PDA

View Full Version : Cuộc trả thù



littlewave
13-05-2009, 12:37 AM
Cuộc trả thù



Bố tôi là một công chức, người to cao đẹp giai, quắc thước, tính nghiêm khắc của những công chức đời xưa. Còn mẹ tôi người Huế nên công, dung, ngôn, hạnh được rèn giũa từ thuở nhỏ.
Sau 1945, khi cuộc kháng chiến bùng nổ, bố tôi tham gia vệ quốc đoàn, tất cả việc nhà mẹ tôi quán xuyến nên mẹ phải làm đêm làm ngày vất vả mới đủ nuôi con ăn học…

Năm 1960, bố tôi phục viên, hoàn cảnh gia đình vẫn rất khó khăn. Anh đầu phải đi làm công nhân thủy lợi khi tuổi mới 16, 17. Chúng tôi được cho đi học, nhưng vẫn phải may vá thêm, phụ mẹ nuôi gà nuôi lợn.

Tôi thông minh nên là niềm hi vọng của gia đình rằng tôi sẽ được đi học nước ngoài, hay chí ít đại học, vì mấy năm liền đều là học sinh giỏi của tỉnh.

Chớm tuổi 17 tôi chểnh mảng học hành vì bước vào chuyện yêu đương với cô bé cùng lớp. Tình yêu trai gái của tuổi mới lớn sao mãnh liệt vậy!

Bố tôi chỉ ngậm ngùi tiếc đã không chú ý giáo dục tôi, còn mẹ tôi cương quyết không chấp nhận, vốn dĩ mẹ tôi với gia đình cô bạn có xích mích từ xưa. Vì tuổi trẻ bồng bột, chúng tôi quyết ra đi theo tiếng gọi của con tim. Không nơi bấu víu, chúng tôi bỏ học và lăn lưng đi làm thuê đủ thứ để nuôi mình và chuẩn bị đón bé ra đời.

Dần dần cũng qua, bao vất vả nhọc nhằn được bù đắp bởi những thiên thần bé nhỏ, một gái và hai năm sau một trai. Hai con chúng tôi sống thiếu thốn vật chất lẫn tình thương của ông bà nội ngoại… Bố tôi có phần dễ hơn, thi thoảng còn hỏi han, dấm dúi quà bánh và vài ba chục, còn mẹ tôi quyết không lay chuyển,

Có hôm ông sang thăm cháu, thấy hai vợ chồng tôi thay nhau đạp trên chiếc máy may cọc cạch. Ông bảo sao không sắm thêm cái nữa, tôi nói: “Chúng con thay nhau đạp máy, ngày 12-13 giờ mới đủ sống, nếu có tiền mua thêm máy thì cũng dư dật, có thể mua vài hộp sữa đặc cho cháu”.

Rồi một hôm, mẹ tôi về thăm dì ở tỉnh xa, tôi sang nhà và nói: “Con xin ba mẹ chiếc máy “5 con bướm” này, cứ coi như chia gia tài cho con, ba nhé!”.

Ông không nói gì, chỉ rưng rưng nước mắt…

Chiếc máy khâu giúp vợ chồng tôi thu nhập cao hẳn lên, cháu thêm vài bữa sữa hằng ngày... nhưng người “cựu chiến binh thất thế” cũng nhận thêm sự chì chiết của mẹ tôi.

Lo cho hai con ăn học thật vất vả. Giờ phút đó mới thấm thía. Đúng như người xưa nói: Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ. Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha.

Chúng tôi tính cố gắng làm cho khá thêm chút nữa rồi về tạ tội với mẹ, vì đã có bố tôi hậu thuẫn. Đùng một cái bố tôi qua đời với trận xuất huyết não làm tia hi vọng “về lại mái ấm gia đình ” lại càng xa vời vợi…

Hôm thắp hương tiễn bố về với tổ tiên, tôi khóc, gào thét, làm cả đám tang xúc động, mẹ tôi rưng rưng nước mắt như muốn ôm chầm lấy tôi, nhưng khi thấy vợ tôi, mẹ tôi trở lại vẻ lạnh lùng và cương quyết của một gia trưởng phong kiến.

Thời gian trôi, mẹ yếu dần không làm việc được nữa. Bà cũng đã mất vai trò “gia trưởng”. Đôi mắt bà mờ đục, hơi lẫn, ăn nói thất thường, ốm đau liên miên… Anh chị cả tôi có lương hưu, con cái là kỹ sư, bác sĩ, nhưng phó thác tất cả cho anh Hai - vốn đang vất vả nuôi ba con chưa trưởng thành.

Còn tôi thương mẹ, nhưng nỗi hận thù của vợ tôi không cho tôi làm được gì cho mẹ. Nhiều đêm thao thức, suy nghĩ, kế này kế khác đều không được, lòng tôi day dứt.

Một hôm, tôi thăm bạn là bác sĩ ở tỉnh xa, tâm tình bạn gợi ý… Hôm sau gọi điện về nhà: “Anh đi xe máy bị ngã, may nhẹ thôi, vài hôm xuất viện sẽ về, không can gì, em và các con đừng lo”.Và từ đấy tôi thường lẩm bẩm nói một mình, khi to khi nhỏ: “Phải trả thù. Phải trả thù”.

Gần như theo lịch, cứ 3, 7, 13, 17, 23, 27 âm lịch, dù mưa hay tạnh, đến 10 giờ đêm là mắt tôi đỏ kè, tay lăm lăm gậy gỗ, ra sau vườn phang vào cây hoa ngọc lan mới trổ bông, sau đó vào giường ngủ như chết, sáng dậy lao vào máy đạp như điên, có hôm quên cả ăn sáng. Vợ tôi sợ quá, cho là ma ám, đi cầu cúng đền này phủ nọ… khắp nơi. Thỉnh thoảng “bệnh” lại nặng hơn, lại đánh cây ngọc lan vô tội, nhất là khi ai nhắc tới mẹ tôi.

Thời gian cứ dần trôi, mẹ tôi càng ngày càng lẫn nặng, lòng tôi thêm đau quặn. Hôm giỗ bố, thấy mẹ gầy rộc, xơ xác nhưng tôi không dám lại gần mẹ vì sợ vợ chì chiết. Lòng tôi đau như cắt nhưng đành nuốt nghẹn, giấu vợ đưa chị dâu mấy trăm để lo cho mẹ. Và tối hôm ấy tôi lại lên cơn, ra cây ngọc lan đánh lia lịa đến ngất xỉu, vợ tôi phải dìu vào nằm.

Một hôm ba mẹ con đi thắp hương trên chùa, về nhà không thấy tôi hốt hoảng đi tìm. Sang nhà anh Hai, đứng ngoài hàng rào nhòm qua thấy tôi ôm mẹ khóc nức nở... “Con thương mẹ lắm, không biết làm sao cho mẹ hết khổ, con đã đánh cây ngọc lan, chỉ biết thi thoảng trốn vợ, sang tắm rửa và đút cho mẹ vài tấm bánh, mẹ ăn đi, con phải về...”. Mẹ cũng ôm tôi mà khóc.

Vợ con tôi nhìn qua hàng rào cảm động và khóc òa kêu mở cửa, mẹ tôi hốt hoảng nép sau lưng, tôi đứng tư thế bảo vệ mẹ.

Khi cánh cửa mở vợ tôi chạy lại ôm bà vừa khóc vừa nói: “Con xin lỗi mẹ, con đã để mẹ khổ, để nhà con mang tội bất hiếu. Xin mẹ tha thứ cho vợ chồng con và các cháu”.

Thế là vợ và con gái tôi bế bà đi tắm, tôi và cháu trai đi mua mấy tô phở để mẹ con bà cháu ăn mừng, cùng hưởng giây phút hạnh phúc hiếm hoi sau hơn mười năm mất mát.

HÀ CỰ ĐIỀN
(source: Me Hang Cuu Giup)

Rocky
13-05-2009, 04:02 AM
Một hôm ba mẹ con đi thắp hương trên chùa, về nhà không thấy tôi hốt hoảng đi tìm. Sang nhà anh Hai, đứng ngoài hàng rào nhòm qua thấy tôi ôm mẹ khóc nức nở... “Con thương mẹ lắm, không biết làm sao cho mẹ hết khổ, con đã đánh cây ngọc lan, chỉ biết thi thoảng trốn vợ, sang tắm rửa và đút cho mẹ vài tấm bánh, mẹ ăn đi, con phải về...”. Mẹ cũng ôm tôi mà khóc.

Vợ con tôi nhìn qua hàng rào cảm động và khóc òa kêu mở cửa, mẹ tôi hốt hoảng nép sau lưng, tôi đứng tư thế bảo vệ mẹ.

Khi cánh cửa mở vợ tôi chạy lại ôm bà vừa khóc vừa nói: “Con xin lỗi mẹ, con đã để mẹ khổ, để nhà con mang tội bất hiếu. Xin mẹ tha thứ cho vợ chồng con và các cháu”.

Thế là vợ và con gái tôi bế bà đi tắm, tôi và cháu trai đi mua mấy tô phở để mẹ con bà cháu ăn mừng, cùng hưởng giây phút hạnh phúc hiếm hoi sau hơn mười năm mất mát.

Tình thương vượt qua mọi ngăn cách và xóa tan hận thù, căm ghét, hiềm khích...

NVN
13-05-2009, 09:58 AM
Bông hồng cài áo!




http://songdep.xitrum.net/images/45ea.jpg


Câu chuyện kể về một bà lão, chồng vừa mất. Bà dọn đến ở cùng hai vợ chồng người con và đứa cháu yêu quí.

Năm tháng đã bào mòn sức khoẻ của bà, đôi mắt kèm nhèm, tay lại run rẩy. Bà thường làm tung toé thức ăn trên bàn. Hai vợ chồng người con đã không giấu được vẻ khó chịu. Họ làm một cái bàn nhỏ và đề nghị bà dùng bữa tại đó.

Từ đó bà lão chỉ biết ngồi ăn một mình và nhìn những người khác trong nước mắt. Cứ thế cho đến một tối nọ, thấy con gái đang loay hoay sắp xếp đồ chơi của mình, người cha liền hỏi con:

- Này con gái cưng! Con đang xếp gì thế?

Cô bé ngây thơ nhìn cha và cười hồn nhiên:

- Con đang xếp một cái bàn nhỏ cho cha và mẹ, để cha mẹ có thể tự ăn một mình như bà khi con lớn lên!

Cha mẹ cô lặng người một lúc rồi cả hai bỗng nhìn nhau bật khóc. Đêm đó họ đã dẫn mẹ quay về chiếc bàn ăn của gia đình. Và từ đó bà đã cùng dùng bữa trong không khí đầm ấm.

Người con trai và con dâu dường như không có vẻ bực tức gì khi đôi lúc bà lại làm đổ thức ăn ra bàn.

“Nếu không biết nâng niu, quí trọng hạnh phúc từ những bông hồng còn đỏ thắm trên ngực áo bạn. Cũng đồng nghĩa với việc bạn đang gieo trồng những bông hồng trắng trong đầu óc con trẻ!”.


Sưu tầm
http://songdep.xitrum.net/nghethuatsong/827.html