PDA

View Full Version : VẾT BẨN CỦA BỨC TRANH



littlewave
09-12-2007, 02:14 PM
VẾT BẨN CỦA BỨC TRANH

Cuộc sống là một bức tranh khổng lồ, sinh động và đầy màu sắc. Trong đó, mỗi thực thể mang một gam màu riêng biệt để chứng tỏ sự hiện hữu của mình. Con người được mang hình ảnh của Thiên Chúa nên thuộc thượng đẳng với nhiều màu sắc cũng thật đặc biệt, có thể biến thành vạn sắc theo nhân cách và lối sống. Có những người tự biến mình thành vết bẩn của bức tranh, có những vết bẩn muốn lấy lại sắc “người” nhưng mấy kẻ thành công.

Khi tôi biết anh thì anh đã là một “vết bẩn” mất rồi. Đó là một bóng ma vật vờ với làn da tái bủng beo và đôi mắt tăm tối, ám muội làm sao. Ghê nhất là mái tóc, nó lưa thưa yếu ớt, cáu bẩn lúc nào cũng bết vào đầu làm người đối diện cảm thấy hôi hám, khó chịu… Vậy mà tôi là người hiếm hoi thấy anh hay mỉm cười với mình mới lạ, chắc anh nghĩ tôi khờ dại không biết nhiều về cuộc sống chung quanh, không ngờ, tôi biết cả một điều bí mật về anh. Đó là hàng xóm hay gọi lén anh là “thằng Mạnh xì ke.”

Tôi không rõ vì sao anh bị vướng vào ma túy, chỉ biết lúc đó anh đang chiến đấu chống lại nó thật dữ dội trong hy vọng lẫn tuyệt vọng. Có cuộc chiến nào khó hơn khi “quân ta” cũng là mình mà “quân địch” cũng là mình!? Tôi như còn nghe rõ tiếng xích va đập loảng xoảng và tiếng gầm rú điên cuồng mỗi khi anh lên cơn. Anh tự trói mình lại, rồi như không chịu nổi sự khống chế tàn bạo của cơn nghiện, anh lồng lộn như một con thú phá cho được sợi xích để thoát ra ngoài. Có lần thoát ra được, anh liền chạy tới nhà thờ cầu nguyện, rồi quay về có vẻ tỉnh táo hơn.

Nhà tôi ở gần nhà anh, có lần tôi sang thăm Thảo, em của anh, hai đứa bạo gan lẻn vô phòng anh lấy cuốn sổ xanh ( mà anh hay ghi ghi, chép chép ) đọc chơi. Hai đứa vừa đọc vừa đánh vần mãi vẫn chưa xong một trang. Đọc đến đoạn: “… tôi gần như đuối sức với cuộc chiến này, tôi hết lòng cậy trông ơn Chúa giúp và tôi hy vọng mình sẽ thắng nổi thằng người nhơ nhớp trong chính tôi…”, hai đứa liền chạy bay ra ngoài đưa cuốn sổ cho ông Tư, tức là ba của anh. Từ vụ cuốn sổ, gia đình anh dường như đổi thái độ, họ không còn xa lánh, không còn nói “ Khôn sống, dại chết” với anh nữa. Hình như họ bắt đầu tham gia cuộc chiến để giúp anh. Tôi thấy ông bà Tư dìu anh đi từng bước ra nhà tắm, dội nước vào người anh ướt sũng cho tỉnh cơn ghiền, một ngày đến mấy lần. Anh thì rên hừ hừ, run bần bật nhưng ngoan ngoãn như một con chó ốm. Tôi nghe loáng thoáng đó là cách “cai sống.” Chẳng biết chữa bệnh như thế có đúng không, nhưng rõ ràng là gia đình anh đang là hậu phương cho mặt trận một chiến sĩ, một kẻ thù vô hình với mãnh lực gần như không ai khuất phục nổi.

Trong cuộc chiến này, gia đình tôi là phe đồng minh. Tôi và bạn Thảo cũng được giao nhiệm vụ là thấy ai tìm anh thì bảo anh không có nhà. Ngày nọ, tôi nghe ông bà Tư nói: “Thằng Mạnh, nó quyết rồi, dù không còn lên cơn nữa vẫn vào trung tâm cai nghiện. Nó muốn đoạn tuyệt vĩnh viễn với quá khứ.”

Anh lên đường với sự nhẹ nhõm và hi vọng của nhiều người, rồi thư của anh gửi về đầy nắng gió của núi rừng, niềm vui và sự hồi sinh của một con người mới trải qua cơn bạo bệnh. Anh kể, tay chân anh mới đầu rộp đầy bong bóng nước do không quen lao động, nhưng đến giờ, chúng đã thành những vết chai. Anh tự hào có những vết chai này lắm. Ai không hiểu có lẽ cười sự tự hào kì quặc này, nhưng tôi thì hiểu. Anh còn viết nhờ ơn Chúa thương, anh đã kiếm được tiền từ công việc làm mộc học đuợc ở trung tâm. Thư lạc quan vô cùng khiến cho gia đình anh và cả hàng xóm đều rất vui.

Thời gian trôi qua, anh bây giờ đã là một người đàn ông vạm vỡ với làn da đen bóng và đôi mắt sáng tự tin, cái làm tôi ngạc nhiên là mái tóc (nó dày đen và đựơc hớt gội gọn gàng sạnh sẽ ), là tấm lòng trung hậu của anh, anh rất hiếu thảo với cha mẹ và vui vẻ với hàng xóm. Anh vẫn miệt mài gọt dũa bản thân như một người khổ luyện võ công. Anh nhiệt tình tham gia vào hội đoàn nơi giáo xứ và hăng say trong các công tác tông đồ. Anh nói bây giờ anh không còn sợ những cám dỗ đen tối nữa. Một lần vấp ngã là một bài học kinh nghiệm cho suốt cuộc đời.

Cuộc sống vẫn là một bức tranh khổng lồ, sinh động và đầy màu sắc. Trong đó, mỗi thực thể mang một gam màu riêng biệt để chứng tỏ sự hiện hữu của mình. Con người được mang hình ảnh của Thiên Chúa nên thuộc thượng đẳng với nhiều màu sắc cũng thật đặc biệt, có thể biến thành vạn sắc theo nhân cách và lối sống. Có những người tự biến mình thành vết bẩn của bức tranh, có những “vết bẩn”đã được gôm tẩy, đã quyết chí kiên trì vượt qua khó khăn và thành công lấy lại sắc “người.”

KLH (Maranatha)