PDA

View Full Version : Dân sự hay chính trị



yeuthuongvaphucvu_89
12-05-2009, 06:55 AM
Dân sự hay chính trị



Tin tức công giáo (http://my.opera.com/nguyenvudoan/blog/index.dml/tag/Tin%20t%E1%BB%A9c%20c%C3%B4ng%20gi%C3%A1o)
http://files.myopera.com/nguyenvudoan/blog/GMVNGHCGTG_Thumb_441177.jpg
Tháng 5, mùa ra trường của các đại học Mỹ. Mùa ra trường năm nay ồn ào vì một sự kiện lớn gắn với một đại học công giáo lớn: Notre Dame University. Số là vào ngày lễ ra trường, các đại học đều mời những nhân vật tên tuổi đến diễn thuyết.

Đại học Notre Dame đã lên kế hoạch mời tổng thống Obama đến diễn thuyết trong ngày lễ trọng đại, và sẽ tặng ông bằng tiến sĩ danh dự. Được đích thân tổng thống đến diễn thuyết thì còn gì bằng, phải có tầm cỡ lắm mới làm nổi, và chắc chắn uy tín đại học sẽ tăng cao. Ai dè khi tổng thống nhận lời thì một làn sóng phản đối nổ ra: nhiều giám mục lên tiếng phê phán, rất đông các cựu sinh viên của Notre Dame yêu cầu linh mục viện trưởng phải huỷ bỏ lời mời, lại đông hơn nữa số người công giáo từ các trường học và khắp nơi trên đất Mỹ bày tỏ lập trường chống đối. Lý do là vì tổng thống Obama là người ủng hộ việc phá thai, nghĩa là đi ngược lại lập trường của Giáo hội Công giáo. Lẽ nào một đại học công giáo lại trao bằng tiến sĩ danh dự cho một người – dù là tổng thống – có lập trường chống lại Giáo Hội? Liệu căn tính của một đại học công giáo có còn nguyên vẹn?

Mới đây, làn sóng phản đối càng mạnh mẽ hơn khi bà Mary Ann Glendon lên tiếng. Bà vốn là giáo sư luật khoa tại đại học Harvard, đã từng làm đại sứ Hoa Kỳ tại Vatican và hiện nay vẫn là Chủ tịch Hàn lâm viện giáo hoàng về Khoa học xã hội. Là một nhà khoa học nổi tiếng, bà cũng là một người công giáo đạo đức, nổi tiếng với lập trường phò sự sống. Cũng vào mùa ra trường năm nay, đại học Notre Dame có ý định tặng bà huân chương Laetare là huân chương cao quý nhất dành cho những người nổi tiếng trong việc phục vụ Giáo hội và xã hội. Nhưng mới đây, ngày 27.4.2009, bà viết cho linh mục viện trưởng đại học Notre Dame một lá thư, trong đó bà đưa ra những lý do khiến bà từ chối nhận giải thưởng của đại học:

“Trước hết, là một cố vấn từ lâu cho Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, tôi không thể không bất bình trước quyết định của đại học dự kiến trao bằng tiến sĩ danh dự cho tổng thống. Như cha biết, điều đó đi ngược lại lập trường của Hội đồng Giám mục vốn đã yêu cầu các trường công giáo ‘không được tôn vinh những ai hành động ngược lại những nguyên tắc đạo đức nền tảng của chúng ta,’ cũng không được ‘trao giải thưởng, bằng khen hay những hành động ủng hộ lập trường của họ.’…

“Ngoài ra, tôi được biết rằng trong lá thư trả lời trước dư luận phản đối khắp nơi, đại học Notre Dame đã đem việc tôi nhận huân chương của đại học như một biện minh cho sự quân bình lập trường:

– Sẽ không chỉ có tổng thống Obama diễn thuyết nhưng còn có bà Mary Ann Glendon, nguyên đại sứ Hoa Kỳ tại Vatican, diễn thuyết và nhận huân chương Laetare;

– Chúng tôi (đại học) nghĩ rằng việc tổng thống đến Notre Dame, nhìn thấy các sinh viên ra trường, gặp gỡ ban giám hiệu, lắng nghe những ý kiến, điều đó sẽ ích lợi cho tổng thống cũng như cho chính nghĩa mà chúng ta quan tâm.

Cuối cùng, bà Mary Ann Glendon viết, “Tôi rất lấy làm buồn phải kết luận rằng tôi không thể nhận huân chương của đại học hay tham dự ngày lễ ra trường.” Đúng là một “vố” rất đau cho đại học Notre Dame, cách riêng cho cha John I. Jenkins, viện trưởng đại học.

Xem ra chẳng liên quan gì đến người công giáo ở Việt Nam cả vì ngay đến trường tiểu học, Giáo Hội cũng không có, nói gì đến đại học! Nhưng ngẫm nghĩ lại thấy có nhiều điều đáng quan tâm.

Trước hết là chuyện phản đối việc mời tổng thống diễn thuyết. Đâu có phải cứ đụng đến tổng thống là “phản động” đâu! Thế nhưng xem ra một số người ở Việt Nam lại cứ thích chính trị hoá tất tần tật mọi sự. Mà đã chính trị hoá mọi sự thì làm sao có phản biện xã hội đúng nghĩa. Chẳng nhẽ chính quyền đưa ra một quyết định rồi lại có một bộ phận được phân công để làm công tác gọi là phản biện. Nếu thế thì phản biện có nghĩa gì? Nói rộng hơn, nguyên nhân sâu xa là vì không phân biệt ranh giới giữa xã hội dân sự và chính trị, và điều này là hậu quả của thời bao cấp khi mà Nhà Nước bao thầu hết mọi sự và quyết định hết mọi sự. Ngày nay, một đàng xã hội đã thoát ra khỏi sự bao cấp kinh tế, nhưng đàng khác, chuyện bao cấp chính trị vẫn còn rất nặng nề. Khi người dân phê phán chuyện giáo dục không có định hướng, chuyện làm đường không có kế hoạch, kể cả chuyện khai thác bauxite Tây nguyên mà không quan tâm đến môi trường sống… thì tất cả vẫn chỉ ở trong lãnh vực xã hội dân sự, chẳng nên chính trị hoá làm gì cho thêm nặng nề.

Kế đến là lương tâm công giáo. Khi nhân danh niềm tin và những nguyên tắc đạo đức công giáo để lên tiếng phản đối việc mời tổng thống Obama diễn thuyết, người công giáo tại Hoa Kỳ cho thấy niềm tin của họ không chỉ là chuyện cử hành nghi lễ và những việc đạo đức trong nhà thờ, nhưng niềm tin còn và phải được thể hiện trong những chọn lựa của cuộc sống và những dấn thân xã hội. Tuyên xưng đức tin, Cử hành đức tin và Sống đức tin là ba chiều kích gắn bó với nhau và không thể tách lìa như ba chiều của hình tam giác. Không thể bỏ một trong ba. Chính đức tin mà ta tuyên xưng và cử hành sẽ trở thành ánh sáng soi dẫn cho những chọn lựa và dấn thân trong cuộc sống. Ngược lại, chính những chọn lựa và dấn thân xã hội làm nên chất sống của lời tuyên xưng và việc cử hành đức tin. Trong thực tế, người công giáo dễ nhấn mạnh điều này mà coi nhẹ điều khác. Người công giáo phương Tây nhấn mạnh rất nhiều đến dấn thân xã hội nhưng lại chểnh mảng việc cử hành đức tin. Còn người công giáo Việt Nam chú trọng nhiều đến cử hành nghi lễ nhưng xem ra chưa mấy quan tâm đến dấn thân xã hội từ quan điểm đức tin Kitô giáo của mình. Vì thế, những sự kiện như chuyện của đại học Notre Dame vẫn đáng cho ta suy nghĩ.
Baltimore, Maryland

http://my.opera.com/nguyenvudoan/blog/show.dml/3228602