PDA

View Full Version : TÔI KHÔNG BIẾT HÁT



dominico_dung
30-06-2009, 02:10 PM
TÔI KHÔNG BIẾT HÁT


Đó là câu nói thông thường của nhiều linh mục trong các họ đạo, khi có người đề cập đến chuyện ca hát trong nhà thờ. Từ chỗ không biết, người ta dễ đi đến chỗ không thích. Không biết hát và không thích hát thì tự nhiên ở nhà thờ, ca đoàn muốn hát gì thì hát, muốn hát thế nào cũng được. Đây thật là một sự dễ tính và còn hơn thế nữa, phải nói là một sự thả nổi. Đã là thả nổi thì vật nổi trôi - vấn đề ca hát - muốn bập bềnh trôi đâu tùy ý.

Chính vì vậy mới có hiện tượng ca hát trong phần đông các nhà thờ của chúng ta hiện nay. Thử tưởng tượng nếu có người bên ngoài vào một nhà thờ nào đó của chúng ta như giáo sư Trần văn Khê đã vào chùa Viên Giác để nghe tiếng tụng kinh của các tăng ni phật tử, người ấy sẽ nghĩ thế nào ? Trong bài Kiến tha lâu đầy tổ đăng trong Kiến thức ngày nay số 424, ra ngày 20.5.2002, trang 39, giáo sư Khê viết : “Tôi gặp thêm thày Thích Huệ Quang, một nhà sư trẻ tuổi biết về âm nhạc, nên có ý định đưa âm nhạc vào kinh kệ. Thầy cho tôi nghe một cuộn băng ghi âm thể nghiệm trong đó những bài tán tụng có cả nhạc khí hòa theo, khi thì đờn tranh, khi thì đờn nhị, đờn nguyệt... Việc làm này đã được các đại đức, thượng tọa hoan nghênh và khuyến khích thày nghiên cứu sâu hơn. Tôi có góp ý rằng việc đưa âm nhạc vào tiếng tán tiếng tụng mục đích là để làm cho mọi người dễ tập trung cũng như thích thú hơn khi đọc kinh. Nhưng nếu đưa vào không khéo thì sẽ làm sai lạc ý nghĩa của việc tụng kinh vì tán tụng không phải để nghe cho vui tai, cũng không phải để biểu diễn nghệ thuật mà là để tâm linh quán chiếu được ý nghĩa câu kinh, thấm nhuần được giáo lý. Do đó nếu đưa âm nhạc vào quá rôm rả khiến cho người ta phân tâm, lo nghe tiếng nhạc hay mà quên đi ý nghĩa câu kinh, hoặc tiếng nhạc không mang âm hưởng dân tộc mà bị ảnh hưởng ngoại lai thì lại càng sai lầm hơn.”

Những nhận xét và góp ý trên đây về cách tụng kinh ở nhà chùa làm cho tôi nghĩ đến cách hát và những bài hát trong các nhà thờ của chúng ta. Giáo sư Khê đã viết : “ Nếu đưa âm nhạc vào quá rôm rả khiến cho người ta phân tâm lo nghe tiếng nhạc hay mà quên ý nghĩa câu kinh, hoặc tiếng nhạc không mang âm hưởng dân tộc mà bị ảnh hưởng ngoại lai, thì lại càng sai lầm hơn” (b.đ.d. trg 39) là có ý nói rằng tiếng nhạc không được lấn át tiếng tụng kinh.

Vậy, nếu có những linh mục không biết hát hay không thích hát thì không phải vì thế mà có thể bỏ qua không săn sóc gì đến việc hát xướng. Đây là một bổn phận đòi buộc các linh mục quản xứ và các linh mục chủ tọa các buổi cử hành phụng vụ, đặc biệt là thánh lễ như có viết trong Qui chế tổng quát sách lễ Rô-ma : ‘Việc sử dụng ca hát khi cử hành thánh lễ phải là điều quan trọng.” (số 40) Về điểm này Hiến chế Phụng vụ cũng nói : “Hành động phụng vụ mặc lấy một hình thức cao quí hơn, khi các việc phụng tự được cử hành long trọng trong tiếng hát, có các thừa tác viên thánh và dân chúng tích cực tham gia.” (số 113)

Như vậy, đã rõ hát ờ nhà thờ trong thánh lễ là điều quan trọng, dù chủ tế có biết hát hoặc thích hát hay không. Vấn đề là đôn đốc và săn sóc đến việc ca hát. Tôi không biết hát hay không thích hát, nhưng tôi không thể bỏ qua không chỉ cách cho các ca trưởng chọn bài hát và tự tôi duyệt các bài hát xem có đúng với các phần đoạn trong thánh lễ theo từng thể loại, lời ca có gì sai lạc giáo lý hoặc không phù hợp với thánh ca hay không, vì đó là nhiệm vụ của tôi với tư cách là linh mục quản xứ hay chủ tế buổi lễ ngày hôm đó. Nếu tôi không biết điều này thì thật là đáng tiếc và phải nói là thiếu sót bổn phận nữa. Giả như không biết, tôi vẫn có thể hỏi và phải hỏi những người hiểu biết chỉ bảo cho. Chẳng vậy, công việc hát xướng ở nhà thờ sẽ là đất dụng võ cho ca trưởng, ca đoàn và điều đó đi ngược lại với đường lối và giáo huấn của Hội thánh.

Có người sẽ cho như thế là đòi hỏi. Mà quả thật, hát xướng ờ nhà thờ là một công việc đòi hỏi vì liên quan đến vấn đề tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa các tín hữu. Hát là để làm công việc này. Vì thế, nếu hát chỉ để cho vui tai, cho sôi nổi, ồn ào như ở các tụ điểm ca nhạc thì không phải là cung cách hát của nhà thờ.

Bởi vậy,từ cộng đoàn, ca đoàn cho đền linh mục quản xứ hay chủ tế phải hết sức lưu tâm đến công việc này để làm cho nhà thờ thành nơi ca hát những bài ca xứng đáng : đẹp về lời, hay về nhạc và hoàn chỉnh trong cách hát.

Tác giả: Đỗ Xuân Quế, Lm



(nguồn: http://www.dunglac.org/index.php?m=module2&v=detailarticle&id=65&ia=1588)

ducal
19-07-2009, 11:35 AM
HÁT BẰNG HAI LẦN CẦU NGUYỆN Mình nghe câu nói ấy không biết từ đâu nhưng có một điều dễ hiểu là nhà thờ nào ca đoàn hát đã dở mà còn hát sai hoặc hát không nhịp nhàng thì chắc chắn rằng sẽ làm cho cộng đoàn chia trí nhiều hơn.Tôi có đi dự một buổi tĩnh tâm cho Frère Minh hướng dẫn , khi tiếng nhạc dặt dìu vang lên , cả hội trường im lặng dần và rồi chỉ còn tiếng nhạc nhẹ nhàng như làm chùng xuống tâm hồn đầy xao động của mình ..sau đó Frère bắt đầu giúp cầu nguyện giữa tiếng nhạc dặt dìu nghe như vẳng lại từ thiên đường .
Nói như thế để chứng minh cho thấy rằng Nhạc và đặc biệt là Thánh Ca có thể đưa người nghe vào thế giới linh thánh và con người dường như muốn siêu thoát khỏi thực tại .
Vậy điều quan trọng là ca đoàn nhà thờ phải tập hát cần thận , nhạc công không nên phô diễn quá đáng và dĩ nhiên là phải chọn những bài Thánh Ca có giai điệu hay và được phép hát trong thánh đường thì lời hát có thể nói thay cho lời cầu nguyện nhiều hơn .