PDA

View Full Version : LA VA – CUỘC HÀNH TRÌNH ĐỨC TIN NHIỀU GIAN KHÓ



Damsan
01-06-2009, 09:09 PM
LA VA – CUỘC HÀNH TRÌNH ĐỨC TIN NHIỀU GIAN KHÓ
Chúng tôi tới bản La Va vào một buổi trưa hè. Cái nóng của vùng Tây Bắc phả vào mặt nghe rát rạt.La Va là một bản người H’Mông Công giáo. Muốn tới La Va phải qua trung tâm Xã Phiêng Cầm, Huyện Mai Sơn, Tỉnh Sơn La.

http://dcctvn.net/images/paulpic/060109lava(5).jpg

Đường vào La Va quanh co, uốn lượn, nép mình bên những nương ngô. Mùa này đang mùa gieo hạt. Những vạt đồi đỏ ối, đón nắng khiến núi rừng loang lổ những vết thương. Bên nương ngô, những cô gái dân tộc, váy hoa sặc sỡ, bước chân đều, đôi tay thoắt nhẹ thả vào lòng đất những hạt ngô ươm vàng. La Va khác với các bản làng người H’Mông khác thường ở trên núi cao. Họ ở ngay gần một thung lũng có suối nước trong. Xung quanh bản vẫn còn những vạt rừng nguyên sinh với cây rừng và những loài thú nhỏ. Thường ngày, con trai trong bản vẫn lên rừng săn thú. Các cô gái lên nương rẫy cỏ, trồng ngô. Cuộc sống êm đềm, nhưng không kém phần vất vả.

http://dcctvn.net/images/paulpic/060109lava(2).jpg

Cả bản có 11 nóc nhà, với hơn 100 nhân khẩu. Đây là một bản công giáo toàn tòng. Việc họ theo đạo là cả một câu chuyện lạ lùng. Cách đây khoảng gần 20 chục năm, khi ấy, người La Va dựng làng ngay bên triền dốc sát mép nước của con suối rừng. Năm ấy, cả bản La Va hứng chịu một cơn đại dịch. Người trong bản lần lượt qua đời mà không hiểu nguyên do. Cứ thế, gia đình nào cũng có người chết. Người người đồn đại dân bản bị con ma xó nó rình. Hoảng sợ, họ tìm đến các thầy Mo để cúng con ma đang ám hại dân làng.

http://dcctvn.net/images/paulpic/060109lava(6).jpg


http://dcctvn.net/images/paulpic/060109lava(7).jpg

Người không tin con ma thì mang người thân đi cấp cứu, nhưng người thân cứ tiếp tục từ giã họ hàng ra đi. Trong hoàn cảnh bức bách, hoảng sợ, họ nghe trên Radio những câu chuyện về Mẹ Chúa Trời, về những sự lạ Mẹ đã làm và nghe đồn rằng, cứ theo đạo Đức Bà thì cả nhà sẽ khỏi. Thế là họ cầu khẩn Bà Trời, xin Người rủ thương cứu giúp. Lạ lùng thay, cơn đại dịch qua ngay. Năm ấy, dân làng được giác ngộ. Ông trưởng bản rời làng đi tầm đạo, rồi đem cái đạo về làng truyền lại cho bà con. Cũng năm ấy, không hiểu vì lý do gì, họ rời làng sang bên kia triền núi, lên chỗ ở hiện nay.
Người đời thường bảo: “Trong cái rủi có cái may”. Người La Va may mắn được biết Chúa qua cái rủi chết người.


http://dcctvn.net/images/paulpic/060109lava(8).jpg


http://dcctvn.net/images/paulpic/060109lava(4).jpg


Nhưng sự đời thì lại chẳng thể lường trước. Từ ngày theo đạo, họ phải đối diện với quá nhiều khó khăn. Đại dịch vừa qua, nhân tai lại đến. Nghe dân bản theo đạo, chính quyền huyện Mai Sơn tức tốc cử cán bộ xuống thị uy. Họ dựng giữa bản một ngôi trường, lấy lý do giáo dục, nhưng thực chất đây là một trạm biên phòng, với một người thầy mà nhiệm vụ duy nhất là để tuyên truyền người dân bỏ đạo và bài học đầu tiên luôn là: “Không được bỏ tục lệ thờ ma, đó là văn hóa”(?).

http://dcctvn.net/images/paulpic/060109lava(3).jpg


http://dcctvn.net/images/paulpic/060109lava(1).jpg

Ai lên Sơn La sẽ hiểu tục thờ ma thế nào? Theo tập tục của người H’Mông Tây Bắc, gia đình nào có người chết thì phải treo xác chết lên góc nhà chờ người thân từ xa về đông đủ mới được đem chôn. Gia đình có bao nhiêu người con thì phải mổ bấy nhiêu con trâu hoặc con bò để đãi khách. Có nhà phải mổ chín, mười con trâu và phải để xác chết ở góc nhà cả tuần lễ để đợi người thân từ xa về.

Nếu không làm thế họ sợ con ma bắt thì ít mà sợ sự chống đối của dân làng thì nhiều. Người H’Mông Sơn La nghèo một phần cũng vì hủ tục lạc hậu ấy.Người La Va theo đạo, giống như mọi bản làng công giáo khác, họ bỏ tục thờ Ma. Chính quyền Mai Sơn – Sơn La, thay vì ủng hộ thì lại tìm cách đưa hủ tục thờ ma về lại bản làng. Họ hạ bàn thờ Chúa xuống, dựng bàn thờ ma lên. Nhiều lần như vậy.

Người dân La Va vẫn kiên trì, vì họ quá xác tín vào tình thương của Chúa và sự cứu giúp của Đức Mẹ. Họ bảo: “Ơn Chúa lớn quá, không thể khác được”. Họ nhất quyết bỏ tục thờ ma và giờ đây, cơn nhân tai cũng đã tạm qua khi những bàn thờ thờ ma không còn hiện diện trong nhà họ, nhường chỗ cho một niềm tin nhiều hy vọng.

Hôm chúng tôi đến La Va, trong căn nhà sàn ván gỗ đơn giản, cả trăm con người đang cất tiếng cầu kinh. Tiếng nguyện cầu trong vắt, thánh thót như tiếng họa mi của núi rừng. Lời kinh êm ái, dịu ngọt, lúc bẩm, lúc trầm.

Lời kinh vang giữa trưa hè, vọng trong thung lũng giữa cảnh núi rừng quả là đẹp, nó gợi nhớ bài thánh vịnh năm nào, giữa cảnh đời lữ thứ, Dân Chúa ngước nhìn Trời:
“Tôi ngước măt nhìn lên rặng núi,
Ơn phù hộ tôi đến tự nơi nao?
Ơn phù hộ tôi đến từ Đức Chúa,
Là Đấng dựng nên cả đất trời”
(TV 120,1).

Người dân La Va từ ngày theo đạo chỉ biết nhờ Trời và cầu Trời phù hộ. Họ đã không phải đơn độc trong cuộc chiến giữ vững niềm tin. Chúa đã đến với họ, đã đi với họ và sẽ mãi ở cùng họ. Họ đã là dân của Chúa và chẳng có thế lực nào có thể tước họ khỏi tay Người.Chúng tôi rời La Va khi mặt trời chuẩn bị xuống núi. Những tia nắng cuối ngày trải vàng trên khắp nương đồi. La Va đang hồi sinh. Đức tin đang nẩy nụ. Chỉ có một điều họ vẫn đang là những con chiên lạc, tất bạt giữa núi rừng Tây Bắc mù sương.
5/2009
Lm. Nam Phong, C.Ss.R
Dcctvn.net