PDA

View Full Version : Phật Tử Chân Chính Anh Dũng



littlewave
03-05-2009, 12:17 AM
Phật Tử Chân Chính Anh Dũng

Trong vòng hai năm, 1993-1995, tôi làm việc tại bãi vứt bỏ các tủ lạnh, máy truyền hình và máy giặt cũ. Các thợ lượm đồ phế thải, phân chia theo từng loại rồi chở đến các nhà máy chế biến vật dụng cũ thành chất liệu có thể sản xuất vật liệu mới. Chính nơi công trường thu lượm đồ phế thải mà tôi làm quen với một Phật tử Nam Triều Tiên, ông Changsu.

Nhờ làm việc với ông, tôi nhận ra hay nói đúng hơn - thoáng nhận ra chứ không phải kinh nghiệm - thế nào là thuộc ”loại người cùng đinh” trong xã hội.

Vào năm 1995, ông Changsu cùng tuổi với tôi, 50 tuổi. Khi bắt đầu làm việc chung, tôi mới biết ông bị cụt tay trái. Công việc khuân vác đâu có dễ với người chỉ có một tay! Thế mà, ông không lùi bước trước khó khăn.. Khi bạn nghèo và bạn chỉ có thể kiếm ăn bằng chính sức lực thể xác bạn, thì bạn không đầu hàng trước bất cứ trở ngại nào. Đó cũng là chí khí anh hùng của ông Changsu.

Trong hai năm làm việc, tôi trải qua những giờ phút thân tình với ông. Vào ngày hè oi bức, nóng tới 35 độ, chúng tôi ai nấy bị cháy đen vì nắng. Rồi đến mùa đông lạnh buốt tới xương, hàn thử biểu chỉ số 10 dưới không độ.. Nhưng bất cứ nắng mưa, thời tiết đổi thay nào, ông luôn có mặt tại chỗ làm việc. Thỉnh thoảng ông nói với tôi:
- Khi ở chót cùng nấc thang xã hội, không có chọn lựa nào khác ngoài việc nai lưng ra làm việc! Mỗi giây phút cuộc đời là cuộc chiến: chiến đấu để sống còn và để không bị người khác chà đạp ..

Mặc dầu gánh chịu nghèo đói và bất hạnh, ông không tỏ ra buồn rầu, chán nản. Ông không than thân trách phận. Trái lại, ông vui vẻ yêu đời và trí khôn thật thông minh, bén nhạy. Ông biết đọc chữ Tàu, nên thỉnh thoảng giải thích cho tôi hiểu chữ khắc trên các máy móc.

Ông Changsu thật là Phật tử chân chính. Ông không ăn thịt chó, món ăn mà người Đại Hàn rất thích, kể cả tôi là dân tây phương. Một lần ông vừa cười vừa nói với tôi:
- Nếu anh ăn thịt chó, anh sẽ không được vào Niết-Bàn hưởng cực-lạc!

Ngày hôm sau ông lại nghiêm trang nói với tôi:
- Khi nào mừng thọ lục tuần, tôi sẽ theo đạo Công Giáo, như vậy tôi sẽ được vào Thiên Đàng với anh!

Không hiểu vì lý do gì, ông Changsu rất hãnh diện vì làm việc chung với tôi. Khi những chiếc xe cam-nhông khổng lồ chở máy móc đến bỏ nơi bãi rác, ông thường nói với các tài xế:
- Ê, các anh có thấy ông tây mũi cao đứng đằng kia không? Ông là Linh Mục Công Giáo đó! Có bao giờ các anh thấy các mục sư tin lành làm việc như thế không?

Câu này ông thường lập lại như câu thần-chú!

Hiện tại tôi không còn làm việc cạnh ông Changsu nữa. Nhưng chúng tôi vẫn thăm hỏi tin tức qua điện thoại. Tôi không biết trong tư cách là Linh Mục Thừa Sai Công Giáo, tôi mang lại chứng tá nào cho ông. Phần tôi, tôi biết rõ điều ông Changsu - Phật tử chân chính - mang đến cho tôi. Nơi ông, tôi học được lòng yêu mến cuộc đời, trong chi tiết nhỏ nhặt nhất. Chẳng hạn, biết tận hưởng hơi ấm do củi cháy mang lại khi công trường lạnh buốt vào mùa đông. Hoặc hớp từng ngụm bia lạnh trong buổi trưa hè nóng bức. Nhất là ông dạy tôi bài học yêu sống và lòng anh dũng chiến đấu để sinh tồn của kẻ bé nhỏ thấp hèn, tàn tật, đôi khi chỉ có một tay hoặc một chân để lao động!

Khi làm việc cạnh ông Changsu tôi nghĩ mình gặp lại một Người. Người đó là Đức Chúa GIÊSU thành Nagiarét. Đức Chúa GIÊSU tự chọn con đường và đời sống của người đơn sơ, khiêm tốn và nghèo nàn. Chính Chúa cũng là thợ mộc ”cùng-đinh” trong xã hội Do Thái thời bấy giờ. Nhưng chính bằng lối sống khiêm hạ đó mà Đức Chúa GIÊSU trở thành gương mẫu cho mọi người, từ già đến trẻ, từ sang đến hèn, từ giàu đến nghèo, từ kẻ trí thức đến người thất học!

Chứng từ của Cha Emmanuel Kermoal, người Pháp, Linh Mục Hội Thừa Sai Paris. Cha từng hoạt động tại thủ đô Séoul (Nam Triều Tiên) trong tư cách Linh Mục thợ.

(”Missions Étrangères de Paris”, n.311, Juillet+Aout/1996, trang 197-199)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt