PDA

View Full Version : Những cách giáo dục phản cảm trong nhà trường



dominico_dung
29-05-2009, 11:52 AM
Những cách giáo dục phản cảm trong nhà trường




Sỉ nhục học sinh trước lớp, chỉ cho phép tắm trong 7 phút, quá giờ là ăn roi, dùng điểm số làm công cụ phạt những em không làm vừa lòng... là tình trạng khá phổ biến trong nhiều trường học hiện nay.
Trong một lần cúi xuống gầm bàn để lấy cây bút, một học sinh nữ của trường PTTH tại TP HCM bị cô giáo ví "như là chó". Bạn bè trêu chọc. Từ đó cô bé mắc bệnh trầm cảm buộc gia đình quyết liệt đòi chuyển trường cho con.
Đây là một trong những tình huống vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề giáo mà Bộ giáo dục phải vào cuộc tìm hiểu, được ông Đỗ Quốc Anh, Giám đốc cơ quan đại diện Bộ giáo dục đào tạo tại TP HCM đưa ra trong buổi hội thảo về bạo hành nhà trường ngày 27/5 do Trung tâm tư vấn tâm lý FDC và Viện nghiên cứu Giáo dục tổ chức.
Bà Lê Thúy Hòa, hiệu trưởng trường PTTH tư thục Nguyễn Thái Bình lại đưa ra trường hợp bạo hành khác với học sinh ở một trường nội trú. Theo đó, trường này đưa ra quy định, mỗi học sinh chỉ được phép tắm trong vòng 7 phút, nếu em nào quá thời gian sẽ bị giám thị đánh bằng roi. Bà Hòa cho biết thêm, thậm chí có những trường còn chủ trương sắp roi để "giáo dục" học sinh.
Trong tình huống khác, trước hàng chục học sinh trong lớp, cô giáo lớn tiếng sỉ nhục một em về chuyện học tập: "Mày học lớp 7 mà thua con tao học lớp 3". Hay như chuyện giáo viên tại một trường THCS bắt một học sinh 13 tuổi đứng trước lớp giải thích "thế nào là cave", khiến nữ sinh cảm thấy xấu hổ và bị bạn bè trêu chọc.
Theo bà Phan Thanh Minh, đại diện Sở Lao động Thương binh và Xã hội, đây là hình thức sỉ nhục, bạo lực trong học đường. Mặc dù không xâm phạm đến thân thể các em, song những cách giáo dục đó lại làm tổn thương nghiệm trọng đến tâm hồn trong sáng của học sinh. "Những câu nói này tưởng như không phải là bạo lực nhưng thực ra lại ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý, nhận thức của trẻ và cả niềm tin của các em với thầy cô giáo", bà Minh phát biểu.


http://vnexpress.net/Files/Subject/3B/A0/F7/37/hocsinh.jpg


Sự gần gũi và quan tâm của phụ huynh, thầy cô giáo là điều cần thiết giúp giới trẻ phát triển một nhân cách tốt.
Ảnh: Tiến Dũng



Các chuyên gia tâm lý và nhà nghiên cứu phát triển cho biết, tình trạng bạo hành với trẻ em trong nhà trường không chỉ biểu hiên ở hành vi đánh đập, phơi nắng, tát vào mặt, gõ đầu... mà còn được thể hiện trong thái độ đe dọa, sỉ nhục về mặt tinh thần. Đặc biệt tình trạng bạo hành bằng công cụ điểm số cũng là một biểu hiện tồn tại trong nhà trường.
"Những học sinh không đi học thêm tại nhà thầy cô, hoặc do không có cảm tình xuất phát từ thái độ, tác phong của học sinh... nhiều giáo viên đã đánh vào kết quả học tập của các em. Đây cũng là một hình thức của nạn bạo hành học sinh trong nhà trường", ông Quốc Anh cho biết.
Cũng theo vị này, tình trạng bạo lực trong học đường hiện nay mặc dù chưa phổ biến nhưng với những vụ việc xảy ra trong thời gian qua, cũng đã đến mức báo động đối với gia đình, nhà trường và xã hội. Theo số liệu thống kê của Bộ, trong năm học 2008, cả nước có 20 vụ bạo hành nghiêm trọng xảy ra ở các địa phương, trong đó Hà Nội có 5 vụ, TP HCM 3 vụ. Số giáo viên vi phạm đạo đức nghề giáo là 46 trường hợp, 9 giáo viên đã bị buộc phải thôi dạy.
Sức ép về chương trình giảng dạy, sai lệch về quan niệm "thương cho roi cho vọt", sự tác động của môi trường xã hội, thiếu phương pháp sư phạm... là những yếu tố được các chuyên gia cho là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo hành đối với trẻ em và học sinh.
Theo phó viện trưởng viện nghiên cứu phát triển TP HCM, tiến sỹ Nguyễn Thị Hậu, những hậu quả đáng tiếc của nạn bạo hành nói chung không chỉ là sự đau đớn tổn thương về thể xác mà còn là những sang chấn tâm lý mạnh cần phải điều trị lâu dài, thậm chí dẫn đến việc các em tự giai thoát cho mình bằng cách chọn cái chết.
"Ở một mức độ nào đó, bạo lực chính là sự bất lực của người lớn với trẻ em trong cách ứng xử giải quyết mâu thuẫn. Trang bị tốt cho các em về kỹ năng sống, giáo dục các em bằng tình yêu thương và sự quan tâm, là giải pháp tốt nhất cho sự phát triển nhân cách của các em", bà Hậu chia sẻ.
Tình trạng bạo hành trong học đường không chỉ dừng lại ở việc người lớn với trẻ em, mà ngay cả các em học sinh cũng có hành vi bạo hành với nhau. Đặc biệt là các học sinh nữ. "Ngày nay, chuyện các học sinh nữ hung bạo với nhau cũng là hiện tượng đau lòng và nhiều thầy cô giáo cảm thấy bất lực", bà Minh nhìn nhận.

Bình Nguyên
(Theo: http://vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2009/05/3BA0F737/)

Guilenguyen
29-05-2009, 05:07 PM
Đây là những hành động đi trái với đạo đức nghề nghiệp, họ không xứng đáng làm người dạy dỗ thế hệ tương lai. Chúng ta cần lên án và pháp luật phải xử lý khắt khe đối với nạn bạo lực học đường ngày càng gia tăng trong xã hội này.