PDA

View Full Version : Sự Hiện Hữu của Thiên Chúa



vũng_nước
21-05-2009, 09:08 PM
Trích từ: Nguyệt San Người Tín Hữu

1. Tôi chán những danh từ thần học. Tại sao chúng ta không có một phúc âm đơn giản về Chúa Giêsu? Trở ngại của Kitô Giáo ngày nay là quá nhiều đầu mà không đủ con tim.

Bạn bất bình nhưng có ý tốt. Kitô Giáo không có nghĩa chỉ có giáo lý. Thiên Chúa ban cho chúng ta đầu óc và con tim cùng một lúc, có lẽ Ngài muốn chúng ta sử dụng đến chúng. Chúa Giêsu nói Ngài là sự thật, là đường và là sự sống (Gioan 14:6). Chân lý bao gồm kiến thức và buộc chúng ta phải nghiên cứu tới mức mà đời sống cho phép. Ðây là lý do mà Thánh Phêrô viết, "Hãy nỗ lực bổ sung đức tin với nhân đức, và bổ sung nhân đức với sự hiểu biết" (2 Phêrô 1:5).

2. Tôi không tin bất cứ điều gì tôn giáo dạy. Tôi tự coi mình là người của lý trí. Trước khi tin tôi phải nhìn thấy đã. Nếu không thấy, thì tôi không tin.

Ðiều bạn nói thì không hợp lý. Người có lý trí là người biết sử dụng lý trí, và bạn không thi hành điều đó. Nếu bạn hạn hẹp niềm tin của bạn ở những gì mà giác quan cảm nhận được, bạn đã bỏ qua biết bao nhiêu thực tại. Vũ trụ này bao gồm rất nhiều điều mà bạn không thể tự mình khám phá ra được.

Nếu niềm tin của bạn chỉ tùy thuộc vào con mắt của bạn mà thôi thì bạn cũng dễ bị sai lầm. Mắt bạn thấy mặt trời mọc và lặn, nhưng lý trí của bạn (và niềm tin của bạn ở những điều mà các nhà thiên văn, toán học, và vật lý nói cho chúng ta biết) giúp bạn nhận ra một sự thật -- trái đất xoay chung quanh mặt trời.

Có nhiều điều, kể cả những điều thiêng liêng, thực sự hiện diện dù bạn có nhìn thấy hay không. Người khước từ sự hiện diện của những điều ấy thì không dựa trên lý trí, nhưng dựa trên "sự tin tưởng mù quáng", và người khăng khăng cho rằng không có gì hiện diện mà giác quan không thể cảm nhận được -- nhất là người từ chối siêu nhiên --cũng có thể được coi là không thực tế.

Trong cuốn "Theology and Sanity" của ông Frank Sheed, ông nói rằng, người từ chối siêu nhiên thì cũng giống như một y sĩ từ chối không có vi khuẩn. Có lẽ bạn nghĩ chẳng có y sĩ nào như thế cả. Một y sĩ không tin có vi khuẩn thì ông ấy hành nghề mà không dựa trên khoa học, nhưng dựa vào thành kiến, và người nói rằng siêu nhiên không có thực thì cũng giống như vậy.

3. Có phải sự kiện nhiều tôn giáo trái ngược nhau có nghĩa tất cả các tôn giáo đều sai, và chúng ta không cần phải nghe theo một tôn giáo nào cả?

Không hẳn vậy. Nhưng điều đó chứng minh một sự thật của Kitô Giáo: thế giới là một nơi đầy xáo trộn.
Ðiều này quan trọng hơn là mới thoáng nhìn qua. Thật buồn khi có nhiều tôn giáo kình chống nhau, cạnh tranh nhau. Ðiều đó có nghĩa quá nhiều người đang tin tưởng một cách sai lầm. Nhưng điều sau đây cho chúng ta thấy đâu là tôn giáo thật: Nếu thế giới này quá hỗn loạn đến nỗi nhiều người tin tưởng cách lầm lạc, thì một tôn giáo thật phải nhận thấy điều ấy. Do đó, bất cứ tôn giáo nào cho rằng thế giới này không sa lầy trong sự hỗn loạn tôn giáo thì chúng ta có thể đặt tôn giáo ấy ra ngoài cuộc tranh luận; vì nó không nhìn thấy một sự thật hiển nhiên và căn bản.

4. Vì có quá nhiều tôn giáo trên thế giới này, nên tình cờ chọn được một tôn giáo đúng thì thật khó. Vậy tôi có nên trì hoãn việc chọn lựa tôn giáo và coi như mình ngu dốt không?

Không. Có ba vấn đề trong lý luận của bạn.

Thứ nhất, nó có tính cách ngụy biện. Sự ngụy biện có thể thấy trong một lý luận triết học mà nhiều người biết đến, được gọi là nghịch lý may rủi. Giả sử chỉ có một vé trúng trong 100 vé số. Bạn chọn một vé, nhưng nghĩ rằng cơ hội may mắn trúng giải có lẽ thật khó: một trong một trăm. Có lẽ chẳng có ai trúng. Nhưng đối với vé thứ hai, thứ ba, và tất cả những vé khác thì cũng có thể nói y như vậy. Nhìn một cách riêng biệt, thì sự may mắn trúng số giống y như nhau. Nhưng nếu nghĩ như vậy để kết luận rằng chẳng có ai trúng số thì đó là sự ngụy biện. Phải có một người trúng số. Lý luận này cũng áp dụng cho vấn đề tôn giáo: Ngay cả thật khó để chọn được một tôn giáo đúng, điều đó không có nghĩa là không có tôn giáo đích thực.

Thứ hai, bởi từ chối không muốn chọn một tôn giáo có nền tảng, bạn tự nhận cho mình một lập trường tôn giáo: bất khả tri giáo (agnosticism). Ðây chỉ là một trong những giáo phái hên xui may rủi không hơn không kém. Sự thực, nó còn tệ hơn thế. Bất khả tri giáo, giáo phái vô tôn giáo, là một lựa chọn chắc chắn không đem lại cho bạn bất cứ chân lý gì về thế giới này. Ngay cả người vô thần còn có thể nói cho bạn nghe một vài điều đúng với sự thật hơn là một người bất khả tri giáo, vì toàn bộ bất khả tri giáo nằm ở điểm đừng thắc mắc gì cả! (Vì không thể biết nên đừng thắc mắc!).

Thứ ba, chọn mặt gửi vàng, đừng nhắm mắt đưa chân. Có những bằng chứng để chúng ta tìm hiểu, cân nhắc, và dùng đó như một nền tảng để lựa chọn. Chúng ta có thể lý luận để tìm ra sự hiện diện của Thiên Chúa, về bằng chứng sự sống lại của Ðức Kitô, và những lý do tại sao Tân Ước có thể đáng tin cậy trên phương diện lịch sử.

Một khi chúng ta có được những bằng chứng đáng tin, chúng ta không còn nhắm mắt đi theo tôn giáo nào nữa. Sự lựa chọn tôn giáo đích thực sẽ dễ dàng hơn.

5. Ông muốn nói gì về chữ Thiên Chúa?

Thiên Chúa là một chủ thể thiêng liêng, có thực, hiểu biết vô tận, ý chí vô tận, và tuyệt hảo vô tận, tuyệt đối đơn thuần, bất biến, hạnh phúc tự chính Ngài và bởi chính Ngài, và tuyệt đối cao hơn tất cả những gì được hình thành hay có thể hình thành mà không do Ngài. Trong sự tuyệt hảo vô cùng của Ngài, mọi loài có sự hiểu biết thấp kém hơn không thể thấu hiểu được Ngài, mặc dù có thể nhận biết sự hiện diện của Ngài như Ðấng Tạo Hóa và Chúa trời đất, toàn năng, đời đời, bao la, và khác với tạo vật. Ðó là điều tôi muốn nói về Thiên Chúa.

6. Hãy cho tôi một bằng chứng về sự hiện diện của Thiên Chúa. Tôi chưa bao giờ thấy một bằng chứng nào, vì tôi không chấp nhận Phúc Âm.

Bạn muốn nói gì về bằng chứng. Một số người nghĩ rằng bằng chứng là phải xem thấy hay sờ thấy, như một con thú nhìn thấy đồng cỏ và đến ăn cỏ. Nhưng con người thì không phải thú vật. Họ có lý trí, và có thể nhận thức được bằng chứng qua trí tuệ. Thí dụ, bằng chứng về sự mỹ miều của hội họa hay âm nhạc được trí óc con người nhận biết, chứ không phải bằng giác quan. Một con vật có thể nghe cùng một loại âm thanh, hay thấy cùng loại mầu sắc, nhưng nó không bàng hoàng vì sự hoà hợp của mầu sắc, tiết điệu hay sự cân xứng của bố cục bức tranh hay bản nhạc. Hoàn toàn đặt Phúc Âm ra ngoài, riêng lý trí không thôi cũng có thể khám phá ra đủ bằng chứng để đảm bảo sự hiện hữu của Thiên Chúa.

7. Không kể đến Phúc Âm, đâu là bằng chứng Thiên Chúa hiện diện?

Có nhiều dấu hiệu, nhưng sau đây là tóm lược vài điều chính yếu:
Thứ nhất là từ tương quan nhân quả. Vũ trụ, với tất cả những giới hạn của nó, không thể tự nó mà có. Nó không thể tự xuất hiện với tất cả các quy luật như chiếc cầu Golden Gate tự dưng xuất hiện, hay như một cái đồng hồ tự nó ráp các cơ phận vào với nhau mà không cần đến thợ đồng hồ. Cùng nguyên tắc ấy, nếu không có Thiên Chúa, thì sẽ không có bạn để tranh luận về sự hiện diện của Ngài.

Dấu hiệu thứ hai lấy từ sự tin tưởng phổ quát, hoặc còn gọi là trực giác của con người. Nhờ trực giác của con người, dù người lớn hay trẻ em, ai ai cũng biết thực phẩm là cho vào miệng. Dấu tích những công trình của Thiên Chúa thì rõ ràng ghi khắc trên tạo vật, và trên con người, là loài thượng đẳng, đến nỗi mọi dân tộc đều có khuynh hướng tin rằng có Thiên Chúa. Chân lý này là điều sở hữu của con người. Nói cách khác, người ta không phải tự thuyết phục mình là có Thiên Chúa. Nhưng người ta cố tự thuyết phục là không có Thiên Chúa. Tuy nhiên chưa ai tìm được một lý do có giá trị về điều đó. Loài người không muốn đi theo ý tưởng của Thiên Chúa, họ chỉ muốn vượt ra ngoài Ý thức về bổn phận luân lý chứng thực những lý lẽ sau. Mỗi một người đều có nhận thức những gì là đúng hay sai. Khi một người làm điều sai, trong thâm tâm họ biết như thế. Một cái gì đó như khiển trách lối cư xử của họ. Họ biết là họ đã đi ngược với tiếng nói bên trong. Ðó là tiếng nói lương tâm, ra lệnh cho chúng ta phải tuân theo luật lệ mà không do chúng ta làm ra, và cũng không ai có thể đặt ra luật lệ ấy, vì lương tâm sẽ lên tiếng dù người khác có biết đến hành động của chúng ta hay không. Tiếng nói này thường ngược lại những gì chúng ta muốn thi hành, cảnh cáo chúng ta trước, và kết án chúng ta sau khi vi phạm. Luật lệ mà lương tâm lên tiếng cho thấy có đấng làm ra luật lệ đó và đã viết vào tâm hồn chúng ta. Và chỉ có Thiên Chúa mới làm được điều ấy, do đó chắc chắn Ngài phải hiện diện.

Sau cùng, sự công bằng đòi hỏi phải có một Thiên Chúa. Chính cái ý thức công bằng của con người, đưa đến việc thành lập các toà án, cần có một Thiên Chúa chí công. Chúng ta không thể tự tạo ra ý thức công bằng. Nó đến từ ai đó đã dựng nên chúng ta, và không ai có thể cho đi cái mà họ không có. Nhưng sự công bằng không thể nào luôn luôn được con người thể hiện ở thế giới này. Là nơi người tốt lành luôn đau khổ, và người ác độc luôn thành công. Và, dù cán cân công lý của loài người luôn luôn sái lệch, thì một ngày nào đó, công lý sẽ được thể hiện bởi một Thiên Chúa chí công, là người chắc chắn phải hiện diện.

8. Ông là một người Công Giáo, lý luận về đấng tạo hóa. Tôi, một người duy lý, xin hỏi, Ai dựng nên đấng tạo hóa tự hữu?

Ðó không phải là câu hỏi hợp lý. Tôi nói vũ trụ hiển nhiên phải được tạo dựng nên, và có tạo vật thì phải có một Tạo Hóa là đấng tự mình mà có (tự hữu), nếu không vấn đề sẽ tiếp tục mãi, vì cả một chuỗi không cùng của các hữu thể phụ thuộc vào nhau thì không thể nào giải thích được về chính nó cũng như bất cứ hữu thể nào khác nằm trong chu trình đó. Thật hợp lý để lý luận về đấng tự hữu. Không hợp lý để hỏi: Ai dựng nên đấng tự hữu? Thiên Chúa không phải là tạo vật. Nếu Ngài được dựng nên, Ngài phải là một tạo vật và phải có đấng tạo hóa. Ðấng tạo nên Ngài phải là Thiên Chúa, và không phải là chính Ngài. Là tạo vật thì phải có khởi đầu và phải có chấm dứt. Có sinh thì có tử. Nhưng Thiên Chúa luôn luôn hiện hữu. Ngài không có khởi đầu, và cũng không ngừng hiện hữu. Ngài hằng hữu.

9. Không cần phải bàn đến công lý ở đời sau. Ngay tự đời này, ở hiền thì gặp lành, ở dữ thì gặp ác.

Không hẳn là như vậy. Ý thức sống đạo hạnh không giúp gì cho những người có xu hướng bất công và những người không thích lối sống đó. Cũng thế, người đồi bại không luôn luôn hối hận. Và nhiều người cứng lòng không muốn hối hận. Phải có sự công bằng một ngày nào đó, ở đời sau, và qua bàn tay Thiên Chúa.

10. Nếu tôi chân thành tin tưởng là không có Thiên Chúa, mà lại có Thiên Chúa, thì sự vô tri bất khả triệt ấy (không biết mà không muốn bị thuyết phục) có giúp tôi được cứu rỗi không?

Sự vô tri đó không thể không vượt qua được. Bạn có thể khắc phục được điều đó. Lý trí tự nhiên của con người cho thấy có Ðấng Tạo Hóa, khi bạn ngăn chặn ý niệm tự nhiên ấy, và cho rằng không có tôn giáo thì bạn đã vi phạm lý trí của bạn. Nếu bạn đừng chèn ép lý trí và để tự nhiên thì nó sẽ hướng về Nguyên Nhân Tối Thượng của mọi loài, như kim nam châm luôn luôn xoay về cực của trái đất. Triết gia Pascal có lý khi nói có hai hạng người, một là những người sợ mất Thiên Chúa, và hai là những người sợ tìm thấy Ngài.

11. Trong cuốn sách tôi đọc có đề cập đến "Pascal's Wager"(Canh Bạc của Pascal) nhưng không giải thích nhiều. Tôi nghĩ điều ấy liên hệ đến việc chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa. Ông có thể cho biết thêm?

Ðược gọi là "Pascal's Wager" vì do nhà triết học Công Giáo là ông Blaise Pascal (1623-1662) nghĩ ra. Ðó là một phương pháp hộ giáo (biện hộ tôn giáo) dưới hình thức sự đánh cuộc, nhắm đến người vô thần và người bất khả tri giáo về vấn đề hiện hữu của Thiên Chúa và về thiên đàng và hoả ngục. Ưu điểm của "Pascal's Wager" là nó đề cập thẳng đến điều mà người vô thần tôn thờ, đó là lý trí.

Lý luận của Pascal đề cập đến một con người tiêu biểu của trần gian coi việc kiếm tiền và vui thú, không như một phương tiện để đạt đến cùng đích, mà coi đó là mục đích thực sự của đời sống. Ngay cả khi người ấy từ chối không tin vào định mệnh tối hậu của mình, Pascal cả quyết rằng người ấy không thể tránh khỏi canh bạc cuộc đời. Trên thực tế, người ấy phải chọn một trong hai mệnh đề sau, hoặc (A) đời sống có mục đích (Thiên Chúa dựng nên chúng ta để sống với Ngài); hoặc (B) không có gì cả. Con người không thể từ chối canh bạc này, vì nếu từ chối họ đương nhiên đồng ý rằng đời sống không có mục đích.

Dưới hình thức này hay hình thức khác, sự ích kỷ của con người luôn luôn thúc giục họ chọn mệnh đề "B". Pascal chứng minh rằng chọn mệnh đề "A" thì hợp lý hơn, dù với quan điểm của người tư lợi. Ông nói: nếu bạn chọn mệnh đề "B" mà "A" là sự thật, thì bạn mất phần thưởng đời đời. Nhưng nếu bạn chọn mệnh đề "A" mà "B" là sự thật, thì bạn chỉ mất một ít vui thú ở đời này mà thôi.

Tư tưởng của con người thời nay được ông Pascal diễn tả qua những lời sau: "Tôi không biết tôi từ đâu đến và đi về đâu. Chỉ biết khi từ bỏ đời này, tôi sẽ vĩnh viễn hoặc rơi vào sự hư không, hoặc rơi vào bàn tay thịnh nộ của Thiên Chúa [Heb. 10:31]... Và rồi tôi đi đến kết luận là phải trải qua những ngày trong đời mà không lưu tâm đến những gì sẽ xảy ra cho tôi. Có lẽ tôi sẽ tìm thấy một giải pháp nào đó cho sự hồ nghi của tôi, nhưng tôi không muốn khó khăn... Tôi muốn tiến tới nhưng không muốn nhìn xa và cũng chẳng sợ hãi gì khi nhìn đến một biến cố lớn lao, đó là đối diện với cái chết một cách thờ ơ, mà nó cũng không chắc chắn như tương lai vĩnh cửu của đời tôi [Pensees III, 194]..." Nói cách khác, Pascal không nghĩ đó chỉ là một thảm kịch luân lý nhưng còn là một ngớ ngẩn về tri thức khi chọn mệnh đề "B," đó là từ chối không chấp nhận đời sống có mục đích. Ông tin rằng một người bình thường sẽ có đức tin khi họ từ bỏ vui thú. Ít nhất họ phải tìm kiếm sự thật. "Theo chủ nghĩa may rủi, bạn phải tha thiết tìm kiếm chân lý, vì nếu bạn chết mà không tôn thờ Nguyên Nhân Ðích Thực, bạn sẽ tiêu vong. Bạn nói, 'Nếu Thiên Chúa muốn tôi thờ phượng Ngài, thì Ngài phải cho tôi những dấu chỉ.' Quả thật, Thiên Chúa đã có những dấu chỉ [Rom. 1:18-21; 2:14-16]; nhưng bạn làm như không biết."
Cha Jospeh H. Cavanaugh, giải thích rõ hơn về "Pascal's Wager" trong cuốn "Evidence for Our Faith" (có thể hỏi mua ở Catholic Answer, P.O. Box 17490, San Diego, CA 92177 giá $19.95).

12. Làm sao ông biết Thiên Chúa hằng hữu?

Vì nếu Thiên Chúa có khởi đầu thì trước khi Ngài khởi đầu phải là hư không. Hư không, không có gì để dựa vào và cũng không có khả năng nào để biến chuyển, thì không thể nào biến đổi bản chất hư không của nó thành một điều gì có thực. Nhưng hiển nhiên là có một điều gì, và không thể nào có quãng thời gian hư không. Thiên Chúa phải luôn luôn hiện hữu, và nếu không ai trách nhiệm về sự khởi đầu của Ngài, thì không ai có thể đưa sự hiện hữu của Ngài đến sự chấm dứt. Ngài luôn luôn tồn tại. Quả thật Thiên Chúa đã tuyên bố chính Ngài là một Chủ Thể hằng hữu khi Ngài nói với Môisen, Ta là Ðấng Tự Hữu (I Am Who Am).

13. Chúng ta đã đạt được sự hiểu biết trọn vẹn về Thiên Chúa chưa, hay chúng ta đang tiến đến sự trọn vẹn của chân lý?

Sự mặc khải trọn vẹn về những điều mà Thiên Chúa muốn cho loài người biết thì đã được thể hiện qua Ðức Kitô. Tuy nhiên, chưa ai thấu hiểu được đầy đủ chân lý mà Ðức Kitô đã tiết lộ, và khi chúng ta ngày càng tăng tiến trong sự hiểu biết giáo lý của Ngài, chúng ta càng tiến gần hơn đến chân lý toàn vẹn mà loài người ở trái đất này có thể hiểu được. Tôi muốn nói về kiến thức mà một cá nhân có thể đạt được. Toàn bộ chân lý được chất chứa trong đức tin mà Ðức Kitô đã giao phó cho Giáo Hội Công Giáo. Sự hiểu biết hoàn toàn đầy đủ chỉ có thể xảy ra khi diện kiến Thiên Chúa ở thiên đàng.

14. Làm thế nào mà Thiên Chúa vừa công bằng và vừa thương xót được? Công bằng có nghĩa thưởng phạt xứng đáng, nhưng thương xót có nghĩa cho nhiều hơn họ đáng được. Ðịnh nghĩa như thế, một người công bằng thì không có lòng thương xót.

Vấn đề ở đây là sự nhầm lẫn ý nghĩa của chữ "công bằng." Công bằng với một người, theo định nghĩa đó, là cho họ điều mà họ đáng được. Vậy nếu tôi nợ một người nào đó, tôi sẽ công bằng khi trả lại món nợ ấy, nhưng điều này không ngăn cản tôi vượt quá điều mà sự công bằng đòi hỏi để cho thêm người ấy.

Ðây là câu trả lời căn bản cho vấn đề trong bao thế kỷ. Thánh Tôma Aquinô nói, "Thiên Chúa hành động một cách từ bi, không bởi đi ngược với sự công bằng của Ngài, nhưng bởi thể hiện một điều gì đó hơn cả sự công bằng; như thế một người nợ có 100 quan tiền mà trả tới 200 quan, thì ông ta không trái với sự công bằng, nhưng ông đã hành động một cách tự do hay một cách từ bi.

Trường hợp này cũng giống như một người tha thứ cho người lỗi phạm đến họ, vì khi tha thứ có thể nói họ đã ban tặng một món quà. Do đó, Thánh Phaolô tông đồ gọi sự khoan dung là sự tha thứ: 'Hãy tha thứ cho nhau, như Ðức Kitô đã tha thứ cho anh chị em' [Eph. 4:32]. Vậy, rõ ràng là lòng thương xót không tiêu diệt sự công bằng, nhưng trong một ý nghĩa, nó là sự toàn vẹn của sự công bằng. Bởi thế có lời chép, 'Lòng thương xót tự nó cao hơn sự xét xử' [Jas. 2:13]" (Summa Theologiae I:21:3 ad 2).

15. Tại sao các thần học gia Kitô Giáo nói rằng Thiên Chúa thì tuyệt đối thương xót trong khi Ngài vẫn trừng phạt con người? Nếu Ngài tha thứ tất cả mọi người thì Ngài có tuyệt đối thương xót hơn không?

Không. Chữ "tuyệt đối" được hiểu theo ý nghĩa khác nhau. Có khi nó có nghĩa "hoàn toàn" hay "trong mọi trường hợp." Nếu đó là ý nghĩa mà qua đó Thiên Chúa hoàn toàn thương xót, thì Ngài phải tha thứ tội lỗi trong mọi trường hợp, do đó tha thứ cho tất cả mọi người. Nhưng "tuyệt đối" có ý nghĩa khác -- tỉ như nó cũng có thể có nghĩa "trong phương cách tốt nhất."

Thí dụ một người cần 25 đô la để khỏi bị ngồi tù, và họ đến xin tôi giúp đỡ. Tôi biết nếu tôi cho họ 25 đô la thì họ sẽ không bị tù, học được một bài học, và mọi sự sẽ tốt đẹp. Nhưng tôi cũng biết nếu cho họ hơn 25 đô la, thì họ sẽ không học được gì mà còn dùng số tiền dư để làm bậy. Vậy chúng ta nghĩ gì giữa việc cho họ 25 đô la hoặc cho nhiều hơn?
Giả như tôi không nợ họ một đồng nào, việc cho họ bất cứ số tiền nào cũng đều là hành động độ lượng, nhưng hành động nào được coi là thí dụ tốt nhất của sự độ lượng? Trên một quan điểm chúng ta có thể lý luận rằng cho nhiều là độ lượng nhiều và do đó hoàn toàn hay "tuyệt đối" độ lượng hơn. Trên một quan điểm khác, chúng ta có thể lý luận rằng cho họ ít tiền thì tốt hơn và như thế tuyệt đối độ lượng hơn (độ lượng trong phương cách tốt nhất).

Thí dụ này đem lại cho chúng ta một sự hiểu biết sâu sắc về bản chất của nhân đức. Thi hành một điều gì được coi là nhân đức thì đừng chỉ thi hành theo mức độ nhiều ít, nhưng theo phương cách tốt hơn. Thiên Chúa tuyệt đối thương xót mà qua đó Ngài tỏ lộ từ bi một cách tuyệt đối. Ðiều này có nghĩa Ngài thương xót đúng mức, với động lực chính đáng, và trong trường hợp chính đáng. Nhưng có một số người và một số trường hợp không thích đáng. Thật không thích hợp để tha thứ tội lỗi của một người khi họ ngoan cố và không hối lỗi. Có thể thích hợp để liên tục giúp họ hối lỗi, nhưng không thích hợp tha thứ cho họ mà họ chưa thú nhận lỗi lầm.

Thiên Chúa tuyệt đối thương xót với ý nghĩa Ngài thương xót trong phương cách tốt nhất, chứ không phải với ý nghĩa Ngài tha thứ mọi tội lỗi của con người. Một số tội lỗi (mà người ta không hối lỗi) thì không thích hợp để tha thứ, bởi thế chính sự thương xót của Thiên Chúa đã ngăn cản Ngài không tha thứ cho họ.

16. Khi nghĩ về sự đau khổ và sự đói khát của bao người trên thế giới này, ông nghĩ gì về Thiên Chúa?

Không thể thấu hiểu mọi chi tiết của vũ trụ không có nghĩa không có Thiên Chúa, nhưng nó nói lên sự hạn hẹp của trí óc con người. Tuy nhiên, trí óc con người có thể đề ra một vài quy tắc nhằm giải đáp những khó khăn.

1. Thứ nhất, sự dữ là phủ nhận hay thiếu thốn sự thiện, và nếu có sự dữ trong trần gian, thì cũng phải có sự thiện mà nó chỉ có thể giải thích bởi sự hiện hữu của Thiên Chúa.

2. Thứ hai, sự giao động của cuộc đời luôn đổi thay không thể ảnh hưởng đến sự hiện diện của Thiên Chúa. Tôi muốn nói khi mọi sự tốt đẹp thì bạn cho rằng có Thiên Chúa, nhưng khi có những sai lạc thì bạn cũng không thể từ chối sự hiện diện của Ngài. Nếu Thiên Chúa hiện hữu trước khi có sự sai lạc, thì Ngài vẫn hiện hữu bất kể đến sự bất hạnh của cá nhân. Hãy để ý chữ cá nhân. Nhìn vào toàn thể loài người, chúng ta thấy đời sống là một hỗn hợp của những điều thuận tiện và bất tiện. Khi chúng ta hạnh phúc, người khác lại đau khổ. Khi chúng ta đau khổ, người khác lại hạnh phúc. Và chúng ta không thể nói Thiên Chúa hiện hữu vì có những người hạnh phúc, và đồng thời Ngài không hiện hữu vì có những người đau khổ. Chúng ta không thể có cái nhìn cá nhân và cục bộ, nhưng phải có một cái nhìn tổng quát.

3. Thứ ba, và nhất là sự phân phối thực phẩm không đồng đều của thế giới khiến một số người phải chết đói, không phải là sự quan phòng của Thiên Chúa sai lạc. Ðó là lỗi quản trị của loài người. Trong khi có người chết đói thì thế giới vẫn sản xuất đầy đủ lúa gạo, trái cây, thịt cá, và len sợi để nuôi ăn và có áo mặc cho loài người. Thiên Chúa vẫn ban đầy đủ cho mọi miệng ăn. Nhưng Ngài trao thế giới này cho loài người quản trị, và đó là sự quản trị tệ hại mà họ phải sửa sai hơn là đổ lỗi cho Thiên Chúa.

17. Khi để sự phân phối không đồng đều xảy ra, Thiên Chúa có công bằng không?

Hầu như không thể có một giải đáp thoả đáng nếu chỉ có đời này. Thiên Chúa để những điều ấy xảy ra chỉ vì Ngài biết có một đời sống tương lai để Ngài chấn chỉnh và đền bù mọi bất công. Trong khi chờ đợi cuộc sống ấy, từ những bất hạnh Ngài đưa ra một bài học, để dạy loài người đừng hoàn toàn trông cậy vào thế giới này như thể không có đời sau, và sự đau khổ giúp đền bù tội lỗi nhân loại. Nếu chúng ta không thể hoàn toàn hạnh phúc ở đời này, thì hãy sống chắc chắn cho hạnh phúc đời sau.

18. Nếu Thiên Chúa là Ðấng toàn năng thì Ngài có thể ngăn chặn núi lửa, động đất, v.v. mà những thiên tai này giết hại người lành cũng như kẻ dữ.

Nếu Ngài không toàn năng thì không có núi để phun lửa, và cũng không có loài người để bị thương tích hay bị chết. Những biến cố này xảy ra theo định luật tự nhiên do Thiên Chúa thiết lập, mà Ngài không muốn can thiệp vào sự vận hành của nó vì trí óc loài người sẽ thắc mắc. Cũng thế, cái chết của những người bất hạnh không chấm dứt sự hiện hữu của họ. Sự chuyển tiếp từ thân phận con người trần thế sang tình trạng tương lai thì cũng bình thường như sự chuyển tiếp từ giai đoạn thơ ấu sang giai đoạn trưởng thành. Cái chết là điều tự nhiên của mọi người, và Thiên Chúa cho phép điều ấy xảy đến cho loài người trong nhiều phương cách khác nhau.

19. Nếu Thiên Chúa nhân từ, công bình, và toàn năng, tại sao Ngài lại để sự xấu xa về luân lý hoặc tội lỗi xảy ra?

Vì Thiên Chúa là Tình Yêu, Ngài đòi hỏi tình yêu tự hiến của con người, chứ không phải một tình yêu ép buộc. Vì Ngài công bằng, Ngài không tước đoạn của con người sự tự do ý muốn là điều hợp với bản tính hữu lý của Ngài. Ðiều này cũng không ngược với sự toàn năng của Thiên Chúa, vì quyền năng của Ngài không để thi hành những điều mâu thuẫn. Loài người không thể tự do yêu thương và phục vụ Thiên Chúa nếu không được tự do khước từ và phản bội Ngài. Chúng ta không thể bắt cá hai tay. Ngay cả Thiên Chúa, nếu Ngài muốn loài người được tự do, Ngài không thể lấy đi khả năng chọn sự dữ của loài người. Nếu Ngài áp đặt sự thiện hảo, Ngài cướp đi sự tự do. Nếu Ngài cho phép được tự do, Ngài phải cho phép có sự dữ, mặc dù Ngài cấm làm sự dữ. Ðó là phẩm giá của con người khi họ làm chủ được định mệnh của mình thay vì sống như cây cỏ phải theo luật tự nhiên. Quả thật, con người đã lạm dụng sự tự do, và hậu quả là tội lỗi và sự hung ác. Nhưng không thể ban cho loài người món quà tự do và phẩm giá khi làm chủ được định mệnh của mình mà không liều cho phép có những thất bại.

20. Là Ðấng toàn năng, công bằng, và nhân hậu, tối thiểu Thiên Chúa phải để mọi người có cơ hội đồng đều được hưởng sự sung túc của thế gian.

Là Ðấng toàn năng, thì không có lý do gì Thiên Chúa lại phải thi hành mệnh lệnh của chúng ta như thể chúng ta có toàn quyền.

Là Ðấng công bằng, Thiên Chúa không thể cho chúng ta một món đồ và để chúng ta nghĩ rằng đó là điều thực sự có giá trị khi không phải như vậy.

Là Ðấng từ bi, Ngài sẽ không để con người có những của cải giầu sang mà chúng có thể gây nên nhiều khó khăn trên con đường cứu chuộc. Chúng ta là người Kitô, và Kitô Hữu là môn đệ của một Thầy bị đóng đinh trên thập giá. Chúng ta không có quyền than phiền nếu chúng ta cũng phải chịu đau khổ.

21. Bạn nói sao khi Thiên Chúa để các trẻ em tật nguyền phải sinh ra, với một cuộc đời bất hạnh trước mặt?

Thiên Chúa chắc chắn thiện hảo, và nếu Ngài để bất cứ sự dữ nào xảy ra chỉ vì Ngài biết rằng từ những sự dữ ấy sẽ có sự tốt lành lớn lao hơn về sau. Loài người lạm dụng sự tự do, bỏ rơi Thiên Chúa, và thay vì tìm thấy hạnh phúc thì lại gặp sự bất hạnh. Thật tốt để có sự công bằng, và sự công bằng của Thiên Chúa cho phép điều bất hạnh xảy ra. Cũng vậy, trong sự khôn ngoan của Ngài, Ngài có thể để một người sinh ra tật nguyền là vì nếu có sức khoẻ và được lành mạnh, họ có thể rơi vào lạc thú khiến mất mát đời đời. Như thế, một người yếu ớt thì khó có thể phạm tội, và đối với chúng ta thì đó lại là sự thương xót khi họ được sinh ra yếu ớt. Người đáng thương, dù tật nguyền về phương diện tâm thần hay thể xác, cả đời họ không hẳn là bất hạnh và đau khổ. Chúng ta phải nhớ "cả đời" không có nghĩa chỉ ở đời này, mà còn liên tục cho đến đời sau, là nơi tất cả mọi người được chấn chỉnh.

Chúng ta có thể tự hỏi, "Nếu Thiên Chúa thiện hảo, tại sao Ngài để Con Ngài bị hành hạ?" Tội lỗi là sự dữ, chứ không phải sự đau khổ. Ðức Kitô tìm thấy hạnh phúc khi chứng tỏ tình yêu của Ngài bởi chịu đau khổ, là điều tốt lành hơn sự lành mạnh thể xác. Và sự bất hạnh của thế giới này đã đưa biết bao người về với Thiên Chúa, họ là những người đã từng sống sung sướng và tự lập nhưng không thể giải quyết được vấn đề đau khổ tự nhiên. Vì lý do này mà chúng ta mới có thể nhận ra sự thiện hảo của Thiên Chúa bên trong những đau khổ.

22. Nếu vậy, ý Chúa muốn con người phải đau khổ vì bệnh tật kinh khủng như bệnh ung thư?

Chúng ta phải phân biệt giữa ý muốn tuyệt đối và ý muốn dung thứ của Thiên Chúa. Ngài tuyệt đối muốn mọi sự tốt lành xảy ra. Nhưng Ngài cho phép sự đau khổ xảy ra nếu Ngài thấy trước điều đó sẽ có hậu quả tốt. Ngài tuyệt đối muốn tôi nên thánh. Nếu Ngài thấy trước là tôi sẽ lạm dụng sức khoẻ để phạm tội và mất linh hồn, vì lòng thương xót, Ngài có thể để sức khoẻ của tôi nên tồi tệ, và giúp tôi tìm đến Ngài nếu không Ngài sẽ mất tôi. Sẽ không có đau khổ nếu loài người không phạm tội. Thiên Chúa không muốn có tội lỗi, nhưng khi cho loài người được tự do, Ngài cho phép có tội lỗi và hậu quả của nó. Sự cho phép này không quan trọng bằng sự tước đoạt tự do của chúng ta.

23. Tôi bị nghèo là vì sự chèn ép của chế độ tư bản, chứ không phải vì lòng thương xót của Thiên Chúa.

Thiên Chúa đã cho phép điều đó, nhưng trước hết nó xảy ra bởi cách đối xử sai lầm của con người, với tất cả thiện ý; thứ đến, bởi lỗi của cả hai bên, chủ nhân và nhân công; thứ ba, do hoàn cảnh bắt buộc. Khi cố gắng giải quyết những vấn đề này, nó không ngược với ý muốn tuyệt đối của Thiên Chúa. Nhưng, đồng thời, sẽ không có công ăn việc làm, và đó cũng là điều mà Ngài không muốn.

24. Có thể nào Thiên Chúa làm cho đời sống dễ dãi hơn, thay vì làm mọi sự quá khó khăn?

Không phải mọi sự đều khó khăn. Chỉ có một số. Những khó khăn ấy được trở nên dễ dàng hơn nhờ ơn sủng mà quá nhiều người tự ý khước từ. Không thể nào hoàn toàn không có sự khốn khó, vì Thiên Chúa có quyền đòi hỏi chúng ta, bằng mọi giá, phải vượt qua những thương tích của thói hư tật xấu, tội lỗi, và những thương tích khác. Những than phiền của loài người cũng giống như của một người tự cắt cổ mình, rồi đổ lỗi cho bác sĩ đã làm họ đau khi khâu lại vết thương.

25. Nhưng đời sống dường như ngày càng khó khăn và đau khổ hơn.

Lịch sử nhân loại có những lúc đau khổ và những lúc sung sướng. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, những thử thách không có nghĩa cuộc đời càng thêm tệ hại. Nó có thể có ý nghĩa tốt. Chiều theo bản tính thấp hèn của chúng ta thì dễ; chống lại bản tính ấy mới khó. Nếu bạn chủ trương chỉ thi hành những điều dễ dãi và vui thú trong đời, bạn sẽ không bao giờ thực sự là một con người. Ðức Kitô đã đến để nâng cao phẩm giá con người, và Ngài sẵn sàng hỗ trợ, ban ơn cho bất cứ ai chịu gian khổ để tập luyện nhân đức. Ngài đặc biệt ban ơn cho những ai kêu cầu cách hợp lý.

26. Tại sao Thiên Chúa lại để những người phục vụ Ngài sống nghèo khổ, trong khi những người độc ác, người vô thần lại sống thoải mái?

Không phải lúc nào cũng vậy. Tuy nhiên, không khó để hiểu điều ấy. Người độc ác không xứng đáng để được chia sẻ sự đau khổ với Ðức Kitô. Cũng thế, mọi người cũng có lúc làm điều thiện. Không ai hoàn toàn xấu xa. Bởi thế, sự công bằng của Thiên Chúa sẽ thưởng cho sự tốt lành tự nhiên bằng sự thịnh vượng tự nhiên, và có thể đó là tất cả những gì mà họ được. Vào lúc phán xét, có thể họ được bảo rằng, "Ngươi đã được thưởng những gì tốt lành ngươi làm, và bây giờ là lúc ngươi phải trả lời về những điều độc ác của một đời sống vô thần." Ngược lại, người kính mến Thiên Chúa không được những phần thưởng mau hư nát, thiếu giá trị, nhưng sẽ được đầy đủ hạnh phúc siêu nhiên, là điều duy nhất thực sự có giá trị. Nếu Ðức Kitô hứa ban cho chúng ta hạnh phúc đời này, thì chúng ta mới có thể than phiền khi thấy sự giầu sang của người không có đức tin. Nhưng Ngài đã hứa gì? Ngài hứa những gì mà chính Ngài đã lãnh nhận, sự đau khổ ở đời này, và hạnh phúc ở đời sau. Môn đệ thì không trọng hơn Thầy.

27. Trong những câu trả lời ông đã mặc nhiên công nhận sự tự do của ý muốn, tình trạng tội lỗi của loài người, sự cứu chuộc của Ðức Kitô, ơn sủng, và định mệnh đời đời của loài người!

Ðúng như vậy. Ðó là những dữ kiện, và không thể giải quyết vấn đề nếu không dựa trên dữ kiện. Ðồng thời, không có dữ kiện, chúng ta không thể tìm thấy một giải pháp hợp lý về sự quan phòng của Thiên Chúa; với các dữ kiện ấy, một giải pháp, dù không đầy đủ, thì tối thiểu nó hợp lý và dễ hiểu. Thế giới với những đau khổ của nó thì khó có thể chứng minh sự hiện diện của Thiên Chúa; nhưng nếu không có Thiên Chúa, thế giới ấy lại càng tệ hại hơn, vì chúng ta phải đau khổ trong sự tuyệt vọng. Kitô Giáo không khước từ sự đau khổ, nhưng nó có thể đem lại hạnh phúc trong sự đau khổ, và giải pháp thực tế này là giải pháp đích thực mà Thiên Chúa ban cho những người thiện tâm.

28. Có đúng là sách Giáo Lý Công Giáo chỉ dành cho tu sĩ và người dân không nên đọc vì nó khó hiểu? Ðó là điều mà cha phó xứ của tôi nói trên tòa giảng. Cha ấy nói rõ là giáo dân nên quên đi và để cho các chuyên gia nghiên cứu xem cuốn đó có giá trị hay không.

Vị linh mục của bạn bị lạc đường. giáo lý mới của Giáo Hội có thể và phải được mọi người Công Giáo đọc. Ngôn ngữ trong sách thì không phải đều khó hiểu, và một người Công Giáo trung bình có thể lĩnh hội được. Sách giáo lý được trình bầy theo một thứ tự có hệ thống với nhiều trích dẫn từ Kinh Thánh, từ các Giáo Phụ, và từ các công đồng. Ðiều đặc biệt hữu ích là phần tóm lược ở mỗi đoạn. Giáo Hội mong ước mọi người Công Giáo -- nhất là giáo dân -- học hỏi giáo lý như một phương tiện để gia tăng kiến thức về đức tin.

Nhiều người Công Giáo bị lầm lẫn về những gì Giáo Hội thực sự giảng dạy vì họ được nghe những điều mâu thuẫn từ các linh mục, tu sĩ nam nữ, và những người khác. Có lẽ lý do khiến một số người chống đối việc ban hành cuốn giáo lý này là vì họ không còn có thể nói rằng Giáo Hội đã "thay đổi đường lối" về những vấn đề như luyện ngục hay tín điều về Ðức Mẹ, hoặc cho rằng không có những giáo huấn chính thức về các vấn đề như ngừa thai và đồng tính luyến ái.