PDA

View Full Version : Dạy ngoại ngữ bằng... thiền



Guilenguyen
24-06-2009, 02:20 PM
Dạy ngoại ngữ bằng...thiền


GS Lê Khánh Bằng hàng ngày vẫn miệt mài với rất nhiều lớp học ngoại ngữ, bằng phương pháp dạy cực "độc", phương pháp thiền.
Mấy năm trước, căn phòng nhỏ trên tầng 4 của khu tập thể A17 Đồng Xa bỗng trở nên vui nhộn, đông người vào ra. Hàng xóm cứ xì xào không biết nhà GS Lê Khánh Bằng có chuyện gì mà lúc nào cũng có người đến thăm. Khách đến lúc là một ông tiến sỹ đầu bạc trắng, đeo kính dày cộm, lúc lại là một cậu bé con học lớp năm hay lớp sáu gì đó. Ai đến đây cũng thành kính gọi ông là thầy, họ đi nhẹ, nói khẽ và cứ đúng một giờ cố định lại ra về. Mãi sau này người ta mới biết giáo sư mở lớp dạy tiếng Anh cho tất cả mọi đối tượng học sinh bằng phương pháp thiền.



http://img.news.zing.vn/img/202/t202335.jpg


Thiền để đại ngộ
Ban đầu khi nghe nói học ngoại ngữ bằng thiền không ít người cứ thắc mắc. Thiền là vô ngôn (hạn chế dùng ngôn từ để giao tiếp), là đại tập (tập trung trí tuệ ở mức độ cao), thường dùng để an lạc tâm hồn, vậy sao lại có thể dùng thiền để học ngoại ngữ?
Thế nhưng khi đem điều này hỏi GS Lê Khánh Bằng thì được ông giải thích: "Gọi là thiền cho nó đậm chất Việt Nam chứ thực chất đó là một phương pháp tập trung suy nghĩ, tư duy không để cho tạp niệm xen vào ý thức con người trong quá trình học tập. Với phương pháp này, người học có thể phát huy được cao độ nội lực tiềm ẩn, tạo thói quen suy nghĩ tập trung về một vấn đề mình quan tâm và biến thói quen này thành một lối tư duy thuần thục, nhuần nhuyễn trong vỏ não".
Theo ông, khi học ngoại ngữ, người ta thường chỉ chú trọng đến 4 kỹ năng chính: nghe – nói - đọc - viết mà quên mất một kỹ năng rất quan trọng: Đó là kỹ năng suy nghĩ bằng ngoại ngữ. Kỹ năng này góp phần rất lớn trong việc tạo nên sự thành công của việc học và giao tiếp bằng ngoại ngữ.
Từ kinh nghiệm bản thân, học và giao tiếp tốt 6 ngoại ngữ và quá trình thử nghiệm trên nhiều đối tượng, học sinh tiểu học, THPT đến sinh viên, người cao tuổi, GS Bằng nhận ra rằng: Việc nhiều người “mất” khả năng giao tiếp, sử dụng ngoại ngữ là do người đó chưa tạo nên vùng ngoại ngữ trong vỏ não.



http://img.news.zing.vn/img/202/t202336.jpg


Khi trẻ em học ngoại ngữ, trung khu ngoại ngữ được hình thành hài hòa trên vùng trung khu tiếng mẹ đẻ. Song với người lớn tuổi học ngoại ngữ, 2 trung khu này tách biệt nhau. Do đó, việc khắc ghi lên vỏ não một vùng ngoại ngữ đòi hỏi quá trình tự học tập, đều đặn 1-2 giờ/ngày, lúc học chỉ được nghĩ và nói bằng ngoại ngữ để chủ động ức chế trung khu tiếng mẹ đẻ... Cách học đó sẽ tạo vùng ngoại ngữ trong vỏ não chỉ sau 5-6 buổi học.
Đây chính là lý do vị GS đã ngoài 80 tuổi vẫn quyết định mở các lớp học để hướng dẫn tỉ mỉ cho các học viên phương pháp học ngoại ngữ rất mới này. “Năm 1995, tôi bắt đầu mở lớp thiền học tiếng Anh, Pháp cho một số người có nhu cầu. Nói một cách đúng nhất, ở đây tôi không chú trọng nhiều đến việc truyền bá kiến thức mà chủ yếu là dạy cách học, cách tư duy, cách tạo nên vùng ngoại ngữ trong vỏ não…”, GS nói.
Phương pháp của ông là kết hợp của 5 bước chuyển vào trong và 5 bước chuyển ra ngoài nhằm phát triển 5 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và nhất là suy nghĩ bằng ngoại ngữ. Vấn đề cần trình bày sẽ được nói, đọc, viết ra trong óc vài lần, tạo nên một chuỗi các yếu tố tư duy, khi bạn động đến một mắt xích nào đó thì cả chuỗi đó sẽ bật ra ngay lập tức. Đó chính là “đột phá một điểm, khai thông toàn diện”.
Lão nhưng không hóa
Đã ngoài 80 tuổi nhưng trông ông vẫn khỏe mạnh, nhanh nhẹn và mẫn tiệp chẳng thua kém gì tuổi 60. Có lẽ vì thế mà tâm huyết dành cho nghề nghiệp, tình yêu thương dành cho học sinh lúc nào cũng căng đầy trong ông. Ông bảo: “Tôi mở lớp này không phải vì tiền mà vì tôi cảm thấy những gì tôi đúc rút được trong ngần ấy năm giảng dạy, nghiên cứu, thử nghiệm quý giá quá. Và thấy nó rất hiệu quả mà không truyền dạy cho ai thì phí...”.
GS Lê Khánh Bằng sinh ra trong một gia đình danh giá ở Hương Sơn, Hà Tĩnh, cha ông từng làm đến Tham tri Bộ Lễ trong triều đình nhà Nguyễn. Có lẽ vậy mà ngay từ nhỏ, ông đã được chọn học ở Quốc học Huế. Ở đây ông được theo học hệ cổ điển, được học tiếng Pháp, Anh, La tinh với các giáo viên là người bản ngữ. Năm 17 tuổi ông tốt nghiệp tú tài với bằng xuất sắc, ông ra Hà Nội tiếp tục học cử nhân rồi đi khắp nơi trên thế giới với 6 thứ tiếng uyên thâm. Đặc biệt giáo sư nói rất chuẩn ngôn ngữ Latin, cụ thể là tiếng Bồ Đào Nha. Sau này ông từng làm tổ trưởng bộ môn Lý luận dạy học, khoa Tâm lý giáo dục, Đại học Sư phạm Hà Nội. Ông cũng là chủ nhiệm đề tài cấp Nhà nước “Cải tiến phương pháp giảng dạy trong các trường Đại học và Cao đẳng”…



http://img.news.zing.vn/img/202/t202337.jpg


Từ năm 1995, sau khi về hưu được một thời gian ông bắt đầu mở những khóa học đầu tiên. Những người đến học với ông lúc đó đã có đủ thành phần, từ thạc sỹ, giảng viên, giáo viên, sinh viên và cả một số học sinh THPT… GS cho biết, hiện nay trước sự xâm thực của các phương tiện văn hóa nghe nhìn và các loại máy móc hiện đại khiến cho con người trở nên lười suy nghĩ. Bên cạnh đó, các phương pháp giảng dạy trong nhà trường vẫn theo giáo trình, nặng về ngữ pháp mà ít gắn với thực tế cuộc sống, chưa nhiều tình huống vận dụng trao đổi ngôn ngữ với chính người bản địa khiến cho việc học ngoại ngữ trở nên bị hạn chế đi rất nhiều. Rất nhiều cử nhân, thạc sỹ chuyên ngành ngoại ngữ hẳn hoi nhưng khi giao tiếp, nghiên cứu khoa học sử dụng ngoại ngữ vẫn còn rất lúng túng…
Lớp học của ông mở ra mở ra đáp ứng đúng nhu cầu của số đông người cho nên rất đông học viên đăng kí học nhưng chỉ có thể nhận được 18 người/lớp. Mãi sau này, do lượng học sinh đăng kí quá đông nên tăng lên 25 người/lớp. Vì học ở lớp học này người học đóng vai trò là chủ thể, lại học trong môi trường “thiền” cho nên ông không thể nhận đông học viên vì không bao quát hết được.
Từ lớp đầu tiên cho đến nay đã có tới hơn 30 khóa học được mở ra với trên 500 học viên thành công cùng ông. Nhiều học viên từng tham gia các khóa học của ông nay giữ nhiều cương vị cao ở các cơ quan trong và ngoài nước nhưng thi thoảng vẫn gọi điện về hỏi thăm ông, nhờ ông gỡ bí trong một số tình huống. Với ông đó là niềm vui bất tận và cũng là động lực để ông mở thêm nhiều lớp sau này.
Ông kể, “Trước tới nay, học viên cao tham gia học lớp của tôi có người lên tới tuổi 63 và bé nhất là học lớp 8 nhưng ai đến đây học đều mang một tâm thái rất cầu thị. Họ học rất nghiêm túc và thực tâm muốn học chính vì thế mà tôi không nề hà mang hết gan ruột mình ra truyền dạy cho các em…Tỷ lệ thành công của các khóa học từ trước tới nay bao giờ cũng đạt trên 80%...”.



http://img.news.zing.vn/img/202/t202338.jpg


Nay tuy đã ở vào cái tuổi xưa nay hiếm nhưng GS Lê Khánh Bằng vẫn miệt mài ngày đêm nghiên cứu các tài liệu, sách vở của các nước trên thế giới để đưa ra các phương pháp giáo dục mới. Ông vẫn luôn tâm niệm: "Trồng được một cây đời còn hơn nói ngàn lời hay".
* 5 bước học ngoại ngữ bằng thiền của giáo sư Lê Khánh Bằng được ông khái quát như sau:
- 5 bước chuyển vào trong (thư giãn và tập trung tư tưởng cao độ), đọc to 3-5 lần đúng trọng âm và ngữ điệu để tạo nên một khu vực hưng phấn mạnh; đọc to vừa, đúng ngữ điệu, tốc độ nhanh dần 3-5 lần; đọc mấp máy môi có âm thanh và ngữ điệu nhỏ 3-5 lần, tốc độ nhanh nhất; đọc trong óc, môi không mấp máy nhưng vẫn phải cảm thấy âm thanh và ngữ điệu cho đến khi thuộc, tốc độ ngày càng cao; đọc trong óc nhiều lần để hằn sâu vào trong vỏ não theo trình tự: nhẩm đọc trong óc từ từ sau đó tăng dần lên đến mức nhanh nhất...
- 5 bước chuyển ra ngoài (đọc trong óc; đọc mấp máy môi; đọc to vừa, tốc độ nhanh và rất nhanh; đọc to đúng trọng âm, đúng ngữ điệu với tốc độ nhanh nhất không sai sót; tập trung tư tưởng cao độ, viết ra giấy với tốc độ nhanh nhất, tối thiểu 2 dòng/phút hoặc trình bày thật lưu loát, diễn cảm)...



HÀ TÙNG LONG