PDA

View Full Version : Những Tôma yếu tin; những hiểm nguy của xuẩn ngốc



jangdonggun1706
15-06-2009, 02:41 PM
VietCatholic News (14 Jun 2009 19:37)


ROME (Zenit.org) - Tuần lễ này cả thế giới Công giáo mừng kính một trong những ngày lễ quan trọng, đặc biệt, là Corpus Domini (Lễ Mình Máu Thánh Chúa). Năm 1264, Giáo hoàng Urbano IV thiết lập lễ này liền sau phép lạ tại Bolsena, một trong những phép lạ Thánh thể thời danh nhất qua mọi thời đại.

Phêrô, một linh mục thành Prague, tâm trí bối rối vì nghi ngờ giáo thuyết về Chuyển bản thể (Transubstantiation, là tín điều dạy rằng lúc truyền phép, bánh và rượu thực sự biến hóa thành Mình và Máu Chúa Kitô) nên cầu nguyện xin Chúa giúp mình tăng thêm đức tin. Thiên Chúa đáp lại bằng một phép lạ. Lúc cha Phêrô đọc lời truyền phép, chiếc bánh ngài cầm trong tay liền nhỏ máu. Dấu hiệu lạ lùng này giúp kiên vững đức tin của một thời đại bị tấn công dồn dập bởi hoài nghi và lạc thuyết.

Lời văn trong nhiều nhạc bản Latinh về Thánh thể nổi tiếng nhất, như bài “Tantum ergo” và “Lauda Sion” đã được Thánhh Tôma Aquinô viết để mừng kính lễ lớn này một cách xứng đáng. Nhiều vùng tại Ý người ta cử hành ngày này long trọng với các đám rước – chẳng hạn như ở Genazzano, các đường phố có những hàng dài những bức tranh ghép bằng hoa – nhưng cuộc rước quan trọng nhất là ở Roma, nơi Đức thánh cha cử hành thánh lễ tại nhà thờ Thánh Gioan Lateran, và sau đó kiệu Mình Thánh Chúa đi về Vương cung thánh đường Đức Bà Cả.

Tuy ngày lễ này được thiết lập là để mừng phép lạ tại Bolsena, nhưng cũng đã có nhiều phép lạ Thánh Thể khác trên khắp thế giới được ghi chép lại. Năm 2005, Hiệp hội Hiện diện Đích thực (Real Presence Assoctiation) đã phát hành một bản thư mục về “Những Phép lạ Thánh thể trên Thế giới” trong cuộc triển lãm tại Roma để minh họa cho biết sự Hiện diện Đích thực của Chúa trong phép Thánh thể đã được thể hiện trên khắp thế giới ra sao.

Tại Roma, đã có hai phép lạ cách nhau cả một ngàn năm. Phép lạ thứ nhất xảy ra trong thời đại Đức giáo hoàng Grêgoriô Cả, và phép lạ thứ hai là trong triều đại Giáo hoàng Phaolô V Borghese.

Vào năm 595 khi Giáo hoàng Grêgoriô đang cử hành thánh lễ tại một giáo đường ở Roma, lúc sắp đến nghi thức truyền phép, người phụ nữ quý tộc người Roma phụ trách việc làm bánh lễ bắt đầu cười lên, không tin rằng bánh trái làm từ trong chiếc lò nướng của bà lại có thể trở thành Mình và Máu Chúa Kitô.

Giáo hoàng Grêgoriô, choáng váng vì thấy bà thiếu lòng tin, từ chối không cho bà rước lễ. Nhưng lúc ngài đọc lời cầu nguyện trên bánh thánh, bánh biến hình rõ rệt thành thịt. Người phụ nữ quỳ gối xuống ăn năn. Di tích của phép lạ này hiện còn tại Andechs, nước Đức, tuy nhiên một bức bích họa do Pomarancio thực hiện nay đã bị hư hại, thuật lại câu truyện này vẫn còn thấy được tại cổng xây ngôi Nhà thờ Thánh Grêgoriô trên Đồi Celian ở Roma.

Tuy nhiên phép lạ Thánh thể danh tiếng nhất lại xảy ra trên Đồi Esquiline, tại một trong những thánh đường cổ kính nhất của đô thị. Truyền thuyết cho rằng Thánh Phêrô đã nhận được sự tiếp đãi rất hiếu khách trong ngôi nhà của Nghị viên Pudens, cha của hai vị Thánh Praxedes và Pudenziana là những người nổi tiếng vì đã thu lượm máu của các vị tuẫn đạo.

Địa điểm thời danh đó được mau chóng biến cải thành một ngôi thánh đường và nơi đây cho đến nay vẫn còn chứa những bức tranh đạo Công giáo khảm ghép cổ xưa nhất thế giới. Vương cung thánh đường này trước kia được nhiều vị giáo sĩ nổi tiếng bảo trợ, và đẹp lộng lẫy với những bức họa, tranh ghép và những mặt đường sang trọng suốt bao nhiêu thế kỷ. Nhưng quà tặng quý giá nhất mà thánh đường này nhận được là đặc ân có một phép lạ xảy ra nơi đây năm 1610.

Trong khi cử hành thánh lễ trong nhà nguyện Caetani của thánh đường, một linh mục yếu nhân đức tin đánh rơi Bánh thánh sau khi đã truyền phép (có người lại kể rằng ông cố ý để rơi Bánh thánh đó). Bánh thánh rơi trên lối đi, làm loang lổ máu trên đá cẩm thạch. Cho đến nay, dấu tích của phép lạ này vẫn còn nhìn thấy được, đó là hình dạng những vết máu in trên lối đi.

Một yếu tố chung trong các chuyện kể về những phép lạ này là sự hồ nghi. Hồ nghi vì khổ não, hồ nghi vì nhạo báng hoặc hồ nghi vì bất kính đến với mỗi một trong những người nhìn thấy được những dấu lạ này. Hiếm khi nào có nhiều lộn xộn và bất định hơn thời đại chúng ta ngày nay, và những phép lạ này chứng tỏ cách thức Thiên Chúa cố gắng giúp chúng ta lướt thắng được những giờ phút đen tối trong cuộc đời để chúng ta có thể tuyên xưng cùng với Thánh Tôma Tông đồ như thuở trước: “Lạy Chúa là Chúa của con.”

* * *

Cái giá phải trả của sự thỏa hiệp

Năn 1440, máy in được chế tạo đã cho thế giới có được những cuốn sách sản xuất ra hàng loạt, biến đổi và làm phong phú cuộc sống con người mãi mãi. Thế rồi sách đến lượt được tiếp nối bởi những tờ báo đầu tiên. Và đến đúng thời điểm, ý kiến riêng tư (không phải của nhà báo) bắt đầu phát sinh trong hình thức của những tập sách mỏng.

Những nhà học giả, những nhà bình luận thời Phục hưng có nhiều điều để viết ra. Trong thời kỳ náo động của cuộc Cải cách, nhiều người đã đi lạc bước khỏi các vị lãnh đạo tinh thần và thay vào đó quay qua lối văn chương tranh đấu phức tạp.

Lạc giáo xuất hiện bên cạnh giáo lý tốt đẹp, còn lầm lạc thì tràn lan. Hôm nay người ta có thể đọc sách của John Calvin, ngày kế tiếp lại đọc cuốn Bảo vệ Bẩy Nhiệm tích. Trong lúc Giáo hội bị thử thách ngay trong những giảng huấn chủ yếu nhất, còn giáo dân lênh đênh vô định, thì một số học giả thấy cơ hội chính mình tự làm nên tên tuổi bằng cách dễ dãi lao vào những vấn đề của thời điểm đó, không thực sự đứng về phe nào trong cuộc luận chiến thần học.

Erasmus tại Rotterdam là một con người cơ hội như thế. Tuy trên danh nghĩa ông vẫn là người Công giáo suốt thời kỳ Cải cách, nhưng những bài viết và văn thơ châm biếm của ông gây ra nhiều điều bất định, đến độ cuộc canh tân Công giáo của thế hệ tiếp nối kết án cho rằng ông đã “đẻ ra trái trứng để nở thành cuộc Cải cách.”http://vietcatholic.org/pics/200px-Holbein-erasmus.jpgErasmus

Năm nay đánh dấu năm thứ 500 ngày cuốn sách châm biếm thời danh nhất của Erasmus ra đời, đó là cuốn “Vinh danh Folly (In Praise of Folly).” Trong cuốn sách này ông cho những người theo phong trào Cải cách mượn ngòi bút chua cay của mình để than phiền, nhạo báng giễu cợt các vị giáo hoàng, các nhà thần học và tu sĩ (và bao nhiêu người khác nữa). Cuốn sách được viết với Folly làm ngôi thứ nhất (dĩ nhiên là một phụ nữ. Folly cũng là một vị nữ thần trong thần thoại), hả hê đắc chí về sự thống trị và những chiến công của nàng.

Erasmus được hưởng một nền học vấn nhân bản tốt đẹp, đã triển khai lối hành văn hoa mỹ bằng La ngữ và tài khéo ứng đối trong những cuộc luận chiến về tôn giáo. Nhưng vì công khai hóa các vần đề căn cội đức tin Công giáo đang phải đối đầu, và gục gặc đầu khuất phục đúng vào lúc có tiếng hát của người Tin Lành đòi “thay đổi”, ông đã làm mất đi nhuệ khí và làm nản lòng nhiều bạn hữu đồng đạo Công giáo của ông.

Chuyện Erasmus đặt huấn quyền của giáo hoàng vào hàng thứ yếu đã đóng một vai trò quan trọng trong việc làm tai hại đến thẩm quyền của giáo hoàng. Tự tin ở phán đoán riêng của mình và danh tiếng cá nhân, Erasmus không hề tìm kiếm sự cố vấn nào từ Roma để xem những bài viết của ông có thể ảnh hưởng trên những người tranh luận với các lực lượng của phe Tin lành như thế nào. Đọc tác phẩm của ông, một số người Công giáo thiếu sáng suốt nghĩ rằng việc công khai chỉ trích, phê bình Giáo hội là chương trình nghị sự cần đem ra thực hiện.

Di sản Erasmus để lại minh chứng cho thấy những mối nguy cơ coi thường tín lý khi tiếp cận một cách nông cạn hẹp hòi với những vấn đề lớn của thời đại. Trong lúc phép Thánh thể bị gạt bỏ hoặc coi thường hết nơi này đến nơi khác ở châu Âu, thì Erasmus chọc những lời đùa cợt vào những người cố gắng giải thích giáo lý Chuyển bản thể. Gạt bỏ vai trò của thần học trong Giáo hội ra một bên, ông rơi vào tay những người Tin Lành biệt giáo, những người nhanh chóng coi như Erasmus là người của bọn họ.

Thứ xuẩn ngốc như thế dẫn đưa đến những hậu quả bi thương trong trường hợp của Erasmus. Năm 1535, người bạn thân thiết từ lâu và có giao thiệp thư từ qua lại với Erasmus là Thomas More bị trảm quyết ở Anh. Hai người bạn đồng liêu đã cùng đi đến một ngã ba đường. Vua Henry VIII cố cưỡng ép Thomas More hành động trái với đức tin và lương tâm là chối từ Thẩm quyền của Giáo hội. Thomas không thể làm thế. Còn Erasmus thì im lặng.

Ngòi bút thường lúc nào cũng sẵn sàng để viết của Erasmus đã không dính một giọt mực nào suốt trong vụ xét xử, cầm tù và giết hại Thomas More bạn ông. Bất kể là bị tê liệt do hèn nhát hay thỏa hiệp, kết quả của tính đỏm dáng về chính trị của ông chắc phải là một điều gây ra đau đớn.

Hiển nhiên là với trí tuệ thông minh và sáng suốt, Erasmus hy vọng đóng một vai trò quan trọng trong các biến cố của thời đại mình. Nhưng ông thiếu đi sự trong sáng của lương tâm và niềm ao ước chân lý là những đặc tính của Thomas More bạn ông. Erasmus tự an ủi bằng cách viết rằng sự xuẩn ngốc là một con đường dễ dãi dẫn đưa đến tha thứ, cho phép người ta đổ lỗi những bước lầm lạc và sai sót lên những ngu đần của tuổi trẻ. Nhưng trong lúc Thomas More sẽ được tôn kính trên các bàn thờ vào ngày lễ kính thánh nhân 6 tháng 7 hàng năm, thì Erasmus mãi mãi sẽ được người đời ghi nhớ như con người viết nguệch ngoạc sách vở giữa lúc Roma bị thiêu đốt.

* * *

Nguồn: Elizabeth Lev/zenit.org
Phụng Nghi

http://vietcatholic.org/News/Html/68204.htm