PDA

View Full Version : CÂU CHUYỆN CỦA LINH MỤC MICHAEL LIGHTNER



littlewave
03-08-2007, 05:07 PM
CÂU CHUYỆN CỦA LINH MỤC MICHAEL LIGHTNER

Trên đường đi Mễdu, chúng tôi đổi máy bay ở phi trường Amsterdam. Trong lúc xếp hàng để lên máy bay đi Split, tôi thấy một linh mục rất to lớn như chưa bao giờ thấy. Tôi nghiêng qua chồng tôi, Mike, và nói: “Hãy nhìn xem vị linh mục ở đàng kia. Ngài giống như một cầu thủ đá banh vậy.”

Sau đó, tôi được biết quả thật ngài là một cầu thủ đá banh, nhưng bây giờ ngài đang giữ một vai trò quan trọng trong đời sống của ngài: là một chiếc chìa khóa trong đội của Thiên Chúa, một linh mục.

Cha Michael Lightner thuộc giáo phận Milwaukee, Wiscousin. Tôi đã gặp thân mẫu của ngài, Joyce, mấy năm trước vì bà là người đem người hành hương tới Mễdu nhiều năm.

Trong chuyến bay cũng như những ngày ở Mễdu, Mike và tôi có dịp quen biết ngài, và được biết câu chuyện thật lạ lùng của ngài. Lúc đó Mary Sue và Larry Eck không có mặt ở Mễdu nên tôi xin được làm một cuộc phỏng vấn với ngài như một ân huệ.


Sandy:Thưa cha, cha có thể nói cho chúng con biết về câu chuyện trở về, và ơn gọi của cha được không?

Cha Micheal Lightner:Tôi là một đứa con út trong mười một người con, nhưng sáu người chúng tôi sống sót. Mẹ tôi bị hư thai bốn lần, và một đứa bé qua đời ngay khi mới sanh. Tôi nhắc đến điều này vì về mặt tâm linh tôi được đám anh em đã về chầu Chúa bầu cử cho tôi.

Tôi lớn lên trong một gia đình Công Giáo và được nhồi bằng đức tin Công Giáo. Toàn bộ gia đình tôi hoàn toàn sống theo lề luật Công Giáo. Trong gia đình tôi luôn luôn có các linh mục tới chơi hoặc thăm viếng. Tôi được nhận chìm trong văn hóa Công Giáo, nhưng sở thích của tôi lại khác biệt, tôi nghiêng về thể thao nhiều hơn. Sự hiểu biết về đức tin có đó nhưng đức tin của tôi không phải là của tôi.

Khi học cuối năm phổ thông trung học, tôi quyết định ghi tên đi học về nghệ thuật và chơi đá banh ở trường đại học Eastern Michigan. Tôi nhớ rõ cái tư tưởng này, “khi tới đại học, tôi sẽ làm chủ đức tin của tôi.” Và khi tới đó, tôi không đi lễ Chúa Nhật vì tôi đã không bị ai thúc bách làm chuyện đó. Giống như cuộc nổi loạn vậy.

Trong ba năm đầu ở đại học, tôi bị nhận chìm trong hố sâu. Tôi dính với rượu chè, lạm dụng ma túy, quan hệ tình cảm. Tôi bị tổn thương bởi một người đàn bà trẻ vì tôi yêu bà ta tha thiết. Bà đã xé nát trái tim tôi và tôi thề rằng sẽ không bao giờ để bị đau khổ vì bất cứ người đàn bà nào nữa. Chất ma túy cộng với thuốc phiện làm cho tôi thật tệ hại.

Thời gian cuối của đại học, vào dịp ‘Lễ Tạ Ơn’, tôi được về nhà nghỉ, tôi đem theo một số thuốc phiện để tiệc tùng với bạn bè. Một hôm trong lúc đang ngủ thì đứa cháu ba tuổi đi kiếm cây viết chì, vô tình nhìn vô bịch thuốc phiện, nó lôi gói thuốc ra khỏi bịch, nhìn mẹ tôi hỏi: “Bà ngoại ơi, cái gì vậy nè?

Thình lình, mẹ tôi chợt hiểu cái thói quen mà tôi muốn giữ bí mật lâu nay. Bà cùng cô em gái tôi liền xen vô chuyện. Cô em gái tôi là người mới được nhận vô làm cố vấn ở nhà thương VA Chicago. Tôi thức giấc thấy họ ngồi ở mép giường. Mẹ tôi đang ngồi khóc và tay thì cầm bịch thuốc phiện hỏi: “Cái gì đây con?

Chị tôi, ở thời điểm đó đức tin cũng lỏng lẻo, chị bắt đầu chọc tôi: “Chúng ta cứ nghĩ mẹ chúng ta điên rồ khi bà làm những chuyến đi Mễdu để thấy Đức Maria.” Chị tôi nói giỡn với mẹ tôi rằng: “Mẹ biết không, mẹ cần đem Micheal đi Mễdu rồi đó.” Để làm dịu cơn đau, mẹ tôi đã bằng lòng đi.

Quả thật, mẹ tôi đã không phí thời gian. Một tháng sau, tôi đã có mặt ở Mễdu. Tôi đi với nhóm 30 người vào mùa Noel. Mẹ tôi bảo tôi đi xưng tội. Bà nói nếu tôi không đi cho tôi thì đi vì mẹ tôi. Bất đắc dĩ, tôi phải đi.

Một ngày, bước qua những cánh đồng, tôi nhớ những lời cầu nguyện đầu tiên tôi nói từ trong trái tim: “Chúa ơi, con không biết Chúa, và trong tri giác, con thật sự không cần thiết tin ở Ngài. Con chưa bao giờ cảm được Chúa, nghe tiếng Chúa hay thấy Chúa. Chúa có thể là Đấng cao cả mà 12 người đàn ông đã dựng chuyện lên."

Và rồi tôi nói: “Chúa chỉ có thời hạn bẩy ngày thôi; sau đó là con chấm dứt với đạo giáo của con, và con sẽ sống cuộc đời như con muốn sống..”

Tôi bước vô nhà thờ thấy một linh mục người Mỹ đang ở trong tòa giải tội phía cuối nhà thờ Thánh Giacôbê. Tòa giải tội đó làm theo kiểu xưa, bàn quì bằng gỗ, linh mục thì ngồi phía sau tấm màn nơi mà tôi không thể nhìn thấy được. Quỳ xuống, tôi bắt đầu xưng tất cả các tội lỗi mình. Khoảng 30 phút sau vị linh mục cho tôi việc đền tội là năm Kinh Lạy Cha và bảo tôi suy niệm năm dấu đanh của Chúa Giêsu Kitô trong lúc đọc kinh đền tội.

Tôi thấy bực mình: “Năm Kinh Lạy Cha? Vậy thôi sao?” Tôi cứ tưởng tôi phải leo lên núi Thánh Giá bằng chân đất. Tôi nghĩ tai vị linh mục phải chảy máu khi tôi xưng thú tất cả tội lỗi đã phạm.

Khi ngài bắt đầu bằng lời xá tội, thình lình hai vai của tôi bị ghim vô đằng sau bức tường của tòa cáo giải. Chân tôi thì bị ghim phía dưới. Tôi là người cao 6 feet 5, nặng 315 lbs, khoảng 15 % là mỡ, vậy mà tôi không thể nào nhúc nhích nổi. Tôi cố gắng ngồi lên để nhấc người về phía trước nhưng có một cái gì đó ép tôi lại đằng sau, giống như là có một người nào đó đạp lên ngực tôi vậy.

Khi nói xong lời xá tội, ngài tiếp: “Cha tha tội cho con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.” Tôi cảm thấy như có một vật bén nhọn đâm vô ngay giữa ngực, theo sau là tiếng sôi sục giống như có một bàn tay đang xua đuổi những gì trong ngực tôi, đang cố gắng bắt lấy những gì trong đó. Rồi có một cái gì đó như xé rách tôi ra, và tôi để cho tiếng thét vang lên từ tận cùng trong tôi. Bây giờ thì tôi biết tại sao xảy ra như vậy, bởi vì lời cầu nguyện của tôi gay gắt với Ngài. Và Thiên Chúa cũng chút ít gay gắt với tôi.

Ý tưởng đầu tiên của tôi là: “Ồ Chúa ơi! Chúa có thật!” Tôi bắt đầu khóc sướt mướt khoảng một tiếng rưỡi đồng hồ. Tôi đã mất khoảng 45 phút để đọc xong năm Kinh Lạy Cha. Và trong 45 phút đó, mỗi tội tôi xưng thú, ngay cả tội khi tôi còn thơ ấu đều đi qua trong trí nhớ tôi. Giống như một thứ ánh sáng trong hồn nó soi rõ tất cả mọi tội lỗi và những gì tôi đã làm trong quá khứ. Nhưng không phải chỉ thấy những tội lỗi của tôi mà thôi, mà tôi thấy tội lỗi tôi đã ảnh hưởng đến kẻ khác nữa.

Sau đó tôi tới dự Thánh Lễ 10 giờ sáng. Đi kiếm một chỗ để ngồi, tôi thấy mình ngồi ngay phía sau chỗ ban nhạc. Những gì xảy ra sau đó làm tôi nhớ lại một tai nạn đụng xe. Khi những sự việc xảy ra như vậy, nó sẽ diễn lại mãi, và không bao giờ ra khỏi đầu óc được.

Chuyện xảy ra với cảm nghiệm của buổi xưng tội bữa đó cũng giống vậy. Tôi cứ tự hỏi mình: “Chuyện đó có thật không? Mình có sao không?"

Và rồi, bất thình lình, tôi tự ra khỏi ký ức của buổi hòa giải đó và tôi nhận thức được sự thật. Vị chủ tế giảng bài giảng, tôi đã nói lời cầu nguyện thật lòng thứ hai: “Chúa ơi! Hãy giúp con mở tâm hồn ra để con biết cha chủ tế đang nói gì.”

Trong lúc đó, tôi không biết chuyện gì đã xảy ra, nhưng làm như tôi bị mất ý thức và tri giác. Mắt tôi nhắm lại nhưng tôi không nghe gì cả. Sự tác động của Chúa áp chế trên tôi ở một điểm mà tôi sợ không dám mở mắt bởi vì tôi nghĩ tôi có thể bay bổng lên không. Cảm giác đó ngây ngất và sung sướng hơn là bất cứ thứ thuốc phiện nào; nó cũng còn hay hơn cả thắng một trận đấu lớn.

Bây giờ thì tôi biết cảm giác đó giống như một ngày Lễ Hiện Xuống. Chúa Thánh Thần ngự xuống trên tôi với quyền năng của Ngài. Sau khi xảy ra như vậy, nhiều người nhận ra điều đó nơi tôi cho dù tôi vẫn chưa biết đó là điều gì. Họ nhờ tôi cầu nguyện cho họ. Tôi cầu nguyện cho họ bằng kinh Đức Thánh Micae, bởi vì lúc đó tôi chỉ biết vậy thôi, và rồi họ được nghỉ ngơi trong Chúa Thánh Thần. Thấy vậy tôi thật sợ hãi không hiểu gì, vì lúc đó tôi mới 21 tuổi, một thanh niên thiếu tư cách, một cầu thủ đá banh không biết mình đang có những gì.

Đó là chuyến đi Mễdu đầu tiên của tôi.

Chuyến đi thứ hai đầy ơn sủng và kinh nghiệm với cha Jozo. Đó là sự đặt tay cầu nguyện của ngài cho tín hữu trong mục vụ chữa lành. Tôi đã đi theo ngài trong buổi chữa lành đó. Ngài đặt tay cầu nguyện hết bên phải qua bên trái và tôi là người đứng đỡ họ phía sau lưng vì sợ họ té. Khi đỡ những người đó tôi cảm nhận được Chúa Thánh Thần hiện diện nên thật sự là niềm vui, và đỡ như vậy tôi cũng được tập thể dục rất tốt nữa.

Sau hết, ngài tới với một người đàn bà ngồi trên xe lăn. Vì tôi đi chung với ngài nên họ chia sẻ câu chuyện với tôi, cho tôi cái cảm giác được ưu đãi. Trong trường hợp này, ông chồng của người đàn bà nói với tôi rằng: “Vợ tôi bị tai nạn xe hơi bẩy năm về trước và xương sống của bà ấy hoàn toàn bị hư hại, sau đó qua một sự nhiễm trùng, sống lưng bị viêm màng não, từ đó nó hủy diệt đi cái phần dưới của sống lưng. Bắp đùi của bà ấy chỉ bằng cái cổ tay của anh. Bà ta bị hao mòn thật nản nên chân của bà không có một tý thịt nào.”

Khi cha Jozo đặt tay cầu nguyện trên đầu gối, mắt cá chân, hai chân bà ấy, ngài cố gắng làm cho bà ta bước đi. Lúc đó, tôi nghĩ rằng ông cha này chỉ phí thời giờ bởi vì không cách nào bà ấy có thể đi được.

Khoảng chừng 40 phút, tôi bắt đầu thấy chán nản và tôi bắt đầu cầu nguyện cho bà ta, tôi tỏ thái độ khiếm nhã nói: “Được rồi, Chúa ơi, nhấc bà ta dậy và dìu bà ấy bước đi xung quanh đây để chúng con được thấy quyền năng cao cả của Ngài.” Đó là một lời cầu nguyện đầy ngạo mạn.

Nhưng rồi, lần đầu tiên tôi nghe tiếng Chúa nói, tôi biết đó là tiếng Ngài:“Nếu Ta làm cho bà ấy ra khỏi chiếc xe lăn này thì con có vô dòng tu không?”

Tôi trả lời “không” liền tức khắc. Sau 20 phút giống như Ngài cột sợi giây trong tim tôi, Ngài kéo sợi giây đó và làm cho tim tôi như dịu bớt đi. Tôi cứ suy nghĩ hoài về lời nói của Ngài. Sau cùng tôi bỏ cuộc và nói: “Được rồi Chúa ơi, nếu Ngài làm cho bà ta ra khỏi chiếc xe lăn này và bước đi xung quanh ngôi thánh đường này thì con sẽ đi tu.” (Ngôi nhà thờ Siroki Brijeg khá lớn)

Bây giờ thì tôi biết tôi đã hứa gì với Chúa nhưng không cần thiết là tôi phải làm linh mục. Như vậy, tôi đã có lối thoát.

Trong vòng năm giây khi dứt lời cầu nguyện thì bà ta đứng dậy, bà nắm lấy chiếc xe lăn và đẩy đi xung quanh nhà thờ mà không cần sự giúp đỡ của một ai. Tôi thất vọng nói với Chúa: “Nếu bà ấy không bước lên cái hòn đá đó (nơi bà ta bắt đầu) thì con sẽ không đi.” Và bà đã bước lên hòn đá đó và đứng lên thật.

Đó là nguyên do về ơn gọi của tôi.

Sau đó tôi có ít nhất cũng 10 hoặc 15 bằng chứng nữa, tôi luôn tự hỏi mình: “Chúa ơi, có chắc Chúa muốn con không?” Có những chứng tích xảy ra khi tôi cầu nguyện chữa lành cho nhiều người. Những lần khác là qua những lần Thánh Thể khác nhau, đã xác tín rằng Chúa Giêsu thật sự hiện hữu trong phép Thánh Thể. Đây là một cuộc hành trình thật khó tin. Một chứng tích khác xảy ra ngay trên sân vận động trường. Trong năm cuối của đại học, trận chơi đá banh lần thứ hai hoặc chót vào năm 1996, chúng tôi đá cho tiểu bang. Đang ở trong đám đông rất lộn xộn, tôi cảm thấy là tôi có thể gọi được sự nhiệm mầu. Đó là một kinh nghiệm đã xảy ra và kéo dài cho 10 lần chơi trên thời hạn khoảng 20 phút. Trong lúc đó, tôi biết những gì sẽ xảy ra trong 30 giây trước đó, tôi biết trước những gì mà đội bên kia sẽ làm. Mặc dù tôi chưa bao giờ chống lại với đội banh này, tôi có cảm giác tôi đã biết những người này lâu lắm rồi. Tôi biết những gì sẽ được gọi. Tôi biết nếu chúng tôi làm điểm thì chắc chắn chúng tôi sẽ thắng trận đấu. Thật không thể tưởng tượng được những gì xảy ra.

Sau trận thắng đó, tôi vô phòng cất đồ. Tất cả mọi người khác đang ăn mừng, phần tôi ngồi trong góc của phòng cất đồ với chiếc khăn phủ trên đầu và khóc mùi.

Trong khu đại học ở Eastern Michigan, tôi sống với nhóm cầu thủ và tối đó, chúng tôi đã mở tiệc ăn mừng tại nơi cư trú của chúng tôi. Có khoảng 400 người tham dự. Vào cỡ nửa đêm, tôi rất mệt mỏi vì đã uống rượu tối đó. Tôi lần hạt xong đi ngủ. Khoảng 3:00 giờ sáng, tôi chợt thức giấc vì một giấc mơ.

Nếu bà hỏi, khi còn nhỏ, lớn lên tôi sẽ làm gì. Tôi có thể nói cho bà biết là tôi sẽ chơi trong đội banh quốc tế (NFL). Đêm đó, năm 1996, Thiên Chúa chỉ cho tôi thấy trong giấc mơ: khi còn là một đứa bé, tôi đã mơ thấy 10 lần chơi đó. Ngài đã chỉ cho tôi thấy tương lai khi tôi chỉ mới 12 tuổi và kinh nghiệm của trận banh đó, bởi vì tôi đã thấy trận đấu đó trước trong giấc mơ của tôi – nghĩa là tôi đã thấy 10 lần chơi đó. Và Chúa cho tôi thấy lại giấc mơ năm xưa sau khi tôi đã chơi 10 lần. Và ngay lúc ấy, tôi nhận thấy rằng nhóm liên minh quốc tế này đã không còn là ‘mơ ước’ của tôi nữa. Sau đó, Chúa lại nói với tôi: “Con đã hoàn thành giấc mơ của con, bây giờ thì phải hoàn thành sứ mạng của Ta: đó là đời sống linh mục.”

Và rồi tôi nghiêng hẳn về Ý Chúa. Tôi quyết định thay vì vô đại học để theo những đội đó, tôi sửa soạn cho mình để vô dòng tu. Thật ra, sự chuẩn bị đó kéo dài hơn là tôi nghĩ. Tôi dạy một năm và vô dòng năm sau đó.

Đó là sự tường thuật ngắn nhất trong câu chuyện của tôi.

Sandy:Thưa cha, tiến trình hoán cải và ơn gọi của cha trên đường linh mục có vẻ như bắt đầu từ Mễdu, cha nói sao về chuyện này?

Cha Micheal: Tôi luôn luôn có một sự sùng kính Đức Mẹ. Khi 16 tuổi, tôi chơi một trò chơi, tôi nhớ tôi ném một cái đĩa chống lại với một cầu thủ nổi tiếng, Jim Flanagan. Anh ta chơi ở trường đại học Notre Dame trong đội phòng vệ, chơi cho đội Bears ở Chicago nhiều năm, cho đội Packers ở Wisconsin, Raiders ở San Francisco một thời gian.

Tôi rất thán phục Jim vì anh ta là một nhà thể thao rất giỏi. Anh luôn đeo một cái gì đó trên cổ. Một lần kia, tôi hỏi anh, cái đó là cái gì. Anh cho biết đó là cỗ Áo Đức Bà. Đó là chứng nhân âm thầm của anh.

Mẹ tôi cũng thường mang một cỗ như vậy, tôi hỏi mẹ cho tôi một cỗ và tôi bắt đầu đeo từ đó. Ngay cả những ngày đen tối trong đại học, tôi thường đem cho bạn bè. Tôi luôn luôn có khoảng 50 hoặc 75 cỗ trong phòng, mặc dù rất tội lỗi nhưng vì lý do nào đó tôi luôn cổ võ mặc Áo Đức Bà. Cuộc đời đã không như một điệu nhạc vui nhưng Đức Mẹ luôn luôn ở với tôi.

Tôi tin rằng Đức Mẹ mang tôi tới Mễdu, ghi tên tôi vô làm công cụ cho Người, bỏ tên tôi vô đội quân của Người. Đây là lần thứ 12 tôi tới Mễdu, và mỗi lần mỗi khác. Mấy lần hành hương đầu tiên đều là về Mẹ, thật sự Mẹ đã mang tôi tới với Con của Mẹ trong các bí tích. Đầu tiên là bí tích hòa giải, sau đó tôi có cảm nghiệm về Thánh Thể. Kế đó, Chúa Giêsu đem tôi tới với Chúa Cha. Sự liên hệ với Thiên Chúa Cha đã triển nở trong tôi qua những kinh nghiệm quyền năng của lời cầu nguyện trong đời sống tôi. Thật sự không có gì hơn cuộc sống này, khó mà giải thích được.

Trong tiến trình này, Đức Mẹ bắt đầu bước đi với tôi. Rồi Mẹ lại cắt ra, (con không hiểu được khú này ngài có ý gì). Nhưng Mẹ lại bước ra bước vô trong cái liên hệ của tôi với Chúa. Đó chẳng qua là nhờ Mẹ, Người mẹ đầy sự khiêm nhường đã giữ tôi trên con đường công chính và giúp tôi cầu nguyện. Mẹ thật sự là người đồng hành với tôi trong cuộc sống của tôi. Như một linh mục tôi phải chấp nhận theo kế hoạch của Ngài, Người giữ tôi trong cái liên hệ với Ba Ngôi Chí Thánh.

Bởi vì Mẹ hiện diện nơi đây khác thường, thành thử không ngạc nhiên gì chuyện hoán cải và ơn gọi của tôi được bắt đầu từ Mêdu.

Sandy: Cha có thể nói cho con biết về quan hệ tỉ mỉ với Thiên Chúa Cha của cha được không?

Cha Micheal: “Đây là một thí dụ: Tôi có một kinh nghiệm với một người đàn bà trẻ ở đây. Bà ta là bạn tôi khi còn học đại học, bà tới Mêdu như một khách hành hương với mẹ tôi. Bà dính líu vô một vụ có liên quan tới cha của bà và chuyện đó cần được chữa lành. Khi cầu nguyện cho bà, tôi đã xin với Chúa Cha chia sẻ tình yêu của Người cho bà, ôm bà như một người Cha, và cho bà thấy tình yêu của Người. Vấn đề này dĩ nhiên phải có sự tác động của Chúa Thánh Thần cũng như Chúa Giêsu, nhưng lời cầu nguyện của tôi nhắm vào Thiên Chúa Cha.”

“Những gì tôi có thể diễn tả là tôi cảm nghiệm được như cái gì đó giống như ánh sáng của chất thủy ngân đổ xuống, một chất hóa lỏng chạy ngang những tĩnh mạch của tôi và của bà ta. Bấy giờ tôi thấy như một thứ đèn trắng, rất đẹp.”

“Sau đó, tôi đi ra ngoài, và những gì đó được gọi là trải nghiệm của Thánh Phanxicô. Tôi không thể nghe được. Nhưng những gì tôi nghe được chỉ là thiên nhiên như chim, chó, gà, mọi thứ trong thiên nhiên, ngay cả gió, tất cả đều ca ngợi Thiên Chúa Cha về sự tạo dựng của Ngài. Sự kiện đó kéo dài khoảng 15 phút.”

“Khi tôi nói chuyện với bạn tôi, người mà tôi cầu nguyện cho thì bà ta thấy một cái gì đó xảy ra cho tôi. Bà không hiểu được điều đó, nhưng bà ấy biết đó không phải là tôi. Đó là một kinh nghiệm tuyệt vời trong các kinh nghiệm mà tôi chưa bao giờ có. Tôi hiểu rằng Thánh Phanxicô thuyết giảng cho loài chim và thiên nhiên. Và rồi tất cả đều rõ ràng đối với tôi.”

Sandy: “Cha có thể nói gì với một người trẻ muốn theo con đường tận hiến?”

Cha Micheal: “Thật không thể nhận thức rõ được con đường tận hiến khi sống ngoài đời, vì thế giới ngoài đời ảnh hưởng quá nhiều trên sự quyết định. Ơn gọi của tôi như màn kịch, giống như loại người trái ngược của những ơn gọi trong thời đại này. Tôi có kinh nghiệm của Thánh Phaolồ. Chủng viện đối với tôi chỉ là sự giải thích những gì đã xảy ra cho tôi và kiện toàn tiếng Chúa gọi thế thôi.”

“Đa số những chủng sinh khi vô chủng viện thường được gọi một cách thầm lặng và họ nhận thức rằng họ có thể đạt được tiếng gọi đó, và sống đời sống phục vụ Chúa và tha nhân. Tôi có thể nói thế này: “master prayer (con không hiểu ý nghĩa câu này và đoạn này)”….. lo ra, và bước vô sự huyền nhiệm của Thánh Thể, và bà có thể nghe tiếng Chúa một cách rõ ràng.”

“Chúng ta đều nghe được tiếng Chúa nói trong tim; nhưng phài nhận định đó là tiếng nói của ai. Phải biết nhận định thần khí, đó là tiếng Chúa hay Satan, hoặc chính mình thì thầm trong trí chúng ta? Một khi chúng ta nhận định được tiếng nói của ai thì chúng ta có thể đi theo tiếng nói tốt lành còn của ma quỉ thì phải tránh đi. Tôi nghĩ đây là một cái sứ điệp cho toàn thế giới, không riêng chỉ cho những ai chọn lựa con đường tận hiến.”

“Để tóm tắt, lời khuyên của tôi là ‘nên làm’. Kiếm tìm chủng viện, dù đó chỉ là một năm trong đời sống. Thử cho Chúa một năm thôi để coi Chúa có muốn mình không.”

Sandy: “Mới đây, chúng con cũng được giới thiệu với những linh mục khác, các ngài cũng có trải nghiệm giống như cha. Chúng con đã gặp cha Donald Calloway và một số khác có kinh nghiệm đời sống trước khi họ hoán cải, có phải như vậy rất khó thích hợp với những linh mục tương lai phải theo khuôn rập? Ở đây có một sứ điệp nào cho họ không?”

Cha Micheal: “Tôi có thể trở lại về những gì mà cha linh hướng của tôi đã nói. Ngài cũng là một khách hành hương Mêdu: cha Luke Zimmer viết một cuốn sách tên “Được chọn” . Tôi tin rằng có nhiều loại của ‘ơn gọi’. Tôi tin có những người được Chúa gọi để làm linh mục, có những người cả nam lẫn nữ được chọn đời sống tu sĩ. Tôi cũng tin có người được chọn như 12 tông đồ. Thánh Phaolồ được chọn. Nhưng 12 tông đồ có cơ hội chọn lựa theo Chúa hay không theo Chúa. Thánh Phaolồ cũng thế, nhưng Chúa Giêsu rõ ràng muốn ngài phải theo Chúa và ngài đã theo Chúa trong lúc đui mù một thời gian.”

“Có những kinh nghiệm, ngay cả trong Thánh Kinh cũng nhắc tới, có những cơ hội lựa chọn và những người được chọn. Tôi tin rằng tôi đã theo cái chọn lựa đó nhưng Chúa cũng đã uốn nắn tôi theo Thánh ý Người.”

“Tôi không biết tại sao. Tất cả những ai biết tôi họ đều thấy tôi là một người bình thường. Thỉnh thoảng, tôi cảm thấy là một linh mục là một sự kỳ diệu. Và thỉnh thoảng tôi vẫn không tin được rằng Thiên Chúa có thể đặt tôi ở cái vị trí phục vụ tha nhân trong tư cách này. Tôi rất thích cái chức vị của tôi và thích làm việc như vậy. Nhưng tôi cũng bình thường như người khác thôi. Tôi thích đi săn, tôi thích câu cá. Tôi thích thú vật, thích thể thao – tôi rất bình thường – Tôi không ngồi trong nhà nguyện cả ngày đâu. Tôi sống và cuộc sống cũng nhơ bẩn, bởi vậy chúng ta có Thiên Chúa và có các bí tích là vậy.”

Sandy: “Cha có cảm nghĩ gì về sự khủng hoảng trong giới linh mục?”

Cha Micheal: “Tôi tin rằng sự khủng hoảng trong hàng linh mục là vấn đề nhân dạng của giới linh mục. Khi nhìn vào nước Mỹ, từ bao năm qua các linh mục chỉ muốn như những người bình thường. Các sơ không mặc áo dòng, các linh mục đã thoát khỏi hàng giáo sĩ.”

“Tôi từng làm việc với những người có khuynh hướng ơn gọi. Người quảng cáo muốn tỏ ra cho thấy các linh mục cũng như những người bình thường. Tôi nghĩ đó là việc sai lầm. Hãy nhìn những người trong quân đội làm quảng cáo và thương mại. Bà biết rằng muốn trở thành người hải quân phải can đảm. Họ phải có sự hoạt động cao để lôi cuốn người ta vô, vì đó là cuộc sống mà họ muốn.”

“Tôi nghĩ linh mục cũng giống vậy. Chúng tôi cũng trong trận chiến như quân đội: quân đội của Chúa. Nhưng không phải là trận chiến để chúng tôi ra trận giết người; chúng tôi trong trận chiến thiêng liêng. Tôi nghĩ rằng linh mục cần sống trong ánh sáng. Tôi tin rằng nếu các ngài làm vậy thì sẽ kéo được bao linh hồn, bởi vì từ đó sẽ cho thấy cái nhân cách của giới tu sĩ và cũng giải thích lên những nhiệm vụ của chúng tôi đang gánh vác.”

“Nhìn vô phép Thánh Thể, thiên hạ nói đó chỉ là bánh và rượu thôi. Nhưng không, đó là Máu và Thịt của Chúa Giêsu Kitô. Nhìn vô những hiện tượng ở Lanciano, Orvieto, những phép lạ Thánh Thể trên thế giới. Tôi nói với thiên hạ: “Nếu đây là Thánh Thể trở thành Máu và Thịt, các người có tới dùng không?” Và có nhiều người đã nói “không”. Trong sự khôn ngoan của Thiên Chúa tại sao Người phải ẩn mình dưới tấm bánh và rượu? Bởi vì Người muốn tiếp tục nuôi sống đám dân của Người.”

“Nhân dạng là một hệ trọng của linh mục và tu sĩ. Bởi vậy tôi thấy các linh mục cần phải trở lại với chiếc áo dòng của mình, trở lại với nếp sống phục vụ, nhưng phục vụ cho Chúa. Chúng ta cần nhiều chiến sĩ khỏe mạnh trong giới linh mục, để họ có thể chiến đấu trong trận chiến thiêng liêng cho dân Chúa.”

Sandy: “Thưa cha, mỗi khi con nghe một linh mục chống đối về Mễdu, câu hỏi của con luôn luôn là: “Cha đã tới đó chưa?” Và câu trả lời là: “Không.” Cha nói sao về những linh mục chống đối Mễdu?”

Cha Michael: “Tôi có thể bỏ đi không nói tới. Nguyên nhân đơn giản thôi; chúng ta không có lý do chống đối điều gì khi không am tường.”

“Một ngày nọ, tôi đã đi coi cuốn phim The DaVinci Code. Thật sự tôi không muốn đi. Theo tôi đó là một cuốn phim thật rẻ tiền, vô giá trị cho dù họ cố gắng làm cho trình độ cuốn phim được đề cao lên, để bôi nhọ Giáo Hội và những gì đã được giáo huấn. Tác giả cuốn phim bắt chước một cách vụng về, họ không có đủ dữ kiện cơ bản để bôi bác. Ông ta không phải là một sử gia, và tôi không hiểu ông ta có phải là một Kitô hữu không. Nhưng muốn làm một người chỉ trích.”

“Muốn làm một người chỉ trích, phải nói ra những điều khi không có sự hiểu biết, cũng giống như nói ra những ý kiến không am tường vậy. Tôi không thể nói về Thánh Kinh khi tôi không biết gì về Kinh Thánh. Tôi không thể nói về học thuyết đức tin hay sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo khi tôi chưa bao giờ học tới nó. Chống đối về Mễdu, thí dụ nói: “Chưa được Giáo Hội chấp nhận..” tuyệt đối không có nghĩa gì cả. Dĩ nhiên Giáo Hội chưa phán quyết là vì chưa chấm dứt.”

“Hãy nhìn hoa trái của nó. Chúa Giêsu đã chẳng nói trong Thánh Kinh là chúng ta có thể nhận định qua hoa trái của nó đó sao?”

Sandy: “Ngoài những kinh nghiệm của riêng cha, cha có chứng kiến những hoán cải nào khác không?”

Cha Micheal: “Cả ngàn chuyện! Đó thật là niềm vui. Trong cái lịch sử của tôi ở Mêdu đây, và ngay cả ở nhà, tôi đã từng thấy mỗi phép lạ trong Thánh Kinh với những trường hợp ngoại lệ của người đi trên nước. (Chúa ơi, nếu Chúa nghe con, con rất thích thấy được người nào đó bước đi trên nước!)

“Một người bạn thân nhất của tôi vừa mới được thụ phong linh mục và chết đi trong hai tiếng rưỡi. Qua sự cầu nguyện thất vọng tràn trề của người mẹ Thiên Chúa đã làm cho ngài sống lại.”

“Tôi đã chứng kiến người mù được thấy, người điếc được nghe, người què được đi ra khỏi xe lăn, quỉ nhập, giải thoát, phép lạ nhỏ, phép lạ lớn, ung thư được chữa lành, nhiều nữa..v..v. Mễdu là vùng đất ơn sủng. Nhưng Thiên Chúa làm phép lạ bất cứ nơi nào chúng ta cầu xin. Chúng ta chỉ cần có can đảm xin xỏ mà thôi.”

“Thiên hạ hành trình cả ngàn dặm để tới đây nhưng họ hành trình với đức tin, và Đức Mẹ luôn luôn hiện diện để giúp đỡ họ.”

“Tất cả mọi chuyện đều có thể xảy ra khi có Chúa nhúng tay vào. Chúng ta cần đem sứ điệp đó tới Mỹ. Tất cả đều là đức tin. Nếu chúng ta tin rằng Chúa yêu thương chúng ta đủ, để làm cho chúng ta thì Người sẽ làm. Chúng ta là con cái của Người. Chúng ta là những thụ tạo do người dựng nên. Người biết tất cả những sợi tóc trên đầu chúng ta và người yêu thương chúng ta. Người hứa: “ Nếu các con nhân ta Ta mà xin bất sự gì cùng cha Ta thì các con sẽ được.”

“Những chuyện hoán cải xảy ra là vì những người đó có đức tin. Có thể đó là đức tin của người mẹ, giống như trường hợp của tôi, bà cầu nguyện cho con của bà, hoặc đức tin của ông bà nội ngoại họ bầu cử cho con cháu, nhưng tất cả đều là do đức tin. Thế giới này, quốc gia này, chúng ta cần bắt đầu lại tin tưởng vào Thiên Chúa. Chúng ta cần hy vọng vào Ngài.”

Đức cố Giáo Hoàng Gioan Đệ Nhị là một vĩ nhân của nhân loại, là một trong năm vĩ nhân trong lịch sử của thế giới. Tín điều của ngài là: “Không nên sợ hãi.” Chúng ta thường sợ hãi tới với Chúa bởi vì chúng ta sợ phải thay đổi. Đó là điều rất khó khăn đối với chúng ta. Khi cuộc sống thoải mái thì chúng ta không muốn thay đổi. Thay vì sợ hãi hãy diệt đi nỗi sợ hãi và như vậy sợ hãi thay đổi sẽ cho chúng ta sự hy vọng của sự phục sinh, hy vọng của sự sống của Chúa Kitô. Chúng ta phải là những người phục sinh.

Chúa Kitô có thể nói tiếng “không”: “Ta không muốn đi tới thánh giá. Ta sợ thay đổi vì những gì bản thân Ta sắp sửa phải gánh lấy; đinh sẽ đóng vào chân tay Ta; cạnh sườn Ta sẽ bị đâm thâu. Ta không biết sự phục sinh sẽ như thế nào, thành thử Ta sợ hãi phải làm vậy...” Nhưng sợ hãi đã không làm Chúa tê liệt, và cũng không thể tê liệt chúng ta được.

Sandy: “Trong nhóm của chúng con, chúng con luôn luôn hỏi những người hành hương nếu họ có những kinh nghiệm muốn chia sẻ để chúng con có thể nâng đỡ nhau trong lời cầu nguyện. Nếu con phải chọn lựa ý họ muốn chia sẻ trong 108 lần hành hương của con thì đều như thế này: “ Xin vui lòng cầu nguyện cho con của tôi, nó đã bỏ đạo không đi lễ nữa.” Đã có một lần cha quyết định bỏ lễ Chúa Nhật không đi. Cha nói thế nào về những người khổ đau có con cái lạc đường đó?”

Cha Micheal: “Đầu tiên chúng ta phải biết sự gì đã lôi kéo chúng xa đàng lạc lối như vậy. Và điều gì sẽ khiến cho chúng được trở lại?”

“Văn hóa mà ngày nay chúng ta đang sống nó giáo huấn một chủ nghĩa duy lý rằng: “Tất cả mọi sự đều okay. Nếu với anh được thì với tôi cũng xong.” Chúng ta cũng có những thành phần trong cộng đồng chúng ta nói rằng quan hệ tình dục okay, tôn giáo nào cũng giống nhau, thánh lễ quá nhàm chán, v.vv. Chúng ta có những người dạy dỗ trong Giáo Hội, có những người không đủ tư cách để dạy dỗ, giáo hóa. Họ dạy theo kiểu của họ thay vì dạy theo Giáo Hội giáo huấn. Những người này sẽ chịu trách nhiệm trước mặt Chúa trong ngày phán xét. Nên cẩn thận thì hơn.”

“Tôi nghĩ cũng vì đó mà tôi bỏ nếp sống cũ. Trong thời điểm của tôi, trên bục giảng không một ai nói lên sự thật. Tôi cần phải có hét lên trên toà giảng, một người thật sự là một người mà tôi có thể nhìn lên. Xui xẻo thay, nhiều khi có linh mục không mấy quan tâm tới. Ngài chỉ muốn nước đổ xuống đạo, ngài muốn Chúa Giêsu của ngài và không phải Chúa Giêsu là Đấng thần thiêng – Ngôi Con của Ba Ngôi Thiên Chúa.”

“Chuyện tôi hoán cải là tôi thấy Chúa làm việc qua bàn tay của các linh mục ở Mễdu đây. Đó là quyền năng Thiên Chúa và cách Người hoạt động trong họ. Sau đó thì linh mục không còn là vấn đề nữa mà là Chúa Giêsu Thánh Thể và sự cảm nhận được Chúa qua linh mục.”

“Trong nước Mỹ, các linh mục không được tôn trọng. Đằng khác, họ nói: “ Hãy cầu nguyện cho thêm nhiều linh mục, và rồi họ phê phán các ngài, thí dụ các ngài làm cái này, làm cái nọ trong Giáo Hội v.v.. Nhưng thử hỏi chúng ta có cầu nguyện cho các ngài không?”

“Hãy lấy chuỗi Mân Côi ra, quì gối xuống và cầu nguyện cho linh mục của mình. Đừng phê phán họ; hãy để Chúa thay đổi họ. Chúa Giêsu là Đấng gần gũi họ hơn cả trong trái tim, nhưng khi các ngài bị chỉ trích dài dài thì các ngài cũng sẽ phải tự vệ bởi vì họ chỉ là con người. Giáo Hội là con người và thần thiêng. Giáo Hội thì hoàn hảo nhưng chúng ta có khuynh hướng làm hư hại bởi vì chúng ta là con người. Hãy cầu nguyện để được thánh thiện hơn.”

“Còn những đứa con lạc xa đàng, cầu nguyện cho họ nhưng đừng lên án, đó là câu trả lời. Giáo Hội cần chữa lành, gia đình cần chữa lành và thế giới cũng cần chữa lành. Tất cả những vấn đề này đều phải hoàn thành qua lời cầu nguyện.”

Sandy: “Con nghe nói rằng: Xin thì sẽ được.”

Cha Michael: “Tôi tin đó là sự thật.”

Sandy: “Còn điều gì nữa con chưa hỏi mà cha muốn cho lời phê bình không?”

Cha Michael: “Vâng, café này thật ngon.”

Ghi chú: Cha Michael Lightner đã tham dự kỷ niệm năm thứ 12 ngày hội nghị Đức Maria tổ chức tại Clearwater, Florida, vào ngày 11, 12, tháng 11, năm 2006. Ngài đã chia sẻ câu chuyện hoán cải của ngài và cầu nguyện với số người. Chúng tôi hy vọng ngài sẽ có mặt với chúng tôi lần nữa trong tương lai.

Sandy Tobin [Tập San Mễdu] - Thuận Hà chuyển ngữ (thanhlinh.net)