hoathuytinh
03-08-2007, 12:54 PM
KINH LẠY NỮ VƯƠNG TRONG ĐỜI TÔI
Gm. Bùi Tuần
Thánh vịnh có một đoạn tôi rất thích. Thích từ lâu, nhưng lúc này càng thích hơn. Vì nó như đoạn riêng cho tuổi già của tôi:
"Từ độ thanh xuân, lạy Thiên Chúa,
con đã được Ngài thương dạy dỗ.
Tới giờ này, con vẫn truyền rao vĩ nghiệp của Ngài.
Cả lúc con già nua, da mồi tóc bạc,
lạy Thiên Chúa, xin đừng bỏ rơi con,
để con tường thuật quyền năng của Chúa
cho thế hệ này được rõ,
và dũng lực của Ngài
cho thế hệ mai sau.” (Tv 71, 17-18).
Khi cầu nguyện đoạn Thánh vịnh này, tôi nhìn xuyên suốt đời tôi. Thời còn trẻ, tôi được Chúa thương dạy dỗ. Lúc về già, tôi vẫn được Chúa dạy dỗ và được Chúa thương giúp nhớ lại.
Để tôi rao truyền và tường thuật.
Không phải rao truyền và tường thuật bất cứ sự gì. Nhưng chỉ những gì Chúa đã làm cho tôi. Mặc dầu thế, tôi cũng phải có lựa chọn. Lần này lựa chọn của tôi để rao truyền và tường thuật là một việc đạo đức rất nhỏ. Việc rất nhỏ này là đọc một kinh bình dân, rất xưa. Đó là kinh "Lạy Nữ Vương."
Tôi thuộc kinh đó từ còn nhỏ. Tôi đọc kinh đó, mỗi ngày ít là một lần. Nhất là những lúc gặp khó khăn.
Những lúc gặp khó khăn, tôi vừa đọc kinh ấy, vừa suy gẫm từng câu, từng lời. Suy gẫm đưa tới cảm nghiệm. Cảm nghiệm thiêng liêng này ví như những khám phá. Những khám phá này chính là những điều Chúa dạy dỗ trong nội tâm tôi. Có những dạy dỗ nhắm vào bản thân riêng tư.
Có những dạy dỗ nhắm tới lợi ích chung. Những dạy dỗ loại này tính ra khá nhiều. Dù dạy dỗ thuộc loại nào, tôi cũng muốn rao truyền và tường thuật, như thánh vương Đavít đã gợi ý trong Thánh Vịnh. Tất nhiên việc tôi rao truyền và tường thuật ở đây sẽ vắn gọn trong một số giới hạn.
I. Lạy Nữ Vương
Ban đầu, tôi đọc lời "Lạy Nữ Vương" như đọc một lời thuộc lòng. Nhưng dần dần, tôi đọc với đôi chút thắc mắc ngây ngô.
Tôi nghĩ vẩn vơ lời chào kính đó không do tôi tự phát. Nhưng là lời do Hội Thánh soạn ra. Như vậy, phải chăng đó chỉ là một công thức. Tôi lại nghĩ thêm: Tại sao tôi lại được phúc nói với một Nữ Vương? Nữ Vương là một nhân vật cao xa. Cùng lắm, mình được chào kính Ngài đã là quá đủ. Chứ làm sao Ngài có thể nghe được những khát vọng, những đau buồn, và những phấn đấu nội tâm của tôi.
Những thắc mắc đó chỉ thoáng qua, phảng phất. Dần dần chúng biến tan. Tôi được trả lời. Người trả lời là chính Đức Mẹ. Mẹ trả lời không bằng lý lẽ, nhưng bằng tiếp cận.
Những tiếp cận này đều vô hình, nhưng rất gần gũi. Tôi cảm được lời "Lạy Nữ Vương" của tôi như những lời chào hồn nhiên nói với Mẹ. Mẹ đến thăm tôi và ở bên tôi. Phải nói Đức Mẹ là Nữ Vương theo một nghĩa đặc biệt. Ngài là Nữ Vương của trái tim tôi.
Trong trái tim tôi, Nữ Vương dịu hiền dạy tôi những điều kiện căn bản để tôi:
· nên người,
· nên con Chúa,
· nên môn đệ Đức Kitô,
· nên mục tử được sai đi.
Những điều kiện căn bản đó là: "Lắng nghe thánh ý Chúa, thực thi thánh ý Chúa.” Để có được những điều kiện như trên, Nữ Vương của trái tim tôi kêu gọi tôi quan tâm đến cầu nguyện và đón nhận ánh sáng của Chúa.
· để có thể đọc được ý Chúa trong các biến cố,
· để biết phân định hành động nào sẽ dẫn đến Chúa, và hành động nào sẽ dẫn xa Chúa,
· để biết tính toán nào là do Chúa Thánh Thần soi sáng, tính toán nào không phải do Người,
· để biết nhận ra trách nhiệm của mình, và biết gánh mọi hậu quả của việc mình làm do ý thức trách nhiệm,
· để biết lựa chọn những quyết định mang tính cách cụ thể.
Như vậy, đối với tôi, Đức Mẹ Nữ Vương là Đấng dạy tôi con đường "Xin Vâng." Trên con đường đó, tôi phải đi từng bước. Các bước đó là:
Mỗi ngày
· phải suy gẫm Phúc Âm,
· phải ý thức rõ bổn phận của mình,
· phải cầu nguyện Chúa Thánh Thần,
· phải tham chiếu vào đặc sủng Chúa trao,
· phải nắm bắt bề sâu thời sự,
· phải noi gương Nữ Vương và các thánh.
Xin phép đưa ra một ví dụ. Tôi chọn khẩu hiệu cho đời Giám mục của tôi là: "Điều răn mới." Tức lời Chúa Giêsu trối lại: "Thầy ban cho các con một điều răn mới là các con hãy yêu thương nhau; các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con." (Ga 13, 34).
Điều răn yêu thương luôn là yếu tố căn bản của đạo. Nhưng đối với thời cuộc sau 30/4/1975, nó được coi là một nhu cầu bức xúc.
Đức Mẹ Nữ Vương dạy tôi chọn khẩu hiệu đó, như chọn một con đường sống Phúc Âm, khi lịch sử chiến tranh đầy hận thù vừa kết thúc.
Đổi hận thù sang yêu thương, thực quá khó. Riêng nơi tôi, thao thức chất thêm cao mỗi ngày. Luôn luôn phải tỉnh thức để phân định. Mọi lựa chọn trên con đường yêu thương đều có thánh giá.
Nhưng Đức Mẹ Nữ Vương dạy tôi: Điều cần nhớ khi chọn con đường sống Phúc Âm hợp với thời cuộc khó khăn, không phải là chọn con đường dễ, mà là chọn con đường đúng. Rồi luôn phải can đảm đi trên đó, mặc dù gặp khó khăn này đến khó khăn khác.
Qua những điều Nữ Vương Maria dạy dỗ, tôi hiểu Đức Maria là Nữ Vương các tâm hồn. Một Nữ Vương âm thầm trong một vương quốc âm thầm, rộng lớn bao la đầy thương yêu. Nữ Vương các tâm hồn giúp các tâm hồn thực thi ý Chúa, để mở rộng Nước Chúa, và để đi về với Chúa.
Nữ Vương luôn dạy tôi là: Biết sống đạo, nhất là biết hướng dẫn sống đạo trong thời đại này, trên Đất Nước này, thì rất cần đức khôn ngoan.
Đạo đức mà thôi không đủ. Trí thức mà thôi cũng không đủ. Nhưng phải đạo đức và thông hiểu trong tâm trí khôn ngoan. Xin nhấn mạnh, khôn ngoan nói đây là một nhân đức, một đặc sủng do Chúa Thánh Thần ban, vì lợi ích chung. Lạy Nữ Vương, xin luôn dạy dỗ, uốn nắn con.
II. Mẹ Nhân Lành
Lời "Mẹ nhân lành" tự nhiên đưa hồn tôi vào một tư thế gần gũi thân mật. Chính vì vậy, mà tôi hay dừng lại, để kể lể.
Thí dụ tôi hay tỉ tê:
- Xưa, Mẹ đã sống giữa nhóm các môn đệ yếu đuối. Người thì chối Chúa. Người thì bán Chúa. Người thì bỏ Chúa để trốn thoát thân. Nhưng Mẹ đã rất nhân lành với họ. Nay, con và bao môn đệ còn yếu đuối hơn họ. Xin Mẹ nhân lành thương đến chúng con, nhất là con.
- Xưa, Mẹ đã chứng kiến cảnh bao người tội lỗi thuộc đủ mọi giai cấp đạo đời, đã góp phần vào việc đóng đinh Chúa Giêsu. Nhưng Mẹ đã rất nhân lành lặng lẽ đau khổ đứng bên chân thánh giá, để lập công cứu họ khỏi án phạt đời đời. Nay, bao người đủ mọi giai cấp đạo đời cũng lỗi lầm không kém. Cả con nữa. Xin Mẹ nhân lành thương đến chúng con.
- Xưa, Mẹ đã sống giữa những người nghèo hèn, cô đơn, túng thiếu. Mẹ đã tỏ ra rất nhân lành, bằng thương cảm và chia sẻ cuộc sống nghèo của họ. Nay, con cũng đang sống bên những người dân nghèo, bệnh nạn, cô đơn. Xin Mẹ nhân lành thương đến thăm họ. Xin giúp con và các người thiện chí biết theo gương Mẹ mà biết thương cảm và chia sẻ phần nào số phận của họ.
- Xưa, Mẹ đã trải qua cảnh bị loại trừ, bị xua đuổi, phải trốn tránh. Nhưng Mẹ luôn giữ được tâm hồn nhân hậu và thái độ ôn tồn lặng lẽ. Nay, con và bao môn đệ Chúa nhiều khi bị loại trừ, bị nghi ngờ, phải nhục nhã. Xin Mẹ nhân lành thương giúp sức cho chúng con, kẻo chúng con vấp phạm.
Tôi kể lể với Mẹ nhân lành, cho lòng mình vơi đi những trăn trở u sầu. Một lúc nào đó, thường là bất ngờ, Mẹ nhân lành cho tôi nếm được chút tình yêu nhân lành của Mẹ.
Khi sự nếm được đó đến độ cao, nó trở thành tình yêu toả sáng. Nhờ ánh sáng ấy, tôi thấy tình yêu nhân lành của Mẹ gồm ba yếu tố:
1. Một là tình yêu của Chúa dành cho Mẹ,
2. Hai là tình yêu của Mẹ dâng lên Chúa,
3. Ba là tình yêu của Mẹ dành cho tôi và cho mỗi người.
Cả ba yếu tố đó làm nên một thực tại. Thực tại này giống như một khối lửa tình yêu. Có phần mang tính chất tự nhiên. Có phần mang tính chất siêu nhiên.
Nhiều người cũng nhân lành. Nhưng nếu thiếu ơn siêu nhiên, họ không thể tha thứ được như Mẹ nhân lành. Tôi có chút kinh nghiệm đó, khi sự nhân lành đòi tha thứ và yêu thương những kẻ ác độc với mình.
Với những kinh nghiệm như thế, tôi được Mẹ nhân lành cho thấy: Nhân lành như Mẹ nhân lành là một dấu chỉ dồi dào ơn Chúa. Đối với con người hôm nay, thái độ nhân lành như thế sẽ là một khí cụ truyền giáo. Dấu chỉ đó sẽ là một mời gọi dịu dàng hướng về Nước Trời.
Nhân lành cũng sẽ được coi là quan trọng cho người mục tử, khi ý thức rằng Chúa Giêsu là mục tử nhân lành (x. Ga 10,14) làm chứng cho Thiên Chúa là Cha nhân lành giàu lòng thương xót (x. Ep 2,4). Chúa Giêsu cũng là con Đức Mẹ nhân lành. Người đề cao cách sống của người Samaria tốt lành (x. Lc 10,30-37).
Tôi sẽ rất lạc lõng, nếu giả sử tôi có trí thức cao, quyền chức lớn, nhưng lại thiếu nhân lành. Nhân lành ví như một bản nhạc êm đềm. Một bản nhạc hay phải do nhiều yếu tố, như nhạc, lời, nhịp điệu, giọng hát, hồn nhạc. Người nhân lành cũng tương tự như thế. Nhân lành của họ gồm nhiều yếu tố: Tấm lòng, tư cách, việc làm, lời nói, giọng nói vv... Xin Mẹ dạy con biết sống nhân lành một cách xứng hợp, để làm chứng cho Chúa nhân lành.
III. Làm cho chúng con được sống, được vui, được cậy
Thú thực là, có những ngày thuộc tuổi thơ, khi đọc câu "Đức Mẹ làm cho chúng con được sống, được vui, được cậy," tôi chỉ nghĩ chung chung đến những gì làm cho mình được sống khoẻ mạnh, được vui vẻ, được hy vọng. Cả đến thời thanh niên, ý nghĩa chung chung đó vẫn tồn tại.
Nhưng, khi đã làm linh mục, tôi hay suy gẫm Phúc Âm về Lời Chúa kêu gọi hãy trở về. Trở về mới thực sự được sống, được vui, được cậy. Tôi dần dần cảm thấy: Trở về mà Chúa muốn nhất là trở về với Đức Kitô. Vì "Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống." (Ga 14,6).
Những lần dâng lễ ở hang Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức, tôi tự nhiên được lôi cuốn đến nội dung bài lễ dành cho các cuộc hành hương Lộ Đức. Nội dung đó chất chứa tâm tình cầu xin ơn trở về. Ơn trở về, mà tôi cảm nhận được trong những thánh lễ đó là: Chính Đức Mẹ cầu bầu, mà tôi được ơn trở về với Đức Kitô.
Đức Giêsu làm cho tôi được sống, được vui, được cậy. Tôi được dẫn đến Đức Kitô nhờ Đức Mẹ. Theo ý nghĩa đó, Đức Mẹ đang là Đấng làm cho tôi được sống, được vui, được cậy. Với ơn trở về đó, tôi được sống ơn gọi người môn đệ Chúa một cách trưởng thành hơn.
Người ở bên tôi. Hay nói đúng hơn, Người ở trong tôi. Người cho tôi được sự tự do. Nhưng Người ban ơn, để tôi biết dùng sự tự do của tôi, để cộng tác vào kế hoạch cứu độ của Người.
Những ước muốn và thích thú của tôi cũng rất mở về nhiều ngả. Nhưng bằng cách này hoặc cách khác, Đức Mẹ giúp tôi chế ngự, điều chỉnh trong tiết độ. Mẫu gương phải theo là nên giống Đức Kitô. Phải sống theo gương của Người, theo lời của Người.
Càng ngày, tôi càng kinh nghiệm thấy Người là Đấng ban cho tôi sự sống dồi dào, mặc dù trong những hoàn cảnh xem như đã cạn sự sống.
Càng ngày, tôi càng kinh nghiệm thấy Người là Đấng đem lại cho tôi nguồn vui thiêng liêng, mặc dầu trong những trường hợp đầy thử thách.
Càng ngày, tôi càng kinh nghiệm thấy Người là Đấng đem lại cho tôi nguồn hy vọng, mặc dầu mọi phía đều như những ngõ cụt u tối hãi hùng.
Hôm nay, những ngày cuối đời, khi nhìn lại đời mình, tôi thấy Đức Kitô, mà Đức Mẹ đã dẫn tôi đến, chính là Đấng cứu độ của tôi. Người đã cứu sự sống của tôi. Người đã cứu các niềm vui của tôi. Người đã cứu các hy vọng của tôi. Nhờ đó, tôi khỏi đi lạc. Mà nếu đi lạc, thì biết trở về. Để luôn biết sống trọn vẹn Tin Mừng là chính Đức Kitô, trong hiện tại hôm nay và giây phút bây giờ.
Thực vậy, hằng ngày và từng giờ, nhờ Đức Kitô, tôi cảm được sự phong phú của Lời Chúa, sự ăn khớp nhịp nhàng của các việc xảy ra thuộc chương trình cứu độ.
Hằng ngày và từng giờ, nhờ Đức Kitô, tôi thấy được chút ánh sáng, dù trong những trường hợp làn sóng khổ đau tăm tối tràn vào đời tôi.
Sự sống, sự vui, sự cậy nhiều khi không đến với tôi vội vã ồn ào, nhưng đến một cách bất ngờ, ngay cả qua những người nghèo khổ, bệnh tật, vô danh.
Sự sống, sự vui, sự cậy cũng nhiều khi ở lại trong tôi, khi tôi bắt chước Đức Mẹ biết âm thầm giữ kỹ các kỷ niệm trong lòng để suy gẫm (x. Lc 2,51).
Lạy Mẹ, xin cho con biết sống, biết vui, biết hy vọng theo gương Mẹ. Sống một cách bình thường mà không tầm thường. Vì luôn có Chúa Giêsu ở cùng con.
IV. Thân lạy Mẹ, chúng con, con cháu Eva, ở chốn khách đày, kêu đến cùng Bà. Chúng con ở nơi khóc lóc, than thở kêu khấn Bà thương.
Chúng con ở nơi khóc lóc, than thở kêu khấn Bà thương. Trong kinh "Lạy Nữ Vương", những lời trên đây đã gợi ý cho tôi rất nhiều. Gợi ý quan trọng nhất là nhìn vào hoàn cảnh của chính mình. Gợi ý đó lại càng sâu, khi Đức Mẹ thương soi sáng.
Theo Kinh Thánh, tôi cũng như mọi người đều xuất thân từ tổ tiên Eva, một người phụ nữ mang tội và bị kết án. Thế gian chung cho mọi người là chốn khách đày, nơi khóc lóc. Đó là sự thực chung.
Nơi tôi, ngoài sự thực chung đáng buồn đó còn nhiều cảnh lưu đày, và nơi khóc lóc khác, đó là những sự thực cho riêng tôi. Có nhiều loại cảnh lưu đày.
Có nhiều loại nơi khóc lóc. Đức Mẹ thương kéo tôi quan tâm đến một loại cách riêng. Loại đó là tình trạng tha hoá. Tha hoá nói đây là mất đi căn tính người môn đệ Chúa.
Theo bề ngoài, một người vẫn được coi là mang chức thánh này, tước đạo đức kia. Nhưng bên trong, họ đã đánh mất căn tính đó rồi. Lòng họ đã tục hoá. Họ sống trong cảnh như bị Chúa lưu đày. Tình trạng của họ là nơi họ đáng phải khóc lóc, mà họ không biết. Cái tôi của họ không có sự thực. Cái tôi đó đúc kết nhặt nhạnh từ những lời xã giao.
Cái tôi đó cũng có thể tạo nên do những hoang tưởng về mình. Cái tôi đeo mặt nạ. Mặt nạ vay mượn vẻ đẹp ở những y phục, lễ nghi. Cái tôi nói là thuộc Phúc Âm, nhưng lại sống xa Phúc Âm.
Đức Mẹ rất buồn với cảnh tha hoá đó. Buồn nhất là cảnh lưu đày đó lại được bình thường hoá và cơ chế hoá. Để sống an tâm giả. Đối với người khác và đối với lòng mình.
Nhưng tôi thấy, một khi chúng ta biết mình đang bị đày vào cảnh tha hoá, rồi biết khiêm tốn kêu cầu Đức Mẹ, thì Đức Mẹ sẽ cứu ta.
Sự cứu này thường không dễ. Vì việc tha hoá, khi đã trở thành một thói quen, một nếp sống, một tình trạng, thì bao giờ nó cũng bị kéo níu bởi nhiều người cùng tha hoá như mình, và bao giờ nó cũng được hỗ trợ bởi thế gian và ma quỷ. Vì thế, phải cầu nguyện nhiều, phấn đấu nhiều và hy vọng nhiều vào ơn phục sinh.
Nhất quyết bỏ đi các thứ mặt nạ. Có những mặt nạ đẹp, gây được nhiều lời khen, nhưng sẽ phải trả giá bằng nhiều tai hoạ.
Nếu tôi tha hoá, tôi thất bại về đường đạo đức, thì tôi phải khiêm tốn nhận lỗi. Tôi không đẩy trách nhiệm sang ai. Tôi nhận tội mình. Tôi dâng những nước mắt ăn năn sám hối cho Chúa, qua Đức Mẹ. Điều quan trọng tôi nên nhớ ở đây là: Khi đi tìm Chúa, tôi đừng bao giờ mang mặt nạ đạo đức.
Trong đời sống thiêng liêng, nhiều khi không phải tôi đi tìm Chúa, mà là chính Chúa đi tìm tôi. Trong những trường hợp như vậy, nếu tôi còn đeo mặt nạ đạo đức, thì chính tôi sẽ cản việc Chúa tìm kiếm tôi.
Tôi xin Đức Mẹ giúp tôi gỡ ra khỏi mặt tôi hết các thứ mặt nạ, làm tôi tha hoá. Tôi sẽ quỳ xuống đất, với con người thực của tôi, với đúng mặt thực của tôi. Tâm hồn tôi nghèo khó. Mặt tôi xấu xa. Nhưng chính vì tôi trình diện tôi với với những sự thực đó, nên tôi tin Chúa thương sẽ nhận tôi như một của lễ thờ phượng, của lễ đền tội.
Lạy Mẹ, xin cho con tránh được mọi thứ làm cho con tha hoá. Kể cả thứ tha hoá về đạo đức vì không có thực chất, không được Chúa nhìn nhận.
V. Hỡi ơi, Bà là đấng cầu bầu cùng Chúa cho chúng con,
xin ghé mắt thương xem chúng con
Những lời "chúng con" tôi đọc, khi cầu nguyện ở đây, thường trải rộng sang mọi người, không phân biệt tôn giáo nào, không phân biệt có tín ngưỡng hay không có tín ngưỡng.
Dần dần, Đức Mẹ chữa đời sống nội tâm của tôi. Trước hết là chữa về mặt tâm lý. Tôi ý thức mình đã có một số cái nhìn hẹp hòi, bất công về những người ngoài đạo công giáo. Tôi phải sửa lại.
Tiếp đó là ý thức mình đôi lúc đã để những cảm xúc lạnh lùng dâng trào lên, theo những cái nhìn sai trái đó. Tôi phải sửa lại. Có được hai ý thức đó là bước đầu để đi vào những cái nhìn hài hoà và những tình cảm hài hoà.
Nhưng bước đầu đó cũng đã khó, càng bước thêm càng thấy khó. Nhưng Đức Mẹ cầu bầu với Chúa Thánh Thần cho tôi được nghị lực vượt khó. Đức Mẹ ghé mắt thương xem những người ấy. Xem với tình thương. Tôi cũng làm như vậy. Dần dần, tôi nhận ra nơi họ nhiều đức tính tốt, nhiều việc tốt. Không những thế, tôi nhận ra nhiều người trong họ tốt hơn nhiều người đạo tôi, tốt hơn cả tôi.
Còn nữa. Tôi gặp một số người trong họ đã tích cực giúp tôi trên đường truyền giáo. Đến một lúc, tôi bừng tỉnh, thấy mình đã có sai phạm. Nhìn đen tối về người khác là nhìn sai.
Càng lớn tuổi, nhất là càng có nhiều tiếp xúc với đồng bào, tôi mới thấy tôi không bao giờ cô đơn. Trong những lúc tối tăm, Mẹ vẫn ở bên tôi. Mẹ gởi đến tôi những người tôi không ngờ. Họ ngoài công giáo. Họ âm thầm nâng đỡ tôi. Họ không làm thay tôi. Đức Mẹ cũng không làm thay tôi. Nhưng có những người ngoài công giáo cùng làm với tôi. Đôi lúc, họ làm thay tôi.
Do những kinh nghiệm như thế, nhiều khi tôi có cảm nghĩ nhiều người ngoài công giáo đã thuộc về Nước Trời. Họ có niềm tin, lòng từ thiện và đời sống lương thiện đáng nêu gương.
Xưa, trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đã nhiều lần khen người ngoại đạo về những việc tốt của họ. Nay, trên thực tế cuộc sống của tôi, tôi cũng đã và đang thấy những lời Chúa Giêsu khen xưa vẫn còn ứng nghiệm.
Riêng đối với Đức Mẹ, phải nói rằng: Rất nhiều người ngoài công giáo có lòng tin mến Đức Mẹ. Họ đã được Đức Mẹ ban ơn vô kể. Tôi gọi họ là con Đức Mẹ. Quả không sai. Những kết quả này được coi như một loại hoa trái thiêng liêng. Thấy được. Tin được. Những hoa trái này lại trở thành hạt giống được gieo vào những vùng khác nhau của xã hội. Những vùng này rất mới, xưa rất xa lạ đối với Tin Mừng.
Từ những kinh nghiệm này, tôi thấy một cách truyền giáo hiện nay là biết làm những việc nhỏ, như:
· Yêu thương kính trọng những người ngoài công giáo.
· Phục vụ quê hương đất nước theo khả năng của mình.
· Hợp tác xây dựng địa phương mình sinh sống.
· Hiện diện một cách hài hoà đúng đắn trong các vấn đề có những khác biệt.
· Gần gũi những người nghèo khổ.
Phổ biến các tài liệu mang Lời Chúa. Tất cả các việc bé nhỏ như thế cần được thực hiện một cách khiêm tốn, thường xuyên, cụ thể, với bề sâu bác ái, kèm theo cầu nguyện.
VI. Đến sau khỏi đày,
xin cho chúng con được thấy Đức Chúa Giêsu,
con lòng Bà gồm phúc lạ
Lời kinh: "Đến sau khỏi đày" gợi cho tôi nghĩ đến cái chết. Nhưng trước giờ chết, tôi còn một thời gian dẫn tôi tới gần phút sau cùng ấy. Tôi không biết thời gian đó dài bao lâu. Nhưng càng thêm tuổi, tôi càng nghĩ đến cái mình là hơn là cái mình làm.
Tôi là môn đệ Chúa Giêsu. Điều kiện để nên môn đệ Chúa Giêsu đã được chính Người phán tỏ: "Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo." (Mt 16,24). Xét mình chỉ sơ sơ, tôi đã thấy tôi không thực hiện điều kiện đó một cách thường xuyên.
Tôi thực sự yếu đuối.
Tôi có rất nhiều thiếu sót. Trong đó có những thiếu sót được coi là di căn của những lỗi lầm xa xưa.
Tôi có phần nào chu toàn bổn phận. Nhưng đó là kết quả chung, do sự cộng tác và đỡ nâng của bao người gần xa.
Tôi có làm một số việc lành. Nhưng ai dám nói rằng tất cả những việc lành đó đã hoàn toàn không pha bụi bặm. Tôi có nhiều cố gắng vượt khó. Nhưng bao lần tôi vẫn mang nuối tiếc một vài hành trang cần vứt bỏ.
Tôi đã có thể tốt hơn mà nhiều khi vẫn đứng tại chỗ. Tôi nhiều lần bất lực trước những vật cản chẳng đến nỗi nào.
Tôi thực sự mỏng manh.
Tôi đã có nhiều dịp để phục vụ Hội Thánh, Quê Hương và người khác một cách tốt hơn. Nhưng tôi đã không tỉnh thức đủ.
Tôi đã có một số thời gian, để trau dồi kiến thức đạo đời, để suy gẫm và cầu nguyện. Nhưng tôi đã lơ là, bỏ lỡ. Tôi nhận mình bất toàn, với bao nhiêu giới hạn.
Lịch sử viết về thánh Gioan Thánh giá có đoạn nói lên lòng nhiệt thành độc đáo của người môn đệ Chúa.
Một hôm, Chúa Giêsu hỏi Gioan: "Này Gioan, con hãy xin Ta điều con muốn, vì Ta sẽ ban điều ấy cho con, để đáp lại một đời con đã phục vụ Ta." Chúa Giêsu đã phải lặp lại câu hỏi đó 3 lần, bởi vì Gioan, do luôn cảnh giác trước thị kiến, đã không vội trả lời.
Nhưng rồi ngài thưa: "Lạy Chúa, con muốn xin Chúa cho con được đau khổ vì Chúa, cho con bị khinh chê và bị người ta coi con không ra gì."
Thú thực là tôi không dám bắt chước thánh Gioan mà xin như vậy. Vì tôi yếu đuối. Đến khi, Chúa ban cho tôi được nếm đôi chút những điều mà thánh Gioan xin, tôi thấy quá sợ. Lúc đó, tự nhiên tôi có cảm tưởng mình trở thành gánh nặng cho người khác. Cảm tưởng đó giúp cho tôi khám phá thấy sự yếu đuối của mình là một thế giới quạnh hiu, có khả năng dụ dỗ mình sa vào những yếu đuối khác.
Qua những kinh nghiệm trên và nhiều kinh nghiệm khác, tôi nhận biết mình là gì? Thưa tôi nhận mình là kẻ rất yếu đuối, rất bất xứng, rất mỏng manh. Với nhận thức đó, tôi thấy mình chẳng là gì, chẳng đáng gì.
Khi Chúa đòi tôi dâng của lễ. Tôi nghe Đức Mẹ bảo tôi cứ khiêm tốn dâng cho Chúa những vất vả, đau đớn, sám hối, tình yêu và cả những yếu đuối của tôi. Tôi dâng của lễ kỳ lạ đó, và nhớ lại lời Chúa gọi: "Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng." (Mt 12,28).
Thực sự, Chúa Giêsu đã nhận của lễ tôi dâng. Tôi cảm nhận được sự kiện đó, nhờ thấy lòng mình thêm cậy trông phó thác. Tôi như trẻ thơ dại khờ, yếu đuối về mọi mặt, với hai bàn tay trống không. Chỉ biết mình là kẻ yếu đuối, tội lỗi, tuyệt đối cậy tin vào Chúa cứu chuộc. Người đã tuyên bố: "Ta không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn." (Lc 5,32).
Càng tới gần ngày ra khỏi đời này, tôi càng được Đức Mẹ thương ẵm ôm dắt dìu người con yếu đuối hèn mọn này trên đường về với Cha.
Tôi tin: Vừa ra khỏi đời này, tôi lập tức được thấy Đức Chúa Giêsu, con lòng Mẹ Maria, đầy phúc lạ. Mẹ sẽ giới thiệu tôi với Chúa: Đây là người con rất yếu đuối, nhưng rất phó thác cậy trông. Thế là tôi sẽ được nhận vào Nước Chúa, nơi dành cho những ai trở nên như trẻ nhỏ. (x. Mt 18,3).
Lời kết:
Ôi, khoan thay,
nhơn thay,
dịu thay,
Thánh Maria trọn đời đồng trinh.
Với tinh thần trẻ thơ, hằng ngày và mãi mãi, đời đời, tôi sẽ ca tụng Mẹ, chỉ đơn sơ bằng những từ "Khoan hậu, nhân từ, hiền dịu."
Sống kinh "Lạy Nữ Vương" như vừa chia sẻ, tôi nhìn về Hội Thánh tương lai. Tôi thấy: Hội Thánh tương lai sẽ là Hội Thánh nhỏ, nhưng sẽ mạnh, nếu theo gương Đức Mẹ biết:
· bác ái nhiều hơn
· nội tâm nhiều hơn
· giản đơn nhiều hơn.
Tôi cầu nguyện: Các môn đệ Đức Kitô sẽ là những ngọn lửa thắp sáng lên niềm hy vọng. Ngọn lửa nội tâm được đốt lên từ những giờ thinh lặng với Chúa Giêsu và Đức Mẹ.
Niềm hy vọng sẽ là một sự phục sinh trong chính đời thường, nhờ sức mạnh tình yêu của Thánh Linh.
Mọi người, không phân biệt ai, sẽ nhìn Đức Mẹ là Mẹ của mình. Mẹ nhân lành, khoan dung, nhân từ, hiền dịu. Mẹ sẽ đưa mọi người thiện chí về Nước Trời, gặp Cha chung giàu lòng thương xót.
Trên đây là tâm tình tha thiết tạ ơn của tôi sau một đời dài cầu nguyện kinh “Lạy Nữ Vương, Mẹ nhân lành.”●
Gm. Bùi Tuần
Thánh vịnh có một đoạn tôi rất thích. Thích từ lâu, nhưng lúc này càng thích hơn. Vì nó như đoạn riêng cho tuổi già của tôi:
"Từ độ thanh xuân, lạy Thiên Chúa,
con đã được Ngài thương dạy dỗ.
Tới giờ này, con vẫn truyền rao vĩ nghiệp của Ngài.
Cả lúc con già nua, da mồi tóc bạc,
lạy Thiên Chúa, xin đừng bỏ rơi con,
để con tường thuật quyền năng của Chúa
cho thế hệ này được rõ,
và dũng lực của Ngài
cho thế hệ mai sau.” (Tv 71, 17-18).
Khi cầu nguyện đoạn Thánh vịnh này, tôi nhìn xuyên suốt đời tôi. Thời còn trẻ, tôi được Chúa thương dạy dỗ. Lúc về già, tôi vẫn được Chúa dạy dỗ và được Chúa thương giúp nhớ lại.
Để tôi rao truyền và tường thuật.
Không phải rao truyền và tường thuật bất cứ sự gì. Nhưng chỉ những gì Chúa đã làm cho tôi. Mặc dầu thế, tôi cũng phải có lựa chọn. Lần này lựa chọn của tôi để rao truyền và tường thuật là một việc đạo đức rất nhỏ. Việc rất nhỏ này là đọc một kinh bình dân, rất xưa. Đó là kinh "Lạy Nữ Vương."
Tôi thuộc kinh đó từ còn nhỏ. Tôi đọc kinh đó, mỗi ngày ít là một lần. Nhất là những lúc gặp khó khăn.
Những lúc gặp khó khăn, tôi vừa đọc kinh ấy, vừa suy gẫm từng câu, từng lời. Suy gẫm đưa tới cảm nghiệm. Cảm nghiệm thiêng liêng này ví như những khám phá. Những khám phá này chính là những điều Chúa dạy dỗ trong nội tâm tôi. Có những dạy dỗ nhắm vào bản thân riêng tư.
Có những dạy dỗ nhắm tới lợi ích chung. Những dạy dỗ loại này tính ra khá nhiều. Dù dạy dỗ thuộc loại nào, tôi cũng muốn rao truyền và tường thuật, như thánh vương Đavít đã gợi ý trong Thánh Vịnh. Tất nhiên việc tôi rao truyền và tường thuật ở đây sẽ vắn gọn trong một số giới hạn.
I. Lạy Nữ Vương
Ban đầu, tôi đọc lời "Lạy Nữ Vương" như đọc một lời thuộc lòng. Nhưng dần dần, tôi đọc với đôi chút thắc mắc ngây ngô.
Tôi nghĩ vẩn vơ lời chào kính đó không do tôi tự phát. Nhưng là lời do Hội Thánh soạn ra. Như vậy, phải chăng đó chỉ là một công thức. Tôi lại nghĩ thêm: Tại sao tôi lại được phúc nói với một Nữ Vương? Nữ Vương là một nhân vật cao xa. Cùng lắm, mình được chào kính Ngài đã là quá đủ. Chứ làm sao Ngài có thể nghe được những khát vọng, những đau buồn, và những phấn đấu nội tâm của tôi.
Những thắc mắc đó chỉ thoáng qua, phảng phất. Dần dần chúng biến tan. Tôi được trả lời. Người trả lời là chính Đức Mẹ. Mẹ trả lời không bằng lý lẽ, nhưng bằng tiếp cận.
Những tiếp cận này đều vô hình, nhưng rất gần gũi. Tôi cảm được lời "Lạy Nữ Vương" của tôi như những lời chào hồn nhiên nói với Mẹ. Mẹ đến thăm tôi và ở bên tôi. Phải nói Đức Mẹ là Nữ Vương theo một nghĩa đặc biệt. Ngài là Nữ Vương của trái tim tôi.
Trong trái tim tôi, Nữ Vương dịu hiền dạy tôi những điều kiện căn bản để tôi:
· nên người,
· nên con Chúa,
· nên môn đệ Đức Kitô,
· nên mục tử được sai đi.
Những điều kiện căn bản đó là: "Lắng nghe thánh ý Chúa, thực thi thánh ý Chúa.” Để có được những điều kiện như trên, Nữ Vương của trái tim tôi kêu gọi tôi quan tâm đến cầu nguyện và đón nhận ánh sáng của Chúa.
· để có thể đọc được ý Chúa trong các biến cố,
· để biết phân định hành động nào sẽ dẫn đến Chúa, và hành động nào sẽ dẫn xa Chúa,
· để biết tính toán nào là do Chúa Thánh Thần soi sáng, tính toán nào không phải do Người,
· để biết nhận ra trách nhiệm của mình, và biết gánh mọi hậu quả của việc mình làm do ý thức trách nhiệm,
· để biết lựa chọn những quyết định mang tính cách cụ thể.
Như vậy, đối với tôi, Đức Mẹ Nữ Vương là Đấng dạy tôi con đường "Xin Vâng." Trên con đường đó, tôi phải đi từng bước. Các bước đó là:
Mỗi ngày
· phải suy gẫm Phúc Âm,
· phải ý thức rõ bổn phận của mình,
· phải cầu nguyện Chúa Thánh Thần,
· phải tham chiếu vào đặc sủng Chúa trao,
· phải nắm bắt bề sâu thời sự,
· phải noi gương Nữ Vương và các thánh.
Xin phép đưa ra một ví dụ. Tôi chọn khẩu hiệu cho đời Giám mục của tôi là: "Điều răn mới." Tức lời Chúa Giêsu trối lại: "Thầy ban cho các con một điều răn mới là các con hãy yêu thương nhau; các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con." (Ga 13, 34).
Điều răn yêu thương luôn là yếu tố căn bản của đạo. Nhưng đối với thời cuộc sau 30/4/1975, nó được coi là một nhu cầu bức xúc.
Đức Mẹ Nữ Vương dạy tôi chọn khẩu hiệu đó, như chọn một con đường sống Phúc Âm, khi lịch sử chiến tranh đầy hận thù vừa kết thúc.
Đổi hận thù sang yêu thương, thực quá khó. Riêng nơi tôi, thao thức chất thêm cao mỗi ngày. Luôn luôn phải tỉnh thức để phân định. Mọi lựa chọn trên con đường yêu thương đều có thánh giá.
Nhưng Đức Mẹ Nữ Vương dạy tôi: Điều cần nhớ khi chọn con đường sống Phúc Âm hợp với thời cuộc khó khăn, không phải là chọn con đường dễ, mà là chọn con đường đúng. Rồi luôn phải can đảm đi trên đó, mặc dù gặp khó khăn này đến khó khăn khác.
Qua những điều Nữ Vương Maria dạy dỗ, tôi hiểu Đức Maria là Nữ Vương các tâm hồn. Một Nữ Vương âm thầm trong một vương quốc âm thầm, rộng lớn bao la đầy thương yêu. Nữ Vương các tâm hồn giúp các tâm hồn thực thi ý Chúa, để mở rộng Nước Chúa, và để đi về với Chúa.
Nữ Vương luôn dạy tôi là: Biết sống đạo, nhất là biết hướng dẫn sống đạo trong thời đại này, trên Đất Nước này, thì rất cần đức khôn ngoan.
Đạo đức mà thôi không đủ. Trí thức mà thôi cũng không đủ. Nhưng phải đạo đức và thông hiểu trong tâm trí khôn ngoan. Xin nhấn mạnh, khôn ngoan nói đây là một nhân đức, một đặc sủng do Chúa Thánh Thần ban, vì lợi ích chung. Lạy Nữ Vương, xin luôn dạy dỗ, uốn nắn con.
II. Mẹ Nhân Lành
Lời "Mẹ nhân lành" tự nhiên đưa hồn tôi vào một tư thế gần gũi thân mật. Chính vì vậy, mà tôi hay dừng lại, để kể lể.
Thí dụ tôi hay tỉ tê:
- Xưa, Mẹ đã sống giữa nhóm các môn đệ yếu đuối. Người thì chối Chúa. Người thì bán Chúa. Người thì bỏ Chúa để trốn thoát thân. Nhưng Mẹ đã rất nhân lành với họ. Nay, con và bao môn đệ còn yếu đuối hơn họ. Xin Mẹ nhân lành thương đến chúng con, nhất là con.
- Xưa, Mẹ đã chứng kiến cảnh bao người tội lỗi thuộc đủ mọi giai cấp đạo đời, đã góp phần vào việc đóng đinh Chúa Giêsu. Nhưng Mẹ đã rất nhân lành lặng lẽ đau khổ đứng bên chân thánh giá, để lập công cứu họ khỏi án phạt đời đời. Nay, bao người đủ mọi giai cấp đạo đời cũng lỗi lầm không kém. Cả con nữa. Xin Mẹ nhân lành thương đến chúng con.
- Xưa, Mẹ đã sống giữa những người nghèo hèn, cô đơn, túng thiếu. Mẹ đã tỏ ra rất nhân lành, bằng thương cảm và chia sẻ cuộc sống nghèo của họ. Nay, con cũng đang sống bên những người dân nghèo, bệnh nạn, cô đơn. Xin Mẹ nhân lành thương đến thăm họ. Xin giúp con và các người thiện chí biết theo gương Mẹ mà biết thương cảm và chia sẻ phần nào số phận của họ.
- Xưa, Mẹ đã trải qua cảnh bị loại trừ, bị xua đuổi, phải trốn tránh. Nhưng Mẹ luôn giữ được tâm hồn nhân hậu và thái độ ôn tồn lặng lẽ. Nay, con và bao môn đệ Chúa nhiều khi bị loại trừ, bị nghi ngờ, phải nhục nhã. Xin Mẹ nhân lành thương giúp sức cho chúng con, kẻo chúng con vấp phạm.
Tôi kể lể với Mẹ nhân lành, cho lòng mình vơi đi những trăn trở u sầu. Một lúc nào đó, thường là bất ngờ, Mẹ nhân lành cho tôi nếm được chút tình yêu nhân lành của Mẹ.
Khi sự nếm được đó đến độ cao, nó trở thành tình yêu toả sáng. Nhờ ánh sáng ấy, tôi thấy tình yêu nhân lành của Mẹ gồm ba yếu tố:
1. Một là tình yêu của Chúa dành cho Mẹ,
2. Hai là tình yêu của Mẹ dâng lên Chúa,
3. Ba là tình yêu của Mẹ dành cho tôi và cho mỗi người.
Cả ba yếu tố đó làm nên một thực tại. Thực tại này giống như một khối lửa tình yêu. Có phần mang tính chất tự nhiên. Có phần mang tính chất siêu nhiên.
Nhiều người cũng nhân lành. Nhưng nếu thiếu ơn siêu nhiên, họ không thể tha thứ được như Mẹ nhân lành. Tôi có chút kinh nghiệm đó, khi sự nhân lành đòi tha thứ và yêu thương những kẻ ác độc với mình.
Với những kinh nghiệm như thế, tôi được Mẹ nhân lành cho thấy: Nhân lành như Mẹ nhân lành là một dấu chỉ dồi dào ơn Chúa. Đối với con người hôm nay, thái độ nhân lành như thế sẽ là một khí cụ truyền giáo. Dấu chỉ đó sẽ là một mời gọi dịu dàng hướng về Nước Trời.
Nhân lành cũng sẽ được coi là quan trọng cho người mục tử, khi ý thức rằng Chúa Giêsu là mục tử nhân lành (x. Ga 10,14) làm chứng cho Thiên Chúa là Cha nhân lành giàu lòng thương xót (x. Ep 2,4). Chúa Giêsu cũng là con Đức Mẹ nhân lành. Người đề cao cách sống của người Samaria tốt lành (x. Lc 10,30-37).
Tôi sẽ rất lạc lõng, nếu giả sử tôi có trí thức cao, quyền chức lớn, nhưng lại thiếu nhân lành. Nhân lành ví như một bản nhạc êm đềm. Một bản nhạc hay phải do nhiều yếu tố, như nhạc, lời, nhịp điệu, giọng hát, hồn nhạc. Người nhân lành cũng tương tự như thế. Nhân lành của họ gồm nhiều yếu tố: Tấm lòng, tư cách, việc làm, lời nói, giọng nói vv... Xin Mẹ dạy con biết sống nhân lành một cách xứng hợp, để làm chứng cho Chúa nhân lành.
III. Làm cho chúng con được sống, được vui, được cậy
Thú thực là, có những ngày thuộc tuổi thơ, khi đọc câu "Đức Mẹ làm cho chúng con được sống, được vui, được cậy," tôi chỉ nghĩ chung chung đến những gì làm cho mình được sống khoẻ mạnh, được vui vẻ, được hy vọng. Cả đến thời thanh niên, ý nghĩa chung chung đó vẫn tồn tại.
Nhưng, khi đã làm linh mục, tôi hay suy gẫm Phúc Âm về Lời Chúa kêu gọi hãy trở về. Trở về mới thực sự được sống, được vui, được cậy. Tôi dần dần cảm thấy: Trở về mà Chúa muốn nhất là trở về với Đức Kitô. Vì "Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống." (Ga 14,6).
Những lần dâng lễ ở hang Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức, tôi tự nhiên được lôi cuốn đến nội dung bài lễ dành cho các cuộc hành hương Lộ Đức. Nội dung đó chất chứa tâm tình cầu xin ơn trở về. Ơn trở về, mà tôi cảm nhận được trong những thánh lễ đó là: Chính Đức Mẹ cầu bầu, mà tôi được ơn trở về với Đức Kitô.
Đức Giêsu làm cho tôi được sống, được vui, được cậy. Tôi được dẫn đến Đức Kitô nhờ Đức Mẹ. Theo ý nghĩa đó, Đức Mẹ đang là Đấng làm cho tôi được sống, được vui, được cậy. Với ơn trở về đó, tôi được sống ơn gọi người môn đệ Chúa một cách trưởng thành hơn.
Người ở bên tôi. Hay nói đúng hơn, Người ở trong tôi. Người cho tôi được sự tự do. Nhưng Người ban ơn, để tôi biết dùng sự tự do của tôi, để cộng tác vào kế hoạch cứu độ của Người.
Những ước muốn và thích thú của tôi cũng rất mở về nhiều ngả. Nhưng bằng cách này hoặc cách khác, Đức Mẹ giúp tôi chế ngự, điều chỉnh trong tiết độ. Mẫu gương phải theo là nên giống Đức Kitô. Phải sống theo gương của Người, theo lời của Người.
Càng ngày, tôi càng kinh nghiệm thấy Người là Đấng ban cho tôi sự sống dồi dào, mặc dù trong những hoàn cảnh xem như đã cạn sự sống.
Càng ngày, tôi càng kinh nghiệm thấy Người là Đấng đem lại cho tôi nguồn vui thiêng liêng, mặc dầu trong những trường hợp đầy thử thách.
Càng ngày, tôi càng kinh nghiệm thấy Người là Đấng đem lại cho tôi nguồn hy vọng, mặc dầu mọi phía đều như những ngõ cụt u tối hãi hùng.
Hôm nay, những ngày cuối đời, khi nhìn lại đời mình, tôi thấy Đức Kitô, mà Đức Mẹ đã dẫn tôi đến, chính là Đấng cứu độ của tôi. Người đã cứu sự sống của tôi. Người đã cứu các niềm vui của tôi. Người đã cứu các hy vọng của tôi. Nhờ đó, tôi khỏi đi lạc. Mà nếu đi lạc, thì biết trở về. Để luôn biết sống trọn vẹn Tin Mừng là chính Đức Kitô, trong hiện tại hôm nay và giây phút bây giờ.
Thực vậy, hằng ngày và từng giờ, nhờ Đức Kitô, tôi cảm được sự phong phú của Lời Chúa, sự ăn khớp nhịp nhàng của các việc xảy ra thuộc chương trình cứu độ.
Hằng ngày và từng giờ, nhờ Đức Kitô, tôi thấy được chút ánh sáng, dù trong những trường hợp làn sóng khổ đau tăm tối tràn vào đời tôi.
Sự sống, sự vui, sự cậy nhiều khi không đến với tôi vội vã ồn ào, nhưng đến một cách bất ngờ, ngay cả qua những người nghèo khổ, bệnh tật, vô danh.
Sự sống, sự vui, sự cậy cũng nhiều khi ở lại trong tôi, khi tôi bắt chước Đức Mẹ biết âm thầm giữ kỹ các kỷ niệm trong lòng để suy gẫm (x. Lc 2,51).
Lạy Mẹ, xin cho con biết sống, biết vui, biết hy vọng theo gương Mẹ. Sống một cách bình thường mà không tầm thường. Vì luôn có Chúa Giêsu ở cùng con.
IV. Thân lạy Mẹ, chúng con, con cháu Eva, ở chốn khách đày, kêu đến cùng Bà. Chúng con ở nơi khóc lóc, than thở kêu khấn Bà thương.
Chúng con ở nơi khóc lóc, than thở kêu khấn Bà thương. Trong kinh "Lạy Nữ Vương", những lời trên đây đã gợi ý cho tôi rất nhiều. Gợi ý quan trọng nhất là nhìn vào hoàn cảnh của chính mình. Gợi ý đó lại càng sâu, khi Đức Mẹ thương soi sáng.
Theo Kinh Thánh, tôi cũng như mọi người đều xuất thân từ tổ tiên Eva, một người phụ nữ mang tội và bị kết án. Thế gian chung cho mọi người là chốn khách đày, nơi khóc lóc. Đó là sự thực chung.
Nơi tôi, ngoài sự thực chung đáng buồn đó còn nhiều cảnh lưu đày, và nơi khóc lóc khác, đó là những sự thực cho riêng tôi. Có nhiều loại cảnh lưu đày.
Có nhiều loại nơi khóc lóc. Đức Mẹ thương kéo tôi quan tâm đến một loại cách riêng. Loại đó là tình trạng tha hoá. Tha hoá nói đây là mất đi căn tính người môn đệ Chúa.
Theo bề ngoài, một người vẫn được coi là mang chức thánh này, tước đạo đức kia. Nhưng bên trong, họ đã đánh mất căn tính đó rồi. Lòng họ đã tục hoá. Họ sống trong cảnh như bị Chúa lưu đày. Tình trạng của họ là nơi họ đáng phải khóc lóc, mà họ không biết. Cái tôi của họ không có sự thực. Cái tôi đó đúc kết nhặt nhạnh từ những lời xã giao.
Cái tôi đó cũng có thể tạo nên do những hoang tưởng về mình. Cái tôi đeo mặt nạ. Mặt nạ vay mượn vẻ đẹp ở những y phục, lễ nghi. Cái tôi nói là thuộc Phúc Âm, nhưng lại sống xa Phúc Âm.
Đức Mẹ rất buồn với cảnh tha hoá đó. Buồn nhất là cảnh lưu đày đó lại được bình thường hoá và cơ chế hoá. Để sống an tâm giả. Đối với người khác và đối với lòng mình.
Nhưng tôi thấy, một khi chúng ta biết mình đang bị đày vào cảnh tha hoá, rồi biết khiêm tốn kêu cầu Đức Mẹ, thì Đức Mẹ sẽ cứu ta.
Sự cứu này thường không dễ. Vì việc tha hoá, khi đã trở thành một thói quen, một nếp sống, một tình trạng, thì bao giờ nó cũng bị kéo níu bởi nhiều người cùng tha hoá như mình, và bao giờ nó cũng được hỗ trợ bởi thế gian và ma quỷ. Vì thế, phải cầu nguyện nhiều, phấn đấu nhiều và hy vọng nhiều vào ơn phục sinh.
Nhất quyết bỏ đi các thứ mặt nạ. Có những mặt nạ đẹp, gây được nhiều lời khen, nhưng sẽ phải trả giá bằng nhiều tai hoạ.
Nếu tôi tha hoá, tôi thất bại về đường đạo đức, thì tôi phải khiêm tốn nhận lỗi. Tôi không đẩy trách nhiệm sang ai. Tôi nhận tội mình. Tôi dâng những nước mắt ăn năn sám hối cho Chúa, qua Đức Mẹ. Điều quan trọng tôi nên nhớ ở đây là: Khi đi tìm Chúa, tôi đừng bao giờ mang mặt nạ đạo đức.
Trong đời sống thiêng liêng, nhiều khi không phải tôi đi tìm Chúa, mà là chính Chúa đi tìm tôi. Trong những trường hợp như vậy, nếu tôi còn đeo mặt nạ đạo đức, thì chính tôi sẽ cản việc Chúa tìm kiếm tôi.
Tôi xin Đức Mẹ giúp tôi gỡ ra khỏi mặt tôi hết các thứ mặt nạ, làm tôi tha hoá. Tôi sẽ quỳ xuống đất, với con người thực của tôi, với đúng mặt thực của tôi. Tâm hồn tôi nghèo khó. Mặt tôi xấu xa. Nhưng chính vì tôi trình diện tôi với với những sự thực đó, nên tôi tin Chúa thương sẽ nhận tôi như một của lễ thờ phượng, của lễ đền tội.
Lạy Mẹ, xin cho con tránh được mọi thứ làm cho con tha hoá. Kể cả thứ tha hoá về đạo đức vì không có thực chất, không được Chúa nhìn nhận.
V. Hỡi ơi, Bà là đấng cầu bầu cùng Chúa cho chúng con,
xin ghé mắt thương xem chúng con
Những lời "chúng con" tôi đọc, khi cầu nguyện ở đây, thường trải rộng sang mọi người, không phân biệt tôn giáo nào, không phân biệt có tín ngưỡng hay không có tín ngưỡng.
Dần dần, Đức Mẹ chữa đời sống nội tâm của tôi. Trước hết là chữa về mặt tâm lý. Tôi ý thức mình đã có một số cái nhìn hẹp hòi, bất công về những người ngoài đạo công giáo. Tôi phải sửa lại.
Tiếp đó là ý thức mình đôi lúc đã để những cảm xúc lạnh lùng dâng trào lên, theo những cái nhìn sai trái đó. Tôi phải sửa lại. Có được hai ý thức đó là bước đầu để đi vào những cái nhìn hài hoà và những tình cảm hài hoà.
Nhưng bước đầu đó cũng đã khó, càng bước thêm càng thấy khó. Nhưng Đức Mẹ cầu bầu với Chúa Thánh Thần cho tôi được nghị lực vượt khó. Đức Mẹ ghé mắt thương xem những người ấy. Xem với tình thương. Tôi cũng làm như vậy. Dần dần, tôi nhận ra nơi họ nhiều đức tính tốt, nhiều việc tốt. Không những thế, tôi nhận ra nhiều người trong họ tốt hơn nhiều người đạo tôi, tốt hơn cả tôi.
Còn nữa. Tôi gặp một số người trong họ đã tích cực giúp tôi trên đường truyền giáo. Đến một lúc, tôi bừng tỉnh, thấy mình đã có sai phạm. Nhìn đen tối về người khác là nhìn sai.
Càng lớn tuổi, nhất là càng có nhiều tiếp xúc với đồng bào, tôi mới thấy tôi không bao giờ cô đơn. Trong những lúc tối tăm, Mẹ vẫn ở bên tôi. Mẹ gởi đến tôi những người tôi không ngờ. Họ ngoài công giáo. Họ âm thầm nâng đỡ tôi. Họ không làm thay tôi. Đức Mẹ cũng không làm thay tôi. Nhưng có những người ngoài công giáo cùng làm với tôi. Đôi lúc, họ làm thay tôi.
Do những kinh nghiệm như thế, nhiều khi tôi có cảm nghĩ nhiều người ngoài công giáo đã thuộc về Nước Trời. Họ có niềm tin, lòng từ thiện và đời sống lương thiện đáng nêu gương.
Xưa, trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đã nhiều lần khen người ngoại đạo về những việc tốt của họ. Nay, trên thực tế cuộc sống của tôi, tôi cũng đã và đang thấy những lời Chúa Giêsu khen xưa vẫn còn ứng nghiệm.
Riêng đối với Đức Mẹ, phải nói rằng: Rất nhiều người ngoài công giáo có lòng tin mến Đức Mẹ. Họ đã được Đức Mẹ ban ơn vô kể. Tôi gọi họ là con Đức Mẹ. Quả không sai. Những kết quả này được coi như một loại hoa trái thiêng liêng. Thấy được. Tin được. Những hoa trái này lại trở thành hạt giống được gieo vào những vùng khác nhau của xã hội. Những vùng này rất mới, xưa rất xa lạ đối với Tin Mừng.
Từ những kinh nghiệm này, tôi thấy một cách truyền giáo hiện nay là biết làm những việc nhỏ, như:
· Yêu thương kính trọng những người ngoài công giáo.
· Phục vụ quê hương đất nước theo khả năng của mình.
· Hợp tác xây dựng địa phương mình sinh sống.
· Hiện diện một cách hài hoà đúng đắn trong các vấn đề có những khác biệt.
· Gần gũi những người nghèo khổ.
Phổ biến các tài liệu mang Lời Chúa. Tất cả các việc bé nhỏ như thế cần được thực hiện một cách khiêm tốn, thường xuyên, cụ thể, với bề sâu bác ái, kèm theo cầu nguyện.
VI. Đến sau khỏi đày,
xin cho chúng con được thấy Đức Chúa Giêsu,
con lòng Bà gồm phúc lạ
Lời kinh: "Đến sau khỏi đày" gợi cho tôi nghĩ đến cái chết. Nhưng trước giờ chết, tôi còn một thời gian dẫn tôi tới gần phút sau cùng ấy. Tôi không biết thời gian đó dài bao lâu. Nhưng càng thêm tuổi, tôi càng nghĩ đến cái mình là hơn là cái mình làm.
Tôi là môn đệ Chúa Giêsu. Điều kiện để nên môn đệ Chúa Giêsu đã được chính Người phán tỏ: "Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo." (Mt 16,24). Xét mình chỉ sơ sơ, tôi đã thấy tôi không thực hiện điều kiện đó một cách thường xuyên.
Tôi thực sự yếu đuối.
Tôi có rất nhiều thiếu sót. Trong đó có những thiếu sót được coi là di căn của những lỗi lầm xa xưa.
Tôi có phần nào chu toàn bổn phận. Nhưng đó là kết quả chung, do sự cộng tác và đỡ nâng của bao người gần xa.
Tôi có làm một số việc lành. Nhưng ai dám nói rằng tất cả những việc lành đó đã hoàn toàn không pha bụi bặm. Tôi có nhiều cố gắng vượt khó. Nhưng bao lần tôi vẫn mang nuối tiếc một vài hành trang cần vứt bỏ.
Tôi đã có thể tốt hơn mà nhiều khi vẫn đứng tại chỗ. Tôi nhiều lần bất lực trước những vật cản chẳng đến nỗi nào.
Tôi thực sự mỏng manh.
Tôi đã có nhiều dịp để phục vụ Hội Thánh, Quê Hương và người khác một cách tốt hơn. Nhưng tôi đã không tỉnh thức đủ.
Tôi đã có một số thời gian, để trau dồi kiến thức đạo đời, để suy gẫm và cầu nguyện. Nhưng tôi đã lơ là, bỏ lỡ. Tôi nhận mình bất toàn, với bao nhiêu giới hạn.
Lịch sử viết về thánh Gioan Thánh giá có đoạn nói lên lòng nhiệt thành độc đáo của người môn đệ Chúa.
Một hôm, Chúa Giêsu hỏi Gioan: "Này Gioan, con hãy xin Ta điều con muốn, vì Ta sẽ ban điều ấy cho con, để đáp lại một đời con đã phục vụ Ta." Chúa Giêsu đã phải lặp lại câu hỏi đó 3 lần, bởi vì Gioan, do luôn cảnh giác trước thị kiến, đã không vội trả lời.
Nhưng rồi ngài thưa: "Lạy Chúa, con muốn xin Chúa cho con được đau khổ vì Chúa, cho con bị khinh chê và bị người ta coi con không ra gì."
Thú thực là tôi không dám bắt chước thánh Gioan mà xin như vậy. Vì tôi yếu đuối. Đến khi, Chúa ban cho tôi được nếm đôi chút những điều mà thánh Gioan xin, tôi thấy quá sợ. Lúc đó, tự nhiên tôi có cảm tưởng mình trở thành gánh nặng cho người khác. Cảm tưởng đó giúp cho tôi khám phá thấy sự yếu đuối của mình là một thế giới quạnh hiu, có khả năng dụ dỗ mình sa vào những yếu đuối khác.
Qua những kinh nghiệm trên và nhiều kinh nghiệm khác, tôi nhận biết mình là gì? Thưa tôi nhận mình là kẻ rất yếu đuối, rất bất xứng, rất mỏng manh. Với nhận thức đó, tôi thấy mình chẳng là gì, chẳng đáng gì.
Khi Chúa đòi tôi dâng của lễ. Tôi nghe Đức Mẹ bảo tôi cứ khiêm tốn dâng cho Chúa những vất vả, đau đớn, sám hối, tình yêu và cả những yếu đuối của tôi. Tôi dâng của lễ kỳ lạ đó, và nhớ lại lời Chúa gọi: "Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng." (Mt 12,28).
Thực sự, Chúa Giêsu đã nhận của lễ tôi dâng. Tôi cảm nhận được sự kiện đó, nhờ thấy lòng mình thêm cậy trông phó thác. Tôi như trẻ thơ dại khờ, yếu đuối về mọi mặt, với hai bàn tay trống không. Chỉ biết mình là kẻ yếu đuối, tội lỗi, tuyệt đối cậy tin vào Chúa cứu chuộc. Người đã tuyên bố: "Ta không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn." (Lc 5,32).
Càng tới gần ngày ra khỏi đời này, tôi càng được Đức Mẹ thương ẵm ôm dắt dìu người con yếu đuối hèn mọn này trên đường về với Cha.
Tôi tin: Vừa ra khỏi đời này, tôi lập tức được thấy Đức Chúa Giêsu, con lòng Mẹ Maria, đầy phúc lạ. Mẹ sẽ giới thiệu tôi với Chúa: Đây là người con rất yếu đuối, nhưng rất phó thác cậy trông. Thế là tôi sẽ được nhận vào Nước Chúa, nơi dành cho những ai trở nên như trẻ nhỏ. (x. Mt 18,3).
Lời kết:
Ôi, khoan thay,
nhơn thay,
dịu thay,
Thánh Maria trọn đời đồng trinh.
Với tinh thần trẻ thơ, hằng ngày và mãi mãi, đời đời, tôi sẽ ca tụng Mẹ, chỉ đơn sơ bằng những từ "Khoan hậu, nhân từ, hiền dịu."
Sống kinh "Lạy Nữ Vương" như vừa chia sẻ, tôi nhìn về Hội Thánh tương lai. Tôi thấy: Hội Thánh tương lai sẽ là Hội Thánh nhỏ, nhưng sẽ mạnh, nếu theo gương Đức Mẹ biết:
· bác ái nhiều hơn
· nội tâm nhiều hơn
· giản đơn nhiều hơn.
Tôi cầu nguyện: Các môn đệ Đức Kitô sẽ là những ngọn lửa thắp sáng lên niềm hy vọng. Ngọn lửa nội tâm được đốt lên từ những giờ thinh lặng với Chúa Giêsu và Đức Mẹ.
Niềm hy vọng sẽ là một sự phục sinh trong chính đời thường, nhờ sức mạnh tình yêu của Thánh Linh.
Mọi người, không phân biệt ai, sẽ nhìn Đức Mẹ là Mẹ của mình. Mẹ nhân lành, khoan dung, nhân từ, hiền dịu. Mẹ sẽ đưa mọi người thiện chí về Nước Trời, gặp Cha chung giàu lòng thương xót.
Trên đây là tâm tình tha thiết tạ ơn của tôi sau một đời dài cầu nguyện kinh “Lạy Nữ Vương, Mẹ nhân lành.”●