PDA

View Full Version : Hạnh phúc gia đình



Rocky
27-05-2009, 08:36 AM
VietCatholic News (05 May 2009 22:58)

Hạnh phúc gia đình dưới cái nhìn của Đức Giám Mục Perrier

Một tâm tình trong Cựu Ước cầu xin Thiên Chúa: « Lạy Chúa, ai sẽ cho chúng con thấy hạnh phúc ? » và thánh giáo phụ Augustinô hoàn toàn không phải là một tác giả hài kịch đã nói rằng ngay cả đối với người sắp treo cổ tự vẫn cũng chỉ tìm một điều, đó là hạnh phúc.

Thế còn quần chúng nghĩ gì về điều này, hạnh phúc như lòng mong ước có thể đến từ đâu ? Những cuộc thăm dò đã thấy câu trả lời được ưu tiên là: từ gia đình. Bất cứ ai thuộc thế hệ nào khi được hỏi đều nghĩ như vậy và đều biết rằng câu định nghĩa về gia đình có phần uyển chuyển.

Ngay khi đề cập đến vấn đề nhà cửa và đồ ăn thức uống, thì trên quảng cáo không thiếu những hình ảnh về gia đình « hạnh phúc ». Những hình ảnh này thường chỉ là cái gì đó mang tính ước lệ và màu mè. Điện ảnh, và trước nó là sân khấu và văn chương kể cho chúng ta toàn là những câu chuyện về gia đình bất hạnh, thậm chí bị chúc dữ rõ mồn một. Có thể những câu chuyện bi hài đó lại đóng một vai trò tích cực: « Gia đình tôi có thể không hoàn hảo nhưng có thể còn tệ hơn như vậy là đàng khác ».

Ngược lại, cần phải nhìn nhận rằng bất hạnh lớn nhất của phần đa đồng loại là thất bại về cuộc sống gia đình. Đó là điều mà giữa các cặp vợ chồng với nhau, hay giữa cha mẹ với con cái thật khó chấp nhận. Một vài tang tóc đôi khi có cảm tưởng kéo dài lê thê suốt một đời, huống chi những tan vỡ, bất hòa, ruồng bỏ còn thật khó chịu đựng hơn rất nhiều.

Về ly hôn, cần phải tìm ra thủ phạm. Rất thường tình do người khác và vì tình cảm bị phản bội có thể chuyển thành thù hận hay vô liêm sỉ. Đôi khi, nạn nhân tự quy kết mình và sống khép kín trong sự giày vò của nỗi ân hận. Để làm rõ đề tại này, chỉ cần đến thăm những người cao tuổi trong các nhà dưỡng lão để nghe những lời chê trách và những nỗi hối hận.

Tất cả những điều nêu trên muốn nhấn mạnh rằng điều kiện tiên quyết để có được hạnh phúc gia đình đó là lòng tin. Đó chính là lý lẽ nhìn nhận nơi gia đình tồn tại một thang giá trị hàng đầu. Tôi chờ đợi nơi xã hội một vài sự đảm bảo như: tự do, an toàn, chăm sóc sức khỏe, hưu trí khi về già. Thế nhưng xã hội có thể sẽ bỏ rơi tôi trong trường hợp tôi có đầy dẫy những cơ cực. Trong số những những bạn bè thân thiện, nhưng có được bao mối tình bạn còn bám trụ lại sau sự bào mòn của thời gian và những bất trắc của cuộc sống ? Chỗ nương tựa chính là gia đình. Cho nên ước gì mỗi gia đình tìm được cách sống hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại. Mỗi gia đình có phong cách riêng và cần có một vài liều lượng hài ước

như là điều không thể thiếu. Nếu các thành viên coi những chuyện không tránh khỏi xảy ra thường nhật là quá nghiêm trọng, thì một bầu không khí ngột ngạt sẽ đến một cách nhanh chóng.

Điều quan trọng nhất là xây dựng niềm tin. Cần phải loại bỏ những gì là miệt thị và dối trá. Mỗi người cần biết đặt niềm tin nơi người khác và bên cạnh đó cũng nên kiểm chứng cho người khác thấy để họ có thể tin tưởng nơi mình. Điều đó càng cần thiết giữa vợ chồng với nhau, giữa cha mẹ và con cái, và giữa anh chị em với nhau. Thông thường những bậc ông bà còn sống nhận được sự tin yêu dễ hơn nơi những bậc cháu chắt bởi vì họ có lòng bao dung đối với chúng hơn những gì mà họ đã không có được đối với những con cái mình trước đây. Điều đó là một lợi thế, nhưng không thể thay thế cho mối quan hệ tự nhiên tiếp ngay sau: mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.

Nói về niềm tin, cần phải nhắc đến sự tha thứ. Chúng ta không phải lúc nào cũng xứng đáng để cho người khác tin yêu: chúng ta đã tìm những tư lợi, và từ đó chỉ làm những điều mình thích bằng cả công lý và sự thật; chúng ta đã không chu toàn trách nhiệm của mình; chúng ta từ chối lắng nghe bởi vì không muốn bị quấy rầy ảnh hưởng đến những công việc của mình hay những phương thức tư duy… Niềm tin cần phải không ngừng được tái xây dựng.

Với người tín hữu thì điều này được biết ngay từ thời niên thiếu. Tất cả thiên tình sử về mối quan hệ giữa Thiên Chúa và con người là một lịch sử của niềm tin và sự tha thứ. Tội lỗi làm gián đoạn mối quan hệ với Thiên Chúa chính là sự tin tưởng vào chính mình nhiều hơn là tin vào Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa vẫn cứ tiếp tục tin yêu nhân loại: Ngài tha thứ. Ngài ký lại giao ước. Ngài uốn nắn lịch sử theo chiều hướng của mối quan hệ. Đức Giêsu đã đề nghị chúng ta làm như vậy đối với nhau: « Con phải tha thứ bao nhiêu lần ? 7 lần chăng ? », thánh Phêrô hỏi Chúa Giêsu. Ngài trả lời: « 70 lần 7 ». Nếu nơi nào mà ở đó lời Chúa Giêsu được áp dụng triệt để theo mặt chữ, thì nơi đó chính là gia đình: tha thứ được lặp đi lặp lại, tuy nhiên không bao giờ theo cách máy móc tự động cả.

Điểm lưu ý cuối cùng: không được mong muốn chỉ có riêng mình mới được xứng đáng tin yêu. Cần phải nhận ra những giới hạn của mình để biết hướng đến trạm tiếp sức. Áp dụng nguyên tắc này vào trong gia đình: tất cả các thành viên cần phải tạo ra sự tin tưởng lẫn nhau, tuy nhiên nhìn một cách toàn diện, gia đình cũng phải biết rộng mở ra bên ngoài. Một gia đình khép kín một ngày nào đó sẽ bị xé rách khi mà một trong những thành viên muốn hít thở một bầu khí khác lạ.

(Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng chuyển ngữ từ nguồn: Simples questions sur la vie)
+ GM Perrier

Rocky
27-05-2009, 08:41 AM
VietCatholic News (26 May 2009 17:11)



ĐỨC ÁI TRONG GIA ĐÌNH



Thời điểm mà chứng ta đang sống hôm nay, tháng 05 năm 2009, với tư cách là công giáo việt nam, chúng ta thấy có 2 sự kiện quan trọng. Sự kiện thứ nhất là Giáo Hội Công Giáo ở Việt Nam đang hồ hởi chuẩn bị Năm Thánh 2010, ghi dấu thời điểm kỷ niệm quãng đường lịch sử gần 500 năm truyền giáo qua 3 thời kỳ: 126 năm Bảo Hộ (1533-1659); 300 năm Tông Toà (1659-1960), thành lập hai Giáo phận Tông Toà Đàng Ngoài và Đàng Trong, ngày 9-9-1659; Đặc biệt là 50 năm Chánh Toà (1960-2010), thiết lập phẩm trật Giáo hội Công giáo tại Việt Nam với 3 Giáo tỉnh Hà Nội - Huế - Saigon, ngày 24-11-1960. Giáo Hội Việt Nam muốn kỷ niệm những giai đoạn quan trọng mà Tin Mừng Tình Yêu Bác Ái đã được đưa vào Việt Nam.

Sự kiện thứ hai là hiện nay, ở Việt Nam cũng như trên khắp thế giới, các gia đình công giáo cũng như không công giáo đang gặp rất nhiều khó khăn.

Bối cảnh này, cùng với bối cảnh chung của giáo hội hoàn vũ và đặc biệt là giáo hội Pháp mà đề tài thời sự được nói đến rất nhiều từ dăm năm nay xoay quanh Tình Yêu, Đức Ái, hẳn thật đã là lý do chính yếu khiến các cha tuyên úy của Các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp đã theo đề nghị của Hội Đồng Giám Mục Pháp, đề nghị với các đại diện các địa điểm mục vụ cùng học hỏi và trao đổi về Đức Ái dưới ba khía cạnh: Đức Ái trong Cộng Đoàn, Đức Ái trong Gia Đình và Đức Ái trong Xã hội.

Sáng hôm qua chúng ta đã học hỏi với Đức Ông Mai Đức Vinh về thông điệp « Thiên Chúa là Tình Yêu ». Sau trưa hôm qua, chúng ta đã trao đổi cùng Cha Nghiệp và Sơ Lan về Đức Ái trong Cộng Đoàn. Sáng nay, 23.05.2009, theo lời đề nghị của Ban Tuyên Úy, tôi xin chia sẻ cùng quí cha và quí ông bà về đề tài « Bác Ái trong Gia Đình ». Để gợi ý trao đổi về « Bác Ái trong Gia Đình », trong bối cảnh hôm nay, tôi thiết nghĩ mình nên cùng nhau tìm về những tài liệu căn bản trong thánh kinh và thánh giáo để suy nghĩ về hai điểm: Tại sao lại nói về Đức Ái trong gia đình ? Và phải nói đến vấn đề gì khi nói về Bác Ái trong Gia Đình ?

1. Tại sao lại nói về Đức Ái trong gia đình ?

Theo chỗ tôi biết, có lẽ có ba lý do khiến Ban Tuyên Úy Các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp muốn chúng ta cùng nhau « ôn cố nhi tri tân » về Đức Ái Công Giáo trong gia đình. Thứ nhất vì Đức Ái là một trong ba điều căn bản nhất trong đạo công giáo; Thứ hai vì Đức Ái là một trong những diệu pháp có thể hồi phục và cải tiến gia đình; Và thứ ba vì ôn lại và học thêm để thực hiện Đức Ái trong gia đình là cách hay nhất để chuẩn bị cử hành Năm Thánh 2010.

11. Đức Ái là một trong ba điều nền tảng của Đạo Công Giáo

Nền tảng của đạo Công giáo có thể được phân tích theo nhiều khía cạnh khác nhau. Trong thông điệp Thiên Chúa là Tình Yêu, ĐTC Bênêđictô XVI đã đưa ra cái nhìn trách nhiệm hành động. Trong thơ 1 gởi giáo đoàn Corintô, Thánh Phaolô đưa ra cái nhìn ba nhân đức cả. Cái nhìn nào cũng nhận rằng Đức Ái (mà tiếng việt cũng gọi là Đức Mến) là nền tảng.

Trong thông điệp “Thiên Chúa là Tình yêu “, ban hành ngày 25.12.2005, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã xác định rằng: “Bản chất Hội Thánh được thể hiện qua một trách nhiệm có ba mặt: rao giảng Lời Chúa (kerygma-martyria) cử hành các Bí tích (leiturgia), phục vụ bác ái (diakonia). Đó là những trách nhiệm lệ thuộc vào nhau và không thể tách rời nhau được. Việc phục vụ bác ái đối với Hội Thánh không phải là một cách thức hoạt động trợ giúp có thể giao cho người khác, nhưng nó thuộc về bản chất của Hội Thánh, là một biểu lộ bản chất không thể từ bỏ được (1)”. Trách nhiệm này “trước hết là lời đáp trả nhu cầu khẩn cấp trực tiếp trong một hoàn cảnh cụ thể. Phải cho người đói lương thực, người trần truồng quần áo, bệnh nhân phải được chữa trị, phải thăm viếng tù nhân(2)...”. Nhưng “Mỗi ngày chúng ta càng ý thức hơn, có quá nhiều đau khổ trên thế giới do sự thiếu thốn vật chất cũng như tinh thần gây nên, dù cho có nhiều tiến bộ về mặt khoa học và kỹ thuật. Từ đó, ngay trong thời đại chúng ta, đòi hỏi cần có sự sẵn sàng mới mẻ để giúp đỡ người thân cận đang túng quẫn. Công đồng Vatican II đã nói những lời rõ ràng như sau: ''Ngày nay, nhờ những phương tiện truyền thông hoàn thiện hơn, những khoảng cách giữa con người có thể nói là đã vượt qua, [...] hoạt dộng bác ái có thể và phải bao trùm tất cả mọi người và tất cả mọi nhu cầu (3)".

Những lời giảng dậy trên đây của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, đang là đuốc soi cho những sinh hoạt mục vụ của các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp. Thực ra khi bảo rằng: « Việc phục vụ bác ái đối với Hội Thánh không phải là một cách thức hoạt động trợ giúp có thể giao cho người khác, nhưng nó thuộc về bản chất của Hội Thánh, là một biểu lộ bản chất không thể từ bỏ được », Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI không nói gì mới lạ hơn là lời giảng dậy mà thánh Phaolô đã gởi cho giáo đoàn Corintô khi xưa, mà người dịch tiếng việt gọi là Đức Mến: « Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi…. Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến(4).

12. Đức Ái là một trong những diệu pháp có thể hồi phục và cải tiến gia đình

Trong thơ mục vụ về « Môi trường giáo dục gia đình công giáo » (5), viết ngày 05.12.2008, Hội đồng giám mục Việt Nam đã đặc biệt báo động về những khủng hoảng gia đình hiện nay. Các ngài viết: « Là người Việt Nam, chúng ta tự hào về một truyền thống gia đình trên thuận dưới hòa, trong đó lòng hiếu thảo có vị trí quan trọng đối với đời sống gia đình và xã hội. Có thể nói đó là một yếu tố căn bản để con người có thể thành nhân và thành tài.

Nhưng truyền thống tốt đẹp đó đang có nguy cơ bị xói mòn và mai một. Có những gia đình đang trở thành một thứ quán trọ thay vì là tổ ấm yêu thương. Có nhiều người cao tuổi bị con cái bỏ rơi, không nơi nương tựa. Nạn bạo hành gia đình còn khá phổ biến, đặc biệt nhiều phụ nữ chưa được tôn trọng và yêu thương xứng đáng với phẩm giá con người. Tỷ lệ ly hôn ngày càng gia tăng và hậu quả là những trẻ em thất học, trẻ em bỏ nhà đi bụi đời ngày càng nhiều. Những phương tiện thông tin đề cập thường xuyên đến nhiều vụ việc tội phạm mà cả nạn nhân và hung thủ đều là vị thành niên. Phần lớn những em này đều xuất thân từ những gia đình bất hòa, ly tán và đổ vỡ. Cùng với những mâu thuẫn và khủng hoảng gia đình, những con số thống kê cho thấy nạn phá thai càng ngày càng nghiêm trọng, ngay cả nơi những em còn ở độ tuổi học trò. Cùng với những hậu quả tất yếu về thể lý, hành động phá thai đã để lại những vết thương tâm lý thê thảm nơi đương sự và những người có liên quan ».

Sau đó, để chữa trị cái khủng hoảng giáo dục này, Hội Đồng Giám Mục đã đề nghị một số thực hành giáo dục gia đình, « vì gia đình là trường học đầu tiên, nơi hình thành nhân cách và là nơi định hướng cho tương lai của một con người», Các ngài đã đưa ra sáu chiều hướng.

Cùng với chiều hướng thứ nhất là giáo dục đức tin, chiều hướng thứ hai liên quan đến việc giáo dục đức ái là rất quan trọng cho các gia đình. Đức tin và Đức Ái có khả năng hóa giải những khủng hoảng mà cải tiến các gia đình. Các ngài viết:

Với những khủng hoảng gia đình trong xã hội hôm nay, chúng ta cần ý thức rằng từ ban đầu gia đình là cấu trúc của tình yêu và gia đình theo đúng thánh ý Chúa phải tồn tại và phát triển trong tình yêu. Do đó gia đình phải là môi trường giáo dục đặc biệt về tình yêu. Giáo dục đức tin phải đi đôi với giáo dục đức ái. Cần giáo dục tình yêu cho con cái biết yêu thương hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, biết yêu thương kính trọng bà con họ hàng, biết yêu thương và kính trọng mọi người. Cũng cần giáo dục con cái biết yêu thương, tôn trọng, nâng đỡ và hy sinh cho nhau. Con người không biết sống yêu thương trong gia đình thì không thể biết sống yêu thương đúng nghĩa trong các môi trường xã hội. Việc giáo dục tình yêu cần phải kiên nhẫn và nhất là cần đến gương yêu thương giữa cha mẹ, giữa vợ chồng. Gương mẫu của giáo dục tình yêu chính là Thánh Gia, cao hơn nữa chính là gương Chúa Giêsu yêu thương và phục vụ Hội Thánh, yêu thương và hy sinh đến chết vì mỗi người chúng ta. Thật lý tưởng khi mọi thành viên trong gia đình đều cảm nhận sâu xa là mình được mọi người trong gia đình yêu thương và tình yêu của mình được mọi người đón nhận, đáp trả.

Một gia đình lý tưởng như gia đình Thánh Gia, có tình yêu như Chúa Giêsu yêu thương và phục vụ Hội Thánh chỉ có thể có được trong và với Đức Mến, vì: « Ðức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Ðức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả. Ðức mến không bao giờ mất được ». (1 Cor., 13, 4-8)

13. Thực hiện Đức Ái trong gia đình là cách hay nhất để chuẩn bị cử hành Năm Thánh 2010.

Năm 1533, Theo « Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục », vào tháng 3 năm Nguyên Hoà thứ I (1533), một người Âu Châu tên là Inêkhu lén đến truyền giáo ở làng Ninh Cường, huyện Nam Chân và làng Trà Lũ, huyện Giao Thuỷ thuộc giáo phận Bùi Chu, tỉnh Nam Định ngày nay (6). Năm 1533 được các nhà làm sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam coi là năm đầu tiên Công Giáo đi vào xã hội Việt Nam, mở đầu cho thời kỳ gọi là BẢO HỘ, 1533-1659. Kết quả, nhờ sự giảng đạo của các cha Đaminh, Phanxicô và nhất là Dòng Tên, đặc biệt là cha Đắc Lộ, vào năm 1659, Giáo Hội Việt Nam, chưa có giám mục, linh mục, tu sĩ, chủng sinh, nhưng có khoảng 100.000 tín hữu, 20.000 trong Nam và 80.000 ngoài Bắc (7), với 340 nhà thờ (8). Cùng với các thừa sai khác, cha Đắc Lộ đã khai sinh ra Chữ Quốc Ngữ.

Ngày 09.09.1659 ÐTC Alexandre VII ban sắc lệnh thiết lập 2 giáo phận truyền giáo đầu tiên tại Việt Nam: ÐC François Pallu được bổ nhiệm làm Giám Quản Tông Tòa Đàng Ngòai, với quyền cai quản 5 tỉnh Vân Nam, Quí Châu, Hồ Nam, Hồ Bắc và Tứ Xuyên của Trung Quốc và nước Lào; và ÐC Pierre Lambert de la Motte được bổ nhiệm làm Giám Quản Tông Tòa Đàng Trong, với quyền cai quản các tỉnh Chiết Giang, Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây và Đảo Hải Nam của Trung Quốc và gồm luôn cả Chiêm Thành. Từ đây, ngày 09.09.1659 được coi là ngày mở đầu cho thời kỳ thứ hai trong lịch sử truyền giáo ở Việt Nam: thời kỳ TÔNG TÒA (9). Kết quả là 300 năm sau, vào năm 1960, Giáo hội Việt Nam có 17 giáo phận, có 130.000 người tử vì đạo, trong đó 117 vị đã được Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II Tuyên Phong Thánh tại Rôma ngày 19/06/1988, có 23 giám mục, 1.914 linh mục, 5.789 tu sĩ, 1.530 đại và tiểu chủng sinh, có 2.096.540 tín hữu, trên tổng số 29.200.000 dân, chiếm tỷ số 7.17% dân số (10). Số giáo hữu tăng gấp 21 lần. Giáo Hội, dẫu không ngừng bị bách hại bởi chính quyền, đã tạo ra một nền văn học quốc ngữ mới cho Việt Nam, đã tham gia tích cực vào việc xây dựng và cải tiến văn hóa, giáo dục và xã hội cho Việt Nam.

Ngày 24-11-1960, Đức Thánh Cha Gioan XXIII thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam; các giáo phận hiệu toà trở thành CHÍNH TÒA với 3 toà Tổng giám mục ở Hà Nội, Huế và Sài Gòn. Thành lập thêm ba giáo phận Đà Lạt, Mỹ Tho và Long Xuyên trong giáo tỉnh Sài Gòn. Số các giáo phận tăng lên thành 20: 10 ở giáo tỉnh Hà Nội, 4 ở giáo tỉnh Huế và 6 ở giáo tỉnh Sài Gòn. Sau 60 năm Chính Tòa (1960-2010), « Tính đến 31-12-2007, Giáo hội Công giáo Việt Nam có 26 giáo phận: 10 ở Giáo tỉnh Hà Nội, 6 ở Giáo tỉnh Huế và 10 ở Giáo Tỉnh TP-HCM, 2 Hồng y, 2 Tổng Giám mục, 38 giám mục, 3.510 linh mục, 14.968 tu sĩ nam nữ, 6.087.659 tín hữu trên tổng số 85.154.900 người, chiếm 7,15% dân số. Trong gần 50 năm qua, GHCGVN đã có thêm 6 giáo phận mới, số tín hữu tăng gấp 3, số linh mục tu sĩ tăng gấp đôi » (11).Giáo dân Việt Nam có một tâm thức mới: ý thức rõ rệt mình là việt nam công giáo, dấn thân tham gia trách nhiệm xây dựng quốc gia dân tộc, thậm chí dám đương đầu với các bạo lực bất công thế quyền, để bảo vệ và phát triển chân lý và công bình xã hội, mở rộng nhân bản trên nền tảng Tin Mừng.

Nhưng tỷ số sút 0.02%. Đây là một vấn đề lớn mà Giáo Hội Việt Nam hôm nay phải đặt ra cho mình. Kết quả truyền giáo chẳng những không tăng, mà còn giảm, tại sao ?

Ngày 27.03.2008, Đc Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Chủ tịch HĐGMVN đã phê chuẩn « Nội quy Cộng đồng Dân Chúa Việt Nam cử hành NĂM THÁNH 2010 ». Theo bản nội qui này, khoản 2 nói về mục đích và khoản 5 nói về tính chất và mục đích của Đại Hội vạch rõ cho chúng ta thấy rằng một trong những cách hay nhất để chuẩn bị cử hành năm thánh 2010 là thực hiện Bác Ái.

Về Mục Đích, việc cử hành Năm Thánh 2010 nhằm:

(1) Nhìn lại quãng đường lịch sử gần 500 năm truyền giáo qua 3 thời kỳ: 126 năm Bảo Hộ (1533-1659), 300 năm Tông Toà (1659-1960), đặc biệt là 50 năm Chánh Toà (1960-2010). Nhìn lại lịch sử nhằm mời gọi cộng đồng Dân Chúa Việt Nam cùng chung lòng tạ ơn Chúa đã thương ban cho Dân Người được hình thành, tồn tại và phát triển qua những thăng trầm của lịch sử, đồng thời bày tỏ lòng biết ơn đối với Toà Thánh và các bậc tiền nhân đã góp phần tích cực vào việc loan Tin Mừng và xây dựng Giáo Hội trên đất nước Việt Nam.

(2) Nhìn lại lịch sử cùng với những thẩm định về đời sống Giáo Hội nhằm rút ra những bài học lịch sử cho việc thi hành sứ vụ yêu thương và phục vụ của Chúa Kitô, trong cộng đồng dân tộc cũng như cộng đồng thế giới hôm nay.

(3) Đồng thời cũng nhìn tới tương lai trong bối cảnh văn hoá xã hội đang đổi thay của những thập niên đầu thiên niên kỷ III, nhằm vận động cộng đồng Dân Chúa một lòng quyết tâm đáp trả tình thương của Chúa, và làm mới hình ảnh gia đình Giáo Hội tại Việt Nam theo hình mẫu mà Công đồng Vatican II 1965 đã phác hoạ như sau:

Giáo Hội hiệp thông: đào sâu mối hiệp thông giữa cộng đoàn tín hữu với Thiên Chúa trong Đức Kitô nhờ Chúa Thánh Thần, củng cố sự hiệp thông giữa các thành phần Dân Chúa, giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân, trong mỗi Giáo Hội địa phương, hiệp thông giữa các Giáo Hội địa phương với nhau cũng như với Giáo Hội toàn cầu;

Giáo Hội tham gia: mọi thành phần Dân Chúa, giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân, đều có quyền và trách nhiệm tham dự vào mầu nhiệm, hiệp thông và sứ vụ của Giáo Hội, mỗi thành phần theo đặc sủng của mình;

Giáo Hội vì loài người: quyền bính và sứ vụ của Giáo Hội là quyền và trách nhiệm yêu thương và phục vụ cho sự sống của mọi người anh em đồng bào và đồng loại (12).

Về tính chất và mục đích của Đại Hội, HĐGMVN xác định r ằng:

(1) Đại hội Dân Chúa Việt Nam là cơ hội cho HĐGM kêu gọi mọi thành phần Dân Chúa chung lòng chung sức với Hàng Giáo phẩm xây dựng một Giáo Hội hiệp thông, Giáo Hội tham gia và Giáo Hội vì loài người, nhằm tạo thuận lợi cho việc thi hành cách có hiệu quả hơn sứ vụ yêu thương và phục vụ của Chúa Kitô, trong cộng đồng dân tộc cũng như cộng đồng thế giới hôm nay.

(2) Đại hội Dân Chúa Việt Nam không những nhằm thể hiện sự hiệp thông trong Giáo hội Công giáo tại Việt Nam, song còn nhằm cổ vũ mọi thành phần trong Cộng đồng Dân Chúa Việt Nam tại các châu lục, linh mục, tu sĩ, giáo dân, tích cực tham gia thi hành sứ vụ của Giáo Hội vì sự sống của mọi người anh em đồng bào và đồng loại.

Tối ngày thứ tư, 11/06/2008, từ 19g00 đến 22g30, C ộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp và Paris đã được hân hạnh tiếp đón ĐHY Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn để nghe Ngài nói chuyện về việc CỬ HÀNH NĂM THÁNH 2010 tại Việt Nam. Trong cuộc gặp gỡ này, trước sự hiện diện của một số Cha Tuyên Úy, trong đó có cha Tổng Tuyên Úy Hà Quang Minh, một số ý kiến đã được các đại diện đưa ra, trong đó có 3 điều hứa:

• Sự gắn bó của giáo dân việt nam tại Pháp với Giáo Hội Việt Nam, sẵn sàng tham dự và đóng góp vào các chương trình nghiên cứu lịch sử giáo hội, chuẩn bị và sinh hoạt năm thánh 2010.

• Chúng con sẽ tổ chức học hỏi về Giáo Hội Việt Nam và về năm thánh 2010 cho các linh mục, tu sĩ và giáo dân, đặc biệt là giới trẻ tại Pháp.

• Xin hứa đóng góp tài chánh vào việc tổ chức năm thánh 2010.

Trong khóa họp thứ 13 của Ban Mục Vụ Trưởng Thành này, chọn một đề tài nền tảng là Đức Ái trong Gia Đình để cùng nhau trao đổi và chia sẻ, phải chăng các cha tuyên úy đã muốn giữ lời hứa là « học hỏi về Giáo Hội Việt Nam và về Năm Thánh 2010 ? Đồng thời các ngài cũng muốn bày tỏ sự đồng ý của các ngài với HĐGMVN mà nói rõ rằng thực hiện Đức Ái và đặc biệt Đức Ái trong gia đình là cách hay nhất để chuẩn bị cử hành Năm Thánh 2010.

2. Phải nói cái gì về Đức Ái trong Gia Đình ?

Theo tôi nghỉ, Đức Ái, vì là điều căn bản trong đạo, ai cũng đã nhiều ít biết, nên, nếu muốn ôn lại để học mới, cũng phải duyệt qua những điều căn bản. Tôi có ý nói đến hai khía cạnh mà chúng ta không thể quên khi nghĩ đến Bác Ái trong Gia Đình: Là gì ? Và phải được thực hiện sa sao ?

21. Bác Ái trong gia đình là gì ? Đâu là những biểu lộ chính yếu của Đức Ái trong Gia Đình ?

Câu hỏi này thoạt nghe thì có vẻ bình thường. Nhưng khi hiểu được lời dậy bảo của HĐGMVN rằng Với những khủng hoảng gia đình trong xã hội hôm nay, chúng ta cần ý thức rằng từ ban đầu gia đình là cấu trúc của tình yêu và gia đình theo đúng thánh ý Chúa phải tồn tại và phát triển trong tình yêu « (Thơ mục vụ 2008) thì câu hỏi trở thành vô nghĩa. Lý do đơn giản vì « Bác Ái là bản chất, là nền tảng của gia đình ».

Câu hỏi có lẽ nên đặt khác đi rằng « Đâu là những biểu lộ chính yếu của Đức Ái trong gia đình » ? hay « Đặt nền tảng trên tình thương, trên Đức Ái, gia đình phải được mô tả thế nào » ?

Ca dao việt nam định nghĩa hôn nhân gia đình bằng một câu thơ vắn gọn, nhưng súc tích rằng:

« Vợ chổng là nghĩa tào khang,
Chồng hòa vợ thuận, nhà thường yên vui.
Sinh con mới ra thân người,
Làm ăn thịnh vượng đời đời ấm no ».

Giáo lý Công giáo đi xa và rộng hơn, đã mô tả bản chất của gia đình và gia đình công giáo như sau:

Bản chất của gia đình (GLCG, 2001-2003)

• Tình yêu vợ chồng và việc sinh sản con cái tạo ra những tương quan nhân vị và những trách nhiệm hàng đầu, giữa những phần tử trong gia đình.
• Vợ chồng và con cái tạo thành một gia đình.
• Các phần tử trong gia đình đều bình đẳng về nhân phẩm.

Gia đình Ki-tô giáo (GLCG, 2004-2007)

• "Gia đình Ki-tô giáo bày tỏ và thể hiện một cách đặc biệt sự hiệp thông trong Hội Thánh vì lẽ đó... phải được coi là một "Hội Thánh tại gia"
• Gia đình Ki-tô giáo là một hiệp thông nhân vị là dấu chỉ và hình ảnh của sự hiệp thông giữa Chúa Cha và Chúa Con trong Chúa Thánh Thần. Việc sinh sản và giáo dục con cái phản ánh công trình sáng tạo của Chúa Cha. Gia đình được mời gọi tham dự vào sự cầu nguyện và hy tế của Ðức Ki-tô. Kinh nguyện hằng ngày và chăm đọc Lời Chúa củng cố đức mến trong gia đình. Gia đình Ki-tô giáo mang sứ mạng loan báo Tin Mừng truyền giáo.
• Gia đình là một cộng đoàn ưu việt được mời gọi để thực hiện "sự đồng tâm nhất trí giữa vợ chồng và sự ân cần cộng tác của cha mẹ trong việc giáo dục con cái".

22. Bác Ái trong gia đình phải được thực hiện thế nào ?

Là bản chất và nền tảng của Gia Đình, Đức Ái là sợi dây ràng buộc mọi thành phần trong gia đình với nhau, tạo nên những bổn phận.

Bổn phận con cái (GLCG, 2214-2220)

• "Hãy hết lòng tôn kính cha con, và đừng quên ơn mẹ đã mang nặng đẻ đau.
• Lòng hiếu thảo được bày tỏ qua sự ngoan ngoãn và vâng phục chân thành.
• Bao lâu còn chung sống với cha mẹ, con cái phải tuân giữ mọi điều cha mẹ dạy, vì lợi ích của mình và của gia đình.
• Khi trưởng thành, con cái vẫn phải tôn kính cha mẹ, biết đón trước ý muốn của các ngài, sẵn sàng bàn hỏi và chấp nhận những lời khuyên cáo đúng đắn của cha mẹ.
• Những người con đã trưởng thành biết trách nhiệm của họ đối với cha me, về vật chất cũng như tinh thần, khi các ngài già yếu, bệnh tật, cô đơn hay hoạn nạn.
• Lòng hiếu thảo tạo bầu khí thuận hòa trong đời sống gia đình, ảnh hưởng đến các mối tương quan giữa anh chị em.
• Các Ki-tô hữu còn phải biết ơn những kẻ đã giúp mình lãnh nhận đức tin, ân sủng bí tích Thánh Tẩy và đời sống trong Hội Thánh. Những người này có thể là cha mẹ, ông bà, những phần tử khác của gia đình, các vị mục tử, giáo lý viên, thầy cô giáo hay bạn bè.

Bổn phận của cha mẹ (GLCG, 2221-2231)

• Tình yêu vợ chồng không chỉ triển nở qua việc sinh con, mà còn qua việc giáo dục đời sống luân lý và tâm linh cho chúng nữa.
• Cha mẹ phải xem con cái như những người con của Thiên Chúa và tôn trọng chúng như những nhân vị.
• Cha mẹ là những người đầu tiên có trách nhiệm giáo dục con cái. Họ thể hiện trách nhiệm này qua việc xây dựng một mái ấm gia đình dựa trên tình âu yếm, lòng tha thứ, tôn trọng lẫn nhau, chung thủy và tinh thần phục vụ vô vị lợi.
• Gia đình là môi trường tự nhiên để chuẩn bị con người sống tình liên đới và nhận các trách nhiệm trong cộng đồng. Cha mẹ phải dạy cho con cái biết tránh những thái độ thỏa hiệp và sa đọa đang đe dọa xã hội loài người.
• Nhờ ơn bí tích Hôn Phối, cha mẹ nhận trách nhiệm và đặc quyền giáo dục đức tin cho con cái. Cha mẹ phải giáo dục đức tin cho con cái ngay từ tuổi ấu thơ. Cha mẹ có sứ mạng dạy cho con cái biết cầu nguyện và khám phá ra ơn gọi làm con Thiên Chúa
• Con cái cũng góp phần giúp cho cha mẹ sống thánh thiện. Mọi người và mỗi người phải biết quảng đại và sẵn sàng tha thứ cho nhau khi gặp những xúc phạm, gây gỗ, bất công và thiếu quan tâm.
• Khi con cái còn nhỏ, cha mẹ tôn trọng và yêu thương chúng qua việc chăm sóc và lưu tâm dưỡng dục, đáp ứng những nhu cầu thể xác và tâm linh của chúng. Khi chúng lớn lên, cha mẹ tôn trọng và tận tụy giáo dục con cái biết sử dụng lý trí và tự do.
• Cha mẹ là những người đầu tiên có trách nhiệm giáo dục con cái, nên có quyền chọn lựa cho con cái một trường học theo ý mình.
• Khi đến tuổi trưởng thành, con cái có bổn phận và có quyền chọn lựa nghề nghiệp và bậc sống. Cha mẹ phải tránh ép buộc con cái trong việc chọn nghề, cũng như trong việc chọn người bạn đời.
• Có những người không lập gia đình để chăm sóc cha mẹ, anh chị em, hoặc để dồn hết tâm trí vào một nghề nghiệp hay một lý do cao đẹp khác. Họ có thể góp phần lớn lao vào lợi ích của gia đình nhân loại.

LỜI KẾT

Qua những nét chính yếu mà chúng ta vừa trao đổi với nhau, ba lý do thúc đẩy chúng ta chia sẻ cùng nhau về Đức Ái trong Gia đình vì: Thứ nhất, Đức Ái là một trong ba điều căn bản nhất trong đạo công giáo chúng ta; Thứ hai, Đức Ái là một trong những diệu pháp có thể hồi phục và cải tiến gia đình; Và thứ ba, ôn lại và học thêm để thực hiện Đức Ái trong gia đình là cách hay nhất để chuẩn bị cử hành Năm Thánh 2010.

Và khi cùng nhau ôn lại Đức Ái trong Gia đình, thì một điều hiển nhiên hiện ra trong tâm trí ta là Đức Ái vừa là gốc rễ vừa là bản chất của Gia Đình.

Theo truyền thống văn hóa việt nam, thì Đức Ái Gia Đình là tào khang, là hòa thuận, là sinh con, là dậy dỗ chúng, là làm ăn lo lắng cho gia đình được ấm no. Đặc biệt con cái phải hiếu thảo với cha mẹ, ông bà, tổ tiên.

Theo truyền thống văn hóa công giáo, một cách tổng quát thì « Đức Ái thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Ðức Ái tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả. Ðức Ái không bao giờ mất được.

Con cái thì tôn kính, ngoan ngoãn, vâng lời, giúp đỡ, phụng dưỡng cha mẹ ông bà và thương yêu đùm bọc nhau.

Cha mẹ thì sinh con, nuôi dưỡng và giáo dục chúng trong Đức Tin và Đức Ái, mà không quên tôn trọng chúng như những nhân vị; khi chúng lớn thì không ép buộc trong những chọn lựa nghề nghiệp và bậc sống.

Những hiểu biết, tâm tình, chúng ta không giữ một mình, nhưng chúng ta chia sẻ cùng nhau. Trong ý tưởng này, tôi đề nghị chúng ta chia nhau thành sáu nhóm nhỏ. Mỗi nhóm cùng nhau, như một, xây dựng một « Dự án Đức Ái trong Gia Đình »,

Dự án là một dự tính cho tương lai, với mục đích, kết quả muốn đạt được và chương trình thực hiện với những việc phải làm và những phương pháp, những dụng cụ phải có để thực hiện tốt được những kết quả mong muốn. Nhưng tương lai là cái tiếp tục, cái nối dài của hiện tại. Bởi vậy, muốn cho dự án được cụ thể, khả thi và hữu hiệu, dự án phải được xây dựng với những dữ kiện của hoàn cảnh hiện tại và những nguyên nhân đưa đến tình huống hiện tại này.

http://vietcatholic.org/pics/90526giadinh.jpg

Theo phương pháp ‘Bánh xe Deming’, mỗi công việc đều được quản lý xoay vòng theo chiều bánh xe 4 giai doạn này: Dự án (to plan), thực hiện (to do), kiểm soát (to check) và thăng tiến (to act). Ở giai đoạn thứ nhất, giai đoạn dự án, 4 việc phải làm là: 1. nhận ra những tình huống thực tại, những tình huống khách quan, cụ thể và có tầm vóc quan trọng; 2. phân tích những nguyên nhân khác nhau của những tình huống ấy; 3. xác định những mục tiêu mới muốn đạt với những kết quả cụ thể có thể nhận ra và đo lường được; 4. phác thảo một chương trình làm việc với những việc phải làm, những phương tiện nhân sự, vật liệu, phương pháp, dụng cụ và thời biểu rõ rệt. Ở việc phải làm thứ hai là phân tích nguyên nhân, xin giới thiệu 2 phương pháp: phương pháp sơ đồ Ishikawa để tìm rộng các nguyên nhân. Phương pháp cây nguyên nhân để đào sâu các nguyên nhân.

Và sau đây, xin đề nghị sáu đề tài để sáu nhóm thảo luận, hoặc xây dựng dự án:

Nhóm 1: Dự án « Cải tiến Đức Ái bất toàn từ chồng đến vợ ».
Nhóm 2: Phải tôn trọng con cái trong đức ái, tại sao ? thế nào ?
Nhóm 3: Dự án « Cải tiến Đức Ái bất toàn từ vợ đến chồng ».
Nhóm 4: Bái ái gia đình có phải là bằng mọi cách làm đẹp lòng người ta, chiều chuộng, nịnh bợ, tùng phục, mà bất chấp sự thật ? bất chấp công bình ? bất chấp đạo lý ?
Nhóm 5: Dự án « Cải tiến Đức Ái bất toàn từ cha mẹ đến con cái ».
Nhóm 6: Dự án « Cải tiến Đức Ái bất toàn từ con cái đến cha mẹ ».

Chúc mỗi nhóm thàng công trong dự án nhóm mình. Chúc mỗi vị thành công trong dự án riêng.

Orsay, ngày 23 tháng 05 năm 2009

Ghi chú
(1) ĐGH Bênêđictô XVI, Thông điệp “Thiên Chúa là Tình Yêu”, 25.12.2005, khoản 25. a
(2) Ibidem, 31a
(3) Ibidem, 30a
(4) 1 Cor., 13, 1-13
(5) HĐGMVN, http://v3.hdgmvietnam.org/Default.aspx?tabid=75&ctl=ViewArticleDetail&mid=431&ArticlePK=316
(6). Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, q. XXXIII, tập II, tr.301, Viện Sử học, NXB Giáo dục 1998
(7) HĐGMVN, Giáo hội Công giáo Việt Nam, Niên giám 2004, tr. 189
(8) Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ quốc ngữ, Sài Gòn: Đường mới, 1972, tr. 129
(9) Trần Văn Cảnh, http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=module2&v=detailarticle&id=13&ia=641
(10) HĐGMVN, sđd, tr. 199
(11) Lm Nguyễn Ngọc Sơn http://www.vietcatholic.org/News/Clients/ReadArticle.aspx?ID=65180
(12) http://v3.hdgmvietnam.org/Default.aspx?tabid=155&ctl=ViewArticleDetail&mid=441&ArticlePK=89


Trần Văn Cảnh