PDA

View Full Version : VẤN NẠN MUÔN THUỞ



Damsan
06-05-2009, 07:58 PM
VẤN NẠN MUÔN THUỞ
LÀM SAO ĐỂ PHÁT TRIỂN ƠN GỌI THIÊN TRIỆU
( Chúa Nhật IV PS B )

Đọc lịch sử, ta nhận ra điều này : ít có ai dị ứng với Tin Mừng. Cũng hiếm có ai hận thù hay phỉ báng Chúa Giêsu. Thế mà vẫn có đó nhiều người, xưa lẫn nay, cảm thấy khó chịu khi nghe nói đến Hội Thánh. Cũng cần chân nhận rằng ít có ai cảm thấy khó chịu với Hội Thánh Chúa xét như là “Đoàn Dân Thiên Chúa” hay là “Dấu chỉ Nước Trời”.

Hằng năm, cứ vào ngày Chúa Nhật IV Phục Sinh, đoàn tín hữu lại được dịp hướng về ơn thiên triệu linh mục, và dĩ nhiên được mở rộng ra với ơn gọi tu trì nói chung. Cầu nguyện, cầu xin cho ơn gọi tu trì, ơn gọi linh mục trổ hoa kết trái là điều chính đáng và phải đạo, vì cho đến nay “lúa đang chín đầy đồng mà thợ gặt vẫn còn quá thiếu”. Dù rằng đó đây, nơi này nơi khác, có vài tín hiệu vui khi số ơn gọi linh mục gia tăng, nhưng xét chung thì vẫn thiếu hụt rất nhiều so với nhu cầu. Có nhiều Đấng chủ trương rằng cần chú trọng đến “chất lượng” hơn là “số lượng”. Một chủ trương hầu như ít có ai phàn nàn, nếu không muốn nói là sẵn sàng ủng hộ cả hai tay. Tuy nhiên vừa bảo đảm chất lượng vừa tăng số lượng thì vẫn là điều rất đáng ước mơ và phải tìm mọi cách để thành hiện thực.

Có thể trong một vài năm, tại một vài địa phương, số ơn gọi tu trì và ơn gọi linh mục có tăng. Bản tin Vietcatholic News ngày 02-4-2009 : “Theo Niên Giám 2009 của Tòa Thánh, công bố ngày 28-2-2009, số linh mục trong Hội Thánh tiếp tục gia tăng và năm 2007 có 408.024 vị tức là tăng thêm 762 vị so với năm trước đó. Phi và Á châu có số linh mục tăng nhiều nhất: 27,6 và 21,2%. Số linh mục tại Mỹ châu đứng yên, trong khi số linh mục tại Âu và Úc châu giảm 6,8 và 5,5% trong cùng thời gian từ 2006 đến 2007.

Trong cùng thời gian vừa nói, số chủng sinh và tu sinh ban triết và thần học trong Hội Thánh tăng thêm 0,4% và năm 2007 có gần 116 ngàn thầy (115.919), tăng thêm 439 thầy. Sự gia tăng này diễn ra tại Á, Phi trong khi tại tại Âu và Mỹ châu, số chủng sinh giảm 2,1 và 1%”. Tuy nhiên xét theo từng chu kỳ dài từ 30 dến 50 năm và so với số tín hữu thì cần thú nhận rằng số ơn gọi linh mục và tu sĩ nam nữ thực sự suy giảm. Trước hiện tượng suy giảm số người theo đuổi ơn gọi tu trì nói chung và ơn gọi linh mục, người ta tìm hiểu, phân tích các nguyên nhân và dễ đồng thuận với một vài nguyên nhân sau :

1.Đời sống vật chất ngày càng phát triển cùng với các tiện nghi đầy đủ, phong phú đã dần hình thành cái tâm lý hưởng thụ nơi con người, nhất là nơi người trẻ. Ngày nay người ta không chỉ biết lao tác để phục vụ nhu cầu ăn no, mặc ấm mà còn tìm mọi cách để có cái ăn ngon, mặc đẹp. Các nhu cầu giải trí cũng ngày càng đa dạng, bắt mắt, cuốn lòng. Thư giản ( Relax ) dần trở thành một nhu cầu không dành riêng cho giới quý tộc hay người giàu có. Sự khổ chế không chỉ dần vắng bóng trong thực hành mà còn rất ít được đề cập, thậm chí còn bị xem như là một điều gì đó của thời chưa phát triển nếu không muốn gọi là lỗi thời.

2.Với hệ quả của tâm lý hưởng thụ, các gia đình có thêm nguyên cớ để hạn chế số con cái. Ít con, thậm chí chỉ một hoặc hai đứa con, thì bố mẹ qua cưng chiều theo khả năng của mình nên vô tình tạo một tâm lý quy ngã và như thế khó hun đúc chí cống hiến nơi con cái. Ít con, thì bố mẹ cũng không tha thiết gì với vấn đề hiến dâng con cái cho đời sống tu trì, chưa kể tâm lý muốn có người nối dõi tông đường.

3.Tạm gọi là “cuộc cách mạng giải phóng tính dục” cũng đã tác động trên người trẻ tâm lý hưởng thụ. Bên cạnh đó các dịch vụ giải trí truyền hình, phim ảnh… thường nhan nhãn phô bày cảnh yêu đương, các quan hệ giới tính. Một trong những nhu cầu vừa đẹp, vừa lôi cuốn cứ mãi đập vào mắt vào tai con người thì thật khó cưỡng lại. Hệ quả kéo theo là việc sống trinh khiết hay giữ sự khiết tịnh dường như là điều bất khả với rất nhiều người, nhất là với giới trẻ.

Một vài nguyên nhân được nêu trên có thể gọi là nguyên nhân khách quan, nghĩa do tác động của môi trường, cuộc sống hiện đại. Ngoài ra không thể không nói đến nguyên nhân chủ quan tức là chính đời sống tận hiến tu trì. Theo cuộc thăm dò mới đây ở nước Mỷ do Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng về Tông đồ giáo dân (Center for Applied Research in the Apostolate) tại trường Đại học Georgetown, trong một cuộc nghiên cứu thực hiện cho Hội đồng Giám mục Hoa kỳ, thì 85 % số tân linh mục đã trả lời rằng chính các linh mục là những người động viên họ. Con số, nhất là số tương đối, nhiều khi rất hàm hồ. Tuy nhiên con số 85% một cách nào đó đã nói lên chân lý : hữu xạ tự nhiên hương. Một cuộc sống tu trì tận hiến, một hình ảnh linh mục thánh thiện, nhiệt thành, xả thân vì chiên trong đàn lẫn ngoài đàn, chính là một lời động viên, một lời mời gọi giới trẻ quảng đại dấn thân, cách hùng hồn và thuyết phục. Và ngược lại, cần chân nhận rằng nếu số ơn gọi giảm sút thì cũng phải xem xét lại hình ảnh các cuộc đời đang theo đuổi ơn gọi hiện hành có biến dạng hay kém phảm một cách nào đó chăng. Không dám to gan quả đoán cách hồ đồ, vô căn cứ, nhưng vẫn có thể luận suy từ những chứng cứ mà lịch sử để lại. Những khi Hội Thánh càng có nhiều mục tử thánh thiện thì ơn gọi linh mục, tu sĩ càng nỡ rộ. Quy luật “hữu xạ, tự nhiên hương” dường như mãi đúng với mọi hoàn cảnh.

Trước hiện trạng trên, Hội Thánh không ngừng tìm mọi cách thế để cổ võ ơn thiên triệu. Trên hết, trước hết vẫn là gia tăng lời cầu nguyện dưới mọi hình thức, vì tất cả đều là ân sủng Chúa ban. Đức Bênêđictô XVI tái khẳng định điều này trong sứ điệp ngày thế giới cầu cho ơn thiên triệu 2009 : “Bổn phận đầu tiên của chúng ta là duy trì sống động lời cầu xin của chúng ta, qua lời cầu nguyện không ngừng, để sáng kiến này ( là chọn gọi những người cộng tác ) của Thiên Chúa được thực hiện nơi các gia đình và các giáo xứ, nơi các phong trào và hội đoàn dấn thân trong sứ mệnh tông đồ, nơi các cộng đoàn tu trì và nơi tất cả các cơ cấu của đời sống địa phận.”

Song song với việc gia tăng lời cầu, thì các sáng kiến được thực hiện để khuyến khích thanh thiếu niên chọn đời tận hiến quả là một nổ lực đáng trân trọng và đáng tán dương. Góp phần vào công cuộc to lớn ấy, xin mạo muội có một vài thiển ý :
Cần tìm mọi cách thế để giải quyết các vấn nạn, đúng hơn là nhưng nguyên nhân gây ra tình trạng suy giảm ơn gọi đã nêu trên. Chắc chắn không thể, và không được phép kìm hảm sự phát triển của xã hội, của khoa học kỷ thuật... Tuy nhiên chúng ta có thể quảng bá cách thế hưởng dụng tiện nghi vật chất cách khôn ngoan, quân bình, trong sự liên đới trách nhiệm với tha nhân, với anh chị em đang chịu cảnh khốn khổ, bất hạnh...
Khuyến khích các gia đình sinh nhiều con cái, quả là vấn nạn dường như khó có lời giải, và đôi khi, nếu thiếu cẩn trọng và hiểu biết thì chính chúng ta lại trở thành đối tượng cho nhiều thể chế, quốc gia lên án. Dù rằng lời dạy của Hội Thánh về việc sinh con có trách nhiệm đã rõ ràng, nghĩa là vợ chồng cần bàn bạc, thống nhất và chủ động sinh con trong khả năng nuôi dưỡng và giáo dục của mình, thì cũng có đó rất nhiều gia đình Công giáo, dù đủ khả năng nhưng vẫn tìm cách hạn chế sinh con. Các mục tử thường bỏ ngõ vấn đề này cho lương tâm của họ và thực tế thì họ như vẫn “yên lương tâm” cách nào đó. Nhiều đấng bậc đã có sáng kiến mời gọi các gia đình noi gương tỏ phụ Abraham hiến dâng đưa con một cho Thiên Chúa. Thành công thì cũng có nhưng rất hoạ hiếm, còn thất bại là chuyện bình thường như cơm bữa.

Chuyện đối phó với cuộc cách mạng tính dục, hay tìm cách kiểm soát các phương tiện thông tin, hướng dẫn người trẻ làm chủ các phương tiện “nghe nhìn” thì đã có đó nhiều phương pháp và biện pháp, thế nhưng cần thú nhận rằng rất khó đạt kết quả như mong ước, nếu không muốn nói là nhiều khi sự việc như ngoài tầm tay. Phải chấp nhận rằng vấn nạn không dễ chút nào, vì nếu không khó thì đã không thành vấn đề. Không thể khoanh tay chịu cảnh bất lực, chúng ta cần nổ lực hơn nữa để làm tất cả những gì có thể để cho ơn gọi thiên triệu lại được phục hồi và phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng.

Một điểu rất có thể mà bản thân xin được nhấn mạnh trong bài chia sẻ này đó là hãy làm sạch và đẹp các hình ảnh linh mục, tu sĩ nam nữ trước nhan Thiên Chúa và trước mặt người ta. Hiệu quả của dịch vụ tiếp thị, quảng cáo là điều không thể chối cãi. Càng có nhiều mục tử nhận hậu, nhiều linh mục, tu sĩ thánh thiện, nhiệt thành, biết sống xả thân...xuất hiện trước mắt người ta, thì chắc chắn sẽ càng có nhiều người tự nguyện chọn con đường tận hiến theo ơn gọi thiên triệu. Kinh nghiệm cha ông chúng ta vẫn còn đó : “Hữu xạ tự nhiên hương”, “ lời nói gió bay, gương bày lôi kéo”.
Không phải chỉ một lần trong năm, nhưng cứ mỗi Chúa Nhật IV Phục Sinh lại về, ước gì những ai đang sống trong ơn gọi thiên triệu linh mục, tu sĩ biết tìm cách làm tốt, làm sạch, đẹp con người của mình, đời sống của mình theo hình ảnh Thầy chí Thánh Giêsu Kitô, vị Mục Tử nhân lành, là Con Chiên tinh tuyền, là Đấng Thánh của Thiên Chúa. Chắc chắn không có ơn Chúa thì ta không thể làm đựơc sự gì. Tuy nhiên, thiết nghĩ rằng Thiên Chúa vốn không hề dè sẻn ân thiêng, nhất là trong việc chính đáng và phải đạo như thế này. Có lẽ phần còn lại là ởphía chúng ta. Chữ chúng ta ở đây là toàn thể nhân loại, toàn thể các Kitô hữu, chứ không riêng gì các đấng bậc trong đời tu trì. Kitô hữu giáo dân không sống bậc tu trì ngoài việc cầu nguyện dưới các hình thức, thì vẫn có trách nhiệm làm tốt, làm sạch, đẹp các linh mục, tu sĩ nam nữ, trong khả năng và hoàn cảnh của chính mình. Ước gì tâm lý “ kính nhi viễn chi” hay tâm lý sợ “phạm đến cha là phạm đến Chúa” hay sợ “ bất kính với người tu trì thì sẽ bị Chúa phạt” sẽ chẳng còn ám ảnh khiến họ sống thụ động và vô tình trở thành “tắc trách” ( thiếu trách nhiệm ).

Lạy Chúa, vào Chúa Nhật IV Phục Sinh này, con không chỉ hát, dù hát là cầu nguyện hai lần, bài ca : “Lạy Chúa, xưa Chúa đã phán : lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt. Chúa hãy ban nhiều thợ biết nhiệt thành, để Nước Chúa rộng lan khắp nơi...” nhưng con sẽ làm điều này, điều này... Và tôi nghe như Chúa trả lời : “Được, Ta sẽ chờ xem con làm những gì. Nhưng không phải chỉ trong ngày Chúa Nhật IV Phục Sinh đâu, mà trong nhiều ngày, nhiều ngày khác nữa nghe con.”


Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa - Thuận Hiếu – Ban Mê Thuột



Gpbanmethuot.net