PDA

View Full Version : HÀNH HƯƠNG ĐẤT THÁNH 1



littlewave
16-12-2007, 10:09 PM
HÀNH HƯƠNG ĐẤT THÁNH 1
(Thư gửi cha linh hướng) - Thuận Hà (thanhlinh.net)


http://www.thanhlinh.net/tailieu/HanhHuongDT/HanhHuongDT13.jpg

Lạy Cha trên trời,
"Cha đem con đến trên cánh chim bằng" (Xh 19,4)
"Vùng Đất Hứa chan hòa nguồn ơn thánh"
"Cảm nghiệm tình Cha cao cả tuyệt vời"
"Cảm tạ tình Cha, Tình Ngài khôn sánh"

Kính thăm cha,
Con không biết phải cám ơn Chúa thế nào cho đủ vì chuyến đi đầy hồng ân, đầy kỷ niệm, đầy cảm nghiệm, đầy yêu thương Chúa dành cho con trong chuyến Hành Hương Đất Thánh vừa qua. Một chuyến đi tuyệt vời con không ngờ tới, và cũng chưa bao giờ nghĩ tới. Một chuyến đi cho con bao cảm xúc mỗi lần dừng chân viếng từng di tích của Đấng Cứu Thế, từng con đường tình sử mang dấu chân đau thương, bao gian nan, tràn nước mắt, ngập máu đào của Chúa trời đất đã đổ ra cho nhân loại. Con đã khóc biết bao lần mỗi lần nghĩ tới tình yêu của Ngài dành cho con, đau khổ vì con, gian nan vì con, lận đận vì con, và chết vì yêu thương con. Một chuyến đi vui buồn lẫn lộn. Vui vì nguồn ân sủng Chúa dành cho con quá đầy. Chúa đem con vô vùng đất mà đã một lần Con Một Chúa từng để lại những dấu thánh của Ngài khắp trong vùng trời ân sủng ấy. Và buồn vì chứng kiến những di tích đau thương gian khổ đẫm máu của Ngài. Xót xa vô tận khi thấy tình yêu của Ngài thể hiện qua những di tích huyền nhiệm đó trong khi ta cứ mãi vô tình trước tình yêu tha thiết của Ngài.

Dù rằng biến cố lịch sử này đã xảy ra hơn 2000 năm trước nhưng đối với con như mới ngày hôm qua, trong khung trời đó đâu đâu con cũng thấy bóng hình Chúa và Mẹ trên bước đường con đi, thật gần gũi, thật trìu mến, thân thương. Nhìn những người mặc những chiếc áo chùng trắng con hình dung được Chúa khi xưa. Ăn một tấm bánh con nghĩ bánh này khi xưa Mẹ đã cặm cụi làm cho Chúa ăn. Đi trên những con đường lịch sử, con nghĩ khi xưa Chúa cũng đi qua những nơi này, hình bóng Chúa còn đầy trên mọi nẻo đường. Khí trời nơi đây đã ôm ấp Chúa, Chúa đã thở, đã sống, đã vui đùa, đã lớn lên như bao nhiêu đứa trẻ khác…Khắp mọi nẻo đường nơi nào cũng chỉ thấy Chúa, Mẹ. Con nghĩ tới Chúa thật nhiều, đầy ắp tâm tư, từng giây từng phút, tình yêu Chúa dâng ngập hồn con, tuyệt vời làm sao. Nhìn những thiếu phụ với khuôn mặt đẹp, với chiếc áo dài con liên tưởng tới Mẹ hồi đó cũng giống vậy. Họ gợi lại cho con bao hình ảnh của Mẹ. Con cảm nhận được Chúa và Mẹ vẫn đi trên những con đường thân thương đó mặc dù đất nước đó rất xa lạ với con, con thấy được sự hiện diện của các Đấng khắp trong vùng trời ấy. Chẳng phải Chúa đã nói: "Ta ở cùng con mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28,20) đó sao?

Chuyến đi này chúng con gồm 78 người, kể cả hai linh mục. Một hành trình thật xa xôi và mệt mỏi, phần vì thời gian hạn hẹp, phần thì đi quá nhiều nơi, một đêm ngủ chừng vài ba tiếng. Trong 10 ngày đổi 5 khách sạn, dừng chân không biết bao nhiêu chỗ.

Trước tiên, máy bay chúng con đáp xuống Cairô, thủ đô nước Ai Cập. Ở Ai Cập vài ngày rồi tiến về Jerusalem. Sau đó đi các nơi: Biển Đỏ, Sinai, Bêlem, En Kerem, Jerusalem, Giuđêa, Biển Chết, Nazareth, Cana, Caphacnaum, Galilêa, qua Tel Avis, Haifa, Masada, Hebron, Biển Địa Trung Hải… Những địa danh mà con từng mơ ước mãi nay mới trở thành hiện thực. Con cảm tạ hồng ân Chúa.

Có chứng kiến những di tích lịch sử đó mới thấy thấm thía nỗi gian truân cuộc đời của Chúa Giêsu và niềm đau của Mẹ Ngài vì chúng ta. Có qua đó mới thấy được cuộc đời thơ ấu của Ngài đầy nước mắt và khổ đau. Có qua đó mới cảm nghiệm được sâu đậm những bước chân gian khổ của Ngài rảo từ xứ nọ qua xứ kia trong ba năm rao giảng Tin Mừng Cứu Độ. Có qua đó mới hiểu được sâu sắc những gì Ngài phải chịu trong quãng đời ngắn ngủi trên dương thế. Chứng kiến những cảnh đó con nghe tim mình quặn thắt, nước mắt xót thương Đấng yêu thương chúng ta quá đỗi. Nếu không thấy, không nhìn thì chỉ biết Chúa yêu thương vậy thôi chứ không cảm nghiệm được nhiều bằng chính khi mắt thấy tai nghe.

Mỗi một di tích đều là một biến cố mới lạ như chưa từng nghe, chưa từng thấy. Mỗi di tích đều trân quí và ghi dấu trong hồn rất sâu đậm. Mỗi di tích là một bối cảnh sống động. Mỗi di tích là một nỗi niềm phủ kín tâm tư. Và mỗi một di tích đều đánh động con thật nhiều.

1. Ai Cập là ngưỡng cửa của Đất Hứa với dân số là 80 triệu dân, nhưng tại thủ đô Cairô đã chiếm hết 20 triệu. Thời xa xưa Cairo có cái tên là Memphis sau đó đổi qua là Alexandra, (con nghe nói Ngũ Kinh của Môsê đã dịch ra tiếng Hylạp tại Alexandrea). Và cũng chính nơi này xưa kia tổ phụ Abraham và bà Sara đã tới. Ai Cập, 80% là dân Hồi giáo, 10% là Chính Thống Giáo không liên kết với Tòa thánh Vatican, Công Giáo chỉ vọn vẹn có 250.000 người. Thật đau buồn vì 2000 năm sau khi Chúa xuống trần cứu độ mà đa số vẫn chưa nhận biết Chúa. Thánh Phanxicô đã qua truyền giáo xứ sở này vì bị bịnh nên đã trở về sớm hơn dự định, tuy ngài không được dịp trưc tiếp truyền giáo tại miền đất này, nhưng tinh thần sống đạo khó nghèo, thánh thiện cũng ảnh hưởng nơi đây.

2. Thăm Đền Thờ của người Hồi Giáo. Một ngôi đền thờ thật to lớn và rất đẹp. Bên đó không có ngôi thánh đường nào lớn như đền thờ này. Khi chúng con bước vô tới cổng là tất cả phải bỏ giầy cầm tay, không ai đuợc phép mang giầy vô đền thờ của họ. Tất cả những người mặc quần đùi hay áo sát cánh đều phải choàng một tấm khăn kín từ người tới chân. Một ngày họ cầu nguyện 5 lần. Trong tháng chay tịnh của họ là cả ngày không được ăn uống bất cứ gì, nghĩa là nhịn từ sáng sớm tới chiều tối mới được phép ăn.

3. Dòng sông Nilô là con sông lịch sử của Cựu Ước. Nơi đây ngàn năm xưa đã xảy ra câu chuyện ly kỳ của cậu bé Môsê, lúc sanh ra bà mẹ sợ đứa con bị đem đi giết nên đành bỏ cậu trong chiếc thúng trôi trên sông này, và được công chúa Ai Cập vớt đem về nuôi. Khi lớn lên đã được Thiên Chúa sai đi giải phóng dân Chúa. Để từ đó đánh dấu Cựu Ước bằng một trang lịch sử oai hùng bất diệt và khai sáng cho lịch sử cứu độ. (Xh 2, 1-10)

Sông Nilô là một dòng sông dài nhất thế giới (6700km) cùng với sông Amzon chảy dài từ Nam xuống Bắc. Hoàng hôn trên sông Nilô thật đẹp. Hơn 2000 năm trước, nữ hoàng Cleopatre, đại đế Cesar, dũng tướng Anthony cũng từng du thuyền trên dòng sông này. Và hôm nay không ngờ, chúng con thân phận bèo bọt cũng được cái diễm phúc du thuyền trên dòng sông thơ mộng này để thưởng thức bữa ăn tối với những món ăn thịnh soạn của người Ai Cập. Thế mới biết đối với Thiên Chúa ai cũng là con trai con gái của Ngài, không phân biệt giai cấp giầu nghèo.

Từ xưa, sông Nilô thường gây ra lũ lụt lớn, làm thiệt hại nặng nề. Qua thời gian, sông này được dân chúng sửa sang, đắp đê, dẫn thủy, sự thiệt hại bớt dần. Đáng kể nhất là nguồn lợi do sông này mang lại, dân Ai Cập sống dựa vào nguồn tài nguyên trên sông này.

Tháp Cairo cao hơn 187m hình thù giống như loài bông sen làm nổi bật thêm vẻ đẹp của dòng sông này, là biểu tượng của Ai Cập cổ kính.
Ai cập có một kỹ thuật làm "giấy" để viết rất tinh vi thởi cổ điển. Loại giấy này cũng đã được dùng để ghi chép các văn kiện và cũng để ghi chép Thánh Kinh thời xa xưa. Bao lâu nay con cứ tưởng người ta dùng da thú để viết Thánh Kinh nhưng họ đã dùng một loại cây papyrus, ép thành giấy để viết. Loại giấy này không giống như giấy của chúng ta thường dùng, rất cứng nhưng để được rất lâu. Trong Bảo Tàng Viện tại Cairô có những văn kiện đã được ghi trên loại giấy đặc biệt này cả hơn ngàn năm mà vẫn còn nguyên vẹn.

4. Viện Bảo Tàng của Ai Cập xây vào năm 1848, sử dụng chính thức vào năm 1902….Đây là nơi giữ lại những gì thuộc về triều đại các vua Pharaon đầy uy quyền của Aicập. Các kiến trúc cổ của Aicập được xây qua nhiều triều đại khác nhau, vua nào cũng muốn để lại công trình mang dấu ấn của mình. Kho tàng của vua Toutankhamon và các xác ướp của các vua, các bà hoàng hậu, hoàng tộc..v.v.. Tòa nhà hai tầng của Viện Bảo Tàng Ai Cập hiện tại quá chật bởi hàng lớp những hiện vật. Qua đó, người ta có thể đọc được lịch sử nền văn minh Ai Cập cổ đại đã hơn 4000 năm. Trong phòng ướp xác, Pharaon nổi danh nhất là Ramses II, xác ướp của ông từ 3238 năm…Người Ai Cập thời cổ tin rằng cái chết không phải là sự kết thúc nếu như linh hồn tìm lại được thân xác của mình. Để chuẩn bị cho cuộc sống ở thế giới bên kia, các vua Pharaon cho đục sâu vào lòng núi đá những đền đài, lăng mộ nhiều tầng, nhiều phòng ốc, các hành lang, với vô số những hình ảnh trang trí rất nghệ thuật, những gian phòng chứa đầy những báu vật, các quan tài bằng vàng, bằng đá đựng xác ướp của các vua Pharaon…

5. Ba Kim Tự Tháp lớn của Ai Cập ở Giza: Kim Tự Tháp Khufu (Cheops, cao 137m), Kim Tự Tháp Khafre (Chephren cao 127m), Kim Tự Tháp Menkaure (Mycerinus cao 66 m), Chỉ có Kim Tự tháp Khufu (Cheops) được gọi là "Kim Tự Tháp Vĩ Đại – Great Pyramid) và được coi như là một trong những kỳ quan thế giới – The Seven Wonders of the Ancient World – Ba Kim Tự Tháp là lăng tẩm của ba đời vua : của Pharaon có tên là Kheops, của con trai ông là Khephren và của cháu nội là Mykerinos.


http://www.thanhlinh.net/tailieu/HanhHuongDT/HanhHuongDT01.jpg
Kim Tự Tháp: một kỳquan của thế giới
6. Viếng Thánh Đường Sargius là nơi khi xưa gia đình Thánh Gia đã có một thời tỵ nạn trốn chạy vua Herôđê đến ở đây. Một căn nhà rất tồi tệ, giống như cái hang thì đúng hơn, thấy thật đau lòng, nước mắt không thể không rơi. Ngôi nhà này nằm ngay trên mặt nước ngầm nên khi mưa về nước ngập lên cao, vậy mà Ba Đấng đã sống tại đây hơn 3 năm trời ròng rã trong cảnh khó nghèo lam lũ. Bây giờ một nhà nguyện rất xưa được xây trên ngôi nhà này.


http://www.thanhlinh.net/tailieu/HanhHuongDT/HanhHuongDT02.png
Nơi Gia Đình Thánh Gia sống ở Ai Cập, nếu không thấy chắc sẽ không tin đó là sự thật


http://www.thanhlinh.net/tailieu/HanhHuongDT/HanhHuongDT03.png
Ngôi Thánh Đường kế bên nhà Thánh Gia ở Ai Cập chừng vài trăm mét.
7. Từ giã thủ đô Aicập, trực chỉ hướng đông về sa mạc để tiến về núi Si Nai. Trên đường đi chúng con ghé nhà thờ St. Mary là nơi Đức Mẹ hiện ra năm 1968 ở Ai Cập. Một ngôi thánh đường thật đẹp. Trong thời gian gấp rút con cũng được nói chuyện với vị linh mục chánh xứ để hỏi ngài câu chuyện Đức Mẹ hiện ra vì ngài chính là người đã được thấy Đức Mẹ. Sau đó ngài đã tặng con một cây thánh giá.


http://www.thanhlinh.net/tailieu/HanhHuongDT/HanhHuongDT04.jpg
Ngôi thánh đường St. Mary được Đức Mẹ hiện ra năm 1968
Suy niệm lại con đường Thánh Giuse đưa Đức Mẹ và Chúa Giêsu trốn qua Aicập thấy xót xa quá đỗi vì con đường từ Aicập đến biên giới Do Thái khoảng 580miles (mỗi mile khoảng 1500m), và quãng đường từ biên giới vô tới Bêlem thêm mấy tiếng nữa. Bao lâu nay đọc Thánh Kinh con không biết con đường đó như thế nào, nhưng sau chuyến đi này con mới thấy chuyến đi của các Đấng quá gian nan diệu vợi và khổ cực trăm bề.

Con đường sa mạc dài ngút ngàn từ Ai Cập đến đất Do Thái đã làm con chìm trong suy tư phiền muộn khi hình dung cảnh Đức Maria, Thánh Giuse đem Hài Nhi Giêsu đi trốn bàn tay ác độc của Hêrôđê. Hình ảnh Mẹ yêu thương đùm bọc Giêsu ngồi trên con lừa nhỏ. Chúa Giêsu lúc đó mới chào đời được vài ngày, da còn đỏ hỏn, chưa một lần hanh nắng, chưa một lần phải tắm sương mai mà đã chịu cảnh đọa đầy màn trời chiếu đất. Hình ảnh Thánh Giuse bước từng bước âm thầm bên cạnh Đức Mẹ và Chúa Giêsu, như muôn đời tuân phục Thánh Ý Chúa Cha, mặc cho nắng nhuộm mầu da, mặc cho sương tuyết dãi dầu, mặc cho cát ngập đôi chân, và mặc cho gió lộng mưa gào trong hơn ba tháng trời ròng rã. Trên đường dài không một bóng mát, không một tàng cây, không một suối nước, không thức ăn, không hàng quán, không nơi trọ nghỉ đêm…Chắc hẳn Ngài và Mẹ Maria đau đớn nhiều cho thân phận Chúa trời đất mà phải long đong lận đận như vậy? Chắc hẳn hai Đấng vô cùng xót xa cho người con yêu của mình trong cảnh thiếu thốn cam go chỉ vì hai chữ yêu thương. Càng nghĩ con càng thấy nhức buốt. Từ bao lâu nay con chỉ nghe nói Đức Mẹ đem Chúa trốn qua Aicập nhưng không hề nghĩ tới con đường diệu vợi gian truân ngút ngàn như vậy. (Mt 2, 13-14) Có ai đau xót cho cảnh gian nan cơ hàn nhọc nhằn của các Đấng không? Có lẽ chỉ có các thánh.


http://www.thanhlinh.net/tailieu/HanhHuongDT/HanhHuongDT05.png
Bây giờ con cũng đi qua con đường dài hun hút này, ngồi trên xe lướt nhanh trong gió, có máy lạnh, có nệm êm con mới thấy thấm thía cuộc đời Chúa gian nan hơn sự tưởng tượng của con. Chúa trời đất khiêm cung sống trong cảnh cơ hàn khốn khó, còn con là gì mà luôn đòi hỏi sự tiện nghi? Nhưng nhờ đó mà con yêu Chúa nhiều hơn, nếu không thì tình con dành cho Ngài cứ mãi ơ thờ lạnh giá.

8. Ngọn núi Sinai cao chọc trời, 7280 ft là một di tích bất di bất dịch của Cựu Ước, một di tích ngàn đời không thể quên, không thể không nhắc tới, vì chính nơi này Thiên Chúa đã ban bố lề luật làm hiến pháp và lập Giao Ước với dân Ngài. Con không ngờ mình có diễm phúc được đặt chân tới đó, nơi mà bao thế kỷ xưa Thiên Chúa Chí Tôn đã hiển linh với Môsê, ban cho chúng ta 10 điều răn của Ngài. Khi đứng trên đỉnh núi này, nhìn lên là trời, nhìn xuống bốn bề là đá trùng trùng điệp điệp, không một bóng cây, không một cọng cỏ, vậy mà khi xưa Môsê đã ở trên đó 40 ngày với Chúa. Con xúc động mạnh khi nghĩ tới tình Ngài yêu thương con quá đỗi, vì Chính Ngài đã đem con tới đây để cảm nghiệm Tình Ngài. (Xh 1,20) Nếu không có Ngài tay đỡ tay nâng thì cho dù một bước con cũng không thể tới đó được.


http://www.thanhlinh.net/tailieu/HanhHuongDT/HanhHuongDT06.jpg
Núi Sinai – Trong buổi sáng mờ sương, đoàn người hành hương trèo lên đỉnh núi Thánh.
Leo được tới đỉnh núi này không phải dễ. Nếu so sánh ngọn núi Krizevac bên Mễdu với núi Sinai thì Krizevac không là gì cả. Con không hiểu ngày xưa Môsê đã đi như thế nào, nhưng chúng con bắt đầu đi từ 1:30 sáng bằng lạc đà lên tới lưng chừng núi mất hai tiếng, rồi từ đó còn phải leo lên thêm 750 bậc nữa mới tới đỉnh. Thời gian hơn 4 tiếng, rất mệt, rất khó khăn vì ngọn núi cao chọc trời, toàn là đá, nắng lên nóng thật gắt. Ngồi lạc đà không quen nên rất khổ sở và mỏi mệt. Nhiều người leo không nổi nên phải nghỉ dọc đường. Thời Môsê chắc đường không dễ như bây giờ, vì bây giờ họ đã làm những con đường thoai thoải dễ dàng hơn. Con nghĩ ngày xưa chắc Môsê phải khó khăn lắm mới lên được tới đỉnh. Trên đỉnh bây giờ là một ngôi đền thờ kính Thiên Chúa Ba Ngôi của Chính Thống Giáo và một đền thờ của Hồi Giáo. Thiên hạ đi đông vô kể, ban đêm nhìn xuống thung lũng như hội hoa đăng. Chúng con ở đấy khoảng 2 tiếng và đã dự thánh lễ trên đó. Chúa thật sự đã xuống trên bàn thờ và ở giữa chúng con như xưa đã hiện ra với Môsê trên đỉnh núi này. Thật là một hồng ân, lúc đó chỉ có Chúa với mình. Trời cao vời vợi như ôm lấy từng người chúng con trong khung cảnh hùng vĩ bao la của bàn tay Tạo Hóa.


http://www.thanhlinh.net/tailieu/HanhHuongDT/HanhHuongDT07.png
Núi Sinai – Từ trên núi nhìn xuống.
Lên tới đó đã khó, xuống còn khó hơn vì con đường đi xuống dài thăm thẳm, phần nóng, phần khát, phần mệt mỏi, phần ít ngủ, hai chân rời rã…. Lúc đó, đi thì mắc núi trở lại thì mắc sông, chỉ ước có đôi cánh bay cho lẹ… Chỉ có mấy tiếng leo núi thôi vậy mà không ai chịu nổi cái cực đó, nếu mà so với đoạn đường của Thánh Gia đã trải qua chắc chắn không thấm thía gì.


http://www.thanhlinh.net/tailieu/HanhHuongDT/HanhHuongDT08.jpg
Bụi gai khi xưa Chúa hiện ra với Môsê
9. Bụi Gai: Tạ ơn Chúa, có nằm mơ con cũng không ngờ là được chiêm ngưỡng bụi gai xưa Chúa hiện ra với Môsê. Bụi gai này giờ đây được bảo bảo vệ trong một nhà dòng thánh Catherine, không ai được động tới. Qua bàn tay bao che quyền năng của Thiên Chúa, bụi gai vẫn xanh tươi tươi với thời gian mặc dù đã qua bao ngàn năm nhưng đối với Thiên Chúa có chuyện gì Ngài không làm được. Tất cả đều là hồng ân của Ngài. (Xh 3, 2)

10. Giếng Madian, nơi Môsê dừng chân và gặp người con gái mang tên Xipôra. Nơi đây đã xảy ra một chuyện tình thật thơ mộng giữa Môsê và Xipôra, để rồi duyên nợ này thành một chuyện tình bất hủ cho con cháu của Người. (Xh 2, 11-21)


http://www.thanhlinh.net/tailieu/HanhHuongDT/HanhHuongDT09.jpg
Giếng Môsê

(còn tiếp)