PDA

View Full Version : LỄ MÌNH MÁU CHÚA: NUỐT TRỌN ĐẤNG YÊU TA !



littlewave
11-06-2009, 10:08 PM
LỄ MÌNH MÁU CHÚA



NĂM B



Xh 24,3-8 ; Dt 9,11-15 ; Mc 14,12-16.22-26


BÀI ĐỌC I : Xh 24,3-8

Ngày ấy, khi từ núi Xi-nai xuống, 3 ông Mô-sê xuống thuật lại cho dân mọi lời của Đức Chúa và mọi điều luật. Toàn dân đồng thanh đáp: "Mọi lời Đức Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành."4 Ông Mô-sê chép lại mọi lời của Đức Chúa. Sáng hôm sau, ông dậy sớm, lập một bàn thờ dưới chân núi và dựng mười hai trụ đá cho mười hai chi tộc Ít-ra-en.5 Rồi ông sai các thanh niên trong dân Ít-ra-en dâng những lễ toàn thiêu, và ngả bò làm hy lễ kỳ an tế Đức Chúa.6 Ông Mô-sê lấy một nửa phần máu, đổ vào những cái chậu, còn nửa kia thì rảy lên bàn thờ.7 Ông lấy cuốn sách giao ước đọc cho dân nghe. Họ thưa: "Tất cả những gì Đức Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành và tuân theo."8 Bấy giờ, ông Mô-sê lấy máu rảy lên dân và nói: "Đây là máu giao ước Đức Chúa đã lập với anh em, dựa trên những lời này."

ĐÁP CA : Tv 115

Đ. Tôi xin nâng chén mừng ơn cứu độ
và kêu cầu thánh danh Đức Chúa. (c 13)

12 Biết lấy chi đền đáp Chúa bây giờ vì mọi ơn lành Người đã ban cho? 13 Tôi xin nâng chén mừng ơn cứu độ và kêu cầu thánh danh Đức Chúa.

15 Đối với Chúa thật là đắt giá cái chết của những ai trung hiếu với Người. 16 Vâng lạy Chúa, thân này là tôi tớ, tôi tớ Ngài, con của nữ tỳ Ngài, xiềng xích trói buộc con, Ngài đã tháo cởi.

17 Con sẽ dâng lễ tế tạ ơn, và kêu cầu thánh danh Đức Chúa. 18 Lời khấn nguyền với Chúa, tôi xin giữ trọn, trước toàn thể dân Người.

BÀI ĐỌC II : Dt 9,11-15

Thưa anh em, 11 nhưng Đức Ki-tô đã đến làm Thượng Tế đem phúc lộc của thế giới tương lai. Để vào cung thánh, Người đã đi qua một cái lều lớn hơn và hoàn hảo hơn, không do bàn tay con người làm nên, nghĩa là không thuộc về thế giới thọ tạo này.12 Người đã vào cung thánh không phải với máu các con dê, con bò, nhưng với chính máu của mình, Người vào chỉ một lần thôi, và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta.13 Vậy nếu máu các con dê, con bò, nếu nước tro của xác bò cái, đem rảy lên mình những kẻ nhiễm uế còn thánh hoá được họ, nghĩa là cho thân xác họ trở nên trong sạch,14 thì máu của Đức Ki-tô càng hiệu lực hơn biết mấy. Nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Đức Ki-tô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa. Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống.

15 Bởi vậy, Người là trung gian của một Giao Ước Mới, lấy cái chết của mình mà chuộc tội lỗi người ta đã phạm trong thời giao ước cũ, và đem lại cho những ai được Thiên Chúa kêu gọi quyền lãnh nhận gia nghiệp vĩnh cửu Thiên Chúa đã hứa.

TUNG HÔ TIN MỪNG : Ga 6,51

Hall-Hall : Chúa nói : Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Hall.

TIN MỪNG : Mc 14,12-16.22-26

12 Hôm ấy, nhằm ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không Men, là ngày sát tế chiên Vượt Qua, các môn đệ thưa với Đức Giê-su: "Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu? " 13 Người sai hai môn đệ đi, và dặn họ: "Các anh đi vào thành, và sẽ có một người mang vò nước đón gặp các anh. Cứ đi theo người đó.14 Người đó vào nhà nào, các anh hãy thưa với chủ nhà: Thầy nhắn: "Cái phòng dành cho tôi ăn lễ Vượt Qua với các môn đệ của tôi ở đâu?15 Và ông ấy sẽ chỉ cho các anh một phòng rộng rãi trên lầu, đã được chuẩn bị sẵn sàng: và ở đó, các anh hãy dọn tiệc cho chúng ta."16 Hai môn đệ ra đi. Vào đến thành, các ông thấy mọi sự y như Người đã nói. Và các ông dọn tiệc Vượt Qua.

22 Đang bữa ăn, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông và nói: "Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy."23 Và Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông, và tất cả đều uống chén này.24 Người bảo các ông: "Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người.25 Thầy bảo thật anh em: chẳng bao giờ Thầy còn uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến ngày Thầy uống thứ rượu mới trong Nước Thiên Chúa." 26 Hát thánh vịnh xong, Đức Giê-su và các môn đệ ra núi Ô-liu.



NUỐT TRỌN ĐẤNG YÊU TA !



Để diễn tả tình liên đới giữa Thiên Chúa với loài người, Thánh Kinh dùng những tương quan : Chủ -Tớ (x Lc 19,11-27) ; Bạn – Hữu (x Ga 15,15) ; Cha – Con (x Lc 15,11-32) ; Phu – Thê (x 2Cr 11,2). Trong bốn tương quan ấy, thì hai tương quan “Cha- Con” và “Phu –Thê” là thắm thiết bền chặt nhất.

Tuần vừa qua lễ Chúa Ba Ngôi, Hội Thánh đã giúp chúng ta suy niệm về Thiên Chúa Ba Ngôi, Chúa Thánh Thần dạy chúng ta biết gọi Thiên Chúa là “Abba – Cha Mẹ ơi” (x Rm 8,15) ; thì Chúa nhật lễ Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô, chúng ta được dự tiệc Thánh Thể, ta mới thực sự là “Hiền Thê” của Chúa Ki-tô. Đây là đỉnh cao tương quan Giao Ước tình yêu Thiên Chúa ký kết với dân Ngài.

Chúng ta muốn cảm nghiệm tình yêu cao cả này mà Thiên Chúa dành cho ta, ta hãy tìm hiểu:


· Ý nghĩa Giao Ước trong máu.
· Hiến tế của Chúa Giê-su trổi vượt hơn mọi hiến tế.
I. Ý NGHĨA GIAO ƯỚC TRONG MÁU.

Giao ước là đôi bên thề hứa với nhau thi hành một lý tưởng đôi bên cùng có lợi. Để bảo chứng cho Giao ước đó được triệt để thi hành, bên nào lỗi lời thề, bên đó bị phân thây (máu chảy).
Trước khi Chúa lập Giao Ước với Ab-ra-ham : Ông phải bỏ quê hương lên đường tới miền đất mới Chúa chỉ cho, dù tuổi vợ chồng ông đã hết thời sinh nở, mà chưa có một người con nào, Chúa cũng hứa ban cho ông một dòng giống đông đúc như sao trời như cát biển. Để làm chứng lời Giao Ước này có giá trị, Chúa bảo ông Ab-ra-ham bắt một số con vật xẻ đôi đặt thịt chúng thành hai bờ, rồi ông sẽ thấy dấu ngọn đuốc đi qua giữa những con vật phân thây (x St 15), đó là dấu Chúa không bao giờ lỗi Giao Ước mà Ngài đã lập với ông Ab-ra-ham.

II. HY TẾ CHÚA GIÊ-SU TRỔI VƯỢT HƠN MỌI LỄ TẾ.

Dù ông Ê-ly-a sát tế con bò dâng lên Chúa theo luật Mô-sê ở núi Karmel, đã thắng lễ tế của 450 tiên tri thờ thần Baal, và thừa thắng xông lên ông đã diệt hết bọn tiên tri ngoại giáo ấy ! (x 1V 18,20t) Nhưng lễ tế làm theo luật Mô-sê hay bất cứ lễ tế nào ngoài Giáo Hội Công giáo đều thua xa từ hình thức, nội dung đến hiệu quả :

1- Khác nhau về chủ tế.

Chủ tế ngoài Ki-tô giáo là người phàm, dù tầm cỡ như ông Mô-sê (x Xh 24, 8 : Bài đọc I), thì cũng chẳng ai thiệt gì đến bản thân. Thua xa chủ tế trong Ki-tô giáo là chính Chúa Giê-su, Giám mục hay Linh mục khi dâng lễ “trong cương vị Đức Ki-tô là Thủ Lãnh” chủ sự cộng đoàn (x Hiến Chế Phụng Vụ số 7 ; Giáo Lý Hội Thánh số 1348 ; 1369). Tất cả đều phải hy sinh, có khi phải thiệt mạng sống như Đức Giê-su (x Lc 22,19 ; Cl 1,24) ; hoặc ít ra là lao động cần cù vất vả trong việc bổn phận như người đội vò nước đang về nhà chỉ cho các môn đệ Đức Giê-su căn phòng để Thầy trò ăn lễ Vượt Qua tại đó và trong bữa tiệc ấy Đức Giê-su lập Bí tích Thánh Thể (x Mc 14,12-16 : Tin Mừng).

2- Khác nhau về của lễ.

Của lễ ngoài Ki-tô giáo là vật chất như chiên cừu bò lừa (x Xh 24,5 : Bài đọc I). Thua xa của lễ trong Ki-tô giáo là chính Chúa Giê-su Phục Sinh và những người được Ngài cứu độ đã trở nên Thân Thể Mầu Nhiệm của Chúa Ki-tô (x Giáo Lý Hội Thánh số 1367 ; 1370 ; 1396 ; 1407). Và như vậy Đức Giê-su Ki-tô vừa là Chủ Tế, vừa là Lễ Vật (x GLHT số 1410).

3- Khác nhau về xuất xứ.

Bàn thờ ngoài Ki-tô giáo là sáng kiến của loài người làm bằng vật chất, như ông Mô-sê dùng 12 trụ đá xếp lại thành bàn thờ (x Xh 24,4 : Bài đọc I). Và từ trên mặt đất này tế lễ cho vị thần, thua xa bàn thờ trong Ki-tô giáo là biểu tượng của chính Chúa Giê-su đang hiện diện giữa cộng đoàn tín hữu (x GLHT số 1383). Bàn thờ này phát xuất từ tận cung thánh trên trời, được Hội Thánh làm hiện tại hóa trên dương thế (x Dt 9,11-12 : Bài đọc II).

4- Khác nhau về hiệu quả.

Các kiểu tế tự cầu khẩn ngoài Ki-tô giáo, chỉ là nhờ vị tư tế làm trung gian giữa vị thần với đồng loại, khẩn cầu vị thần ban ơn đáp ứng nhu cầu thân xác đồng loại. Thua xa Hy lễ trong Hội Thánh Công giáo, vị Tư Tế Giê-su lại là Chúa, trực tiếp ban ơn cho dân Ngài phần hồn cũng như phần xác (x Dt 1,1). Cụ thể được bốn ơn này :

a-Được tạ ơn Chúa : Đức Ki-tô dâng toàn thể công trình sáng tạo, được Thiên Chúa yêu thương lên trước nhan Chúa Cha qua sự chết và phục sinh của Ngài. Nhờ Ngài, Hội Thánh có thể dâng Hy Tế Tạ Ơn, và ca ngợi vì tất cả các chân thiện mỹ Thiên Chúa đã làm cho vũ trụ và cho con người (x GLHT số 1359). Lời Tạ Ơn ấy không thêm gì cho Chúa, nhưng đem lại cho chúng ta ơn cứu độ muôn đời nhờ Đức Ki-tô (x Lc 17,15-19 và Kinh Tiền Tụng Tạ Ơn trong Thánh lễ). Như thế, hơn hẳn lễ tế ngoài Ki-tô giáo chỉ lấy một số vật chất dâng vị thần như ông Mô-sê truyền cho dân giết bò tế lễ tạ ơn Chúa đã cứu dân thoát nô lệ Ai-cập, và là dấu Giao Ước thi hành mọi lời Thiên Chúa phán (Xh 24,3-8 : Bài đọc I).

b-Được thoát tội: Bí tích Thánh Thể được dâng lên như Hy-tế nhờ máu Chúa Ki-tô tẩy rửa đền tội cho người sống cũng như kẻ chết và xin Chúa ban ơn lành cho xác hồn (x Dt 9,14 : Bài đọc II và GLHT số 1414) giúp chúng ta xa lánh tội, gìn giữ ta không phạm tội trọng (x GLHT số 1395 ; 1416). Nhất là dù chúng ta có chết cách nào, Chúa Giê-su Thánh Thể cũng cho chúng ta được sống lại vinh hiển như Ngài trong ngày cánh chung (x Ga 6,54 ; 1Ga 3,2). Hơn hẳn ông Mô-sê lấy máu bò rảy trên dân, chỉ là dấu hiệu Thiên Chúa thánh hóa dân khỏi nhiễm uế (x Xh 24,8 : Bài đọc I ; Dt 9,13 : Bài đọc II).

c-Được nuốt Đấng Phục Sinh : Lúc Đức Giê-su lập Bí tích Thánh Thể, Ngài cầm lấy bánh dâng lời chúc tụng và nói với các môn đệ : “Anh em hãy cầm lấy mà ăn vì này là mình Thầy” (Mc 14,22 : Tin Mừng). “Ăn thịt Chúa Giê-su” không phải là ăn miếng thịt của Ngài mà là đón nhận lấy chính Chúa Giê-su Phục Sinh cả hồn lẫn xác đã sống lại và được thần hóa ; cả thiên tính và nhân tính của Ngài. Nói tắt : “Nuốt trọn Đấng yêu ta vào lòng”. Như thế, khi ta rước lễ, Chúa Giê-su trao thân cho ta và ta trao thân cho Ngài, để ta nên một trong Chúa Giê-su, cùng một xương thịt, cùng một sự sống thần linh, cho ta trái tim giống Chúa Giê-su, nâng đỡ sức lực ta trên đường lữ hành tại thế, làm cho ta khao khát cuộc sống vĩnh cửu, và ngay từ bây giờ liên kết ta với Hội Thánh trên trời, với Đức Trinh Nữ Ma-ri-a và các thánh (x GLHT số 1419 ; Dt 2,11.14 ;Ga 6,57 ; Gl 2,20). Còn hơn là vợ chồng trao thân cho nhau để họ không còn là hai thân xác nhưng đã kết hợp nên một (x Mt 19,5).

d-Được nhận Giao Ước : Đức Giê-su cầm chén rượu và nói : “Đây là máu Thầy, máu Giao Ước đổ ra vì muôn người” (Mc 14,24 : Tin Mừng). Giao Ước được Đức Giê-su lập bằng máu của Ngài : vì tội ta phản bội Chúa, đáng lẽ ta bị phân thây như những con vật mà ông Ab-ra-ham đã xẻ đôi (x St 15). Nhưng Đức Giê-su lại tình nguyện gánh lấy tội ta, nên Ngài bị phanh thây đền tội cho ta (x Ga 1,29 ; Is 53), và như thế Đức Giê-su đã lập Giao Ước bằng máu với ta, Ngài đã sống lại và không bao giờ chết nữa để bảo đảm cho ta cùng sống với Đức Ki-tô Phục Sinh là được sống dồi dào (x Ga 10,10).

Do đó nếu ta tái phạm tội mà không trông cậy vào lòng thương xót của Chúa, thể hiện qua việc xưng tội và rước lễ, thì chính ta đã xé Giao Ước Chúa đã lập với ta, sa-tan sẽ phanh thây ta, chứ sa-tan không có quyền gì đối với Chúa Giê-su Phục Sinh.
Theo luật Bí tích Hôn Phối, sau khi vợ chồng ký giao ước Hôn Phối trước xã hội và Hội Thánh, lại ăn ở trao thân cho nhau, thì Hôn Phối ấy đã hoàn hợp và không có cách nào tháo gỡ được (x Giáo Luật số 1061) ; Cũng thế, mỗi khi ta dự lễ cách trọn vẹn nghe Lời và rước lễ, thì cuộc đính hôn của ta với Tân Lang Giê-su đạt đỉnh cao sự hoàn hợp (x 2Cr 11,2). Lúc ấy ta được nghe tiếng Ngài nói với ta : “Không bao giờ Ta bỏ ngươi” (x Is 49,15b), vì “Ta đã yêu là yêu đến cùng!” (Ga 13,1)

Vậy “tôi xin nâng chén mừng ơn cứu độ và kêu cầu danh Đức Chúa, tôi lấy biết lấy chi đền đáp Chúa bây giờ, vì mọi ơn lành Ngài đã ban cho” (Tv 115 : Đáp ca).

THUỘC LÒNG.

Chúa Giê-su nói : “Ai ăn Ta nó sống nhờ Ta, như Ta sống nhờ Cha Ta” (Ga 6,57).

nenhongnho
14-06-2009, 05:33 AM
BÍ TÍCH THÁNH THỂ: TUYÊN XƯNG CHỨ ĐỪNG CHỨNG MINH

Có không ít người thắc mắc: "Tấm bánh và ly rượu sau khi được linh mục truyền phép, thì bánh vẫn là bánh, rượu vẫn là rượu, hình dạng, mùi vị và màu sắc ... y chang như khi chưa truyền phép, vậy mà người Công Giáo lại bảo rằng đó là Mình và Máu Chúa Giêsu Kitô thì thật là vô lý!"

Bạn có khi nào hồ nghi hay thắc mắc về sự hiện diện đích thực của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể không? Nếu bạn đã từng có thắc mắc và kể cả có những nghi nan về sự hiện diện đích thực của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể, thì tôi xin chia sẻ với bạn một vài sự kiện rất thật sau đây:
Thứ nhất, trong suốt hai mươi thế kỷ qua, đã và vẫn đang có hàng tỉ người, từ Châu Âu sang Châu Á, từ Châu Mỹ sang Châu Phi cho đến Châu Úc ... tin vào sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể. Trong số đó, có không ít những vĩ nhân trên thế giới, họ là những nhân vật thông minh xuất chúng, tài ba, có những bằng cấp và học vị cao và rất nổi tiếng như: Gregory the Great, John Chrysostom,Jerome,Thomas Aquinas, Augustine,Galile, Rene Descartes, Isaac Newton, Louis Pasteur, Alexander Fleming, John von Neumann ... đã tin vào sự hiện diện thật của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể.

Thứ hai, có ước chừng 103 phép lạ Thánh Thể đã xảy ra ở Ý, Úc, Pháp, Tây ban Nha, Columbia, Ái Nhĩ Lan, Ấn Độ, Thụy Sĩ ... được Giáo Hội điều tra và công nhận, những thánh tích này vẫn còn được lưu giữ trong các nhà thờ cho đến ngày hôm nay. Đáng chú ý nhất là phép lạ Thánh Thể xảy ra vào thế kỷ thứ 8 tại Lantiano, Itali. Qua hàng trăm cuộc thử nghiệm, học hỏi và nghiên cứu vào những năm 1574, 1971 & 1981, các bác sĩ, các nhà khoa học và các chuyên gia đã đồng công nhận rằng:

Thịt và Máu của Thánh Tích là thịt máu thật của một con người, giống như loại máu của những cư dân ở vùng Middle Eastern.
Máu của Thánh Tích thuộc nhóm AB, cùng một loại máu mà người ta tìm thấy trên tấm khăn thành Turin. Trong máu có protein là chất thường có để giữ máu tươi.
Thánh Tích có đủ các thành phần như thịt máu chúng ta: cũng có những khoáng chất: chlorides, phosphorus, magnesium, potassium, sodium và calcium.
Máu và thịt (Thánh Tích) vẫn còn tươi và được lưu trữ một cách tự nhiên, không cần chất hóa học, chỉ trong không khí bình thường, và được lưu giữ trong suốt 12 thế kỷ qua tại nhà thờ thánh Longinô, mà Thịt & Máu (Thánh Tích) vẫn tồn tại một cách lạ thường, là một hiện tượng lạ lùng mà khoa học không thể giải thích được.
Bạn thân mến, nếu Chúa Giêsu không hiện diện thật trong bí tích Thánh Thể, nếu Ngài không hiện diện thật ở trong tấm bánh và chén rượu, sau khi linh mục truyền phép, thì sức mấy mà những vĩ nhân trên thế giới lại tin như vậy, và nhất là các nhà khoa học sức mấy mà tuyên bố rằng: "[After] perform a thorough scientific examination on the relics of the miracle which had occurred twelve centuries earlier... [We,] the Medical Commission of the WHO and the UN, ... declared that science, aware of its limits, has come to a halt, face to face with the impossibility of giving an explanation." http://www.therealpresence.org/eucharst/mir/english_pdf/Lanciano1.pdf (http://www.therealpresence.org/eucharst/mir/english_pdf/Lanciano1.pdf)
Bạn thân mến, thánh Gioan Kim Khẩu đã nói: "The mystery of the Eucharist does not need to be proved, but simply proclaimed." Thánh nhân khuyên chúng ta rằng, bởi bí tích Thánh Thể là một mầu nhiệm, mà đã là mầu nhiệm thì dù cho con người ta có thông minh, có tài giỏi, có siêu đẳng mấy đi chăng nữa thì cũng không thể nào hiểu và cũng chẳng thể nào chứng minh được những huyền nhiệm của bí tích này. Ngài khuyên chúng ta là thay vì trổ tài hùng biện, thay vì vận dụng khả năng uyên bác, và tìm những phương cách lý giải, biện luận để thuyết phục và chứng minh rằng Chúa Giêsu đang hiện diện thật với tất cả thần tính và thiên tính của Ngài trong Phép Thánh Thể, ... thì chúng mình hãy tuyên xưng niềm tin đó! Tuyên xưng bằng cách nào đây? Tôi nghĩ có hai cách:

Thứ nhất là TUYÊN XƯNG BẰNG LỜI:

Hãy cố gắng nói ra những lời nhã nhặn, tế nhị, lịch sự và yêu thương với những người chung quanh, đặc biệt là những người mà bạn không ưa, không thích...
Hãy nói với những ai đang chất vấn bạn về sự hiện diện thật của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể, một cách nhã nhặn và từ tốn rằng: "Xin lỗi, tôi không có khả năng đưa ra những lý luận thuần lý để chứng minh về sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Phép Thánh Thể, nhưng tôi TIN chính Ngài đang hiện diện trong tấm bánh và ly rượu sau khi linh mục đọc lời truyền phép, bởi chính Ngài khi xưa đã bẻ bánh và nâng chén rượu trao cho các môn đệ, đã phán: "Đây là Mình Thầy ... Đây là Máu Thầy ..." (Mc 14:21,24).
Thứ hai là TUYÊN XƯNG BẰNG HÀNH ĐỘNG:

Chúa Giêsu hay quan tâm đến tha nhân, bạn và tôi hãy quan tâm đến ông bà, cha mẹ, anh chị em và những người già lão, bệnh tật, nghèo đói, cô đơn & bệnh hoạn ...
Chúa Giêsu hay tha thứ cho những kẻ bách hại Ngài, chúng mình hãy bỏ qua những lỗi lầm, những khuyết điểm, và những bất toàn của chồng, vợ, con cái, của các linh mục, tu sĩ ....
Chúa Giêsu hay giúp đỡ người khác, tôi và bạn hãy mở rộng đôi tay cứu giúp và chia sẻ những gì mình có cho những người thiếu thốn, nghèo khó, và kém may mắn ...
Bạn thân mến, khi nào chúng mình sống tốt, biết đối xử hòa nhã, hiền lành, nhân hậu và vui vẻ, sẵn sàng tha thứ cho những người xung quanh ... thì lúc đó người ta sẽ nhận ra chính Chúa Giêsu đang hiện diện ở trong bạn, và người ta sẽ tin vào mầu nhiệm Thánh Thể cho mà xem, bởi vì họ biết rằng, sở dĩ bạn có Chúa Giêsu ở trong bạn là vì bạn đã lãnh nhận Mình Thánh Chúa trong thánh lễ.
"Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy (Is 55:9). Bạn có nên lấy những lý luận nông cạn, có nên dùng trí thông minh kém cỏi và vận dụng những thứ ngôn ngữ giới hạn và bất toàn của loài thụ tạo để nhằm chọc thủng bức màn mầu nhiệm của Đấng Tạo Hóa không? Ai mà lại dại dột vậy? Chết!
"Sự giàu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm [vô cùng]! Quyết định của Người, [không] ai [có thể] dò cho thấu! Đường lối của Người, ai theo dõi được?" (Rm 11:33-34). Bạn rất thân mến, loài người ta, dù có thông minh, dù có tài giỏi, dù có uyên bác mấy đi chăng nữa thì mãi mãi, sẽ chẳng khi nào có khả năng hiểu, chứ đừng nói đến chuyện giải thích những mầu nhiệm của Thiên Chúa. Hãy im tiếng đi mà cung kính, hãy cúi mình phủ phục, với thái độ khiêm tốn và trong thinh lặng, xin Ngài soi sáng, và mở trí cho ... thì lúc đó Thiên Chúa sẽ mạc khải cho ta biết một tí về Ngài! Tôi tin chắc như vậy bởi có lần Ngài đã thưa với Chúa Cha rằng: "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn" (Mt 11:25).

Thay cho lời kết, xin mời bạn nghe Mục Sư Martin Luther nói với những người hồ nghi về sự hiện diện của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể: "What does it matter? It is enough to know that [after bread & wine are consecrated] Christ's flesh and blood are truly present; the how and [why], we leave to Him." Tạm dịch là: "Tại sao lại quan trọng hóa vậy? Các người chỉ cần biết rằng [sau khi bánh & rượu được linh mục truyền phép] thì Mình và Máu Thánh của Chúa Kitô hiện diện thật trong tấm bánh và trong ly rượu là đủ rồi! Còn chuyện làm thế nào hay tại sao mà bánh và rượu biến thành Thịt và Máu thật thì đó là chuyện của Chúa! Thắc mắc làm chi vậy?" (Kerr, Hugh Thomson, ed. A Compend of Luther's Theology. Philadelphia: Westminster, 1943, p. 75).
Bạn còn thắc mắc nữa hay không?
Lm Ansgar Phạm Tĩnh, SDD