PDA

View Full Version : Phúc chế người là một nỗ lực vô ích



littlewave
04-12-2007, 10:36 AM
Phúc chế người là một nỗ lực vô ích

Phỏng vấn giáo sư Roberto Colombo, giám đốc phòng thí nghiệm sinh học phân tử và di truyền thuộc đại học công giáo Milano, về sự vô ích của việc phúc chế người

Trong các ngày hạ tuần tháng 11 vừa qua thế giới nghiên cứu y khoa đã xôn xao vì tin hai nhóm các nhà nghiên cứu Nhật Bản và Hoa Kỳ đã tìm ra kỹ thuật mới giúp biến các tế bào da thành các tế bào gốc giống như các tế bào của bào thai, nghĩa là có khả năng đa dạng biến thành bất cứ loại tế bào nào của các cơ phận trong thân thể con người. Kỹ thuật này mở ra các biên giới mới giúp chữa trị các thứ tật bệnh mà không cần phải chế tạo các phôi thai người để lấy tế bào gốc rồi hủy hoại các phôi thai đi như một số các nhà khoa học đã làm cho tới nay.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho chương trình Ý ngữ đài Vaticăng ngày 22-11-2007, ông Angelo Vescovi, giáo sư đại học Milano Bicocca, kiêm giám đốc Trung Tâm tế bào gốc tỉnh Terni trung Italia cho biết kỹ thuật mới này ghi dấu một khúc rẽ quan trọng trong lãnh vực nghiên cứu, vì nó mở rộng cửa cho các viễn tượng chữa trị tức khắc, mà không cần phúc chế các bào thai người. Bác sĩ cho biết cách đây 4 năm và trong dịp trưng cầu dân ý liên quan tới vấn đề này, khi ông đưa ra ý tưởng tìm phương thức khác để chế tạo các tế bào gốc, mà không cần phúc chế phôi thai người, ông đã bị các đồng nghiệp chửi rủa thậm tệ. Dĩ nhiên giờ đây từ chỗ khám phá ra kỹ thuật này cho tới chỗ chuẩn bị các tế bào và các cơ quan để thay thế các cơ phận hư hỏng trong thân thể con người còn cần nhiều năm làm việc và tìm tòi.

Phát biểu về khám phá nói trên Đức Cha Elio Sgreccia, Chủ tịch Hàn Lâm Viện Sự Sống của Tòa Thánh, cho biết nếu kỹ thuật mới này được xác nhận, nó sẽ là một khám phá mới mẻ lịch sử. Và từ nay trở đi không cần phải nói tới chuyện phúc chế các phôi thai người cho các mục đích chữa trị đã gây ra biết bao nhiêu tranh cãi và chống đối nữa. Giáo Hội đã chống đối vì các lý do luân lý đạo đức. Giáo Hội đã khuyến khích các nhà nghiên cứu tiếp tục đường hướng sử dụng các tế bào gốc người lớn, và mạnh mẽ lên án việc phúc chế và hủy hoại các phôi thai người. Giờ đây hai nhóm các khoa học gia Nhật Bản và Hoa Kỳ đã thành công trong việc nghiên cứu này, không phải vì lý do lòng tin, mà chỉ là thuần túy khoa học. Sự thành công này chứng minh cho thấy luân lý đạo đức và khoa học đích thật không chống đối nhau, nhưng là bà con với nhau. Luân lý đạo đức tôn trọng con người cũng ích lợi cho việc tìm tòi nghiên cứu, và nó minh xác cho thấy Giáo Hội chỉ chống đối việc nghiên cứu tìm tòi có hại cho con người, ở đây là con người phôi thai.

Theo Đức Cha Sgreccia sự kiện trong các năm qua người ta đã đầu tư biết bao nhiêu tiền bạc cho các vụ nghiên cứu bằng cách phúc chế các phôi thai người để lấy tế bào gốc, là một phí phạm vô ích. Biết bao nhiêu con người phôi thai bị giết, hàng tỉ mỹ kim của quốc gia và tiền thuế của dân chúng đã bị phung phí thay vì dùng cho khoa học và các nghiên cứu đích thật.

Phúc chế là tiến trình sản xuất các cặp cơ phận sinh vật giống hệt nhau trên bình diện di truyền, qua kỹ thuật lèo lái di truyền. Nhân tố tế bào của một người cho được trồng vào trong một tế bào trứng là tế bào nhận nhưng bị lấy mất yếu tố di truyền DNA, rồi được để cho phát triển bình thường cho tới tình trạng trưởng thành.

Năm 1938 nhà nghiên cứu Hans Spemann đã đưa ra tư tưởng chuyển nhân tố này của tế bào. Năm 1997 ông Jan Wilmut người E cốt đã dùng kỹ thuật phúc chế này để tạo ra con cừu Dolly, là con vật được phúc chế đầu tiên. Từ đó đến nay đã có 16 loại thú vật có vú khác được phúc chế và đã vượt các thành công khoa học. Nhưng nhiều súc vật phúc chế sinh ra với các vấn đề sức khỏe rất nghiên trọng. Con cừu Dolly gìa trước tuổi, bị nhiều thứ bệnh trong đó có chứng thấp khớp và đã chết cách đây mấy năm. Ngay trong việc phúc chế súc vật đã có rất ít trường hợp thành công, hay thành công, nhưng các súc vật đó sinh ra bị tật nguyền, không khỏe mạnh, khiến cho khoa học bị mang tiếng và mất đi sự tin tưởng của mọi người.

Đặc biệt có hố sâu ngăn cách luân lý đạo đức rất lớn giữa các cuộc thí nghiệm trên súc vật và các vụ thử nghiệm trên con người. Hiện nay có một vài chính quyền chấp nhận việc phúc chế các phôi thai người để lấy tế bào gốc cho các cuộc thử nghiệm.

Trong các tuần qua ông Jan Wilmut đã tuyên bố là sẽ không bao giờ sử dụng việc phúc chế nữa, nhưng sẽ dồn sự chú ý tới việc nghiên cứu các tế bào gốc người lớn.

Liên Hiệp Quốc cũng lo sợ nên có khuynh hướng cấm hoàn toàn việc phúc chế người, nhưng vẫn mở cửa cho việc phúc chế người trong mục đích trị liệu, với các kiểm soát nghiêm ngặt. Đã có 50 quốc gia cấm việc phúc chế người. 140 nước còn lại vẫn chưa có quyết định.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của giáo sư Roberto Colombo, giám đốc phòng thí nghiệm sinh học phân tử và di truyền thuộc đại học công giáo Milano, về sự vô ích của việc phúc chế người để lấy tế bào gốc.

Hỏi: Thưa giáo sư ngày 14-11-2007 nguyệt san “Nature” đã báo tin là người ta đã thành công trong việc phúc chế các phôi thai khỉ nhỏ ”macaco”, giáo sư nghĩ sao?

Đáp: Tất cả các vụ thử phúc chế phôi thai loại linh trường (primati) trước đây đều đã thất bại. Chúng ta chưa biết các chi tiết liên quan tới phương pháp thử nghiệm được dùng, nhưng có thể nói rằng đã có một chút tiến triển. Tuy nhiên có sự kiện là các phôi thai này không thể cấy được và không thể phát triển thành bào thai. Đây không phải là điều lạ, vì ngay cả nơi súc vật, việc phúc chế đã có các thành công rất hạn chế trong việc khiến cho mang thai và sinh ra mà còn sống.

Hỏi: Thưa giáo sư người ta thường nói tới các tật nguyền nơi các súc vật được phúc chế, có đúng thế không? Vậy đâu là nguyên do của các tật bệnh đó?

Đáp: Đúng vậy. Chúng ta biết rằng có từ 1 tới 4% các phôi thai súc vật phúc chế sống sót sau khi sinh. Ngoài ra người cũng ghi nhận số trường hợp rất cao những bất bình thường trong thời gian phát triển và các loại bệnh phát xuất sau khi sinh.

Nguyên do chắc chắn là vì các khiếm khuyyết trong việc tái điều hòa chương trình di truyền nơi nhân tố của tế bào được đưa vào trong trứng không có nhân tố.

Hỏi: Từ các phôi thai phúc chế của loài khỉ macaco người ta đã biệt lập các dây tế bào. Khoa học nói gì về sự hiệu nghiệm của các đặc thái tế bào gốc này thưa giáo sư?

Đáp: Cho tới nay đã có rất ít các nghiên cứu việc dùng các tế bào gốc từ các phôi thai phúc chế. Nhưng xem ra chúng có các cung cách tác động giống các tế bào của các phôi thai không phúc chế, ít nhất từ khía cạnh tiềm năng thích ứng khác nhau của chúng, để trở thành các cơ phận khác nhau.

Hỏi: Có nhiều người cho rằng chúng ta đã gần tới giai đoạn phúc chế người và việc phúc chế người sẽ rất là phổ biến, giáo sư nghĩ sao?

Đáp: Nếu như thế thì phải nói rằng một đàng hiển nhiên là không có lý do khoa học cũng như lý do luân lý để cần phải dùng đến loại thử nghiệm ấy trên con người. Chỉ cần dùng các tế bào gốc người lớn là đủ cho việc trị liệu tế bào. Thứ hai cần phải nhớ rằng có khoảng 50 quốc gia cấm việc phúc chế người, tức trợ giúp thụ thai trong lồng kính. Ngoài ra ”Thỏa hiệp Orviedo về việc bảo vệ các quyền và phẩm giá con người chống lại các áp dụng sinh học và y khoa” ký kết năm 1997, mời gọi các nước Âu châu đừng chế tạo các phôi thai người cho các mục đích nghiên cứu, không phải chỉ là các phôi thai phúc chế mà cả các phôi thai được chế tạo trong lồng kính mà không có mục đích cấy vào tử cung của phụ nữ nữa.

Hỏi: Thưa giáo sư, liên quan tới con người, có sự khác biệt sinh học nào giữa việc phúc chế nhằm mục đích sinh sản và việc phúc chế nhằm mục đích chữa trị không?

Đáp: Không. Cần phải nhấn mạnh trở lại rằng việc phúc chế cho dù với mục đích nào đi nữa - để sinh con hay để lấy các tế bào gốc - đều đi qua việc sinh ra một con người trong trạng thái là phôi thai. Vì thế việc sinh sản qua ngã phúc chế đã hiện thực, khi phôi thai có một tế bào duy nhất được phúc chế thành hình.

Hỏi: Như thế thật là điều mâu thuẫn khi có người xé áo tỏ ra đau đớn lúc nghe nói đến việc phúc chế người cho mục đích truyền sinh, mà lại hoan hỉ chấp nhận việc phúc chế người cho mục đích trị liệu...

Đáp: Vâng, chúng ta phải thừa nhận và giúp thừa nhận rằng nơi phôi thai đã hiện diện một người trong chúng ta, ở giai đoan đầu sự phát triển của nó. Sự kiện này khiến cho việc tìm tòi trên phôi thai người trên bình diện nhân chủng học và luân lý đạo đức, trong phẩm chất của nó khác với việc tìm tòi trên phôi thai súc vật. Ngay cả khi có các tương đồng trên bình diện sinh học và kỹ thuật giữa việc phúc chế súc vật và phúc chế người đi nữa, chúng ta đang đứng trước một hành động hoàn toàn khác biệt, trong nghĩa việc phúc thứ nhất liên quan tới súc vật chứ không phải là con người. Nếu một ngày kia người ta thành công trong việc áp dụng cho con người cùng các kỹ thuật đang dùng cho việc phúc chế súc vật đi nữa, điều này không có nghĩa là chúng ta được phép áp dụng chúng hay đó là một điều thiện ích. Không phải tất cả những gì có thể áp dụng trên bình diện kỹ thuật sinh học chúng ta đều có thể và được phép áp dụng cho con người.

Và tôi xin phép được đưa ra một minh xác cuối cùng nữa: không thể phổ biến con đường phúc chế người như là con đường duy nhất để đạt được các mục đích trị liệu xác định. Đó là một việc làm không đúng đắn, vì nó vượt qua các ranh giới của luân lý đạo đức, trong viễn tượng của các thiện ích mà tất cả còn cần phải được chứng minh một khách khoa học đã, trong khi hiện nay có thể theo các con đường khác. Tất cả sự tha thiết đối với việc phúc chế như là con đường giúp có các tế bào gốc có liên hệ tới vấn đề khước từ, thử vượt thắng chướng ngại đề kháng trong khoa trị liệu bằng tế bào gốc. Nhưng có các cách thức khác giúp thắng vượt chướng ngại đó, chẳng hạn như dùng các tế bào của chính bệnh nhân, để không xảy ra hiện tượng khước từ và đề kháng, và nhất là để không gây ra xung khắc nào với luân lý đạo đức.

Linh Tiến Khải (Avvenire 15-11-2007)

(VietCatholicNews 03/12/2007)

gioanha
21-11-2008, 11:27 PM
đọc thấy sợ quá litttttt ơi. xin chúa soi sáng cho việc họ làm