ĐỒNG XU MAY MẮN


Ảnh minh họa

Có câu chuyện “Đồng xu gửi gắm niềm tin” như sau:

Một buổi sáng mùa đông lạnh lẽo năm 1956, trên chuyến xe lửa, có một gia đình đang rời bỏ vùng đất nghèo khó của mình để đến thành phố Brooklyn, nước Mỹ xa lạ. David, cậu bé 13 tuổi, lo sợ nép vào lòng mẹ khi con tàu uốn mình đi qua những khúc quanh. Họ biết phía trước là vô vàn khó khăn đang chờ đợi nhưng họ vẫn nuôi niềm hy vọng vào tương lai.

Sau khi quen với cảm giác chao đảo trên xe lửa. David áp mặt vào khung cửa toa tàu và ngạc nhiên nhìn những tòa nhà cao chọc trời, những dòng xe cộ nối tiếp nhau. Lúc đó, một người đàn ông đứng tuổi đã cắt ngang cái nhìn cậu bé bằng lời chào thân thiết. Ông ngồi đối diện với David trong cùng một toa xe lửa, mặc cái áo khoác dày và đội mũ lông trông rất sang trọng. Da vid quan sát từng cử chỉ lịch thiệp của ông ấy, nhất là ánh mắt ấm áp và nụ cười của ông khi nhìn David:


- Các bạn mới đến đất nước này phải không?


Cha David gật đầu thay cho câu trả lời.




Người đàn ông nói lớn như thể muốn David nghe cuộc nói chuyện của ông với cha mẹ cậu:


- Vào những năm cuối thế kỷ 19, khi đến nước Mỹ, tôi cũng chỉ bằng cậu bé này –
Ông nhìn David và nói tiếp– Sau đó, tôi lên một chiếc xe buýt và gặp một người đàn ông lớn tuổi. Ông ấy nói rằng, ông cũng từng di cư đến Mỹ khi còn bé, lúc đó ông không có một xu dính túi. Nói xong, ông ta lấy ra một đồng xu và đặt nó vào tay tôi. Ông ấy bảo: “Đồng xu này đã mang lại may mắn cho cuộc đời ta. Giờ ta trao nó cho con và mong rằng nó cũng sẽ mang lại may mắn cho con như nó từng đem đến cho ta vậy”.


Nói rồi, người đàn ông liền cúi gần David và lấy từ trong túi áo một đồng xu, rồi nói:


- Là đồng xu này đây, con trai à ! Nó thật sự đã mang lại cho ta nhiều may mắn và thành công. Ta muốn connhận lấy nóchúc con sẽ gặp nhiều may mắn khi ở thành phố này.


Ông mở lòng bàn tay của David ra và đặt đồng bạc vào đó. David nắm chặt lấy đồng xu rất lâu. Ngày hôm sau, David ngắm đồng xu dưới ánh nắng mặt trời xuyên qua khung cửa sổ. Cậu bé nheo mắt để nhìn rõ đồng xu hơn. Đây không phải là đồng xu bình thường, nó được sản xuất vào thế kỷ 19 nhưng vẫn còn mới và sáng bóng.

****

50 năm trôi qua, kể từ ngày David gặp người đàn ông lạ trên chuyến tàu ấy. Cậu bé dân nhập cư nhỏ thó và lo sợ ngày nào, giờ đã là một người đàn ông thành đạt, hạnh phúc. Ông và người vợ đã nuôi dạy 4 đứa con trưởng thành. Các con ông đều đã lập gia đình và có cuộc sống riêng khá ổn. Mỗi khi nhìn những đứa cháu của mình được sống sung túc, hơn hẳn cuộc sống mà mình từng trải qua khi còn thơ ấu, David đều nhớ đến đồng xu may mắn ngày xưa.


David luôn giữ đồng xu đó bên mình. Ông thường tâm sự với vợ:


- Một ngày nào đó, nếu anh bắt gặp một cậu bé đang nép mình lo sợ trong lòng mẹ vì phải sống giữa những người không quen biết tại một đất nước xa lạ, anh sẽ động viên cậu bé rằng, cuộc sống phía trước sẽ mang lại nhiều niềm vui và sự khám phá thú vị. Nếu có niềm tin và sự nỗ lực hết mình thì nơi đây sẽ đem lại cuộc sống sung túc và thành đạt. Đó chính là ý nghĩa mà đồng xu và những lời nói khích lệ của ông già vô danh đã truyền cho người đàn ông đã tặng anh đồng xu, và rồi nó được truyền lại cho anh. Tới đây, anh sẽ truyền tiếp niềm tin ấy cho một đứa bé đến với nơi này.


SƯU TẦM

___________________

CHIA SẺ CHÚT SUY TƯ


1. Sự may mắn…


Đọc câu chuyện trên, tôi chợt nhớ câu chuyện sau đây:


Một hôm em gái tôi hỏi : - Anh hai có tờ 2 đô-la không ?Chi vậy ? tôi hỏi, Em gái tôi trả lời : - Người ta nói giữ tờ 2 đô-la trong bóp là làm ăn may mắn lắm. Nhiều người kiếm tờ 2 đô-la đổi giá cao lắm đó ! Tôi buồn cười quá, không hiểu ở đâu ra ý tưởng đó, nhưng cũng tìm cho em tôi tờ 2 đô-la để nó giữ trong bóp. Tôi nghĩ, thôi bước đầu cho em tôi “vững tin” một chút đi, dù “niềm tin” mơ hồ quá. Nhưng thấy nó tin thì cũng có tin vậy, nhưng nó vẫn rất chí thú làm ăn. Từ từ, sẽ nói với nó về ý nghĩa thật sự của đồng tiền may mắn khi có cơ hội. Thí dụ như cơ hội hôm nay, câu chuyện của “Đồng xu may mắn”.


Dù tin hay không tin chuyện số phận con người, nhưng không ai có thể bác bỏ chuyện may mắn ảnh hưởng trong đời mình.


Có thể lấy thí dụ hết sức thực tế trong Bóng Đá. Một đội bóng sở hữu nhiều đôi chân điêu luyện. Cuộc đấu lấn lướt hẳn đối phương. Hàng loạt những cuộc tấn công…

“Một cầu thủ X bên đội A đưa banh lên, đưa banh lên nữa…đường chuyền tuyệt đẹp…đồng đội nhận banh, lòn lách vượt qua đối phương…tuyệt vời…áp sát vào khung thành …sút…quả bóng lướt qua khung thành trong đường tơ kẽ tóc… rồi…ra ngoài… Thật đáng tiếc ! Một cầu thủ bên đội A…vẫn là đội A giữ bóng … đưa banh lên…tuyệt quá…chính xác... vượt qua hàng loạt những đối thủ truy cản… đối diện thủ môn …sút … không vào…quả bóng trúng sàng ngang rồi ra ngoài…”. Và không biết bao lần tương tự như thế dành cho đội bóng A.

“Đội bóng B giành được bóng…bất ngờ đưa banh qua cánh trái… một đường chuyền bóng rót sâu vào phần đất của đối phương. Một cầu thủ đội B nhận được banh, đưa banh qua cho cầu thủ Y…tấn công nhanh… đợt tấn công hiếm hoi của đội B tính từ đầu trận đấu…vẫn là Y… lướt qua đối phương…vẫn là Y…sút…vàoooo ! …vào rồi các bạn !… may mắn đã mỉm cười với đội B rồi các bạn ạ !”.


Sau đó là hàng loạt những cuộc tấn công trả đủa của đội A. Có những giây phút người ta tưởng sớm muộn gì cán cân cũng sẽ thay đổi…đội B sẽ bị đè bẹp…dân “cá độ” ai cũng tin như vậy. Nhưng …quả bóng vẫn cứ từ chối vào khung thành của đội B. 0-1 là kết quả cuối cùng của trận đấu mà hơn ai hết, huấn luyện viên là người thấm thía thế nào là sự may mắn.


Sự hiện diện của may mắn là …có thật ! Nó được diễn tả bằng nhiều cách nói, trong đó, có chữ “thời”. Khi gặp “thời” thì may mắn cứ đến liên tục, như “diều gặp gió”. Ông bà xưa thường nói: “Bôn ba chẳng qua thời vận”.


Thế nên, câu chúc đầu môi vào những dịp lễ, Tết…luôn có chữ “may mắn” trong đó. Chính vì thế mà vào dịp Tết, đặc biệt ở Miền Nam, người ta thích trang hoàng cây mai ở nhà và tặng nhau những nhành mai, hay chậu mai lắp ghép nho nhỏ, xinh xinh, đầy hoa vàng rực rỡ, vì hoa “mai” đồng âm với “may” nói lên sự may mắn.


Trước năm 1975, có lần tôi đi chơi Lễ Hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, Châu Đốc. trong những phần Lễ Hội, có nghi lễ “Vay Bà Đồng Tiền May Mắn”. Người đến vay sẽ được nhận một đồng tiền gọi là “Đồng Tiền May Mắn" của Bà” để về được Bà độ cho làm ăn phát đạt, sang năm, cũng vào ngày Lễ Hội của Bà sẽ trả lại cho Bà bằng cách “dâng cúng cho Bà” tùy hỉ để đền đáp ơn Bà. Đồng tiền vay lúc ấy là 1 đồng tiền kẽm thật. Người ta vay nhiều lắm, và những người đền ơn Bà cũng rất nhiều. Sau 1975, tôi không có dịp đi Lễ Hội này nữa. Nghe nói bây giờ cũng vẫn còn việc “vay đồng tiền may mắn của Bà”, nhưng tiền cho vay là tiền in giả giống tiền âm phủ vậy.


Đã hẳn, ai cũng có “niềm tin” riêng, nhưng rõ ràng, sự may mắn không phải là sức mạnh có sẵn nằm trong đồng tiền, hay trong chiếc lá, trong mảnh vải, trong chiếc thẻ… hay trong bất cứ một hình thức nào được coi như “lá bùa hộ mệnh”. Sự may mắn đi đôi với nghị lực và nỗ lực trường kỳ không ngừng vươn lên của mỗi người. Không ai “nằm há miệng chờ sung” mà sự may mắn bỗng chốc đem đến sự thành đạt như trong chuyện cổ tích Thần Tiên biến một điều ước trở thành hiện thực trong khoảnh khắc.


2. Những đồng xu quý giá…


Những đồng xu quý giá vì nó chuyên chở những lời khuyên quý báu

Thật may mắn, trong cuộc đời còn có những người tốt bụng biết quan tâm đến những người chung quanh…

Những người thân yêu, những người có tấm lòng cao thượng…có thể không có điều kiện luôn luôn ở bên ta. Họ có con đường của riêng họ, ta có con đường của riêng ta, nhưng ta và họ vẫn có thể đồng hành chung con đường đời, con đường nhân phẩm, con đường Chân Thiện Mỹ, con đường lý tưởng, con đường dẫn đến nguồn hạnh phúc đích thực của kiếp người. Đó là những tặng phẩm, những món quà vật chất và tinh thần, mà vì tình thương, vì tình người, vì tình đồng loại, người ta trao tặng cho nhau.


Trong câu chuyện “Đồng xu gửi gắm niềm tin”, ta nhận thấy trên chuyến xe trong cuộc hành trình, họ là những người xa lạ. Nhưng câu chuyện giữa họ không chấm dứt khi chuyến xe dừng lại. Có một điều chứng minh trái tim họ rộng mở, lòng tốt họ lan tỏa, tình người ấm áp, đó là “Đồng xu may mắn”.


Họ chuyền tay nhau “Đồng xu may mắn” từ thế hệ này qua thế hệ khác, gửi gắm vào đó tiếng nói của những con người có tâm huyết, có bản lĩnh, có ý chí, có nghị lực… để thăng tiến.


Có hằng trăm thứ loại “Đồng xu may mắn” mà những trái tim bao dung, những tâm hồn cao thượng, luôn muốn trao tặng cho ta, luôn muốn trao tặng cho đời…




Ngày ấy, tôi đi thi Tú Tài I (cuối năm Lớp 11 bây giờ). Tôi bị đau tim và cảm thấy rất mệt mỏi. Tôi muốn bỏ thi, nhưng tôi nghĩ đến ba mẹ, ở lại lớp một năm, thì tốn kém biết bao nhiêu. Tôi cố gắng vượt qua.


Ngày đi thi, ba đưa tôi đến tận trường thi, ở lại nhà quen cho đến khi tôi thi xong hai cha con cùng về. Buổi sáng đầu tiên đến trường thi, ba tôi bắt ngờ nắm lấy tay tôi, dúi vào bàn tay tôi mấy đồng chục đồng tiền kẽm. Tôi nói:

- Má có cho con tiền mà ba. Ba tôi trả lời : - Ba biết, con lấy đi. Ăn bánh uống nước nhiều thêm, ba ngày thi mệt lắm à !


Năm sau, đến ký thí Tú Tài II, tôi học quyết liệt…Tôi nhớ mấy đồng tiền kẽm của ba. Chắc ba không có tiền giấy, tiền giấy mẹ tôi đưa cho tôi hết cả rồi !


Tôi vượt qua Tú Tài II dễ dàng…vì nhớ những đồng tiền kẽm của ba…


“Đời kiêu bạc không dung hồn giản dị…” (VHC).
Sau này, tôi trải qua những đoạn đường đầy gian khổ, lúc đó, ba tôi đã mất. Tôi nhớ ba tôi vô cùng ! Và tôi vẫn nhớ những đồng tiền kẽm ba dúi vào tay tôi, tuy tôi không còn giữa được những đồng tiền ấy, nhưng hình ảnh nó khắc vào tâm trí tôi không thể mờ phai. Ba tôi dân nhà nông, không có những lời khuyên hoa mỹ nào, nhưng những đồng tiền gửi gắm tình yêu đã cho tôi nghị lực mạnh mẽ để tôi đứng lên mỗi lần đời đánh tôi gục ngã…






dòng đời cứ thế trôi đi...


Trong dòng đời, thế nào ta cũng gặp những “Đồng xu may mắn” mà ai đó công khai hay âm thầm gởi đến cho ta…


Trong dòng đời, thế nào cũng có lần ta gởi những “Đồng xu may mắn” cho ai đó mà ta thấy mình có bổn phận phải chia sẻ vì tình liên đới.

Tình thương không phải là những lời nói suông, cũng không phải là những lời kể lể tâng bốc về mình… Đơn giản, vì chúng ta cùng quan tâm đến nhau, giúp nhau vượt qua dòng đời của kiếp người nhiều gian khổ để cùng về đến bến bờ hạnh phúc.

Đó là Chân Lý Tình Người, là Đạo Lý Làm Người vậy !

MAI NHẬT THI