PDA

View Full Version : Trong thông điệp Spe Salvi ĐTC Benedictô nhắc về gương chứng nhân của 2 nhân vật người Việt Nam



littlewave
02-12-2007, 09:11 PM
Trong thông điệp mới, ĐTC Benedictô nhắc về gương chứng nhân của 2 nhân vật người Việt Nam

Trong Thông Điệp mới Spe Salvi (Được cứu rỗi nhờ Hy vọng) mà ĐTC Beneđictô XVI ban hành hôm nay, Ngài có đề cao gương mẫu của hai nhân vật người Việt Nam đó là Cha Thánh Lê Bảo Tịnh, gương mẫu của sự vượt thắng và biến đổi sự đau khổ nhờ quyền lực của hy vọng trong đức tin (đoạn 37), và gương của Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận về sức mạnh của việc cầu nguyện và niềm hy vọng. Đức Thánh Cha viết trong Thông Điệp của Ngài như sau:

Cầu nguyện là ngôi trường của hy vọng

32. Điều tiên quyết cho việc học hỏi hy vọng là việc cầu nguyện. Khi không có ai còn lắng nghe mình nữa, Chúa vẫn nghe mình. Khi tôi không còn có thể nói với bất cứ ai hay kêu cầu được ai, tôi luôn luôn có thể nói truyện với Chúa. Khi không còn ai giúp tôi biết xử sự thế nào trước nhu cầu hay mong đợi vượt quá khả năng con người cho niềm hy vọng, Chúa có thể giúp tôi (25). Khi tôi bị đắm chìm ngập lụn trong cô liêu...; nếu tôi cầu nguyện thì tôi không bao giờ hoàn toàn một mình. Đức cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, bị tù trong 13 năm, trong đó 9 năm bị cấm cố biệt giam, Ngài để lại cho chúng ta cuốn sách nhỏ qúi giá: Những Lời Cầu Nguyện của Niềm Hy Vọng. Trong vòng 13 năm tù đầy, trong một tình trạng hầu như là tuyệt vọng, thực tế là ngài có thể lắng nghe và nói truyện với Chúa điều đó làm cho ngài tăng cường quyền lực của hy vọng, khiến ngài, sau khi ra khỏi tù trở thành chứng nhân của hy vọng cho dân chúng trên toàn thế giới – với niềm hy vọng lớn lao đó, dù trong những đêm cô liêu cũng không làm tàn lụi đi được.

...

34. Để cho lời cầu nguyện phát triển được sức mạnh thanh tẩy, một đàng phải là cái gì đó rất riêng tư, là cuộc gặp gỡ mật thiết của chính mình với Chúa, Thiên Chúa hằng sống. Đàng khác, nó phải liên lỉ được hướng dẫn và được soi sáng bằng những lời cầu nguyện lớn lao của Giáo hội và của các thánh nhân, bàng lời cầu nguyện phụng vụ, trong đó Chúa dậy chúng ta ngày này qua ngày khác, làm thế nào cầu nguyện cho phải lẽ xứng hợp. ĐHY Nguyễn Văn Thuận, trong quyển sách của ngài về luyện đàng thiêng liêng, nói cho chúng ta rằng trong cuộc của của ngài, có những thời gian dài ngài đã không thể cầu nguyện được và ngài đã phải bám lấy những kinh và lời cầu nguyện của Giáo hội: kinh Lậy Cha, kinh Kính Mừng và các kinh nguyện của phụng vụ (27). Cầu nguyện phải luôn luôn pha trộng lời cầu nguyện công và tư. Đây là cách thế chúng ta nói truyện cới Chúa và Chúa nói với chúng ta. Trong đường lối này, chúng ta trải qua những cuộc thanh tẩy, nhờ đó chúng ta mở cõi lòng cho Chúa và sẵn sàng cho việc phục vụ đồng loại tha nhân. Chúng ta trở nên có khả năng cho niềm hy vọng vĩ đại, và do đó trở thành các thừa tác viên của niềm hy vọng cho kẻ khác. Hy vọng trong ý nghĩa Kitô giáo thì luôn là niềm hy vọng cho những người khác vậy. Nó là niềm hy vọng hoạt động, trong đó chúng ta chiến đấu hầu tránh làm cho các sự thể không chuyển động tới “kết cuộc sai trái”. Đó là niềm hy vọng tích cực trong ý nghĩa là chúng ta làm cho thế giới mở cửa cho Thiên Chúa. Chỉ trong đường lối này nó tiếp tục là niềm hy vọng nhân bản đích thật.

Đoạn Thông Điệp của ĐTC Benedictô XVI nhắc đến gương của Thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh như sau:

Hành động và đau khổ đặt nền cho việc học về hy vọng

...

37. Chúng ta hãy trở lại đề tài của chúng ta (đau khổ). Ta có thể giới hạn đau khổ, chiến đấu chống lại nó, nhưng không thể loại trừ nó được. Chính khi chúng ta cố gắng tránh khổ đau bằng cách rút lui khỏi những gì có thể gây tổn thương, khi ta không muốn phí sức hoặc tránh nỗi đau trong việc đeo đuổi sự thật, tình yêu, và điều tốt, thì lúc đó chúng ta để mình trôi giạt vào cuộc sống trống rỗng, trong đó có thể hầu như không có đau đớn, nhưng cái cảm nghiệm tối tăm không có ý nghĩa và bị bỏ rơi càng thêm lớn hơn bao giờ hết. Không phải là bỏ ra ngoài hoặc trốn tránh khỏi sự khổ mà chúng ta được chữa lành, nhưng chính là do khả năng của chúng ta chấp nhận nó, lớn lên với nó và tìm ra ý nghĩa qua việc kết hợp với Chúa Kitô, Người đã chịu thương khó với tình yêu vô biên. Trong ý nghĩa này, tôi muốn trích một đoạn từ lá thư của vị tử đạo Việt Nam, Thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh, († 1857) trong đó ngài diễn đạt sự biến hóa đau khổ qua quyền năng hy vọng, phát sinh từ đức tin như sau: “Tôi, Phaolô, bị gông cùm vì danh Chúa Kitô, ước mong kễ lại cho các con những thử thách mà cha chịu hằng ngày, để nhờ đó các con có thể được đốt lên lửa yêu mến Chúa và hợp với cha ngợi khen Chúa, vì lượng từ bi Chúa hải hà muôn đời (Ps 136 [135]). Nhà tù ở đây thực sự là hình ảnh Hỏa ngục muôn đời: những tra tấn dự tợn mọi cách – gông cùm, xiềng xích, đe dọa – thêm vào là thù hận, trả thù, tai ương, lời nói thô bạo tục tằn, cãi vã, hành động độc ác, chửi thề, cũng như những nỗi âu lo và than khóc. Nhưng chính Chúa là Đấng đã giải thoát 3 trẻ nhỏ khỏi lò lửa hãi hùng, đã ở với cha luôn luôn; Ngài đã giải thoát cha khỏi những khốn cùng này và làm cho chúng nên dịu ngọt, vì lòng từ bi Chúa muôn đời. Giữa những nổi gian truân này, chúng thường làm kinh khiếp nhiều người khác, thế nhưng cha, với ơn của Chúa, thì cha tràn đầy niềm vui và phúc lạc, bởi vì cha không ở một mình – Đức Kitô ở với cha... Làm sao cha có thể chịu được cái cảnh mỗi ngày nhìn thấy các vua chúa, quan quyền, và những tay sai của họ phạm thượng tới thánh danh, Ôi lậy Chúa, Người là Đấng ngự ngai tòa trên các thiên thần Cherubim và Seraphim? (cf. Ps 80:1 [79:2]). Chúa hãy xem đây, những kẻ ngoại đạo đã đang chà đạp Thánh Giá Chúa dưới chân! Còn đâu là vinh quang Chúa? Khi con nhìn thấy tất cả những sự này, con muốn với tất cả tình yêu cháy bỏng của con cho Chúa, ước ao tay chân con bị chia ra thành mảnh, chết làm chứng cho tình yêu Chúa. Lậy Chúa, xin hãy tỏ quyền năng Chúa, cứu con, nâng đỡ con, hầu trong sự yếu mềm của con, quyền năng Chúa sẽ được sáng soi và được vinh hiển trước mặt các dân nước... Anh em chủng sinh thân mến, khi các con nghe biết tất cả những sự việc này, các con hãy cám tạ Thiên Chúa không hết lời trong niềm vui, vì từ Chúa mọi điều tốt sẽ nảy sinh; các con hãy chúc tụng Chúa với cha, vì lòng nhân từ Chúa vô bờ bến... Cha viết ra những dòng chữ này cho các con ngõ hầu đức tin của các con và của cha được hiệp nhất. Giữa phong ba bão táp, cha bỏ neo con thuyền của cha vào ngai Thiên Chúa, chiếc neo đó là hy vọng sống động trong trái tim cha.” (28) Đây chính là lá thư viết từ “Hỏa ngục”. Nó phơi bầy trắng trợn tất cả những kinh hoàng của trại tù tập trung, nơi mà những bạo chúa hành hình làm đau khổ những nạn nhân và làm nảy sinh thêm sự dữ nơi chính các nạn nhân, như khi chính đến lượt họ lại trở thành những khí cụ cho sự độc ác của những người hành hình họ. Đây chính là lá thư viết từ Hỏa ngục, nhưng nó cũng thố lộ sự thật đoạn văn trong Thánh Vịnh như sau: “Nếu tôi lên các tầng trời, thì người ở đó; nếu tôi chìm sâu dưới cõi âm ti, người cũng ở đó... nếu tôi nói, ‘Chắc rồi tối tăm sẽ che khuất tôi và màn đêm sẽ là ánh sáng của tôi’ – vì đối với người sự tối tăm chính không phải là đen, và đêm chiếu sáng như ngày; sự tối tăm và ánh sáng đếu là giống nhau” (Ps 139 [138]:8-12; cf. và Ps 23 [22]:4). Đức Kitô đã xuống “Hỏa ngục” và vì thế gần gũi với những ai bị ném vào trong đó, biến đổi sự tối tăm của họ thành ánh sáng. Sự đau khổ và dằn vặt thì thực hãy còn khủng khiếp và dĩ nhiên là không thể chịu nổi, Thế nhưng, ánh sao của niềm hy vọng đã vươn lên – chiếc neo của trái tim đạt tới chính ngai của Thiên Chúa. Thay vì sự dữ hành hạ trong thân xác con người, thì ánh sáng tỏa chiếu vinh quang: khổ đau – không ngừng là khổ đau – bất chấp mọi sự đang trở nên bài ca ngợi khen Chúa.

(27) Chứng Nhân Hy Vọng -- Testimony of Hope, Boston 2000, pp.121ff.

(28) Phụng Vụ Giờ Kinh, Bài đọc, ngày 24 tháng 11.

LM Trần Công Nghị (Vietcatholic)