PDA

View Full Version : Nhạc sĩ Viết Chung



giusehien
11-12-2007, 01:23 AM
TIỂU SỬ NHẠC SĨ VIẾT CHUNG

Tên thật: Giuse Đỗ Quang Trung
Sinh ngày: 06-05-1938
Tại: Liễu Đề - Bùi Chu – Nam Định
Vượt qua: 26-03-1996
Tốt nghiệp Trường Quốc Gia Âm Nhạc Sàigòn (1961)
Giáo sư Trường Quốc Gia Âm Nhạc Huế và Sàigòn (1962-1975)
Giáo sư âm nhạc Viện Đại Học Thành Nhân (1973-1976)
Nhạc sĩ Viết Chung để lại hàng trăm bài thánh ca và các ca khúc về Quê Hương, nổi bật là rất nhiều bản hợp xướng sử dụng các điệu thức âm nhạc cổ truyền Việt Nam với phần hoà âm phong phú. Nhạc sĩ cũng đã đào tạo nhiều nhạc sĩ, ca trưởng và những người hoạt động cho nền thánh nhạc Việt Nam.

Các tập thánh ca đã ấn hành:

10 BÀI HÀNH HƯƠNG
GIÁO TRƯỜNG CA SA MẠC
GIÁO TRƯỜNG CA CHÚA XUÂN
LIÊN KHÚC NIỀM TIN ĐÔNG PHƯƠNG
ĐÀN HƯƠNG
PHƯỢNG HOÀNG CA
DIỆU CA MỚI
HÁT LÊN CÙNG TÔI
VỚI CẢ TÂM TÌNH
LỄ CA TẠ ƠN
LỄ CA GIÁNG SINH
CHÚT TÌNH CỎ HOA
CHÚA HÀI ĐỒNG VÀ TRẺ THƠ
CHỨNG NHÂN CA
Các tác phẩm về Quê Hương:
TRƯỜNG CA SÔNG HÁT (cùng với Nguyễn Tùng)
HUYỀN SỬ CA HÙNG VƯƠNG (Cánh Chim Lạc Việt)
ĐỒNG DAO MỚI
HOÀ TẤU KHÚC GIAO MÙA

Phanxico

http://www.gpnt.net/diendan/showthread.php?t=3581

dominico_dung
19-04-2010, 01:34 AM
http://i213.photobucket.com/albums/cc294/arilandung/Thanh_Nhac/NS_VietChung.jpg



NHẠC SĨ VIẾT CHUNG
Giuse ĐỖ QUANG TRUNG (1938 - 1996)
Vua Minh Mạng sáng tác câu đối như sau:

"Âm nhạc tịnh trần hoà kỳ tâm dĩ dưỡng kỳ chí
Nghiên xuy tề hiến thủ kỳ thị nhi giới kỳ phi"
(Câu đối ở Duyệt Thị Đường - Đại Nội - Huế)
Hiển nghĩa như sau:

Âm nhạc cùng phô bày, hòa được lòng người để nuôi dưỡng chí khí.
Thiện ác đồng trình hiện, khiến giữ được cái đúng mà giới hạn cái sai.
Có một nhạc sĩ Công giáo, thời kỳ trước 1975 là Giáo sư Trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ Huế và là Giám đốc Đoàn Văn công "CHÍ LINH" chỉ sáng tác và trình diễn những ca khúc "đời" : Cộng đồng ca, Dân ca hợp xướng, Quê hương, Tình yêu… Nhưng sau 1975, Đoàn Văn công "CHÍ LINH" giải thể, âm nhạc với ông như xa lạ, bế tắc. Không có đất dụng võ, ông đi làm công nhân lò gạch, la lết ngồi vỉa hè bán sách cũ long đong lận đận vì cơm áo gạo tiền cho vợ con.

Nhưng rồi sau đó, đến năm 1979, tiếng gọi âm nhạc réo lên trong tâm hồn ông, lắc lay ông trỗi dậy với âm nhạc như trỗi dậy với người tình trăm năm. Lần trở về bến xưa này, ông sáng tác nhạc chính yếu là thánh ca, cũng nổi tiếng, người ta nhắc nhiều đến tên ông, hát nhiều bài thánh ca của ông trong giáo đường.

Chúng tôi xin được nói sơ lược vài điều về người nhạc sĩ Công giáo ấy: VIẾT CHUNG

Tên thật là Giuse ĐỖ QUANG TRUNG, sinh ngày 6 - 5 - 1938, tại làng Liễu Đề, Huyện Nam Trực, Nam Định, thuộc Giáo phận Bùi Chu. Học âm nhạc, đến năm 1961, tốt nghiệp khoa "Lý luận - Sáng tác - Chỉ huy" trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ Sài Gòn - được bổ nhiệm Giáo sư Trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ Huế là nơi người cậu ruột của ông là Linh mục Nhạc sĩ Ngô Duy Linh (1922 - 1998) làm Hiệu Trưởng.

Ông cũng dạy ở Trường Âm Nhạc - Kịch Nghệ Sài Gòn , 1962 - 1975. Cũng trong thời gian này, từ 1973, ông dạy âm nhạc tại Đại học Thành Nhân do Sư Huynh Mai Tâm Dòng La San khởi xướng thành lập.

Cũng từ 1966 - 1975, nhạc sĩ Viết Chung là Giám đốc Đoàn Văn công "CHÍ LINH" chuyên trình diễn quảng bá cộng đồng ca, dân ca hòa âm hợp xướng.... Nhạc sĩ Viết Chung là người chủ yếu sáng tác ca khúc và chỉ huy trình diễn.

Theo Anh Đỗ Chu: Bút danh VIẾT CHUNG có từ những năm đầu của thập niên 60 khi nhạc sĩ Viết Chung còn làm báo Tin Yêu cùng với Tố Hải, Hoàng Linh Duy, Trần Dạ Từ, Nhã Ca...nhạc sĩ Viết Chung rất thân với hai anh Tố Hải, Hoàng Linh Duy nên bút danh VIẾT CHUNG mới ra đời từ đó. Trước khi có tên Viết Chung, nhạc sĩ Viết Chung còn có bút danh khác như Hải Vân, Dzoãn Đạo. Sau này một số tuyển tập thánh ca nhạc sĩ Viết Chung còn lấy bút danh như Đaminh, Bình Ca, Ba Chung...

Đoàn văn công CHÍ LINH đã thực hiện hơn 500 buổi trình diễn tại nhiều nơi, từ Quảng Trị - Huế - Đà Nẵng, lên Đà Lạt - Tuyên Đức, Xuống Biên Hòa -Vũng Tàu, vào Sài Gòn … ở Osaka( Nhật)…

Có một buổi trình diễn tại "Dinh Độc Lập" với vở ca nhạc kịch "TRƯỜNG CA SÔNG HÁT" được quan khách nhiệt liệt hoan nghênh. Sau đó, nhạc sĩ Viết Chung được trao giải thưởng Văn học Nghệ thuật toàn quốc năm 1973 của chính quyền Sài Gòn.
Trong thời kỳ này nhạc sĩ Viết Chung đã sáng tác trên 200 ca khúc, và nhiều bản phối khí hòa âm cho hợp xướng cũng như dàn nhạc, nhưng biến cố lịch sử năm 1975, Viết Chung đã đốt đi trên 2/3 tác phẩm, nay còn lại rất ít.

Hoạt động thánh nhạc Việt Nam:

Sau 1975, nhạc sĩ Viết Chung đi làm công nhân lò gạch, la lết ngồi vỉa hè bán sách cũ, chạy hết nơi này qua nơi khác long đong kiếm sống…

Những ca khúc trước đây của ông, bây giờ xem ra không còn chỗ đứng. Tình yêu âm nhạc bừng cháy ngày nào, bây giờ lắng xuống như ngọn hỏa sơn ngủ yên. Cho đến 1979, theo lời gợi ý, đề nghị và mời gọi của nhạc sũ Linh mục Kim Long và có sự cộng tác hỗ trợ giữa Viết Chung và Linh mục Phan Khắc Từ, người nhạc sĩ tài ba này đã nghe rõ trở lại tiếng gọi của âm nhạc reo lên rộn rã trong hồn mình. Âm nhạc đã có thời cơ, đã có điều kiện thức dậy, nảy nở, dâng lên, dạt dào, đã hòa được lòng người để nuôi dưỡng chí khí. Sao mà trùng hợp, tương cận vơi tư tưởng của Minh Mạng đến thế:


"Âm nhạc tịnh trần hoà kỳ tâm dĩ dưỡng kỳ chí "


Ông Lê Đình Bảng có ý kiến: "Riêng trong lĩnh vực thánh nhạc, thánh ca, công bằng mà nói, nhạc sĩ Viết Chung là một trong những người "có phúc". Anh vừa có may mắn gần gũi học tập lớp nhạc sĩ tiên phong (như Hải Linh, Ngô Duy Linh…), lại vừa được đào tạo chính quy, có môi trường thuận lợi để nghiên cứu, sáng tác và trình diễn. Điều này, đối với lớp trước và sau anh, chưa dễ ai mấy ai muốn mà có được. Có thể đoán chắc một điều là 20 năm trở lại đây, ơn gọi để toàn tâm, toàn ý cho thánh nhạc, mới thực sự rõ nét ở anh (…)" ("Hát Lên Mừng Chúa", Ban thánh nhạc Giáo phận Tp.HCM, số 8).

Nhạc sĩ Viết Chung được trao giải thưởng Văn học Nghệ thuật toàn quốc năm 1973, giải thưởng này công nhận nhạc sĩ Viết Chung vừa là nhạc sĩ vừa là nhà thơ, nên nhạc và thơ của nhạc sĩ Viết Chung rất hòa quyện vào nhau, ưu điểm này còn giúp nhạc sĩ Viết Chung sáng tác nhạc mọi lúc mọi nơi : nhìn những bông hoa bên chân nhà thờ nhạc sĩ Viết Chung đã cho ra đời "Chút tình cỏ hoa (Tâm nguyện ca 1/ trang 47)" Nhìn những ông từ chăm sóc bàn thánh, nhạc sĩ Viết Chung cho ra đời "Tôi tớ Chúa đây (Tâm nguyện ca 7/ trang 33)" Từ một bài giảng của linh mục nhân ngày lễ thánh INHAXIÔ, nhạc sĩ Viết Chung cho ra đời bài "Hiệp sỹ hành (Tâm nguyện ca 6/ trang 98)"...

Theo nhạc sĩ Phanxico người môn sinh mà nhạc sĩ Viết Chung đã làm thay đổi bước ngoặc trong sáng tác đã nhận xét như sau: Thầy Viết Chung là người của đời thường, đi qua nhiều nỗi thăng trầm của cuộc sống nên dòng nhạc của thầy tràn đầy âm thanh của thế gian ngưỡng vọng quê trời. Những ai lui tới nhà thầy luôn nhớ hình ảnh thầy ngồi viết nhạc ở ghế, với bút chì và tẩy, giữa muôn vàn tiếng huyên náo của cuộc sống chung quanh. Thầy có một tâm hồn rung cảm mãnh liệt với tình tự dân tộc. Có thể nói trong lịch sử âm nhạc Việt Nam nói chung và thánh nhạc Việt Nam nói riêng, chưa có ai sánh được với thầy trong việc phổ hợp xướng cho các bài dân ca cổ truyền và viết bài hợp xướng mới mang âm hưởng dân ca.

Âm nhạc (thánh ca) của nhạc sĩ Viết Chung ngôn từ đơn sơ thánh thiện, tràn đầy niềm tin giúp cho giáo dân sống gần Chúa hơn, theo lời kể của chị Loan ca trưởng giáo xứ Phao lô.

Và ý kiến của nhạc sĩ Viết Chung về hoạt động thánh ca, thánh nhạc: "Cho tới thập niên 70, phong trào thánh ca, thánh nhạc trong nước nở rộ về mặt trình diễn, các ca đoàn được thành lập rất nhiều và rất quy mô. Có những giáo xứ 3 hoặc 4 ca đoàn lớn với ca viên lên tới hàng trăm (…), các tác giả đông hơn, sáng tác nhiều hơn, số tác phẩm cũng rất đa dạng (…)". (trong CG và DT số 899, ngày 21 - 3 - 1993).

Bấy giờ nhạc sĩ Viết Chung sáng tác các giáo trường ca, các liên khúc và hàng loạt các bài thánh ca ngắn, phổ thông, sát với sinh hoạt phụng vụ. Và do những yêu cầu chính đáng, ông còn mở những lớp đào tạo ca viên, ca trưởng, nhạc sĩ… tại tư gia, tại nhiều giáo xứ: Vườn Xoài, Chợ Đủi, Tân Định, Hòa Hưng, Phú Thọ Hòa, Tam Hà (Thủ Đức)…

Dạy ca trưởng nhạc sĩ Viết Chung sọan giáo trình riêng, đặc điểm của giáo trình này có 17 bài tập chuyển tay, mà sau này anh Nguyễn Đình Khiêm cho là 17 chìa khóa điều khiển âm nhạc Viết Chung theo anh Nguyễn Đình Khiêm dù bạn học ca trưởng ở đâu mà không học 17 chìa khóa này khi dựng bài Viết Chung sẽ lâu hơn.

Cũng theo anh Nguyễn Đình Khiêm, ở Giáo xứ Vườn Xoài (Quận 3 - Tp.HCM). Thế này: "Sau 1975 thế mạnh văn nghệ quần chúng của giới Công giáo là trình diễn hợp xướng, những ca khúc lúc ấy không thể sử dụng cho hợp xướng 4 bè dị giọng, nhạc sĩ Viết Chung đã phối âm những ca khúc ấy để các ca đòan trình diễn. Nhờ thế mà ngoài những tuyển tập thánh ca, nhạc sĩ Viết Chung còn có những tuyển tập hợp xướng ĐỜI.

Năm 1980 nhạc sĩ Viết Chung là một trong những người khai mở phong trào văn nghệ quần chúng của đồng bào Công giáo quận Phú Nhuận (…). Vài năm gần đây, ông còn cộng tác với Nhà Văn Hóa Thanh Niên Thành Phố trong Liên hoan Hợp xướng Nụ Cười Hồng". (Song Mai, trong CG và DT số 1051, ngày 7 - 4 - 1996, tr. 9).

Cuộc đời và Sự nghiệp âm nhạc của nhạc sĩ Viết Chung:, hơn bốn mươi năm nhìn lại, thấy được hai thời kỳ:

Trước 1975, ông là thủ lĩnh đoàn văn công "CHÍ LINH", dạy nhạc ở Huế, Sài Gòn. Chính trong thời kỳ thành đạt và sôi nổi của tuổi thanh xuân, 1962 - 1975, Viết Chung ra mắt hàng loạt tác phẩm (khoảng 200 tác phẩm) về truyền kỳ lịch sử, tuổi trẻ, tình yêu, quê hương…

" Tuyển tập Cộng đồng ca. có một bài rất quen thuộc với sinh hoạt, học sinh thuở ấy:


BÀI CA TẠM BIỆT

http://vietchung.org/upload/bai_ca.gif


Tuyển tập Quê hương có:


" TRƯỜNG CA SÔNG HÁT



(Hợp soạn với Nguyễn Tùng, được Giải thưởng Văn học Nghệ thuật toàn quốc 1973 của chính quyền Sài Gòn).

" Huyền sử ca Hùng Vương: CÁNH CHIM LẠC VIỆT

" Tuyển tập "Đồng dao mới". Có bài:



BÁNH BÔNG LANG rất nổi tiếng do 2 nghệ sĩ MINH VƯƠNG và LỆ THỦY trình bày:


http://www.vietchung.org/upload/banh_bong_lan.jpg



Nhạc sĩ Viết Chung có những làn điệu dân ca Việt Nam rất tâm đắc. Đoàn văn công Chí Linh, và Ca đoàn Vượt Qua dưới sự chỉ huy của nhạc sĩ Viết Chung đã có lần cho công chúng thưởng thức các bài dân ca hợp xướng tuyệt vời, như bài: "Trống cơm" chộn rộn của Bắc Bộ, "Ai đi đường ấy" u uẩn của Trung bộ, "Lý chim quyên" đậm đà của Trung Bộ và "Trường ca sông hát" khí thế bừng bừng vàng son lịch sử ( Lê Đình Bảng, Hát lên mừng Chúa số 19, tr.62).

Sau 1975 dòng nhạc của nhạc sĩ Viết Chung đa dạng, phong phú, sáng tác nhiều thể lọai, chủ yếu là sáng tác Thánh ca và hòa âm các bài hợp xướng đời.

Các tác phẩm thánh ca có 15 bộ như sau :


1/ Giáo trường xa Chúa xuân
2/ Giáo trường ca sa mạc
3/ Hát lên cùng tôi
4/ Chút tình cỏ hoa
5/ Với cả tâm tình
Tiếng hát giáo đường ( là một phần của Với cả tâm tình )
6/ Diệu ca mới
7/ Ca mừng ơn cứu độ
8/ Phượng Hoàng ca
9/ Đàn Hương
10/ Chứng nhân ca
Liên khúc niềm tin đông phương (là một phần Chứng nhân ca )
11/ Lễ ca Tạ Ơn
12/ Lễ ca giáng sinh
13/ Tuyển tập thánh vịnh ĐÁP CA (bản thảo)
14/ Chúa Hài Đồng và Trẻ thơ
15/ Tâm nguyện ca Thiếu nhi (bản thảo)

Toàn bộ tác phẩm của nhạc sĩ Viết Chung sáng tác trong 40 năm được người "học trò cuối cùng" của ông ở giáo xứ Vườn Xoài, là anh Nguyễn Đình Khiêm sau nhiều năm sưu tầm và phân loại như sau: (theo ước nguyện của Viết Chung, sau này các tuyển tập thánh ca đã phát hành, nếu tái bản đều lấy tên TÂM NGUYỆN CA)

1. TÂM NGUYỆN CA 1: THÁNH VỊNH ĐÁP CA (3 tập):


Đây là công trình sáng tác "Con đã mãn nguyện, con đã viên toàn" tâm đắc nhất của nhạc sĩ Viết Chung.


Có nhiều nhạc sĩ sáng tác thánh vịnh đáp ca, nhưng họ sáng tác một thánh vịnh dùng cho 3 năm ABC khi thánh vịnh ấy lập lại, nhạc sĩ Viết Chung tránh lối mòn đó, sáng tác mỗi tuần là một bài Thánh vịnh độc lập, khi thánh vịnh đáp ca lập lại bao nhiêu lần trong 3 năm ABC thì Viết Chung sáng tác bấy nhiêu bài, để tránh sự nhàm chán khi ca đoàn sử dụng tập đáp ca này, vì một bài hát Thánh vịnh đáp ca sau 3 năm mới hát lại.


Thêm một đặc sắc trong tuyển tập THÁNH VỊNH ĐÁP CA này, giai điệu mỗi mùa phụng vụ có âm hưởng đặc trưng riêng. Bạn không thể lấy Thánh vịnh của mùa chay để hát mùa thường niên, hay bạn không thể lấy Thánh vịnh mùa giáng sinh để hát cho mùa chay.


Khi bạn sử dụng thánh vịnh đáp ca của nhạc sĩ Viết Chung bạn phải hát luôn Halleluia thì mới hết một tác phẩm, vì Thánh vịnh nhạc sĩ Viết Chung thường cho kết ở bậc V Halleluia kết ở bậc I.

2. TÂM NGUYỆN CA 2: THÁNH CA THƯỜNG NIÊN. Gồm:


" Hát lên cùng tôi
" Chút tình cỏ hoa
" Với cả tâm tình
" Diêu ca mới

3. TÂM NGUYỆN CA 3: THÁNH CA MÙA VỌNG - GIÁNG SINH - MÙA XUÂN. Gồm:


" Giáo trường ca sa mạc
" Mùa Vọng
" Giáng sinh
" Giáo trường xa Chúa xuân
Về tác phẩm Giáo trường xa Chúa xuân, có một giai thoại sau : nhạc sĩ Viết Chung muốn tìm cho mình một con đường sáng tác riêng, đưa làn điệu dân ca vào thánh ca: lần đâu tiên khi hát GIÁO TRƯỜNG CA CHÚA XUÂN trong lễ giao thừa tại nhà thờ Chợ Đủi, khi kết thúc bài "Ca nhập lễ" thì hầu như toàn bộ thanh niên nam nữ dự lễ ra về, và nói rằng hôm nay ca đoàn hát tuồng (…), nhưng sau thánh lễ các cụ già lại nói: hôm nay, đây mới là thánh lễ của người Việt Nam.

Từ đó, nhạc sĩ Viết Chung đã mạnh dạn khẳng định đường lối sáng tác của mình là đưa làn điệu dân ca vào thánh ca.
4. TÂM NGUYỆN CA 4: THÁNH CA MÙA CHAY - PHỤC SINH. Gồm:


" Ca mừng ơn cứu độ.
Và những tác phẩm viết về Mùa Chay - Phục Sinh.

5. TÂM NGUYỆN CA 5: gồm:


" Phượng Hoàng ca
" Đàn Hương

6. TÂM NGUYỆN CA 6: gồm:


" Chứng nhân ca (Các Thánh Tử Đạo việt nam)
Và các thánh nam nữ.

7. TÂM NGUYỆN CA 7: gồm:


" Lễ ca Tạ Ơn
" Mục tử hoan ca
" Lễ ca Hôn phối
" Lễ ca Cầu hồn

8. TÂM NGUYỆN CA 8: THÁNH CA DÀNH RIÊNG CHO THIẾU NHI


" Chúa Hài Đồng và Trẻ thơ
" Tâm nguyện ca Thiếu nhi


Đối với tuyển tập này nhạc sĩ Viết Chung đặc biệt chú ý đến tầm cữ giọng và ngôn ngữ (tâm hồn) trong sáng của thiếu nhi, nhạc sĩ Viết Chung viết tuyển tập này trên quan điểm TIN MỪNG: "Nước thiêng đàng là của trẻ thơ" bạn không thể tìm được một từ tội lỗi, ăn năn, vực sâu... trong "Chúa Hài Đồng và Trẻ thơ" và "Tâm nguyện ca Thiếu nhi"


Nhạc sĩ Viết Chung phê bình các anh chị ca trưởng ca đòan thiếu nhi hay lấy Thánh ca viết cho người lớn dùng cho ca đòan thiếu nhi, thiếu sự xem xét đến tầm cữ giọng và tâm hồn trong sáng của thiếu nhi.

9. TÂM NGUYỆN CA 9: VIẾT CHO QUÊ HƯƠNG


Các tác phẩm hợp xướng VIẾT CHO QUÊ HƯƠNG được chia thành nội dung như sau:



" Tuyển tập hợp xướng các bài hát Cách mạng
" Tuyển tạp hợp xướng các bài hát ca ngợi quê hương
" Tuyển tập hợp xướng dân ca.
" Tuyển tập hợp xướng TRƯỜNG SỬ CA SÔNG HÁT
" Tuyển tập hợp xướng CÁNH CHIM LẠC VIỆT
" Tuyển tập Đồng dao mới.


(Theo anh NĐKhiêm dựa theo bản kê các tác phẩm thánh ca đã sáng tác của nhạc sĩ Viết Chung để lại, thì số tác phẩm còn thất lạc khỏang trên dưới 10 bài, đây là những tác phẩm nhạc sĩ Viết Chung đã sáng tác nhưng chưa phổ biến nên khó sưu tầm, còn 200 tác phẩm sáng tác trước năm 1975 còn lại rất ít)


Sau khi tuyển tập THÁNH VỊNH ĐÁP CA hòan thành, Chúa cất nhạc sĩ Viết Chung lìa khỏi dương thế lúc 2 giờ sáng ngày 26 -3 -1996 qua cơn BỆNH TIM MẠCH, BỆNH CAO HUYẾT ÁP

Thánh lễ an táng cử hành trọng thể tại nhà thờ Chợ Đủi (Huyện Sĩ) sáng ngày 29 - 3 - 1996 với hơn 300 môn sinh.

MƯỜI LĂM NĂM CHO ĐỜI và HAI MƯƠI LĂM NĂM CHO ĐẠO (cũng là cho đời) với gần 900 tác phẩm, một đóng góp đáng cho người đời, người đạo trân trọng.

"GIỜ ĐÂY LẠY CHÚA" ca khúc cuối cùng, bài ca "tuyệt mệnh" của nhạc sĩ Viết Chung tặng cho một linh mục bằng hữu và cũng là cho chính mình:

Giờ đây lạy Chúa. Xin cho tôi tớ ra đi bình an.
Tai này đã nghe, mắt này đã rõ. Muôn lạy Chúa.
Nguồn ơn cứu độ Chúa đã tuôn đổ cho tôi tớ Ngài.
Một đời mỏi mong chờ đợi cậy trông. Lạy chúa.
Con đã mãn nguyện, con đã viên toàn
Xin Ngài thương xót con


(Trong ca khúc "GIỜ ĐÂY LẠY CHÚA")

Tiểu sử nhạc sĩ VIẾT CHUNG được trích dẫn trong sách
"Nhân vật công giáo Việt Nam Thế K ỷ 18,19,20" tác giả Lê Ngọc Bích.




* Các bản nhạc của NS.Viết Chung có trên TCVN: CÓ Ở ĐÂY (https://thanhcavietnam.info/pdf/?mode=artist&value=30)