PDA

View Full Version : lịch sữ họ đạo bến tre, giáo phận vĩnh long



vampire
17-06-2009, 07:54 PM
Lịch sử họ đạo Bến Tre - Gốc tích địa sở họ đạo



GỐC TÍCH ĐỊA SỞ HỌ ĐẠO BẾN TRE
(Trích báo NAM KỲ ĐỊA PHẬN năm 1816)

- Năm 1869, ở Bến Tre có lối 10 người theo đạo Công giáo.
- Năm 1871 số người theo đạo tăng lên được 42 người.
- Năm 1872 tổng được 50 người.

Ngày 20/9/1869, Cha Báu (P. Leprince) đã rửa tội cho vài trẻ nhỏ tại nhà ông Quản Lành, còn những bổn đạo khác là những thông ngôn, ký lục giúp việc Nhà nước ở nơi khác đổi về. Lúc đó, Bến Tre chưa có nhà thờ cũng không có linh mục.

Năm 1875, họ Đạo Sóc Sải được thành lập, Cha Gioan Phạm Ngọc Bình được bổ nhiệm coi họ Đạo này, đồng thời phụ trách luôn họ Đạo Bến Tre. Mỗi lần Cha Bình đến thăm bổn đạo Bến Tre thì dâng lễ ở nhà mấy thầy: thầy Gia (anh rể quan Bổ Lộc), thầy Thanh (trước là thầy giảng ở Hà Nội, sau làm thông ngôn), thầy Dưỡng (sau là ông Phủ Dưỡng).

Năm 1879, họ Bến Tre nhập về họ Mái Dầm (Thanh Sơn) do Cha Trung coi sóc. Bổn đạo Bến Tre khi ấy còn khoảng 40 người.

Năm 1885, Cha Trung về ở hẳn Bến Tre, Cha cất nhà thờ nhỏ nơi đất ông Lê Quang Hậu dâng. Những bổn đạo danh tiếng khi ấy là thầy Sang, thầy Oai, thầy Dưỡng, thầy Hiển (anh của ông Lê Quang Hậu) là quan Đốc phủ Hiền bấy giờ, ông câu Nhạn và ông biện Cần.

Nhà thờ cất bằng cột cây, lợp ngói, phí tổn là 800 đồng thời đó, do bổn đạo và nhà chung đóng góp công và của.

Họ Đạo Bến Tre thành lập xong năm 1887, với 2 ông biện và 70 bổn đạo. Năm 1889, số giáo dân tăng lên được 136 người. Năm 1890, Cha Êphêsô Nguyễn Ngọc Thích đảm trách họ Đạo Bến Tre cho đến năm 1894. Trong thời gian này, ông Phủ Hiền, ông Hậu và 5 người khác dâng cho nhà thờ một cái chuông nhất nặng 100kg (đường kính 80cm, cao 85cm) dâng năm 1910. Chuông nhì (đường kính 67cm, cao 68cm), chuông ba (đường kính 58cm, cao 59cm) do bà Jeanna Dlare dâng năm 1922. Bà Phủ Dưỡng cũng dâng cho nhà thờ một tượng ảnh Đức Mẹ Vô Nhiễm.

Khi Họ Đạo đã có nhà thờ hẳn hoi, đã nhờ các nữ tu dòng Mến Thánh Giá- Cái Mơn về giúp họ, dạy giáo lý cho trẻ nhỏ, tân tòng được Rước lễ, Thêm sức, Bao đồng, săn sóc nhà thờ, hướng dẫn thiếu nhi đọc kinh, cầu nguyện và lo cơm nước cho các Cha, đảm trách ca đoàn...

Đến khoảng năm 1910, vì rủi ro nhà các dì bị cháy, các dì trở về nhà dòng Cái Mơn.

Sau đó các nữ tu dòng Thanh Phaolô về giúp họ, đảm trách các việc nói trên duy trì đến hiện nay.

Năm 1894, Cha Hoàng (P. Frison) là Cha sở họ Bến Tre thay Cha Êphêsô Nguyễn Ngọc Thích. Lúc đó có nhiều người xin vào Đạo, vì bổn đạo đã khá đông nên cuối năm đó cù lao Bến Tre và mấy họ Đạo thuộc về Bến Tre đã tách ra lập thành Địa sở Bến Tre, không còn thuộc Địa sở Cái Mơn nữa. Lúc này bổn đạo Bến Tre được 188 người, và nhà thờ cũ không còn tốt nữa nên Cha Hoàng cho xây cất nhà thờ mới năm 1894. Sau đó ông Lê Quang Hậu lại dâng thêm cho nhà thờ 2 mẫu đất nữa tại Thị xã Bến Tre (Hội truyền giáo Paris đứng bằng khoán).

Năm 1904, Đức cha Mão làm phép nhà thờ Bến Tre và chọn Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội làm bổn mạng. Tượng Đức Mẹ được đặt ở gian giữa, phía trên bàn thờ chính.

Năm 1908, Chính phủ lập nhà thương và cô nhi viện tại tỉnh Bến Tre và nhà dưỡng lão được giao cho các nữ tu dòng Thánh Phaolô coi sóc từ năm 1908 đến năm 1975 (trong bệnh viện có nhà nguyện, mỗi Chúa Nhật có thánh lễ).


Vào cuối năm 1896, Cha Stephano Vị (Danvy) về thay thế Cha Hoàng.
Khoảng tháng 3/1912, Cha Vị về Pháp để chữa bệnh.
Cha Phêrô Trần Ngọc Đàng thay thế từ năm 1912 đến năm 1913.
Cha Lại coi sóc từ năm 1913 đến năm 1914.

Năm 1914, Cha Augustino Phan Văn Lân về thay, nhưng đến năm 1915 Cha bị bệnh nên trở về Âu Châu và qua đời. Cha Vị vội vã trở lại Bến Tre để coi sóc họ Đạo.

Năm 1917, trong khi đang sửa chữa nhà thờ, Cha bị tai nạn, ngài qua đời ngày 12/10/1917. Ngài được an táng tại sân nhà thờ Bến Tre. Mộ của ngài nằm sau núi Đức Mẹ Lộ Đức. Mộ Cha Danvy được trùng tu và sửa chữa như hiện nay vaøo ngày 01/11/2007.

Năm 1917, Cha Louis Mẫn (Alkerman) rời Vĩnh Long về Bến Tre thay thế Cha Vị. Cha có công sửa lại nhà xứ lúc đó đã xuống cấp vì đã được xây từ năm 1864 (không rõ Cha nào xây vì không gặp được tài liệu sổ sách cũ, nhưng căn cứ con số đã khắc ở mặt tiền mé sông 1864. Vậy nhà thờ tại đây chắc đã có trước năm đó).

Năm 1925, Cha Thơm (Raphae Thomeret) thay thế Cha Mẫn trông coi họ Đạo cho đến năm 1933.

Năm 1933, Cha Đàng thay Cha Thơm.

Năm 1941, Cha Giacôbê Nguyễn Linh Nhạn về thay Cha Thơm đảm trách họ Đạo Bến Tre. Cha thấy nhà thờ có tháp cao bị rung chuyển vì có 3 quả chuông trên tháp nên Cha cho dỡ nhà thờ cũ rồi cất lại một nhà thờ tạm có 3 căn, nằm dọc phía tay phải, thẳng góc với đường Thủ Khoa Huân, 3 quả chuông dời xuống đặt cổng nhà thờ phía tay trái gốc cây còng hiện nay.

Năm 1943, Cha Phaolô Lê Hiển Quang về xây trên nền nhà thờ chỗ cũ nhưng mở rộng hơn năm 1949.

Năm 1952, Cha Giuse Nguyễn Văn Bạch rời Cái Nhum về làm Chánh sở họ Đạo Bến Tre. Năm sau ngài xây đồi Calve đặt 5 tượng ảnh lên đó, trong số ấy có tượng Chúa chịu nạn. Ngài cũng xây một núi Đức Mẹ Lộ Đức. Năm 1955, ngài đổi đi nơi khác rồi qua đời. Khoảng năm 1980, Cha Phêrô Phạm Tuấn Tri bớt đi hai tượng, còn lại ba tượng như hiện nay (vì tượng Chúa lúc đó bị gió lốc làm gãy).

Ngày 24/10/1955, Cha Phêrô Phạm Tuấn Tri lúc ấy đang làm Cha phó ở họ Thạnh Phú được bổ nhiệm làm Cha sở họ Bến Tre. Khi Cha Phêrô Phạm Tuấn Tri về nhận nhiệm sở, ngài không cho đón rước, không cho tổ chức tiệc mừng. Khi Cha ra đi cũng âm thầm như vậy. Trong thời gian Cha làm Cha sở từ năm 1955- 1998, có tất cả 6 Cha phó đến phụ giúp ngài. Các Cha phó cũng đến và ra đi một cách lặng lẽ, giản dị như vậy. Ban quới chức và giáo dân chỉ đón chào tại nhà xứ. Đến năm 1989, Cha Đôminicô Đinh Xuân Thu về coi họ Đạo Mỹ Lồng, Cha Phêrô Phạm Tuấn Tri đảm trách một mình đến năm 1998 là 9 năm.

Lúc Cha Phêrô Phạm Tuấn Tri về nhận họ Đạo, nhà thờ chưa xây, chỉ có núi Chúa Giêsu và núi Đức Mẹ, nhà xứ lúc ấy đã xuống cấp. Có một trường học cất bằng cây, lợp ngói đã mục nát và chỉ có 3 phòng học. Ba tháng sau, khi Cha Tri về nhậm chức, ông trùm Vàng- Ban quới chức đề nghị xin Cha xây nhà thờ, Cha đồng ý.

Bản vẽ do Kiến trúc sư Ty Công Chánh vẽ giùm, nhưng Cha Phêrô Phạm Tuấn Tri sửa lại gần hết.

Khi khởi công xây nhà thờ, quỹ nhà chung chỉ có 60.000 đồng, phải mượn của họ Đạo Vĩnh Kim- Trà Vinh 200.000 đồng, xin họ Đạo Cái Mơn một số và xin các họ Đạo khác cũng như các giáo dân đóng góp thêm và Cha Phêrô Phạm Tuấn Tri lấy một số tài sản riêng của gia đình để xây nhà thờ Bến Tre, và có cả sự đóng góp của Đoàn thể Gia đình Phạt tạ. Vì lúc ấy địa phận Vĩnh Long không còn tiền quỹ, mãi đến hai năm sau mới trả xong số tiền đã mượn.

Nhà thờ mới được xây trên nền năm 1949, đã được Cha Phaolô Lê Hiến Quang chuẩn bị sẵn. Nhà thờ gồm 9 căn và phòng Thánh (dài 45m x ngang 6m), đúc bằng bêtông thật kiên cố, lợp bằng tole xi măng, có chỗ cho 1.000 giáo dân dự lễ. Ở mặt tiền có xây một tháp hộp cao 21m. Nhà thờ này được khánh thành năm 1957, và còn tồn tại cho đến nay. Làm xong nhà thờ Bến Tre, cây- ván coffa tặng cho họ Đạo Cái Mơn.

Khánh thành do Đức Cha Phêrô Ngô Đình Thục làm phép.

Họ Đạo chọn Đức Mẹ Vô Nhiễm làm bổn mạng như hồi xưa thời Đức Cha Mão (1904) nên đặt tượng Đức Mẹ (lớn hơn tượng cũ) giữa nhà thờ, sau bàn thờ chính. (Sau khi Cha Phêrô Nguyễn Văn Hiến về làm Cha sở họ Đạo Bến Tre đã sửa cung thánh, đặt tượng Thánh Giá lớn giữa nhà thờ và dời tượng Đức Mẹ sang bên phải nhà thờ như chúng ta thấy ngày nay).

Năm 1960, Cha Phêrô Phạm Tuấn Tri xây tháp chuông cao 15m, đúc kiên cố treo được 3 cái chuông.

Năm 1963, khánh thành trường Tiểu học gồm có 6 căn có lầu. Buổi lễ được Cha Quang chủ sự, thay cho Đức Cha Thiện lúc đó đang đi dự Cộng đồng chung Vatican II ở Roma.

Năm 1972, Cha Phêrô Phạm Tuấn Tri xây thêm 6 căn nữa cho trường Tiểu học từ tháp chuông ra phía trước, phía trên có lầu dùng làm hội trường cho học sinh hoặc giáo dân họp, sinh hoạt với đầy đủ chỗ ngồi.

Trường Tiểu học Tân Dân xây 2 đợt có tất cả 20 phòng học, đủ chỗ cho 2.000 học sinh cấp I. Hàng năm có chuẩn bị cho học sinh thi Tiểu học.

Cũng năm 1972, Cha Phêrô Phạm Tuấn Tri sửa lại nhà xứ thành nhà 2 tầng và đổ nóc bằng.

Ngày 01/8/1956, Cha Phêrô Phạm Tuấn Tri thành lập trường Trung học Tân Dân do Cha làm Hiệu trưởng ở 3 căn nhà thờ cũ (sau này lấy nền làm hội trường). Sau đó Cha đã xây dãy nhà trường bên đường Ngô Quyền cả 3 đợt mới xong (khoảng năm 1972). Năm 1975, có khoảng 2.000 học sinh cấp II và cấp III, trường có 22 phòng học với đầy đủ tiện nghi cho giáo viên và học sinh. Ngày tiếp quản, Sở Giáo dục mượn những dãy trường trên đây làm trường Bán công cho đến nay. Ông Đặng Minh Tâm ký giấy mượn ngày 12/10/1976.

Ngoài ra, họ Đạo còn sửa chữa hoặc làm lại:


Nhà thờ Ba Lai, sau này do Cha Phanxico xavie Leâ Quang Dũng phụ trách.
Nhà thờ Tân Thạch, sau này đặt dưới sự coi sóc của Cha Phanxico Assie Nguyễn Văn Thạnh, hai họ Đạo này trước kia thuộc họ Bến Tre.
Nhà thờ Mỹ Hóa (Bình Phú) cùng với 3 lớp học, các phòng học này sau giải phóng Nhà nước sử dụng cho đến năm 2000 mới trả lại. Sau khi Cha Phêrô Nguyễn Văn Hiến về làm Cha sở họ Bến Tre, Cha đã cho sửa chữa lại khang trang tốt đẹp hơn và một quả chuông khoảng 5 tấc đường kính.
Nhà thờ Cái Nứa, trước năm 1975 nhà thờ này làm bằng cây, lợp tole nhưng đã hư nát. Sau năm 1975, ông Trần Văn Trí cùng với một số người hảo tâm đã góp công của xây dựng lại ngôi Thánh đường cho khang trang như hiện nay. Hơn 20 năm qua, ông đã bảo quản ngôi Thánh đường Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội một cách chu đáo. Hiện nay, ông vẫn tiếp tục công việc cao quý đó mà không nhận tiền bồi dưỡng gì cả. Cha Phêrô Phạm Tuấn Tri không giúp đỡ gì cho họ Đạo này về vật chất. Hai họ Đạo này mỗi tuần đều có Thánh lễ và ban các bí tích.


Cha Phêrô Phạm Tuấn Tri còn lập thêm:


Một nhà nguyện nhỏ ở mé sông Mỹ Thạnh An (lúc đó chưa có cầu Bến Tre).
Một nhà nguyện ở Hữu Định, cất trên miếng đất khoảng 8 công thuộc chủ quyền của nhà thờ Bến Tre.
Một nhà nguyện ở ấp 1, Phú Khương, Thị xã Bến Tre.
Một nhà nguyện ở phường 8 (An Hòa), nhà nguyện này đã bị hư hại vì chiến tranh.
Một nhà nuôi trẻ ở chợ Lạc Hồng, phường 4 nay là trường Sơn Ca II. Hiện nay các giấy tờ mua bán nhà này vẫn còn đầy đủ.
Một nhà nguyện ở bờ hồ Chung Thủy đường Trần Quốc Tuấn (nay Hội Chữ Thập Đỏ đang sử dụng).
Một nhà nguyện và nuôi trẻ ở Làng phế binh cũ, nay được sử dụng làm nhà dưỡng lão và nhà trẻ em khuyết tật.
Ông Tám Triệu dâng 2 công đất làm nhà nguyện An Hòa. Sau khi chiến tranh thiêu hủy, ông xin lại phần đất này và đã bán cho người khác rồi.


Lịch sử họ đạo Bến Tre - Trường học và đất Thánh thuộc sở hữu họ đạo



TRƯỜNG HỌC

Trước đây trong họ Đạo Bến Tre có những trường học sau đây:

Trường Nguyễn Bá Tòng: nằm trên một khu đất rộng khoảng 3ha do ông Lê Quang Hậu dâng cho nhà thờ hai lần và Hội thừa sai Paris đứng tên. Sau khi hoạt động một thời gian, trường này bị hư hại nhiều không sử dụng được nữa. Do đó, Cha Phêrô Phạm Tuấn Tri và ông trùm Nguyễn Văn Tường đã ký giấy bán vào năm 1957 cho ông cảnh sát Phương phần nhà trước với giá 40.000 đồng bạc Đông Dương thời đó. Còn phần nhà sau thì bán cho ông Hà Công Hải với giá 17.000 đồng. Số tiền bán này được dùng trong việc xây cất nhà thờ Bến Tre, khu nhà này nằm trên khu đất của nhà thờ từ ngã tư Ngô Quyền và Cách mạng tháng Tám vòng qua Thủ Khoa Huân, Hùng Vương.

Trường Trung học Bác Ái: nằm trên đường Thủ Khoa Huân do Cha Phanxicô Dương Văn Mỹ- Cha phó họ Bến Tre làm Hiệu trưởng năm 1960.

Trường Trung học Cộng hòa: Phường 1- Thị xã Bến Tre, Hiệu trưởng là Cha Phêrô Ngộ- Cha sở họ đạo Ba Châu.

Trường Mẫu giáo Bình Phú: có 3 lớp do các dì dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn phụ trách.

Ký nhi viện: ở đường Cách mạng tháng Tám do các dì dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn đảm trách. Năm 1975, Nhà nước mượn, có trả cho nhà dòng một số tiền.


ĐẤT THUỘC QUYỀN SỞ HỮU CỦA HỌ BẾN TRE

Lô đất bên cù lao Bình Dương- trước đây gọi là cù lao Dê vì xưa dùng để nuôi dê.

Lô đất từ nhà ông Tư Ngọc, số 95B Ngô Quyền đến nhà ông Trần Văn Bá ở đầu cầu Nhà Thương, phía tây giáp phường 5, phía bắc tới bờ sông cù lao.

Một khu đất tại Cái Bông rộng 125ha do một người Pháp tên là Philê dâng cho nhà thờ Bến Tre. Trước đây giáo dân ở Cái Bông canh tác, mỗi công đất nộp cho nhà thờ 1 giạ lúa mỗi năm. Họ Đạo nhờ ông Mười Dừa đi thâu. Sau năm 1975, thì nhà thờ không thâu lúa ruộng cũng không thâu tiền về đất thổ cư gần nhà thờ, kể cả phần đất cù lao Bình Dương.

Sau khi nhà nguyện ở Hữu Định bị thiêu hủy, phần đất của nhà nguyện này nằm trong tay Cha con ông Sáu Phát, họ chia nhau cất nhà để ở cho đến nay.



ĐẤT THÁNH

Năm 1956, bà Huyện Rạng dâng cho họ Đạo 1,5 mẫu đất ở Bình Nguyên (phường 6) để làm đất thánh của họ Đạo. Trong họ Đạo trước đây có xe tang do ngân quỹ nhà chung và Đoàn thể Gia đình Phạt tạ đóng góp. Có Hội thiện tử để lo cho người qua đời trong họ. Ban điều hành gồm có các ông: Nguyễn Văn Bửu, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Công Hải, Nguyễn Văn Cương, Trương Ngọc Hưởng. Sau năm 1975, hội này giải thể.

Năm 1983, Nhà nước ra lệnh giải tỏa khu đất thánh để lấy mặt bằng làm bệnh viện 500 giường (nay là bệnh viện Trần Văn An- phường 6). Đất thánh này có gần 1.000 ngôi mộ. Sau khi các thân nhân đã đến cải táng xong, còn lại 32 ngôi mộ không ai nhìn nhận, bổn đạo đã hùn tiền để lo việc cải táng và hỏa thiêu rồi mang về để trong phòng hài cốt của nhà thờ.

Năm 1983, họ Đạo có sắm bộ cờ tang và mấy tấm hoành giao cho ông trùm Hải phụ trách để trang trí các đám tang, vì lúc đó đến cầu lễ gặp khó khăn.