PDA

View Full Version : Tiếng gọi và thái độ đáp trả



hoathuytinh
22-05-2009, 10:02 PM
CHÚA NHẬT 13 THƯỜNG NIÊN C
TIẾNG GỌI VÀ THÁI ĐỘ ĐÁP TRẢ

Lc 9, 51-62
Thưa quí vị,
Khi đọc trình thuật Êlisa đáp lại tiếng gọi của tiên tri Elia, tôi cảm thấy xấu hổ và lúng túng về trường hợp của mình. Elisa sẵn sàng từ bỏ hết mọi sự và lập tức vâng theo ơn gọi làm môn đệ Elia và kế vị thầy mình trong sứ mệnh làm tiên tri cho Thiên Chúa. Ông từ giã cha mẹ, giết bò cày, đốt dụng cụ lao động và thiết đãi dân làng để từ giã họ mà đi theo Elia. Cứ như văn bản thì ông là người giàu có, ruộng đất, trâu bò dư thừa. Ông đang cày bằng cặp thứ mười hai (có bản dịch là sào đất thứ mười hai). Nhưng ông sẵn sàng bỏ hết mọi sự để đi theo Chúa, nghĩa là ông để lại đàng sau, cha mẹ, vợ con, tài sản, hàng xóm láng giềng. Ông đã đốt cầu sau lưng để không có phương tiện trở lại khi hối tiếc. Người Trung Hoa gọi là đóng cửa, rút cầu, dứt khoát với quá khứ. Tôi nhớ lại lúc rời gia đình để nhập dòng Đa Minh. Tôi đã chần chừ trì hoãn cho tới khi lấy xong bằng “cử nhân” để phòng thân cho tương lai trong trường hợp “nếu”. Tôi phải trù tính một chương trình thay thế. Tôi cũng có những dự tính “bên trong” cho bản thân mình. Tôi đã lên kế hoạch cho chữ “nếu” bằng cẩn trọng, dè dặt, tính toán, hay dùng hình ảnh của Chúa Giêsu: “tra tay vào cày, nhưng còn ngoảnh lại phía sau”.
Vậy thì làm thế nào dồn được tâm trí vào luống cày cho ngay thẳng? Cày xiên xẹo, vòng vèo là điều chắc chắn, nói cách khác, không đạt mục tiêu, không hoàn thành bổn phận. Sự thật tâm lý này áp dụng cho hầu hết những người tự phong là môn đệ Chúa Kitô, hôm nay cũng như đã qua và ngay cả ngày mai, nếu không triệt để nghe và làm theo Lời Chúa. Theo bản văn thì không buộc Elisa phải từ bỏ cha mẹ, vợ con, ruộng vườn. Nhưng ông đã tự nguyện và dứt khoát làm như vậy để được tự do theo Elia mà thi hành sứ mệnh. Chúng ta cũng vậy, nhưng trong Tin Mừng Luca, Chúa mời gọi những ai đi theo Ngài phải làm những hy sinh: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ cọn, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được”. (14,25). Và nếu như thực sự chúng ta chọn Chúa thì phải làm theo lời Thánh vịnh đáp ca: “Lạy Đức Chúa, Ngài là Chúa của con, là gia nghiệp, là phần chén của con”. Đáp ca chỉ có ý nghĩa khi chúng ta đáp Lời Chúa bằng hành động chứ không chỉ miệng lưỡi suông. Đặt bất cứ điều gì lên trước Thiên Chúa đều là thờ phượng ngẫu tượng, kể luôn cả sự sống mình. Tuy nhiên, thực tế không thật như vậy. Thiếu gì tu sĩ, linh mục, giáo sĩ đặt xác thịt mình, lợi nhuận mình lên trên Thiên Chúa. Cụ thể như tiền tài, danh vọng, tiếng tăm, nhà cửa, xe hơi, Tivi, tủ lạnh, điện thoại di động… với những biện minh hết sức phù phiếm. Có tu sĩ còn thẳng thắn tuyên bố: lúc này mà nói đến khó nghèo là lỗi thời, cổ hủ. Chẳng hiểu ông được giáo dục ở đâu, chứ lề luật không bao giờ nói như vậy.
Căn cứ theo tính triệt để của Phúc âm hôm nay, Chúa Giêsu kêu gọi từng cá nhân dõi bước theo chân Ngài đi lên Giêrusalem. Trong thành phố ấy, Ngài sẽ phải hy sinh, ngay cả tính mạng để chu toàn ý định của Thiên Chúa Cha: “Ai đã tra tay vào cày mà còn ngoái lại đằng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa”. Trước đó, Ngài đưa ra những điều kiện hết sức ngặt nghèo: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết. Còn anh, anh hãy đi loan báo Nước Trời…” và “con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu”. Tức trắng tay, hoàn toàn vô sản và tuyệt đối tin cậy vào Thiên Chúa. Vậy thì bất cứ ơn gọi của chúng ta dẫu thế nào đi nữa: làm cha, làm mẹ, luật sự, bác sĩ, tu sĩ, linh mục… thì tiếng gọi ấy trước hết là cá nhân và cho hoàn cảnh đặc thù của chúng ta. Hai người không được Chúa kêu gọi giống nhau, vậy sự đáp trả cũng không thể rập khuôn. Tuy nhiên, tính triệt để vẫn phải rõ ràng.
Xin đơn cử một thí dụ: Ở thế chiến thứ hai (1939-1945) một bác sĩ Do Thái tên là Viktor Frankl bị quân Đức quốc xã bắt vào trại tập trung Auschwitz rồi chuyển sang Dachau. Ông có nhiệm vụ săn sóc các bệnh nhân và người sắp chết. Khi chiến tranh gần kết thúc, vài người trong các tù nhân lập kế hoạch trốn trại mà bác sĩ là chìa khoá. Bác sĩ đã sửa soạn xong hành trang, chút quần áo, thuốc men, mũ nón, giầy dép. Ông nhìn lại lần cuối các bệnh nhân và bắt gặp một đồng hương đang hấp hối. Bác sĩ cố giấu ý định của mình để có thể trốn thoát. Nhưng người bệnh đoán ra, thều thào nói: “thế là bác sĩ bỏ em chết một mình!” Frankl cố gắng nói dối, nhưng không thể làm được. Câu nói của bệnh nhân như con dao nhọn đâm vào tim ông. Ông không đành nói dối một người sắp chết. Ông không thể phản bội linh hồn đó. Đột nhiên ông đổi ý và chạy ra ngoài nói với các bạn trốn đi, còn ông ở lại. Ông hy sinh cuộc đời cho bệnh nhân. Lập tức, linh hồn ông được bình an. Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, người ta cho ông được tự do.
Trình thuật hôm nay Chúa Giêsu cương quyết đi lên Giêrusalem chu toàn tôn ý Đức Chúa Trời, mặc dù Ngài biết rõ những gì đang chờ đón Ngài ở đó. Nếu Chúa Giêsu phản bội chương trình của Đức Chúa Cha, chúng ta chẳng thể tưởng tượng hậu quả sẽ ra sao? Chắc chắn, hy vọng và mơ ước của nhân loại không bao giờ trở thành hiện thực. Nếu chúng ta từ chối Chúa kêu gọi, phần rỗi nhiều linh hồn có thể sẽ thành mây khói. Vậy mà chúng ta vẫn chưa nghiêm chỉnh trong nếp sống, nhởn nhơ đùa cợt với ơn gọi.
Tình trạng không thể kéo dài mãi. Bởi vì tiếng Chúa gọi luôn luôn mới mẻ, luôn luôn thúc giục. Ngày nào đó chúng ta sẽ nhận ra mình đã đáp ứng ra sao trong cuộc đời! Vậy thì ngay bây giờ xin gỡ bỏ hết mọi trở ngại, so đo, toan tính, dè dặt. Hãy bắt chước Elisa đốt cày, giết bò bê để theo Chúa. Tiếng gọi được liên tục vang lên trong nghề nghiệp, sinh hoạt, công ăn việc làm hàng ngày, nếp sống gia đình, xã hội, quốc gia, quốc tế trong những vấn đề nhiêu khê: “Hãy theo ta”. Xin nhớ là ở thì hiện tại chứ không phải quá khứ hay tương lai. Theo Chúa Giêsu trong tất cả các quyết định của mình. Lựa chọn giữa cái xấu và điều tốt thì quá dễ, nhưng lựa chọn giữa hai điều tốt thì quả là khó khăn. Nhưng bao giờ cũng có cái tốt vừa và cái tốt hơn như trường hợp của Elisa hôm nay. Có ai ép buộc ông bỏ cha mẹ, vợ con, tài sản đâu? Nhưng ông đã tình nguyện khước từ để thi hành sứ vụ Thiên Chúa trao là điều tốt hơn. Cho nên tôi nói là rất hổ thẹn về bản thân. Chẳng hiểu thiên hạ nghĩ sao? Những người trưởng thành như chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm sống, từng trải, chứng kiến nhiều sự kiện, đã từng biết đến thành công và thất bại, trung tín và phản bội, vinh hiển và vỡ mộng. Tuy nhiên, nếu có một tâm hồn ngay thẳng, không giả hình thì vẫn cảm nghiệm được chút tin cậy như con trẻ vào Đấng nhất quyết đi lên Giêrusalem và phó mặc cho Ngài dẫn dắt. Tiếng gọi không phải xưa cũ mà luôn mới mẻ cho đến hôm nay, mời mọc sự đáp trả của các tôi tớ trung thành mà cuộc đời đã dạy cho họ rằng không phải lúc nào cũng thuận lợi. Nhiều khi chúng ta chẳng biết mình được dẫn dắt đến đâu, nhưng biết chắc Đấng dẫn dắt thông tuệ vô cùng, tốt lành vô biên, tính tóan khôn ngoan hơn bản thân chúng ta gấp bội.
Xin đưa ra một trường hợp cụ thể để minh chứng. Hai con ông Giêbêđê là Giacôbê và Gioan, tức giận đề nghị Thầy khiến lửa bởi trời xuống thiêu đốt dân thành Samaria để trả thù cho các xúc phạm. Thay vì đồng ý, Chúa Giêsu quở trách họ: “Các ngươi không biết thần khí nào sai khiến mình?” Chắc chắn không phải là Thần Khí Đức Kitô, vậy chỉ có thể là thần khí Satan. Thật là buồn, vì bấy nhiêu năm Ngài dạy dỗ họ về tinh thần yêu thương, bác ái, tha thứ và khoan dung. Lúc này họ trả bài như vậy? Vào trường hợp quí vị dạy con cái trong gia đình và chúng “ăn lời” kiểu đó, phản ứng của quí vị ra sao? Giacôbê và Gioan tưởng mình làm hài lòng Thầy, nhưng thực chất là họ mù tịt về giáo huấn của Ngài. Tuy nhiên, xin đừng chê cười Gioan và Giacôbê, mà hãy nhắm vào bản thân của quí vị, bản thân tôi, bản thân chúng ta! Liệu chúng ta đã học được chi trong ngôi trường của Ngài suốt bấy nhiêu năm? Thái độ và cách cư xử hàng ngày của chúng ta là câu trả lời cụ thể. Cho nên, trao bản thân cho Thiên Chúa dẫn dắt là điều tối cần thiết cho nếp sống tín hữu, nếp sống làm môn đệ đích thật của Chúa Giêsu.
Chúng ta đến thánh đường mỗi Chúa Nhật, là để bồi dưỡng tinh thần bằng sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Chúng ta hy vọng và cầu khẩn Thiên Chúa trong Thánh Thể là lương thực hằng sống nuôi dưỡng và mở lòng mở trí cho mình đỗ đạt trong học đường Phúc âm, biết rộng lòng và quảng đại với thiên hạ, vui vẻ từ bỏ để Thiên Chúa được vinh quang trong nếp sống mình. Không có tội nào mà Chúa Giêsu gớm ghét và đả kích cho bằng giả hình, lừa đảo, cứng cổ, kiêu căng nơi các Pharisêu, tư tế, luật gia, ký lục. Chúng ta không nên bắt chước họ. Nhưng than ôi! Có lẽ đây là tội “cố hữu” của nhân lọai, ngày xưa cũng như hôm nay. Và vì thế, lòai người luôn cần các “ngôn sứ”.
Dầu sao Thiên Chúa hằng rộng lượng đối với mọi linh hồn. Khi chúng ta thành tâm kêu cầu. Ngài luôn đáp trả lời ban Con của Ngài làm quà tặng cho nhân lọai, đồng hành với mọi linh hồn trong từng bước hướng về Giêrusalem. Đúng vậy, bài đáp ca hôm nay cho thấy rõ tư tưởng đó trong Thánh vịnh 16. Thánh vịnh thuộc loại “tin cậy”: “Xin bảo tòan tôi, lạy Chúa, vì tôi tìm nương tựa Chúa, tôi thưa cùng Chúa, Ngài là Chúa Tể tôi, Ngài là phần gia nghiệp, là phần chén của tôi…”. Tòan bộ linh hồn và thân xác tác giả đặt ở trong tay Đức Chúa. Khi thuận tiện, ông lạc quan vui mừng, lúc khó khăn, ông ngửa mặt trông cậy Chúa “Tôi luôn đặt Chúa trước mặt, không nao núng bao giờ vì Chúa chẳng bỏ rơi linh hồn tôi trong âm phủ”. Chúng ta không biết hòan cảnh của ông. Nhưng lòng trông cậy của ông thật rõ ràng. Chúng ta có những yếu đuối, điều đó chẳng ai dám phủ nhận. Nhưng liệu chúng ta có đủ can đảm và khiêm nhường để sửa chữa? Không phải do sức riêng, nhưng nhờ ơn Thánh Thể mỗi người lãnh nhận hàng ngày. Lời Chúa nói thẳng với mỗi linh hồn trong bí tích Thánh Thể, Đấng bảo đảm rằng chẳng bỏ mặc chúng ta cô đơn. Nhưng trợ giúp trong bất cứ hòan cảnh nào: tốt lành hay bất hạnh. Luca trong Công vụ Tông đồ (2,25-28) nhắc đến Thánh vịnh này để nâng đỡ đức tin các tín hữu vào sự sống lại của Chúa Giêsu trong cơn bách hại họ đang chịu đựng.
Elisa từ bỏ gia đình, tài sản để được tự do đáp trả Lời Chúa kêu gọi nhưng điều chi đang chờ đợi ông trong tương lai? Ông không biết! Thánh vịnh 16 gợi ý ông đã chọn Thiên Chúa làm sản nghiệp và phần chén của mình. Hôm nay trong Thánh lễ chúng ta cũng đọc Thánh vịnh ấy. Liệu có phải là tâm tình thật của chúng ta? Xin cật vấn lương tâm trước mặt Thiên Chúa. Liệu chúng ta có nói dối? Bằng không thì dồn hết nghị lực tài trí, khả năng vào ơn Chúa kêu mời. Chẳng thần thánh nào, nhân vật nào, sự việc nào có thể đòi hỏi chúng ta hơn Thiên Chúa! Như vậy với Đức Kitô, chúng ta “quay mặt hướng về Giêrusalem mà nhất quyết tiến bước”. Đau khổ và cái chết chờ đợi Ngài, thì cũng chờ đón chúng ta và chúng ta cũng phải trả giá để làm môn đệ Ngài. Cầu xin Thánh Thể để Ngài ban cho chúng ta tinh thần và nghị lực theo Ngài đến cùng, lúc ấy Ngài mới thực sự là gia nghiệp và phần chén của mỗi người. Amen.
Lm. Jude Siciliano, OP.


www.vietcatholic.net (http://www.vietcatholic.net)