PDA

View Full Version : Yêu người SIDA



T0TUS TUUS
13-12-2007, 11:44 AM
YÊU NGƯỜI SIDA
(Nhân ngày thế giới phòng chống AIDS)

“Hãy yêu mến Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi… Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó” (Mc 12, 29-31).

I. NỖI SỢ SIDA.
Vào những năm 1980, tại Việt Nam, nghe nói đến SIDA (AIDS), người ta còn hửng hờ lắm. Cứ tưởng nó chỉ ở tận trời Âu, trời Phi nào đó. Dân chúng Việt Nam hình như lạnh lùng và lạ lùng với tên giết người khủng khiếp mang danh SIDA này. Mãi đến đầu thập niên 1990, khi mà cuộc sống con người vẫn tấp nập, luân lý đối với một số người dường như vẫn là xa xí phẩm, thì người ta phải giật mình thản thốt, không dấu nỗi sự bàng hoàng khi báo chí đưa tin: Bệnh nhân SIDA đầu tiên đã được phát hiện tại Việt Nam!

Mãi đến hôm nay, qua các phương tiện truyền thông, SIDA không còn xa lạ nữa. Nhưng khi không còn xa lạ, thì cũng chính là lúc SIDA đã lan tràn. Nó xuất hiện trên khắp hành tinh. Đã đến lúc nó hiện nguyên hình là một con ác quỷ dữ tợn nhất đối với cuộc sống nhân loại trong hiện tại này. Nạn nhân của nó ngày một gia tăng không ngừng. Trên thực tế, nó đã cướp đi hàng triệu mạng sống và còn đó hàng chục triệu (trên 20 triệu) sinh linh đang dần nhích tới hố sâu của sự chết vì mang mầm giống SIDA trong cơ thể của mình, thì mọi người, dù là ít học nhất, ít nhiều sợ hãi.

Nhưng bạn ạ, đứng trước nạn nhân SIDA, dẫu là do chính họ phải trả giá cho lối sống bạt mạng của mình, hay chồng lây cho vợ, cha mẹ lây cho con, hoặc bị lây nhiễm do bất cứ lý do nào, lòng thương yêu, sự thông cảm của bạn, của tôi và của mọi người sẽ là liều thuốc tốt nhất để chữa trị, không phải giúp thoát khỏi bệnh tật nhưng là trả lại sự sống con người cho họ.

II. YÊU NGƯỜI SIDA.
Từ những suy nghĩ ấy, rồi đọc Lời Chúa trong Tin Mừng, tôi càng cảm nhận lời dạy của Chúa Giêsu: hãy YÊU CHÚA và YÊU ANH EM thật gần gũi và cần thiết vô cùng. Nhất là những anh chị em đang mang mầm giống của sự chết là chính căn bệnh SIDA tai ác nơi chính bản thân họ, lại càng cần thiết hơn để chúng ta áp dụng lời dạy yêu thương của Chúa cho mình mà đối xử với họ. Nhờ lắng nghe và sống Lời Chúa, ta không kỳ thị, nhưng dám đến gần họ bằng tất cả lòng thương yêu, sự cảm thông sâu lắng của mình. Nhìn trong viễn tượng nguy cơ của thời đại như thế, ta thấy, dẫu Lời của Chúa đã xưa, đã cũ, nhưng sao cứ mới, mới nguyên. Đó là những điều ta rất quen thuộc, bởi đã nghe rất nhiều lần, nhưng mãi mãi vẫn là lời dạy thấm thía nhất, đáng chú ý nhất. Chúa nói: “Hãy yêu mến Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi… Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó” (Mc 12, 29-31).

Bạn ạ, Chúa đã không dạy một điều gì xa xôi. Tất cả những gì Chúa dạy, đều gồm tóm trong một động từ duy nhất: YÊU. Yêu Chúa và yêu người. Hai giới răn này, gọi là hai, nhưng hóa ra là một. Vì yêu Chúa đòi buộc phải yêu người. Và yêu người chính là thể hiện của lòng yêu mến Chúa. Bởi vậy, để sống giới răn này, có rất nhiều những việc làm cụ thể để ta có thể thực hiện trong đời sống của mình. Nhưng hôm nay, tôi muốn bạn cùng tôi dừng lại trên nỗi khổ của nhiều người mắc phải căn bệnh thế kỷ: SIDA.

Họ là anh em của ta, là những người đang sống quanh ta. Nếu sống trong đời, người bình thường đã cần đến tình yêu, thì những anh chị em SIDA càng cần gấp bội. Bởi thế, nếu bạn và tôi ý thức lời Chúa dạy, ý thức mình phải sống Lời Chúa, chúng ta càng cảm thấy mình có trách nhiệm nhiều hơn với biết bao anh chị em đang vướng mắc căn bệnh này. Trước hết, vì lòng yêu mến Chúa và yêu mến anh em, từng người một hãy ăn ở ngay lành, hãy sống luật Chúa, hãy tránh xa những cám dỗ của tội lỗi để chính mình không là người bị bệnh, hơn thế, không là nguồn lây bệnh. Mặt khác, cũng chính vì Lời Chúa dạy hãy yêu thương, ta không xa lánh, không chối từ những anh chị em lỡ vướng vào căn bệnh tai ác này.

III. MỘT CHỨNG TỪ.
Tôi còn nhớ, hôm Chúa nhật Chúa chiên lành tháng 6. 2003, tại một địa điểm, Ban Đặc trách ơn gọi của một giáo phận tổ chức ngày tìm hiểu về ơn gọi tu trì cho rất đông bạn trẻ trong giáo phận ấy. Trong phần chia sẻ, một thanh niên bị SIDA kể về đời mình cho các bạn trẻ nghe như một bằng chứng sống, một chứng từ cụ thể là chính bản thân anh. Anh là con nhà giàu và quyền thế trong xã hội. Cha mẹ nuông chiều rất mực. Đó là những lý do làm cho anh trở thành kẻ hư đốn. Cũng được đi học như người ta, và học giỏi, nhưng anh đã sớm lêu lỏng. Được vào đại học đã là may. Anh không xem đó là dịp may trên đường tiến thân mà lại xem việc rời xa gia đình vào đại học là dịp may để anh thoát khỏi sự ràng buộc của gia đình, thoát khỏi sự kềm cập (anh nghĩ thế) của mẹ cha, một mình tự tung, tự tác khám phá thế giới đen tối của những người sợ ánh sáng như anh… Vài năm sau, gia đình được đi Mỹ theo diện H.O., anh lại càng nhận thấy “trời cho” mình dịp may, từ nay cắt đứt hoàn toàn sự kiểm soát của cha mẹ, nhất là không còn phải lo chuyện cha mẹ hoặch họe tiền bạc mỗi lần anh xòe tay xin…

Thế rồi chuyện gì phải đến đã đến. Thế giới tội lỗi mà anh yêu thích, anh trầm mình với nó, đã tặng cho anh một cái tát tay nghiệt ngã: anh bị SIDA! Ngày nhận giấy báo kết quả dương tính, anh thấy như cả bầu trời đổ sụp, đất dưới chân quay cuồng. Ngày nào khi anh có tiền, bạn bè bu quanh. Bây giờ thấy anh, ai cũng tránh thật xa. Không còn những độ nhậu, không còn những đêm trắng bên sòng bạc, không còn cảnh tượng đen tối của những con người thích sống theo bản năng hơn tự làm chủ chính mình… Anh đã mất tất cả. Trước mặt mọi người, hình như anh còn dơ bẩn hơn một cọng rác thối. Anh đang sống nhưng khác gì một thây ma. Anh đang thở nhưng hình như không còn sống nữa. Cái chết thể lý đang chiếm đoạt anh từng giây phút đã vậy, cái chết của tâm linh, của cô đơn, của mặc cảm, cái chết của sự khinh ghét mà mọi người dành cho anh còn lớn hơn, còn nặng nề và khủng khiếp hơn. Anh đã thua, đã trắng tay.

Quá tuyệt vọng, anh ra đường ray xe lửa ngồi đấy chờ trao gởi cuộc sống đang trên bờ vực thẳm của mình cho một chuyến tàu định mệnh nào đó. Đúng là định mệnh! Đoàn tàu xấu số mà anh lao vào đã không chở anh sang thế giới bên kia. Anh hồi sức, dần dần nhận ra mình đang nằm trong bệnh viện. Nếu trước khi tự tử, cuộc sống của anh đã là địa ngục, bây giờ, sau khi từ cõi chết trở về, cuộc sống ấy còn trở nên địa ngục gấp nhiều lần hơn. Thân thể của anh nằm gọn trên giường, chỉ còn phần trên. Chi dưới của anh vĩnh viễn gởi lại đường ray với dấu nghiềng nát của những chiếc bánh xe bằng sắc.

Đến nông nỗi này mà trong ánh mắt mọi người, anh vẫn là một con thú dữ, không ai dám đến gần, kể cả y bác sĩ. Có chăng, anh chỉ nhận được nơi họ lòng thương hại mà thôi. Đau khổ tột cùng. Anh chỉ còn biết nguyền rủa chính mình, và nguyền rủa những người đã đưa anh trở lại cuộc sống.

Thế rồi bóng dáng của một nữ tu xuất hiện. Chị là người đang phục vụ tại trung tâm M. ở một huyện ngoại thành Sài Gòn, thuộc giáo phận P., chuyên lo cho người nhiễm HIV và bị bệnh AIDS (SIDA). Quá bất mãn với cuộc đời, anh chẳng còn tin ai, kể cả họ là nữ tu đi nữa. Nhưng sau nhiều lần được thuyết phục, anh đã siêu lòng. Theo người nữ tu khả ái ấy về trung tâm mà lòng anh vẫn còn nghi nan. Rồi thời gian đã cho anh câu trả lời. Giờ đây, anh biết rằng, anh đã đến đúng địa chỉ. Những con người quên cả đời mình, dám hiến dâng cả tuổi thanh xuân cho lý tưởng tu trì, với một niềm mong muốn nên giống Chúa Kitô, thì còn lý do nào để họ có thể nghi ngại anh? Bây giờ anh mới hiểu được hai chữ LÀM NGƯỜI. Nó thiêng liêng và đáng yêu lắm.

Trước đây, khi ngụp lặn trong thế giới của mây mù, anh cứ ngỡ mình là một kẻ tự do. Nhưng anh lầm. Chính khi buông mình theo bản năng, bán mình cho sự nông cạn của lối suy nghĩ nhất thời, là lúc anh trở thành một kẻ nô lệ tệ bạc nhất: nô lệ cho những sai lầm đáng lên án của chính mình, nô lệ cho chính những đam mê thấp kém mà anh yêu thích.

Giờ đây khi mà cuộc sống chỉ còn là những ngày tháng ngắn ngũi, anh mới biết rằng con người ta chỉ cao thượng, sự sống chất chứa muôn vàn hạnh phúc, và cuộc đời này đáng yêu, đáng quý chỉ có thể có được khi người ta biết sống theo một kỹ cương, biết trao ban tình yêu, biết đưa bàn tay để phục vụ. Các nữ tu mà anh đã được gặp trên giường bệnh là những người như thế. Chính các chị đã trả lại cho anh, không phải tất cả cuộc sống, thì cũng là tất cả ý nghĩa của sự sống, tất cả niềm vui sống. Nhờ đó mà lúc này anh mới có đủ can đảm nói về chính cuộc đời của mình cho mọi người trẻ đang hiện diện lắng nghe, không một chút e dè, không còn nỗi mặc cảm, ít nữa là mắc cỡ vì phải bày tỏ sự thật đời mình. Cảm nghiệm tất cả ý nghĩa của sự sống đã cho anh lòng quả cảm và can đảm ấy.

IV. CAN ĐẢM NÀO GIÚP SỐNG.
Cách biện minh chung của nhiều người sống buông thả, nhất là ở lứa tuổi thiếu niên, đó là: dẫu biết rằng sống buông thả sẽ đến ngày trả giá, nhưng vẫn cứ sống buông thả, là một sự can đảm (?). Chắc chắn những người đủ bình tỉnh, đủ khả năng suy nghĩ sẽ không đồng ý với lối lý luận ngang tàng ấy. Nhưng thực tế, họ vẫn ngụy biện để bênh vực cho lối sống sai trái của mình. Thì thôi, ít là một lần ta thử đặt mình đứng về phía lý luận của họ để nói với họ.

Phải công bằng mà nhìn nhận rằng, nếu ai đó thừa biết nguy hiểm, nhưng vẫn dấn thân lao vào nguy hiểm, đúng là một can đảm. Nếu để cứu người, cứu giúp một chân lý nào đó, can đảm ấy cần thiết, được nêu cao và cần nhân rộng. Nhưng trong trường hợp của người lao thân vào tự do buông thả và thác loạn, sự can đảm ấy đặt sai chỗ: giết chết chính mình đã đành, điều quan trọng không kém, đó là giết chết chính giá trị làm người, lẽ ra mình phải có. Có khi còn giết chết anh chị em xung quanh.

Vì thế, khi đứng trước đám đông, người thanh niên can đảm dám nói về chính mình như một bài học sống dành cho mọi người, anh trở thành người góp phần cứu sống con người, góp phần bài trừ SIDA, góp phần làm cho đạo đức xã hội bớt băng hoại… Nói cho cùng, sự can đảm của anh cần thiết vô cùng. Sự can đảm ấy đáng khâm phục, đáng ca ngợi và đáng quý mến. Sự can đảm ấy đã không làm anh mất đi giá trị con người của mình, ngược lại, khi chân thành tâm sự, anh đã chiếm được chỗ đứng trong lòng yêu thương của mọi người.

Nếu ngày xưa, sự can đảm đã được anh sử dụng như một thứ tự do nông nổi, đã đẩy anh đi từ một người khỏe mạnh, giàu sang đến bờ vực thẳm của cái chết, can đảm ấy biến anh thành một người tàn nhẫn với chính mình. Nhưng hôm nay, khi loan báo cho mọi người biết nguy hiểm khôn lường của SIDA, sự can đảm này làm cho anh, tự nhiên hạnh phúc hơn, vui hơn, yêu sự sống, yêu chính mình và chấp nhận mình hơn. Vì thế, sự ích kỷ, chỉ loay hoay trên chính bản thân mình, có khi là cách tự đẩy mình đến gần cái chết nhất. Bán mình cho mối nguy SIDA là một trong những ích kỷ ấy. Ngược lại, khi biết cho đi, biết hiến dâng là một sự lớn lên, một niềm vui sống, một nỗi hạnh phúc lớn lao, có khi còn là một kiêu hãnh lớn khó phai trong lòng anh chị em xung quanh.

V. KẾT LUẬN.
Bạn ạ, biết SIDA, một mối nguy lớn là một chuyện, nhưng để tránh cho mình khỏi bị lây nhiễm, đi xa hơn, góp phần bài trừ SIDA, không phải bất cứ ai cũng có thể làm được. Chính vì thế, ngày hôm nay, đứng trước thực trạng không thể chối cãi: mọi người, bất luận là ai đều có thể bị nhiễm SIDA, ta cần có một cuộc sống lành mạnh.

Là người được Lời Chúa hướng dẫn, mình phải trở thành những con người mạnh mẽ trước những cám dỗ muôn hình vạn trạng của những thói đời đen đũi. Hơn thế nữa, xung quanh, nếu có ai lầm lạc, thì chính nhờ cuộc sống đã thấm Lời Chúa của mình, ta có thể trở nên động cơ thôi thúc anh chị em lỡ bước, quay về với hình ảnh con người đúng nghĩa. Chính Lời Chúa sẽ thúc giục ta không những không được loại trừ, mà còn phải đón nhận anh chị em, dẫu ý nghĩa về con người nơi họ có bị biến dạng thế nào đi nữa. Ước mong, tình yêu mà Chúa dạy: yêu Chúa, yêu người, luôn là lẽ sống, là hành trang được mang lấy để đi vào đời của mỗi Kitô hữu, của bạn và của tôi.

Lm. VŨ XUÂN HẠNH