PDA

View Full Version : SỨC MẠNH DIỆU KỲ CỦA MỘT BÀI HÁT



littlewave
14-12-2007, 09:29 PM
SỨC MẠNH DIỆU KỲ CỦA MỘT BÀI HÁT

Xuân Thái (NGỌN NẾN NHỎ)

Có thể nói mà không sợ quá lời rằng, toàn bộ triết lý sống của Thánh Kinh, đã được gói gọn trong bài hát Kinh Hòa Bình của Thánh Phanxicô.

Với những ca từ mộc mạc dễ hiểu và các giai điệu nhẹ nhàng thiết tha sâu lắng, bài hát thật dễ đi vào lòng người, để tạo nên sức mạnh cùng với nhiều đổi thay kỳ diệu.

“Hát là cầu nguyện hai lần,” vì thế, nếu hát Kinh Hòa bình với tất cả tâm tình, thì trước hết, người hát sẽ được biến đổi qua từng ngày, cộng thêm với các nhận thức giúp gần Chúa một cách tích cực. Bài hát có sức lan tỏa và chinh phục đến bất cứ ai có cái tâm ngay lành trong sáng.


*****

Ca từ mộc mạc dễ hiểu, song không dễ dàng thực hiện những ý tưởng mà lời ca muốn nói.

Ngay từ câu hát đầu tiên đã là một thách đố lớn lao:

…“Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người.” Con người mang hình ảnh Thiên Chúa, nhưng đó là trên lý luận và chữ viết thì dễ. Song le trên thực tế, mấy ai có cảm tình và muốn yêu mến những kẻ gian ác và những phường trộm cướp đĩ điếm. Cả những người bệnh hoạn cùi hủi gớm ghiếc với đầy những máu mủ hôi tanh, thì cũng chẳng mấy ai muốn gần, dù nhiều người rất thương họ thật lòng. Người ta dễ thấy Chúa nơi những gì tốt đẹp lành thánh, vì Ngài là Chân, Thiện, Mỹ. Đó là tâm lý tự nhiên. Vì thế, ngay từ câu đầu của bài hát đã phải là xin cho con biết. Xin cho con biết nhìn ra những điều con phải nhìn để nhập tâm và nhập tâm.

Chính vì nhìn thấy Chúa trong người khác, nên Mẹ Têrêsa Calcutta đã làm được những việc không mấy ai làm được. Do đó, Mẹ đã trở thành một biểu tượng sáng ngời của cả thế giới, không phân biệt chính kiến, tôn giáo hay mầu da đẳng cấp.

“…xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa.” Hát đến câu này, thì ai cũng dễ dàng nhớ lại cái vẻ mặt khinh khỉnh, hoặc câu nói cay chua, hoặc một việc làm độc ác của một ai đó đã dành cho mình. Nhưng ai đó, rất nhiều khi lại là chính mình. Phải, chính mình, không ít thì nhiều, có lúc có nơi đã là nguyên nhân của những bất an, để gây ra những giận dữ và buồn phiền cho gia đình, cho bạn bè và nhiều người khác nữa.

“Xin hãy dậy con, tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết. Tìm yêu mến người hơn được người mến yêu. Tìm an ủi người hơn được người ủi an.”

Đây có lẽ là những thách đố lớn lao nhất. Vì cái “Ngã,” cái TÔI của mỗi người đều có như một điều rất tự nhiên đã nằm ngay từ trong bản chất. Cái NGÃ ấy luôn muốn khẳng định mình, luôn muốn áp đặt người khác và luôn thấy mình quan trọng như cái rốn của cả vũ trụ này.

Trong đám đông, ai cũng muốn nổi bật. Nơi bàn tiệc hay trong hội đường, ai cũng mong được ngồi chỗ nhất. Cái NGÃ ấy luôn muốn mọi điều phải luôn quy tụ về mình. Nhưng Đức Giêsu lại đi ngược với thói thường của tự nhiên để bảo rằng: “Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình.”

Một đòi hỏi quá khó, một thách đố quá lớn lao đến nỗi không ai có thể vựơt qua được, nếu không được chính Chúa thêm sức và hướng dẫn. Vì vậy, mới phải “Xin hãy dậy con, xin hãy dậy con…Những lời này, phải là một điệp khúc được lập đi lập lại và kéo dài mãi đến suốt đời. Xin hãy dậy con……Xin hãy dậy con …….Xin hãy dậy con ………”

“Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh. Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.”

Quên mình. Thứ tha. Hiến thân và chết đi. Đó là những yếu tính không thể thiếu cho những ai muốn theo Chúa thật lòng. Thiếu các yếu tính này, thì dù là ai, và với chức sắc cao bao nhiêu đi nữa, thì tất cả cũng đều chỉ là các môn đệ bất xứng, và là những môn sinh chỉ có cái áo khoác bên ngoài của Đức Giêsu mà thôi.

Ôi! Thần linh Thánh ái, xin mở rộng lòng con.

Xin thương ban, xuống những ai lòng đầy thiện chí, ơn AN BÌNH.

Một lời kết tuyệt vời. Tuyệt vời đến không thể tuyệt vời hơn.


*****

Chính nhờ lời kết này mà mọi người vẫn mạnh dạn, và phấn khởi theo Chúa một cách vui tươi chân thành. Dù thấy mình nhiều khi vẫn chưa quên mình đủ, chưa thứ tha hết, chưa hiến thân trọn và cũng chưa chết đi hoàn toàn. Nhưng mọi người vẫn luôn an tâm, vì biết rõ rằng, Chúa không cân đong đo đếm việc làm hoặc thành quả, để đánh giá công hay tội của mỗi người. Nhưng Ngài chỉ nhìn vào THIỆN CHÍ của họ. Thiện chí được hiểu nôm na là, sự ngay lành và những ước muốn thiện hảo.

Chỉ cần bấy nhiêu là đã đủ được nhận lãnh một ơn lành cao quí nhất, đó là sự BÌNH AN. Sự BÌNH AN này quí đến nỗi, các Thánh nhân và các nhà tu đức thời danh đều nói rằng: Đừng mong hạnh phúc trên trời, nếu không có sự bình an ở dưới đất. Ngay Đức Giêsu khi còn tại thế, Ngài không cho, cũng không để lại cho các môn đệ yêu dấu của Ngài châu báu ngọc ngà hay đền thờ nguy nga tráng lệ, nhưng lần nào Ngài cũng chỉ nói: “Bình an cho các con. Bình an của Thày luôn ở với các con.”

Đó cũng là lý do trong các Thánh lễ, hai chữ Bình An được nhắc đến nhiều nhất, đến 7 lần. Con số 7 trong Thánh Kinh là con số để chỉ sự viên mãn và tràn đầy.

Chị Thánh Têrêsa Hài đồng có làm được điều gì to lớn bên ngoài đâu. Chị không xây dựng được bất cứ một công trình đáng giá nào. Cũng chẳng rửa tội được cho một ai. Chị cũng chẳng có dịp đi đâu xa, ngoài bốn bức tường chật hẹp của một viện tu kín nhỏ bé, đến nỗi muốn sang Việt Nam cũng chỉ là một mơ ước không thành. Chị không có gì, ngoài sự yêu mến với đầy THIỆN CHÍ và với một tấm lòng cháy bỏng trong phó thác tin yêu.

Là NỮ, nhưng chị lại ước muốn được là Linh Mục. Chị mong được đi truyền giáo khắp nơi. Chị lại mơ được hạnh phúc chịu tất cả mọi hình khổ của các Thánh tử đạo, mà không chỉ bây giờ, nhưng từ tạo thiên lập địa đến nay. Nói về chị, nhiều người đã gọi chị là một vị Thánh của những ước mơ. Những ước mơ rất lành thánh và thật dễ thương.

Cũng nhiều người đã coi chị là một kẻ tâm thần với dạng hoang tưởng nặng. Nhưng Hội Thánh lại tôn vinh và đặt chị là một vị thánh vĩ đại: Tiến sĩ của Hội Thánh và là quan thày của các xứ truyền giáo. Tiến sĩ Hội Thánh là một gương mẫu và là thày dạy về đức tin cho mọi người.


*****

Một Linh mục hiện nay đang coi xứ ở Thị Nghè đã kể lại rằng, trong thời gian đi học tập, Ngài thường một mình hát nho nhỏ Kinh Hòa Bình. Hát như một lời cầu nguyện. Hát bất cứ lúc nào. Hát bất cứ nơi nào có thể hát được. Ngài hát như những lời tâm sự. Ngài hát như một tâm tình để tặng Người Tình. Người Tình không chân dung. Người Tình không rõ mặt, nhưng hình ảnh của Người Tình ấy thì Ngài thấy rất rất rõ, nơi các anh em đồng cảnh của mình. Ngài yêu thương họ như chính Người Tình của mình vậy.

Trong suốt 13 năm như thế, Ngài thường hát bài Kinh Hòa Bình không biết là bao nhiêu lần trong một ngày. Khi hát, tất nhiên sẽ có người nghe, không nhiều thì ít. Nếu làm một con tính nhẩm, thì được biết rằng, 13 năm có khoảng 5,000 ngày. Nếu mỗi ngày chỉ hát 1 lần thôi, thì cũng đã có khoảng 5,000 lần, lời Kinh Hòa Bình đã được cất lên trong một tập thể không phải ai cũng là người Công giáo.

Và điều kỳ diệu đã xảy ra. Trong cái tập thể với đủ mọi thành phần như thế, mỗi ngày đều có những biến chuyển và những thay đổi đến không ngờ. Họ gắn bó với nhau hơn. Họ thương yêu nhau một cách thực lòng hơn. Họ thân tình với nhau hơn, như một gia đình đầy chan hòa ấm áp. Đến nỗi, nhiều người khi chia tay ra về, họ đã thật sự phải bật khóc vì phải xa nhau.

Kỳ diệu hơn nữa, khi vị Linh Mục này được về, thì lần lượt có hàng trăm người đến xin rửa tội. Họ đến từ khắp nơi, nhưng đều là những người đã từng chung sống và đều được nghe Kinh Hòa bình mà lúc đó, họ chưa hiểu hết được ý nghĩa. Khi được gặp và trò chuyện cởi mở với họ, thì họ hồn nhiên và thành thật cho biết rằng, họ không có nhiều thời gian để đọc Thánh Kinh.


*****

Lại có một giáo dân, vị này cũng được đi học tập. Vị này được phân công làm đại diện anh em, để tiện liên lạc với các quản giáo. Người giáo dân này cũng đặc biệt yêu thích Kinh Hòa bình, nên thường hát như một tâm tình, hát như một sự cầu nguyện, hát như một tâm sự, một tâm sự không thể chia sẻ cùng ai. Người giáo dân này cứ đi đi lại lại, tối ngày cũng chỉ hát một bài hát ấy.

Khi ấy, có một tù nhân đặc biệt đang bị biệt giam. Để liên lạc với bên ngoài, chỉ là một ô cửa nhỏ xíu. Anh này đang chán sống và muốn tự sát. Nhưng là một kiểu tự sát cũng hết sức đặc biệt. Anh này không muốn chết một mình, nhưng cùng muốn được chết với ít nhất là một người khác đang trực tiếp hành hạ anh. Anh muốn mạng phải đổi mạng, vì anh là một võ sư tầm cỡ của thành phố này. Anh tự tin, sẽ đủ sức hạ gục người đang hỏi cung, vẫn đối diện anh hàng ngày, ngay từ ngón đòn đầu tiên. Người còn lại, cái người vẫn thường ngồi ghi chép các lời cung, thì anh dư sức khống chế, vì người này ngồi gần nhất, và cũng là thuận tay nhất khi anh ra đòn.

Cho đến một ngày kia, anh tù nhân biệt giam ra hiệu muốn gặp người giáo dân kia. Tay tù nhân biệt giam đã tâm sự mọi điều với người giáo dân, và hỏi ý kiến rằng, nên hay không nên làm các điều ấy. Sau khi lắng nghe những tâm tình, người giáo dân đã hỏi ngược lại rằng: Tại sao anh lại hỏi tôi những điều ấy, và anh không sợ rằng, nếu tôi đi báo cáo lại, thì tôi sẽ lập được công lớn và tội của anh sẽ bị nặng hơn hay sao?

Người tù biệt giam đã trả lời rằng: “Vì tôi thường lắng nghe những lời bài hát gì đó có Chúa Chúa sao đó. Tôi là người Phật giáo nên không hiểu được, nhưng nghe sao thấy thiết tha quá, sao thấy tâm tình quá. Do đó, người hát bài ca này, dù có thể chưa phải là người đạo đức, nhưng chắc chắn sẽ không thể là người sẽ đang tâm hại tôi. Vì vậy, tôi mới quyết định hỏi ông. Hỏi một điều mà tôi không thể hỏi bất cứ một ai khác.”

Đến đây, không cần phải nói thêm, thì ai cũng biết người giáo dân kia sẽ trả lời ra sao với anh biệt giam nọ. Để rồi sau đó, họ đã trở nên một đôi bạn thân. Và sau thời gian học tập, họ đã gắn bó và thân tình như một điều tất yếu và không thể ngờ. Trên tất cả và rất dễ nhận ra rằng, mọi sự tốt lành ấy đều khởi đầu từ Kinh Hòa Bình.

Người giáo dân nọ đã dùng chính Phật pháp để nói với anh tù biệt giam rằng: Luật Nhân Quả mang tính khoa học rất cao. Theo định luật của vật lý, giống như quả bóng, khi anh đập mạnh vào tường bao nhiêu, thì sức của nó, lúc bật lại càng mạnh bấy nhiêu. Gieo nhân nào thì gặt quả nấy. Điều này là một chuyện hiển nhiên, nhưng thật đáng tiếc, vì không mấy ai quan tâm. Do đó, không ngạc nhiên gì khi Phật đã dạy rằng:


Lấy oán báo oán, oán ấy chập chùng.

Lấy ân báo oán, oán ấy tiêu tan.


*****

Từ rất lâu, Đức Hồng Y Nguyễn văn Thuận cũng rất mê Kinh Hòa Bình. Khoảng đầu thập niên 70, với những ai có dịp may để tham dự Khóa Focolare ( Hiệp nhất) của Ngài ở Nha Trang, thì sẽ có một ấn tượng suốt đời chẳng thể nào quên. Vì trong Khóa đó, không còn sự phân biệt, dù bất kể Bạn là ai hoặc Bạn thuộc bất cứ tôn giáo nào. Cũng chẳng còn chức sắc cao thấp to nhỏ. Chỉ có hình ảnh Giêsu là duy nhất được nói đến và được tôn vinh. Người thì được gọi là Giêsu mập mạp. Kẻ thì bị kêu là Giêsu “que sậy”… Riêng cụ Thuận lúc ấy, thì được gọi là Giêsu khả ái. Đặc biệt trong thời gian đi học tập, Kinh Hòa Bình đã là một hành trang quí nhất mà Ngài có thể mang theo. Ngài đã hát nó mỗi khi có thể. Hát trong lòng. Hát ngoài môi miệng. Và rồi, bao nhiêu điều kỳ diệu đã đến trong đới Ngài mà ai cũng biết. Xin cho phép không được nhắc lại những điều đó ở đây.


*****

Thời gian đang qua đi, như đã từng qua đi. Mọi chuyện đã đi vào quá khứ. Tất cả đã trở thành dĩ vãng cả rồi. Nhưng bài hát và những tâm tình mà nó mang trong mình và sẽ chuyển tải, vẫn luôn luôn và sẽ còn sống mãi. Sống mãi mãi khi nào vẫn còn CON NGƯỜI .

Xin hết lòng biết ơn Thánh Phanxicô.

Càng phải vô cùng tạ ơn tác giả, đã chuyển ngữ và viết lên một bài hát, để kho tàng Thánh ca Việt Nam, có được một bài Thánh Ca mang nhiều sức mạnh diệu kỳ đến thế.