PDA

View Full Version : Ngoại Thư - Có Phải Công Giáo thêm Sách vào Thánh Kinh Không?



vũng_nước
02-06-2009, 10:15 AM
18.08.2007 04:05


Người Công Giáo, Chính Thống và Tin Lành đều tin rằng Thánh Kinh là Lời Chúa. Nhưng Thánh Kinh của Tin Lành ít hơn Thánh Kinh của Công Giáo 7 cuốn, vì Lutherô đã lấy 7 cuốn ấy ra khỏi quy điển của ông trong thời Cải Cách. Vì thế người Tin Lành thay vì kết án Lutherô là đã tự ý bỏ 7 cuốn sách ra khỏi Thánh Kinh thì lại kết án Hội Thánh Công Giáo là cho thêm 7 cuốn sách này vào Thánh Kinh. Họ quên rằng nh74ng cuốn sách này không những chỉ có trong quy điển của Công Giáo mà còn có trong quy điển của các Hội Thánh Đông Phương là Chính Thống Giáo.



Ngoại Thư?




Nếu người nào bỏ bớt những lời trong sách tiên tri này, Thiên Chúa sẽ cất đi phần của ngưới đó được hưởng nơi cây Sự Sống và trong Thành Thánh, như đã được mô tả trong sách này.
Khải Huyền 22:19





Tất cả các Kitô hữu - Công Giáo, Chính Thống và Tin Lành - đều đồng ý rằng các Sách trong Thánh Kinh đều được linh hứng, là Lời Chúa được ghi chép lại, nhưng bất đồng về những sách được liệt kê trong Thánh Kinh . Ðặc biệt là chúng ta không đồng ý về quy điển của Cựu Ước - danh sách những sách được linh hứng bởi Thiên Chúa. Quy Ðiển Cựu Ước của Công Giáo có các sách - Tôbia, Bà Giuđít, Khôn Ngoan, Huấn Ca, Barúc, Maccabê I và II - cùng những phần của sách Étte và Ðaniên là những sách không có trong Cựu Ước của Tin Lành. Người Tin Lành không chấp nhận những sách này là được linh hứng bởi Thiên Chúa và gọi các sách này là "Ngụy Kinh".

Nhiều khi người Tin Lành dùng vấn đề này để hạ giá Hội Thánh Công Giáo. Thí dụ như ông John Ankerberg vá John Weldon viết trong sách, Sự Thật về Công Giáo Rôma:
Ðạo Công Giáo dạy rằng Kinh Thánh gồm nhiều hơn qui điển được người Do Thái, Chúa Giêsu và Hội Thánh ở bốn thế kỷ đầu tiên chấp nhận, thí dụ, 39 sách trong Thánh Kinh của Tin Lành. [A&W, trang 33)
Như thế họ đã tố giác rằng Hội Thánh Công Giáo thêm sách vào Cựu Uớc mà Chúa Giêsu đã dùng.
Ðúng là người Tin Lành có cùng một quy điển Cựu Ước như người Do Thái ngày nay; tuy nhiên, trong thời Chúa Giêsu thì tình trạng lại khác. Người Do Thái trước thế kỷ thứ hai sau Công Nguyên xem ra chưa có một quy điển Cựu Ước chắc chắn. Học giả Thánh Kinh Tin Lành James King West viết:
Như thế Thánh Kinh của đạo Do Thái không phải là những bản văn được quy định nột cách chính xác và phân biệt tuyệt đối khỏi những văn phẩm khác, nhưng là một khối tài liệu chính: các sách Lề Luật (Sáng Thề Ký, Xuất hành, Lêvi, Dân Số, và Thứ Luật), đã được cố định từ thời Étra là ... Thánh Kinh đích thực, xoay quanh đó là những tài liệu khác có tầm quan trọng và mức độ thẩm quyền khác nhau. [S&W, tr. OT 432].
Ðến thời Chúa Giêsu, tất cả mọi người Do Thái đều chấp nhận Năm Sách của ông Môsê - Lề Luật - là Thánh Kinh, các sách, như Étte, và Giảng Viên, còn trong vòng bàn cãi. Từ những thảo bản Biển Chết, người Do Thái ở Qumran rõ ràng là có đọc các sách Tôbia, Thư của TT Giêrêmia (Barúc 6) và Huấn Ca như Thánh Kinh, trong khi sách Étte lại không có trong thảo bản. [JBC, tr. 522 & 565]. Tiếc rằng chúng ta không thể suy đoán là Chúa Giêsu nghĩ gì về vấn đề này. Tìm trong Tân Ước chúng ta thấy Chúa Giêsu hay các Thánh Tông Ðồ không đưa ra một danh sách các sách Cựu Ước nào cả, mà các Ngài cũng chẳng bao giờ bàn đến vấn đề này.
Trước thế kỷ thứ hai, hầu hết người Do Thái vùng Palestine ưa dùng một quy điển gần giống quy điển của Tin Lành; nhưng những người Do Thái nói tiềng Hy Lạp lại thích dùng quy điển trong bản Thánh Kinh Hy Lạp Bảy Mươi- là bản dịch từ Do Thái sang Hy Lạp vào thế ký thứ hai trước công nguyên. Ðó là Thánh Kinh cho những người Do Thái nói tiếng Hy Lạp. Khi các thánh Tông Ðồ bắt đầu rao giảng cho những người Do Thái nói tiềng Hy Lạp và Dân Ngoại, các ngài dùng bản Bảy Mươi này như Thánh Kinh của các ngài. Dùng Thánh Kinh của Do Thái khi đó cũng giống như dùng Thánh Kinh tiếng Nga mà giảng cho người Mỹ. Bản Bảy Mươi được dùng như là một nhịp cầu nối liền hai nền văn hóa. Số người tân tòng nói tiềng Hy Lạp đã nhanh chóng vượt lên trên số Kitô hữu gốc Do Thái. Các học giả cũng công nhận rằng các tác giả Tân Ước trích dẫn từ bản Bảy Mươi một cách rộng rãi, thí dụ, Matt 1:23. Bản Bảy Mươi đã trở nên sách Cựu Ước của Hội Thánh. [S&W, tr. OT 433].
Chỉ sau khi Ðền Thánh bị phá hủy và sau những cuộc tranh luận với các Kitô hữu, các Biệt Phái ở Jamnia cuối cùng đã giới hạn quy điển Do Thái vào thế kỷ thứ hai sau CN - một thế kỷ sau khi Ðức Kitô Phục Sinh. Họ bao gồm trong quy điển Do Thái những sách viết trước năm 400 trước CN bằng tiếng Do Thái. Họ cùng họ loại bỏ bản Bảy Mươi vì đổ tội rằng bản này đã bị các Kitô hữu làm cho sai lạc. [S&W, tr. OT 433].
Vào giữa thế kỷ thừ hai, thành Justin Tử Ðạo giải thích sự khác biệt giữa Cựu Ước của Kitô giáo và quy điển Do Thái trong bài Ðối Thoại với Tryphô. Tertullian cũng trong thời gian này cũng giải thích về sự khác biệt này [JBC, tr. 523]. Những giải thích và quan tâm này không cần thiết nếu các Kitô hữu thời sơ khai và người Do Thái dùng chung một quy điển Cựu Ước.
Sách Cựu Ước trong các thủ bản Thánh Kinh cổ nhất của Thánh Kinh Kitô Gíáo - Codex Vaticanus (4 sau CN), Codex Sinaiticus (4 sau CN), và Codex Alexandrius (5 sau CN.) - đều là bản Hy Lạp Bảy Mươi. Trừ những chỗ bị thủng lỗ hoặc các trang bị mất, Codex Vaticanus bao gồm tất cả các sách trong Cựu Ước của Công Giáo, trừ sách Maccabê I và II. Codex Sinaiticus chỉ mất Maccabê II nhưng lại có Maccabê IV. Codex Alexandrinus có tất cả các sách Cựu Ước Công Giáo và sách Maccabê III và IV. Các thủ bản náy chứng tỏ rằng bản Bảy Mươi với quy điển lớn và lỏng lẻo là Cựu Ước của Hội Thánh thời sơ khai.
Vào thế kỷ thứ tư, một số Giáo Phụ, nhất là những vị đã tranh luận với người Do Thái, như thánh Giêrônimô, thích dùng quy điển Do Thái. Một số Giáo Phụ khác như thánh Ambrôsiô và thánh Augustiniô lại thích quy điển lớn hơn của bản Bảy Mươi. Các vị khác như thánh Gregory Nazianzen lại loại sách Étte ra khỏi Thánh Kinh [JBC, tr. 522]. Thánh Giêrônimô dù thích quy điển ngắn, đã đôi lần dùng quy điển lớn làm dẫn chứng trong các bản văn của ngài [S&W, tr. OT 434]. Công Ðồng tại Hippô và Carthage trong hậu bán thế kỷ thứ tư là cố gắng đầu tiên của Hội Thánh để chấm dứt sự mập mờ về quy điển Cựu Ước. Quy điển mà các Công Ðồng này công bố vẫn còn tìm thấy trong Thánh Kinh Công Giáo ngày nay. Cuộc tranh luận vẫn tiếp tục, nhưng năm 1441, Công Ðồng Florence giữ nguyên quy điển lớn. Ðể trả lời càc người Tin Lành, Công Ðồng Trent chính thức giữ nguyên quy điển Cựu Ước lớn [S&W, tr. OT 434-435; JBC, tr. 517].
Không phải chỉ Hội Thánh Công Giáo chấp nhận những sách mà người Tin Lành gán cho là "Ngụy Thư", mà cả các Hội Thánh Chính Thống Coptic, Hy Lạp và Nga đều nhận rằng những sách này được Chúa linh ứng. Năm 1950, Hội Nghị Giám Mục của Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp chính thức phê chuẩn một bản Cựu Ước bao gồm tất cả những sách kể trên. Giáo Hội Chính Thống vào năm 1956 đã xuất bản Thánh Kinh tiếng Nga tại Moscow, trong đó có tất cả các sách này. [JBC, tr. 542]. Có thể tìm thấy những chi tiết khác theo quan điểm của các học giả Tin Lành trong sách Tân Thánh Kinh Chú Giải Oxford (Oxford, 1977)
Có một số Kitô hữu cố làm mất uy tín của các sách này bằng cách vạch ra những sai lầm hiển nhiên về lịch sử trong các sách này [A7W, tr. 33]. Các học giả đều công nhận rằng sách Tôbia và Giuđít rõ ràng có những sai lầm về lịch sử; tuy vậy, những sách này được coi là dụ ngôn có tính cách giáo huấn, như Giôna. Các học giả đều công nhận rằng sách Ðaniên cũng có những sai lầm lịch sử tỏ tường giống như vậy, thí dụ, Ðaniên 1:1 (http://lighttotheworld.net/bible/index.php?q=dan+1.1) [S&W, tr. OT 419]. Một số học giả cho rằng, cả sách Giuđít lẫn sách Ðaniên có thể đều là sách viết để ám chỉ về vua Antiochus Epiphanes [S&W, tr. OT 462].
Một số Kitô hữu khác vạch ra việc đánh lừa của bà Giuđít trong Giuđít 9:10-13 (http://lighttotheworld.net/bible/index.php?q=judith+9.10-13) để hạ giá sách Giuđít [A&W, tr. 33]. Tiếc rằng Cựu Ước có nhiều chuyện sai quấy hơn thế, như chuyện đánh lừa của ông Giacóp trong STK 27 (http://lighttotheworld.net/bible/index.php?q=gen+27), loạn luân trong STK 19:32 (http://lighttotheworld.net/bible/index.php?q=gen+19.32) và vô nhân đạo trong Thánh Vịnh 137:9 (http://lighttotheworld.net/bible/index.php?q=ps+137.9). Còn trong Hôsêa 1:2 (http://lighttotheworld.net/bible/index.php?q=hosea+1.2), Thiên Chúa truyền cho ngôn sứ Hôsêa phải lấy một người phụ nữ có thể ngoại tình. Những biến cố này trong Cựu Ước đơn thuần tỏ cho chúng ta thấy rằng chúng ta cần Chúa Giêsu. Sau cùng chúng ta không thể chỉ dùng lý trí con người mà phán đoán Lời Chúa.
Ðể kết luận, Hội Thánh Công Giáo không thêm gì vào Cựu Ước. Quy điển Cựu Ước Công Giáo (cũng như số của Thánh Vịnh) là từ Kinh Thánh Hy Lạp Bảy Mươi. Người Tin Lành, theo truyền thống của người Biệt Phái Do Thái, chấp nhận quy điển nhỏ Do Thái, dù người Do Thái không chấp nhận các sách Tân Ước. Vấn đề chính là tự Thánh Kinh không đưa ra quy điển. Danh sách các sách được linh hứng không được liệt kê đầy đủ ở bất cứ sách nào trong Thánh Kinh. (Mục Lục là lời của nhà xuất bản, cũng như chú thích). Cần phải có một quyền bính hữu hình, ngoài Thánh Kinh, được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần để quy định cả hai quy điển Cựu Ước lẫn Tân Ước. Quyền bính này chính là Huấn Quyền của Hội Thánh Công Giáo. Như thánh Augustinô viết, "Nếu thẩm quyền của Hội Thánh không đưa ra cho tôi, thì tôi không tin vào Tin Mừng." [Bartlett's Familiar Quotations, 15th ed., 129:8]


REFERENCES
[A&W] John Ankerberg & John Weldon, The Facts on Roman Catholicism (Eugene, OR; Harvest House Publishers, 1993).
[JBC] The Jerome Biblical Commentary (Englewood Cliffs, NJ; Prentice-Hall, Inc., 1968), Vol. II, Chap. 67.
[S&W] Donald J. Selby & James King West, Introduction to the Bible (New York; The Macmillan Co., 1971).
SUGGESTED READING:
H.G. Graham, Where We Got The Bible (Rockford, IL; TAN, 1977).

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ từ Apocrypha: Did Catholics Add to the Bible? (http://users.binary.net/polycarp/apocry.html)