PDA

View Full Version : PHỤC VỤ TRONG THÁNH THẦN



bethichconlua
07-05-2009, 04:37 PM
PHỤC VỤ TRONG THÁNH THẦN
Lm Trịnh Đức Hòa 20/9/2004


Tôi từng sinh hoạt với các đoàn thể khác, nhưng phải thú thật mỗi khi được gần gũi, ca ngợi, được tĩnh tâm, được cầu nguyện với anh chị em Canh Tân Đặc Sủng thì lòng của tôi cảm thấy được mở ra cho quyền năng của Chúa, cảm thấy được bồi dưỡng trong sức mạnh và niềm vui của Chúa.
Trong cuộc sống của chúng ta có rất nhiều thách đố, khó khăn, gian nan cho nên khi được gần gũi anh chị em để ca ngợi Chúa tôi cảm thấy Chúa luôn ở gần chúng ta. Nói thế là để tạ ơn Chúa và cám ơn tất cả quý anh chị em đã luôn luôn là những người trong Chúa Thánh Thần, đem niềm tin, lòng mến và niềm vui đến cho tất cả mọi người xung quanh. Nếu chúng ta là những người phục vụ Thiên Chúa trong niềm tin mến và vui như thế, thì phần thưởng của Thiên Chúa dành cho quý anh chị em là những người phục vụ rất bội hậu.
Chúng ta cùng suy niệm, thảo luận với nhau về chủ đề “Phục vụ trong Chúa Thánh Thần”, cùng nhau suy niệm về gương của Chúa Giêsu Kitô được lấy ra từ các sách phúc âm và tuần tới chúng ta sẽ suy niệm về ơn gọi phục vụ trong Chúa Thánh Thần. Nhìn về gương của Giáo hội sơ khai, thiết tưởng quý anh chị em là người phục vụ Chúa Thánh Linh thì chúng ta cần phải được bồi dưỡng bằng chính nguồn Thánh Kinh, nguồn Lời Chúa. Vì thế, trong buổi chia sẻ ngày hôm nay, xin anh chị em cùng xuôi mình vào trong Lời hằng Sống để chúng ta thấy được trái tim của Đấng đầy tràn Thánh Thần là chính Chúa Giêsu, và Giáo hội sơ khai cả cộng đoàn được lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần hiện xuống và họ đã sống ơn phục trong Chúa Thánh Linh như thế nào? Rồi từ đó 2 ngàn năm sau, chúng ta đây cũng tiếp nối những gì Chúa Giêsu đã sống, hiện diện mà Giáo hội sơ khai đã xây dựng cho chúng ta.
Chủ đề phục vụ trong Chúa Thánh Thần là chủ đề chúng ta cần phải học hỏi. Bởi vì trong những năm tháng vừa qua chúng ta được mời gọi để phục vụ người khác. Chúng ta được mời gọi để mời người khác tham dự khóa Thánh Linh, vào trong các nhóm cầu nguyện, vào trong hoan lạc, bình an của Chúa Thánh Linh. Chúng ta tạ ơn Chúa về ơn gọi này. Nhưng nhiều khi chúng ta thực hiện ơn gọi phục vụ này một cách rất là tự phát, một cách rất là tự nhiên. Dù cho chúng ta phục vụ trong tâm tình đó, Chúa vẫn ban ơn cho mình nhiều, Chúa vẫn chúc lành cho những công việc của chúng ta, rõ ràng trong những năm vừa qua phong trào canh tân đặc sủng Việt Nam phải nói với tất cả niềm tri ân cảm mến quả là một món quà tặng của Chúa Thánh Linh cho cộng đoàn Công giáo Việt Nam tại giáo phận Orange này để rồi từ đó lan toả đến các giáo phận khác, nơi có các cộng đoàn Công giáo Việt Nam.
Chúng ta thấy gì? Tuy là một phong trào non trẻ xuất hiện về say này, nhưng lại một phong trào mạnh, phong trào lớn, có khả năng thu hút được đông đảo quần chúng, không phải chỉ có người Công giáo mà thôi, mà còn nhiều những anh chị em tôn giáo bạn nữa. Thử hỏi có một phong trào nào mà mỗi một năm tổ chức đến 2 ngày tĩnh tâm đầy tràn ơn Chúa Thánh Linh. Kỳ vừa rồi chúng ta thấy khủng khiếp nhỉ? Có đến trên 500 người tham dự. Nhưng chắc chắn số người tham dự không phải là tất cả là người Công giáo mà còn có đông người từ tôn giáo bạn. Chỉ có Chúa Thánh Linh mới kêu gọi được như thế, các khóa tĩnh tâm khác, các khóa đại hội khác, các khóa 3 ngày khác công nhận có người tham dự, nhưng số người tham dự không kỷ lục bằng phong trào Canh Tân Đặc Sủng. Chúng ta hãy tạ ơn Chúa. Và lại càng hiếm thấy, nếu không muốn nói là không có những anh chị em của tôn giáo khác. Nói thế không phải để mình khen mình. Nói thế để thông cảm, không phải là để mình có một niềm kiêu hãnh cho bằng là để thấy hoa trái phục vụ của chúng ta đã nở sinh, bằng cách Chúa đã đưa các anh chị em của tôn giáo bạn đến. Tôi xin nhắc lại đây là dấu hoa trái của Chúa Thánh Thần, đó là bất cứ một đoàn thể nào có khả năng thu hút được những anh chị em của các tôn giáo bạn đến để cùng chia sẻ niềm tin, niềm vui của người biết Chúa, thì đấy chính là sự hiện diện của Chúa Thánh Thần đang hoạt động và đã sinh ra những mầm non mới, những cành lá mới để như Chúa nói trong Phúc âm chim trời đến nương náu nơi này.
Hãy vui mừng, vì không phải chúng ta xứng đáng, tài giỏi, vì không phải chúng ta đạo đức hay thánh thiện mà Chúa làm nên điều đó, nhưng nhờ lòng Chúa thương xót chúng ta. Nhờ Chúa Thánh Thần đã biến đổi chúng ta như khi xưa Chúa biến đổi Phêrô là người đã chối Chúa, các môn đệ là người chạy bỏ Chúa, để rồi lại trở nên một người đức tin, sau ngày lễ hiện xuống đã đứng lên làm chứng để đưa bao tâm hồn trở về với Chúa. Không phải chờ đến ngày lễ hiện xuống, chúng ta mới thấy những biến cố như vậy, nhưng mà chính lễ hiện xuống đang tiếp diễn ở ngay giữa chúng ta. Tôi tin chắc rằng Chúa đang dùng anh chị em để phục vụ không phải chỉ cho những người Công giáo mà thôi, mà con biết bao người lương dân đang chờ đón nữa. Vậy việc chúng ta suy niệm phục vụ là đi vào trong chính ơn gọi của chúng ta đấy. Khi tôi nói ở đây không nói cho quảng đại quần chúng đâu, vì đây là những chất gọi đi vào ơn phục vụ. Khi anh chị em nghe lời này, thì không phải là lời của linh mục như cha Hòa nói, mà chính là lời của Chúa mời gọi mỗi người chúng ta, người nói lẫn người nghe đều phải nhìn nhận lại ơn gọi phục vụ mà Chúa đã dành cho chúng ta, với tư cách là một người Kitô hữu, với tư cách là người cha, người vợ, người mẹ trong gia đình, và nhất là với tư cách của người phục vụ trong Chúa Thánh Linh.

I- Phục vụ không phải là...
1- Phục vụ không phải là cách gây ảnh hưởng:
Mẹ Giacôbê-Gioan: “Một người ngồi bên hữu, một ngồi bên tả” (Mt 20:20).
Chúng ta đã thấy tấm gương này ở trong phúc âm khi Giacôbê và Gioan, hai người môn đệ, 2 người tình nguyện phục vụ theo con đường của Thầy. Thế nhưng trên đường đi Giêrusalem, thì họ nghĩ tưởng là đi lên Giêrusalem để có được một địa vị, có được một uy quyền, có một ảnh hưởng, thế giá. Dĩ nhiên họ biết họ non trẻ không thể nói trực tiếp với Chúa Giêsu được, họ đã nhờ mẹ mình, hy vọng vào mẹ vì họ biết Chúa Giêsu rất nể những người phụ nữ trong hình của người Mẹ mình, cho nên họ nhờ mẹ mình làm “bộ trưởng ngoại giao” cho mình. Bà trưởng ngoại giao đến xin Thầy cho 2 đứa con của con, một đứa ngồi bên hữu, một đứa ngồi bên tả. Chúa Giêsu trả lời, bà ngoại giao không biết xin cái gì cả.
Kinh nghiệm xin xỏ để có được một vị thế, có ảnh hưởng, có một thế giá không phải là chuyện của Gioan và Giacôbê hồi xưa, mà luôn là một cám dỗ cho mỗi chúng ta hôm nay. Nó nhức nhối lắm, nó ác nghiệt lắm, mà nó lại tinh vi lắm. Bởi vì khi chúng ta phục vụ, thì chắc chắn một cách nào đó sẽ có khi không có kết qua. Nếu không có kết quả thì ít ra mình cũng đã bỏ vào, đầu tư trong đó, thời gian, công sức, tiền bạc đủ thứ cả, mà khi mình đã đầu tư rồi, investment rồi thì mình cũng sẽ đặt câu hỏi là lời lãi bao nhiêu? Cái đó là luật rất tự nhiên. Người ta vẫn thường nói là trồng cây thì muốn hái quả, hay là cha mẹ nuôi con thì muốn con cái được ngoan ngoãn, hiếu thảo, học hành thì muốn được thi đậu, làm việc muốn được tăng lương, tất cả những quy luật đó như là nhân và quả vậy. Có làm là có hưởng, nhưng mà chúng ta phải coi chừng. Quy luật đó có thể áp dụng trong thế giới tự nhiên, có thể áp dụng trong thương trường, nhưng chúng ta phải rất cẩn thận khi chúng ta áp dụng nó vào trong đời sống phục vụ, nhất là tương quan Thầy Chí thánh với người môn đệ. Khi chúng ta áp dụng luật đời vào tương quan phục vụ với Thầy Chí thánh với anh chị em thì chúng ta cũng chuẩn bị nghe câu của Chúa Giêsu nói với mẹ Gioan ở trên. Bởi vì trong đời sống phục cho dù chúng ta có bỏ công khó, có đạt được những thành tựu như thế nào, có được một vị thế như thế nào, thì tất cả những điều đó như Chúa Giêsu nói hãy làm tay trái mà tay phải không biết. Nếu chúng ta quên đi được, thì chất người, chất nhân tố, sẽ cho chúng ta một quy luật nhân quả, chúng ta đã gieo nên chúng ta sẽ hái được những quả nào đó. Chưa kể là nói chuyện chúng ta sẽ gây những ảnh hưởng để có những lợi lộc trần thế, tiền bạc hay là nhiều khi những ảnh hưởng về cá nhân, ảnh hưởng về tiếng tăm, về danh giá v.v... Những điều đó, thiết tưởng chúng ta là những người được mời phục vụ, đã cho thì chúng ta hãy cho hết và không lấy lại.
2- Phục vụ không phải là con đường tiến thân. “Chúng tôi trước đây hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu Israel” (Lc 24:21).
Chúng ta thấy 2 môn đệ đi làng Emau, đã chia sẻ cho chúng ta về ham vọng tiến thân này, ở nơi ít nhất là 2 vị hay nếu nói chung là cả nhóm 12. Đó là 2 vị khi đi với người lạ mặt trên đường Emau thì đã tâm sự với người lạ mặt đó là, ông chẳng biết gì về một ông Giêsu rao giảng rất là có quyền thế, thế mà các thượng tế, biệt phái đã đóng đinh ông ta trên thập giá, chúng tôi cứ tưởng là Người sẽ giải phóng dân Do thái, và ông đã chết 3 ngày. Một số người ra ngoài mộ thấy chuyện lạ, nói Ngài đã sống lại v.v... Các ông nghe biết chuyệnChúa Giêsu đã sống lại nhưng mà 2 ông đi làng Emau để làm gì? Suốt cả hành trình trong 3 năm trường qua, 2 ông theo Chúa không phải là vì Ngài mà vì mình, vì con đường tiến thân của mình, dùng Chúa như là một cơ hội để đầu cơ cho tương lai, đầu cơ sự nghiệp, để có một cơ may thăng tiến trong cuộc đời.
Chúng ta nghe câu chuyện của 2 môn đệ đi làng Emau đó, thì hình như đâu đó cũng là tâm trạng của mỗi người chúng ta. Không phải nói anh chị em ở đây, nhưng mà tôi được phục vụ ở các nơi khác, cộng đoàn khác thì thấy được những hiện tượng không mấy làm đáng khen, đáng khuyến khích. Nhiều khi muốn được phục vụ nhưng một cách thức nào đó, lúc nào đó, ở một thời điểm nào đó, muốn lên thí dụ như là chủ tịch cộng đoàn. Làm sao có thể lên chủ tịch được nếu không phải đi qua các ban nghành, đoàn thể? Sai lầm rồi, các cha trong cộng đoàn thấy rõ hết điều đó. Con người phục vụ mà phục vụ cách chân thật thấy rõ hết, còn nếu mà dùng đoàn thể để mà tiến thân, dùng đoàn thể làm bàn đạp để đi lên với gây ảnh hưởng, uy tín với cha quản nhiệm trước để làm những chuyện khác thì không dấu được đâu. Đối với chúng ta, những trưởng nhóm, trợ tá đi đây đi đó thì xin đừng bao giờ có, đừng bao giờ thấy ở trong cộng đoàn việc dùng tông đồ như là một cơ hội để chúng ta từ từ bước lên. Nếu có, chúng ta phản bội lại ơn gọi phục vụ của Chúa Thánh Thần. Khi làm việc, khi phục vụ đừng bao giờ mơ tưởng một chức vụ nào khác. Anh chị em nào đang ngồi đây mà có những tư tưởng đó, xin xác nhận ngay đó là tư tưởng của ma quỷ, phải loại trừ ra ngay. Nếu không, anh chị em không xứng đáng là người phục vụ đâu. Đã nói ma quỷ rất là tinh vi, nếu chúng ta không tỉnh táo, không mở mắt, không khiêm tốn thì khi chúng ta đã thành ông này, bà nọ thì muộn rồi.
3- Phục vụ không phải là cơ hội lập công. “Chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì?” (Mt 19:27).
Phêrô đến nói với Chúa, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy, bỏ cha mẹ, bỏ làng xóm, bỏ thuyền chài, bỏ anh em bỏ tất cả, để chúng con theo Thầy tay trắng, đầu đường xó chợ, bây giờ Thầy nghĩ thế nào về cái công khó của chúng con, sự từ bỏ của chúng con. Câu hỏi của Phêrô là vậy chúng con sẽ được gì? Nhức nhối chưa? Chớ có cười Phêrô, mà hãy tự cười lấy chính mình. Nhiều khi chúng ta có tâm trạng đó. Chúng ta nói rằng mỗi khi chúng con đi phục vụ cho chương trình, cho phong trào, bỏ nhà, bỏ con, bỏ sở, bỏ cả nghỉ hè, bỏ đủ mọi thứ. Vậy Lạy Chúa, con sẽ được gì? Làm như Chúa không biết, làm như Chúa mất trí nhớ, làm như Chúa là người vô tâm. Sai rồi, chúng ta đơn sơ quá. Chúng ta đang có khuynh hướng kể công đó anh chị em, để rồi chúng ta mong đợi Chúa sẽ trả công cho chúng ta một cái phần thưởng nào đó. Cái đó là của con người. Với tất cả mọi công việc mà mình sống đây, chúng ta phải nhớ lại lời của thánh nữ Têrêsa hài đồng Giêsu đã hoàn toàn thánh hiến cuộc đời cho Chúa. Câu nói không thể quên được mà thánh nữ nói với mỗi người chúng ta hôm nay, “tất cả là ân sủng”. Chúng ta cũng hãy cảm nghiệm đời sống của mình, gia đình, công việc, con cái, thời gian, sức khỏe, được ở Hoa kỳ tất cả là ân sủng. Đối với Thiên Chúa chúng ta chỉ là những người nhận ơn, chứ không phải chúng ta là những người làm ơn cho Chúa, làm ơn cho người khác. Thưa không, chúng ta là những người nhận chiụ bao nhiêu ơn Chúa ban cho chúng ta. Vì thế, sự đáp trả của chúng ta mới gọi là đúng đắn và công bằng, mà không có chuyện lập công là trả ơn nghĩa lại cho Chúa. Nói gì đâu xa, sự hiện diện của chúng ta ở đất nước Hoa kỳ này, nó là một phép lạ của ân sủng Chúa. Vì thế, khi chúng ta làm việc xin chớ bao giờ để ý nghĩ nào đó là chúng ta đã mất, mất, mất, mà bây giờ đây chúng ta được, được, được. Lối suy nghĩ đó rất là non, rất là khờ, rất là dại.
4- Phục vụ không phải là xả tính hiếu động. “Tôi chẳng khác gì thanh la lẻng kẻng chập cheng” (1Cr 13:1).
Mỗi người chúng ta, mà có lẽ cũng là tính của người Việt Nam mình là năng động, năng nổ hoạt động. Nếu chúng ta đứng ở trong nhà nói thì chẳng có ông Tây, ông Mễ nào nghe. Chúng ta là người chịu khó, chịu làm, chịu cực trong gia đình đã đành, mà còn trong cộng đoàn, trong Giáo hội nữa, nhưng mà coi chừng! Phải coi chừng, không phải vì cái tính năng động đó của mình, mà chúng ta làm việc cho Chúa rồi tự nghĩ rằng tất cả mọi sự đều để phục vụ. Thực tế, đã có những trường hợp đó, là phục vụ không phải vì Chúa vì các linh hồn mà để xả cái sức mà nó dồn ép ở trong mình không biết phải làm thế nào, nên xả vào con đường phục vu nào đó. Chắc chắn là con đường tốt. Chắc chắn là môi trường lành, chắc chắn là những con người hay, nhưng Thánh Phaolô đã nhắc nhở cho chúng ta trong bài ca đức ái rằng, “kẻo tôi chẳng khác gì thanh la lẻng kẻng chập chèng” (1Cor13:1). Nếu không có bác ái, nếu không có Chúa thì dù tôi nói tiên tri, dù làm phép lạ, dù có hiến thân mình tử vì đạo, Thánh Phaolô nói, vô ích. Vì sao? Vì tính hiếu động của mình mà thôi. Không phải vì đối tượng khác là Thiên Chúa, mà Chúa ở trong những anh chị em. Chúng ta ta là người Việt Công giáo phải xét lại khía cạnh rất tinh vi này. Để chúng ta thấy làm không phải là vì phải làm, vì có cái sức nào đó đẩy mình làm, mà làm tất cả vì Chúa, cho Chúa trong Chúa mà thôi.
5- Phục vụ không phải làm cớ tự miễn chước: khỏi việc bổn phận, việc thiêng liêng, cầu nguyện, học hỏi.
Nhiều khi chúng ta phục vụ rồi chúng ta nhân danh phục vụ, dùng việc phục vụ, làm cớ cho mình miễn chước những việc khác. Trong gia đình, việc bổn phận đối với vợ, đối với chồng, đối với con cái, đối với cha mẹ. Con làm việc cho Chúa rồi miễn làm cho bố. Bà chớ mớ nhé, tôi mới vừa đi phục vụ phong trào CTĐS về là bà phải nấu cho tôi ăn. Còn chúng mày ở nhà thế nào? Không biết bố đi phục vụ là không có một đồng lương hay sao? Các cha quản nhiệm không những là không trả đồng lương nào, mà còn xì nẹt nữa. Mà về chúng mày còn đòi cái này, đòi cái kia. Trên thực tế, ít nhiều trong chúng ta dùng việc phục vụ, lấy cớ bào chữa mình, miễn chước cho mình những việc cần phải làm đối với những người chung quanh, những người mình có trách nhiệm, có bổn phận, có tình thương. Hay nhiều khi không phải đối với người khác mà dùng những việc phục vụ để miễn cho mình những việc thiêng liêng của chính mình, việc cầu nguyện của chính mình. Cầu nguyện cho người khác thì hay lắm, còn cầu nguyện riêng mình, nơi mình thì nhiều khi lại trở thành “xa xỉ phẩm”.
Như vậy chúng ta thấy rõ ràng phục vụ là như thế nào? Anh chị em hãy dùng ít phút để xem trong 5 cái đó mình có cái nào mắc phải. Chúng ta nhân vô thập toàn chớ có lấy hết 5 cái đó nhá. Nếu bị kẹt 1 số, thì xin Chúa tiếp tục thánh hóa, thanh tẩy. Khi phục vụ mà chúng ta không thấy mình có chính trực thì đừng có nói chuyện phục vụ. Ai mà bảo là lòng con tinh tuyền như là tuyết trắng, tôi không tin đâu. Ai trong chúng ta cũng có khuyết điểm. Và vì thế chúng ta phải xuôi mình, rửa mình nhờ đó chúng ta trở nên tinh tuyền hơn.

bethichconlua
07-05-2009, 04:38 PM
II - Phục Vụ là gì?

1- Phục vụ là tác động của Thánh Thần: “Được quyền năng Thánh Thần thúc đẩy, Giêsu trở về Galilê” (Lc 4:14)
Nếu không nói một cách tiêu cực phục vụ là 5 thứ đó, thì phục vụ là gì? Phục vụ là tác động của Chúa Thánh Thần. Bởi vì chúng ta thấy trong cuộc đời của Chúa Giêsu từng bước đi của ngài, từng tác động, từng hành động, chọn lựa của ngài là đều dưới tác động quyền năng của Chúa Thánh Thần. Anh chị em thấy rất rõ trong tin mừng phúc âm nhất lãm. Như là câu chuyện Chúa Giêsu trở về Galilê, về Nazarét mà thánh Luca viết rất rõ là được quyền năng của Chúa Thánh Thần thúc đẩy, Chúa Giêsu trở về. Chứ không phải là tự ý về đâu. Không phải muốn về là được đâu, không phải quen lối về là về được đâu, không phải về đó có cha có mẹ là về đâu, không phải về đó có mồ của thánh Giuse là về đâu, không phải có bạn bè là về đâu. Kinh thánh không bao giờ nói lý do như thế. Chỉ có một lý do duy nhất mà thôi, trở về là vì Chúa Thánh Thần biểu phải làm. Chúa Thánh Thần thúc đẩy, Chúa Thánh Thần dẫn lối. Thậm chí Thánh Kinh còn ghi rõ là Chúa Thánh Thần đẩy Chúa Giêsu vào hoang địa để chịu cám dỗ. Dùng chữ mạnh phải không? Không phải bảo mà đẩy ngài vào hoang điạ. Tất cả trong mọi biến cố cuộc đời của Chúa Giêsu đều dưới sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Còn chúng ta thế nào nhỉ? Tôi không dám nói nữa để không tối về ngủ ác mộng. Khi có việc phục vụ, anh chị em có thể nghĩ rằng tại vì tôi muốn, tôi cần, tại vì tôi thích. Đó là ngôn ngữ của con người. Khi chúng ta phục vụ cho Chúa, và đặc biệt là trong phong trào Canh Tân Đặc Sủng thì chúng ta phải nói tôi phục vì tác động của Chúa Thánh Thần, được Chúa Thánh Thần thúc đẩy. Hãy để cho Chúa Thánh Thần được thế, được điểm, không phải vì ta, vì mình mà nếu có phục vụ người này người kia thì cũng chỉ là máng chuyển ơn của Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu luôn luôn hành động và bước đi dưới quyền năng của Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu lên đường đi Giêrusalem chịu tử nạn là do sự điều khiển, hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Chúng ta cũng phải làm môn đệ không hơn Thầy được. Trong việc phục vụ chúng ta cần đến sự tác động mãnh liệt của Chúa Thánh Thần, làm với tâm hồn.
2- Phục vụ là tiếp nối hiến lễ tình yêu của Chúa Kitô. “Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13:1).
Phục vụ chính là hy tế mà mỗi người anh chị em đã nhận bí tích rửa tội chúng ta tham dự vào chức vụ tư tế của Chúa Kitô, và hiến tế cuộc đời mình để nên ơn cứu rỗi cho mình, và cho tha nhân. Hiến lễ của anh chị em chính là cuộc sống thường ngày, những trách nhiệm, những bổn phận, những việc tông đồ. Không phải thánh lễ Misa tách biệt với cuộc sống của mình. Chúng ta hãy nghe ý nghĩa của đời sống của người Kitô hữu mà các nghị phụ trong công đồng Vatican 2 đã khẳng định. Đời sống của người Kitô hữu là hướng về phép Thánh thể, như là cội nguồn và chóp đỉnh, nghĩa là tất cả cuộc sống chúng ta, việc phục vụ tông đồ là hướng về với phép Thánh Thể. Và từ thánh lễ lại trở về với cuộc sống. Nghĩa là hy tế trên bàn thờ và cuộc sống thường ngày phải sống hết mình. Vì thế việc phục vụ của người Kitô hữu chính là tiếp nối hiến lễ tình yêu của Chúa Kitô đang thực hiện trong nhân thế này. Chúa Giêsu đã làm điều này như chúng ta thấy ở trong Thánh Kinh Gioan 13:1-15. chúng ta thấy Chúa Giêsu bắt đầu hiến tế qua phép Thánh thể. Trong ngôn ngữ và hình ảnh của thánh Gioan lại một tâm tình yêu thương các môn đệ đến cùng. Tình yêu và hiến lễ tình yêu là tất cả cuộc đời của Chúa Giêsu, để từ đó trong cuộc sống của người Kitô hữu có bổn phận trách nhiệm là cha mẹ, vợ chồng với nhau hay với tha nhân hay với tư cách là người trợ tá thì không có một ý nghĩa nào khác là chúng ta tiếp nối hy lễ tình yêu của Chúa Kitô được thành tựu không phải trên bàn thờ mà thôi, ngày Chúa nhật mà thôi mà phải được thành tựu trong tâm hồn anh chị em Chúa gởi đến cho mình. Anh chị em chính là tư tế tình yêu trong tâm hồn của mọi người đến với phong trào chúng ta.
Cho nên ở đây, chúng ta phải tập nhìn, tập nghĩ, tập cảm, trong mọi tác động của mình, dù là ca ngợi, dù là cầu nguyện, dù là chia sẻ, dù là đặt tay, dù là phục vụ nào đó, tất cả là hiến lễ tình yêu nối dài của Chúa Giêsu trong tâm hồn của mình, cho những anh chị em trong phong trào. Và như thế, việc phục vụ chính là chức tư tế của Chúa Kitô đấy. Xin đừng nghĩ điều này là quá đáng, vì cuộc sống của chúng ta theo như lời Chúa đã dạy dỗ hay như là Thánh Phaolô hướng dẫn chúng ta hãy biến tất cả cuộc đời của mình trở thành thánh lễ để ca tụng, tạ ơn Thiên Chúa.
3- Phục vụ là sứ mạng nhân chứng cho Chúa Kitô: “Ánh sáng của anh em phải chiếu tỏa trước mặt thiên hạ, để họ xem thấy những việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5:16).
Chúa Giêsu đã căn dặn các môn đệ, căn dặn chúng ta là qua tất cả việc làm, việc phục vụ, tất cả các hoạt động dù là riêng tư cầu nguyện ở trong nhà hay là cuối tuần ngồi chung lại với nhau luôn phải là sứ mạng nhân chứng cho Chúa Kitô. Chúa Giêsu đã nói cho các môn đệ rằng, ánh sáng của anh em phải chiếu tỏa trước mặt thiên hạ để họ xem thấy việc tốt đẹp anh em làm mà tôn vinh Cha của anh em Đấng ngự trên trời. Chúng ta thấy rất rõ ánh sáng của anh chị em phải chiếu tỏa trước mặt thiên hạ để họ xem thấy những việc tốt đẹp anh chị em phục vụ, thực hiện, anh em yêu thương, anh em hiệp nhất, và họ tôn vinh Cha anh em trên trời. Nếu chúng ta không có thấm nhuần Lời Chúa thì khá nguy hiểm. Ánh sáng của anh chị em phải chiếu tỏa trước mặt thiên hạ để họ xem thấy những việc tốt đẹp anh chị em làm mà tôn vinh “anh chị em” ở trên trời. Câu vừa rồi chỉ có thiếu một chữ “Cha” trước chữ anh chị em thôi. Ghê chưa! Anh chị em thấy không? Thực tế là mình có bị cái này mà. Anh sáng có phải đến từ mình không? Thưa không. Mặt trăng nhận ánh sáng từ mặt trời, cho nên mặt trăng khiêm tốn. Khiêm tốn để nhìn nhận rằng ban đêm mình tỏa cái ánh sáng đó ra, mà ánh sáng đó không phải mình là tác giả. Không phải mình là nguồn nhiệt lượng phát quang. Hãy trả cho Chúa những gì thuộc về Chúa và trả cho Xêda những gì thuộc về Xêda.
Nhiều khi chúng ta hơi “ăn gian” đấy nhá. Chúa cho con mượn đỡ. Tất cả ánh sáng Chúa cho chúng ta lãnh nhận ánh sáng của Ngài để chúng ta chiếu ra cho mọi người được thấy, nhưng đã chiếu tới ta, thì cũng phải từ ta mà trở lại. Chứ còn nếu mà mình giữ hết, thì lúc bấy giờ thực sự là có gian dối rồi. Bởi vậy Chúa nói là ánh sáng phát ra nơi anh chị em thế nào thì ánh sáng đó phải trở về lại với vinh quang của Thiên Chúa Cha như thế. Cho nên việc ca ngợi của chúng ta rất là quan trọng. Đầu, cuối trong các buổi cầu nguyện, chúng ta ca ngợi Chúa không phải là vì mục đích là chúng ta cầu nguyện, điều này rất là tốt, nhưng chúng ta tạ ơn Chúa trước những điều Chúa sẽ thực hiện, kế đến chúng ta tạ ơn Chúa vì những gì chúng ta nhận được là do ân sủng của Ngài. Kinh Magnificat của Đức Mẹ tuyệt vời là thế đó. Mẹ Maria được người khác khen Mẹ có giữ lại cho mình không? Mẹ luôn luôn dâng về Chúa. Anh chị em có một số người đeo ảnh Đức Mẹ ban ơn, mặt sau là cái gì nhỉ? Có chữ M là tượng trương cho Maria và trên đó có hình thánh giá. Mẹ Maria là bàn thờ cho Chúa. Mẹ Maria dù cho thiên hạ có tán dương Mẹ thì tất cả để tôn vinh hồng ân yêu thương, thương xót của Giêsu con Thiên Chúa. Lời kinh Magnificat là lời kinh tôn vinh Thiên Chúa, lời kinh phục vụ đáng được những lời khen tặng của nhân thế, nhưng tất cả trở về nguồn của Thiên Chúa mà thôi. Hãy có trái tim của Mẹ Maria, trái tim Magnificat, chữ M đó thì chúng ta mới bắt đầu làm học trò của trường phục vụ Mẹ Maria.
3- Phục vụ là ơn gọi thông hiệp vào sự thánh thiện của Chúa Cha. “Hãy nên thánh vì Ta là thánh” (Lv 19:2; Mt 5:48).
Chúng ta không phải chỉ phục vụ dưới tác động của Thánh Thần nhưng bên cạnh ấy là cả một mầu nhiệm Thiên Chúa ba Ngôi bao trùm ơn gọi phục vụ của chúng ta. Phục vụ dưới tác động của Chúa Thánh Thần để trở nên hiến lễ tình yêu của Chúa Kitô, nhưng vẫn luôn luôn quy hướng về Thiên Chúa Cha, đó là đi vào sự thông hiệp, sự thánh thiện của chính Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã nói trong Tin mừng thánh Mátthêu, hãy nên hoàn thiện vì Cha là Đấng hoàn thiện, hay trong sách Lêvi, hãy nên thánh vì Ta là Đấng Thánh. Việc phục vụ mà không thánh hóa chúng ta là hỏng. Sau một ngày phục vụ mà chúng ta không thấy mình thánh hơn, thì chúng ta “lỗ” rồi. Sau lời cầu nguyện, lời chia sẻ mà chúng ta thấy nặng nề hơn, thấy bóng tối hơn là khi ấy chúng ta đã xa cái nguồn ánh sáng cứu chuộc. Chúng ta làm bất cứ điều gì, lớn hay bé thì chúng ta phải có chiều hướng đi là đi vào cõi thánh thiện của Thiên Chúa. Khi con tham dự thánh lễ, khi con cầu nguyện, khi con tiếp xúc, đến với Chúa đây thì xin sự thánh thiện của Chúa bao trùm chúng ta, xin Chúa thánh hóa con, dù bất cứ điều gì xin cho con được đi vào sự thánh thiện của Chúa mỗi ngày một hơn. Đó mới là đúng hướng, đúng địa chỉ. Còn nếu không có địa chỉ thánh thiện này thì việc phục của chúng ta đang đi lạc đường.
5- Phục vụ là đáp trả niềm tri ân: “Ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều” (Lc 12:48).
Tôi có nhận được một tờ giấy của một em 21 tuổi đang ở trong tù được ơn hoán cải trở lại. Em viết, hãy tạ ơn Chúa vì thánh giá đang có. Lạ nhỉ, làm sao mà tạ ơn Chúa khi mà mình đau thương, cùng cực, tù đày. Tạ ơn Chúa vì người ta vu khống, khi người ta loại trừ mình. Nếu một vị thánh hay một Đức Giáo Hoàng nào mà viết câu đó thì tôi nghĩ là thường. Ngài dư chữ, dư tâm tình để viết, nhưng đây của một em 21 tuổi ở trong tù. Phải có chất thánh của Chúa mới có thể viết được phải không anh chị em. Đấy, khi tôi xin cái mảnh giấy đó, thú thật khi tôi đọc thấy như thế này thì đây là thầy của tôi. Đây là thầy của trường đau khổ của tôi đây, để tôi biết tạ ơn Chúa như thánh Gióp giữa tất cả những đau thương mất mát của mình. Thánh Gióp nói gì, “Chúa cho Chúa lấy theo ý Chúa. Con chúc tụng Chúa”. Xin lập lại, xin cần nhớ câu này. Đây là lời của Thánh Kinh, không phải lời của con người để chúng ta tìm thấy được niềm an ủi và tri ân. Bảo đám với anh chị em khi chúng ta đọc lên những điều này thì dù nước mắt hai hàng cũng tràn đầy niềm vui và bình an. Còn nếu anh chị em nào mà lỡ quên câu ấy thì chỉ cần nhớ câu vắn tắt này thôi, “tới số con rồi”. Cũng được, cũng đồng nghĩa đấy, nhưng mà phải mang trái tim của ông Gióp mới được ơn. Cả cuộc sống của chúng ta phục vụ không ngoài ca ngợi, tạ ơn, tri ân Thiên Chúa, chứ không phải là điều kiện để mặc cả với Chúa được đâu.
III- Người phục vụ là ai?
Người phục vụ là người thừa hành của Chúa. Chúa đã để lại trong phúc âm rất nhiều câu chuyện về tinh thần phục vụ qua dụ ngôn người quản lý. Qua tất cả những câu chuyện đó, chúng ta thấy Chúa nói cho chúng ta là những người tôi tớ, là những người quản lý. Thừa hành ở đây như Chúa nói khi đã làm tất cả những gì cần phải làm thì hãy nói, chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chỉ làm việc phải làm của mình thôi. Rất dễ thường thấy ở các nơi, mọi chốn là chúng ta quên mất mình là người thừa hành, quên khuấy mình là người tôi tớ, quên khuấy mình là người quản lý, mà lại đội vào mình chiếc mũ chủ nhân ông. Anh chị em hãy bắt đầu xét mình trước, ở trong gia đình mình khi mình đã thay mũ là vợ, là chồng với nhau để trở thành “boss” (chủ ông, chủ bà) với nhau, hay là đối với con cái của mình thì hậu quả như thế nào? Trong cộng đoàn, nơi nhà thờ cũng vậy. Xin anh chị em nhớ cho điều này rất là dễ quên, chúng ta quên mình là người tôi tớ mà nghĩ mình là chủ nhân ông. Qua cách nói, qua cách điều khiển, qua cách sắp đặt, người ta thấy mình là “the boss” (chủ ông, chủ bà). Tiếng Anh nó có chữ là bossy. (Mình đã đánh mất chữ khiêm nhường). Đó là chúng ta bắt đầu ăn gian rồi. Không bao giờ chúng ta là chủ cả.
Khi anh chị em gần một người nào đó đánh hơi người nào đó là chủ nhân hay thừa hành anh chị em biết rồi. Cái này dễ đánh hơi lắm. Đừng có làm việc với những người đó, vì chúng ta chỉ phục vụ với người tôi tớ. Chúng ta không phục vụ với những chủ nhân ông. Chỉ có một boss là Chúa Giêsu thôi, tất cả chúng ta là thừa hành. Anh chị em hãy thành thật với chính mình, khi làm việc phục vụ, anh chị em là những cán bộ trong nhóm, trong cộng đoàn phải làm việc với các chủ chăn, làm việc với các hội đoàn, làm việc với quảng đại quần chúng, anh chị em Chúa ban cho khứu giác rất là tinh nhậy. Nói thế để cho biết cha Hòa rất tôn trọng và hiểu biết anh chị em. Hãy sử dụng khứu giác của mình đúng như Chúa ban. Không biết sử dụng khứu giác của mình Chúa cất đi thì đừng trách Ngài. Anh chị em có thấy đoạn trong phim the Passion of the Christ. Sau khi người trộm lành nói xong, rồi người trộm dữ bắt đầu nói lại, có chuyện gì? Con quạ đen từ đâu bay tới mổ mắt người trộm dữ. Thú thật khi tôi thấy, tôi phải bịt mắt lại. Tưởng như là mổ vào mắt mình. Đúng như lời Chúa nói, có mà không dùng thì cái mà có cũng bị lấy đi. Chúng ta là những người cán bộ, Chúa đòi mắt chúng ta phải sáng, tai phải thính, mũi phải tường để đánh hơi “chính mình” trước nhé. Nếu mà mùi của mình còn là mùi lọ lem, của phục vụ, của tôi tớ thì còn OK. Còn nếu mà bắt đầu thơm tho, hay là tiếng tăm thì cẩn thận. Anh chị em nhớ dụ ngôn Chúa nói, chủ ta chưa về thôi giờ ta làm đủ chuyện, cờ bạc, ăn uống hay là đánh đập tôi tớ... Dụ ngôn Chúa kể là Chúa đã thấy trước rồi.
2- Người phục vụ là người tôi tớ cho tha nhân. “Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ” (Mt 20:28)
Một mặt là người thừa hành của Chúa, nhận lãnh từ Chúa, nhưng đối với tha nhân chúng ta không thể nào quên câu Chúa nói, Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ. Chúng ta đọc đoạn phúc âm 1Ga 13:-2-14. Tuyệt vời về bài phục vụ. Anh chị em ơi, nếu chúng ta là những người trưởng nhóm, trợ tá thì thiết tưởng bài Phúc âm này chúng ta phải thuộc nằm lòng, để từ đó ta định hướng phục vụ thế nào? Theo mẫu gương nào? Cho đáng với lời kêu mời của Chúa. Ở đây chúng ta thấy Chúa Giêsu tự đặt mình không phải Chúa là Thầy nữa, là một người tôi tớ như ngài đã nói bao lần, Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ. Chúng ta thấy gương phục vụ của Chúa Giêsu ở đây chính là đi vào con đường khiêm nhường phục vụ một cách, thẳm sâu, sâu thẳm và tận cùng. Không những là ngài đã hạ mình xuống từ trời cao xuống cứu nhân thế làm người, làm con. Không những ngài đã quên mình là Chúa cả trời đất khi rửa chân cho các môn đệ, việc này đáng lẽ chỉ là công việc của hàng tôi tớ mà thôi. Chúa Giêsu đã nêu gương cho chúng ta, những người trưởng nhóm, trợ tá của phong trào, là những người chúng ta không có một con đường nào khác, vẫn không phải là đứng mà chúng ta phải cúi lưng rửa chân cho anh chị em mình. Thái độ chọn lựa khiêm tốn phục vụ của Chúa Giêsu mà chúng ta thấy ở đây. Hình tượng của Phêrô, vị Giáo hoàng tiên khởi của nhà mình đấy là như thế nào. Lúc đầu thì có vẻ khiêm tốn nhỉ? Thưa Thầy, Thầy mà rửa chân cho con sao? Thầy phải rửa cho mấy đứa kia, chúng nó bẩn lắm, cần rửa. Con là tinh trắng lắm, origin, cho nên là khỏi cần phải rửa. Chúa nói: Ờ, việc Thầy làm bây giờ anh chưa hiểu. Nhưng sau này anh sẽ hiểu. Phêrô tự nghĩ, chết rồi. Sau lần này mà mấy tên kia nó được rửa thì nguy đấy nhé, nó ngon hơn mình thì sao? Thế thì bây giờ mình phải xin Chúa rửa mà rửa kỹ hơn. A, xin Thầy rửa chân cho con nhé. Phải rửa ngay. Xin Thầy cứ rửa không phải rửa chân như mấy thằng kia nhé, mà “chơi” đầu con luôn (cười). Để đầu con nó sạch mai mốt đội vương niệm nữa chứ. Anh chị em thấy vị giáo hoàng đã khiêm tốn thế nào rồi nhỉ? Tạ ơn Chúa, tạ ơn thánh cả Phêrô đây cho chúng ta được nhìn thấy cái khuyết điểm của mình. Nhưng Phêrô đó là ai, thưa anh chị em? Là ai nói lớn lên đi. Là mình chứ chúng ta nào! Lại chơi người khác rồi. Là tôi, là mình. Anh chị em thấy, Phêrô đó không phải là ai khác, mà chính chúng ta. Ai mà phục vụ mình thì mình có vẻ khiêm tốn như Phêrô, hay còn có hậu ý, hậu sự nữa. Chúa Kitô không thế. Không những Ngài đã hạ mình, quên mình, mà ngài đã hiến mình chết trên thánh giá. Ngài đã chết vì tình yêu hoàn toàn. Và rồi tiếp nối chưa hết, Chúa tiếp tục phục vụ chúng ta phép Thánh thể. Khi ngài huỷ mình trong đó, không còn thân xác nữa. Được hoà tan trong các tinh thể của vũ trụ vật chất này trong tấm bánh, trong rượu để trở nên một với chúng ta, để phục vụ chúng ta. Không có một chúa nào đã phục vụ chúng ta đến tận cùng như thế. Chúa đã hạ mình, đã quên mình phục vụ, Chúa đã hiến mình phục vụ, và Chúa đã huỷ mình phục vụ. Tôi đã để ghi chữ và ở giữa hai vế, vì nếu chúng ta vì mình, thương mình phục vụ thôi, thì có lẽ cũng khá lắm rồi, còn hiến mình với huỷ mình chúng ta làm chưa nhỉ. Có hiến đấy, chỉ mới hiến máu thôi, chứ chưa hiến mình. Hiến máu còn sống không? Còn. Còn hiến mình thì chết đấy. Hôm nào về nói với bà xã, “anh hiến mình cho em, anh chết”. Nếu nói được câu ấy trong tâm thì gia đình rất là hạnh phúc. Mất hạnh phúc là vì “anh hiến cho em, nhưng em phải chết”. Cho nên chúng ta thấy hiến mình và huỷ mình nếu nói một cách trọn vẹn và hoàn hảo tuyệt đối thì chỉ có Chúa mới làm được thôi. Có những vị thánh như Maximilian Mary Kolbe hiến mình cho anh em. Mẹ Têrêsa Calcutta cũng hiến mình cho người khác. Nhờ phép Thánh thể chúng ta hãy huỷ mình hằng ngày để nên nguồn ơn cứu rỗi cho những anh chị em khác.
3- Phục vụ là làm chứng cho Chúa Kitô. “Đức tin không việc làm là đức tin chết” (Gc 2:26).
Việc phục là tỏa quang, tỏa ánh sáng cho người khác để qua những việc làm mà họ nhận ra chính tác giả, chính nguồn cội là Chúa, tác giả của nguồn sống và tình yêu đó. Thánh Giacôbê tông đồ nói Gc2:26 “đức tin không việc làm là đức tin chết”. Hành động, việc làm phục vụ của chúng ta làm sao tỏa hiện được vinh quang của Chúa trên anh chị em của mình. Người ta vẫn thường ví cuộc đời của những vị thánh như tấm gương trong suốt, ánh sáng chiếu qua không bị một bợn nhơ nào nhưng hoàn toàn đậu lại trong tâm hồn của những người chung quanh, thì những người làm chứng cho Chúa cũng có một trái tim tinh tuyền, trong suốt khỏi những bợn nhơ của trần tục, của tư lợi, của cá nhân để hoàn toàn cho ánh sáng của mặt trời công lý của Chúa đậu lại và tăng trưởng trong tâm hồn mỗi anh chị em của mình.
Những điều cần biết trước và sau khi dấn thân phục vụ:
Dễ bị hiểu lầm, không thiếu va chạm, không được nhìn nhận, dễ chán nản, dễ mất quân bình, nguy cơ biến chất, tránh óc phe phái, tránh làm tuỳ tiện, tránh theo lối đời business, tránh cầu kết quả.
Có lẽ những điều này không cần giải thích nhiều nhưng mỗi người hãy kiểm điểm chính bản thân mình. Muốn cho việc phục vụ được bắt đầu, được khởi sự, được tốt đẹp, được viên mãn, thì những điều này chúng ta những người phục vụ cần phải nắm trước. Không có thơ ngây đi vào con đường phục vụ được đâu, hiểu theo nghĩa là không biết gì. Chúa nói với tất cả chúng ta là hãy khôn ngoan như rắn, mà đơn sơ như bồ câu. Như thế chúng ta sẽ nhận diện ra điều cần biết trước trong khi dấn thân phục vụ là những điều trên. Nếu chúng ta vào việc phục vụ mà nghĩ là ai cũng hiểu em hết, thì thôi ở nhà nấu cơm ngủ sớm. Nếu vào việc phục vụ mà nghĩ lúc nào cũng phấn khởi cả, thì thưa không bao giờ có. Cuộc đời có up and down. Đối với người Việt Nam thì chúng ta thấy cái chuyện là phe nhóm rồi v.v... đau lòng lắm.
Hồn phục vụ
Không phải phục vụ bằng cái tay, đôi chân đâu nhé, hay là miệng nói đâu. Trước khi chúng ta sử dụng việc phục vụ qua những tay chân, các giác quan thì chúng ta phải có hồn phục vụ, trái tim phục vụ, tấm lòng phục vụ. Hãy nghe Mẹ Têrêsa nói thế nào về phục vụ có gốc rễ đàng hoàng. “Hoa trái của thinh lặng là cầu nguyện. Hoa trái của cầu nguyện là đức tin. Hoa trái của đức tin là phục vụ. Hoa trái của phục vụ là bình an”. Ý Mẹ Têrêsa muốn nói không được tách rời phục vụ ra khỏi khía cạnh khác của đời sống. Giống như cây thánh giá có 2 thanh ngang và dọc thế nào, thì toàn diện đời sống của người phục vụ là được gắn liền, kết chặt không phân ly từ gốc đến ngọn. Gốc bắt đầu là thinh lặng để cầu nguyện, rồi cầu nguyện được truyền tải trong nhựa đức tin. Dòng nhựa đức tin chảy mạnh trong tâm hồn mình sẽ trở thành những hoa, lá, cành phục vụ. Hoa trái bình an đến từ phục vụ đó. Anh chị em hãy nhớ nằm lòng câu này và dùng câu này để phê phán chính mình và để nhận diện những việc khác. Vì thí dụ, nếu chúng ta phục vụ mà lại gây bất an thì đó không phải là phục vụ, thì lúc đó chúng ta truy ngược lại tại sao tôi phục vụ mà gây bất an cho gia đình mình, cho bản thân mình, cho những người khác. Chắc chắn một khâu nào đó hoặc là ở thân, ở gốc đã thiếu xót trầm trọng. Mẹ Têrêsa hay lắm. Mẹ không qua trường thần học nào lớn lao nhưng mà lời nói đơn sơ của Mẹ tôi nghĩ là các nhà thần học cũng phải nghiêng mình, vì mẹ nói chính vào cái tâm điểm của đời sống Kitô hữu trong lối nhìn của Chúa Kitô. Các nhà thần học, xin lỗi, chưa nói được như thế. Mà nếu mà nói được chưa chắc thuyết phục được ai.
Nếu chúng ta có mối quan tâm thì chúng ta thấy hành động không yêu thương là khổ sai, và hành động vì yêu thương là phục vụ. Cho nên 3 điều chúng ta tìm thấy ở trong tâm hồn những người phục vụ đó là tình yêu bền bỉ, tình yêu dành cho Thầy Chí thánh, cầu nguyện không ngơi. Anh chị em nhớ mình được cái ơn ca ngợi rồi đó, tiếp tục ca ngợi, ca ngợi ở nhà, trên xe, ở sở làm, đừng bao giờ quên ca ngợi. Nhiều người cần những lời ca ngợi của anh chị em thay cho họ lắm. Dẫu cho anh chị em buồn hay là có chuyện hãy tiếp tuc ca ngợi để dâng những lời ca ngợi đó cho những con người bất hạnh, người đau thương. Xin anh chị em đừng mất ơn ca ngợi. Anh chị em được ơn này đặc biệt. Hãy ca ngợi thay cho những người không bao giờ, vì một lý do nào đó kông mở lòng ca ngợi Chúa được. Khiêm nhường chân thật chính là tâm tình Chúa Giêsu đã hạ mình, quên mình và hiến mình vì chúng ta.