PDA

View Full Version : Truyên ngắn



Tim
07-07-2009, 02:30 PM
Bàn Tay
Võ Thành An

Hai đứa cùng trọ học xa nhà, thân nhau. Lần vào quán nước, sợ tôi không đủ tiền trả em lòn tay xuống gầm bàn đưa tôi ít tiền. Vô tình đụng tay em... mềm mại.

Ra trường, hai đứa lấy nhau. Sống chung, em hay than phiền về việc xài phí của tôi. Bận nọ tiền lương vơi quá nửa đem về đưa em... chợt nhận ra tay em có nhiều vết chai.

Tự trách, mấy lâu mình quá vô tình.

Câu Hỏi
Nguyễn Hoài Thanh

Ngày đầu tiên cô phụ trách một lớp học tình thương đa phần là những trẻ lang thang không nhà cửa.
Cuối buổi học.
- Cô ơi. Dạy tụi con hát đi cô.
- Hát đi cô.
Còn mười phút. Nhìn những cái miệng tròn vo và những đôi mắt chờ đợi, cô dạy cho tụi trẻ bài "Đi học về".
- Hát theo cô nè... Đi học về là đi học về. Con vào nhà con chào ba mẹ. Ba mẹ khen...
Phía cuối lớp có tiếng xì xào:
- Tao không có ba mẹ thì chào ai?
- ...
Cô chợt rùng mình, nghe mắt cay cay.

Ba Và Mẹ
Lê Mai

Mẹ xuất thân gia đình trí thức nghèo, yêu thích thơ, văn. Ba tuy cũng được học nhưng là con nhưng là con nông “chánh hiệu”.
Mẹ sâu sắc, tinh tế. Ba chất phác, hiền hòa.
Mỗi khi ba mẹ đấu lý, chị em nó thường ủng hộ mẹ, phản đối ba. Mẹ luôn đúng và thắng.
Hôm ba bệnh nặng, cả nhà lo lắng vào ra bệnh viện.
Tối ba nói sảng điều gì đó không ai hiểu. Nhưng lần đầu tiên nó nghe mẹ nói “Đúng! Ông nói đúng…” Quay đi, mẹ sụt sùi. Nó thút thít khóc.

Tim
07-07-2009, 02:33 PM
Tình Đầu
Hứa Vĩnh Lộc

Về quê, lần nào cũng vậy, hễ chạy qua ngã ba An Lạc là tôi cho xe chạy chậm hẳn lại, mắt nhìn vào ngôi nhà khuất sau vườn lá. Một lần, đứa con trai mười tuổi của tôi hỏi:
- Ba tìm gì vậy?
- Tìm tuổi thơ của ba.
- Chưa tới nhà nội mà?
- Ba tìm thời học sinh.
- Nội nói, lớn ba học ở Sài Gòn mà?
- À, ba tìm người... ba thương.
- Ủa, không phải ba thương mẹ sao?
- Ừ, thì cũng ... thương.
- Ba nói nghe lộn xộn quá. Con không biết gì cả.
- Ba cũng không biết.
Chỉ có Hồng Hạ biết. Mà Hạ thì hai mươi năm rồi tôi không gặp.

Bão
Nga Miên

Sống miền duyên hải, công việc của anh gắn liền với tàu, với biển, với những chuyến khơi xa. Anh đi suốt, về nhà chẳng được bao ngày đã tiếp tục ra khơi. Mỗi lần anh đi chị lại lo. Radio, ti vi báo bão. Đêm chị ngủ chẳng yên, sợ bão sẽ cuốn anh ra khỏi đời chị.
Cuộc sống khá hơn, anh không đi biển nữa mà kinh doanh trên bờ. Anh đi sớm về trễ, có đêm vắng nhà, bảo vì công việc làm ăn. Nhưng nghe đâu...
Không phải bão, anh vẫn bị cuốn xa dần. Sóng gió, bão trong lòng chị.

Khóc
Bùi Phương Mai

Vừa sinh ra đã vào trại mồ côi, trừ tiếng khóc chào đời, chồng tôi không hề khóc thêm lần nào nữa.
Năm 20 tuổi, qua nhiều khó khăn anh tìm được mẹ, nhưng vì danh giá gia đình và hạnh phúc hiện tại, một lần nữa bà đành chối bỏ con. Anh ngạo nghễ ra đi, không rơi một giọt lệ.
Hôm nay 40 tuổi, đọc tin mẹ đăng báo tìm con, anh chợt khóc. Hỏi tại sao khóc, anh nói:
- Tội nghiệp mẹ, 40 năm qua chắc mẹ còn khổ tâm hơn anh.

Tim
07-07-2009, 02:38 PM
Chung Riêng - Nga Miên


Chung một con ngõ hẹp, hai nhà chung một vách ngăn. Hai đứa chơi thân từ nhỏ, chung trường chung lớp, ngồi chung bàn, đi về chung lối. Chơi chung trò chơi trẻ nhỏ, cùng khóc cùng cười, chung cả số lần bị đánh đòn do hai đứa mãi chơi. Đi qua tuổi thơ với chung những kỷ niệm rồi cùng lớn lên…

Uống chung một ly rượi mừng, chụp chung tấm ảnh... cuối cùng khi anh là chú rễ còn em chỉ là khách mời. Từ nay, hai đứa sẽ không còn có gì chung nữa, anh giờ là riêng của người ta…





Mẹ tôi -Nguyễn Thánh Ngã

Mẹ sinh tôi giữa ruộng bùn vì lúc có mang tôi cũng là lúc gia đình lâm vào túng quẫn, mẹ đi cấy thuê lặn lội đồng sâu nước độc nên sinh tôi thiếu tháng. Tôi ốm đau èo uột. Mẹ thường cõng tôi qua sông đến nhà thầy thuốc. Tôi khỏe. Nhưng mẹ phải còng lưng ba năm trời để trả nợ.
Lớn lên tôi định bỏ học đi làm sớm. Mẹ quyết nhịn ăn bắt tôi đến trường. Mẹ là tấm gương soi suốt đời tôi.


Tro Ấm - Kim Liêu


Bọn cháu gái chúng tôi chẳng ai học được cách nhóm bếp của bà nội cả. Bà chỉ cần gạt bỏ lớp tro phủ trên mặt bếp lò, bỏ củi vào thổi nhẹ là có một bếp lửa đỏ rực.

Sáng nào cũng vậy, bà nội dậy thật sớm. Bà lặng lẽ nấu nước, lấy bộ đồ ông nội trên mắc áo đi giặt. Xong bà quay vào chuẩn bị bữa cơm, châm sẳn một bình trà nóng, rồi ra cửa gọi lớn:

"Ông ơi vào ăn cơm"

Cả nhà tôi đều im lặng.

Ông nội đã mất 20 năm rồi!

Tim
07-07-2009, 02:42 PM
Con Nuôi
Tác giả: Unknown

Thầy giáo lớp 1 thảo luận với lớp về một bức hình chụp, có một cậu bé màu tóc khác mọi người trong gia đình. Một học sinh cho rằng cậu bé trong hình chính là con nuôi. Một cô bé nói:
- Mình biết tất cả về con nuôi đấy.
Một học sinh khác hỏi:
- Thế con nuôi là gì?
Cô bé trả lời:
- Con nuôi nghĩa là mình lớn lên từ trong tim mẹ mình chứ không phải từ trong bụng.

Ngày Thi Trượt
Đàm Thị Nhung

Giọng bố run run khi báo tin anh trượt đại học. Mẹ thở dài não nuột, em chết lặng trong góc bàn, anh cổ nghẹn đắng giả vờ điềm nhiên đọc báo. Không ai khóc, cũng chẳng ai nói. Im lặng bủa vây tất cả, nhấn chìm mọi suy nghĩ vào hư không.
Em vẫn ngồi, mắt không rời trang sách, đầu óc trống rỗng. Em thấy sợ khi nghe tiếng thở dài của mẹ, sợ cái điềm nhiên của anh, sợ nhìn vào ánh mắt của bố.
Giá như ai đó khóc.

Cảm Ơn
Tác giả: Nhánh Rong

Lần nào cũng vậy, tình cờ xuống lầu bằng thang máy chung với người đàn ông ngồi xe lăn, chị đều thấy ngại ngùng. Người đàn ông đã ngồi xe lăn hơn hai mươi năm rồi, sau một tai nạn xe gắn máy lúc hai mươi tuổi. Chị cảm tưởng nếu ông có lại đôi chân, ông sẽ chẳng bao giờ dùng thang máy cả.
Chị thầm cảm ơn ông. Nhờ ông, chị mới thấy mình may mắn với đôi chân còn đi đứng bình thường.

Buổi Sáng Ra Vườn
Tác giả: Nhánh Rong

Sáng sớm ra vườn, thấy một con ốc hưởng ánh nắng mặt trời ở tuốt ngọn cây hoa hồng đầy gai, chị phục nó quá không nỡ giết. Lại thấy con sâu róm đen thui to bằng ngón tay đang vội vã bò đi, nghĩ đến một ngày đẹp trời nó lột xác thành con bướm tuyệt sắc, chị để nó yên.
Buổi chiều, bà chị dẫn về mấy đứa con nít giỡn như quỷ. Chị định la, bỗng nhớ chúng sẽ trở thành người lớn nay mai. Chị mang bánh mời chúng. Ánh mắt chúng đầy vẻ vui mừng biết ơn.

Tim
07-07-2009, 02:52 PM
Thằng Hận, tác giả: Võ Thanh Sử


Vừa sinh xong, mẹ nó bỏ đi, giao con lại cho chồng. Dù vậy bà vẫn kịp đặt tên hận cho nó. Cái tên như dấu ấn trên trán, cách ly nó với những đứa trẻ khác. Nó lớn lên cô độc, co rúm trước những lời châm chọc, bên cạnh ông bố say xỉn quanh năm suốt tháng.

Hôm nay mua que kem, bà Ba vô tình hỏi:

- Con ho sao lại ăn kem?

Nó nhìn sững bà bán kem. Câu hỏi như mũi tên xuyên qua tim nó...




Kẻ trộm chữ - Lại Thị Thanh

Cháu ơi, đừng đọc sách của cô nữa, để cô bán.
Cậu bé rời hiệu sách đi đến một ngõ nhỏ. Chia cho đứa bạn khiếm thị nửa ổ bánh mì, cậu vừa ăn vừa kể…
- Sao lại chỉ có thế?
- Mới đọc đến đấy lại bị đuổi rồi. Sách cũng đã bị bán!
- Tiếc nhỉ!
- Tiền mẹ cho mua truyện hôm nay vừa ăn hết. Thôi mai đi chỗ khác đọc vậy, mình về đây.
- Đưa hộ số chổi mình vừa làm xong ra chợ cho mẹ và bảo mình ăn rồi nhé.
- Cẩn thận kẻo lại té đấy!
- Ừ ! sẽ rờ cẩn thận khi đi.




Nghề cao quý, tác giả: Thanh Sử


Cô bé học giỏi nhất, ngoan hiền nhất. Chị tận tình chỉ dạy còn cô bé chăm chỉ học, thầy trò vô cùng tâm đắc. Chị hình dung đến một ngày cô bé đứng trên bục giảng. Chị ướm thử:

- Con có thích trở thành cô giáo không?

Cô bé không ngần ngừ một giây, mạnh mẽ lắc đầu. Chị cảm thấy hụt hẫng. Sao cô bé lại dứt khoát đến thế? Nghề giáo vốn là nghề cao quý. Hay là... Nhìn lại cảnh nhà thanh bạch, chị thở dài.

Tim
07-07-2009, 02:57 PM
Nắm tay
Huỳnh Phương Trang

Con gái đi chơi tối về muộn, chị mắng, nó chỉ cúi đầu tỏ vẻ hối lỗi nhưng lại cười tủm tỉm. Chị ngạc nhiên... Tối, nó rúc đầu vào lòng chị, khẽ bảo: "Mẹ ơi, con đã nắm tay một người". Chị gật đầu: "Phải nắm chặt nghe con, nếu bạn trai con là một người tốt".

... Ngày xưa, cũng bằng tuổi con, chị yêu và đã được yêu. Chị cũng đã biết cái cảm giác lần đầu tiên nắm tay người khác phái. Cảm giác run rẩy nhưng hạnh phúc đến rạng ngời mà sau này không bao giờ chị kiếm tìm được.

Anh còn bảo: "Đã nắm tay em rồi, anh sẽ nắm thật chặt. Anh sẽ giữ em cho riêng mình". Lúc đó, chị đã khóc... Bây giờ chị lại nghĩ về anh. Anh nắm tay chị chặt quá, chặt quá... làm chị bức bối. Chị phải tự buông lỏng tay mình, để đến ngày lên xe hoa, nắm tay chị lại là một người khác...

Con gái chị vẫn còn cười rạng rỡ, hai tay cứ đan vào nhau như muốn tìm lại cái cảm giác được nắm tay khi nào. Thương mình rồi thương con, quay sang phía tường trắng, chị khẽ thở dài muốn nói với con: "Nhưng đừng nắm chặt quá. Mẹ sợ...".

Người xưa
Hoàng Lưu

Người xưa! Ai mà chẳng có ít nhất một người xưa. Kẻ quen thói đa tình lại càng dập dìu hình bóng người xưa.

Người xưa thông thường hay xuất hiện trong đời ta cùng với mối tình đầu. Không cứ là nàng tiên hay giai nhân tuyệt sắc, chỉ một đôi mắt, một nụ cười cũng đủ làm lòng ta xốn xang - em đẹp nhất trên đời!

Người xưa, do tính cách của ta hay do cuộc sống đang kéo dài tuổi thọ con người, đôi khi lại đến với ta bằng tình cuối. Nhan sắc thu hút tầm mắt, có gần, có xa. Ngôn từ quyến rũ tai nghe, lúc vui, lúc buồn... Chỉ sự cảm thông, chia sẻ mới thật là bàn tay nắm giữ linh hồn ta - lại đêm, lại ngày nhớ nhớ thương thương.

Người xưa với ai đó có khi lại là người hiện tại.Yêu chỉ một và mãi mãi vẫn là một mà thôi. Đó đích thực là kẻ hạnh phúc hay đó chỉ là kẻ cam chịu trong cuộc đời, nghèo nàn trong tâm tưởng? Nhận định nào đúng, nhận định nào sai? Mà đúng sai rạch ròi làm chi khi câu trả lời thiết thực nhất nằm ở câu trả lời của hai người xưa xin là mãi mãi của nhau.

Người xưa... Người xưa... Lại người xưa! Một chiều có người tự dưng ngồi thả hồn theo những hình bóng cũ. Hạnh phúc lan tỏa như từng cơn sóng dịu êm mà sao tiếc nuối cũng đong đầy cay đắng trong tâm tưởng. Lại phải hỏi, phong phú người xưa là hạnh phúc hay bất hạnh nhỉ?

Tim
07-07-2009, 03:00 PM
Chiều xưa
Trần Ninh Bình


Hôm đó, ngồi cùng nhau bên bờ suối, cầm lấy bàn tay nàng trong tay, anh vẫn không sao thốt ra được lời anh muốn nói. Hai bàn tay đều run nhẹ. Xúc cảm dâng đầy trái tim... Nàng khẻ thở dài khi bóng tối dần dần chiếm ánh hoàng hôn.

Chiều nay, trở về chốn xưa, đến phiên anh thở dài. Chỉ có mỗi mình anh trong bóng chiều bảng lảng. Hôm trước hỏi thăm một người quen, nghe nói nàng đã đi lấy chồng, một người ở rất xa...


Chị em sinh đôi
Phong Nga
Em ngông nghênh như một đứa con trai, cứng đầu bướng bỉnh khó có ai chịu nỗi. Thế mà em lại yếu mềm mỗi khi nghĩ đến anh. Lần đầu gặp, ánh mắt, nụ cười, cả cái dáng cao gầy ấy cũng đã theo em vào giấc mơ.

Nhưng người anh chọn lại là chị, tóc dài như suối và ngoan hiền như một con nai tơ.

Ngày mai cưới chị, em sẽ là phụ dâu. Hai chị em giống nhau như hai giọt nước, món đồ gì cũng đều chia đôi cho cả em và chị, thế sao vị trí hạnh phúc nhất trong ngày trọng đại ấy lại chỉ riêng của mình chị, sao không phải là của em ?




Thì thầm lời mẹ
Nguyễn Thị Minh Tú


Lúc nhỏ chị được mẹ chăm sóc rất chu đáo so với các anh em trong gia đình bởi vì chị có nét giống bà ngoại nhiều nhất. Không hiểu mẹ, chị càng ngày càng ngỗ nghịch và nhõng nhẽo. Mẹ bảo "rồi nó sẽ đổi tình" . Theo năm tháng chị đi lấy chồng, mẹ lại nghẹn ngào tự an ủi "rồi nó sẽ về thăm mình mà" . Và rồi khi mẹ không còn nhìn rõ để trông ngóng chị nữa, mẹ lại bâng quơ thở dài: "Chị tui bây chỉ được cái nét mặt là giống bà ngoại bây thôi..."

Tim
07-07-2009, 03:03 PM
Xa xứ
Bùi Phương Mai


Em tôi học đến kiệt sức để có một suất du học.

Thư đầu viết: "ở đây, đường phó sạch đẹp, văn minh bỏ xa lắc nước mình..."

Cuối năm viết: "mùa đông bên này tĩnh lặng, tinh khiết như tranh, thích lắm..."

Mùa đông sau viết: "em thèm một chút nắng ấm quê nhà, muốn được đi giữa phố xá bụi bặm, ồn ào, nhớ chợ bến xôn xao lầy lội... Biết bao lần trên phố, em đuổi theo một người châu Á, để hỏi coi có phải người Việt không..."




Mẹ tôi
Lăng Dũng


Chiến tranh ác liệt. Bố ra chiến trường. Mẹ dắt con đi sơ tán khắp nơi.

Hòa bình. Bố không trở về. Mẹ khóc hằng đêm. Năm năm sau mẹ quyết định lập bàn thờ với bức di ảnh của bố. Một mình mẹ vất vả nuôi con. Vậy mà căn bệnh ung thư quái ác lại cướp mất mẹ.

Hôm bức ảnh mẹ được đưa lên bàn thờ bên cạnh bố, bất ngờ bố trở về! Tất cả chợt vỡ ào...

Bức ảnh bố được hạ xuống. Trên bàn thờ... mẹ lại một mình




Mồ côi

Nguyễn Văn Hùng


Đêm đông, nằm cạnh bố, cu Hải co ro thì thầm:
- Giá như mẹ đừng “đi xa”, thì giờ này con được nằm giữa ấm biết mấy. Chứ có hai bố con mình, ai cũng lạnh.
Bố cu Hải vỗ về con, rồi nói:
- Con đừng lo, mẹ xa rồi, có dì thay mẹ chăm con.
Cu Hải không hiểu nhưng cũng thấy mừng, vì nhà lại có thêm người đỡ vắng lạnh.
Mùa đông sau, Hải co ro nằm một mình lại nghĩ:
- Giá như đừng có dì nhỉ thì bây giờ mình đỡ lạnh một bên…




Bà tôi
Lê Xuân Hoà

Thủa ấy khổ lắm, hàng năm vào tháng bảy mưa dầm, nhà túng thiếu phải vay hàng xóm từng bơ gạo. Mẹ thường nấu cơm nhão cho Bà dễ ăn. Tôi cằn nhằn mẹ. Bà bảo đi xin miếng vôi trầu. Tôi ấm ứ. Bà lọm khọm chống gậy đi. Khi về trời mưa Bà ốm cả tuần. Mẹ nấu cháo cho Bà, khói se mắt, chặc lưỡi: Bà già rồi mà còn khổ!

Bà mất. Tôi xa nhà, ăn cơm bụi chợt thấy dáng ai còng - miếng cơm bỗng khô khốc, quán không khói mà cay cay .

Tim
07-07-2009, 03:11 PM
Hai lần chờ
tác giả: Võ Thành An

Mẹ trách: "Con trai lớn chẳng chịu lấy vợ, đến bao giờ mẹ mới có dâu?"
Hai đứa học chung ngành sư phạm, tôi ra trường trước. Tiễn tôi về quê công tác, em khóc bảo tôi hứa phải chờ nhau.
Ngày em ra trường niềm vui không kể xiết. Lần gặp ấy em nói: "Chi mà vội"
Hai năm sau em báo lấy chồng, khuyên tôi đừng buồn
… Mẹ đâu biết đã 2 lần tôi tin một người con gái.


Hoa mùa đông
tác giả: Vân Hạ


Một ngày cuối đông, trời có nắng, hoa cải nở vàng tươi một góc vườn. Những cánh vàng sáng lên trong ánh nắng. Huy hoàng quá! Cứ như mùa xuân sắp về rồi vậy. Trong khi đám húng dũi vẫn tàn lụi, giàn cà chua rã rục vì sương muối, cây xoan trơ khấc những thân cành khẳng khiu không còn chiếc lá nào làm ví dụ. Đích thị là mùa đông. Vậy mà góc vườn này lại bừng lên một vạt hoa vàng như nắng, rung rinh rung rinh.
Người ta đến bên tôi và nói:
- Có thích không, để người ta bẻ cho một cành?
- Không, để lấy hột làm giống chứ.
- Ăn thua gì.
Rồi người ta bẻ một cành đưa cho tôi. Đó là lần đầu tiên tôi được tặng hoa. Một nhành hoa cải.
Đã bao nhiêu mùa đông qua rồi. Bất chợt một mùa hè phương Nam tôi gặp những chấm vàng hoa ô môi. Hẳn nhiên là hoa ô môi quý phái hơn, nhưng tôi đã yêu hoa ô môi vì ký ức một nhành hoa cải. Người ta là hoa cải của tôi.


Hạt cát
tác giả: Trần Thanh Hải

Hạt cát được gió nâng lên và đưa đi khắp nơi. Từ trên cao, nó ngạo nghễ nhìn vạn vật. Tia nắng xuyên qua nó và phản chiếu rạng rỡ. " Nhờ mình nắng mới lung linh thế ", cát nghĩ.

Đâm về, gió ngủ, hạt cát rơi xuống một công trường. Ê ầm, xây xát khi bị nhồi trộn cùng vôi, vữa, sỏi, đá... , nó thiếp đi.

Sáng ra, nó thấy mình đang kết chặt với muôn triệu bạn bè - những hạt cát khác - trên một thân cầu. Chợt hiểu rõ mình, hạt cát vươn vai, mỉm cười đón nắng, gió vừa lên.


Một mình
tác giả: Nguyễn Thái Sơn


Em lớn dần, cái tuổi rất dễ tự ti và mủi lòng. Nhà vẫn nghèo; ba mất sớm, mẹ làm lụng một mình. Mẹ chỉ có hai tài sản quý giá nhất, đó là em và chiếc xe đạp.

Hôm thi cấp tỉnh, mẹ dậy sớm, gò lưng trên chiếc xe đạp cũ kỷ ấy đưa em đến nơi thi. Quanh quẩn, toàn xe máy ! Dường như tất cả nán lại cổ vũ tinh thần cho con em mình. Em ngẩng nhìn mẹ, giọng mẹ đượm buồn những đĩnh đạc: “Thôi, về đi mẹ!”.

Chuông điểm hết giờ ! Ngoài cổng nhốn nháo hẳn lên. Lời han hỏi roan ràng, tiếng máy xe dòn nổ. Nắng rát, em về lầm lũi, chỉ cái bóng là “người bạn đường” đi kè bên chân. Nhìn những chiếc xe chở bạn bè cùng trang lứa lướt qua, em thấy sự cô độc nhân đôi; nhưng lạ thay, em bỗng càng thương mẹ hơn vì giờ này mẹ cũng đang hẩm hiu ngoài đồng xa! Em ra đồng, chờ mẹ cùng về. Em nghe mắt cay cay : mẹ đang cấy mạ … một mình !

Tim
07-07-2009, 03:13 PM
Lý Do
tác giả: Giọt Đắng


Nó thấy trong ví anh có tấm ảnh mờ nhạt của một phụ nữ, tuổi khoảng chừng 25. Nó cầm lấy và nhận xét:

- Bạn anh đấy à! Xấu quá...

Anh không nói gì, nhét vội tấm ảnh vào ví và ra về với dáng điệu buồn bã.

Mười ngày, hai mươi ngày và cả tháng, anh vẫn không đến nhà nó, nó chẳng hiểu lý do gì? Giận anh nhưng nhớ anh. Nó quyết định tìm đến nhà anh.

Vừa vào đến cửa nhà, nó chợt giật mình vì tấm ảnh thân thuộc kia nằm ngay trên bàn thờ với khói hương nghi ngút. Nó như hiểu ra vì sao anh không bao giờ nhắc đến Mẹ trước mặt nó. Nó ôm lấy mặt mà khóc vì ân hận.



Mùi của má
tác giả: Ngô Văn Vĩnh


Chị Năm gánh hàng bán bên kia sông Hậu. Chiều, trời bão, chị ngủ lại nhà người quen. Chạng vạng, ở nhà ai cũng lo lắng.

Tối. Sau khi ăn bữa cơm chiều muộn, anh Năm ru bé Tuấn trên võng, ba chị em Hồng Diệu nằm nhớ má trên gường. Bỗng Hồng Tươi kéo chiếc áo cũ sờn của má đưa lên mũi hít một hơi dài. Hồng Thắm, Hồng Diệu cũng giựt chiếc áo : "Em hửi miếng...", "Tao hửi với..." . Chúng nó hít thật sâu mùi thân quen của má. Anh Năm ru con không thành lời.



Nón lá
tác giả: Nguyễn An Tường


Khói lửa ngập tràn Bình Định. Mẹ bồng bế anh em mình vào Nam, mang theo khung nón lá. Làm nón, mẹ nuôi mình lớn lên, chắt chiu, trút ống mỗi mùa khai trường.

Anh bảo: " Ráng học! Tương lai mình phải thoát khỏi vòm trời nón lá! "

Mình vào đại học. Mẹ làm tăng giờ. Mỗi ngày tấp nập tiền vay, tiền hụi.

Tốt nghiệp, chờ việc làm, mình tránh nắng mưa trong vòm trời nón lá. Mẹ lưng còng bên khung nón. Đôi mắt cả đời chẳng nhìn lên, bây giờ lấp lánh một vì sao!



Vợ chồng
Tuỳ Nghi


Mỗi lần du lịch, anh vẫn bật cười vì tính nhát gan của chị. Xe qua đèo: sợ. Lên núi cao: sợ. Biển sóng lớn: sợ. Những lúc ấy, anh lại ôm lấy chị, vỗ về:
- Đừng sợ, có anh đây. Em hãy can đảm lên nào !
Công ty phá sản. Từ cương vị gián đốc, anh quay về với hai bàn tay trắng. Anh hốc hác, suy sụp. Chị dịu dàng ôm anh vào lòng, xoa xoa mái tóc:
- Đừng tuyệt vọng, anh còn có em mà. Hãy can đảm nhé anh !

Tim
08-07-2009, 03:33 AM
Lẽ nào
Hương Nguyên

Tôi là con bé dưới quê lên tỉnh bước chân vào giảng đường đại học, nên vô cùng lo lắng trước cuộc sống nhộn nhịp của đô thị. Tôi có quá ít bạn, nhà nghèo nên chẳng ai thèm chơi với tôi. Có đứa bảo: Dân quê mùa chúng bây quan tâm làm gì. Những lúc ấy tôi thấy tủi thân và giấu vội giọt nước mắt nóng hổi.

Mùa thi, tôi cắm đầu vào bài vở, đối với tôi thì học phần chỉ là giai đoạn thử sức, tôi yên tâm làm bài với hết khả năng. Còn “tụi nó” vẫn đua đòi, lêu lổng – tới giờ thì chúng nó “vồ cập” lấy bài, tôi tức quá không thể chịu nổi, nhưng vì một thân một mình đành “ngậm đắng nuốt cay”….

Năm hai lớp tôi có một thành viên mới, nhỏ Lan từ Thanh Hóa chuyển vào. Lúc nào chúng nó cũng kéo nhỏ Lan vào quán và “móc” tiền của nhỏ bằng nhiều cách: nào là khao bạn mới, nào là để kết chặt tình thân. Nhiều lúc Lan òa khóc bởi những cuộc chơi đó. Nhỏ nói trong tiếng nấc nghẹn ngào:

_ Tao không làm thế thì suốt đời giống mày thôi.

Nghe nhỏ nói tôi cảm thấy sóng mũi mình cay cay. Tôi chua chát nghĩ tới mình….

Chẳng lẽ tình bạn thời nay chỉ xây dựng được trên những đống tiền vô tri sao. Lẽ nào lại thế!


Lẽ sống
Nguyến Thái Sơn

Dịp vào Sài Gòn, có lần anh đi vào con đường Nguyễn Phi Khanh. Ngang qua chỗ bà lão bán quần áo được một quảng, anh quay lại. Bà lão già yếu giống mẹ.

Anh ngồi xuống. "Sao cụ không bán đồ mới hơn một chút?". "Tôi không có vốn, cậu ạ. Vả lại, đồ này người nghèo dễ mua". Tôi mua một bộ đồ trẻ nhỏ. "Cậu mua cho con cậu hả?" - "Dạ, cho đứa cháu, cháu chưa có vợ. Vả lại, cháu là người nghèo mà". Bà lão nhận tiền mà mắt rưng rưng.

Lễ tốt nghiệp
Nguyễn Thị Cẩm Nhung

- "Má! Má lên đây làm gì?". Cô sinh viên sắp nhận bằng cử nhân giãy nảy lên hỏi người mẹ quê mùa còm cõi.

- "Má nghĩ bán một bữa lên coi con lãnh bằng tốt nghiệp".

- "Không được đâu! Bữa nay bạn con đông lắm, mà má lại ăn mặc thế này...".

- "Thì má có còn bộ nào khác đâu. Thôi cho má vào. Má...".

- "Thôi, thôi, má về đi. Con thì thế này, má thì thế kia… Tụi bạn con nó cười…!".

Nói rồi, cô sinh viên xinh đẹp chạy ào vào trong hội trường… Vừa lúc người xướng tên giới thiệu: "Sinh viên Phạm Thị P.X. là một trong những sinh viên xuất sắc của trường".

Tim
08-07-2009, 03:34 AM
Loài chim không bay
Tuyền Mình

Nhà Minh chuyển đến nơi ở mới. Mừng tân gia, chú Út tặng cho Minh con chim khướu. Ngoài giờ học, Minh líu ríu với chim nơi hàng hiên. Chừng tuần sau, Minh phát hiện cô bé nhà bên thường chăm chú nhìn Minh chăm sóc chim với đôi mắt một mí thật dễ thương nhưng buồn lạ.
Vốn tính xởi lởi, nó xách ù lồng chim lại tường rào giơ lên làm quen: "Bạn thích nuôi chim không? Bạn tên gì?"

Cô bạn mới chầm chậm lăn chiếc xe lăn tại gần song sắt tường: "Em tên là Hoàng Yến!"


Lời cuối
Phạm Vĩnh Đông

Chuông điện thoại reo vang, giật mình, như cái máy, tay bật đèn đầu giường, mắt nhìn đồng hồ: 12 giờ 20 đêm. Chờ đến tiếng thứ ba mới nhấc điện thoại. Giọng thằng em từ quê nhà lạc lỏng, buông xuôi :

- Má xấu quá rồi, không còn biết gì nữa! Anh nói với Má vài tiếng đi!!

Tôi tuyệt vọng :

- Má đâu còn nghe được !?

Thằng em nài nỉ :

- Anh nói với Má vài tiếng đi, Má còn chờ anh đó !!

Tôi nghẹn ngào trong điện thoại như một lời tạ tội :

- Má ơi, con không về kịp, thôi Má hãy đi đi, đừng chờ con nữa.

Mười lăm phút sau, chuông điện thoại lại reo vang, giọng thằng em não ruột: " Má đã ra đi !"

Lòng tin
Thanh Vân

Xe ngừng…

- Mận ngọt đây!...
- Bao nhiêu tiền bịch mận đó?
- Dạ 2000.
- Hổng có tiền lẻ!
- Để con đổi cho!

Cái bóng nhỏ lao đi. Năm phút, mười phút…

- Trời! đồ ranh! Nó cầm 5000 của tui đi luôn rồi!
- Ai mà tin cái lũ đó chứ!
- Bà tin người quá!...

Xe sắp lăn bánh… Cái bóng nhỏ hớt hải:

- Dì ơi! Con gửi ba ngàn. Đợi hoài người ta mới đổi cho!