PDA

View Full Version : GIÁO XỨ CHÍNH TÒA DALAT



teresaMK
04-07-2009, 08:16 AM
Nhà Thờ Chính Tòa.


http://www.simonhoadalat.com/DIAPHAN/Ditich/denduong.jpg
Nhà Thờ Chính Tòa, dân địa phương thường gọi là nhà thờ Con Gà (vì trên tháp chuông có cột thu lôi đúc theo hình con gà). Nhà Thờ Chính Tòa được khởi công xây cất từ năm 1931 và hoàn thành năm 1942 với tước hiệu Thánh Nicola Bari, sau được đổi là tước hiệu Ðức Maria mẹ Thiên Chúa. Hình dáng kiến trúc được thiết kế đối xứng theo lối cổ điển, có chiều dài 65m, rộng 14m, tháp chuông cao 47m. Nhà Thờ Chính Tòa có vị trí rất đẹp, tuy không nhìn thẳng xuống hồ Xuân Hương nhưng vì tháp chuông cao nên đứng ở vị trí nào dưới bờ hồ cũng đều thấy được tháp chuông này. Cửa chính của nhà thờ hướng thẳng về núi Lang Biang. Phần áp mái được bố trí bằng 70 tấm kính màu (http://www.simonhoadalat.com/DIAPHAN/Ditich/kiengmau/page1.html)(chế tạo từ Pháp) phác họa các hoạt cảnh Tin Mừng và chân dung các thánh, làm cho không gian thánh đường càng thêm uy nghi, huyền ảo. Trên tường, được gắn các bức phù diêu có kích thước 1 x 0.8m do nhà điêu khắc Xuân Thi thực hiện. Khuôn viên nhà thờ có hàng rào bao bọc khép kín. Ðây là một công trình kiến trúc đẹp và giá trị. Cũng chính đây là nơi thường xuyên tổ chức các sinh hoạt đạo đức của giáo phận và giáo hạt Dalat.

http://www.simonhoadalat.com/DIAPHAN/GIAOXU/NTCT.JPG



GIÁO XỨ CHÍNH TÒA DALAT

Cùng với sắc chỉ Tòa Thánh về việc thiết lập Phẩm trật Giáo Hội tại Việt Nam "Venerabilium Nostrorum" do Ðức Thánh Cha Gioan XXIII ký ngày 24 tháng 11 năm 1960, Nhà thờ Giáo xứ Dalat được đặt làm nhà thờ Chính Tòa Giáo Phận Dalat, danh hiệu thánh Nicôla Bari - về sau được đổi danh hiệu Ðức Maria, Mẹ Thiên Chúa.

Nhìn lại quá khứ trên 70 năm của mình, giáo xứ Chính Tòa Dalat xin mượn một ý trong Thư Chung 1980 của hàng Giáo Phẩm Việt Nam để diễn tả một cách trung thực và đầy tri ân cảm mến tâm tình của mình:

. Chúng con cảm mến sâu sắc bàn tay nhân lành của Thiên Chúa đã êm ái và mạnh mẽ hướng dẫn Cộng Ðoàn Dân Chúa trên phần đất Dalat thân thương này; chúng con biết ơn công lao của vô vàn tín hữu, của các cộng đoàn tu sĩ nam nữ, các linh mục và nhất là các Ðức Giám Mục đã đem hết khả năng, sức lực và nhiệt tình tông đồ, với đức tin và lòng mến, góp phần xây dựng nên giáo xứ Chính Tòa ngày hôm nay.
Cùng đồng hành với bác sĩ Alexandre Yersin khám phá ra Dalat, có linh mục Robert, thuộc hội Linh Mục Thừa sai Paris (MEP) vào năm 1893. Sau đó đến khoảng năm 1917, linh mục quản lý của MEP tại Viễn đông là Cha Nicolas Couvreur đã đến Dalat, mục đích tìm nơi nghỉ dưỡng cho các giáo sĩ. Chính cha đã xây dựng một Dưỡng viện giáo đồ (Sanatorium-Presbytère), nay là một phần của nhà xứ.
Ðến năm 1918, Ðức Cha Lucien Mossard, Giám quản Tông Tòa tại Sàigòn (1898-1920) đã đặt chân lên Dalat. Theo sổ rửa tội và sổ hôn phối của nhà thờ Dalat còn lưu giữ, thì chính Ðức Cha Mossard (Ðức Thầy Mão) vào ngày 25-01-1919 đã ban bí tích rửa tội cho một em bé Việt Nam. (sổ rửa tội quyển I, số I). Và cũng chính Người đã làm chứng trong lễ nghi hôn phối cho một đôi bạn người Việt Nam là Martinus Tri và Anna Kéc do cha Francois Demareq cử hành (Sổ hôn phối quyển I, số I). Lễ nghi này được cử hành ngày 13-06-1919. Cũng trong sổ hôn phối này, ở số 2, có ghi cha Isidore Dumortier - sau này là Ðức Cha Giám quản Tông Tòa tại Sàigòn - cử hành lễ nghi hôn phối cho một đôi bạn khác, vào ngày 29-12-1919. Như thế, có thể nói, hai Ðức Cha Lucien Mossard và Isidore Dumortier là những vị tông đồ đầu tiên đã cử hành thánh lễ, ban các bí tích cho các giáo dân Việt Nam đầu tiên tại Dalat này. Với lòng nhiệt thành tông đồ, với cái nhìn rộng và xa của người mục tử, Ðức Cha Mossard đã sớm nhận định vùng đất này sẽ là một mảnh đất phì nhiêu để hạt giống Phúc Âm được gieo xuống và trổ sinh hoa trái. Chính nhận định sáng suốt này của người Chủ Chăn đáng kính đã đưa đến quyết định quan trọng và lịch sử của vị thừa kế Người là Ðức Cha Quinton, Giám quản Tông Tòa tại Sài gòn, khi vào một ngày cuối tháng 4 năm 1920, người đã ban quyết định thành lập giáo sở Dalat và bổ nhiệm linh mục Frédéric Sidot làm cha sở đầu tiên. Ranh giới giáo sở Dalat lúc bấy giờ trải rộng tới Fyan, Fimnom, Dran (tức thành phố Dalat, huyện Lâm Hà, Ðức Trọng và Ðơn Dương ngày nay). Ngày 10-05-1920, giáo sở Dalat hân hoan đón tiếp cha sở đầu tiên của mình. Một trong những việc làm quan trọng của Cha Sidot là xây dựng ngôi thánh đường. Chiều kích của ngôi nhà thờ này thật khiêm tốn: dài 24m, rộng 7m và cao 5m. Nhà thờ này được gắn liền với cánh bên tả Dưỡng viện Giáo đô đã có từ trước. Cửa chính nhà thờ được cấu trúc theo hình vòng cung nhọn (ogival), được chạm trổ và sơn son thiếp vàng kiểu Á đông. Trên vòng cung cửa chính, có khắc dòng chữ bằng tiếng La-tinh: "HIC DOMUS EST DEI" (đây là nhà của Thiên Chúa). Chính Ðức Cha Mossard đã gởi tặng ngôi nhà thờ này một quả chuông đúc tại Việt Nam, kỷ vật lưu niệm của thời kỳ Giáo Hội bị cấm cách khoảng thế kỷ XIX, có lẽ được tìm thấy dưới một giếng sâu ở vùng Hóc Môn. Quả chuông này được treo trước tiền đường nhà thờ trong suốt 24 năm và đã bị thất lạc vào năm 1945. Số tín hữu lúc bấy giờ sống rải rác trên địa bàn rộng lớn này ước tính trên dưới độ 200 người.


http://www.simonhoadalat.com/DIAPHAN/GIAOXU/chnhtoa11.jpg Chỉ trong vòng một năm kể từ ngày có cha sở đầu tiên, số người gia nhập đạo tăng dần. Ngôi nhà thờ này trở nên quá bé nhỏ. Ngày 5-7-1922, Ðức Cha Quinton ban quyết định cho phép giáo sở Dalat xây dựng một nhà thờ mới rộng rãi hơn: rộng 8m, dài 26m, có tháp chuông cao 16m, trên đó có treo 4 quả chuông do hãng Paccard, thuộc tỉnh Savoie chế tạo. Như thế 4 quả chuông này cùng dòng họ với 2 bộ chuông nổi tiếng là "Savoyarde" tại Vương Cung Thánh Ðường Thánh Tâm tại Monmartre và "Jean d'Arc" tại Nhà Thờ Chánh Tòa Rouen, nước Pháp. Chuông lớn đánh dấu ÐÔ, cân nặng 415kg, đường kính rộng 0.75m, cao 1m. Chuông thứ tư đánh dấu SOL, cân nặng 120kg. Hai chuông này đã được Ðức Cha Grangcon làm phép ngày 8-7-1923. Chuông thứ ba đánh dấu FA cân nặng 117kg, do Ðức Cha Quinton làm phép ngày 17-2-1924. Ngôi nhà thờ thứ hai này được khánh thành ngày 17-2-1923. Hiện ngôi nhà thờ này không còn nữa.
Chỉ 6 năm sau đó, trước tình hình giáo dân tăng nhanh, cha sở lúc bấy giờ là linh mục Céleste Nicolas, một vị mục tử tài ba lỗi lạc, có tâm hồn đạo đức, thêm đức tính cần cù, can đảm, sáng suốt, đã đệ trình Ðức Giám Mục Isidore Dumortier nguyện vọng của họ đạo muốn có ngôi nhà thờ mới, rộng lớn khang trang hơn. Ðề án này bắt đầu từ năm 1929. Sau khi nghiên cứu, Ðấng bản quyền chấp thuận. Chính Ðức Khâm sứ Tòa Thánh tại Ðông Dương và Thái Lan, Ðức Cha Colomban Dreyer, đã chủ sự thánh lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng ngôi nhà thờ thứ ba - tức ngôi nhà thờ hiện nay - vào lúc 9 giờ sáng Chúa Nhật 19-7-1931. Việc xây cất này kéo dài 11 năm, từ năm 1931 đến năm 1942, do công sức và lòng nhiệt thành của cha sở Nicolas, cha quản lý Hội Thừa Sai Paris tại Ðông Dương De Coomann, các Dòng tu nam nữ và đông đảo giáo dân xa gần.



http://www.simonhoadalat.com/DIAPHAN/GIAOXU/chnhtoa12.jpg Công trình này chia làm 3 đợt:
Ðợt thứ nhất gồm gian cung thánh, hậu tẩm, hai gian cánh. hoàn tất ngày 20-3-1932 và được một vị linh mục truyền giáo ở Lào, là cha Dézavelle về làm phép ngày hôm ấy. Lễ khánh thành được cử hành trọng thể nhằm ngày lễ Phục Sinh 27-3-1932.

Ðợt thứ hai gồm việc xây dựng gian lòng nhà thờ và đặt chân móng cho các tháp chuông.

Ðợt thứ ba gồm việc xây dựng tháp chuông chính, hai tháp chuông phụ, cầu thang xoáy trôn ốc, đặt thánh giá trên đỉnh tháp chuông chính và trên cao đặt con gà bằng đồng (14-11-1941) dài 0.66m, cao 0.58m dùng thay mũi tên chỉ hướng gió, cũng có thể là biểu tượng của người Pháp (coq-gaulois), nhưng đúng hơn, chính là biểu tượng gắn liền với Thánh Tông Ðồ Phêrô được ghi lại trong Phúc Âm, có ý nhắc nhở mọi người phải biết tỉnh thức và cầu nguyện trong tâm tình sám hối và khiêm nhường.

http://www.simonhoadalat.com/DIAPHAN/GIAOXU/chnhtoa01.jpg Ngôi nhà thờ dài 65m, rộng 14m, tháp chuông cao 47m. Trong nhà thờ được trang trí bằng 70 tấm kính màu (http://www.simonhoadalat.com/DIAPHAN/Ditich/kiengmau/page1.html), hiện còn ghi tên xưởng chế tạo Louis Balmet, thuộc tỉnh Grenoble, cũng như tên các ân nhân dâng cúng.

Vào lúc 9 giờ 30 sáng ngày áp lễ Noel năm 1941, có nghi thức đặt tượng Ðức Mẹ Thánh Tâm (Notre-Dame du Sacré Coeur) trên cửa chính nhà thờ hướng về núi Lang Biang, để xin Mẹ che chở cho việc rao giảng Tin Mừng tại vùng đất Lang Biang này.

Tháng Giêng năm 1942, chuyển 4 quả chuông sang nhà thờ mới và lễ khánh thành nhà thờ được cử hành trọng thể vào ngày Chúa nhật 25-01-1942, do Ðức Khâm sứ Tòa Thánh tại Ðông Dương Antonin Drapier và Ðức Cha Jean Cassaigne, Giám quản Tông Tòa tại Sài Gòn, chủ sự nghi lễ bắt đầu từ 5g00 sáng bằng cuộc rước kiệu Mình Thánh Chúa từ Biệt Thự Thánh Tâm về Nhà Thờ mới do Ðức Khâm sứ chủ sự, với sự tham dự đông đảo của các linh mục, các cộng đoàn tu sĩ nam nữ, các đoàn thể công giáo, các học sinh thuộc các trường công giáo tại Ðàlạt và toàn thể giáo dân. Trước Thánh lễ, Ðức Khâm sứ giảng về ý nghĩa ngày lễ khánh thành Nhà thờ với chủ đề " Nhà thờ là biểu tượng của niềm vui và ơn cứu độ". Sau đó, thánh lễ đại triều do Ðức Cha Jean Cassaigne cử hành.

Tháng 2-1942, nghi thức làm phép và đặt 14 chặng đàng thánh giá trong nhà thờ. Các bức tượng được khắc chạm bằng hình nổi với kích thước chiều ngang 1m, cao 0m80, bằng vật liệu xi măng và sắt, do ông Xuân Thi, một nhà điêu khắc Việt Nam ở Hà Nội thực hiện.

http://www.simonhoadalat.com/DIAPHAN/GIAOXU/chnhtoa06.jpg Như thế, từ một giáo sở nhỏ bé trên vùng đất cao nguyên này, khởi đầu với số trên dưới 200 tín hữu sống rải rác khắp nơi, sau hơn 70 năm, hạt giống Phúc Âm đã nảy mầm và phát triển mạnh, trở thành 3 Giáo hạt: Dalat, Ðơn Dương và Ðức Trọng, với khoảng 40 giáo xứ, giáo sở và trên dưới 50.000 tín hữu. Hiện nay, địa giới của Giáo xứ Chính Tòa được thu gọn lại trên một phần đất thuộc thành phố Dalat và số tín hữu là 4.500 người.

Giáo xứ Dalat đã lớn mạnh như thế là do ơn Chúa được thể hiện qua tình thương và sự chăm sóc của Tòa Thánh, của các vị Mục Tử, kể từ Ðức Cha L. Mossard, I. Dumortier, J. Cassaigne và đặc biệt, từ ngày 24-11-1960, khi Ðức Thánh Cha Gioan XXIII bổ nhiệm Ðức Cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền, Giám quản Tông Tòa tại Sàigòn (1955-1960) làm Giám Mục tiên khởi Giáo Phận Dalat. Cùng với thời điểm này, nhà thờ Dalat được chính thức đặt làm nhà thờ Chính Tòa của Giáo Phận. Trong suốt hơn 13 năm chăm sóc Giáo Phận, Ðức Cha Simon Hòa đã dành cho giáo xứ Chính Tòa tất cả tình thương của người Cha, sự dịu hiền của người Mẹ, sự thông thái của người Thầy. Trọn cuộc đời mục tử của ngài là "rao giảng Chúa Giêsu chịu đóng đinh" (Predicamus Jesum cruxifixum). Người đã an nghỉ trong Chúa ngày 5-9-1973 và mộ ngài được đặt tại cung thánh nhà thờ Chính Tòa Dalat.

Tiếp nối sự nghiệp tông đồ tại phần đất này, ngày 15-2-1975 Ðức Cha Bartôlômêô, Giám đốc và Giáo sư tại Ðại Chủng Viện Huế, được Ðức Thánh Cha Phaolô VI ban sắc phong làm Giám Mục Giáo Phận Dalat. Sau lễ tấn phong Giám Mục tại Vương Cung Thánh Ðường Ðức Bà Sàigòn do Ðức Khâm Sứ Tòa Thánh Henri Lemaitre chủ phong vào ngày 17-03-1975, Ðức Cha Bartôlômêo đã về nhậm Giáo Phận Dalat ngày lễ kính thánh Giuse, 19-03. Với khẩu hiệu "Chân lý trong Ðức Ái" (Veritas in caritate", Ðức Cha chăn dắt Giáo phận và dành sự hiện diện thường xuyên, tâm tình ưu ái, lòng nhiệt thành tông đồ đối với giáo xứ. Hằng năm, Ngài đề ra phương hướng giúp cho toàn thể Giáo xứ sống đạo bằng cách noi gương Mẹ Maria, Vị Bổn Mạng của mình, để xây dựng Giáo xứ dần dần trở nên một cộng đoàn yêu thích cầu nguyện, sống đức tin, tập trung nỗ lực trong các sinh hoạt phụng vụ, chiếu tỏa đức ái bằng lời nói và việc làm, nhằm phục vụ hạnh phúc của mọi người. Ðức Cha đã xức dầu cung hiến Nhà Thờ Chính Tòa trong một lễ nghi long trong sốt sắng với sự tham dự của toàn thể hàng linh mục Giáo Phận, đông đảo dòng tu nam nữ và giáo dân của nhiều giáo xứ. Lễ nghi xức dầu cung hiến này diễn ra sáng Chủ Nhật 24-04-1983.

Ðược sự chăn dắt của các Chủ Chăn, người giáo dân Dalat đã sớm ý thức về ơn gọi và chỗ đứng của mình trong Giáo Hội, nỗ lực làm việc tông đồ và góp phần rất xứng đáng trong công việc xây dựng Giáo Xứ và phục vụ xã hội. Ngoài ra, nhiều Dòng tu nam nữ đã sớm hiện diện trên mảnh đất Dalat này. Có Dòng đã tới phục vụ từ năm 1919, các tu sĩ đã góp phần rất lớn trong mọi sinh hoạt của Giáo Xứ, đặt biệt trong đời sống cầu nguyện, phụng vụ, dạy giáo lý, giáo dục, bác ái, từ thiện.
Trực tiếp chăm sóc Giáo xứ, từ bước khởi đầu khi Giáo sở được chính thức thành lập vào năm 1920 cho đến nay, năm 1991, có tất cả 8 linh mục quản xứ:



http://www.simonhoadalat.com/DIAPHAN/GIAOXU/chachinhtoa.gif 1. Cha Prédéric Sidot (cố Kính), từ 10-05-1920 đến 01-07-1921
2. Cha Céleste Nicolas (cố Vinh) từ 11-07-1921 đến cuối năm 1946
3. Cha Jean Perrin từ 14-07-1946 đến 1948
4. Cha Fernand Parrel từ 22-04-1948 đến 21-05-1961
5. Cha Giuse Phùng Thanh Quang từ 21-05-1961 đến 28-09-1962
6. Cha Giuse Nguyễn Ngà từ 28 09-1962 đến 30-03-1975
7. Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn từ 01-04-1975 đến 20-06-1991
8. Cha Giuse Võ Ðức Minh từ 20-06-1991 đến nay
Cộng tác mật thiết với các cha xứ để phục vụ Giáo xứ có gần 40 cha phó và nhiều Linh Mục thuộc các dòng: Chúa Cứu Thế, Vinh Sơn, Phan Sinh, Chúa Giêsu (Tên), Don Bosco, Ðại Chủng Viện Dalat, Giáo Hoàng Học Viện thánh Piô X.

Trong số các linh mục đã phục vụ Giáo xứ, có những vị được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám Mục như: 1. Ðức Cha Giacôbê Nguyễn Văn Mầu, Giám Mục Giao Phận Vĩnh Long.
2. Ðức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, Giám Mục Giáo Phận Nha Trang.
3. Ðức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Giám Mục Giáo phận Dalat.
Trong quyển rửa tội số I của Giáo Xứ, tại số thứ tự 537, ngày 12-04-1938 có ghi: Petrus Nguyễn Văn Nhơn, sinh ngày 01-04-1938 đã lãnh nhận bí tích rửa tội tại nhà thờ Thánh Nicôla, Dalat. Thật vậy, Ðức Giám Mục đương kim Giáo Phận đã sinh ra tại một ngôi nhà kế cận Nhà Thờ Giáo Xứ, rồi lớn lên, rước lễ vỡ lòng, chịu phép thêm sức, học trò giúp lễ, để rồi được Giáo xứ yêu thương, tin tưởng gởi vào chủng viện Sàigòn năm 1949. Người là chủng sinh đầu tiên của giáo xứ, cũng là người con đầu tiên của giáo xứ đã được Ðức Cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền truyền chức linh mục cũng tại Nhà Thờ Giáo Xứ, ngày 21-12-1967. Người được Ðức Cha Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm bổ nhiệm làm cha xứ Nhà Thờ Chính Tòa, kiêm Tổng Ðại Diện Giáo Phận từ năm 1975 đến 1991. Thánh lễ tấn phong Giám Mục được cử hành trọng thể ngày thứ Ba 03-12-1991 tại Dalat, nhằm lễ kính thánh Phanxicô Xavier, bổn mạng các xứ truyền giáo. Ðây là lễ tấn phong Giám Mục đầu tiên diễn ra trong Giáo Phận Dalat. Khẩu hiệu của Ðức Giám Mục đương kim là "Người phải lớn lên" (Illum oportet crescere) thể hiện thao thức và trọn vẹn cuộc đời mục vụ của Người: Rao giảng Chúa Giêsu, làm chứng cho Chúa Giêsu, làm cho nhiều người nhận biết và yêu mến Chúa Giêsu.

Trong chiều hướng này, cũng cần nhắc lại một sự kiện đã xảy ra trong Giáo xứ, là vào đầu tháng 10 năm 1947, có một nữ giáo dân, con cái của giáo xứ, đã nghĩ đến và chọn con đường dâng mình cho Chúa để sống đời tận hiến. Ðó là chị Têrêxa Nguyễn Thị Thọ sau này trở nên Mẹ Maria Thánh Thể trong dòng kín Cát Minh Sàigòn. Có lẽ đây là khởi điểm cho nhiều ơn gọi tu trì phát xuất trong hàng ngũ con cái của Giáo xứ: 11 linh mục, trên 10 tu sĩ nam nữ đã khấn trọn đời và khoảng trên 20 chủng sinh trong chủng viện và các dòng.
Với niềm tin và nghị lực mới trong tâm tình cảm mến tri ân, toàn thể Giáo Xứ Chính Tòa Dalat muốn chiêm ngắm một cách đặc biệt Vị Bổn Mạng của mình là Ðức Trinh Nữ Maria, để cùng với Thánh Nicôla các vị Tông Ðồ tiền bối, mỗi người sẽ học với Ðức Mẹ, bắt chước Ðức Mẹ mà vững bước tiến lên loan báo và làm chứng về Tin Mừng cứu độ cho anh em đồng loại của mình.

Nguon: http://www.simonhoadalat.com/DIAPHAN/GIAOXU/xuchinhtoa.html

toliem1510
05-07-2009, 09:07 AM
Trong số đó mới có thêm Đức Cha Giuse Võ Ðức Minh được bổ nhiệm làm GM phó GP Nha Trang.

hoahongtinhyeukorea
06-07-2009, 11:14 AM
cam on to liem da cho thanh trung biet them ve nha tho chinh toa da lat
Minh cung moi chuyen vao da lat nen biet rat it ve da lat .rat mong co dip dc chia se tam su voi to liem
chuc binh an
thanhtrung_ct2002 la nick yahoo cua minh
nho lien lac cho minh nhe