PDA

View Full Version : "Ngày Thứ Sáu Tốt Lành" - Tục đóng đinh ở xứ Cutud



ailaudu
02-06-2009, 06:34 PM
Trích trên báo Tuổi Trẻ....

Thứ Sáu, 10/04/2009, 08:17 (GMT+7)

Một tập tục kỳ lạ ở Philippines: Tự đóng đinh và treo người trên thập giá:

“Ngày thứ sáu tốt lành” ở xứ Cutud

TT - Với hơn 80% dân số theo đạo Thiên Chúa, Philippines là nước châu Á có tỉ lệ người dân theo đạo nhiều nhất. Thứ sáu tuần thánh - ngày tưởng nhớ đức Chúa Jesus bị hành hình - là nghi lễ truyền thống được những người dân theo đạo Thiên Chúa La Mã của làng San Pedro Cutud tổ chức hằng năm với lòng sùng kính đặc biệt.

Trong hôm nay (10-4), để tỏ lòng thành kính trước Chúa, những người sùng đạo tự nguyện để người ta đóng đinh cơ thể mình treo lên thập giá nhằm tái hiện cảnh Chúa Jesus bị hành hình và tử nạn.

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=326888Dân làng Cutud tập luyện để chuẩn bị cho ngày lễ - Ảnh: Thế Anh

Cutud là một ngôi làng nhỏ thuộc thành phố San Fernando, cách thủ đô Manila 70km. Vào ngày 9-4-2009, những màn tập dượt cuối cùng để chuẩn bị cho “ngày thứ sáu tốt lành” trong tuần thánh đã kết thúc lúc 15g. Sự bình yên vốn có của một làng quê nghèo đã bị đảo lộn bởi hàng chục ngàn du khách và hàng trăm hãng thông tấn từ khắp nơi trên thế giới đổ về.
Đặc biệt, trong số những người tự nguyện đóng đinh năm nay có ông Ruben Enaje. Đây là lần thứ 23 người đàn ông 48 tuổi mưu sinh bằng nghề vẽ biển quảng cáo này “hiến thân” cho nghi lễ. Ruben Enaje cho biết đây là cách ông tỏ lòng biết ơn Chúa đã cứu ông thoát chết trong vụ rơi từ tòa nhà cao tầng xuống đất nhiều năm trước, lúc ông còn làm thợ xây.
Ông nói: “Trong ngày thứ sáu tuần thánh, chúng tôi không chỉ tái hiện cảnh Chúa bị hành hình như một sự mộ đạo đặc biệt, mà còn cầu mong cuộc sống của dân làng tốt đẹp hơn, thế giới trở nên an toàn và hòa bình hơn”. Chị Belen J. Cabiling, một người dân địa phương, vui vẻ nói: “Tôi rất tự hào về những người đàn ông ở quê tôi, họ là những anh hùng!”.
Mặc dù còn một ngày nữa mới đến ngày tưởng nhớ Chúa Jesus bị hành hình nhưng từ sáng sớm 9-4, hàng trăm thanh niên với chùm thanh tre trên tay đã đổ ra đường hò la, báo hiệu ngày lễ trọng đại ở làng Cutud đã đến. Họ đi thành từng đoàn, cởi trần, bịt kín mặt rồi dùng chùm thanh tre tự quất vào lưng mình đến khi chảy máu. Họ dừng lại ở mỗi góc đường, nằm xuống và để mọi người xung quanh dùng roi quất mạnh vào thân mình như một sự hi sinh vì Chúa. Nhiều người còn dùng cả những mảnh chai vỡ để đánh vào lưng. Với họ, máu chảy càng nhiều đồng nghĩa với lòng mộ đạo càng cao.

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=326889Ruben Enaje và những cây đinh sẽ đóng lên bàn tay ông trong “ngày thứ sáu tốt lành”. Đây là lần thứ 23 ông tự nguyện hiến thân cho Chúa - Ảnh: Thế Anh

Tục lệ này xuất hiện ở làng Cutud từ năm 1955, nhưng bị gián đoạn mãi đến năm 1962. Từ đó đến nay người dân địa phương vẫn tổ chức nghi lễ này đều đặn vào mỗi năm. Bốn giờ trước khi tiến hành lễ đóng đinh, đàn ông xếp thành hàng dài, chìa lưng cho roi tre và gậy bọc mảnh chai vỡ quần nát thịt da. Máu đỏ phun xuống mặt đường ướt đẫm.
Sau khi tái hiện 14 chặng đường thánh giá của Chúa, dân làng tụ tập tại một khu đất trống để chứng kiến cảnh đóng đinh của những người tự nguyện vào vai Chúa Jesus.
Được chọn vào vai Chúa Jesus trong “ngày thứ sáu tốt lành” là một đặc ân và vinh dự của công dân làng Cutud. Người ta dùng những cây đinh dài chừng 12cm rồi đóng vào bàn tay những người tự nguyện, sau đó treo họ trên thánh giá chừng 10 phút. Được biết năm nay có 12 người đăng ký tự nguyện đóng đinh, tất cả đều là người Philippines. Những năm trước từng có nhiều người đến từ các nước khác đăng ký đóng đinh tại đây.
Anh Alan I. Navarro, trưởng ban tổ chức nghi lễ, cho hay: “Vào dịp này có khoảng 22.000 người đến Cutud để chứng kiến nghi lễ có một không hai trên thế giới này. Đây là một nghi lễ bắt nguồn từ tục lệ làng xã. Ở đất nước tôn sùng Thiên Chúa giáo như chúng tôi, lễ đóng đinh tự nguyện được coi là một trong những biểu hiện thiêng liêng nhất của tinh thần mộ đạo và lòng thành kính Chúa”.
Được biết không chỉ có làng Cutud mà gần như hầu hết các nơi trên đất nước Philippines đều tái hiện cảnh Chúa bị hành hình trong ngày thứ sáu tuần thánh. Nhưng chỉ có ba làng ở tỉnh Pampanga là đóng đinh thật để tái hiện cuộc khổ hạnh của Chúa Jesus, trong đó có làng Cutud.

THẾ ANH (từ Pampanga, Philippines)

Xem video clip “Tục đóng đinh ở Cutud” trên Tuổi Trẻ Online :
http://media.tuoitre.com.vn/TVO.aspx#Media,23217 (http://media.tuoitre.com.vn/TVO.aspx#Media,23217)


https://thanhcavietnam.info/FilesFilm/NgayThu6TotLanh.wmv

ailaudu
02-06-2009, 06:38 PM
Thứ Ba, 02/06/2009, 00:01 (GMT+7)


Tục đóng đinh ở Cutud - Kỳ 1: Ngày thứ sáu tốt lành

TT - Cutud là một ngôi làng nhỏ thuộc thành phố San Fernando, cách thủ đô Manila 70km. Nói đến Cutud là người dân Philippines nghĩ ngay đến tục lệ đóng đinh treo mình trên cây thập giá diễn ra hằng năm vào ngày thứ sáu tuần thánh.

Mặc dù không được công nhận chính thức, tục lệ truyền thống này đã có lịch sử hơn nửa thế kỷ và đến nay vẫn được những người dân theo đạo Thiên Chúa La Mã ở Cutud tổ chức hằng năm với lòng sùng kính đặc biệt.


http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=338124

TT - Thứ sáu 10-4-2009. Khi trời vừa tờ mờ sáng, những “âm thanh hạnh phúc” phát ra từ những chùm que đánh tội báo hiệu ngày thứ sáu tốt lành ở làng Cutud đã đến. Tiếng lách tách lúc xa lúc gần, lúc trầm lúc bổng hòa lẫn tiếng hò reo của dân làng làm người ta liên tưởng đến một bản hợp xướng đặc biệt.

Từ trong các ngõ ngách của làng, từng tốp thanh niên, đàn ông ở trần, lấy áo quấn kín đầu bước ra đường chuẩn bị tiến hành một tập tục kỳ lạ do tổ tiên để lại. Từ những nhóm lẻ tẻ ban đầu trong xóm, họ tìm nhau qua âm thanh kỳ bí này để kết thành một tốp vài chục người. Người ta gọi họ là dàn hợp xướng của đức tin.

Dàn hợp xướng của đức tin

Ở một góc của làng, một vài thanh niên lần đầu tham gia đang tìm sự can đảm qua những cốc bia rẻ tiền. Nhưng phần lớn họ uống vì niềm hạnh phúc được thể hiện đức tin theo cách riêng của mình. Việc trước tiên họ làm là dùng chùm que đánh tội đánh cho làn da lưng sần lên như một cách để hạn chế đau đớn. Sau khi làn da lưng đã rộp lên vì những đòn roi thì họ chìa lưng cho những người trong làng dùng một “bàn chải” bằng mảnh chai rạch liên tục.
Máu tóe ra, tiếng hò la vang một góc trời. Với họ, máu như là một định lượng để thể hiện đức tin. Chẳng có nỗi sợ hãi hay sự đau đớn nào làm lung lay được niềm tin đã thấm vào tâm can họ từ thuở mới lọt lòng.

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=338125“Bàn chải” rạch lưng được làm bằng những mảnh chai vỡ sắc bén - Ảnh: T.Anh


Sau khi tấm lưng đã nhuốm màu đỏ, họ tiếp tục hành trình khổ hạnh của mình trên các nẻo đường, tay không ngừng dùng que quất mạnh vào lưng cho máu tiếp tục chảy. Người mỗi lúc một đông hơn. Khi đến các ngã ba, ngã tư đường, họ lại nằm rạp xuống cho trẻ em, phụ nữ dùng gậy, roi đánh lên tấm lưng đã đầy vết thương. Với người lớn thì người ta chỉ đánh cho có lệ, nhưng vui nhất là những chú nhóc trong làng.
Bọn trẻ kéo thành từng toán, bám theo “dàn hợp xướng của đức tin” và gồng hết sức mình quất vào đoàn người đầy máu. Thỉnh thoảng lại nghe tiếng người ta la lên, ấy là ai đó đã trúng đòn của đám nhỏ. Mặc cho người lớn đau đớn, bọn trẻ vẫn cười giòn như đang được tham gia một trò chơi đầy thích thú.
Đoàn người cứ thế len qua các con đường quanh làng trong tiếng reo hò, cổ vũ của dân chúng. Khi máu đã khô, họ lại tiếp tục chìa lưng cho người ta rạch tiếp. Nhiều người do mất máu quá nhiều nên bước đi lảo đảo, vậy mà “âm thanh hạnh phúc” ấy vẫn mãi tiếp diễn cho đến tận chiều tối mới thôi.
Nhìn cảnh này, chị Gemma Mariano, một người dân của làng, tâm sự: “Nhìn họ là tôi nhớ đến cuộc khổ hạnh của Chúa Jesus. Tôi cảm ơn những người đàn ông của làng tôi, họ đã giúp người dân Cutud chúng tôi tìm thấy hạnh phúc từ đức tin. Đừng hỏi tại sao chúng tôi làm thế, đó là truyền thống, là niềm đam mê của chúng tôi”.
Treo mình trên thập giá

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=338126Vào ngày thứ sáu tốt lành, người ta dùng những cây đinh dài chừng 12cm rồi đóng vào tay chân của người tình nguyện, treo họ lên cây thánh giá chừng 10 phút - Ảnh: T.Anh

Đỉnh điểm của ngày thứ sáu tốt lành ở làng Cutud là màn trình diễn đóng đinh của những người tình nguyện đóng vai Chúa Jesus. Năm nay ở làng có đến 18 người tự nguyện hiến thân cho lễ hội. Tất cả họ đều là nam giới, người trẻ nhất gần 30 tuổi, người già nhất cũng đã ngoài 60. Trong số họ có người đã vài chục lần đóng đinh. Đây là những người trong nhóm đảm đương màn trình diễn chính của lễ hội, đã được tập luyện theo một kịch bản của ban tổ chức.

Buổi sáng, họ tụ tập tại một ngôi nhà là nơi sinh hoạt của làng để tập dượt lần cuối cùng. Ai nấy áo quần chỉnh tề theo từng vai mà mình đảm nhiệm, từ áo quần đến gươm giáo đều được mô phỏng theo đúng lịch sử trong ngày Chúa Jesus bị hành hình. Hai giờ trước khi lễ đóng đinh diễn ra là màn dựng lại cảnh Chúa Jesus bị dẫn đi xét xử. Dẫn đầu là đoàn ngựa và toán quân lính diễu trên con đường dẫn đến nơi đóng đinh. Dân làng và du khách tụ tập thành một đoàn dài, Cutud trở thành một biển người.
Người đóng vai Chúa Jesus trong màn trình diễn này phải mang trên mình một cây thánh giá nặng đến nửa tạ. Lâu lâu lại phải chịu đòn roi của những người đóng vai quân lính, nhiều khi họ đóng đạt đến mức người vào vai Chúa cũng phải kêu lên vì đau. Màn tái hiện cảnh xét xử Chúa Jesus được thực hiện tại một sân khấu tạm bên đường với sự trợ giúp của cảnh sát và bảo vệ. Sau đó là màn tái hiện 14 chặng đường thánh giá của Chúa từ đầu làng đến cuối làng.

Cứ thế, đoàn người chen lấn nhau mà đi trong tiếng hò reo và sự hiếu kỳ của du khách. Thỉnh thoảng lại có những người già vì không kìm nén được cảm xúc nhào tới ôm lấy người vào vai Chúa mà khóc. Cutud như sống lại những ngày tháng xa xưa.

Khoảng hơn 13g, đoàn lính cùng những người đóng vai Chúa về đến bãi đất trống ở cuối làng, họ leo lên một gò đất cao, nơi sẽ dựng những cây thánh giá để làm lễ đóng đinh. Xung quanh được bao bọc cẩn thận dưới sự bảo vệ của quân đội phòng khi có người quá khích. Trên gò đất ấy có ba cây thánh giá: một bên là cây thánh giá để xử tên trộm thiện, bên kia là tên trộm ác và ở giữa là cây thánh giá dành cho Chúa Jesus. Khi những cây thánh giá được hạ xuống cũng là lúc đám đông bắt đầu hò reo. Những người tự nguyện nằm lên cây thánh giá tay chân họ được buộc chặt. Sau đó những người vào vai quân lính dùng búa đóng đinh vào tay họ. Cú đóng dứt khoát, đầy kinh nghiệm làm người bị đóng không kịp phản ứng.

Sau khi hai tay và chân được đóng vào cây thánh giá thì toán quân lính bắt đầu dựng họ lên, treo những người tự nguyện trong chừng mười phút. Máu bắt đầu chảy từ bàn tay người tình nguyện bị đóng đinh, nhiều người chịu không nổi đau đớn đã ngửa mặt lên trời mà khóc. Cứ thế, từng người, từng người một lần lượt thế vào chỗ đó cho đến lúc hết người thì thôi. Ở một góc khác của khán đài, ban tổ chức đã chuẩn bị sẵn đội ngũ y tế để cầm máu và chữa trị vết thương cho những người vào vai Chúa. Cũng có người vì đau và mất máu mà ngất xỉu khi cây thánh giá vừa được hạ xuống, nhưng chỉ ít phút sau họ tỉnh lại, nét mặt đầy vẻ hạnh phúc.

Ngày thứ sáu tốt lành ở Cutud kết thúc bằng việc tái hiện cảnh đám tang của Chúa khi trời vừa vào đêm. Họ làm một cái quan tài, bên trong là hình nộm của Chúa với đèn và hoa sặc sỡ. Dân làng tụ về lặng lẽ đi theo từng đoàn dài trong màn đêm đầy vẻ huyền bí.

THẾ ANH

Xem video clip “Tục đóng đinh ở Cutud” trên Tuổi Trẻ Online :
http://media.tuoitre.com.vn/TVO.aspx#Media,23217 (http://media.tuoitre.com.vn/TVO.aspx#Media,23217)


https://thanhcavietnam.info/FilesFilm/NgayThu6TotLanh.wmv

ailaudu
03-06-2009, 02:18 PM
Thứ Tư, 03/06/2009, 03:56 (GMT+7)


Tục đóng đinh ở Cutud - Kỳ 2: Mùa lễ hội Maleldo

TT - Từ rất lâu Cutud đã nổi tiếng với tục đóng đinh diễn ra hằng năm trong ngày thứ sáu tuần thánh. Tục lệ này xuất hiện ở làng Cutud từ năm 1955. Ông Allan Navarro, trưởng ban tổ chức lễ hội, cho hay: “Người khởi xướng cho việc dựng lại cảnh Chúa bị hành hình trên cây thánh giá ở làng Cutud là ông Ricardo Navarro.


http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=338320Vào mùa lễ hội Maleldo, nhà cửa và cổng làng ở Cutud được người dân trang hoàng lại đẹp đẽ hơn - Ảnh: Thế Anh


Đó là những năm tháng Cutud còn nhiều khó khăn, ngoài việc để tỏ lòng thành kính trước Chúa thì người ta còn muốn gửi gắm vào đó những lời cầu nguyện tốt đẹp cho tương lai. Tuy nhiên, khi đó người ta chỉ dùng dây buộc mình trên cây thánh giá chứ không đóng đinh thật như bây giờ”.

Làng Cutud chỉ vỏn vẹn với hơn 1.000 dân nhưng có đến bốn nhà thờ và nhiều nhà nguyện khác. Mọi sinh hoạt cộng đồng của dân làng gần như gắn liền với nhà thờ, nhưng lễ hội đóng đinh lại diễn ra hoàn toàn độc lập. Những ngày diễn ra lễ hội chẳng có một vị cha xứ nào có mặt. Hỏi ra mới biết giáo hội Philippines không ủng hộ tục lệ đóng đinh ở Cutud.
Tìm đến cha xứ ở nhà thờ trung tâm của làng, cha Sta Lucia Panish bình luận một cách dè dặt: “Tôi không thể nói là ủng hộ hay phản bác tục lệ này vì đó là truyền thống của họ. Tôi hiểu họ muốn cải thiện cuộc sống thông qua tập tục đóng đinh, nhưng theo tôi đây không phải là cách duy nhất để làm việc đó. Hằng ngày khi giảng đạo tôi vẫn khuyên họ không nên đóng đinh, không nên tự đánh mình chảy máu một cách ghê rợn như vậy”.

Tập tục kỳ lạ

Tục lệ này sau đó bị gián đoạn mất sáu năm do không kiếm được người đóng vai Chúa Jesus, đến năm 1962 thì được ông Artemio Anosa khôi phục. Ông Allan Navarro kể tiếp: “Đến nay người ta không thể lý giải được vì sao Artemio Anosa chọn làng Cutud làm nơi đóng đinh lên cây thánh giá trong ngày thứ sáu tốt lành, chỉ biết rằng ông là người đầu tiên tự nguyện đóng đinh thật vào tay chân mình treo lên cây thánh giá, đưa tập tục này qua một bước ngoặt mới của sự thể hiện đức tin”.

Người ta nói lúc đó Artemio Anosa làm thế là vì ông có một nguyện ước muốn gửi đến Chúa. Một người dân trong làng của ông bị bệnh nặng, nhà lại nghèo nên không thể chạy chữa. Thương người hàng xóm bệnh tật, nghèo khổ, ông lặng lẽ đến nhà thờ cầu nguyện: “Con sẽ đóng đinh treo mình lên cây thánh giá, nếu Chúa thấu hiểu thì hãy cứu lấy con người tội nghiệp ấy”. Ngày thứ sáu tuần thánh năm 1962, người ta thấy Artemio Anosa vác cây thánh giá từ làng bên đến Cutud rồi chọn một bãi đất trống ở cuối làng để đóng đinh treo mình lên cây thập giá. Cùng đi với ông là những thanh niên trai tráng trong làng, họ xếp thành một hàng dài rồi dùng roi tự đánh vào thân thể mình.

Chính những người dân Cutud cũng không biết là sau khi Artemio Anosa tự treo mình lên cây thánh giá thì người hàng xóm của ông có hết bệnh hay không, nhưng người ta bắt đầu bàn tán về lòng tốt của Artemio Anosa như một tấm gương để giáo dục giới trẻ. Họ tin rằng Artemio đã chấp nhận đau đớn để giúp người hàng xóm một cách vô điều kiện, mà chính người hàng xóm cũng không hề hay biết. Khi giúp người khác “tay trái làm thì đừng để tay phải biết”, với số đông người theo đạo Thiên chúa ở Cutud, hành động này của Artemio Anosa nhanh chóng được tôn thờ như cách thể hiện trung thành nhất với lời răn của Chúa.

Từ đó, tục lệ này được các bậc cao niên lẫn thanh niên trong làng gìn giữ và tổ chức đều đặn hằng năm như một lễ hội đặc biệt quan trọng của làng. Được chọn vào vai Chúa Jesus trong ngày thứ sáu tốt lành là một đặc ân và vinh dự của công dân làng Cutud. “Tôi tin là tục lệ này giúp chúng tôi sống tốt hơn”, Allan Navarro tâm sự.

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=338321Tục đóng đinh ở Cutud được xem như là niềm đam mê thể hiện đức tin của người dân nơi đây - Ảnh: Thế Anh


Mùa hạnh phúc

Người dân Cutud gọi tuần thánh là Maleldo - theo tiếng Tagalog, dần dần được hiểu rộng hơn, đó là mùa lễ hội. Nửa tháng trước tuần thánh, không khí lễ hội rộn ràng làm cho ngôi làng nhỏ bé này trở thành tâm điểm của giới truyền thông trên toàn thế giới. Sự yên bình vốn có của Cutud bị xáo trộn bởi hàng chục ngàn du khách từ khắp nơi trên thế giới đổ về. Người dân Cutud dường như cũng vui vẻ hơn thường lệ, họ đang tất bật chào đón những ngày hạnh phúc nhất trong năm: lấy máu và đau đớn để chuộc tội, đóng đinh để thể hiện đức tin!

Đối với Cutud, tuần thánh được bắt đầu khi cuốn sổ ghi danh những người tự nguyện đóng đinh để ở nhà ông trưởng làng được khai bút, vì nếu không có người đăng ký tự nguyện hiến thân thì xem như lễ hội Maleldo không thể thực hiện được. Nhưng từ năm 1962 đến nay lễ hội chưa bao giờ bị ngắt quãng vì lý do đó. Để được đóng đinh treo mình lên cây thánh giá trong lễ hội Maleldo chỉ cần người tình nguyện can đảm và có đức tin là được.

Trưởng làng Remegio Delacruz cho hay: “Chúng tôi không giới hạn số lượng người tham gia, không giới hạn giới tính, cũng như không giới hạn quốc tịch người tự nguyện đóng đinh. Lịch sử lễ hội Maleldo ở Cutud đã chứng kiến rất nhiều người từ Mỹ, Canada, Úc, Hà Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản... đến đây để được đóng đinh treo mình lên cây thánh giá, trong đó có cả phụ nữ. Bạn không phải là tín đồ của Thiên Chúa giáo cũng chẳng sao, ở đây chúng tôi đều chấp nhận tất cả, miễn là bạn dám làm!”.

Với nhiều du khách, lễ hội Maleldo có một chút gì đó ghê rợn, nhưng với những người dân Cutud đó là mùa hạnh phúc. Từ trẻ em đến người già trong làng ai cũng náo nức chờ đón ngày lễ trọng đại này. Điều dễ nhận biết nhất khi Cutud vào mùa lễ hội Maleldo là những âm thanh “lách tách” phát ra từ chùm que đánh tội trên các ngóc ngách của làng. Trên các ngả đường, chúng ta dễ dàng bắt gặp từng nhóm người vác cây thập giá tái hiện 14 chặng đường thánh giá của Chúa Jesus. Cũng có người vì lời hứa với Chúa, một mình vác cây thánh giá nặng khoảng 50kg đi qua mọi ngả đường của làng đến tận đêm khuya.

Trước đây lễ hội Maleldo được diễn ra một cách tự phát, nhưng ngày nay nó được tổ chức một cách quy củ hơn. Trước tuần thánh một tuần, ban tổ chức bắt đầu tập hợp những người chính thức vào vai quan lính, Chúa, đức mẹ Maria... để tập luyện theo một kịch bản có sẵn, đó là câu chuyện từ lúc Chúa bị xét xử cho đến lúc bị dẫn đi hành hình. Dù phải vào vai những ông quan, người lính độc ác hay những nhân vật được dân chúng quý mến như Chúa Jesus, Đức mẹ Maria... thì tất thảy đều vui vẻ. Dân làng cũng kéo đến thật đông để xem, chụp ảnh lưu niệm, vì đây sẽ là những nhân vật chính trong màn trình diễn có một không hai ở Cutud trong ngày thứ sáu tốt lành. Có người còn mang cả đồ uống, thức ăn đến. Họ cùng chia sẻ với nhau niềm vui trong mùa lễ hội Maleldo, bởi với họ đây là những giây phút hạnh phúc nhất trong năm.


THẾ ANH

Xem video clip “Tục đóng đinh ở Cutud” trên Tuổi Trẻ Online :
http://media.tuoitre.com.vn/TVO.aspx#Media,23217 (http://media.tuoitre.com.vn/TVO.aspx#Media,23217)


https://thanhcavietnam.info/FilesFilm/NgayThu6TotLanh.wmv

DonRac
04-06-2009, 11:36 PM
https://thanhcavietnam.info/FilesFilm/23LanHienThanChoChua.wmv

AugustineTuanBao
09-05-2011, 07:16 PM
http://www.youtube.com/watch?v=aN98Y5HLNBw