PDA

View Full Version : sáu giao ước, sáu bản đàn giao hưởng



dominico_dung
20-05-2009, 11:40 AM
sáu giao ước,
sáu bản đàn giao hưởng


_______________________________________




https://thanhcavietnam.mobi/dominico_dung/ThanhCa/GioiThieu/SauGiaoUoc.wma

...Luận bàn về tình yêu, người ta hay thắc mắc với định nghĩa của chữ yêu, “Yêu là gì”? Để trả lời cho câu hỏi, “Yêu là chi?”, có người nói, “Yêu thì mù lòa”. Xuân Diệu thì tin rằng, “Yêu là chết ở trong lòng một ít”. Trịnh Công Sơn thì quảng đại hơn trong tình yêu, bởi ông tin rằng, “Yêu em lòng chợt từ bi bất ngờ”. Đối với Thiên Chúa, yêu không chỉ là “mù lòa”, hoặc là “chết ở trong lòng một ít”, hay là “lòng chợt từ bi bất ngờ”, nhưng “yêu là chết cho người mình yêu” (Gioan 15:13)...

Trong dòng lịch sử ơn cứu độ, Thiên Chúa đã ký kết với nhân loại rất nhiều giao ước. Sáu bản giao ước chính trong số những bản này là: (1) Giao ước Noah (Sáng Thế Ký 9:8-17), (2) Giao ước Abraham (Sáng Thế Ký 12:1-3), (3) Giao ước Sinai (Xuất Hành 20:1-17), (4) Giao ước Đavít (2Sam 7), (5) Giao ước Jeremiah (Jer 31:31-34), và (6) Giao ước Kitô (1Cor 11:25).
Giao ước Noah hay giao ước Cầu Vồng được thiết lập sau trận Đại Hồng Thủy giữa Giavê Thiên Chúa với đại diện cho nhân loại cũng như các sinh vật trên mặt đất là ông Noah. Giao ước Noah chỉ có một điều khoản duy nhất, đó là, từ nay sẽ không bao giờ còn lụt lội tiêu diệt nhân loại cùng tất cả các loại thụ tạo trên quả địa cầu. Để nhắc nhở con người về giao ước Noah, Thiên Chúa lập nên cầu vòng bẩy mầu trên vòm trời xanh làm dấu ấn cho giao ước Cầu Vồng.
Giao ước Abraham, giao ước thứ hai, trong dòng lịch sử cứu độ, được thiết lập giữa Giavê Thiên Chúa với Tổ Phụ Abraham, một người xuất thân từ vùng đất Ur, Chaldeans (Sáng Thế Ký 12:31), nay thuộc về Iraq. Giao ước Abraham có nhiều điều khoản (Sáng Thế Ký 12:1-3, 7; 13:15; 15:5; 17:4; 18:18). Một trong những điều khoản chính là Abraham sẽ trở thành tổ phụ của nhiều dân tộc trên thế giới, bởi con cháu của ông sẽ đông đảo như sao trên trời, như cát dưới biển. Dấu ấn của giao ước Abraham là dấu cắt bì.
Giao ước Sinai, giao ước thứ ba, được thiết lập giữa Giavê Thiên Chúa với đại Ngôn Sứ Môisen trên núi Sinai trong thời kỳ bốn mươi năm hành hương về miền đất hứa. Giao ước Sinai được tóm gọn lại trong Mười Điều Răn. Qua bản giao ước Sinai, Giavê Thiên Chúa trở thành Thiên Chúa duy nhất của người Do Thái, và người Do Thái trở thành dân riêng của Ngài. Điều đặc biệt về giao ước Sinai là nếu dân Do Thái trung thành với bản giao ước, họ sẽ được Thiên Chúa chúc lành. Ngược lại, nếu họ phản bội Giavê, thờ phượng tà thần ma quỷ, Ngài sẽ nhắm mắt làm ngơ, để cho quân thù tự do tiêu diệt và thống trị dân Do Thái.
Giao ước thứ tư được thiết lập giữa Giavê Thiên Chúa với Vua Đavít. Theo như bản giao ước Đavít, Giavê Thiên Chúa là Bố của con trai Vua Đavít; và hoàng tử, con trai Vua Đavít, là con của Giavê (2Sam 7:14). Phân tích bản thứ tư dưới lăng kiếng thần học, người Kitô hữu nhận ra một điều, đó là, bởi Đức Giêsu bắt nguồn từ dòng dõi Vua Đavít, Ngài chính là con trai của Vua Đavít, là Đông Cung Thái Tử của ngai vàng Đavít đời đời bền vững (2Sam 7:13, 16; Matt 1:1). Bởi thế, Thiên Chúa chính là Bố của Đức Giêsu (Matt 2:15, Hosea 11:1, Matt 3:17).
Giao ước Jeremiah hay giao ước Lưu Đầy được thiết lập giữa Giavê Thiên Chúa với dân riêng của Ngài trong thời kỳ lưu đầy bên Babylon, sau khi cả hai, Bắc Quốc Israel và Nam Quốc Giuđêa, đã biến mất trên bản đồ thế giới vào năm 721 B.C. và 586 B.C., bởi họ không trung thành với lời thề hứa của giao ước Sinai. Bởi người Do Thái không tuân giữ văn bản Sinai, Thiên Chúa đã nhắm mắt làm ngơ, để mặc người ngoại bang tiêu diệt và lưu đầy dân riêng của Ngài. Nhưng bởi lòng từ tâm của một Thiên Chúa nhân hậu, Thiên Chúa lại quyết định ký thêm một bản giao ước mới, bản giao ước Jeremiah. Qua bản giao ước Lưu Đầy này, Giavê lại là Thiên Chúa của dân Do Thái, và dân Do Thái lại là dân riêng của Ngài.
Giao ước cuối cùng trong dòng lịch sử ơn cứu độ, giao ước Mới, được ký kết giữa Giavê Thiên Chúa và đại diện cho con người là Con Thiên Chúa. Vào giây phút Đức Giêsu chết đi trên cây thánh giá, bản giao ước thứ sáu được đóng ấn (1Cor 11:25) với máu đào của Đức Giêsu. Nội dung của giao ước Mới này được nhắc lại qua Lời Truyền Phép của Linh Mục chủ tế trong mỗi thánh lễ, “Đây là chén Máu Thầy, Máu giao ước mới, giao ước vĩnh cửu sẽ đổ ra cho các con và mọi người được tha tội. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (1Cor 11:25).
Suy Niệm
Luận bàn về tình yêu, người ta hay thắc mắc với định nghĩa của chữ yêu, “Yêu là gì”? Để trả lời cho câu hỏi, “Yêu là chi?”, có người nói, “Yêu thì mù lòa”. Xuân Diệu thì tin rằng, “Yêu là chết ở trong lòng một ít”. Trịnh Công Sơn thì quảng đại hơn trong tình yêu, bởi ông tin rằng, “Yêu em lòng chợt từ bi bất ngờ”. Đối với Thiên Chúa, yêu không chỉ là “mù lòa”, hoặc là “chết ở trong lòng một ít”, hay là “lòng chợt từ bi bất ngờ”, nhưng “yêu là chết cho người mình yêu” (Gioan 15:13).
Đúng như vậy, sáu bản giao ước của dòng lịch sử ơn cứu độ chính là sáu bản giao hưởng của tình yêu. Bởi yêu con người, Giavê Thiên Chúa đơn phương đề nghị thiết lập với con người sáu bản giao ước. Thoạt tiên, con người chấp nhận ngồi vào bàn hội nghị với Thiên Chúa, buông bút mực ký tên trên những trang giao ước do chính tay Giavê Thiên Chúa soạn thảo. Nhưng cuối cùng, chính con người chúng ta đã từ chối, đã xé bỏ từng trang và từng bản giao ước được ký kết với Thiên Chúa. Nhưng bởi Thiên Chúa là một Thiên Chúa của yêu thương, Ngài tiếp tục kêu mời, khuyến khích con người ngồi lại vào bàn hội nghị, ký lại những bản giao ước mới. Cứ thế, năm bản giao ước đầu tiên của dòng lịch sử thay phiên nhau, tuần tự xuất hiện trong cuộc đời và trên những trang Kinh Thánh. Cuối cùng, khi ngày giờ viên mãn đã tới (Gal 4:4), Thiên Chúa sai Con Ngài nhập thể làm Người, đổ máu đào trên cây thánh giá, làm mực hồng viết thêm một bản giao ước Mới, bản giao ước thứ sáu, bản giao ước của tình yêu. Khi Con Trời giang hai tay ra trên cây thánh giá, Thiên Chúa đang dạo bản đàn giao hưởng thứ sáu của tình yêu, tình Thiên Chúa yêu thương con người vô bờ vô bến. Khi nhắm mắt lại chết đi trên Núi Sọ vào lúc ba giờ chiều, Chúa đang ngân vang bản giao ước thứ sáu, cũng chính là bản nhạc giao hưởng với tựa đề, “Yêu là chết cho người mình yêu”.

LờiNguyện:
Lạy Chúa, xin dạy con biết yên lặng, nghiêng tai lắng nghe những bản đàn Giao Hưởng của Tình Yêu để con cảm nghiệm được tình yêu bao la của Thiên Chúa dành cho con người và cho con.
----------------------------------

(Theo: http://www.nguyentrungtay.com/giaou.html (http://www.nguyentrungtay.com/giaou.html))