PDA

View Full Version : Tu Là Cõi Phúc.



bethichconlua
01-05-2009, 11:41 AM
TU LÀ CÕI PHÚC ĐẤY


»Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác Thập Giá mình mà theo.“ (Mc 8, 34)

Trong một dịp đi giúp tĩnh tâm, trên đường về tôi tiễn hai bà cụ ở nhà ga Stuttgart. Khi đang ngồi đợi Metro tới, chúng tôi nói chuyện trao đổi với nhau. Chẳng biết thế nào, nhưng rồi câu chuyện cũng đụng tới ,,tu hành“. Một trong hai người liền vỗ vai tôi và nói: ,,Tu là cõi phúc đấy!“

Đã nghe lời động viên này không biết bao nhiêu lần rồi. Mỗi lần như vậy, tôi lại thầm cám ơn về sự khuyến khích của người đối diện dành cho một kẻ tu hành. Nhưng sau đó tôi luôn tự hỏi mình: ,,cõi phúc ở đây có nghĩa gì vậy? Phải chăng đời tu là một thiên đàng dưới trần gian? Hay khung cảnh tu viện với mấy ông thầy tu hay mấy bà Sơ và tấm áo nhà tu làm cho ,,một góc hồng trần“ trở thành cõi phúc?“

,,Tu là cõi phúc đấy! Nhớ cố gắng mà tu nhé ! Ở ngoài đời nhiều bon chen và vất vả lắm cháu ơi!“ Đó là những lời kế tiếp mà hai bà cụ nhắn nhủ tôi. Lời nhắn nhủ của những người đã từng trải trong cuộc đời, đã phải chen chân vào chợ đời, phải bon chen với cuộc sống và vất vả cho tới khi tóc bạc răng long. Dưới cặp mắt của những người ,,nếm mùi đời“ thì tu thật là cõi phúc, vì với họ thì đi tu đâu phải lo lắng tới miếng cơm manh áo, đâu phải xắn tay áo lên và lội xuống vũng bùn lầy của cuộc sống, và cũng chẳng phải đụng chạm tới ai cả. Tối ngày ăn, học, đọc kinh và ngủ, đôi khi cũng làm việc đôi chút, mà công việc thì thoải mái và dễ chịu biết bao, ngoài ra không phải đụng đến tiền bạc, và cũng chẳng có con cái để lo lắng. ,,Vì vậy, tu là cõi phúc rồi.“ Khi đọc những suy nghĩ trên của nhiều người, tôi cảm thấy có một mùi vị ,,trốn đời“ trong đời tu. Tu mà đi tìm một nơi thoải mái, một chốn an nhàn thì chẳng thuyết phục gì. Cõi phúc như vậy, thì thực sự chán chết đi được.

Cách đây khoảng mười hai năm. Lúc đó tôi đang chập chững bước vào đời tu. Chúng tôi, một nhóm thanh niên đang khát vọng ,,tu“, đi lao động ở một Nông Trại. Trong một buổi trưa nắng gắt, chúng tôi dừng cuốc lại và nghỉ giải lao bên luống đất. Một anh bạn đã nói rằng: ,,mình đi tu không chỉ cho mình mà còn để cho ba má và gia đình được hãnh diện.“ Câu anh nói làm tôi suy nghĩ thật nhiều. Sự hãnh diện kia có đưa lại cõi phúc cho chính anh và gia đình anh không? Tới đây, tôi cũng đã cảm và hiểu được một số nam nữ tu sĩ bước vào đời tu chỉ vì ba má, chỉ vì gia đình. Rồi tới một mốc điểm trong đời tu, người tu sĩ dừng chân và nhận ra rằng, đây không phải là ,,đất dụng võ“ của mình, mình không kiếm được hạnh phúc thực sự nơi đây. Nhưng bây giờ làm sao có can đảm cởi ,,áo chùng thâm“ hay cởi ,,cái lúp“ kia ra, để trở về với cuộc đời? Ba má và gia đình mà nghe biết như vậy, thì có chấp nhận hay không? Thôi đã lỡ vì ba má và vì gia đình rồi, thì ,,vì“ suốt cả một cuộc đời. Lỡ phóng lao rồi, thì phải theo lao thôi, dù rằng ,,lao kia“ khó mà đưa lại một cõi phúc thật sự.

,,Tu là cõi phúc.« Đó cũng là một cái nhìn của một số người trẻ trong xã hội Việt Nam. Có lẽ họ nhìn không sai. Vì khi bước vào đời tu thì họ thoát khỏi nhiều sự lo lắng cho việc tiến thân, họ không phải chạy đua và cạnh tranh với cuộc đời. Tu viện và những điều kiện của đời tu đã giúp họ thăng tiến bản thân một cách dễ dàng. Họ không phải nài lưng ra kiếm tiền như bao sinh viên khác, để mua được nắm gạo và cây viết. Tất cả những gì họ cần để phát triển, họ đều có.

Trong cái nhìn này, tôi thấy người trẻ khôn ngoan quá, nhưng cái khôn ngoan của thế gian. Họ biết tìm một nơi đầy đủ giúp họ thăng tiến bản thân. Nếu là như vậy, thì phải chăng họ đang lợi dụng đời tu, đang đánh lừa tu viện ? Và tu viện sẽ là cõi phúc cho tới khi họ thăng tiến được bản thân. Sau đó thì sao ?

Một lần nọ cùng với mấy anh bạn, chúng tôi đi thăm một ông thầy bạn tại một xứ đạo đồng quê. Nhấn chuông nhà xứ, cha xứ cho biết thầy đi vắng, dù vậy vẫn mời chúng tôi dô. Vào tới nhà trong, chúng tôi chưng hửng và giật mình khi thấy một mâm cơm thật thịnh soạn với rất nhiều món ăn sang. Có cả «bia loong” và rượu Whisky. Mâm cơm đầy, nhưng chỉ có ba người, cha xứ, một anh giúp việc và một chú ăn mặc rất lịch sự và bảnh bao. Hỏi ra mới biết đó là một Việt Kiều từ «Mẽo» về đỡ đầu cho ông thầy bạn của chúng tôi. Ngồi xuống bàn cơm được khoảng 5 phút. Chưa kịp ăn được miếng cơm, thì có tiếng xe Auto từ ngoài vọng vào. Xe dừng và 2 người đàn ông say mèm bước dô. Vừa vào tới cửa họ đã hỏi vọng vào : «Ê, hôm nay mày có gì để nhậu không?» « Ai mà lại hỗn như vậy nhỉ ? » Tôi tự hỏi mình. Sau đó cha xứ giới thiệu đó là hai cha bạn ở vùng xung quanh. Hai cha vừa vào bàn cơm, chưa kịp chào ai, thì một cha đã say mèm rồi, lấy một loong bia, chườn người về phía tôi và nói : « Dô mày ! » Tôi chẳng hiểu gì và cũng chẳng thấy vui trong lòng trước cảnh tượng đó, nên tôi im lặng và cũng chẳng nâng ly. Sau đó, mấy anh em chúng tôi xin phép ra về. Trên đường về, tôi mân man suy nghĩ và tự hỏi : « Đời tu với mâm cơm thịnh soạn, rượu bia đầy tràn, và có cả người chăm sóc. Đi đâu thì có xe Auto, tới đâu thì như là một ông tướng, đòi gì được nấy. Đó có phải là cõi phúc hay không ? Như vậy, cõi phúc trong đời tu thật sự là gì ?»

Những hình ảnh và suy nghĩ trên làm cho tôi choáng váng mặt mày, đến nỗi lời khuyến khích: « Tu là cõi phúc đấy ! » trở nên vô nghĩa và mang mùi vị « đời » quá.

Giêsu xưa kia, khi kêu gọi những kẻ bước theo Ngài có « quảng cáo » và hứa một cõi phúc an nhàn, một cõi phúc mang lại niềm hãnh diện cho mình và cho gia đình, một cõi phúc là bàn đạp để thăng tiến bản thân, một cõi phúc với đầy đủ điều kiện sống và đôi khi dư thừa, đến nỗi đi tu là đời sẽ «lên hương», vì sẽ trở thành « ông to – bà lớn » có kẻ hầu người hạ, có cao lương mỹ vị, có rươu bia đầy nhà, muốn gì thì được nấy không ?

,,Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác Thập Giá mình mà theo.“ Lật lại trang sách Thánh Kinh tôi đã đọc được lời này của Giêsu. Ngẫm nghĩ lời này, tôi cảm thấy rằng, cõi phúc mà nhiều người nghĩ về đời tu hoàn toàn sai bét. Theo tâm tình của Giêsu, khi bước vào đời tu, điều đầu tiên là từ bỏ mình, và trong ý nghĩa đích thực của sự từ bỏ mình thì người ta không còn đi tìm những điều kiện đầy đủ để hưởng thu, và cũng không nhìn đời tu là một môi trường để mình đạt được những gì mình đã « đặt kế hoạch ». Khi từ bỏ mình, người ta cũng không đi tìm danh lợi và sự hãnh diện cho chính bản thân và gia đình. Từ bỏ mình cũng có nghĩa là người tu hành từ chối nhiều điều kiện « ngon lành » trong cuộc sống giúp mình thăng tiến bản thân. Như vậy, khi đồng ý bước theo Giêsu, thì thuyền cũng buông và lưới cũng bỏ, cha già và gia đình cũng xin chia tay, ghế thâu thuế kiếm được bạc triệu cũng xin trả lại.

Từ bỏ mình chưa đủ, Giêsu còn đòi hỏi phải vác thập giá của mình mà bước theo. Vác Thập giá của mình có nghĩa gì vậy ? Đó chính là thái độ sẵn sàng đón nhận những vất vả, đau khổ, chua cay mà kẻ tu hành sẽ gặp trên đường. Con đường theo Giêsu không trải dài nhung lụa như nhiều người lầm tưởng, mà ngược lại gai nhọn, sỉ nhục và đôi khi tù đày đang chờ đợi. Ai muốn hiểu được điều này, thì cứ nhìn Giêsu thì sẽ hiểu. Nếu Giêsu đã chịu nhiều đau khổ như vậy, thì «học trò không thể chạy trốn vết chân của thầy mình.»

Nhưng theo Chúa để làm gì? Không lẽ chỉ để chuốc họa vào thân như chính Giêsu đã chịu? Thật là thiển cận khi nhìn con đường theo Giêsu chỉ toàn là chông gai và đau khổ. Nếu chông gai và đau khổ kia chính là mục đích đạt tới của con đường theo Giêsu thì chẳng có mấy ai bước theo Ngài. Nếu Giêsu đặt ra mục đích đó thì thực sự Ngài là một người thầy khó hiểu.

"Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá." (Mc 1, 17)

Kẻ chài lưới cá sẽ trở thành người “chài lưới người”. Đó là điều Giêsu hứa với Phêrô và môn đệ, khi Ngài kêu gọi các ông bên bờ hồ. “Chài lưới người” có nghĩa là cùng với Giêsu, các kẻ theo Ngài sẽ mời gọi tất cả mọi người khác bước vào con đường của Giêsu, hay nói khác đi là đón nhận tin Mừng của Thiên Chúa và sống trong vương quốc của Nước Trời. Đây chính là sứ mạng cao quý của Giêsu. Một sứ mạng của tình yêu. Vì yêu thương nên Cha trên trời đã ban chính người con yêu quý của mình cho trân gian. Vì yêu thương mà Người Con đó là Giêsu đã tự hiến mình, vào đời để đem Tin Mừng cứu rỗi cho muôn người. Và vì yêu thương Giêsu đã và đang kêu gọi bao người trở thành bạn hữu của Ngài, để cùng chia sẻ sứ mạng Yêu Thương với Ngài. Vì vậy, “chài lưới người” là đưa tình yêu đến cho người và giúp người trở thành một người biết yêu thương, một người của Nước Trời, một người thuộc về Giêsu. Kìa, một ngày nọ Giêsu đã gặp người trên đường phố, người đó là Giakêu, một tay thâu thuế biển lận, và rồi người đó đã quay trở lại và trở thành người của Giêsu, một người biết ý thức đền đáp lầm lỗi của mình và quyết tâm từ giờ trở đi sống theo con đường thương yêu. Trong mái nhà sang trọng kia, Giêsu đang ngồi đó và một phụ nữ ăn sương đã đến gặp Ngài, và rồi chị ta đã trở thành người của Giêsu. Chị đã được tha thứ và giờ đây chị bắt đầu cuộc sống yêu thương. Rời mái nhà sang trọng Giêsu bước trở lại vào đời. Bên vỉa hè một anh chàng mù đang ngồi đó. Gặp Giêsu, mắt anh đã mở và hân hoan anh bước trên đường theo Giêsu.

Thực vậy, Giêsu đã đến để yêu thương, Giêsu đã đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ.

Trong cuộc đời hôm nay, Giêsu qua những bóng dáng của các nữ tu đang gặp gỡ bao người đói rách và nghèo hèn bên góc phố giơ bẩn. Vì tình yêu, giờ đây những bàn tay nhỏ bé của các nữ tu đang tắm rửa cho họ, đang đem lại cho họ những nắm cơm, đang tạo nên một môi trường sống chan chứa tình yêu. Kìa, Giêsu cũng đang hiện diện qua chính người tu sĩ trong cuộc nói chuyện với một bạn trẻ Xì-ke . “Cuộc đời trác táng đã qua, giờ còn lại cái thân ma dại và sắp sửa phải “xuống lỗ”, vì cơn bệnh hiểm nghèo.” Giêsu đã lắng nghe, đã cảm thông và đón nhận anh, đã mời gọi anh trở về. Giêsu đã tha thứ và giúp anh sống những ngày còn lại trong bầu khí của yêu thương. Giêsu cũng đang đi với một tu sĩ kia vào những trại tù. “Tội ác gây ra, hậu quả còn lại. Ngồi đó ngẫm nghĩ sự đời sao mà chua cay đến vậy. Đôi khi chẳng biết tại sao mình lại ác độc và tàn nhẫn thế kia .” Giêsu lắng nghe và cùng đau với các bạn tù, Giêsu cùng chia sẻ những lầm lỡ của họ. Yêu thương đã biến đau khổ và thất vọng thành hy vọng. Giêsu đem lại một tia sáng mới, mở ra một chân trời mới với hướng đi mới.

Đem yêu thương đến những tâm hồn đau khổ và tội lỗi , đưa niềm tin và hy vọng đến cho những con người thất vọng, tạo hướng đi dẫn tới hạnh phúc cho những người bơ vơ và lạc bước. Đó là mục đích của Giêsu và những người bước đi theo Ngài.

“Tu là gì?” Đó là một câu hỏi mà một số tu sĩ trẻ chúng tôi cần trả lời cho các bạn trẻ đang quây quân xung quanh, trong một dịp gặp gỡ trao đổi. Ngắm nhìn Giêsu, nhìn lại con đường theo Giêsu, nhìn lại chính sứ mạng của Giêsu và của kẻ tu hành; qua những kinh nghiệm của bản thân và của bao người bạn đồng tu, tôi nhận ra rằng: “Tu là yêu.” Thực vậy, yêu mới tu, mà yêu đây không phải là yêu một người và trao đổi cuộc sống với người đó trong một mái nhà, mà là yêu tất cả mọi người mà kẻ tu hành gặp trên đường. Yêu đòi hỏi kẻ tu hành phải dấn thân. Yêu giúp người tu sĩ không quản ngại đau khổ và vất vả. Yêu giúp cho người tu sĩ cảm thấy vui và hạnh phúc không chỉ trong công việc phục vụ, mà cả trong những khi thất bại cũng không chán chường và thất vọng. Yêu nên người tu sĩ vui với cả những lúc mình cô đơn lẻ loi một mình. Yêu nên kẻ tu hành dễ dàng đón nhận những khác biệt và rất khó chịu của những bạn đồng tu. Yêu nên người tu sĩ sẽ không đánh mất mình khi phải từ bỏ mình, ngược lại tìm được mình một cách trọn vẹn. Yêu nên kẻ tu hành sẵn sàng kề vai vác thập giá. Thập giá chỉ nặng khi tâm hồn thiếu tình yêu. Thập giá sẽ có giá, khi tình yêu tràn ngập tâm hồn người tu sĩ.

Nhưng nói tới tình yêu trong đời tu sĩ, thì không thể không nhắc đến tình yêu với Giêsu. Càng tu tôi càng thấy rõ ràng rằng, khi nào còn bám vào Giêsu, khi còn cảm nhận cách sâu sa trong đáy tâm hồn là: “Giêsu – người yêu của tôi” và khi còn nói được rằng: “Giêsu là tất cả đời tôi”, thì lúc đó đời tu mới có giá trị. Chiếc áo của kẻ tu hành mới đáng giá biết bao.

Vì thế nếu người kẻ tu hành bước vào đời tu để sống yêu - yêu Giêsu - yêu mọi người và yêu mình, thì sẽ tìm được cõi phúc.Và khi sống trong tình yêu, kẻ tu hành có thể nói rằng: “Tu là cõi phúc đấy!”

Nguyễn ngọc Thế SJ
Frankfurt, cuối Xuân 2002


http://thanhlinh.net/OnGoi/viewtopic.php?t=31

phan_nghị
27-05-2009, 07:29 PM
tình cũng là cõi phúc, ai cũng đi tu hết lấy đâu ra người sinh con cái.
Chúa muốn chúng ta nên thánh trong bậc sống của chúng ta, mọi sự Chúa làm điều tốt đẹp.

bethichconlua
27-05-2009, 11:35 PM
tình cũng là cõi phúc, ai cũng đi tu hết lấy đâu ra người sinh con cái.
Chúa muốn chúng ta nên thánh trong bậc sống của chúng ta, mọi sự Chúa làm điều tốt đẹp.


:secret:Đúng thế............mỗi người mỗi bậc sống..miễn sao nên thánh đúng không em trai.........!
XIn Chúa chúc lành cho mỗi chúng ta....Amen

hoathuytinhbuon
28-05-2009, 12:03 AM
Lạy Chúa, quả thực "TU" là cõi phúc, nhưng liệu có phải chăng ai cũng nghĩ như vậy không? Giữa thế gian này, thế gian mà người ta coi là " Gian như thế" con không biết những hạt mầm của đời sống đức tin và ơn gọi tu trì có thực sự được nảy nở...............Nơi con đây, nơi mà bản thân con cũng ước ao được theo Ngài............vậy mà những vướng mắc trong cuộc đời, những bon chen, những khó khăn thất bại, những ngăn cản nơi gia đình làm con như bị bóp nghẹt trong bụi gai .......khiến cho hạt giống Tin Mừng không nảy nở được............Chính nơi đó, nơi tâm hồn con đang thực sự bối rối và đau khổ, con biết làm chi đây?............Lạy Chúa, xin đồng hành với con..........