PDA

View Full Version : Linh Mục Nhạc Sĩ Hoàng Kim



giusehien
06-12-2007, 12:41 PM
SAIGON: Nhiều lần đi đây đó, tiếp xúc, nghe ngóng, thu thập. Cuối cùng, sau hằng chục năm, tôi mới dám liều mình đặt bút viết mấy dòng này. Vẫn biết còn nhiều thiếu sót, thiển cận và chủ quan. Bụng bảo dạ, cứ viết. Rồi ra, sẽ đón nhận được nhiều thông tin để hoàn chỉnh về sau. Vậy, khấn xin các đấng bậc và bà con, thân bằng quyến thuộc, bè bạn, học trò của Nhạc sĩ Hoàng Kim tiếp tục bổ sung bằng cách gửi thư, bài về cho chúng tôi. Vô cùng cảm tạ. Sau đây là đôi hàng lược tóm tiểu sử Linh mục Nhạc sĩ Hoàng Kim.

Họ và tên : Gio-a-kim Lương Hoàng Kim.
Bút hiệu : Hoàng Kim
Ngày sinh : 12-09-1930
Ngày mất : 15-04-1985
Quê quán : Một họ lẻ thuộc giáo xứ Đông Quan (Kiến Xương) Thái Bình)
Giáo dục - đào tạo : Tiểu chủng viện Mỹ Đức (Thái Bình) : 1942 - 1949.
Đại chủng viện An-bê-tô (Nam Định) : 1949 - 1953
Thụ phong linh mục : 1953
Du học tại Ý, Pháp : 1954 về môn Thánh Nhạc và Phụng Vu.
Mục vụ : Thành viên Nhóm Phiên Dịch CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ -
Phó xứ Vườn Xoài, Mạc-ti-nho, Nghĩa Hoà. Chính xứ Vinh Sơn, phường 6, quận Tân Bình.

Đối với chức việc và giáo dân xứ Vinh Sơn, người chủ chiên Hoàng Kim mãi mãi để lại những ấn tượng sâu sắc :

*Một tấm lòng nhân ái rất nhạy cảm, đặc biệt đối với những người cùng khổ, bệnh tật, tha phương.
* Một dấn thân trong công tác phúc lợi và an ninh xã hội.
* Một mẫu gương đạo đức, khiêm tốn, nghèo khó, phục vụ, đơn sơ.
* Một lối sống gần gũi chan hoà với mọi người, đặc biệt yêu mến và chăm lo cho thiếu nhi, không phân biệt đạo đời.

Đình Bảng

(www.vietcatholic.net)

giusehien
08-12-2007, 02:25 AM
MỘT NÉN NHANG CHO NGƯỜI ANH ĐÃ KHUẤT
(1985 - 2005 Giỗ thứ 20 của Linh mục HOÀNG KIM) Nhân giỗ thứ 20

*******************************


Anh Hoàng Kim mất ngày 15-04-1985 sau hơn một năm chống chọi với căn bệnh quái ác : ung thư phổi. Trong những ngày chịu tang anh, không hiểu sao mấy vần thơ kháng chiến tôi học khi ở cấp 2 đầu thập niên 50 cứ lảng vảng trong đầu tôi. Trước hết là mấy câu thơ của Hoàng Cầm trong bài “Đêm liên hoan” :
Đêm liên hoan, trời ơi, đêm liên hoan,
Đầu nhấp nhô như sóng bể ngang tàng,
Ta muốn thét cho vỡ tan lồng ngực
Vì say sưa tình thắm thiết vệ quốc đoàn.
Và nhất là mấy câu thơ sau đây của một anh lính (tôi không còn nhớ tên tác giả) khóc đồng đội :
Khóc anh không nước mắt
Mà lòng đau như cắt,
Gọi anh chửa thành lời
Mà hàm răng dính chặt.
Lời thơ là như vậy, nhưng trong cả tháng đầu tiên sau khi anh Hoàng Kim mất, chỉ cần nhắc đến tên anh là nước mắt tôi cứ trào ra. Mất anh Hoàng Kim, chúng tôi mất đi một người bạn, một người anh, một người cùng chí hướng suốt mười ba năm trời đã cùng nhau miệt mài trong công việc phiên dịch các bản văn Kinh Thánh và Phụng Vụ, bất chấp bao nhiêu trở ngại, bao nhiêu thiếu thốn của thuở ban đầu, một người đã cùng chúng tôi chia sẻ những ưu tư thao thức, những niềm vui nỗi buồn, những khó khăn và hy vọng. Nay đã 20 năm từ ngày anh xa chúng tôi, tôi thấy có bổn phận ghi lại cho anh chị em đến sau những kỷ niệm đã ăn sâu trong đời tôi, để tưởng nhớ một người anh đã có những đóng góp to lớn cho Nhóm Phiên Dịch CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ (CGKPV).

Cuộc gặp gỡ đầu tiên
Lần đầu tiên tôi gặp anh Hoàng Kim là vào năm 1964 tại trại hè của Liên Tu sĩ châu Âu ở Solothurn bên Thuỵ Sỹ. Trại trưởng năm đó là cha Đinh Thực. Trong số các anh lớn tuổi hồi đó có các linh mục Trần Tam Tỉnh, Đỗ Xuân Quế; trẻ hơn thì có Nguyễn Đình Cẩm, Nguyễn Đình Ngát, Phạm Văn Nam O.P… Năm đó tôi còn là một sinh viên thần học. Tại trại hè này, anh Hoàng Kim lo việc ca hát. Có những bài hát cho vui như là Trống Cơm, Hò Bắc Ninh. Và dĩ nhiên có những bài thánh ca do chính anh sáng tác, khác với những bài của Nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh, thời bấy giờ được coi gần như “trường phái” thánh ca duy nhất tại Việt Nam. Lần đầu tiên được nghe bài thánh vịnh 26 : “Chúa, Chúa là nơi con nương tựa, con phải sợ chi ai ?” hay thánh ca Magnificat : “Chúa đã làm cho tôi (đã làm cho tôi) muôn việc kỳ diệu, danh Ngài là thánh”, tôi cảm thấy gần gũi làm sao. Trong trại hè năm đó, tôi nghe các anh lớn nói lên thao thức của mình, đó là : một khi trở về Việt Nam, làm sao tiếp tục cộng tác với nhau trong công việc mục vụ ? Nghe cho biết vậy thôi, vì đối với một người mới xong năm 2 thần học như tôi thì đó là một chuyện quá xa vời.

Lần gặp gỡ thứ hai
Nếu tôi nhớ đúng thì trước khi gặp lại anh Hoàng Kim lần thứ hai, tôi đã được nghe tiếng hát sang sảng của anh trong một băng nhạc anh tập và cùng hát với ca đoàn Phan-xi-cô do cha Duy Ân Mai phụ trách : “Đây tin mừng, đây tin mừng, thức đậy mục đồng ơi…” Tôi không hiểu biết nhiều về thánh ca, nhưng tự nhiên nghe những bản nhạc của anh Hoàng Kim, tôi cảm thấy một cái gì đó thật là thân quen. Trong sáng tác âm nhạc, và sau này trong công việc phiên dịch các bản văn Kinh Thánh và phụng vụ, anh Hoàng Kim là người rất quan tâm đến văn hoá dân tộc.
Tôi gặp lại anh Hoàng Kim lần thứ hai tại Chủng viện Phan-xi-cô Thủ Đức trong tuần bát nhật Phục Sinh năm 1972, tám năm sau lần gặp đầu tiên. Vào thời điểm đó, Nhóm Phiên Dịch CGKPV vừa mới ra đời được mấy tháng. Anh em chỉ làm việc chung với nhau vào những dịp thuận tiện. Thời đó chúng tôi chỉ có mấy người : anh Trần Phúc Nhân, anh Xuân Ly Băng, anh Thiện Cẩm, anh Trần Ngọc Thao và tôi. Khoá đó còn có một hai người tới tham dự được mấy buổi, nhưng sau này không tiếp tục. Bấy giờ anh Hoàng Kim đang ở Mạc-ti-nho. Người đến “chiêu mộ” anh Hoàng Kim chính là anh Trần Phúc Nhân. Đáp lời anh Nhân mời, một hôm, trong lúc anh em đang làm việc tại Chủng viện Phan-xi-cô Thủ Đức, thì anh Hoàng Kim cùng đi với cha Nguyễn Thiện Toàn đến thăm chúng tôi, rồi ngay sau đó anh đã đến nhập bọn với chúng tôi, và gắn bó với anh em cho đến ngày chết.

Các khoá làm việc tập trung
Từ khi Nhóm khai sinh vào dịp lễ Các Thánh 01-11-1971 cho đến tháng 8 năm 1974, anh chị em chưa làm việc liên tục, nhưng chỉ gặp nhau vào các dịp nghỉ lễ hay nghỉ hè. Sau khoá tập trung tại Chủng viện Phan-xi-cô Thủ Đức dịp lễ Phục Sinh năm 1972, anh em đã có thêm một khoá vào dịp hè 1972 tại Tu viện Phan-xi-cô Nha Trang. Đến kỳ hè 1973 anh em làm việc một tháng tại Đan viện Châu Sơn Đơn Dương. Rồi kỳ hè 1974 : một tháng tại Cư xá sinh viên Phục Hưng Cần Thơ. Cuối khoá này anh em mới hoàn thành bản dịch 150 Thánh vịnh để in 4 tuần Kinh Thường Niên cuối năm 1974. Các khoá làm việc dài hạn như thế cho chúng tôi cơ hội không những làm việc chung với nhau, nhưng còn sống chung với nhau, cầu nguyện và giải trí với nhau, rồi nhờ đó mà hiểu biết và tôn trọng quý mến nhau.

Bước ngoặt mang tính quyết định
Sau biến cố 30-04-1975, trong tuần đầu tháng 5, anh chị em đặt câu hỏi : liệu trong tình hình mới, mình còn có thể tiếp tục công việc đang thực hiện hay không ? Thế là anh Hoàng Kim và tôi đi Cái Sắn thăm dò tình hình, nghĩ rằng tại một nơi anh em vừa làm việc trí óc, vừa lao động tay chân, may chi có thể kéo dài thời gian làm công việc đang thực hiện. Nhưng khi tới nơi, các linh mục lúc đó cũng đang đặt câu hỏi liệu ngày mai sẽ sống ra sao, thì làm thế nào có thể mở rộng vòng tay để tiếp đón thêm một số linh mục tu sĩ từ xa đến. Thấy các ngài có vẻ lạnh nhạt, hai anh em tôi chỉ nghỉ lại một đêm, rồi nhẹ nhàng rút lui ngay sáng hôm sau. Nay nhìn lại mới nhận ra ý Chúa quan phòng. Trong hoàn cảnh mới, vào những năm đầy dẫy những thứ khó khăn, đó chính là thời vàng son của Nhóm Phiên Dịch CGKPV. Tất cả chúng tôi lúc bấy giờ chỉ ở tuổi từ 35 (anh Nguyễn Công Đoan) đến 45 (anh Nguyễn Hữu Phú), đa số làm nghề dạy học, nay không được dạy học nữa, thì ráng tìm niềm vui trong công việc phiên dịch các bản văn Kinh Thánh và phụng vụ. Trong gần mười năm trời, ở vào độ tuổi sung sức, làm việc 5 ngày mỗi tuần, chúng tôi đã thực hiện một khối lượng công việc mà trong hoàn cảnh hiện nay, không biết phải bao nhiêu năm chúng tôi mới làm nổi.

Đóng góp độc đáo của anh Hoàng Kim
Công việc của Nhóm chúng tôi nằm trong hai lãnh vực Kinh Thánh và phụng vụ. Cũng như anh Nguyễn Hữu Phú, anh Hoàng Kim tốt nghiệp Phụng Vụ tại Đại học Công giáo Paris. Bộ lễ truyền thống dân tộc, Tết Nguyên Đán và Tết Trung Thu, cũng như bộ lễ kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam là do Nhóm CGKPV sáng tác vào cuối thập niên 70; hơn 10 năm sau, Uỷ Ban Phụng Tự trực thuộc HĐGM/VN lấy lại, bổ sung và đưa vào Sách Lễ Rô-ma cũng như vào sách Các Giờ Kinh Phụng Vụ như chúng ta có thể thấy hiện nay. Trong công trình này, với tư cách là chuyên viên phụng vụ, anh Hoàng Kim đã có những đóng góp đáng kể.
Nhưng trong toàn bộ công trình của Nhóm CGKPV anh Hoàng Kim có những đóng góp quan trọng không kém về mặt ngôn ngữ văn chương. Nhóm có một thi sĩ là anh Xuân Ly Băng, người đầu tiên hưởng ứng công việc phiên dịch các Thánh vịnh. Nhưng anh Xuân Ly Băng chỉ làm thời gian đầu. Từ đầu năm 1972, sau khi nhận chức cha xứ Vinh Thuỷ, anh rất ít khi có dịp làm việc chung với anh em. Ngoài anh Xuân Ly Băng, có một vài anh em khác nữa, như anh Thiện Cẩm hay anh Đỗ Xuân Quế, cũng nhạy bén về mặt ngôn ngữ. Tuy nhiên, không ai phủ nhận vai trò đặc biệt quan trọng của anh Hoàng Kim trong cố gắng diễn đạt lời Chúa đúng phong cách của người Việt Nam. Anh không ưa tranh luận. Khi đưa ra một từ hay cụm từ anh chưa vừa ý, anh ngồi trầm ngâm, có khi thì thầm với người bên cạnh : “Dịch như vậy có tây mới nghe !” Và nếu đoạn văn đang dịch không phải là văn xuôi mà là thơ, thì còn phải xem cách diễn tả cũng như âm thanh tiết điệu của câu văn dịch có giúp người đọc hay người nghe nhận ra đây là thơ hay không. Khi tra tay vào việc dịch Kinh Thánh, thì anh em bắt đầu dịch mảng khó nhất, đó là các thánh vịnh. Phải mất mười năm ròng rã, sửa đi sửa lại tới lần thứ 4 mới có được bản dịch hiện nay. Nếu tôi không lầm thì từ “hội nhập văn hoá” được dùng trong ngôn ngữ Việt Nam trong một hai thập niên gần đây thôi. Khi đưa đức tin đến cho một dân tộc, cần thiết phải tôn trọng nền văn hoá của dân tộc đó. Phải là Do-thái với người Do-thái, Hy-lạp với người Hy-lạp và Việt Nam với người Việt Nam. Trong ngôn ngữ cũng vậy. Khi thực hiện công trình phiên dịch, phải trung thành là chuyện đương nhiên, nhưng còn phải làm sao để người đọc thấy đây thực sự là kiểu nói của mình, cách diễn tả của mình. Và trong Nhóm chúng tôi, người có công đầu trong việc diễn dịch Lời Chúa sao cho người Việt Nam thấy đây thực sự là ngôn ngữ của mình, làm sao giữ được chất thơ khi dịch thơ, làm sao cho bản dịch Kinh Thánh không phải chỉ trung thành, nhưng còn hay, còn đẹp, xứng đáng với Lời mặc khải, người dẫn anh em đi theo hướng đó, chính là anh Hoàng Kim.

Các bài thánh thi
Trong sách Các Giờ Kinh Phụng Vụ, số lượng thánh thi không phải ít. Dịch thánh thi không buộc phải bám sát bản văn như khi dịch thánh vịnh, nên người dịch tương đối được tự do hơn. Các thánh thi trong sách Các Giờ Kinh Phụng Vụ hiện nay, một số ít là của các tác giả Xuân Ly Băng, Trần Hữu Lân, Ngô Mạnh Điệp, Mai Lan và Mai Thành, nhưng đại đa số là của anh Hoàng Kim. Các thể loại cổ điển đều được anh vận dụng : thơ 5 chữ (CGKPV ấn bản 2001, tr. 197, 210...), lục bát (317, 605...), song thất lục bát (192, 242...), 7 chữ (217, 268...), 8 chữ (245, 312...)… Ai đọc thánh thi cũng thấy tác giả sử dụng ngôn ngữ thật là nhuần nhuyễn. Xin đan cử một vài ví dụ :
Muôn lạy Chúa Giê-su đầy lân ái,
Xin bửu huyết Ngài thanh tẩy con đi !
Một giọt thôi, là đủ sức diệu kỳ
Rửa sạch cả trần gian nên thanh tịnh. (CGKPV ấn bản 2001, tr. 409)
hay :
Ôi tình thương Chúa thật nhiệm mầu,
Vượt quá trời cao, quá biển sâu,
Muôn vàn kỳ diệu, khôn diễn tả
Chỉ nói đôi lời, hát đôi câu. (754)
Khi ghi lại những dòng nay, tôi không thể quên hình ảnh anh Hoàng Kim đang làm việc ở phòng kế bên, ghé qua phòng tôi nhoẻn miệng cười khoe với tôi là mới làm được hai câu đắc ý :
Chim trời cá nước Người nuôi sống,
Giờ đây chút sữa đã là ngon. (195)

Tài kể chuyện
Trong các khoá tập trung, sau một ngày làm việc mệt nhọc, buổi tối anh em thường giải trí chung với nhau. Những lúc như thế, anh em thường trao đổi về những câu chuyện thời sự trong xã hội hay trong Giáo Hội, nhưng cũng có lúc kể đủ mọi thứ chuyện trên trời dưới đất, kể cả chuyện ma. Trong anh em, không ai có tài kể chuyện có duyên và sinh động như anh Hoàng Kim. Sinh động đến nỗi chỉ nghe anh kể lại những câu chuyện anh đã nghe từ người khác, người nghe vẫn có cảm tưởng như chính anh đã thấy tận mắt. Còn nói chi những chuyện chính anh đã là nhân vật trung tâm. Chỉ xin đưa ra một ví dụ : Hồi còn học nhạc ở Paris, mùa hè anh thường xuống miền nam nước Pháp thay thế cho một cha tuyên uý đan viện. Năm đó (tôi không còn nhớ rõ năm nào, nhưng chắc vào đầu thập niên 60), khi anh đến thì cha tuyên uý cao tuổi mới qua đời ít lâu. Nơi anh tới là một đan viện ở vùng quê, và anh ở trong phòng cha tuyên uý. Ban đêm, anh đang ngủ thì có cái gì như một bàn tay quệt lên má. Tự nhiên anh nghĩ đến ông cha tuyên uý mới qua đời. Đến lần thứ hai thì anh chịu hết nổi cái cảm giác rờn rợn kia. Anh lấy hết sức bình sinh, hỏi bằng tiếng Pháp : “Nhân danh Thiên Chúa toàn năng, nếu cha có điều gì thì xin nói cho tôi biết”, và cùng lúc anh bật đèn lên. Thì ra một con bướm khổng lồ từ ngoài vườn bay vào qua cánh cửa sổ hé mở, khi bay đã quệt vào gò má anh !

Khó tính nhưng dễ thương
Anh Hoàng Kim thuộc loại người khó tính. Trong công việc, anh rất đòi hỏi. Khi anh em đưa ra một từ chưa vừa ý anh, anh không tranh cãi, nhưng lật hết tự điển này đến tự điển khác, hoặc ngồi yên suy nghĩ, cho đến khi mãn nguyện mới thôi. Và anh làm việc gì cũng tới nơi tới chốn ! Trong những năm được đến làm việc tại toà Tổng Giám Mục, anh em được sử dụng một góc hành lang nhìn ra sân trước, hai phía có cửa đóng. Ăn trưa xong, anh Hoàng Kim là người rửa chén trong khi anh Phú và tôi dọn dẹp bàn ghế hay lau chén dĩa. Anh Kim rửa chén xong là lau sàn nhà rồi mới trải chiếu nằm nghỉ. Đến chiều anh về nhà thờ Vinh-sơn Nghĩa Hoà để chu toàn bổn phận cha xứ : dâng thánh lễ, tập hát, dạy giáo lý… Theo lời ông trùm Diệm, thì buổi tối, có khi ra thăm con heo mọi của anh, tuy đã tắm rồi, thấy chưa ưng, anh còn tắm lại. Bảo anh khó thì không ai cãi, nhưng ai đã từng sống với anh cũng đều nhận rằng : anh cũng là một người hết sức dễ thương.

Quên cả đam mê
Trong đời linh mục, anh Hoàng Kim đã làm công tác mục vụ tại Vườn Xoài, Mạc-ti-nho và cuối cùng là Vinh-sơn Nghĩa Hoà. Anh ở đâu cũng được xem như người mục tử hết tình với đoàn chiên. Nhưng anh có một đam mê, đó là thánh ca phụng vụ. Đầu thập niên 70, tập Họp mừng Vượt Qua của anh là một đóng góp có giá trị cho nền thánh ca phụng vụ tại Việt Nam. Cuối năm 1974, anh dự tính gom các sáng tác của anh vào trong một tập nhạc mang tên Thánh vịnh huyền ca, nhưng mới in xong tờ bìa thì xảy ra biến cố 1975.
Kể từ khi tham gia sinh hoạt Nhóm, ngoài công tác mục vụ tại giáo xứ, anh dồn hết thì giờ sức lực để làm việc của Nhóm. Hình như anh linh cảm cuộc đời mình sẽ không kéo dài được bao lâu, nên những năm tháng cuối đời, anh đã dành hết cho công trình tập thể của Nhóm.
Tôi nhớ có đôi lần, sau cơm trưa, rửa chén và lau nhà xong, trong khi anh em khác trải chiếu lên nền nhà nằm nghỉ, thì anh loay hoay lấy giấy ra viết nhạc. Tôi càu nhàu : “Anh làm như thế thì còn sức đâu làm việc buổi chiều !” Thế là, như một em bé bị la, anh Hoàng Kim của tôi ngoan ngoãn xếp giấy lại, thở dài một cái thật nhẹ, rồi trải chiếu nằm nghỉ như các anh em khác.
Kỷ niệm cuối cùng
Ngày nay ai có dịp đến thăm trụ sở Nhóm CGKPV tại nhà số 58/1 Phạm Ngọc Thạch cũng thấy anh em có một thư viện Kinh Thánh và Phụng Vụ tương đối phong phú. Được như vậy là nhờ anh Hoàng Kim trước khi chết đã để lại thư viện của anh cho Nhóm. Thật ra, trong các sách anh để lại cho anh em, những cuốn thực sự hữu ích cho công việc anh em đang làm chỉ là một số khiêm tốn thôi. Nhưng nhờ sáng kiến và tấm lòng của anh đối với anh em, Nhóm CGKPV từ sau khi anh mất mới có một thư viện, rồi cũng từ đó Nhóm mới lợi dụng mọi hoàn cảnh thuận lợi nhất để bổ sung và làm cho phong phú như có thể thấy hôm nay.

Tiếp tục hiện diện giữa anh em
Chết khi chưa đầy 60 tuổi, anh Hoàng Kim không phải là người sống thọ. Quãng thời gian anh tham gia sinh hoạt với anh em cho đến khi anh chết chỉ chưa đầy 13 năm, trong đó có 1 năm anh ở trên giường bệnh, nhưng đóng góp của anh cho Nhóm, và rộng hơn cho Giáo Hội Việt Nam, thật to lớn, và tấm lòng của anh đối với anh em thật bao la, tình cảm anh dành cho anh em thật sâu đậm. Tôi luôn xác tín rằng : anh ra đi, nhưng không bỏ chúng tôi. Hồi còn sống, khi anh em phải đương đầu với khó khăn, anh thường nói với chúng tôi : “Mình làm việc cho Chúa thì ma quỷ nó phá thôi.” Đúng là như vậy, và khi thấy cách phá vô cùng khôn khéo tinh vi, thì đúng là mưu ma chước quỷ. Bản dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ hoàn thành trong năm 1983, coi như tiêu chí do Nhóm đề ra đã đạt được. Ít lâu sau thì anh Hoàng Kim ngã bệnh rồi mất. Nhưng chỉ hơn một năm sau khi anh mất, ngày 26-10-1986, anh em đã lên đan viện các chị Biển-đức dâng thánh lễ, vừa cầu nguyện cho anh Hoàng Kim, vừa tạ ơn Chúa vì mới hoàn thành bản dịch Tân Ước. Cứ đà đó, anh em tiếp tục cho đến nay bất chấp mọi khó khăn trở ngại, tôi tin rằng : trước mặt Chúa, chúng tôi nay có một người đang chuyển cầu cho anh em chúng tôi, đúng như lời ai đó : Người chết nối linh thiêng vào đời.
Mấy ngày sau khi anh Hoàng Kim mất, anh Thiện Cẩm đã lấy ý thơ của Tagore viết ra bài ca được hắt lần đầu tiên trong lễ an táng của anh, và ngày nay ta còn được nghe trong rất nhiều đám tang :
Xin vĩnh biệt mọi người
Tôi ra đi lần cuối,
Không bao giờ trở lại,
Hẹn nhau trên Nước Trời.
Thật ra phải nói : sẽ trở lại vào ngày sau hết như bất cứ ai đã qua đời. Nhưng không phải chỉ có thế, tôi tin rằng : trong Chúa Ki-tô, anh Hoàng Kim tiếp tục hiện diện giữa anh em, đồng hành với anh em, gắn bó cùng anh em.
Tp. HCM, ngày 11 tháng 03 năm 2005
Lm Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh ofm

(http://www.dinh.dk)

giusehien
14-04-2010, 10:13 PM
Nhớ Hoàng Kim

Hoàng Kim là ai mà lại nhớ. Chắc có người, khi đọc mấy dòng này, sẽ hỏi như vậy. Tôi xin thưa: tôi là người bạn đã quen biết và làm việc lâu năm bên cạnh Hoàng Kim, từ thập niên 60 ở Paris cũng như sau này ở Sài gòn. Tôi nhớ Hoàng Kim do một câu tôi đã đọc hơn 50 năm về trước, trong báo Thông cảm thời đó. Câu này có lẽ là của thánh Phan-xi-cô đờ Xan (Francois de Salle) do luật sư Đoàn Thanh Liêm trưng dẫn lại mà không cho xuất xứ, nên tôi cũng không biết từ đâu. Câu đó là: “Khi đã được quen biết một người qua những biểu dương thâm trầm của người ấy, thiết nghĩ ta có bổn phận phải trung thành với người. Đã là bạn rồi lại thôi thì chẳng bao giờ là bạn thật cả.” Chính câu này làm cho tôi nhớ Hoàng Kim và cảm thấy như có bổn phận phải viết đôi lời trong dịp giỗ lần thứ 25 này.

Hoàng Kim là linh mục Gio-a-kim Lương Hoàng Kim, gốc địa phận Thái Bình, nhập tịch địa phận Long Xuyên nhưng làm vịệc tại Sài gòn từ lúc về nước năm 1964 cho dến khi qua đời ngày 15.4.1985 ở tuổi 55. Những ai ở tuổi thanh niên vào thập niên 60 chắc nhiều người biết hay nghe nói đến Hoàng Kim qua các bài hát trong tập Họp mừng Vượt qua, và qua ca đoàn Hương Nam ở nhà thờ Vinh Sơn Chí Hoà. Hoàng Kim là một nhạc sĩ tài ba, một nhà phụng vụ tha thiết với các bản văn đọc trong nhà thờ, và một nhà thơ chuyên dịch các thánh thi bằng tiếng la tinh sang tiếng Việt, in trong Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Mấy hôm nay, đã có thông báo về lễ giỗ này trên mạng Vietcatholic.

Chiều mai, lúc 5g sẽ có lễ hát ở nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Kỳ Đồng, để cầu nguyện cho người bạn quá cố của tôi và của các anh chị em trong Nhóm CGKPV. Chúng tôi mượn nhà thờ Kỳ Đồng để cử hành lễ này, vì đây là một thánh đường rông lớn, nơi có nhiều tín hữu tham dự các lễ nghi phụng vụ.. Cử hành lễ giỗ ở đây là chúng tôi muốn có một cộng đoàn đông đảo cùng cầu nguyện với chúng tôi cho người bạn, người cha, người thầy yêu quí, đồng thời cũng muốn làm vinh danh một tài ba âm nhạc và một nhà phụng vụ đã đóng góp đáng kể cho nền thánh nhạc và phụng vụ tại Việt Nam, bằng tác phẩm Thánh Vịnh Huyền Ca và các bài Thánh Thi trong sách Các Giờ kinh Phụng vụ.

Hoàng Kim ra đi để lại biết bao thương tiếc cho giáo dân đền thánh Vinh sơn Chí hoà, cho bạn bè, người quen biết xa gần và đặc biệt cho Nhóm CGKPV. Hôm nay cử hành lễ giỗ Hoàng Kim lần thứ 25, chúng tôi muốn bày tỏ lòng tri ân đối với một người đã dành cái phần tốt đẹp nhất của đời mình cho công trình phiên dịch CGKPV và sách Kinh thánh. Vậy, xin quí vi xa gần người quen biết cũng như không quen biết, cùng cầu nguỵện cho Gio-a-kim. Riêng tôi xin có bài thơ này viết từ 21 năm trước, để tưởng nhớ người bạn chí cốt này.

NHỚ HOÀNG KIM

Anh Hoàng Kim ơi !
Chiều Chúa nhật vừa rồi
Khi dắt xe ra khỏi cổng
Tôi chợt nghĩ đến anh
Mà lòng dạ bồi hồi.
Tôi muốn ghi vội ghi nhanh
Khi còn đang ngồi trên xe đạp
Những cảm nghĩ về anh.

Tôi định làm một bài thơ
Một bài thơ rất thân tình
Để hôm nay ra đọc trước mộ anh
Với lời lẽ đơn sơ
Và tất cả sự chân thành.

Đã bốn năm rồi xa cách anh
Xa anh trong mối sầu ly biệt
Trong nỗi nhớ nhung da diết.

Mỗi lần nhìn ảnh anh trên tường
Là mỗi lần tôi thấy rõ
Tất cả con người anh
Một con người quảng đại
Hết tình với bạn bè
Không biết giận mà chỉ biết cười
Để cho người ta chọc ghẹo chơi.

Hôm nay ra viếng mộ anh
Trong ngày nhớ các tín hữu đã qua đời
Tôi muốn nói với anh:
Anh vẫn sống giữa chúng tôi
Dòng thơ anh vẫn có người tiếp nối
Điệu nhạc của anh vẫn còn trong lòng người
Để cứ mãi vang lên những bài ca mới.

Anh Hoàng Kim ơi !
Phải chi lúc này anh còn ở lại
Để nhìn thấy tương lai
Mỉm cười với ta
Mà trong đó
Anh góp phần không nhỏ

Nhưng trên chốn cao xanh
Anh ở bên toà Chúa
Hẳn là anh thấy rõ
Anh nhìn thấy mỗi người chúng tôi
Anh biết chúng tôi đang làm gì
Và còn mong làm được gì hơn nữa.

Nếu anh đã có thể chuyển cầu
Thì xin chuyển cầu
Cho chúng tôi biết thương nhau
Dám bằng lòng chịu cực chịu khổ
Để làm việc bên nhau thật lâu dài.

(2.11.1989)
L.m. An-rê Đỗ xuân Quế o.p.

http://vietcatholic.net/News/Html/79156.htm

giusehien
14-04-2010, 10:19 PM
Một nén nhang cho người anh đã khuất
(Bài viết cách đây 5 năm nhân lễ Giỗ thứ 20 của Linh mục HOÀNG KIM 15/4/1985 - 15/4/2005)

Anh Hoàng Kim mất ngày 15-04-1985 sau hơn một năm chống chọi với căn bệnh quái ác: ung thư phổi. Trong những ngày chịu tang anh, không hiểu sao mấy vần thơ kháng chiến tôi học khi ở cấp 2 đầu thập niên 50 cứ lảng vảng trong đầu tôi. Trước hết là mấy câu thơ của Hoàng Cầm trong bài “Đêm liên hoan”:

Đêm liên hoan ! Kìa trông: đêm liên hoan,

Đầu nhấp nhô như sóng bể ngang tàng,

Ta muốn thét cho vỡ tung lồng ngực

Vì say sưa tình thân thiết vệ quốc đoàn.

Và nhất là mấy câu thơ sau đây của một anh lính (tôi không còn nhớ tên tác giả) khóc đồng đội:

Khóc anh không nước mắt

Mà lòng đau như cắt,

Gọi anh chửa thành lời

Mà hàm răng dính chặt.

Lời thơ là như vậy, nhưng trong cả tháng đầu tiên sau khi anh Hoàng Kim mất, chỉ cần nhắc đến tên anh là nước mắt tôi cứ trào ra. Mất anh Hoàng Kim, chúng tôi mất đi một người bạn, một người anh, một người cùng chí hướng suốt mười ba năm trời đã cùng nhau miệt mài trong công việc phiên dịch các bản văn Kinh Thánh và Phụng Vụ, bất chấp bao nhiêu trở ngại, bao nhiêu thiếu thốn của thuở ban đầu, một người đã cùng chúng tôi chia sẻ những ưu tư thao thức, những niềm vui nỗi buồn, những khó khăn và hy vọng. Nay đã 20 năm từ ngày anh xa chúng tôi, tôi thấy có bổn phận ghi lại cho anh chị em đến sau những kỷ niệm đã ăn sâu trong đời tôi, để tưởng nhớ một người anh đã có những đóng góp to lớn cho Nhóm Phiên Dịch CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ (CGKPV).

Cuộc gặp gỡ đầu tiên

Lần đầu tiên tôi gặp anh Hoàng Kim là vào năm 1964 tại trại hè của Liên Tu sĩ châu Âu ở Solothurn bên Thuỵ Sỹ. Trại trưởng năm đó là cha Đinh Thực. Trong số các anh lớn tuổi hồi đó có các linh mục Trần Tam Tỉnh, Đỗ Xuân Quế; trẻ hơn thì có Nguyễn Đình Cẩm, Nguyễn Đình Ngát, Phạm Văn Nam O.P… Năm đó tôi còn là một sinh viên thần học. Tại trại hè này, anh Hoàng Kim lo việc ca hát. Có những bài hát cho vui như là Trống Cơm, Hò Bắc Ninh. Và dĩ nhiên có những bài thánh ca do chính anh sáng tác, khác với những bài của Nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh, thời bấy giờ được coi gần như “trường phái” thánh ca duy nhất tại Việt Nam. Lần đầu tiên được nghe bài thánh vịnh 26: “Chúa, Chúa là nơi con nương tựa, con phải sợ chi ai ?” hay thánh ca Magnificat: “Chúa đã làm cho tôi (đã làm cho tôi) muôn việc kỳ diệu, danh Ngài là thánh”, tôi cảm thấy gần gũi làm sao. Trong trại hè năm đó, tôi nghe các anh lớn nói lên thao thức của mình, đó là: một khi trở về Việt Nam, làm sao tiếp tục cộng tác với nhau trong công việc mục vụ ? Nghe cho biết vậy thôi, vì đối với một người mới xong năm 2 thần học như tôi thì đó là một chuyện quá xa vời.

Lần gặp gỡ thứ hai

Nếu tôi nhớ đúng thì trước khi gặp lại anh Hoàng Kim lần thứ hai, tôi đã được nghe tiếng hát sang sảng của anh trong một băng nhạc anh tập và cùng hát với ca đoàn Phan-xi-cô do cha Duy Ân Mai phụ trách: “Đây tin mừng, đây tin mừng, thức đậy mục đồng ơi…” Tôi không hiểu biết nhiều về thánh ca, nhưng tự nhiên nghe những bản nhạc của anh Hoàng Kim, tôi cảm thấy một cái gì đó thật là thân quen. Trong sáng tác âm nhạc, và sau này trong công việc phiên dịch các bản văn Kinh Thánh và phụng vụ, anh Hoàng Kim là người rất quan tâm đến văn hoá dân tộc.

Tôi gặp lại anh Hoàng Kim lần thứ hai tại Chủng viện Phan-xi-cô Thủ Đức trong tuần bát nhật Phục Sinh năm 1972, tám năm sau lần gặp đầu tiên. Vào thời điểm đó, Nhóm Phiên Dịch CGKPV vừa mới ra đời được mấy tháng. Anh em chỉ làm việc chung với nhau vào những dịp thuận tiện. Thời đó chúng tôi chỉ có mấy người: anh Trần Phúc Nhân, anh Xuân Ly Băng, anh Thiện Cẩm, anh Trần Ngọc Thao và tôi. Khoá đó còn có một hai người tới tham dự được mấy buổi, nhưng sau này không tiếp tục. Bấy giờ anh Hoàng Kim đang ở Mạc-ti-nho. Người đến “chiêu mộ” anh Hoàng Kim chính là anh Trần Phúc Nhân. Đáp lời anh Nhân mời, một hôm, trong lúc anh em đang làm việc tại Chủng viện Phan-xi-cô Thủ Đức, thì anh Hoàng Kim cùng đi với cha Nguyễn Thiện Toàn đến thăm chúng tôi, rồi ngay sau đó anh đã đến nhập bọn với chúng tôi, và gắn bó với anh em cho đến ngày chết.

Các khoá làm việc tập trung

Từ khi Nhóm khai sinh vào dịp lễ Các Thánh 01-11-1971 cho đến tháng 8 năm 1974, anh chị em chưa làm việc liên tục, nhưng chỉ gặp nhau vào các dịp nghỉ lễ hay nghỉ hè. Sau khoá tập trung tại Chủng viện Phan-xi-cô Thủ Đức dịp lễ Phục Sinh năm 1972, anh em đã có thêm một khoá vào dịp hè 1972 tại Tu viện Phan-xi-cô Nha Trang. Đến kỳ hè 1973 anh em làm việc một tháng tại Đan viện Châu Sơn Đơn Dương. Rồi kỳ hè 1974: một tháng tại Cư xá sinh viên Phục Hưng Cần Thơ. Cuối khoá này anh em mới hoàn thành bản dịch 150 Thánh vịnh để in 4 tuần Kinh Thường Niên cuối năm 1974. Các khoá làm việc dài hạn như thế cho chúng tôi cơ hội không những làm việc chung với nhau, nhưng còn sống chung với nhau, cầu nguyện và giải trí với nhau, rồi nhờ đó mà hiểu biết và tôn trọng quý mến nhau.

Bước ngoặt mang tính quyết định

Sau biến cố 30-04-1975, trong tuần đầu tháng 5, anh chị em đặt câu hỏi: liệu trong tình hình mới, mình còn có thể tiếp tục công việc đang thực hiện hay không ? Thế là anh Hoàng Kim và tôi đi Cái Sắn thăm dò tình hình, nghĩ rằng tại một nơi anh em vừa làm việc trí óc, vừa lao động tay chân, may chi có thể kéo dài thời gian làm công việc đang thực hiện. Nhưng khi tới nơi, các linh mục lúc đó cũng đang đặt câu hỏi liệu ngày mai sẽ sống ra sao, thì làm thế nào có thể mở rộng vòng tay để tiếp đón thêm một số linh mục tu sĩ từ xa đến. Thấy các ngài có vẻ lạnh nhạt, hai anh em tôi chỉ nghỉ lại một đêm, rồi nhẹ nhàng rút lui ngay sáng hôm sau. Nay nhìn lại mới nhận ra ý Chúa quan phòng. Trong hoàn cảnh mới, vào những năm đầy dẫy những thứ khó khăn, đó chính là thời vàng son của Nhóm Phiên Dịch CGKPV. Tất cả chúng tôi lúc bấy giờ chỉ ở tuổi từ 35 (anh Nguyễn Công Đoan) đến 45 (anh Nguyễn Hữu Phú), đa số làm nghề dạy học, nay không được dạy học nữa, thì ráng tìm niềm vui trong công việc phiên dịch các bản văn Kinh Thánh và phụng vụ. Trong gần mười năm trời, ở vào độ tuổi sung sức, làm việc 5 ngày mỗi tuần, chúng tôi đã thực hiện một khối lượng công việc mà trong hoàn cảnh hiện nay, không biết phải bao nhiêu năm chúng tôi mới làm nổi.

Đóng góp độc đáo của anh Hoàng Kim

Công việc của Nhóm chúng tôi nằm trong hai lãnh vực Kinh Thánh và phụng vụ. Cũng như anh Nguyễn Hữu Phú, anh Hoàng Kim tốt nghiệp Phụng Vụ tại Đại học Công giáo Paris. Bộ lễ truyền thống dân tộc, Tết Nguyên Đán và Tết Trung Thu, cũng như bộ lễ kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam là do Nhóm CGKPV sáng tác vào cuối thập niên 70; hơn 10 năm sau, Uỷ Ban Phụng Tự trực thuộc HĐGM/VN lấy lại, bổ sung và đưa vào Sách Lễ Rô-ma cũng như vào sách Các Giờ Kinh Phụng Vụ như chúng ta có thể thấy hiện nay. Trong công trình này, với tư cách là chuyên viên phụng vụ, anh Hoàng Kim đã có những đóng góp đáng kể.

Nhưng trong toàn bộ công trình của Nhóm CGKPV anh Hoàng Kim có những đóng góp quan trọng không kém về mặt ngôn ngữ văn chương. Nhóm có một thi sĩ là anh Xuân Ly Băng, người đầu tiên hưởng ứng công việc phiên dịch các Thánh vịnh. Nhưng anh Xuân Ly Băng chỉ làm thời gian đầu. Từ đầu năm 1972, sau khi nhận chức cha xứ Vinh Thuỷ, anh rất ít khi có dịp làm việc chung với anh em. Ngoài anh Xuân Ly Băng, có một vài anh em khác nữa, như anh Thiện Cẩm hay anh Đỗ Xuân Quế, cũng nhạy bén về mặt ngôn ngữ. Tuy nhiên, không ai phủ nhận vai trò đặc biệt quan trọng của anh Hoàng Kim trong cố gắng diễn đạt lời Chúa đúng phong cách của người Việt Nam. Anh không ưa tranh luận. Khi đưa ra một từ hay cụm từ anh chưa vừa ý, anh ngồi trầm ngâm, có khi thì thầm với người bên cạnh: “Dịch như vậy có tây mới nghe !” Và nếu đoạn văn đang dịch không phải là văn xuôi mà là thơ, thì còn phải xem cách diễn tả cũng như âm thanh tiết điệu của câu văn dịch có giúp người đọc hay người nghe nhận ra đây là thơ hay không. Khi tra tay vào việc dịch Kinh Thánh, thì anh em bắt đầu dịch mảng khó nhất, đó là các thánh vịnh. Phải mất mười năm ròng rã, sửa đi sửa lại tới lần thứ 4 mới có được bản dịch hiện nay. Nếu tôi không lầm thì từ “hội nhập văn hoá” được dùng trong ngôn ngữ Việt Nam trong một hai thập niên gần đây thôi. Khi đưa đức tin đến cho một dân tộc, cần thiết phải tôn trọng nền văn hoá của dân tộc đó. Phải là Do-thái với người Do-thái, Hy-lạp với người Hy-lạp và Việt Nam với người Việt Nam. Trong ngôn ngữ cũng vậy. Khi thực hiện công trình phiên dịch, phải trung thành là chuyện đương nhiên, nhưng còn phải làm sao để người đọc thấy đây thực sự là kiểu nói của mình, cách diễn tả của mình. Và trong Nhóm chúng tôi, người có công đầu trong việc diễn dịch Lời Chúa sao cho người Việt Nam thấy đây thực sự là ngôn ngữ của mình, làm sao giữ được chất thơ khi dịch thơ, làm sao cho bản dịch Kinh Thánh không phải chỉ trung thành, nhưng còn hay, còn đẹp, xứng đáng với Lời mặc khải, người dẫn anh em đi theo hướng đó, chính là anh Hoàng Kim.

Các bài thánh thi

Trong sách Các Giờ Kinh Phụng Vụ, số lượng thánh thi không phải ít. Dịch thánh thi không buộc phải bám sát bản văn như khi dịch thánh vịnh, nên người dịch tương đối được tự do hơn. Các thánh thi trong sách Các Giờ Kinh Phụng Vụ hiện nay, một số ít là của các tác giả Xuân Ly Băng, Trần Hữu Lân, Ngô Mạnh Điệp, Mai Lan và Mai Thành, nhưng đại đa số là của anh Hoàng Kim. Các thể loại cổ điển đều được anh vận dụng: thơ 5 chữ (CGKPV ấn bản 2001, tr. 197, 210...), lục bát (317, 605...), song thất lục bát (192, 242...), 7 chữ (217, 268...), 8 chữ (245, 312...)… Ai đọc thánh thi cũng thấy tác giả sử dụng ngôn ngữ thật là nhuần nhuyễn. Xin đan cử một vài ví dụ:

Muôn lạy Chúa Giê-su đầy lân ái,

Xin bửu huyết Ngài thanh tẩy con đi !

Một giọt thôi, là đủ sức diệu kỳ

Rửa sạch cả trần gian nên thanh tịnh.

(CGKPV ấn bản 2001, tr. 409)

hay:

Ôi tình thương Chúa thật nhiệm mầu,

Vượt quá trời cao, quá biển sâu,

Muôn vàn kỳ diệu, khôn diễn tả

Chỉ nói đôi lời, hát đôi câu. (754)

Khi ghi lại những dòng này, tôi không thể quên hình ảnh anh Hoàng Kim đang làm việc ở phòng kế bên, ghé qua phòng tôi nhoẻn miệng cười khoe với tôi là mới làm được hai câu đắc ý:

Chim trời cá nước Người nuôi sống,

Giờ đây chút sữa đã là ngon. (195)

Tài kể chuyện

Trong các khoá tập trung, sau một ngày làm việc mệt nhọc, buổi tối anh em thường giải trí chung với nhau. Những lúc như thế, anh em thường trao đổi về những câu chuyện thời sự trong xã hội hay trong Giáo Hội, nhưng cũng có lúc kể đủ mọi thứ chuyện trên trời dưới đất, kể cả chuyện ma. Trong anh em, không ai có tài kể chuyện có duyên và sinh động như anh Hoàng Kim. Sinh động đến nỗi chỉ nghe anh kể lại những câu chuyện anh đã nghe từ người khác, người nghe vẫn có cảm tưởng như chính anh đã thấy tận mắt. Còn nói chi những chuyện chính anh đã là nhân vật trung tâm. Chỉ xin đưa ra một ví dụ: Hồi còn học nhạc ở Paris, mùa hè anh thường xuống miền nam nước Pháp thay thế cho một cha tuyên uý đan viện. Năm đó (tôi không còn nhớ rõ năm nào, nhưng chắc vào đầu thập niên 60), khi anh đến thì cha tuyên uý cao tuổi mới qua đời ít lâu. Nơi anh tới là một đan viện ở vùng quê, và anh ở trong phòng cha tuyên uý. Ban đêm, anh đang ngủ thì có cái gì như một bàn tay quệt lên má. Tự nhiên anh nghĩ đến ông cha tuyên uý mới qua đời. Đến lần thứ hai thì anh chịu hết nổi cái cảm giác rờn rợn kia. Anh lấy hết sức bình sinh, hỏi bằng tiếng Pháp: “Nhân danh Thiên Chúa toàn năng, nếu cha có điều gì thì xin nói cho tôi biết”, và cùng lúc anh bật đèn lên. Thì ra một con bướm khổng lồ từ ngoài vườn bay vào qua cánh cửa sổ hé mở, khi bay đã quệt vào gò má anh !

Khó tính nhưng dễ thương

Anh Hoàng Kim thuộc loại người khó tính. Trong công việc, anh rất đòi hỏi. Khi anh em đưa ra một từ chưa vừa ý anh, anh không tranh cãi, nhưng lật hết tự điển này đến tự điển khác, hoặc ngồi yên suy nghĩ, cho đến khi mãn nguyện mới thôi. Và anh làm việc gì cũng tới nơi tới chốn ! Trong những năm được đến làm việc tại toà Tổng Giám Mục, anh em được sử dụng một góc hành lang nhìn ra sân trước, hai phía có cửa đóng. Ăn trưa xong, anh Hoàng Kim là người rửa chén trong khi anh Phú và tôi dọn dẹp bàn ghế hay lau chén dĩa. Anh Kim rửa chén xong là lau sàn nhà rồi mới trải chiếu nằm nghỉ. Đến chiều anh về nhà thờ Vinh-sơn Nghĩa Hoà để chu toàn bổn phận cha xứ: dâng thánh lễ, tập hát, dạy giáo lý… Theo lời ông trùm Diệm, thì buổi tối, có khi ra thăm con heo mọi của anh, tuy đã tắm rồi, thấy chưa ưng, anh còn tắm lại. Bảo anh khó thì không ai cãi, nhưng ai đã từng sống với anh cũng đều nhận rằng: anh cũng là một người hết sức dễ thương.

Quên cả đam mê

Trong đời linh mục, anh Hoàng Kim đã làm công tác mục vụ tại Vườn Xoài, Mạc-ti-nho và cuối cùng là Vinh-sơn Nghĩa Hoà. Anh ở đâu cũng được xem như người mục tử hết tình với đoàn chiên. Nhưng anh có một đam mê, đó là thánh ca phụng vụ. Đầu thập niên 70, tập Họp mừng Vượt Qua của anh là một đóng góp có giá trị cho nền thánh ca phụng vụ tại Việt Nam. Cuối năm 1974, anh dự tính gom các sáng tác của anh vào trong một tập nhạc mang tên Thánh vịnh huyền ca, nhưng mới in xong tờ bìa thì xảy ra biến cố 1975.

Kể từ khi tham gia sinh hoạt Nhóm, ngoài công tác mục vụ tại giáo xứ, anh dồn hết thì giờ sức lực để làm việc của Nhóm. Hình như anh linh cảm cuộc đời mình sẽ không kéo dài được bao lâu, nên những năm tháng cuối đời, anh đã dành hết cho công trình tập thể của Nhóm.

Tôi nhớ có đôi lần, sau cơm trưa, rửa chén và lau nhà xong, trong khi anh em khác trải chiếu lên nền nhà nằm nghỉ, thì anh loay hoay lấy giấy ra viết nhạc. Tôi càu nhàu: “Anh làm như thế thì còn sức đâu làm việc buổi chiều !” Thế là, như một em bé bị la, anh Hoàng Kim của tôi ngoan ngoãn xếp giấy lại, thở dài một cái thật nhẹ, rồi trải chiếu nằm nghỉ như các anh em khác.

Kỷ niệm cuối cùng

Ngày nay ai có dịp đến thăm trụ sở Nhóm CGKPV tại nhà số 58/1 Phạm Ngọc Thạch cũng thấy anh em có một thư viện Kinh Thánh và Phụng Vụ tương đối phong phú. Được như vậy là nhờ anh Hoàng Kim trước khi chết đã để lại thư viện của anh cho Nhóm. Thật ra, trong các sách anh để lại cho anh em, những cuốn thực sự hữu ích cho công việc anh em đang làm chỉ là một số khiêm tốn thôi. Nhưng nhờ sáng kiến và tấm lòng của anh đối với anh em, Nhóm CGKPV từ sau khi anh mất mới có một thư viện, rồi cũng từ đó Nhóm mới lợi dụng mọi hoàn cảnh thuận lợi nhất để bổ sung và làm cho phong phú như có thể thấy hôm nay.

Tiếp tục hiện diện giữa anh em

Chết khi chưa đầy 60 tuổi, anh Hoàng Kim không phải là người sống thọ. Quãng thời gian anh tham gia sinh hoạt với anh em cho đến khi anh chết chỉ chưa đầy 13 năm, trong đó có 1 năm anh ở trên giường bệnh, nhưng đóng góp của anh cho Nhóm, và rộng hơn cho Giáo Hội Việt Nam, thật to lớn, và tấm lòng của anh đối với anh em thật bao la, tình cảm anh dành cho anh em thật sâu đậm. Tôi luôn xác tín rằng: anh ra đi, nhưng không bỏ chúng tôi. Hồi còn sống, khi anh em phải đương đầu với khó khăn, anh thường nói với chúng tôi: “Mình làm việc cho Chúa thì ma quỷ nó phá thôi.” Đúng là như vậy, và khi thấy cách phá vô cùng khôn khéo tinh vi, thì đúng là mưu ma chước quỷ. Bản dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ hoàn thành trong năm 1983, coi như tiêu chí do Nhóm đề ra đã đạt được. Ít lâu sau thì anh Hoàng Kim ngã bệnh rồi mất. Nhưng chỉ hơn một năm sau khi anh mất, ngày 26-10-1986, anh em đã lên đan viện các chị Biển-đức dâng thánh lễ, vừa cầu nguyện cho anh Hoàng Kim, vừa tạ ơn Chúa vì mới hoàn thành bản dịch Tân Ước. Cứ đà đó, anh em tiếp tục cho đến nay bất chấp mọi khó khăn trở ngại, tôi tin rằng: trước mặt Chúa, chúng tôi nay có một người đang chuyển cầu cho anh em chúng tôi, đúng như lời ai đó: Người chết nối linh thiêng vào đời.

Mấy ngày sau khi anh Hoàng Kim mất, anh Thiện Cẩm đã lấy ý thơ của Tagore viết ra bài ca được hát lần đầu tiên trong lễ an táng của anh Hoàng Kim, và ngày nay ta còn được nghe trong rất nhiều đám tang:

Xin vĩnh biệt mọi người

Tôi ra đi lần cuối,

Không bao giờ trở lại,

Hẹn nhau trên Nước Trời.

Thật ra phải nói: sẽ trở lại vào ngày sau hết như bất cứ ai đã qua đời. Nhưng không phải chỉ có thế, tôi tin rằng: trong Chúa Ki-tô, anh Hoàng Kim tiếp tục hiện diện giữa anh em, đồng hành với anh em, gắn bó cùng anh em.

Tp. HCM, ngày 11 tháng 03 năm 2005
Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh ofm

http://vietcatholic.net/News/Html/79138.htm