PDA

View Full Version : Lễ Chúa Ba Ngôi



Damsan
05-06-2009, 10:39 AM
Lễ Chúa Ba Ngôi - 2009


http://www.fr.josemariaescriva.info/foto/thumb/text06fr.jpg



Khi chúng ta có cơ hội đọc qua toàn bộ Phúc Âm, chúng ta phải nhận ra được sự liên đới mật thiết thật nhiệm mầu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Từ những gì mà Đức Kitô đã nói và đã làm ở trần gian, chúng ta đều có thể rút tỉa ra được những chi tiết rõ ràng để hiểu được ‘Ngài là ai’? Thật thế, chúng ta không bao giờ nghĩ rằng Thiên Chúa là một gia đình có ba ngôi vị và chính Đức Kitô cũng không nói đến cái hiện thực này khi Ngài giảng dạy chúng sinh. Lần đầu tiên Chúa Giêsu mạc khải về nguồn gốc của Ngài – ngay sau khi được rửa ở bờ sông Jordan. Khi Ngài bước ra khỏi nước, Chúa Thánh Thần đã đậu xuống trên Ngài với hình dáng một con chim bồ câu trắng, cửa trời mở ra và có tiếng phán “Đây là con Ta yêu dấu, đẹp lòng ta mọi đàng” (Mark 1:11).



Trong suốt cuộc đời dương thế, Chúa Giêsu luôn luôn nhắc đi nhắc lại với mọi người rằng: Ngài thuộc về Thiên Chúa - Thiên Chúa chính là Cha Ngài (Cha với Ta là một) và sứ mạng được trao ban cho Ngài thực hiện ở trần gian cũng là Thánh ý của Chúa Cha. Chúa Giêsu đã tỏ ra cho mọi người biết chính Ngài là Con Một Thiên Chúa từ trời xuống, và Ngài cũng giới thiệu Chúa Thánh Thần như một ngôi vị hoàn toàn khác biệt với Ngài và với Chúa Cha… Chúa Thánh Thần là một ngôi vị mang trọng trách thánh hóa Giáo hội, hầu công việc của Đức Kitô đã bắt đầu tại thế gian này được tiếp diễn đến cùng; đồng thời, thúc đầy mọi người cùng đến để nhận ra được Thiên Chúa là tình yêu.


Long trọng mừng kính lễ Chúa Ba Ngôi hôm nay, toàn thể Giáo hội tuyên xưng mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi hoặc Ba Ngôi nhưng chỉ có Một Chúa- một cộng thể được liên kết chặt chẽ với nhau trong một thứ tình yêu quá vĩ đại và thật tuyệt vời, Chính sự nhiệm mầu nầy làm cho chúng ta biết kính sợ Thiên Chúa với đôi mắt và tâm hồn rộng mở để phục bái và tôn thờ Ngài, vì Thiên Chúa của chúng ta quá ‘cao vời khôn ví và thiện hảo nhường bao’! Qua mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, chúng ta được hội nhập vào một nhiệm thể yêu thương – toàn diện và diệu kỳ của Thiên Chúa - đến nỗi không một thứ ngôn ngữ nào của loài người và cũng chẳng có một biểu tượng nào ở trần gian có thể diễn tả hoặc định nghĩa được một cách rõ ràng về Thiên Chúa.


Sự cao cả và lòng nhân ái của Thiên Chúa vượt trên mọi biên giới của trí não loài người và tuột khỏi tầm với của sự thông thái thế nhân. Thánh Augustinô đã chia sẻ kinh nghiệm của chính Ngài để cảnh giác chúng ta – khi chúng ta ngồi để suy tư và bàn cãi về Thiên Chúa rằng: “Các bạn đừng ‘ngạc nhiên’ và đừng ‘thất vọng’ bởi không một ai có thể hiểu thấu được về mầu nhiệm đó. Vì nếu khúng ta hiểu thấu được Ngài, thì chính Ngài chẳng phải là Thiên Chúa nữa!
Nếu một vị Thiên Chúa hiện hữu và không nhiệm mầu, thì chúng ta chẳng phải tôn vinh và phủ phục kính thờ”. Khi nói đến mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, chúng ta nên nhớ điều này là đừng bao giờ có ý định tìm cách giải thích hoặc có ý đồ giải quyết vấn đề như giải một bài toán khó, hoặc thử nghiệm mọi cách để thách đố niềm tin của chính mình!!! Chúng ta sẽ hoàn toàn thất bại. Thay vào đó, hãy đến với Thầy Giếu chí Thánh, vì Ngài đã dọn sẵn cho chúng ta một lối đi thẳng vào chính sự sống của Thiên Chúa - qua sự ý thức và chung chia mọi ân sủng của bí tích rửa tội – khi Chúa Thánh Thân tuôn đổ hồng ân tràn ngập vào tâm hồn của chúng ta và biến chúng ta trở thành con cái của Thiên Chúa.


Mỗi lần chúng ta làm dấu Thánh Giá, gọi Tên của Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần, chúng ta tuyên xưng và xác tín niềm tin của mình vào Thiên Chúa Ba Ngôi. Gọi Tên của Thiên Chúa kèm theo những động tác trên thân thể của mình, việc làm đó nhắc nhở chúng ta rằng: qua sự chết của Đức Kitô trên Thập giá - sự sống của Chua Ba Ngôi được tặng ban. Thánh giá của Đức Kitô đã trở nên một phương tiện duy nhất, có một không hai, có thể dẫn chúng ta đến sự viên mãn của sự sống đời đời với Thiên Chúa và trong Thiên Chúa mà thôi.


Chúa nhật Chúa Ba Ngôi hôm nay đã cho chúng ta có cơ hội để cảm nghiệm được rằng: tình yêu của Thiên Chúa thật cao vời và quá vĩ đại! Qua tình Chúa yêu thương, thế nhân được bừng tỉnh cơn mê, để bước ra khỏi sự tối tăm của tội lỗi và nhìn thấy được rằng: Thiên Chúa luôn luôn chăm sóc mọi người và từng người một cách đặc biệt và diệu kỳ. Ngài chính là người Cha nhân hậu, là Đấng Cứu Chuộc nhân gian và là Người hướng dẫn đời sống tâm linh cho những ai tìm đến để cậy nhờ Ngài, sống với Ngài và trung thành với Ngài.


Sau tất cả những nỗ lực khiêm tốn mà chúng ta tìm cách để bộc lộ sự rung cảm của mình trước mầu nhiêm diệu kỳ về Thiên Chúa, chúng ta phải cảm nhận được rằng: Thiên Chúa rất công bằng nhưng giàu lòng xót thương, quá cao vời nhưng lại thật gần gũi với con cái của Ngài, hoàn toàn khác biệt nhưng lại luôn luôn chăm sóc và yêu mến chúng ta… Vì thế, tất cả những lời kinh tiếng hát và mọi suy tư mà chúng ta diễn tả trong mọi việc phụng thờ, đều trở nên quá nghèo nàn và hạn hẹp, không bao giờ đủ để đối diện với Thiên Chúa toàn năng.


Giờ đây, chúng ta hãy cùng nhau đọc lên một kinh thật đơn sơ nhưng rất phổ biến, để ca tụng sự diệu kỳ và vĩ đại của Thiên Chúa chúng ta trong ngày lễ Chúa Ba Ngôi hôm nay:



“Sáng danh Đức Chúa Cha và

Đức Chúa Con và

Đức Chúa Thánh Thần,

như đã có trước vô cùng và bây giờ

và hằng có và đời đời chẳng cùng. Amen


Lm. Francis Trần Phương
lebaotinhbmt.com

nenhongnho
07-06-2009, 09:58 AM
Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao

Câu ca dao mộc mạc của người Việt Nam tự bao đời nay để lại bài học quý báu cho con người về sự hiệp nhất, sự cộng tác với nhau. Một vườn hoa mà chỉ có một cây hoa và một cây hoa mà chỉ có một bông hoa nhìn vào thấy lẻ loi, đơn độc. Một cây hoa có nhiều bông hoa, một vườn hoa có nhiều cây hoa nhìn vào nó khác hẳn.

Hình ảnh đơn giản nhất trong cuộc sống của chúng ta, người ta vẫn thường dùng một cụm từ đơn giản « vững như kiềng 3 chân » để nói lên một cái gì đó nếu đặt trên một cái kiềng mà có 3 chân thì sẽ vững chãi.
Hình ảnh vững chãi ấy làm ta có thể liên tưởng đến một Thiên Chúa Ba Ngôi. Thật là mầu nhiệm khi nói một Thiên Chúa mà lại có Ba Ngôi và từng Ngôi một trong Ba Ngôi ấy lại bằng nhau, không hơn không kém. Với trí hiểu của con người thì quả thật đó là điều quá khó hiểu, điều mà con người không thể dùng lý trí của mình để lý giải nhưng chỉ có thể lý giải được với và trong lòng tin.

Câu chuyện Thánh Augustinô suy tư về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi được kể lại bằng câu chuyện hết sức đơn sơ mà khi đi học giáo lý thường được các cha, các thầy, các anh chị giáo lý viên kể lại. Thánh Augustinô bận tâm với mầu nhiệm Ba Ngôi, Ngài đi dọc bãi biển và suy tư. Chuyện kể lại là khi ấy có một em bé đang ngồi ở bãi biển Ngài đang đi tới đi lui ấy đang múc nước đổ vào vỏ sò. Với cái suy nghĩ hết sức tự nhiên, với cái lý trí bình thường của con người, Thánh nhân đã nói với em bé rằng em bé làm cái chuyện mà không thể nào làm được vì làm sao mà cái vỏ sò ấy lại chứa được nước của đại dương mênh mông như công việc em đang làm ! Ngược lại, em bé lại nhìn Thánh nhân và nói cho Thánh nhân điều mà Ngài đang suy nghĩ cũng chẳng thể nào mà giải thích được theo cái nghĩ của con người, theo sự hiểu biết của con người.

Ba Ngôi vẫn là mầu nhiệm để rồi mầu nhiệm ấy mời gọi lòng tin của con người.

Đơn giản, qua các trình thuật của Thánh Kinh cũng như Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, chúng ta biết được Ba Ngôi là gì, nhiệm vụ của từng Ngôi là gì ? Chuyện quan trọng mà chúng ta cần suy nghĩ, cần chiêm ngắm đó chính là Tình yêu trong Ba Ngôi cũng như từng Ngôi một dành cho hai Ngôi còn lại. Cần chiêm ngắm nữa đó là sự hiệp nhất của từng Ngôi một với nhau để làm thành Ba Ngôi vững chãi.

Qua Thánh Kinh, chúng ta thấy được Thiên Chúa Cha đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một, người con duy nhất của Ngài xuống trần gian này để cứu đi cái nhân loại hư mất. Tình yêu giữa Cha và Con thắm thiết đến nỗi đã phát sinh Thánh Thần và Thánh Thần chính là nguồn Tình yêu của Ba Ngôi, của nhân loại.

Nhìn lại cuộc đời của Chúa Giêsu, làm bất cứ việc gì, Chúa Giêsu hướng về Cha và cầu nguyện cùng Cha. Và Cha cũng thế, lúc nào Cha cũng hướng về Con để ban quyền năng trên Con.

Ngay từ biến cố Nhập Thể, chúng ta thấy đó, Thiên Chúa yêu thế gian, yêu con người đã ban Chúa Giêsu nhập thể nơi cung lòng của Đức Trinh Nữ Maria bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần.

Khởi đầu sứ vụ công khai, Chúa Giêsu chịu Phép Rửa ở sông Giođan. Thiên Chúa Cha thì phán rằng : « Đây là Con Ta Yêu Dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng ». Còn Thánh Thần thì sao ? Thánh Thần thì ngự xuống trên Chúa Giêsu dưới hình chim bồ câu. Thế đấy ! Cha, Con và Thánh Thần liên kết với nhau trong từng giây từng phút của cuộc đời Chúa Giêsu.

Trong các hoạt động loan báo Tin mừng cũng vậy, Chúa Giêsu luôn luôn kết hợp với Cha và với Thánh Thần.

Đặc biệt, trong vườn Giêtsêmani, Chúa Giêsu đã đau khổ đến chết được để thân thưa, để thỏ thẻ với Cha mình chén đắng mà mình phải chịu. Tin mừng lúc ấy tuy không nói, không nhắc đến Chúa Thánh Thần nhưng chúng ta thấy đó, nhờ ơn Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu đã thưa với Cha rằng : « Lạy Cha, xin đừng theo ý con nhưng là theo ý của Cha mọi đàng ». Chúa Giêsu can đảm bước chân lên Bàn Thờ Thập Tự là nhờ ơn Chúa Thánh Thần để rồi trong giây phút cuối trước khi trút hơi thở cuối cùng, Chúa Giêsu lại phó thác trong tay Cha nhờ Thần Khí.

Chỉ điểm lại một chút về cuộc đời, hoạt động của Chúa Giêsu, chúng ta thấy tương quan giữa Ba Ngôi là như thế nào.

Hôm nay, mừng kính Thiên Chúa Ba Ngôi, không phải chỉ là tưởng nhớ lại, hồi tưởng lại, hồi ức lại hay là kính nhớ một biểu tượng của Tình Yêu, của Hiệp Nhất nhưng chúng ta kiểm điểm lại cuộc đời chúng ta. Là con cái của Chúa, là môn đệ của Chúa, chúng ta có sống Tình Yêu, Hiệp Nhất mà Ba Ngôi đã sống, đã dành cho nhau không ?

Gia đình Ba Ngôi luôn hướng về nhau, chung chia với nhau niềm vui, nỗi buồn, nỗi âu lo và hạnh phúc trong cuộc sống. Gia đình của chúng ta thì sao ? Gia đình của chúng ta có yêu thương, có hiệp nhất như gia đình của Ba Ngôi hay không ?

Là Cha, là mẹ, là con cái trong gia đình, chúng ta còn dành cho nhau được bao nhiêu tình cảm, bao nhiêu thời gian ? Chúng ta vẫn thường đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho cuộc đời rằng bận rộn quá sức. Cha bận rộn theo kiểu của cha, mẹ bận rộn theo kiểu của mẹ, con cái thì vùi đầu vào công việc học hành. Đành biết là cuộc sống này ai cũng phải lao động, học tập tùy theo khả năng, tùy hoàn cảnh của mình nhất là khi phải đương đầu với xã hội hiện đại này. Biết bao nhiêu khó khăn vất vả đến với gia đình mà mỗi thành viên trong gia đình phải đương đầu và gánh vác. Thế nhưng, không được lấy những khó khăn vất vả của cuộc sống để biện hộ cho tình yêu, cho sự hiệp nhất trong gia đình.

Chúng ta vẫn thừa biết một gia đình giàu có, một gia đình sung túc đi chăng nữa nhưng thiếu tình yêu, thiếu sự hiệp nhất thì gia đình ấy là một mái lạnh chứ không còn là mái ấm như người ta vẫn thường nói nữa. Và chúng ta thừa biết, nếu gia đình yêu thương và hiệp nhất sẽ sinh ra những hoa quả tốt đẹp trong cuộc đời.

Chúng ta vẫn đứng trước những thách đố của đời sống gia đình, chúng ta vẫn đứng trước sự lựa chọn của tình yêu và hiệp nhất. Mỗi thành viên trong gia đình là Hội Thánh thu nhỏ ấy phải trả lời trước lương tâm, trước mặt Thiên Chúa về lối sống, sự cộng tác của mỗi thành viên trong gia đình.
Trang Tin mừng mà chúng ta vừa nghe thánh Matthêu thuật lại cho chúng ta hết sức ngắn gọn, trang Tin mừng ấy mời gọi mỗi người chúng ta lên đường loan báo Tin mừng tình thương nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi.
Muốn thực hiện trọn vẹn lời mời gọi ấy của Chúa Giêsu, muốn thực thi lệnh truyền của Chúa Giêsu không có con đường nào khác là phải sống theo con đường yêu thương và hiệp nhất mà từng ngôi trong gia đình Ba Ngôi đã sống, đã yêu thương. Và gần gụi nhất chính là gia đình của mỗi người chúng ta đang sống, muốn loan báo Tin mừng Tình thương mà Chúa mời gọi chúng ta phải làm cho chính gia đình chúng ta đầy ắp niềm vui, đầy ắp tiếng cười. Khi và chỉ khi ta sống và ta yêu như Ba Ngôi Thiên Chúa đã sống, đã yêu, đã hiệp nhất thì khi ấy chúng ta mới góp phần loan báo Tin mừng, thực thi lệnh truyền của Chúa thật.

Nguyện xin Chúa Ba Ngôi là nguồn mạch của Tình Yêu, nguồn mạch của sự Hiệp Nhất đến và ở lại với mỗi người chúng ta. Xin Ba Ngôi ban thêm tình yêu, hiệp nhất xuống trên từng người trong gia đình, trong cộng đoàn để gia đình, cộng đoàn chúng ta luôn đầy ắp niềm vui, luôn đầy ắp tiếng cười.
Đừng nói gì đến Thiên Đàng mai sau, ngay cái cái cõi tạm này, nếu chúng ta biết sống yêu thương và hiệp nhất, chúng ta sẽ nếm thử được hạnh phúc Nước Trời vì lẽ Nước Trời là nơi mà mỗi thành viên đều sống sung mãn tình yêu và sự hiệp nhất xung quanh Tình yêu, Hiệp Nhất của Ba Ngôi Tuyệt Diệu.
AnMai Cssr
http://hayyeuthuongnhau.org