PDA

View Full Version : Cần đến một bờ vai



BMK
11-12-2007, 04:39 PM
Dietrich Bonhoeffer đã có lần than thở là những người tin vào Chúa nói nhiều quá!!! Thần học gia can trường chống lại chủ nghĩa Đức Quốc Xã kia viết rằng rất nhiều người trên thế giới đang thao thức tìm kiếm một bờ vai để thổn thức và một vành tai để lắng nghe nhưng buồn thay, điều mà họ nhận là một rừng chữ nghĩa, một biển khuyên răn...


Và để thử nghiệm điều này, một tâm lý gia bèn giả dạng một người đang gặp nhiều vấn nạn. Ông ta đến gặp những nhà tu hành và thay vì họ phải lắng nghe tâm tư mình, ông ta phải lắng nghe họ giải khuyên. Thời gian lâu nhất ông ta được nói không quá hơn… một phút.

Anthony Bloom đã khẳng định là đời sống môn đệ Chúa Kitô phải bắt đầu với đôi môi biết thinh lặng và đôi tai chăm chú lắng nghe. “Trên đường tìm kiếm khôn ngoan,” theo Solomon Ibn Gabirol, “bước thứ nhất phải là im lặng, bước thứ hai là phải lắng nghe; bước thứ ba ghi nhớ, bước thứ tư thực hành và bước cuối cùng là dạy dỗ người khác.” Thật thế, nhiều khi thiếu lặng thinh, lời nói đã trở thành nên vô nghĩa. Nhiều khi vành tai chỉ hờ hững lắng nghe, miệng lưỡi trở nên nhàm chán buồn lòng. Và nhiều khi không một nơi thanh vắng để cầu nguyện và không một chốn hoang dã để nghỉ ngơi, bước chân môn đệ sẽ trở nên hụt hẫng và sứ vụ sẽ chỉ rất ngắn hạn hời hợt bên ngoài.

Có lẽ các môn đệ Chúa chưa hiểu trọn điều này nên sau khi đã từng cặp từng đôi thi hành sứ vụ đầu tiên, cơ hồ như họ đã rất háo hức, rất rạo rực bồn chồn. Cơ hồ như đôi chân ngôn sứ họ đã như muốn chạy muốn bay ngay đến những miền đất xa đất mới. Và có lẽ tâm hồn họ đã một phút giây chùng lại và đôi mắt ngơ ngác sững sờ kinh ngạc nhìn nhau khi Chúa Giêsu từ tốn nhẹ nhàng khuyên họ “hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút.”

Cũng có lẽ khi nghe các môn đệ hồ hởi tường trình về sứ vụ đầu tay, Người đã muốn họ thấu hiểu rằng bí quyết thành công cho mỗi ngôn sứ là ở những nơi chốn rất “vắng vẻ” kia. Như mỗi sáng sớm tinh sương, Người chỗi dậy đến một nơi rất thanh vắng để nguyện cầu. Chính nơi đây Người đã tìm đuợc sức mạnh thần kỳ để thực thi trọn vẹn thiên ý của Cha Người.

Sự cân bằng giữa tĩnh và động, giữa gần và xa, giữa cá nhân và tha nhân phải là điều kiện ắt có và đủ và là hành trang cần thiết cho một đời sống công giáo chân chính. Như nữ triết gia Simone Weil đã sâu sắc nhận xét: “Chúa yêu chúng ta không phải là lý do để chúng ta yêu Chúa. Chúa yêu chúng ta là lý do để chúng ta yêu chính mình.” Không thể yêu Chúa cũng chẳng yêu tha nhân nếu không yêu chính mình.

Yêu chính mình không đồng nghĩa với những toan tính cá nhân tầm thường và những tham vọng dự định hẹp hòi ích kỷ. “Vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút” vì Lời Chúa không thể đuợc truyền rao nếu tinh thần người ngôn sứ đã bạc nhược và thân xác đã quá mệt mỏi đã quá tiều tụy hao mòn.

Và chính sự nghỉ ngơi rất cần thiết cho hồn xác kia giúp mỗi môn đệ ý thức được giá trị của từng lời nói của mỗi việc làm. Họ sẽ không ba hoa ngồi lê đôi mách. Họ sẽ chẳng hình thức hào nhoáng phô trương. Họ sẽ tập chú đến Thiên Chúa qua tha nhân. Như có đứa bé gái kia sang thăm một ông hàng xóm vừa goá vợ. Khi mẹ em hỏi em đã nói gì để an ủi ông, thì em thản nhiên trả lời: “Con chẳng nói gì sất! Con nhìn ông cụ. Ông cụ nhìn con. Và cả hai cùng khóc.”

Nhiều khi sứ vụ chỉ cần vào một nơi xa xa thanh vắng. Nhìn lên thập tự Chúa. Và cùng khóc với Người…

[align=right:7638fd442d]LM Nguyễn Khoa Toàn (vietcatholicsydney)[/align:7638fd442d]