PDA

View Full Version : Thịt chuột



Guilenguyen
15-06-2009, 08:26 PM
Thịt chuột tràn biên giới

Người làm thịt chuột cứ thế cắt đầu, lột da. Tiếng chí chóe của chuột bị nhốt trong lồng, tiếng người cười nói hòa cùng tiếng đập chuột bình bịch, tiếng phầm phập những nhát dao chặt chuột trên thớt… ồn ào cả một góc nhà.
>>Về Đình Bảng ăn thịt …chuột đồng (http://news.zing.vn/news/an-ngon/ve-dinh-bang-an-thit-chuot-dong/a31921.html)
Hàng tấn thịt chuột vẫn đang nhởn nhơ vượt biên giới, rồi tỏa đi khắp các tỉnh thành, ai quản?
"Tôi ở huyện Cỏ Thum, tỉnh Kần Dal, Campuchia. Bên đó săn chuột chủ yếu bán qua Việt Nam thôi. Cả gia đình tôi đều đi bắt chuột đem qua đây bán. Săn chuột vừa có cái ăn vừa bán được lấy tiền mua gạo nên đã trở thành một nghề kiếm sống ở Campuchia", một người đàn ông Campuchia, tuổi ngoài bốn mươi, nói bằng chất giọng lơ lớ. Trước mặt anh là năm chiếc lồng lúc nhúc những chú chuột lông đen mượt, kêu chít chít chói tai. Anh rao: “Chuột ngon đây…”.
Mười giờ sáng, bên dòng sông Binh Di, cửa khẩu Khánh Bình, xã Khánh Bình, huyện An Phú, An Giang, từng chiếc lồng đặt thành hàng dài chứa đầy chuột đồng lông đen mượt. Chỉ tính riêng tại cửa khẩu này đã có hàng chục cơ sở thu mua chuột.
Thịt chuột nhập khẩu hàng ngày
Trong vai người đi lấy sỉ chuột để mang lên thành phố, chúng tôi đến nhà một người được gọi là “dì Ba”, một “trùm” thu mua chuột đây. Dì Ba cho biết: “Mỗi ngày có hàng trăm người dân từ Campuchia đem chuột sang bán. Mùa này bên Campuchia đang là mùa gặt lúa nên chuột xuất hiện rất nhiều. Người dân dùng rập bẫy chuột để kiếm tiền”. Khi chúng tôi hỏi: “Làm thế nào dì có mối để lấy hàng trong nhiều năm qua?”. Dì ba nhìn chúng tôi dò xét rồi bảo: “Muốn có mối bán cho mình quanh năm, tôi phải sắm hàng nghìn cái rập giao cho những người chuyên săn chuột. Những người này thường là người Việt, có khi là người Campuchia. Họ sẽ mang rập này sang đồng Miên để đặt. Có khi họ trực tiếp đặt hoặc đưa lại cho những nông dân Campuchia. Cứ có chuột là họ gom lại rồi chở qua đây cho tôi”.
http://img.news.zing.vn/img/200/t200246.jpgKẻ mua...http://img.news.zing.vn/img/200/t200248.jpg... và người bán“Tụi tôi muốn mua cả tấn một ngày để chở đi thành phố, ở đây có hàng cung cấp không?”. Chú Ba, chồng của dì Ba, lắc đầu: “Có mối lái hết rồi, nhiều như vậy phải gom mấy chỗ mới có!”. Bên kia sông có tiếng ai gọi bán chuột.
Rời nhà chú Ba ngay sát chốt biên phòng, chúng tôi đi dọc theo bờ sông Bình Di để vào một số đại lý thu mua chuột khác. Tại đây, khung cảnh mua bán rất tấp nập. Càng về trưa, số lượng chuột về ngày càng nhiều. Đa số chuột ở đây đều được đưa về từ bên kia sông Bình Di. Các thương lái Việt Nam đang ngồi chờ để mua chuột. Vài người xúm lại lăng xăng khiêng đỡ, cân, đổ vào lồng.
Anh Nguyễn Văn Hải, một thương lái ở đây, thì thầm vào tai tôi: “Anh chàng này ở Cỏ Thum, có hơn 7.000 cái rập cho hàng chục hộ săn bắt. Một ngày anh đi hàng trăm ki-lô-mét để gom chuột. Muốn có chuột nhiều, phải sắm rập nhiều. Bây giờ làm ăn có tính toán hẳn hoi không thì cạnh tranh không lại thiên hạ”, anh Hải cho biết. Dọc biên giới, riêng huyện Cỏ Thum, tỉnh Kần Dal, giáp huyện An Phú, tỉnh An Giang, còn những “bến chuột” khác như ở Pretxabau, Pretchray…
Phía tỉnh Takeo giáp với huyện Tịnh Biên, thị xã Châu Đốc, cũng có nhiều điểm tập kết chuột mà bạn hàng, thương lái Việt Nam thường qua lại mua bán. Chủ thu mua ở Việt Nam sẽ cung cấp rập cho người dân Campuchia để họ giao chuột cho mình. Một chủ vựa chuột khác tại đây cho biết: “Mỗi năm tôi đưa qua nước bạn khoảng một đến hai trăm nghìn cái rập để bẫy chuột. Cứ thế, những người giữ rập này lại mang chuột về cân cho tôi. Làm ăn phải biết tính toán, không thôi mất mối hết!”. Ghé xem chuyện xẻ thịt tại chỗ Được biết, tạo cửa khẩu này có hơn chục hộ chuyên sống bằng nghề kinh doanh chuột. Chuột sẽ được làm thịt tại đây hoặc bán sống cho những người có nhu cầu. Vào giờ cao điểm, hàng chục người cùng ngồi làm thịt chuột. Hoạt động này kéo dài trong khoảng thời gian từ 12 giờ trưa cho đến 5-6 giờ tối.
Quá trình làm thịt chuột cũng lắm công phu, được làm theo dây chuyền, vài ba người phụ trách một công đoạn. Có người chuyên “nhận nước” cho chuột chết, người cắt đầu và tay chân, kẻ moi bụng, lộ da.
Chuột chủ yếu được phân thành hai loại: chuột cơm và chuột cống nhum. Mỗi lồng chuột lên đến hàng trăm con, có con nặng tới một cân, béo núc ních. Khi hàng vừa giao xong, chủ đại lý liền lệnh cho người làm (đa số là phụ nữ) tiến hành làm thịt chuột. Tức thì từng lồng chuột được đổ vào những thau nước to. Người làm thịt chuột cứ thế cắt đầu, lột da. Tiếng chí chóe của chuột bị nhốt trong lồng, tiếng người cười nói hòa cùng tiếng đập chuột bình bịch, tiếng phầm phập những nhát dao chặt chuột trên thớt… ồn ào cả một góc nhà. Da chuột, đầu chuột vứt ngổn ngang trên nền đất cáu bẩn. Máu bê bết khắp nhà, bốc lên mùi tanh đến ghê người. Thịt chuột sau khi làm sạch sẽ được bỏ vào túi có ướp đá lạnh, giúp thịt được tươi lâu. Từ đây, chuột được chuyển xuống thành phố Long Xuyên, An Giang, rồi tỏa đi khắp nơi như Đồng Tháp, Kiên Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, TP.HCM… Thịt chuột được bán ở các chợ, nhà hàng, quán nhậu.
Chuột ở đây được bán theo cân, chuột còn sống bán 30.000 đồng/kg. Chuột làm sẵn chia làm hai loại, loại một giá 50.000 đồng/kg, loại hai giá 40.000 đồng/kg. Riêng chuột nhỏ bán cho những người nuôi trăn. Da chuột, đầu chuột bán cho những người nuôi cá với giá từ 2.000-3.000 đồng/kg.
Người người đua nhau săn chuột
Ở tỉnh An Giang, dọc tuyến biên giới với Campuchia, chuột đồng được săn bắt từ những vùng lúa Campuchia chở về bày bán la liệt.
Hàng năm, bắt đầu từ tháng Ba, khi lúa ngoài đồng chín vàng cũng là lúc mùa chuột vào “chính vụ”. Những năm gần đây, nhiều cánh đồng ở Việt Nam bắt đầu “cạn” chuột. Nhiều người nông dân Việt Nam sang tận đất Campuchia để săn chuột đem về bán. Thông thường vào thời điểm này người dân Campuchia thu hoạch lúa, lượng chuột xuất hiện ở mật độ cao nên họ đổ xô đi săn chuột như một kế sinh nhai. Mỗi ngày, có hàng trăm người từ Campuchia chở chuột đem qua biên giới bán. Mỗi người từ vài trăm đến cả nghìn con chuột. Trung bình mỗi ngày tại cửa khẩu này, lượng chuột “giao dịch” lên đến hàng tấn. Trong đó hộ nhập nhiều nhất là của dì Ba kể trên. Mỗi ngày nhập khoảng gần một tấn chuột đi bán khắp nơi.
http://img.news.zing.vn/img/200/t200249.jpgHoạt động buôn bán thịt chuột vẫn diễn ra công khai, không có kiểm dịch.Anh Nguyễn Văn Long, một hộ sắm rập sang Campuchia săn chuột, cho biết: “Nhà tôi săn chuột gần chục năm nay. Mùa này bên đó chuột nhiều lắm, kiếm vài trăm là rất có thể”.
Khi hỏi chuyện săn chuột trên đất bạn, anh kể thêm: “Dân Campuchia có người đặt rập, có người tranh thủ đặt lưới đánh bắt chuột ngay đường biên giới và bán cho các “đại lý chuột” của Việt Nam. Thời điểm này tại tỉnh An Giang, xã Khánh Bình là nơi buôn bán chuột tấp nập nhất. Mùa này việc săn chuột, buôn chuột là chính”. Anh Noi Sreng, một người Campuchia, cho biết: “Tôi có thể bắt gần chục cân chuột mỗi ngày. Số tiền kiếm được cũng kha khá. Bên Campuchia bán không được giá bằng nên tôi bán cho những người đi gom chuột đem qua bán ở Việt Nam. Cả làng tôi đều đi săn chuột để bán sang đây. Bữa nay tôi thử mang sang tận nơi bán để xem giá thế nào”.
Kiểm dịch vẫn còn bị bỏ ngỏ Hỏi đến chuyện kiểm dịch chuột, chú Ba, chủ một đại lý chuột tại đây, cho biết: “Bệnh gì đâu. Tôi làm nghề này cả chục năm nay, ngày nào mà không bị chuột cắn. Có bệnh gì tụi tôi là người chịu đầu tiên, nhưng tôi thấy có sao đâu. Hơn nữa, tụi tôi cũng đâu có dại gì khi biết chuột mang bệnh mà vẫn cứ làm. Giống này ăn thịt được mà, lành lắm cô ơi! Lâu lâu cũng có nghe nói đến dịch hạch gì đó nhưng thực tế trước đến giờ không có chuyện chuột bị dịch bệnh gì nên “xóm chuột” tụi tôi hoạt động cũng thoải mái, công khai”.
Nhìn cảnh hàng nghìn con chuột được nhập qua cửa khẩu không có kiểm dịch đủ làm cho chúng ta lo lắng. Ai dám đảm bảo trong đám chuột kia không có tiềm ẩn những nguy cơ dịch bệnh? Không chỉ thế, nhìn cảnh giết chuột, làm chuột đầy ruồi nhặng hôi hám cũng đủ thấy nguy cơ ngộ độc thực phẩm khi ăn thịt chuột là rất có khả năng xảy ra. Trên nền đất đầy lông chuột vương vãi, lẫn trong máu và đất. Dòng sông là nơi người ta tiện tay đổ nước làm chuột, máu, lông và cả đầu chuột cống. Lâu ngày con sông trở nên đục ngầu, váng mỡ, rác rưởi nổi lềnh bềnh. Những ngày nắng gay gắt, con sông bốc mùi hôi khiến nhiều người phải nhăn mặt.
Cho đến nay, những lo ngại hoặc các biện pháp ngăn chặn của chính quyền địa phương vùng biên vẫn chỉ là lo sợ chuột sẽ phá hoại mùa màng. Trong khi vấn đề lớn hơn còn là sự tiềm ẩn về truyền bệnh, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn nhởn nhơ ngoài “vòng cương tỏa”. Chuột được buôn bán vô tư khắp các ngả đường, khắp chợ, chạy vào cả những nhà hàng sang trọng. Tuy nhiên việc giết mổ, bảo quản không theo một quy trình nào. Công tác kiểm dịch chuột xem ra vẫn còn bị bỏ ngỏ. Người thiệt hại sẽ là ai?



Theo Tiếp Thị Gia Đình