yếu tố ấy đạt tới tuyệt đỉnh của chúng” (MV 14).
    Rồi sau đó, các Nghị Phụ của Công Đồng tuyên bố: “Thực vậy, con người không lầm lẫn khi họ nhận biết mình cao cả hơn vũ trụ vật chất và không coi mình chỉ như một mảnh vụn của thiên nhiên… Bởi vì, nhờ có nội giới, con người vượt trên mọi vật.”
    Như vậy. ta thấy rằng sự thật về duy nhất tính và lưỡng diện tính của bản tính con người có thể được trình bày bằng một ngôn ngữ có thể hiểu được đối với thế giới ngày nay.
    NƯỚC TRỜI LÀ CỦA TUỔI THƠ

  4. Các thành viên đã cám ơn hongbinh vì bài viết này:


  5. #3
    hongbinh's Avatar

    Tham gia ngày: May 2011
    Tên Thánh: Gioan Baotixita
    Giới tính: Nam
    Đến từ: Giáo Xứ Thổ Hoàng
    Bài gởi: 898
    Cảm ơn
    678
    Được cảm ơn 1,025 lần trong 735 bài viết

    Default

    7 THÁNG SÁU
    Ngài Tạo Nên Con Người
    Có Nam Có Nữ

    “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình; Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa; Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (St 1,27). Người nam và người nữ được tạo dựng với phẩm giá bình đẳng trong tư cách là những ngôi vị chia sẻ cùng một sự duy nhất của tinh thần và thể xác. Tuy nhiên, họ khác nhau về thể lý và về tâm lý. Thực vậy, hữu thể con người mang dấu vết của cả nam tính lẫn nữ tính.
    Đó là một dấu vết khác biệt, song đó cũng là một dấu vết cho thấy đặc tính bổ sung lẫn cho nhau. Ta có thể nhận ra điều ấy qua bản trình thuật Gia-vít về cuộc sáng tạo. Người nam, khi nhìn thấy người nữ mới được tạo dựng, thốt lên: “Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi” (St 2,23). Đó là những tiếng nói vui mừng và sung sướng khi con người cảm nhận được một hữu thể giống như mình về mặt yếu tính.
    Đó là sự phong phú trong công cuộc sáng tạo loài người. Có những dị biệt về tâm lý và về thể lý giữa hai phái tính, tuy nhiên hai bên bổ khuyết cho nhau. Thật là một di sản độc đáo của con cháu A-đam xuyên qua giòng lịch sử của mình. Hôn nhân nhận lấy sự sống của nó cũng chính từ thực tại này. Hôn nhân được thiết lập từ đời đời bởi chính Đấng Tạo Hóa: “Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt.”

    8 THÁNG SÁU
    Một Cộng Đồng Nhân Vị


    Bản văn Sáng Thế 2,24 được kết hợp với lời chúc phúc được ghi lại trong Sáng Thế 1,28: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất”. Chúng ta nhận ra rằng hôn nhân và gia đình – vốn là một phần của mầu nhiệm sáng tạo con người – được nối kết bởi mệnh lệnh “thống trị” mặt đất. Mệnh lệnh này được Đấng Tạo Hóa ủy thác cho đôi vợ chồng đầu tiên.
    Con người được kêu gọi thống trị mặt đất, nhưng con người phải cẩn thận. Con người được kêu gọi để thống trị mặt đất chứ không phải để hủy diệt nó; vì công trình sáng tạo là một quà tặng của Thiên Chúa và xứng đáng được chúng ta tôn trọng. Người nam và người nữ được mời gọi để thống trị mặt đất cùng với nhau. Và mối kết hợp này là gốc rễ phát sinh gia đình và xã hội.
    Con người là hình ảnh của Thiên Chúa không chỉ vì con người là nam và là nữ – nhưng còn vì mối quan hệ hỗ tương của phái tính. Mối quan hệ ấy làm nên linh hồn và trái tim của “cộng đồng nhân vị”. Nó trở thành một thực tại qua Bí Tích Hôn Nhân và mang dáng dấp của sự hiệp nhất ba ngôi vị thần linh nơi Chúa Ba Ngôi.
    Về chủ đề này, Công Đồng Vatican II tuyên bố: “Thiên Chúa đã không dựng nên con người cô độc – bởi vì từ khởi thủy, ‘Ngài đã tạo dựng có nam có nữ’ (St 1,27); sự liên kết giữa họ đã tạo nên một thứ cộng đoàn đầu tiên giữa người với người. Thực vậy, tự bản tính thâm sâu của mình, con người là một hữu thể có xã hội tính; và nếu không liên lạc với những người khác, con người sẽ không thể sống và thể hiện các khả năng của mình” (MV 12).

    9 THÁNG SÁU
    Trật Tự Của Tạo Vật
    Trong dự Định Của Thiên Chúa


    Trong trật tự của tạo vật, con người tham dự vào toàn bộ các mối tương quan: tương quan với thế giới, tương quan giữa nam và nữ, tương quan với đồng loại. Ơn gọi “thống trị mặt đất” cho chúng ta thấy đặc tính quan hệ của sự sống con người. Con người cai quản mọi loài; con người xây dựng và phát triển một gia đình cùng với người bạn đời của mình; con người hợp tác với đồng loại để hình thành một xã hội phục vụ thiện ích chung. Những mối quan hệ này thật xứng hợp với nhân vị xét như hình ảnh của Thiên Chúa. Ngay tự đầu tiên, những mối quan hệ ấy đã thiết định vai trò của con người ở giữa vạn vật.
    Chính vì định mệnh ấy mà con người đã được kêu gọi vào hiện hữu trong tư cách là một chủ thể (một cái ‘tôi’ cụ thể), được ban cho trí tuệ, lương tâm và tự do. Khả năng suy nghĩ làm cho con người khác biệt một cách nền tảng so với toàn thể thế giới động vật. Động vật chỉ có thể cảm nhận các thứ qua các giác quan của chúng. Còn trí năng con người giúp con người biện biệt phân định giữa thật và giả. Khả năng ấy mở ra cho con người các lãnh vực khoa học, tư duy, triết lý, thần học. Chính nhờ bản tính của mình mà con người nắm bắt được chân lý nơi mọi sự. Con người ở trong một tương quan với chân lý – và mối tương quan này thiết định vai trò của con người xét như một sinh vật có định mệnh thuộc linh. Khả năng hiểu biết chân lý bộc lộ nơi mọi mối tương quan giữa con người với thế giới và với người khác. Nó thiết lập một nền tảng khẩn thiết cho mọi sắc dạng văn hóa.

    10 THÁNG SÁU
    Sự Tự Do Chọn Lựa


    Bên cạnh trí năng và mối quan hệ của nó với chân lý, con người còn có ý chí để chọn lựa. Và ý chí chọn lựa này có liên hệ mật thiết với sự thiện. Mọi hành vi nhân linh đều có bao gồm một hành vi của ý chí và khả năng chọn lựa.
    Xuất phát từ nhận hiểu căn bản ấy về con người, chúng ta thấy tự nhiên bật ra vấn đề luân lý. Con người có khả năng chọn lựa giữa điều tốt và điều xấu, được hướng dẫn bởi tiếng nói lương tâm. Lương tâm hướng dẫn con người làm điều tốt và lôi kéo con người trở về từ đường nẻo xấu xa.
    Rõ ràng, ý chí tự do của con người chi phối đến mối quan hệ của con người với thế giới, với đồng loại, và làm cho con người khao khát Thiên Chúa và những gì thuộc về Ngài. Và như chúng ta đã thấy, cũng chính ý chí tự do thúc đẩy con người kiếm tìm chân lý. Thực vậy, bản tính thuộc linh của con người là cơ sở thiết yếu của các khả năng suy lý và lựa chọn tự do. Từ đầu tiên, con người nhận thấy mình ở trong một mối quan hệ đặc biệt với Thiên Chúa. Bản trình thuật về sáng tạo trong Thánh Kinh (St 1-3) cho chúng ta thấy rằng “hình ảnh của Thiên Chúa” được mạc khải trước hết trong mối quan hệ của con người (xét như chủ thể) với Thiên Chúa (xét như đối tượng). Con người biết Thiên Chúa; trái tim và ý chí con người có khả năng kết hiệp với Thiên Chúa. Con người có thể nên một với Thiên Chúa! Con người có thể nói “VÂNG” với Thiên Chúa. Dĩ nhiên, con người cũng có thể nói “KHÔNG”. Con người có khả năng đón nhận Thiên Chúa và thánh ý Ngài; song con người cũng có khả năng chống lại Thiên Chúa và chống lại các hoạch định của Ngài
    NƯỚC TRỜI LÀ CỦA TUỔI THƠ

  6. Các thành viên đã cám ơn hongbinh vì bài viết này:


  7. #4
    hongbinh's Avatar

    Tham gia ngày: May 2011
    Tên Thánh: Gioan Baotixita
    Giới tính: Nam
    Đến từ: Giáo Xứ Thổ Hoàng
    Bài gởi: 898
    Cảm ơn
    678
    Được cảm ơn 1,025 lần trong 735 bài viết

    Default

    11 THÁNG SÁU
    Biết Phân Định Tốt Xấu

    Con người được tạo dựng “theo hình ảnh của Thiên Chúa”; mầu nhiệm này còn được trình bày trong các sách khác của Thánh Kinh. Chẳng hạn, ta đọc thấy trong Sách Huấn Ca: “Đức Chúa lấy đất mà tạo ra con người… rồi lại đưa con người trở về đất. Người cho nó quyền thống trị vạn vật trên mặt đất. Người mặc cho nó sức mạnh tương xứng với mình, và theo hình ảnh mình mà làm ra nó. Người phú bẩm cho mọi xác phàm lòng kính sợ Người, để chúng thống trị muôn chim cầm thú. Người ban cho chúng trí khôn, luỡi, mắt, tai, và trái tim để chúng suy nghĩ. Người làm cho chúng đầy kiến thức thông minh, tỏ cho chúng biết điều tốt điều xấu. Người đặt con mắt mình vào tâm hồn chúng, để chúng nhận ra các công trình vĩ đại của Người … Người còn ban kiến thức cho chúng, và cho thừa hưởng luật đem lại sự sống; Người đã lập với chúng một giao ước muôn đời, và tỏ cho thấy những điều Người phán quyết” (Hc 17,1. 2b – 7. 9 – 10).
    Cần phải suy niệm thật kỹ bản văn phong phú và sâu sắc trên của Sách Huấn Ca. Hãy ôm ấp những lời ấy trong lòng mình và hãy xích lại gần hơn với Thiên Chúa.

    12 THÁNG SÁU
    Chúng Ta Quyết Định
    Vận Mệnh Của Chính Mình


    Công Đồng Vatican II diễn tả cùng sự thật ấy về con người bằng những ngôn từ vừa bất hủ vừa rất chính xác đối với thời đại hôm nay: “Con người chỉ có thể quay về với sự thiện một cách tự do … Phẩm giá con người đòi họ phải hành động theo sự lựa chọn ý thức và tự do” (MV 17). “Nhờ có nội giới, con người vượt trên mọi vật. Khi quay về với lòng mình tức là họ trở về với nội giới thâm sâu này, ở đó Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm hồn, đang chờ đợi họ; và cũng chính nơi đó con người tự định đoạt về vận mệnh riêng của mình dưới con mắt của Thiên Chúa” (MV 14).
    Sự tự do đích thực của con người là sự tự do đặt nền tảng trên sự thật. Từ nguyên thủy, sự tự do này đã mạc khải hình ảnh của Thiên Chúa nơi con người. Vâng, sự thật giải phóng con người để con người trở nên chính mình một cách viên mãn trong Đức Kitô.

    13 THÁNG SÁU
    Hơn Hết Mọi Loài Thụ Tạo

    Chúng ta vừa nới mô tả khuôn mặt độc đáo của con người trong tư cách là kẻ có thể hiểu biết và suy lý để đạt đến sự thật trong tận bản chất mọi sự. Con người có thể tự do chọn lựa làm điều đúng và tốt. Như vậy, con người được mời gọi nhận định những nhu cầu đích thực của đồng loại mình và thiết lập công lý. Và, thông thường, con người được mời gọi đảm nhận đời sống hôn nhân, trong đó người này tự nguyện trao hiến chính mình cho người kia và xây dựng một cộng đồng hiệp thông nhân vị. Chính mối hiệp nhất này là nền móng của gia đình và xã hội.
    Nhưng tất cả không chỉ có vậy. con người còn được mời gọi đi vào trong một giao ước với Thiên Chúa. Quả thật, con người không chỉ là một tạo vật của Đấng Tạo Hóa mà còn là hình ảnh của Thiên Chúa. Mối quan hệ đặc biệt này giữa Thiên Chúa và con người làm cho việc thiết lập giao ước trở thành có thể. Chúng ta nhận ra giao ước này trong trình thuật về cuộc sáng tạo ở ba chương đầu Sách Sáng Thế. Chính sáng kiến đi trước của Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo, lập nên giao ước này. Và giao ước này vẫn không thay đổi xuyên qua lịch sử cứu độ cho đến khi Thiên Chúa thiết lập giao ước vĩnh cửu với con người trong Đức Giêsu Kitô.

    14 THÁNG SÁU
    Tham Dự Vào Sự Sống Của Thiên Chúa


    Con người có thể đi vào trong một quan hệ giao ước với Thiên Chúa, vì con người đã được tạo dựng theo hình ảnh của chính Thiên Chúa. Điều này làm cho con người có thể hiểu biết chân lý và chọn lựa những gì đúng và tốt. Thật vậy, sự kiện con người mang hình ảnh Thiên Chúa chính là căn bản cho tiếng gọi tham dự vào sự sống nội tại của Thiên Chúa. Như vậy Thiên Chúa có thể mạc khải những thực tại siêu nhiên cho con người.
    Đây là một mầu nhiệm cao cả mà Thiên Chúa đã vén mở cho chúng ta. Ngài đã tạo thành chúng ta theo hình ảnh Ngài và giống như Ngài, không chỉ để cho ta có thể trở thành người một cách trọn vẹn, mà còn để ta có thể chia sẻ sự sống thần linh của Ngài. Thật là một ân huệ quá mức tưởng tượng! Nói cách khác, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần đã trao cho chúng ta tất cả những mạc khải và những ân sủng ta cần để ta có thể chia sẻ chính sự sống của Thiên Chúa. Chúng ta có tất cả những gì mình cần để đạt đến định mệnh tròn đầy của mình trong Đức Kitô và triển nở trong sự sống siêu nhiên của Thiên Chúa.

    15 THÁNG SÁU
    Thiên Chúa Cai Quản Mọi Sự
    Một Cách Tốt Đẹp


    “Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha Toàn Năng, Đấng tạo thành trời đất”. Lời tuyên tín đầu tiên này của Kinh Tin Kính sẽ không bao giờ ngừng tuôn đổ sự phong phú phi thường của nó cho chúng ta. Thiên Chúa là Cha và là Đấng tạo thành “mọi sự hữu hình và vô hình”. Ngài cai quản muôn loài bằng sự quan phòng thần linh của Ngài.
    Với những suy tư về công cuộc sáng tạo, đã đến lúc chúng ta bắt đầu một loạt các giáo huấn về chủ đề sự quan phòng của Thiên Chúa. Sự quan phòng này nằm trong chính cốt lõi đức tin Kitô giáo và trong đáy lòng của mọi người được mời gọi đến với đức tin. Thiên Chúa là Cha khôn ngoan và toàn năng của chúng ta. Ngài hiện diện và hành động trong thế giới. Xuyên qua sự quan phòng thần linh của Ngài, Thiên Chúa lo liệu sao cho mọi tạo vật có thể sống trọn vẹn trong sự hiện diện của Ngài. Một cách đặc biệt, Ngài lo liệu cho chúng ta và các nhu cầu của chúng ta, bởi vì chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Ngài và giống như Ngài. Thiên Chúa – là Cha chúng ta – mong muốn rằng hành trình của chúng ta được hướng dẫn bởi chân lý tình yêu của Ngài, trong khi chúng ta tiến về mục tiêu là sự sống vĩnh cửu trong Ngài.
    NƯỚC TRỜI LÀ CỦA TUỔI THƠ

  8. Các thành viên đã cám ơn hongbinh vì bài viết này:


  9. #5
    hongbinh's Avatar

    Tham gia ngày: May 2011
    Tên Thánh: Gioan Baotixita
    Giới tính: Nam
    Đến từ: Giáo Xứ Thổ Hoàng
    Bài gởi: 898
    Cảm ơn
    678
    Được cảm ơn 1,025 lần trong 735 bài viết

    Default

    16 THÁNG SÁU
    Có Thể Tin Tưởng
    Dù Ngay Giữa Khổ Đau


    “Vì sao Thiên Chúa đã tạo nên chúng ta?” Câu hỏi ấy đã được đặt ra trong sách giáo lý Kitô giáo hay trong giáo huấn về đời sống Kitôhữu. Trong ánh sáng đức tin kiên vững của Giáo Hội, chúng ta (cả người trưởng thành lẫn thanh thiếu niên) cần phải tâm niệm những lời này: “Thiên Chúa đã tạo nên ta để ta hiểu biết và yêu mến Ngài trong cuộc sống này và để sống với Ngài mãi mãi trong cuộc sống đời sau”.
    Đó là một chân lý lớn lao và chắc chắn về Thiên Chúa. Ngài là Cha Trên Trời của chúng ta và là Đấng hướng dẫn cuộc sống chúng ta bằng sự tiếp xúc êm ái và đầy yêu thương của Ngài. Ngài muốn chúng ta sống với Ngài mãi mãi.

    17 THÁNG SÁU
    Sự Quan Phòng Của Thiên Chúa


    Chúng ta được mời gọi ký thác trọn vẹn cuộc sống mình cho Thiên Chúa Quan Phòng. Như lời tác giả thánh vịnh: “Hồn con, con vẫn trước sau, giữ cho thinh lặng giữ sao thanh bình. Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con, hồn lặng lẽ an vui” (Tv 131,2). Thế nhưng, lúc này lúc khác, chúng ta xem ra không dám ký thác chính mình cho Thiên Chúa là Chúa Tể và là Đấng Cứu Độ chúng ta. Tâm trí chúng ta bị che phủ bởi các vấn đề. Chúng ta quên bẵng Đấng Tạo Thành. Cũng có thể chúng ta đang thực sự đắm chìm trong đau khổ và ta nghi ngờ tình yêu của Thiên Chúa, Cha của chúng ta.
    Kỳ thực, sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa vốn rất gần gũi chúng ta khi chúng ta gặp đau khổ. Có rất nhiều ví dụ trong Thánh Kinh. Chẳng hạn, Gióp không ngần ngại kêu van với Chúa – dù đang ở giữa nỗi khổ đau. Gióp thể hiện niềm tin tưởng lạ lùng vào Thiên Chúa. Niềm tin tưởng này không hề vu vơ. Lời Chúa xác nhận rằng sự quan phòng của Thiên Chúa, quyền năng cứu độ của Ngài, đổ tràn trên Dân của Ngài trong những giờ phút quẫn bách nhất của họ, bởi vì họ là con cái của Ngài. Trong đớn đau chất ngất cả thân xác lẫn tâm hồn, Gióp thốt lên: “Ai sẽ cho tôi biết phải tới đâu để tìm Ngài, và làm sao đến được nơi Ngài ngự? Tôi sẽ tỏ bày vụ việc trước nhan Ngài, miệng tôi chất chứa lời biện bạch” (G 23,3-4). Chúng ta hôm nay cũng thế, hãy đến trước Cha với tất cả những nhu cầu của chúng ta!

    18 THÁNG SÁU
    Sự Chọn Lựa Của Ta
    Và Kế Hoạch Không Dang Dở Của Thiên Chúa


    Hãy nhớ rằng chúng ta không lẻ loi một mình khi cố gắng nhận hiểu hoạt động cứu độ của Thiên Chúa trong thế giới. Các triết gia lớn, các bậc thầy của các tôn giáo lớn, và ngay cả những người bình dân thất học cũng vẫn trăn trở với dấu hỏi khó khăn này. Thậm chí một số người còn cố giải thích hành động của Thiên Chúa bằng một loại luận cứ nào đó.
    Rất nhiều câu trả lời đã được đề ra. Và không phải tất cả đều có thể được chấp nhận. Không có câu trả lời nào trong đó đạt mức toàn triệt. Từ những thời xa xưa, một số người đã nại đến định mệnh mù quáng hay số phận. Cũng có nhiều người coi thường ý chí tự do của con người khi nhấn mạnh đến sự tiền định. Trong thời đại của chúng ta, một số người cho rằng họ cần phải phủ nhận Thiên Chúa để khẳng định con người và sự tự do của con người.
    Tất cả những quan điểm ấy đều cực đoan và phiến diện, nhưng ít nhất chúng giúp chúng ta nhận ra những sự thật nào bật ra khi chúng ta cố gắng nhận hiểu sự quan phòng của Thiên Chúa. Làm thế nào có thể hòa hợp hành động toàn năng của Thiên Chúa và sự tự do của chúng ta? Làm thế nào sự tự do của chúng ta có thể hòa hợp với những kế hoạch không thể gãy đổ của Thiên Chúa? Tương lai của chúng ta sẽ thế nào? Làm thế nào chúng ta có thể bắt đầu hiểu biết và nhìn nhận chân lý và sự khôn ngoan vô cùng của Thiên Chúa giữa những sự dữ ngập tràn thế giới này? Ta nghĩ sao về sự xấu xa của tội lỗi? Ta nghĩ sao về những đau khổ của bao con người vô tội?
    Lịch sử của chúng ta – với bao thăng trầm của các quốc gia, với những tai họa khủng khiếp lẫn những hành động cao cả và thánh thiện tuyệt vời – tất cả có nghĩa gì? Phải chăng có thể xảy ra một đại nạn cuối cùng chôn vùi vĩnh viễn hết mọi sự sống? Hay phải chăng thật sự có một Đấng Quan Phòng yêu thương mà chúng ta gọi là Thiên Chúa? Đó là Đấng Thiên Chúa vẫn luôn bao bọc chúng ta bằng thượng trí, khôn ngoan và lòng trìu mến của Ngài. Đó là Đấng Thiên Chúa dẫn dắt chúng ta thật quyết liệt nhưng cũng thật êm ái. Đó là Đấng Thiên Chúa hướng dẫn thế giới, hướng dẫn cuộc đời chúng ta, và thậm chí hướng dẫn ý chí phản loạn của chúng ta – nếu chúng ta chấp nhận để cho Ngài hướng dẫn. Đó là Đấng Thiên Chúa hướng dẫn chúng ta đến sự nghỉ ngơi của “ngày thứ bảy”, sự nghỉ ngơi của công trình tạo dựng đang tiến gần đến điểm thành toàn của mình.
    Đây là câu trả lời. Lời Chúa đứng chênh vênh giữa hai bờ hy vọng và thất vọng. Vâng, Lời Chúa trao cho chúng ta những lý do tuyệt vời để hy vọng. Lời Chúa luôn luôn mới mẻ tinh khôi. Lời Chúa xoáy vào trong tâm trí người ta với sứ điệp lạ kỳ của nó.

    19 THÁNG SÁU
    Tình Yêu Hôn Nhân
    Và Gia Đình Kitô hữu


    Nơi người Kitôhữu, vai trò làm cha làm mẹ trước hết là một thực tại luân lý và tâm linh. Người ta chỉ cần có mấy tháng để đưa một em bé vào đời, nhưng trọn cả đời người cũng không đủ để hoàn thành việc nuôi dạy đứa con. Thật vậy, có rất nhiều giá trị – cả nhân bản lẫn siêu nhiên – mà cha mẹ phải truyền đạt cho con cái mình. Bởi vậy, hành vi trao ban sự sống của cha mẹ có một chiều kích hoàn toàn nhân bản. Và điều này đòi hỏi thời gian, lòng kiên nhẫn, trí phán đoán, sự khéo léo và tình yêu thương mấy cũng không vừa. Đó là nẻo đường mà cả gia đình được mời gọi cùng nhau bước đi từ ngày này sang ngày khác. Trong đó, mọi thành viên của gia đình – cả cha mẹ lẫn con cái – sẽ trưởng thành ngày càng hơn. Quả vậy, các bậc cha mẹ sống tư cách làm cha làm mẹ một cách đầy trách nhiệm sẽ khám phá thấy rằng trong tình yêu hôn nhân của họ có những khía cạnh rất tuyệt vời mà họ vốn không ngờ.
    Những khía cạnh thâm sâu ấy của tình yêu hôn nhân cho phép chúng ta nhìn thoáng thấy chân trời rộng lớn ấy. Chúng ta nhận ra rằng tình yêu giữa người nam và người nữ siêu vượt trên kinh nghiệm về thời gian và nó tự mở ra tới viễn tượng sự phục sinh vinh quang của thân xác, ở đó sự sinh sản thể lý sẽ không còn, nhưng mối kết hợp tâm linh của hai tâm hồn sẽ vẫn tồn tại.
    Trong ánh sáng này, hình ảnh của Giu-se được nhận thấy có một ý nghĩa phi thường. Vì trong cuộc hôn nhân trinh khiết giữa ngài với Đức Trinh Nữ Maria, một cách nào đó ngài báo trước kinh nghiệm trọn vẹn về thiên đàng. Ngài cho chúng ta thấy sự phong phú của tình yêu phu phụ được xây dựng trên những hòa điệu thâm sâu của linh hồn và được nuôi dưỡng bằng nguồn mạch yêu thương không bao giờ cạn kiệt.
    Đây là một bài học rất có ý nghĩa cho thời đại chúng ta – một thời đại mà gia đình thường lâm vào khủng hoảng chỉ vì tựa vào một thứ tình yêu thiếu hẳn chiều sâu và sự phong phú này. Đàng khác, gia đình hôm nay in hằn những rối rắm, những nhấn mạnh thái quá đến bản năng và những sự lôi cuốn bên ngoài. Đành rằng bản năng và những lôi cuốn bên ngoài rất quan trọng, nhưng chúng không thể là nền tảng của tình yêu hôn nhân đối với các đôi vợ chồng Kitôhữu. Chúng ta hãy học lấy gương mẫu của Thánh Giu-se.
    “Này con, sao con nỡ làm thế? Kìa cha con và mẹ đã lo lắng tìm con” (Lc 2,48). “Cha con” – đó là Thánh Giu-se, chồng của Mẹ Thiên Chúa, và trước mặt người đời là cha của Giê-su Na-da-rét, Giê-su Kitô, Con Thiên Chúa. Câu nói trên là một lời khiển trách rất bình dị, rất ‘người’. Nhưng, trên tất cả, câu nói ấy bày tỏ mối ưu tư. Nỗi ưu tư này chính là đặc trưng của vai trò làm cha làm mẹ, từ khoảnh khắc thụ thai đứa con trong cung lòng người mẹ, xuyên qua tuổi ấu thơ và cả cho đến tuổi trưởng thành. Mối ưu tư ấy của cha và mẹ há không phải là phản ảnh của sự quan phòng thần linh đó sao?
    Và rồi, một câu nói khác nữa, lần này là của Đức Giê-su: “Cha mẹ không biết rằng con phải ở trong nhà Cha con sao?” (Lc 2,49). Câu nói của Giê-su, người con, nói với cha mẹ mình – là Giu-se và Maria. Câu nói ấy vén mở cho thấy rằng ở giữa mối ưu tư nói trên của cha và mẹ, vẫn có những khả năng cho đứa con lớn lên, vẫn luôn có khả năng cho tiếng gọiđến từ Thiên Chúa: “Con phải ở trong nhà Cha con…”

    20 THÁNG SÁU
    Một Đức Tin Chân Chất


    Ngôi Lời của Thiên Chúa vẫn chưa là cái gì tuyệt vời mấy đối với chúng ta bao lâu chúng ta chưa trực diện với những dấu hỏi thâm sâu nhất về cuộc sống. Đứng trước những vấn nạn căn bản nhất, chúng ta nhớ lại rằng Thiên Chúa đang hiện diện ở đây với mình. Ngài là Emmanuel, là Thiên Chúa ở với chúng ta (Is 7,14). Và qua con người Giê-su Na-da-rét đã chết và đã sống lại ấy, Con Thiên Chúa và là anh em của chúng ta đã “cư ngụ ở giữa chúng ta” (Ga 1,14).
    Thật vậy, tất cả những thử thách của Giáo Hội qua giòng thời gian đưa dẫn Giáo Hội tới chỗ không ngừng nỗ lực làm mới lại niềm khao khát sự hiện diện vĩnh cửu của Thiên Chúa. Trong cuộc tìm kiếm này, Giáo Hội luôn luôn được hướng dẫn bởi mẫu mực của Đức Kitô và bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần.
    Đó là lý do tại sao Giáo Hội phải nói lên và phải chỉ ra cho thế giới thấy ân sủng của Thiên Chúa và cảm nhận thường xuyên của mình về sự quan phòng của Thiên Chúa. Giáo Hội phải chia sẻ về tình yêu kỳ diệu này để cho người ta có thể được giải phóng khỏi sự đè nặng của bao mối nghi ngại. Vâng, con người phải ký thác trọn vẹn chính mình cho mầu nhiệm tình yêu hết sức cao cả, hết sức lớn lao và hết sức quyết liệt này.

    21 THÁNG SÁU
    Thiên Chúa Can Thiệp
    Vì Ích Lợi Của Chúng Ta


    Giáo Hội rao giảng về sự quan phòng của Thiên Chúa, không phải vì đó là sáng kiến của chính Giáo Hội, song bởi vì Thiên Chúa đã quyết định mạc khải chính Ngài. Chính Thiên Chúa là Đấng tự mạc khải chính Ngài và cứu độ dân Ngài, chính Ngài vén mở cho thấy kế hoạch cứu độ mà Ngài đã chuẩn bị từ đời đời. Trong ánh sáng này, Thánh Kinh là bản trình thuật vĩ đại nhất về sự quan phòng của Thiên Chúa, bởi vì Thánh Kinh cho thấy rằng Thiên Chúa đã sáng tạo nên mọi sự từ đầu và Ngài can thiệp một cách kỳ diệu xuyên qua lịch sử cứu độ. Đây chính là sự quan phòng của Thiên Chúa – sự quan phòng này làm cho chúng ta trở thành những tạo vật mới trong một thế giới đổi mới nhờ tình yêu của Thiên Chúa trong Đức Kitô.
    Thánh Kinh đặc biệt nói về sự quan phòng thần linh trong các chương về sự sáng tạo và nhất là trong những chỗ qui chiếu đặc biệt đến công cuộc cứu độ trong Sách Sáng Thế và các Sách Ngôn Sứ, nhất là Sách Isaia. Thánh Phao-lô cũng có những suy tư sâu sắc về những kế hoạch khôn dò của Thiên Chúa diễn ra trong lịch sử, nhất là trong các Thư Ê-phê-sô và Cô-lô-sê. Trong các Sách khôn ngoan, các tác giả nhắm đến việc tái khám phá các kế hoạch và đường lối của Thiên Chúa. Tông Đồ Gio-an trong Sách Khải Huyền thì cố gắng khám phá lại ý nghĩa của các mục đích cứu độ của Thiên Chúa trong thế giới.
    Xem ra quan điểm Kitô giáo về quan phòng không chỉ là một chương khác của triết lý tôn giáo. Vâng, Thiên Chúa trả lời cho những vấn nạn sừng sững của Gióp (và của mọi người giống như Gióp) với nhãn giới Thánh Kinh về sự trung thành và sự quan phòng của Thiên Chúa đối với con người. Đây là một thần học rõ ràng về sự trợ giúp và sự can thiệp có sức cứu độ của Thiên Chúa khi Dân của Ngài đáp lại Ngài trong đức tin.

    22 THÁNG SÁU
    Thiên Chúa Mời Gọi Đích Danh
    Mỗi Người Chúng Ta


    Đồng thời, chúng ta cũng gặp thấy nơi truyền thống một hành trình kiên thủ trong đức tin. Ở đây, Giáo Hội là bạn đồng hành luôn sát cánh với con người. Giáo Hội luôn sẵn sàng khi con người yêu cầu những cách thế mới của sự quan phòng của Thiên Chúa. Các Công Đồng Vatican I và II, mỗi Công Đồng theo cách riêng mình, là những tiếng nói quí giá của Chúa Thánh Thần mà chúng ta không được phép dửng dưng. Giáo Hội mời gọi chúng ta suy tư lại về những chân lý sống động mà các Công Đồng ấy đã nêu ra, cũng như suy tư lại về những tài liệu quan trọng của truyền thống.
    Mọi câu hỏi nghiêm túc phải nhận được một câu trả lời thấu đáo. Đó là lý do tại sao chúng ta đang liên hệ tới những khía cạnh khác nhau của sự quan phòng thần linh trong nhiệm cục sáng tạo và cứu độ. Vì thế , chúng ta hãy dành thời gian để suy tư về chân lý vĩnh cửu mãi mãi tồn tại ấy. Đây là sự khôn ngoan siêu việt mà Thiên Chúa yêu thương con người và mời gọi con người tham dự vào trong kế hoạch cứu độ của Ngài. Con người được mời gọi nhận ra sự săn sóc ân cần của Thiên Chúa và hợp tác với ơn cứu độ của Ngài.

    23 THÁNG SÁU
    Một Sự Soi Dẫn Từ Trên

    Sự quan phòng của Thiên Chúa và sự tự do của con người không hề đối nghịch nhau. Đúng hơn,hai đàng hỗ tương mật thiết cho nhau. Hai thực tại ấy bộc lộ một mối hiệp thông yêu thương – trong đó Thiên Chúa tôn trọng và cùng làm việc với ý chí tự do của chúng ta. Chẳng hạn, khi suy xét đến vận mệnh tương lai của mình, chúng ta tìm thấy nơi mạc khải thần linh – nhất là nơi Đức Kitô – một sự soi sáng quan phòng giúp chúng ta thấy đường lối cứu độ và ý muốn của Chúa Cha.
    Chính Thiên Chúa thực hiện sự soi sáng đó, tuy rằng Ngài vẫn giữ mầu nhiệm này hoàn toàn kín nhiệm đối với chúng ta. Nhìn từ một viễn tượng như thế, ta thấy sự quan phòng của Thiên Chúa không phủ nhận sự hiện diện của sự dữ và đau khổ trong cuộc sống con người. Đúng hơn, sự quan phòng ấy trở thành một điểm tựa giúp ta có thể hy vọng cả trong những nỗi khổ đau, và thậm chí nó cho phép chúng ta thoáng thấy được bằng cách nào ta có thể rút điều tốt ra từ cái xấu.
    Công Đồng Vatican II đã nêu bật cho ta thấy sự quan phòng của Thiên Chúa khi Công Đồng qui chiếu đến sự tiến triển của thế giới sẽ xảy ra khi vương quốc Thiên Chúa triển nở, khi Công Đồng vén mở ra sự thường hằng và khôn ngoan của Thiên Chúa tình yêu. “Ai khôn ngoan hãy hiểu những điều này; ai thận trọng thì hãy nhận biết. Đường lối của Chúa thì ngay thẳng, trong đường lối đó người công chính bước đi, nhưng kẻ tội lỗi thì vấp ngã” (Hs 14,10).
    NƯỚC TRỜI LÀ CỦA TUỔI THƠ

  10. Các thành viên đã cám ơn hongbinh vì bài viết này:


  11. #6
    hongbinh's Avatar

    Tham gia ngày: May 2011
    Tên Thánh: Gioan Baotixita
    Giới tính: Nam
    Đến từ: Giáo Xứ Thổ Hoàng
    Bài gởi: 898
    Cảm ơn
    678
    Được cảm ơn 1,025 lần trong 735 bài viết

    Default

    24 THÁNG SÁU
    Thiên Chúa Không Ngừng Sáng Tạo


    Thiên Chúa gọi tất cả các tạo vật vào hiện hữu từ hư không. Nhưng hành động sáng tạo của Ngài vẫn còn tiếp tục không ngừng. Vì mọi sự đã được tạo thành sẽ không còn có thể hiện hữu nếu không được Đấng Tạo Hóa bảo tồn. Có thể nói, Thiên Chúa – Đấng đã tạo thành vũ trụ – vẫn tiếp tục sáng tạo qua việc gìn giữ mọi sự mà Ngài đã tạo thành.
    Chúng ta có thể nói rằng sự quan phòng của Thiên Chúa – hiểu theo nghĩa rộng nhất – được thể hiện trước hết nơi sự bảo vệ của Thiên Chúa đối với tạo vật. Ngài duy trì sự hiện hữu của tất cả những gì mà Ngài đã sáng tạo từ hư không. Sự quan phòng tựa như một xác nhận thường xuyên về công trình sáng tạo trong tất cả tính phong phú và đa dạng của nó. Sự quan phòng cho ta thấy Thiên Chúa – Đấng Sáng Tạo – vẫn liên lỉ hiện diện và hoạt động nơi tất cả những gì mà Ngài đã tạo thành. Đó là một sự hiện diện không ngừng sáng tạo và tác động đến những gốc rễ thâm sâu nhất của tất cả những gì hiện hữu. Thiên Chúa làm việc trong vai trò nguyên nhân đệ nhất của mọi hữu thể và mọi vận động.

    25 THÁNG SÁU
    Thiên Chúa Nâng Đỡ Hiện Hữu
    Và Chống Lại Hư Vô


    Nơi sự hiện diện của Thiên Chúa, chúng ta nhìn thấy ý muốn từ đời đời của Ngài được diễn tả ra vừa trong tư cách là Đấng Sáng Tạo vừa là người gìn giữ mọi sự. Ý chí của Ngài là một ý chí tối cao điều động mọi sự theo chính bản chất tốt lành của Ngài. Ngài tiếp tục hành động – như chính Ngài đã hành động trong hành vi sáng tạo đầu tiên – để nâng đỡ sự hiện hữu và chống lại hư vô, để ủng hộ sự sống và chống lại sự chết, để hậu thuẫn cho ánh sáng và chống lại sự tối tăm (Ga 1, 4 – 5).
    Nói tắt, Đấng Tạo Hóa bênh vực sự thật. Ngài bênh vực sự thiện và vẻ đẹp của tất cả những gì hiện hữu. Trong mầu nhiệm quan phòng của Ngài, Thiên Chúa tiếp tục quyết liệt khẳng định sự đánh giá của Ngài như được ghi trong Sách Sáng Thế: “Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp… Thiên Chúa thấy mọi sự Ngài đã làm ra quả là rất tốt đẹp” (St 1, 25. 31).

    26 THÁNG SÁU
    Mọi Sự Đều Phục Vụ Cho Điều Thiện Hảo


    Đề cập đến sự quan phòng của Thiên Chúa nghĩa là nhìn nhận rằng từ nguyên thủy, trong kế hoạch sáng tạo của Thiên Chúa không có chỗ cho sự dữ. Tuy nhiên, một khi sự dữ được con người gây ra và được Thiên Chúa cho phép xảy ra, thì rốt cục nó trở thành phụ thuộc đối với sự thiện: “Tất cả đều phục vụ cho điều thiện hảo”, như lời Thánh Phao-lô Tông Đồ (Rm 8, 28). Đây là một khẳng định cần được ta tìm hiểu thêm.
    Chúng ta đã ghi nhận rằng Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo, bênh vực cho sự thật. Sự thật về sự quan phòng của Thiên Chúa hiện diện trong toàn bộ mạc khải cũng như trong tạo vật. Sự thật ấy chính là điểm qui chiếu đầu tiên và nền tảng của tất cả những gì mà Thiên Chúa “bằng nhiều lần nhiều cách” muốn nói với con người “qua các tiên tri và – trong những ngày sau hết – qua Người Con” (Dt 1,1). Thật rất quan trọng việc đọc và suy tư về sự thật này trong Thánh Kinh – nơi mà nó được trình bày trực tiếp cho chúng ta. Cũng rất hữu ích việc nghiên cứu những tham chiếu gián tiếp cho thấy tính chân thật của mạc khải Thiên Chúa trong Thánh Kinh.

    27 THÁNG SÁU
    Trong Sự Chăm Sóc Ân Cần Của Cha

    Ngay từ thuở ban đầu, sự quan phòng của Thiên Chúa được xem như một chân lý nền tảng của đức tin. Huấn quyền của Giáo Hội luôn luôn khẳng định điều ấy, tuy rằng mãi đến Công Đồng Vatican I chân lý này mới được tuyên bố chính thức về mặt tín lý. Công Đồng nói về sự quan phòng của Thiên Chúa nơi tạo vật: “Mọi sự mà Thiên Chúa đã sáng tạo, Ngài gìn giữ và dẫn dắt bằng sự quan phòng của Ngài – sự quan phòng ấy bao trùm từ chân trời này tới chân trời kia và cai quản tất cả một cách tốt đẹp” (Kn 8,1), “Tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mắt Ngài (Dt 4,13), kể cả những gì sẽ xảy ra do sáng kiến tự do của các thụ tạo” (DS 3003).
    Bản văn của Vatican I nhằm đáp ứng cho những nhu cầu cụ thể của các tín hữu Công Giáo sống trong thế kỷ 19. Trước hết, Công Đồng muốn xác nhận giáo huấn vốn sẵn có của Giáo Hội về sự quan phòng, một giáo huấn bất biến có liên kết chặt chẽ với toàn bộ sứ điệp Thánh Kinh. Chúng ta nhận ra điều này trong những bản văn Cựu Ước và Tân Ước đã được trích dẫn trong bản văn của Công Đồng.
    Qua việc xác nhận giáo thuyết này, Công Đồng chống lại những sai lạc của thuyết duy vật và thuyết tự nhiên thần giáo (deism) của thế kỷ 19. Thuyết duy vật phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa. Thuyết tự nhiên thần giáo tuy nhìn nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa và sự sáng tạo thế giới song lại chủ trương rằng Thiên Chúa không hoạt động trong thế giới mà Ngài đã sáng tạo. Vì thế, có thể nói rằng thuyết này (deism) trực tiếp chống lại chân lý về sự quan phòng của Thiên Chúa.

    28 THÁNG SÁU
    Sự Quan Phòng Của Thiên Chúa:
    Một Xác Nhận Nền Tảng


    Việc tách biệt công cuộc sáng tạo khỏi sự quan phòng thần linh (thuyết tự nhiên thần giáo) và việc phủ nhận hoàn toàn sự hiện hữu của Thiên Chúa (thuyết duy vật) mở ngõ cho sự sai lầm của thuyết tất định duy vật (materialistic determinism). Ở đây con người và đời sống của con người trở thành hoàn toàn phụ thuộc vào một tiến trình phi ngã. Đối đầu với những tấn công này, chân lý về sự hiện hữu của Thiên Chúa và về sự quan phòng thần linh của Ngài giúp bảo đảm cho con người sự tự do và chỗ đứng của mình trong vũ trụ.
    Chúng ta nhận thấy sự thật này được khẳng định trong Cựu Ước. Chẳng hạn, Thiên Chúa được xem như một sự đỡ nâng mạnh mẽ và không gì có thể tiêu diệt được: “Con yêu mến Ngài, lạy Chúa là sức mạnh của con; lạy Chúa là núi đá, là thành lũy, là Đấng giải thoát con; lạy Thiên Chúa con thờ, là núi đá cho con trú ẩn, là khiên mộc, là Đấng cứu độ quyền năng, là thành trì bảo vệ!” (Tv 18, 2-3). Thiên Chúa là nền tảng vững chắc để con người có thể tựa vào, như lời tác giả thánh vịnh thốt lên đầy xác tín: “Lạy Chúa, số mạng con, chính Ngài nắm giữ” (Tv 16, 5).
    Sự quan phòng của Thiên Chúa là lời xác nhận hùng hồn của Ngài đối với tạo vật, nhất là đối với con người – triều thiên của mọi tạo vật. Sự quan phòng ấy đảm bảo quyền cai quản tối cao của con người trong thế giới này. Điều này không có nghĩa rằng các qui luật tự nhiên bị quyền cai quản tối cao của con người xóa bỏ. Trái lại, nó có nghĩa rằng chúng ta phải loại trừ thuyết tất định duy vật kia – một chủ thuyết giảm trừ toàn bộ sự hiện hữu của con người đến chỉ còn như một cái gì hoàn toàn tất định. Trong thực tế, một cái nhìn như vậy sẽ hủy diệt sự tự do chọn lựa của con người.
    Thiên Chúa – trong sự quan phòng của Ngài – chính là sự đỡ nâng tối thượng cho sự tự do của chúng ta. Đó là điều tốt lành và quí hóa biết bao!

    29 THÁNG SÁU
    Phê-rô và Phao-lô:
    Chết Cho Đức Tin


    Giáo Hội công bố cái chết tử đạo của hai Thánh Tông Đồ Phê-rô và Phao-lô. Và qua việc tưởng niệm cái chết của các ngài, chúng ta cử hành chính cuộc sống của các ngài. Thật vậy, cái chết không phải là kết cục của cuộc sống. Cái chết tựa như dấu ấn cuối cùng mà Thiên Chúa đóng trên toàn bộ cuộc hiện hữu trần thế của con người.
    Do đó, cái chết của hai Thánh Tông Đồ Phê-rô và Phao-lô cũng đồng thời trình bày lịch sử đời sống của các ngài. Cuộc sống của mỗi vị càng có ý nghĩa phi thường do bởi mối quan hệ của các ngài với Đức Kitô, Đấng đã gọi các ngài đi theo Người. Đức Kitô đã gọi Simon, con của Giôna, một ngư phủ ở Galilê, và đặt tên cho ông là Phê-rô – nghĩa là “đá”. Người cũng đã gọi Sao-lô thành Tarsus, vốn là một kẻ bách hại các Kitôhữu, và biến ông thành Phao-lô: vị Tông Đồ của các dân ngoại, “một khí cụ do Ta tuyển chọn” (Cv 9,15).
    Đời sống của các ngài thật rất phi thường – nhờ ở quyền năng của Chúa Thánh Thần, Đấng đã giúp các ngài làm chứng cho Đức Kitô chịu đóng đanh và phục sinh: “Người sẽ làm chứng về Thầy; cả anh em nữa, cũng làm chứng về Thầy…” (Ga 15,26-27).
    Cái chết thảm khốc mà cả Phê-rô và Phao-lô đã trải qua ở Rôma vào thời Nê-ron chính là tiếng nói cuối cùng của chứng tá ấy. Cái chết của các ngài – cái chết đổ máu vì đức tin – là sự hoàn thành trọn vẹn sứ mạng làm chứng của các ngài. Chính vì cái chết tử đạo ấy mà các ngài vẫn còn sống mãi một cách đặc biệt trong sự tưởng niệm của Giáo Hội. Trước hết, các ngài vẫn tiếp tục sống trong Thiên Chúa, Đấng “không phải là Thiên Chúa của kẻ chết nhưng là Thiên Chúa của người sống” (Mt 22,32). Các ngài vẫn sống trong Thiên Chúa cũng như tất cả chúng ta hiện đang sống trong Thiên Chúa.

    30 THÁNG SÁU
    Để Sống Trọn Vẹn, Chúng Ta
    Phải Ký Thác Chính Mình Cho Thiên Chúa


    Đức tin vào sự quan phòng thần linh vẫn luôn gắn kết chặt chẽ với chính ý nghĩa của đời sống con người. Người ta có thể đối diện với cuộc sống khi họ nắm chắc rằng mình không phó mặc cho định mệnh mù quáng. Thay vào đó, người ta có thể cậy dựa vào Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo và là Cha của mọi người. Như vậy, đức tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa giải phóng chúng ta khỏi sự sai lầm của thuyết định mệnh. Đức tin này được tóm tắt trong phần mở đầu Kinh Tin Kính: “Tôi tin vào Thiên Chúa, là Cha Toàn Năng.”
    Đức tin ấy được nhấn mạnh trong giáo huấn của Giáo Hội, nhất là nơi Công Đồng Vatican I và II. Chẳng hạn, Công Đồng Vatican II dạy rằng Thiên Chúa là Đấng “có lòng quan tâm từ phụ đối với mọi loài” (MV 24), cách riêng “đối với loài người” (MK 3). Một biểu hiện của mối quan tâm từ phụ này chính là “luật vĩnh cửu, khách quan và phổ cập của Thiên Chúa – qua luật này, Ngài xếp đặt, hướng dẫn và điều khiển cả hoàn vũ cũng như các hướng đi của cộng đoàn nhân loại trong ý định đầy khôn ngoan và yêu thương của Ngài” (TDTG 3).
    “Con người hiện hữu chỉ là do Thiên Chúa đã vì yêu thương nên tạo dựng con người, và cũng vì yêu thương mà luôn luôn bảo tồn con người; hơn nữa, con người chỉ sống hoàn toàn theo chân lý một khi tự ý nhìn nhận tình yêu ấy và phó thác cho Đấng tạo dựng mình” (MV 19).

    Nhận từ email
    NƯỚC TRỜI LÀ CỦA TUỔI THƠ

  12. Các thành viên đã cám ơn hongbinh vì bài viết này:


+ Trả Lời Ðề Tài

Tags for this Thread

Quuyền Hạn Của Bạn

  • Bạn không được gửi bài mới
  • Bạn không được gửi bài trả lời
  • Bạn không được gửi kèm file
  • Bạn không được sửa bài
  •  

Diễn Đàn Thiếu Nhi Công Giáo Việt Nam - Email: ddtncg@gmail.com