PDA

View Full Version : Sách nhân bản dành cho trẻ em và người trưởng thành



Rosa_Huong
08-07-2009, 11:23 AM
NHÂN BẢN




DÀNH CHO TRẺ EM



DẪN ĐẾN TUỔI TRƯỞNG THÀNH



Những chữ viết tắt trong tập này:
Mt Phúc Âm thánh Mátthêu.
Lc Phúc Âm thánh Luca.
Ga Phúc Âm thánh Gioan.
Cv Sách Công Vụ Tông Đồ.
Rm Thư Roma.
1Cr Thư thứ I Côrintô.
2Cr Thư thứ II Côrintô.
Pl Thư Philip.
1Tx Thư thứ I Tétxalônica.
2Tx Thư thứ II Tétxalônica.
Cl Thư Côlôxê.
1Tm Thư thứ I Timôthê.
Ep Thư Êphêxô.
St Sách Sáng thế.
Hc Sách Huấn ca.
Tv Sách Thánh vịnh.
Tb Sách Tôbia.
GLHT Sách Giáo Lý Hội Thánh.





LỜI NGỎ

Chúa không cho loài vật làm thánh mà Ngài chỉ muốn “NGƯỜI” nên thánh. Nói cách khác, muốn làm thánh, trước hết phải làm người có nhân cách.
Tập “Nhân Bản Cho Trẻ Em Dẫn Đến Trưởng Thành” này chỉ mong gợi ý giúp người có trách nhiệm giáo dục trẻ thêm chu đáo hơn, dẫn đến người trưởng thành.
Cụ thể trong mỗi giờ cầu nguyện, hoặc trước bữa cơm chung của gia đình, người lớn nên lấy một điều nhắc cho trẻ, trong một năm những điều trong tập này được nhắc đến 3 lần, hy vọng nhờ đó sẽ tạo nên một cộng đoàn sống đầm ấm, hạnh phúc, vui tươi hơn!

LM. GIUSE ĐINH QUANG THỊNH



Ai muốn có thêm cuốn nhân bản này,



Xin liên hệ điện thoại số (08) 7193515





(BÀI 1)



VỀ VIỆC ĂN UỐNG


“Dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tát cà để tôn vinh Thiên Chúa…” (1Cr 10,31)


Khi chuẩn bị bàn ăn, trong mỗi đĩa (tô) đựng thức ăn, có để sẵn 1 dụng cụ (muỗng, đũa, muôi, dao…) để mỗi người tự lấy món ăn cho mình. Tránh sử dụng đũa, muỗng đang ăn tiếp xúc với các món ăn để dùng chung.
Không gắp thức ăn cho người khác, vì có khi họ không thích món đó, mà cứ ép, thì quả là bất lịch sự! Tốt nhất là khi ta muốn mời ai dùng món gì, thì đưa tay chỉ về món đó; hoặc nâng đĩa thức ăn ấy mà đưa về phía người muốn mời.
Muốn nhờ ai lấy cơm (thức ăn) vào chén giúp mình, thì đừng nên đưa chén vào lúc họ đang ăn, hoặc họ đang lấy thức ăn. Nhớ mình phải bỏ đũa xuống, và hai tay cầm chén đưa cho người lấy giúp, lúc nhận lại cũng phải đón bằng hai tay.
Người lấy cơm (món ăn), không lấy đầy chén, vì người dùng có khi họ còn chan canh (súp) vào cơm, hoặc họ đã ăn gần đủ no!
(Hãy noi gương Mẹ Maria, đoán ý người khác phục vụ (x Lc 1,39; Lc 7,11-17; Ga 21,5t)

Nếu đến giờ cơm, mà chủ nhà tha thiết mời ta dùng bữa – khi ta không được mời trước – thì chỉ nên ăn một chén cho vui lòng chủ.
Không được rời khỏi bàn ăn, khi mọi người còn đang dùng bữa. Trừ phi có việc cần, thì nên nêu lý do.
Phải dùng bữa chung trong gia đình, ít là một lần trong ngày.
“Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau” (Tv 133/132,1)

Không cáo tội nhau với người trên trong bữa ăn.
Không chê món ăn thức uống trong bữa ăn.
Khi lấy món ăn đầu tiên trong đĩa (tô), thì đừng chọn miếng ngon nhất cho mình.
Không khích nhau uống rượu (bia), làm hại nhân cáchngười uống, làm hại kinh tế chủ tiệc. Cũng không động viên nhau hô to: “Một, hai, ba… dô” , rất thiếu văn hóa.
Đến bữa ăn, người lớn nhất chưa ăn, người nhỏ không được tự ý ăn trước, trừ khi đã có phép.
Để thức ăn lại cho người sau, phải luôn luôn lấy ra đĩa riêng cất đi, không bao giờ để lại món ăn trên đĩa (tô) đã dùng rồi.
Nếu đến giờ dùng bữa, mà ta còn đang làm dở việc gì, thì cũng phải bỏ đó mà vào bàn, trừ khi có vệc cần gấp, thì ta nên nói lý do.
Khi xỉa răng, nên dùng ngón tay cái và ngón tay trỏ cầm tăm, ba ngón còn lại để che miệng. Không nên móc thức ăn nơi kẽ răng rồi đưa lên mũi ngửi. Không nhả thức ăn còn lại trong miệng xuống đất mà nên kín đáo để vào khăn ăn (nếu có), hoặc bỏ vào chén của mình.



(BÀI 2)



CÓ KHÁCH ĐẾN NHÀ


Lòng bác ái không được giả hình giả bộ. Anh em hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết với điều lành; thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình. Hãy chia sẻ với những người trong dân thánh đang lâm cảnh thiếu thốn, và ân cần tiếp đãi khách đến nhà. (Rm 12,9.13)

1. Đứng lên chào khách, khi khách đến nhà.
2. Giữ chó, dù con vật hiền lành cũng không nên để nó đến gần khách. Cụ thể không để chó ngửi chân khách, làm khách sợ.
3. Nên mặc y phục lịch sự để đón tiếp khách, nếu khách đến bất ngờ mà ta ăn mặc xoàng xĩnh thì phải xin lỗi khách.
4. Không đứng (ngồi) nghe nghe khách nói chuyện với ai trong nhà.
5. Chủ nhà kéo ghế ra mời khách ngồi.
6. Khi ngồi ghế, tránh ngửa ghế ra phía sau hay đu đưa ghế, chủ nhà rất xót xa vì sợ ghế gãy.
7. Khách ra về, thì tự đưa ghế xếp lại chỗ cũ.
8. Chỉ cho khách nơi rửa mặt, nhà vệ sinh, lấy dép, khăn mặt sạch, xà bông cho khách nếu khách ở chơi lâu.
9. Ai rót nước mời khách? Nếu nhà không có ai khác ngoài ta với khách, thì ta tự làm việc đó. Khi có người khác trong nhà, thì ta có thể nhờ người đó (cấp dưới của ta) làm giúp việc này. Nhớ chủ nhà nên nâng ly uống trước đồng thời mời khách dùng.




(BÀI 3)



KHI ĐẾN NHÀ AI


Tôi là hương thơm của Đức Kitô dâng kính Thiên Chúa, tỏa ra giữa những người được cứu độ cũng như những kẻ bị hư mất! (2Cr 2,15)

1. Ấn chuông hay gõ nhẹ cửa, đợi chủ nhà mời mới bước vào, dù cửa nhà không đóng.
2. Không tự xông xáo mọi nơi trong nhà, khi chủ chưa mời đến.
3. Không tự hái hoa, quả hay xin cái này, muốn món đồ kia.
4. Nếu đến nghỉ nhà người ta lâu, trước khi về phải dọn dẹp phòng cho ngăn nắp, sạch sẽ.
5. Đến nhà ai nói chuyện, thấy nngười ta nhìn đồng hồ hoặc có biểu hiện muốn chấm dứt câu chuyện, là ta biết họ đang có việc cần, không muốn tiếp ta nữa.




(BÀI 4)



SỐNG TRONG CỘNG ĐOÀN


Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác. Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu. (Pl2,4-5)


Trọng của công hơn của riêng, việc chung hơn việc cá nhân.
Quyền lợi người yếu hơn người mạnh, trẻ em hơn người lớn, phụ nữ hơn đàn ông.
Muốn dạy ai điều gì, ta phải làm trước, nếu không làm được ít là ta sám hối xin lỗi, rồi mới dạy người khác sau. Đức Giêsu làm rồi Ngài mới dạy! (Cv 1,1)
Khuyến khích người khác khi thấy họ làm điều tốt. Nếu họ thích làm thay mình, vui vẻ nhường ngay. Thánh Phaolô dạy: “Ai làm điều tốt cũng được, miễn Đức Kitô được rao giảng là tôi vui mừng!” (Pl 1,15-18)
Muốn sửa dạy ai điều gì, thì tìm điều tốt nơi họ khen trước đã.
Cười nói sao vừa phải, tạo bầu khí vui tươi, không nên nói năng bừa bãi, gây ồn ào và sinh lố lăng.
Đừng dùng sức mạnh của mình để giương oai với người khác, nhất là tránh thô bạo.
Muốn bớt nóng với tha nhân, hãy nhớ đến khuyết điểm nào của mình mà chưa hoàn thiện được. Thánh Phaolô khiêm tốn thú nhận sự yếu đuối của mình như sau: “Sự lành tôi muốn – tôi không làm, còn sự dữ tôi không muốn – tôi lại cứ làm!” (Rm 7,19)
Đôi cánh nhân bản: cần cù làm việc trong vui vẻ; khó với mình nhưng quảng đại với tha nhân. Thánh Phaolô dạy: “Đừng ăn bám vào ai, trái lại đêm ngày làm lụng vất vả để khỏi trở nên gánh nặng cho ai! Anh em hãy bắt chước chúng tôi” (2Tx 3,8-9) “Cha ta hằng làm việc, Ta cũng thế!” (Ga 5,17).
Muốn góp ý ai, ta phải làm 3 điều này:
– Xin lỗi bạn trước, nếu tôi nói sai, xin bạn bỏ qua.
– Đề nghị cách giải quyết vấn đề mà mình cho là tốt.
– Tôi chưa hài lòng về việc bạn làm, tôi nghĩ là bạn dư khả năng làm lại cho nhiều người thích hơn.

Người trên và người dưới sống với nhau, đôi bên đều phải nghĩ: người dưới cần bề trên thế nào, thì bề trên cũng cần người dưới như vậy. Do đó sống chung với nhau làm sao cho người kia phải cần mình. Thánh Phaolô dạy: “Không có chia rẽ trong thân thể, trái lại các bộ phận đều lo lắng cho nhau. Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận đều đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung.” (1Cr 12,25-26).
Luôn nở nụ cười trên môi khi gặp người khác, đừng giữ bộ mặt đưa đám. Platông nói: “Người là con vật biết cười: Nụ cười trong Kinh Thánh là dấu chỉ có Chúa ở cùng. (x Lc 1,28)
Bình thường, không được bóc thư của người khác xem trước.



(BÀI 5)



Ở NƠI CÔNG CỘNG

Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên Trời. (Mt 5,16)


Vào nhà thờ phải đi khoan thai, khi đi qua Thánh Thể Chúa phải quỳ lạy; còn đối với ảnh tượng thì cúi đầu để tỏ lòng tôn kính.
Trước khi ra khỏi nhà thờ, xếp lại sách cho ngăn nắp gọn gàng.
Không rồ máy xe lớn tiếng, không chạy quá tốc độ. Khi vào nơi tôn nghiêm hay công sở, tắt máy xe dẫn bộ.
Đi đường để ý nhìn người chung quanh, biết quen thì chào hỏi người ta trước; không cắm đầu cắm cổ đi, thậm chí có người chào ta mà ta không biết đáp lại bằng một nụ cười biết ơn.
Không vẽ, không khắc dấu lên tường, cây cối ở nơi công cộng.
Không khạc nhở bừa bãi, nhất là đang khi chạy xe.
Phải giữ vệ sinh chung trong khu xóm, nơi công cộng. Thấy rác thì nên nhặt bỏ vào thùng rác.
Không ngoáy mũi, ngáp, thở dài khi đang nói chuyện. Nều cần ngáp hay hắt xì thì lấy tay hoặc khăn che miệng lại.
Không ở trần hay mặc đồ ngủ ra đường. Đến nhà thờ phải mặc y phục đoan trang, nết na, lịch sự. Tránh mặc vải mỏng, hở hang.
Khi thấy tai nạn, hay ẩu đả nhau, biết không thể giúp họ được gì thì đừng bu lại xem.
Không hút thuốc nơi có đông người.



(BÀI 6)



SỐNG VỚI KHU XÓM


Mỗi người chúng ta hãy chiều theo sở thích kẻ khác, vì lợi ích của họ, và để xây dựng. Thật vậy, Đức Kitô đã không chiều theo sở thích của mình; trái lại, như có lời chép: “Lời kẻ thóa mạ Ngài, này chính con hứng chịu.” (Mr 15,2-3)


Không để súc vật nhà mình được phóng uế khắp nơi, hay phá hoại cây cối trong khu xóm.
Không mở nhạc, tivi lớn tiếng như bắt người khác phải nghe.
Không vất rác, đổ nước dơ ra đường hay nhà bên cạnh.
Thấy người hàng xóm có việc bất thường, bận rộn, vất vả, ta nên kiếm giờ tới giúp họ một tay; thấy họ thiếu dụng cụ làm, nên đem đến cho họ mượn (nếu nhà ta có).



(BÀI 7)



TẶNG QUÀ


Cho thì có phúc hơn là nhận (Cv 20,35).


Ghi vào lịch để nhớ những kỉ niệm của người thân, như sinh nhật, rửa tội, hôn phối, bổn mạng, ngày giỗ… để đến ngày đó ta nên có lời chúc mừng, xin lễ cầu nguyện và kèm theo món quà tặng (tùy ý).
Khi nhận quà ai, dù ta là người trên cũng nên đưa hai tay đón lấy và nói: “ Cám ơnChúa, cám ơn cháu (ông, bà…).
Khi biếu người trên, quà phải gói cho đẹp, ăn mặc lịch sự, đưa hai tay với lời chúc mừng.
Người nhận quà không được từ chối, nhất là người dưới không được khước từ quà của người trên cho. Dù vật đó mình không thích, hay đã có dư. Khi nhận phải nói: “Cám ơn Chúa, cám ơn bác (anh, chị…)”. Ông Phêrô không dám để Chúa rửa chân cho mình. Chúa nói ngay: “Như thế là tình nghĩa thầy trò cắt đứt!” (Ga 13,8)
Người cho không đòi người nhận phải dùng. Nếu người nhận đem chia sẻ cho người khác, thì ta vẫn vui vẻ, vì ta không muốn người nhận sống ích kỷ. Thánh Phaolô nói: “Gieo sẻn thì gặt sẻn, gieo hậu thì gặt hậu…” (2Cr 9,6-8)
Hăm hở trả ơn cũng là cách bội bạc! Vì làm như thế là phủ nhận lòng quý mến của người cho, và đánh giá người tặng quà là trao đổi vật chất.



(BÀI 8)



MƯỢN ĐỒ


Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn! (Lc 16,10)


Khi mượn cái gì của ai, nên trả đúng thời hạn đã nói trước. Có thể nên viết vào tờ giấy tên người mượn, ngày trả và gởi lại cho chủ.
Tuyệt đối không mượn khăn mặt, bàn chải đánh răng dùng chung.
Rất giới hạn mượn xe người khác. Cực chẳng đã phải mượn thì khi đi về nhớ đổ xăng và lau chùi sạch sẽ.
Không bao giờ đoán ý người chủ của sẵn sàng cho mình mượn đồ, rồi tự ý lấy mà không hỏi chủ của trước.
Mượn đồ của ai, nếu khi trả không còn nguyên vẹn như lúc mượn, thì phải nói với chủ và xin bồi thường.



(BÀI 9)



GIAO TẾ LỊCH SỰ


Lời nói của anh em phải luôn luôn mặn mà dễ thương, để anh em biết đối đáp sao cho phải với mỗi người. (Cl 4,6)


Hai người đang nói chuyện với nhau, mà ta muốn gặp một trong hai người đó, ta phải xin phép người kia.
Người trên phải ân cần lắng nghe khi người dưới muốn nói chuyện với mình, đừng tỏ ra hống hách, bất cần.
Nên gọi chính tên của mỗi người, chớ tự đặt biệt danh để gọi họ. Ví dụ: H. què, T. khùng…
Khi muốn thưa chuyện với cấp trên thì ta nên gọi chức vụ của họ. Ví: Thưa ông chủ tịch, thưa bác sĩ…
Nói với người trên bao giờ cũng tỏ ra tôn kính như: Dạ, vâng, thưa không, thưa biết; chứ đừng nói trống không: Hả, ừ, biết, không… hoặc chỉ lắc đầu, gật đầu.
Khi ngồi trên xe, ta thấy có người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, người tàn tật, ta nên nhường chỗ ngay.
Khi thấy có người già, trẻ em cần qua đường, ta sẵn sàng giúp họ.
Phải ngã mũ (nón) khi chào hỏi ai, hoặc gặp quan tài đi ngang qua.
Không nên đùa giỡn, chọc ghẹo người khác mang tính chất hạ phẩm giá của họ. Ví dụ: “Chị quá khổ người thế này, sống chi cho chật đất, chật thiên đàng.”
Không ưa ai, ta cũng không được gọi là thằng, nó, con mẹ đó… trái lại, luôn lịch sự dựa trên địa vị, tuổi tác người đó mà nói. Cụ thể: Ông cụ X, bà V… cũng không đối thoại với ai bằng cách xưng hô mày tao, mà nên thân mật gọi nhau bằng anh, chị, em hoặc gọi tên nhau.
Muốn bắt tay ai, người dưới phải đợi người trên đưa tay trước.
Khi nói chuyện với ai, phải nhìn vào mặt đối tượng đang nói.



(BÀI 10)



TANG CHẾ


Vui với người vui, khóc với người khóc! (Rm 12,15)


Khi đến thăm người quá cố, ta không nên đùa giỡn, nói lớn tiếng.
Không lấy lý do canh xác người quá cố để chơi cờ bạc.
Khi quan tài còn ở nhà, không kèn trống, hát xướng mãi tới khuya làm hàng xóm mất ngủ.
Không nên gào khóc lớn tiếng, kể lể dài dòng.
Không nên đề bảng “miễn phúng điếu”, vì đức ái là phải biết nhận và biết cho. (xGa 13,6t)
Khi đến phúng điếu, nếu ai cũng đưa bông, diễn tả cuộc đời thì quá phí phạm, lại gây phiền cho tang gia kiếm người bê hoa. Vậy ta nên đưa quà hay tiền, để tặng người qua đời, làm thế tạo điều kiện cho nhà hiếu có điều kiện chia sẻ, hợp với Mt 25,31-46: “Ai chết gặp Chúa, Chúa chỉ hỏi người ta về việc chia sẻ.”
*(Còn tiếp)

Rosa_Huong
08-07-2009, 11:29 AM
(BÀI 11)


ĐIỆN THOẠI


Ăn nói dịu dàng thì tăng thêm bạn hữu, phát biểu dễ thương thì tăng thêm lời thân ái! (Hc 6,5)


Khi điện thoại reo, ta nhấc máy lên và nói: “Alô, tôi là … xin nghe.”
Nếu ta gọi đi, ta hỏi: “Xin lỗi, đây có phải là nhà ông, bà… không ạ? Xin cho tôi được gặp ông, bà… , tôi là … ở … “
Trong trường hợp nghe đầu dây bên kia bảo ta lầm số, thì ta xin lỗi và đọc lại số ĐT ta đã gọi đi, để người nghe biết là ta gọi đúng hay lầm. Đợi trả lời rồi nói: “Xin cám ơn”
Khi nhấc ĐT lên nghe, ta biết rõ người muốn nói chuyện với mình, thì chào người đó ngay.
Nếu người gọi đến không gặp đối tượng họ cần, thì ta xin họ để lại lời nhắn, hay số ĐT.
Cuối câu chuyện nên kết thúc bằng câu: “Xin chào”
Nếu ta nghe ĐT mà bị mất điện đột xuất, thì ta nên gọi lại cho họ ngay khi có điện, xin lỗi họ và nói rõ lý do.




(BÀI 12)


KHI NGƯỜI KHÁC GIÚP


Tôbia dạy con: Này con, con hãy lo trả công cho người bạn đồng hành của con, và trả thêm cho người ấy. (Tb 12,1)


Khi ta nhờ ai làm việc gì, ta nên tạo điều kiện cho họ làm việc tốt. Cụ thể:
- Bênh vực họ khi kẻ khác tấn công.
- Đưa tiền trước cho họ, để họ có phương tiện làm việc.
- Cần bồi dưỡng với lòng biết ơn người đã giúp mình.

- Thỉnh thoảng nên ân cần hỏi thăm xem có gặp khó khăn gì khi làm công tác ta giao.

Khi là người được giao đi mua sắm, ta nên viết giấy liệt kê các món đồ đã mua, cùng giá tiền cho chủ.




(BÀI 13)


TRÁNH THÓI XẤU QUÁ PHỔ THÔNG


Tất nhiên phải có những cớ gây sa ngã, nhưng khốn cho kẻ làm cớ cho người ta sa ngã. Anh em đừng làm gương xấu cho bất cứ ai, dù là cho người Do thái hay người ngoại, hoặc cho Hội Thánh của Thiên Chúa.
(Mt 18,7 ; 1Cr 10,32)


Nếu có thể, ta nên ăn uống ở nhà, vẫn vệ sinh và đỡ tốn kém hơn. Khi phải ra quán ăn, phải hết sức nhanh gọn. Tuyệt đối tránh ngồi quán quá lâu, vì:
- Phiền cho chủ quán.
- Mất thời giờ, gây gương xấu cho người khác.

- Nói nhiều, người xung quanh nghe đánh giá thấp phẩm giá của ta.

Không hút thốc, vì:
- Tốn tiền vô ích.
- Hại sức khỏe.
- Phiền người chung quanh.
- Làm gương xấu cho nhiều người.

- Phải hãnh diện vì mình không biết hút thuốc, chớ đừng mặc cảm vì không biết giao tế. Thánh Phaolô dạy: “Tôi được phép làm mọi sự, nhưng không phải mọi sự đều có ích; tôi được phép làm mọi sự, nhưng không pahỉ mọi sự đều xạy dựng. Đừng để sự gì vô ích lạm phép trên thân thể tôi.” (1Cr 6,12)

Không uống rượu quá chén đến say sỉn, vì:
- Hại sức khỏe, sinh bệnh tật.
- Làm mất nhân phẩm, mất uy tín.
- Tốn tiền vô ích.
- Gây phiền đau cho nhiều người, nhất là những người trong gia đình.
Thánh Phaolô dạy: “Đừng say sưa rượu chè, chỉ tổ hư thân, nhưng hãy làm sao cho no đầy Thần khí.” (Ep 5,18)
4. Không cờ bạc dưới bất cứ hình thức nào, dù không ăn tiền, kể cả cá độ, số đề, vì:
- Mất thời giờ, không tôn vinh Chúa.
- Gây gương xấu.
- Làm cho nhiều người khổ.
- Hạ phẩm giá, có khi mất hết tài sản, mất cả uy tín.
Tệ nhất là cờ bạc đi nghịch lại với đức ái Kitô giáo. Đức ái là việc làm lợi cho người khác. Trái lại, cờ bạc tập quen tính vơ của người. Hãy nhớ lời Chúa Giêsu dạy: “Cho thì có phúc hơn là nhận.” (Cv 20,35)
5. Đừng lười biếng, vì: “Tên lười tệ kém hòn phân, ai mà đụng nó là tay phủi liền.” (Hc 22,2)




(BÀI 14)


KHIÊM TỐN VÀ UY TÍN


Khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: “Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.” (Lc 17,10)

1. Ý thức đời người có 3 thời:
- Thời học hỏi: từ lúc mới sinh đến 30 tuổi.

- Thời làm việc: từ 30 tuổi đến 60 tuổi. Khôn ngoan như Chúa Giêsu cũng chỉ bắt đầu sứ mệnh Chúa Cha trao vào tuổi 30 (x Lc 3,23).
- Thời đấm ngực để làm Thầy: từ 60 đến chết. Vì thế Giáo luật đề nghị giáo sĩ nên xin hưu vào tuổi 75.

2. Biết chia giờ cho những việc phải làm trong ngày. Đừng chỉ làm một việc mình thích nhất, cũng đừng lãng phí thời giờ cho việc phụ thuộc.

3. Đừng hứa hẹn rồi bỏ quên. Nếu lỡ quên hay không giữ đúng lời hứa thì phải xin lỗi, dù mình là người trên.

4. Khi giúp ai điều gì, mà họ lại oán mình hoặc làm khổ mình, thì mình không hối hận, bởi vì ta đã làm vì mến Chúa, như lời Chúa đã dạy: “Đã yêu thì yêu đến cùng. Ga 13,1). Vả lại Chúa sẽ thưởng công cho ta nhiều hay ít tùy vào việc ta làm gặp khổ nhiều hay ít.



(BÀI 15)


Ở TRƯỜNG LỚP


Anh em nên gương mẫu cho các tín hữu về lời ăn tiếng nói, về cách cư xử, về đức ái, đức tin và lòng trong sạch. (1Tm 4,12)
1. Không chạy nhảy trên bàn ghế, hoặc vẽ bậy lên bảng, tường, bàn học.

2. Trong lớp học, nên đứng ngồi ngay ngắn. Khi cần hỏi gì, giơ tay đợi thầy cô cho phép.

3. Không xả rác trong lớp, nếu thấy có rác nên tự ý nhặt bỏ vào nơi quy định.




(BÀI 16)


TRONG GIA ĐÌNH

Con cháu phải học cho biết ăn ở hiếu thảo đối với gia đình mình, và đền ơn đáp nghĩa các bậc sinh thành. Đó là điều đẹp lòng Thiên Chúa. Ai không chăm sóc người thân, nhất là người sống trong cùng một nhà, thì đã chối bỏ đức tin, và còn tệ hơn người không có đức tin. (1Tm 5,4.8)


Phải biết tôn kính ông bà, cha mẹ, anh chị. Sách Châm ngôn chương 30, câu 17 dạy: “Quạ sẽ mổ, diều hâu sẽ móc mắt kẻ nào lườm nguýt và khinh dễ cha mẹ mình. “
Không bao giờ chỉ chăm chú tặng quà người ngoài, còn ông bà, cha mẹ thì lãng quên, hoặc nghĩ ông bà già rồi không cần gì nữa.
Đi đâu, làm gì ở ngoài, lúc về phải thưa với người trên.
Là anh chị phải làm gương sáng cho các em, khi chia quyền lợi nên nhường phần hơn cho em.
Khi có người nói lỗi về ai trong gia đình, ta phải biết cám ơn họ, và hứa sẽ sửa dạy. Hết sức tránh bênh vực người bị cáo, khi chưa điều tra cẩn thận.
Con cháu muốn dùng gì không được tự ý đoán người trên đã bằng lòng cho. Trái lại, phải xin phép bề trên trước rồi mới được dùng.
Người trong cùng một nhà, nhớ xin lễ cầu nguyện cho nhau nhân ngày Lễ Giỗ, Thành hôn, Bổn Mạng, Rửa tội.




(BÀI 17)


TRƯỞNG THÀNH

Khi tôi còn là trẻ con, tôi nói năng như trẻ con, hiểu biết như trẻ con, suy nghĩ như trẻ con; nhưng khi tôi đã thành người lớn, thì tôi bỏ tất cả những gì là trẻ con. (1 Cr 13,11)


Hãy sống tốt đẹp trong giây phút hiện tại. Vì quá khứ chỉ còn là kinh nghiệm, tương lai ngoài vòng tay ta, chỉ có hiện tại mang theo mình một trách nhiệm.
Hãy đón nhận chân lý bất cứ từ phía nào tới. Dù đối phương là kẻ thù hay con nít, hãy học nơi họ điều tốt. Vì mọi chân lý phát xuất từ Thiên Chúa (x Mt 23,8-10). Do đó đón nhhận chân lý là đón nhận Thiên Chúa.
Đừng đồng hóa điều vẫn có với điều hoàn hảo. Sự hoàn hảo chỉ có được vào ngày cánh chung.
Không nên nói: “Nhiệt tình cộng với ngu dốt là phá hoại.” Mà phải nói: “Nhiệt tình mà thiếu Thánh Thần là kẻ phá hoại.” Bởi vì thế nào là ngu dốt ? Thế nào là sáng suốt ? ông Phaolô khi chưa có Thánh Thần, ông cho những người theo đạo Công giáo là ngu dốt, còn ông mới là khôn ngoan sáng suốt và rất nhiệt tình thờ Chúa theo luật Môsê dạy. Do đó ông hăng hái ra tay chém giết những người theo đạo ở ĐaMa. Nhưng sau khi ông được Chúa cho khỏi “mù”, ông đã trở nên Tông đồ nhiệt thành của Chúa (x Cv 9).
Hãy nhiệt tình trong mọi việc làm, nhưng không bắt buộc người khác phải nhiệt tình như mình, vì như thế sẽ trở nên kiêu hãnh và là kẻ khó tính với người khác.
Không phải mọi hiệp nhất đều đưa đến sự sống. Nhưng biết nhờ Thánh Thần chia rẽ người khác mới đem lại sự sống. Cụ thể Thánh Phaolô nói về sự sống lại để chia rẽ Biệt phái và Sa đốc, nhờ đó ông thoát chết. (x Cv 23,6-10).
Nên bình tĩnh và sáng suốt nghe góp ý.
- Ai khen ta mà khen đúng, người ấy là bạn ta.
- Ai nịnh hót, tâng bốc ta, nó là thù ta.

- Người chê ta mà chê đúng, người đó chính là thầy của ta.

Khi ta bị đàm tiếu, ta không nên cải chính trước công luận. Vì làm như thế vô tình ta đã làm lan rộng chuyện của ta mà thôi. Có khi người ta nghe lại nói: “Không có lửa, làm sao có khói.”
Nói sự thật một nửa là cách nói láo độc hại nhất. Ví dụ: Vâng lời trọng hơn của lễ. Không lẽ ta phải vâng lời cả điều sai trái sao ? Vì thế ta phải nói trọn sự thật rằng: “Vâng lời Chúa (Chân lý) thì trọng hơn của lễ.”
Bạn đừng lo người khác không biết đến tài đức của bạn. Một hãy lo cho mình có tài có đức thật.
Làm việc mà thiếu đam mê thì chỉ như con dã tràng se cát.
Hãy sống hữu ích cho người khác.
Hãy khó với mình nhưng quảng đại với Chúa và tha nhân. (x 2Cr 6,12)
Ở đâu có tình yêu, ở đấy có quà tặng. (x Ga 3,16).
Muốn làm lớn phải phục vụ mọi người (x Mt 20,26).
Chỉ dùng tiền của vào bốn mục đích:
1. Làm phát triển tin mừng và xây dựng Hội Thánh. (x GLHT số 2041-2043)
2. Nuôi sống bản thân (x St 2,16).
3. Tạo ra phưong tiện để phục vụ (x Lc 19,11t).

4. Chia sẻ cho người không có khả năng tự kiếm sống: trẻ con, người già, người tàn tật… (x Mt 25,31-46).

Muốn có đối thoại, phải dựa trên nguyên tắc:
1. Hai bên đều có cùng 1 trình độ tri thức.
2. Hai bên đều dựa trên công bằng và bác ái.
3. Hai bên cùng chịu trách nhiệm khi đưa đến một quyết định nào.
4. Hai bên đều đưa ra một đường lối khả thi và thực tiễn.


Nói đúng chưa đạt, mà phải nói khéo nữa. Thánh Phaolô dạy: “Lời nói hằng phải thanh nhã, mặn mà, ý nhị, biết đối đáp sao cho phải với mỗi người”. (Cl 4,6)
Không thể nói : “Đạo nào cũng dạy điều tốt”. Vì thế nào là tốt ? Thế nào là xấu ? Khi Adam, Eva lấy ý mình hơn Chúa, họ đã cho là tốt ! Thế là sự dữ bắt đầu xuất hiện trên thế gian. (x St 3). Vậy khi nào ta lấy ý Chúa làm ý của mình, lúc đó con người mới sống tốt lành mà thôi.
“TỰ DO TÔN GIÁO” có giá trị nào không ? Điều này chỉ có giá trị cứu độ khi người ta được tự do tin theo Chúa trong Hội Thánh Ngài lập mà thôi. Vì “Dưới gầm trời này, ngoài danh Chúa Kitô, không có danh nào khác được ban tặng cho loài người hòng được được ơn cứu độ.” (Cv 4,10-12).
Tránh kiểu nói: “Không làm thì cũng đừng ăn!”. Nếu thế thì đối với người già yếu, con nít không làm thì cũng không được ăn sao ?! Vậy hãy nói như Thánh Phaolô dạy: Ai không muốn làm thì cũng đừng ăn.” (1 Tx 3,10) Giá trị của con người lao động ở chỗ “muốn làm”. Có muốn làm, công việc mới hòan hảo, mới là yêu thương. Người muốn làm mà không làm được là người đáng kính hơn cả.
Không được nói: “Lao động là vinh quang!”. Nếu thế kiếp trâu, ngựa nó vinh quang hơn loài người !. Vậy phải nói: “Lao động đưa con người đến vinh quang”, vì lao động là phương thế cho con người đạt đến hạnh phúc.
Để thành công hơn lòng mong ước hãy nhớ sống 5 điều:
1. Chọn ít điều và hợp thời cơ:
Hãy chọn ít điều nhất theo khả năng, và đầu tư hết khả năng vào điều đó, đồng thời chộp ngay lấy thời cơ. Ông Hêralic nói: “Không ai có thể tắm hai lần trên một khúc nước sông đang chảy”.
2. Định hướng cho cuộc đời:
“Hãy quên phía sau và lao mình tới phía trước, nhắm mục đích chạy đến giải Thiên Chúa đã ban bố trong Đức Giêsu Kitô”. (PL3,13)
Nếu không như thế thì: “Anh chạy khỏe lắm đó, nhưng lại trật đường mất rồi” (Thánh Augustin.)
3. Nhớ 4 chữ “H”
Muốn làm điều gì phải HỌC trước
Học muốn thấu đáo phải HỎI
Hỏi đến HIỂU cho rõ
Hiểu rồi phải đem ra thực HÀNH
Nói tắt: HỌC-HỎI-HIỂU-HÀNH.
4. Kiên nhẫn để khắc phục gian khổ:
“Đời khó không phải vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông” (Nguyễn Bá Học)
5. Làm vì mến Chúa:

Biết tốt mà làm chưa đủ, còn MÊ nó mà làm cũng chưa đủ, vì còn phải MẾN CHÚA mà làm để trở nên của lễ dâng Chúa (Thánh Tôma tiến sĩ)

Đừng để thời gian qua đi mà không sinh ích. Trong thời gian mình có, tùy hoàn cảnh đang sống, ta hãy biết chọn việc: không chỉ tốt thôi, mà phải tốt hơn, đặc biệt là tốt nhất !
Ý THỨC VỀ GIÁ TRỊ LAO ĐỘNG.
Thánh Công Đồng Va-ti-ca-nô II trong Hiến Chế Hội Thánh Trong Thế Giới Hôm Nay số 35 dạy: “Hoạt động của con người phát xuất từ con người, nên quy hướng về con người. Thật vậy, khi làm việc, con người không những biến đổi sự vật và xã hội, mà còn cải thiện chính mình. Bởi vì khi làm việc, con người học biết được nhiều điều, phát triển tài năng, cũng như thoát ra và vượt khỏi chính mình (*). Nếu được hiểu cho đúng thì, sự tăng triển này còn đáng giá hơn mọi của cải thu tích được. Giá trị của con người hệ tại ở “CÁI MÌNH LÀ” hơn là ở “CÁI MÌNH CÓ”.
Vậy làm việc không nhất thiết phải đạt thành công, nhưng đã trở nên nghĩa người hơn.

(*): Khi làm việc con người được THOÁT RA nghĩa là thoát ra khỏi kiếp loài vật, vì con vật ăn sẵn những gì Thiên Chúa hoặc con người tạo nên cho nó, như con sâu ăn lá cây, con gà ăn giun, con heo ăn cám… Trái lại, con người dùng thực phẩm do tay mình làm ra.

Khi làm việc con người VƯỢT KHỎI CHÍNH MÌNH nghĩa là nhờ làm việc, con người có thêm của cải để chia sẻ. Chính nhờ biết chia đi, mà con người được biểu lộ giống Chúa, vì Thiên Chúa làm mọi sự chỉ để ban tặng cho loài người.

CÁCH THU PHỤC NGƯỜI KHÁC.
· Ông Berson nói: “Các thánh nhân thu phục được nhiều người không phải vì họ nói hay, nhưng vì chính sự hiện diện của họ toát ra sự thánh thiện”

· Thánh Gioan Maria Vianey nói: “Thế giới sẽ thuộc về tay ai biết yêu mến”

MỪNG SINH NHẬT NÀO
Thường thường có thói quen tổ chức mừng sinh nhật (ngày được cha mẹ sinh ra) rất lớn. Nhưng theo đức tin công giáo thì có gì đáng mừng ngày đó ? Bởi vì:
· Đó chỉ là sinh ra bởi nòi giống Adam tội lỗi.
· Trước khi ra đời, trong lòng mẹ, tôi đã là kẻ bất lương “Lúc chào đời con đã vương lầm lỗi, đã mang tội khi mẹ mới hoài thai” (Tv 51 (50), 7).
Vậy hãy tổ chức sinh mừng nhật vào ngày được nhận bí tích Thánh Tẩy vì ngày đó ta được:
· Sinh ra theo dòng Adam mới là Chúa Giêsu.
· Được Chúa tha hết tội và sống bằng sự sống của Chúa.





-- HẾT--

dan147
28-07-2009, 01:24 PM
Bài viết này thật hữu ích và hay nhưng phần sau hơi quá thiêng về dành cho tín hữu Công Giáo trong khi phần đầu thì phổ quát hơn có thể sử dụng cho xã hội
Nhưng dù sao cũng cám ơn vì đã gửi bài này
Thân Ái

dan147
28-07-2009, 01:26 PM
Cám ơn nhiều vì đã gửi bài này cho mọi người cùng tham khảo
Thân Ái