PDA

View Full Version : THA THỨ



quynhchi
09-07-2009, 09:50 PM
http://dongten.net/hayhoccunggiesu/uploads/News/pic/nvn_1237295374.gif Không có gì quan trọng cho bằng việc chữa lành và tái xây dựng chính cuộc đời của mình. Nếu phá đổ là một biến cố diễn ra tức khắc, thì tái xây dựng là một tiến trình dài. Nếu tổn thương là một biến cố, thì chữa lành là một tiến trình dài hơn.



Tha Thứ


Nói tới tha thứ, nhiều người hay liên tưởng tới câu cuối cùng của vị linh mục trong tòa giải tội: Cha tha tội cho con, nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần. Người tha thứ dường như là người đứng ở trên cao, cúi mình xuống để ban phát một ân huệ cho kẻ được thứ tha. Phán một lời là xong...
Ngoài cuộc sống đời thường, tha thứ là một thách thức lớn lao và ẩn chứa đằng sau nó bao là kỳ bí.
Tha thứ không phải để người ta được ở thế của người phân phát một ân huệ, nhưng là để chính người ấy được giải phóng khỏi những ràng buộc vô hình đang ghì kéo mình xuống.
Để biết tại sao người ta phải tha thứ, mời bạn khám phá những hủy hoại mà việc không tha thứ gây ra cho một con người.

1.
Hồi nhỏ nó có một thằng bạn thân. Hai đứa đi đâu cũng có nhau, làm gì cũng cùng nhau. Thế rồi một ngày nọ, nó gây sự với một thằng nhóc khác. Thằng nhóc này kéo thêm nguyên một băng choai choai chặng đầu đón đánh nó và đứa bạn trên đường đi học về. Lúc mà cả băng của thằng nhóc kia chuẩn bị xáp vào tấn công hai đứa nó, thằng bạn thân bỏ nó mà chạy. Nó đứng trân trối nhìn theo dáng thằng bạn khuất dần. Có cái gì đó vụn vỡ tan tành trong nó.
Suốt một tuần lễ sau, cả người nó nặng nề ê ẩm vì trận đòn hội đồng. Nhưng những vết đau trên thân thể không làm nó nhức buốt bằng vết đau mà đứa bạn thân gây ra. Nó gọi thằng bạn là tên hèn nhát, là đứa phản bội.
Tình bạn của nó vỡ vụn từ đó.
Rồi mọi chuyện bị phủ mờ dưới thời gian. Nó tưởng mình đã quên. Nó tưởng mình đã bỏ qua được cái chuyện của thời trẻ con. Nó tưởng mình đã tha thứ... Thế mà bỗng dưng một ngày, trong một giây phút trầm lắng ngồi lại một mình, cái kỷ niệm ngày xưa chợt hiện về và làm nó nhức buốt. Nó nhớ tới cái lưng của thằng bạn đang quay về phía mình. Nó nhớ tới cái dáng còng còng đang cắm đầu cắm cổ chạy thục mạng. Nó nhớ tới tiếng cười của đám nhóc đối thủ khi nó bị bỏ lại một mình. Một lần nữa nó thấy mình bị xúc phạm. Cái cảm giác của một người bị phản bội vẫn còn mới nguyên như ngày hôm qua.
Nó chưa tha thứ, nên nó còn bị kết án bởi chính cái quá khứ của mình.
Nó dần dần hiểu ra cách lờ mờ tại sao luôn có những trúc trắc trong tương quan tình bạn sau này của nó và nhiều người khác. Nó hiểu tại sao mình thường thất bại một cách khó hiểu trong việc xây dựng những tình bạn thân sau này. Nó hiểu tại sao nó thấy quá khó để có thể đặt niềm tin tưởng vào bất cứ người nào...
Nó tưởng mình đã bỏ lại đằng sau cái nỗi giận hờn thời con nít, nhưng không ngờ nó vẫn cứ bước đi mỗi ngày dưới cái sự lèo lái của cuộc đổ vỡ ấy ! Đúng ra, sự lèo lái ấy đâu có gì là bí ẩn. Đổ vỡ đã là một phần làm nên cuộc đời nó, nhưng nó không muốn nhớ tới. Nó đã buông tay để cho những ấn tượng mà cuộc đổ vỡ ấy tạo nên được tự do lèo lái cuộc đời của nó.

2.
Ngồi trước mặt nó lúc này là một người bạn khác. Người bạn này sắp lập gia đình. Ngày cưới đã đến gần mà người bạn này lại trở nên ỉu xìu và lúng túng đến tội nghiệp... muốn cưới cũng được, không cưới chắc cũng không sao !
Không phải tình yêu trong bạn chưa chín chắn. Nó biết bạn mình yêu nhiều lắm, yêu bằng cả con tim... Nhưng dường như có một nỗi lo sợ mơ hồ nào đó trong lòng bạn. Nỗi lo sợ bất khả vượt thắng.
Nó ước ao mình có thể lắng nghe bạn nhiều hơn, để đọc ra được những nỗi lo sợ mơ hồ và ngấm ngầm trong bạn, hiểu bạn hơn và thương bạn hơn.
Phải chăng bạn sợ đổ vỡ? Chưa bước đi bạn đã lo mình sẽ vấp. Chưa xây dựng, bạn đã sợ công trình của mình sụp đổ. Nỗi sợ vô lý chăng? Không đâu ! Kinh nghiệm cuộc đời dạy bạn nhiều điều về sự đổ vỡ. Ăn ở với nhau bằng cả tình lẫn nghĩa, mà sau đó người ta còn có thể bỏ nhau được, huống gì là...
Cái người ta ấy, những cái đổ vỡ ấy, đâu có xa lạ gì với bạn. Đó là chuyện đã xảy ra trong gia đình của bạn. Người gây đổ vỡ và tổn thương trong bạn là người đã cho bạn một cuộc đời.
Nó nhớ những ngày còn nhỏ, có đêm bạn chạy ào qua nhà nó xin ngủ nhờ. Nó hỏi tại sao. Bạn bảo bố mẹ đang đánh nhau. Nó hỏi bạn sao không can bố mẹ. Bạn mím chặt môi: khóc lóc can gián làm cái gì, kệ họ, chuyện của người lớn tao không quan tâm...
Rồi bố bỏ mẹ bạn mà đi. Bạn sống như mình chưa bao giờ phải chịu mất mát. Cứ lầm lì mà sống, cứ lầm lũi mà lớn lên... Bạn không muốn người ta coi việc trưởng thành mà không có hình bóng của người cha là một thua thiệt. Bạn càng không muốn gọi tên sự mất mát ấy là nỗi đau. Bạn muốn chứng tỏ cái bản lĩnh nam nhi của mình...
Bạn chưa bao giờ nghĩ tới chuyện mình sẽ tha thứ cho bố. Vì bạn luôn tự khẳng định với mình rằng không giận, không trách, không ghét, không hờn... Nhưng bạn ơi, đó là những điều thật lòng, hay chỉ là lý luận của cái đầu bạn? Đó là điều bạn đã thực lòng làm được, hay chỉ là điều bạn ước mong mình sẽ làm được? Đôi khi việc hờn giận oán trách không xấu như người ta nghĩ. Đôi khi không dám thể hiện tình cảm thật của mình lại lưu dấu trên người ta những tác hại khôn lường...
Khi thả nỗi đau rơi vào vùng trời quên lãng để được tự do thanh thản mà vui sống, bạn nghĩ rằng mình đã vượt qua được cái quá khứ buồn đau.
Nhưng bạn ơi, trong thực tế, những nỗi đau xảy đến trong cuộc đời lại tác động đến con người ta cách tàn bạo hơn là người ta tưởng nghĩ. Tàn bạo nhất là khi nỗi đau đập vào một con người, họ không được phép lãng tránh. Lãng tránh nỗi đau trong quá khứ, trước sau gì người ta cũng phải đối mặt với nó trong hiện tại và cả ở tương lai...
Khi người ta tìm cách dìm nỗi đau và vùng trời quên lãng, họ tự nhủ rằng mọi chuyện sẽ qua. Họ đâu biết rằng mình đang dồn ngòi cho một kho thuốc nổ chính bên trong mình. Càng tạo ra cho mình cái vẽ bình thản phẳng lặng bên ngoài, họ càng tiếp thêm cho cái kho đạn trong mình cái sức nóng để lùng bùng và âm ỉ. Những âm ỉ ấy ghì kéo và chi phối con người từ trong vô thức thẳm sâu của họ.
Bạn ơi, có lẽ nó hiểu được tại sao bạn ngại ngần. Nó hiểu tại sao bạn không dám đặt niềm tin nơi một người nào khác. Vết thương trong bạn vẫn còn mưng mủ ở một dạng khác, dai dẳng ngấm ngầm và nguy hại hơn. Khung cửa sổ lòng bạn mở ra cuộc đời dường như vẫn còn bị phủ mờ bởi lớp bụi quá khứ. Bao lâu bạn chưa tẩy rửa được vết mờ ấy, bấy lâu bạn còn chưa được nhìn cuộc đời trong veo.
...Ít ra đổ vỡ trong chính gia đình mình đã khiến bạn chẳng còn hăng hái gì trong việc lập gia đình. Tình yêu trong bạn vẫn sống động nồng nàn, nhưng nỗi sợ trong bạn vẫn vẹn nguyên ám ảnh. Đổ vỡ từ chính gia đình mình khiến bạn khó có đủ can đảm để phiêu lưu đặt tin tưởng vào một sự bền vững nào đó. Niềm tin nơi người cha của mình vỡ vụn khiến bạn khó tin tưởng một ai khác tuyệt đối... Bạn đủ khôn ngoan để rút ra tất cả những điều ấy như là những kinh nghiệm sống, nhưng bạn lại muốn tránh né nỗi đau. Bạn đâu biết rằng từ trong thẳm sâu vô thức của bạn, những vết thương mà nỗi đau gây ra vẫn còn vẹn nguyên. Tại sao? Có sao đâu, chẳng phải chính bạn đã dung dưỡng nó, bạn đã giữ kín và dẹp yên nó vào trong một góc của mình. Bạn đặt nó ở đâu thì nó vẫn còn ở đó mà !
Thường là thế bạn ạ ! Người ta luôn muốn vượt qua quá khứ nhanh nhất bằng cách tự nhủ mình, thôi, quên nó đi ! Phải chăng vì làm thế họ thể hiện được sự mạnh mẽ của mình? Phải chăng một cách vô thức, họ vẫn xác tín rằng đó là cách mà những người cao thượng vẫn thường làm? Phải chăng họ không muốn và không dám tin rằng điều đổ vỡ lại có thể tác động trên mình mạnh mẽ như thế?...
Rồi chợt một ngày nào đó họ giật nẩy mình với phát hiện rằng những điều mình đã muốn quên vẫn còn nằm ở một góc nào đó trong mình, vẫn còn nguyên cái sức công phá của nó. Thế nên có những lúc người ta hết lòng nổ lực để xây dựng lại, để làm lại, nhưng cũng có những lúc họ như muốn bùng nổ, muốn đạp đổ tan tành.
Trong hành trình sống của một con người, không thể không có những đổ vỡ và đau đớn. Đáng tiếc là người ta chỉ thích tìm cách tránh né và vô tình dồn nén những tình cảm tiêu cực của mình vào trong một góc nào đó của thẳm sâu vô thức. Chợt một ngày họ giật mình nhận ra nó vẫn còn nguyên vẹn và trở nên mạnh mẽ đến đáng sợ trong mình. Họ không thể tưởng rằng những điều mình đã tìm quên lại có thể trỗi dậy trong mình mạnh quá.
Đôi lúc người ta phát hiện ra giữa lòng mình một khoảng trống chênh vênh. Họ đã cố tình chạy chối. Họ lao đầu vào công việc, học hành, làm ăn. Chợt một ngày nào đó họ mới giật mình phát hiện ra rằng những cái chênh vênh đã trở thành một hố đen thăm thẳm.
Đôi lúc người ta phát hiện ra giữa lòng mình mơ hồ một nỗi sợ. Đôi khi người ta dằn vặt mình trong cái cảm giác mình là người chẳng ra gì, mình là người tệ quá. Họ không nhận ra rằng mình không hề tệ và cũng không phải là kẻ nhát đảm. Mình chỉ đang bị kéo ghì bởi những gì đã xảy ra với mình trong quá khứ...
...
Có thể bạn đang đọc bài này và cười hì hì, bảo nó là người chỉ giỏi suy luận với cái đầu. Không đâu bạn ơi, nó viết bài này bằng kinh nghiệm của mình, kinh nghiệm đổ vỡ của bạn bè mình, và kinh nghiệm của bao người đi trước. Có những kinh nghiệm kỳ lạ về con người đến độ nghe qua người ta cảm thấy khó tin lắm. Khó tin hơn khi mà cái kinh nghiệm ấy lại chỉ ra cái yếu kém nơi chính bản thân mình.
Bao lâu bạn còn chưa tin vào điều đó, bao lâu bạn còn chưa đối mặt với nó... những gì trong quá khứ vẫn cứ còn năng quyền chi phối trên bạn. Bạn như một tảng băng trôi giữa đại dương cuộc đời. Bạn tưởng mình biết mình qua cái mình thấy được bằng ý thức, là cái phần băng nổi trên mặt nước. Nhưng bạn không ngờ rằng cái phần nổi của ý thức ấy chỉ là một phần cực kỳ nhỏ so với phần chìm của tảng băng vô thức.

3.
Phân ngành Phân Tâm Học của Tâm lý học chiều sâu dạy người ta cách vượt thoát những tất định và khuynh đảo của quá khứ bằng việc đối diện với những vấn đề thật của chính mình. Một lần cho tất cả.
Mọi vấn đề đều có gốc rễ của nó. Thật lòng nhìn ra gốc rễ những vấn đề trong mình đã là một bước tiến xa. Nó cho phép bạn lôi những gì âm ỉ trong phần sâu vô thức đưa vào ý thức của mình. Đó là cách bạn thanh tẩy cuộc đời mình.
Đứng trước những vấn đề lùng bùng trong mình, mọi cố gắng, mọi thủ pháp, mọi chiến thuật... đều chỉ là những điều chỉnh. Nếu người ta muốn uốn ngọn của vấn đề theo hướng tốt đẹp nhất mà họ mong muốn, thì cái gốc rễ căn nguyên vẫn còn đó. Những âm thầm dồn nén đôi khi lại tiếp thêm dưỡng chất để nỗi đau bám rễ càng sâu càng chặt vào tâm hồn của con người. Họ bước đi trong mỏi mòn mà không hiểu vì sao... Đổ vỡ và những niềm đau trong quá khứ vẫn âm thầm trở nên một chướng ngại cho người ta trong tất cả những tương quan sau này. Đó là điều mà họ không nhận ra. Họ tưởng mình đã vượt qua được quá khứ, nên họ không nhận ra cái sức ghì kéo đang ngày càng nặng của nó trong mình. Họ tưởng mình đã vượt thắng, nên không bao giờ để ý đến một sự thật phũ phàng rằng mình đang bị chế ngự...
Bạn có biết không, một con tim bị tổn thương không dễ gì buông nỗi đau của mình ra đâu ! Khi mà cái đầu bạn dường như đã đưa được mọi đổ vỡ vào quên lãng, những ấn tượng mà đổ vỡ tạo ra vẫn cứ còn nguyên vẹn trong tâm hồn bạn. Thế nên bạn chỉ có thể làm hòa với chính mình bằng việc quay trở lại chính nơi mà bạn đã cố tình quên lãng. Nghĩa là bạn phải đụng lại chính cái vết thương của mình đấy ! Chắc không ai muốn làm điều này. Nhưng người ta không có cách nào khác để vượt thoát ngoài việc can đảm nhìn vào những gì đã xảy ra với mình...
Chỉ can đảm nhìn lại thôi thì liệu người ta có thể vượt thoát không? Chỉ lôi cổ cái chuyện cũ ra thôi thì liệu người ta có thấy dễ dàng hơn để tha thứ không? Đi thêm một bước nữa, bạn nhé !

4.
Những người không dám nhìn lại là những người bị dính chặt bởi một cái nhìn vào những chuyện đã xảy ra trong quá khứ. Không nhìn lại thì người ta vẫn cứ âm thầm chịu đựng sự chi phối của quá khứ, mà không bao giờ biết được đâu là giá trị của những điều đã xảy ra với cuộc đời mình. Những người dám nhìn lại và biết nhìn lại là những người có cơ hội nhìn mọi sự khác đi.
Tuy nhiên, có những nỗi đau dai dẳng đến nỗi chỉ cần nhớ lại nó, người ta như vẫn còn bị tổn thương đến độ chẳng còn chút sức mạnh nào để đi tiếp. Nhiều người sợ nhìn lại, vì họ sợ một lần nữa phải gặm nhấm nỗi đau...
Nhưng không nhìn lại, người ta sẽ không bao giờ tha thứ. Và tiếp tục lao đi trong cái vòng luẩn quẩn...
...
Chúng ta thấy khó tha thứ, dù chỉ là một lần. Điều này không phải vì chúng ta không muốn tha thứ, nhưng vì một con tim bị tổn thương không dễ gì buông nỗi đau của mình ra. Nỗi đau ấy khiến chúng ta thậm chí không thèm nghĩ tới chuyện tha thứ.
Nếu sự tha thứ nằm trong khả năng của chúng ta, sẽ không có điều gì mà chúng ta không thể tha thứ. Nhưng chúng ta thừa nhận rằng mình không thể tha thứ cho một vài người hay một vài điều nào đó, dù chúng ta thật lòng rất muốn tha thứ. Đã bao lần chúng ta cố gắng, nhưng thất bại. Thế là thay vì tha thứ, chúng ta lại tìm quên.
Tha thứ thật sự không phải là từ khước hay là lãng quên quá khứ, nhưng là trở nên tự do khỏi ảnh hưởng của những kinh nghiệm trong quá khứ và không để cho nó tác động đến những tương quan trong hiện tại và tương lai của chúng ta. Khi một người có thể tha thứ, kinh nghiệm trong quá khứ được thanh tẩy khỏi những ảnh hưởng tiêu cực của nó, và người ấy sẽ không bao giờ còn bị nó chi phối nữa. Đạt được tình trạng này là một điều khó khăn, và không phải chỉ là vấn đề của ý chí.
Một sự tha thứ thật sự là một ân sủng của Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao người ta cần phải cầu nguyện để có thể tha thứ.
Một sự tha thứ thật sự đến từ ân sủng của Thiên Chúa khi chúng ta giữ cho ý định tha thứ sống động trong con tim mình. Mở lòng mình ra với sự tha thứ, chúng ta mới có thể được tháo cởi. Đơn giản bởi Thiên Chúa không thể thô bạo can thiệp vào con tim của chúng ta, và đổ vào đó một điều mà chúng ta chưa muốn.
.....
Không có gì quan trọng cho bằng việc chữa lành và tái xây dựng chính cuộc đời của mình. Nếu phá đổ là một biến cố diễn ra tức khắc, thì tái xây dựng là một tiến trình dài. Nếu tổn thương là một biến cố, thì chữa lành là một tiến trình dài hơn. Chúc bạn đủ can đảm và kiên nhẫn để nhìn lại. Nhờ đó bước chân đi tới của bạn sẽ nhẹ nhàng và thanh thoát hơn, cặp mắt nhìn tới của bạn sẽ trong trẻo và tươi tắn hơn.


Lưu Minh Gian