PDA

View Full Version : Bản Văn Các Bài Ca Trong Thánh Lễ



vũng_nước
09-07-2009, 10:52 PM
Bài thuyết trình của Lm Kim Long ngày 1 tháng 2 năm 1996

Kể từ tháng 4 năm 1975 đến nay, Ủy Ban Thánh Nhạc của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam bị ngưng hoạt động vì tình hình chính trị. Từ lý do đó, đã có nhiều bài hát được dùng trong Phụng Vụ mà không có phép phê chuẩn. Bây giờ, để sửa lại những gì đã sai là một công việc nhiêu khê. Tuy nhiên, Ủy Ban Thánh Nhạc Việt Nam cũng đã bắt đầu công việc: sau 3 thông cáo về thánh nhạc của Ðức Cha Nguyễn văn Hòa, Giám Mục đặc trách về Thánh Nhạc của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam, hai buổi hội thảo đặc biệt về Thánh Nhạc đã được tổ chức. Hội thảo lần 1, về "Bản Văn các bài ca trong Thánh lễ" do Lm.Kim Long thuyết trình ngày 1 tháng 2 năm 96. Hội thảo lần 2 về "Hình Thể Ðối Ca với Thánh vịnh," do Lm. Nguyễn Hưng thuyết trình ngày 21 tháng 5, 96.
Sau đây là nội dung bài thuyết trình của Lm Kim Long.

Hội Thánh luôn đề cao vai trò của thánh nhạc trong phụng vụ, nó là ngôn ngữ, là thành phần thiết yếu của phụng vụ trọng thể. Theo Ðức Piô XII (Thông điệp Qui Luật về Thánh Nhạc), nghệ thuật cao quí và tế nhị này làm tăng thêm vẻ huy hoàng cho việc thờ phượng Chúa và chắc chắn làm cho đời sống thiêng liêng của các tín hữu thêm tiến triển. Ngài giải thích thêm (Số 27, 28 Thông điệp Qui Luật về Thánh Nhạc):

"Nhờ thánh nhạc mà giọng nói của linh mục đang dâng lễ hoặc của cộng đoàn dân Chúa đang chúc tụng Ðấng tối cao được hay hơn, làm cho lời kinh phụng vụ của cộng đoàn Kitô hữu linh động, nhiệt tình hơn... Vinh dự mà Hội Thánh--kết hợp với Ðức Kitô là vị thủ lãnh của mình--dâng lên Thiên Chúa sẽ lớn lao hơn, và tín hữu nhờ thánh ca lôi cuốn sẽ đạt được nhiều kết quả hơn."

Nhưng không phải ở tự bản chất của âm nhạc khi dùng trong phụng vụ có thể đem lại những thành quả đó, mà theo hiến chế phụng vụ của công đồng Vaticanô II (số 112):

"Chính là vì thánh nhạc đi liền với lời kinh, kết thành một phần cần thiết hoặc kiện toàn của phụng vụ trọng thể... Thánh nhạc càng liên kết chặt chẽ với phụng vụ thì càng trở nên một thứ nhạc thánh hơn, vì nó phát biểu lời cầu nguyện cách dịu dàng hơn."

Theo truyền thống của Hội Thánh, thành phần chính yếu của thánh nhạc luôn là "nhạc có lời," nghĩa là nhạc được dùng "để những lời thánh nung nấu lòng đạo đức của tâm hồn chúng ta, sẽ làm tăng thêm lòng thành kính và sốt sắng hơn" (theo Thánh Augustinô). Chính vì thế, mỗi khi các văn kiện của Tòa Thánh có đề cập tới "Thánh nhạc cho quản cầm" thì luôn coi là thành phần thứ yếu của thánh nhạc.

Theo Ðức Piô X, thánh nhạc là thành phần của phụng vụ, phải chung mục đích với phụng vụ là "tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa tín hữu," nhưng để đạt được mục đích cao cả đó, thánh nhạc "phải đáp ứng những biểu hiện tôn giáo đạo đức của lời ca" (Tông thư gởi các đấng bản quyền toàn nước Ý ngày 7-7-1894).

Nói cách khác, theo những qui định của Hội Thánh, nhạc được đưa vào phụng vụ và để phụ diễn cho lời-tức các bản văn phụng vụ-phải lệ thuộc vào lời, "giúp tín hữu thêm sốt sắng vì nhờ đó họ hiểu biết thâm sâu hơn ý nghĩa của văn bản." (Chỉ thị của Bộ Lễ Nghi, ngày 25-9-1884). Vì thế, trong thư phúc đáp của Bộ Phụng Tự gửi cho Ðức Cha Ðặc Trách Thánh Nhạc của HÐGMVN số 3 đã minh xác: "Trước hết, cần phải nhắc lại là bản văn phụng vụ chi phối âm nhạc chứ không phải âm nhạc chi phối bản văn phụng vụ."

Do đó, trong chiều hướng muốn ổn định và thăng tiến nền thánh nhạc Việt Nam, theo ý Hội đồng Giám Mục, Ðức Giám Mục đặc trách Thánh Nhạc muốn dành buổi thuyết trình và hội thảo đầu tiên này cho đề tài: "Bản Văn Các Bài Thánh Ca Trong Thánh Lễ" để những người tha thiết với thánh nhạc có dịp nhìn lại mối bận tâm của Hội Thánh trong việc bảo toàn tính nguyên vẹn của bản văn phụng vụ và phải được hát lên rõ ràng khi cử hành phụng vụ, đồng thời phân biệt những gì là cố định, những gì được thích ứng hay được thay đổi khi dệt nhạc cũng như khi lựa chọn những bài ca để sử dụng trong Thánh Lễ.

I. Bảo Toàn Tính Nguyên Vẹn của Bản Văn Phụng Vụ.

Ðể thấy rõ ý muốn của Hội Thánh trong vấn đề này, chúng ta vắn tắt nhìn lại một số sự kiện, lược qua một vài văn bản sau đây:

1. Cuộc Canh Tân của Ðức Grêgôriô Cả (G.H 590)

Ðể chấm dứt tình trạng quá tự do và thiếu đồng nhất trong việc ca hát, ngài đã cho ấn hành một tuyển tập Thánh Ca Antiphonaire chỉ định những bài ca mà mọi nơi phải dùng khi cử hành phụng vụ. Những bài ca này được viết theo một thể nhạc riêng mà sau này được mang tên Ngài: ca điệu Grêgorien-hay còn gọi là Bình ca.

Khác với nhiều loại nhạc đương thời-tiêu biểu là ca điệu Ambrôsiô thịnh hành ở Milanô, chú ý nhiều tới việc thay đổi tiết tấu và tạo những dòng ca cân đối, Bình ca được chọn lựa vì nó bđáp ứng đúng việc bảo toàn và làm tăng ý nghĩa bản văn:
a. Bình ca xây dựng dòng ca trên một phách cơ bản (temps premier) là hình nốt vuông hay quả chám được qui định tương đương với nốt móc đơn. Như vậy, mỗi vần của tiếng La Tinh đều có một thời gian tối thiểu để phát âm.

b. Việc hình thành các câu nhạc không lệ thuộc sự cân đối giữa các câu, nhưng tùy theo sự dài vắn của bản văn.

c. Toàn bài xây dựng theo một tổng thể duy nhất. Tổng thể này hình thành theo ý nghĩa của bản văn... mỗi chữ, mỗi dấu nhấn đều giữ đúng vai trò của nó theo ý nghĩa bản văn. Ta có thể lấy một thí dụ ngắn sau đây:

http://www.nguoitinhuu.com/phungvu/h1.gif
- Trong câu gồm 3 tiết nhạc:
. tiết nhạc a: Ðỉnh nằm ở chủ từ Dóminus (Chúa)
. tiết nhạc b: Ðỉnh nằm ở Dómino (Chúa Thượng)
. tiết nhạc c: Ðỉnh nằm ở chữ dextrix (bên hữu)

- Ở hai phân câu:
. Phân câu (1): Gồm hai tiết nhạc, nhưng tiết nhạc a quan trọng hơn vì mang chủ từ, nên đỉnh của phân câu nằm ở đó.
. Phân câu (2): Chỉ có một tiết nhạc nên đỉnh của tiết nhạc cũng là đỉnh của phân câu.

- Toàn câu: Chủ từ Dominus (Chúa) vẫn là quan trọng nhất theo bản văn nên đỉnh của nét nhạc của toàn câu vẫn nằm ở đó.

Cũng chính vì thế mà trong thông điệp "Qui Luật Về Thánh Nhạc," khi nói tới Bình ca, Ðức Piô XII đã viết: "Giai điệu (của bình ca) mật thiết hoà hợp với bản văn thánh, chẳng những ăn khớp với ngôn từ cách chặt chẽ mà còn giống như một bản dịch ý nghĩa... làm cho vẻ hấp dẫn của ngôn từ thấm nhập vào tâm hồn người nghe" (số 41).

2. Cuộc Tranh Luận tại Công Ðồng Trentô (1545-1563).

Với việc hình thành và phát triển nhạc đa âm được đón nhận nhiệt tình, các nhạc sĩ vội vã đưa loại nhạc đó vào nhà thờ: Họ thường mượn nhạc đề của những bài ca đời đang được ưa thích để viết những bài thánh ca và dùng luôn tên của những bài ca đó để gọi tên những sáng tác như:

- Bộ lễ O vénus la belle.
- Bộ lễ Adieu mes amours.
- Bộ lễ L'homme armé.

Và vì quá chú trọng tới việc phát triển các bè cho hợp với thị hiếu của quần chúng, lời ca trở thành phụ thuộc và không thể nghe rõ!

Vì thế, ở khóa họp 22 và 23, nhiều nghị phụ đã đề nghị cấm hẳn loại nhạc này vì vừa tục hóa phụng vụ, vừa không đáp ứng đòi hỏi của thánh nhạc, nhưng cũng có nhiều nghị phụ thấy cần phải luận xét kỹ lưỡng hơn, nên Công Ðồng kết thúc với việc ủy cho các Công đồng địa phương quyết định những gì liên quan đến việc cử hành phụng vụ thánh, cách riêng việc ca hát.

Tại Rôma, Ðức Piô IV đã ban hành một tự sắc thành lập một ủy ban có nhiệm vụ lo áp dụng đứng đắn những chỉ thị và hướng dẫn của Công Ðồng. Việc đầu tiên mà ủy ban quan tâm là canh tân việc phụng vụ ở Rôma, ở Nhà Nguyện Giáo Hoàng, từ đó có một mẫu để chính thức qui định áp dụng cho các nơi khác.

Hai vị Hồng Y trong ủy ban đó là Vitellozzi và Bôrômêo đặc biệt quan tâm với thánh nhạc và đề ra hai tiêu chuẩn để cứu xét:

- Nhạc khởi hứng từ nhạc trần tục không thể dùng trong phụng vụ.
- Nhạc đa âm muốn được dùng trong phụng vụ phải nghe rõ được bản văn phụng vụ.

May mắn là tại thời điểm này, Chúa cho xuất hiện một nhân tài: Palestrina (lúc đó đang là ca trưởng của ca đoàn Nhà Nguyện Giáo Hoàng). Ông đã theo đúng đòi hỏi trên và dựa vào khả năng hiếm có của mình để sáng tác những bài thánh ca xứng hợp, nên ngày 19-6-1565, Ðức Piô IV sau khi cùng nhiều vị Hồng Y nghe bộ lễ của Palestrina tại nguyện đường Sixtine đã chấp thuận cho dùng nhạc đa âm trong phụng vụ, vì thấy không pha trộn yếu tố trần tục, nhất là vì đã nghe rõ lời.

3. Thời Phục Hưng.

Với sự phê chuẩn của Tòa Thánh, nhạc đa âm có cơ hội nở rộ, số bè của các bài thánh ca mỗi ngày một tăng tới mức chóng mặt, có bộ lễ của Benevoli đã viết tới 53 bè!

Bên cạnh đó là sự cuốn hút của những hình thể nhạc mới ở bên ngoài khiến cho thánh nhạc lại thêm một lần sa sút. Nhạc trở thành yếu tố chính mà nhiều khi việc cử hành phụng vụ chỉ là cơ hội để người ta trình diễn! Các nhạc sĩ tự ý thêm bớt, thay đổi bản văn cho tiện bề viết nhạc.

Tòa Thánh lại phải liên tục can thiệp. Ta ghi nhận một vài tên tuổi lớn:

a. Ðức Urbanô VIII (1623-1644): Trước tình trạng nói trên, khi vừa lên ngôi giáo hoàng, ngài đã giao cho Bộ Lễ Nghi nghiên cứu hình thành một sắc lệnh, và ngày 21-3-1643, ngài đã ban hành. Ta đặc biệt chú ý tới những câu sau đây:

"Trong nhiều nhà thờ, nhạc sĩ đã dễ dãi cho trình tấu những sáng tác của họ, trong đó thay đổi quá dễ dàng những văn bản Thánh Kinh: cắt ngắn, đảo lộn thứ tự trước sau, làm giảm thiểu hoặc thay đổi hẳn ý nghĩa của bản văn. Thứ nhạc đó không phục vụ việc thờ phượng mà phục vụ chính nó... nó tìm một hiệu quả hơn là một phương tiện... đó là thứ nhạc trái mùa... phải bị Hội Thánh loại boû."

b. Ðức Alexandro VII (1655-1667): Với hiến chế Piae sollecitudinis studio, ban hành ngày 23-4-1667, ngài đã qui định một hình thức pháp chế cho thánh nhạc.

Sau khi phi bác các ca đoàn bất xứng, xa cách các phong tục của Hội Thánh xúc phạm đến Chúa, làm gương mù cho tín hữu, ngài đã: "Tuyên bố hình phạt cho những ai cho trình tấu trong nhà thờ, nhà nguyện... những bài hát mà lời không rút ra trong sách kinh và sách lễ của Hội Thánh."

Ngài cũng ra lệnh phải loại bỏ những sáng tác âm nhạc, những vũ điệu và những thứ nhạc trần tục dám mô phỏng những nét nhạc của Hội Thánh.

Trong thời gian này, nhiều công đồng địa phương như ở Bénévent (1693), Provincial de Naples (1699), Avignon (1725), Tarsagone (1738)... được triệu tập để bàn luận về các vấn đề khác nhau liên quan đến thánh nhạc. Ðiểm quan tâm chung của các Công Ðồng là làm sao bảo đảm sự thánh thiện và hoàn mỹ của lễ nghi phụng vụ hầu có thể thánh hóa các tâm hồn, làm sao để các lời kinh nguyện được mang trên cánh của âm nhạc bay tới Thiên Chúa.

c. Ðức Bênêdictô XIV: Ðây là vị giáo hoàng hiểu rộng, minh mẫn, hoạt động hữu hiệu cho một cuộc cải cách sâu rộng trong Hội Thánh. Riêng về mặt thánh nhạc, ta có thể kể tới:

- Hiến chế Ad millitantes (30-3-1742): nhắc lại và buộc áp dụng sắc lệnh của khóa XXII, Công Ðồng Trentô.

- Hiến chế Cum super (19-8-1744): đặc biệt nhấn mạnh tới việc hát Thánh vịnh khi tham dự phụng vụ thánh đối với mọi thành phần.

Nhưng quan trọng hơn cả là:

- Thông điệp Annus qui (19-2-1749) là tài liệu quan trọng về qui luật của Hội Thánh đối với thánh nhạc. Thông điệp gồm 15 đoạn, đề cập tới nhiều khía cạnh, trong đó, liên quan tới vấn đề bản văn, ta cần ghi nhớ:

- Ðoạn 9: Nhắc nhở việc dùng nhạc trong phụng vụ phải giúp giáo hữu hiểu được lời và thúc đẩy tâm tình đạo đức. Ngài viết:
"Thánh Augustinô đã khóc vì xúc động khi nghe những lời kinh của Hội Thánh được hát lên du dương... Nhưng nếu vị Giám mục Hippone ở thời chúng ta, phải còn khóc hơn nữa, không phải vì xúc động nhưng vì đau đớn bởi nghe nhạc mà không rõ lời!"

- Ðoạn 12: khi đề cập tới các nhạc cụ, Ngài xác định:
"Nhạc cụ dùng trong nhà thờ là để nâng đỡ tiếng hát, thúc đẩy tâm hồn phát khởi những tâm tình đạo hạnh hướng về sự thánh và gia tăng trong ta tình yêu Thiên Chúa. Do đó, nếu nhạc cụ phủ lấp tiếng hát, khiến không nghe rõ tiếng hát thì phải cấm đi, vì nó không có ích gì nữa."

Với Thông điệp Annus qui, thánh nhạc có bước tiến triển khả quan. Nhưng cuộc canh tân chưa hoàn thành, vì còn nhiều lạm dụng thêm vào đó là những ảnh hưởng mạnh mẽ của nhạc thế tục khiến thánh nhạc mỗi ngày một mất đi tính cách thánh thiện truyền thống lâu đời của Hội Thánh qui định. Có thể nói khi Ðức Piô IX đăng quang thì thánh nhạc rơi vào tình trạng sa sút hoàn toàn. Khắp nơi trông đợi một cuộc canh tân mới.

d. Ðức Piô X: Ngay khi còn là Hồng Y Giáo chủ Venise, trong thư mục vụ ngày 19-3-1895, ngài đã đề cập tới thánh nhạc và đề cao Bình ca (theo trường phái Solesmes) như một điểm tựa canh tân nhạc phụng vụ. Ngay khi lên ngôi giáo hoàng, ngài đã công bố tự sắc Trale Sollecitudini (22-11-1903) để mở đầu một cuộc canh tân sâu rộng. Tự sắc gồm 29 tiết (9 phân đoạn) này, cho đến nay vẫn được coi là Qui luật Hội Thánh về Thánh Nhạc, đặc biệt là xác định mục đích của thánh nhạc: Tôn vinh Thiên Chúa, thánh hóa tín hữu, và đề ra 3 đặc tính phải có: thánh thiện, hình thức hoàn mỹ (nghệ thuật đích thực) và phổ quát tính.

Liên quan đến bản văn phụng vụ, ta cần chú ý:

- Tiết 8: Khi phổ nhạc các bản văn phụng vụ, phải giữ nguyên như đã ấn định cho mỗi cử hành phụng vụ, không được đảo lộn hay thêm thắt vào trật tự này. Cũng không được tùy tiện thay thế bản văn đã ấn định bằng bản văn khác, cũng không được bỏ bớt một bài hoặc một phần bài nào.

- Tiết 9: Bản văn phụng vụ phải được hát lên nguyên như đã in trong sách, không thay đổi, không ghi chú, diễn nghĩa thêm, không lập lại khi không đáng lập lại, không ngắt rời các vần và phải luôn giúp cho giáo dân dễ hiểu khi nghe.

Cũng chính vì muốn giáo dân nghe rõ và hiểu ý nghĩa bản văn, nên ở đoạn VI, khi nói về quản cầm và các nhạc cụ khác, ngài xác định:

- tiếng hát chiếm địa vị chính trong giáo đường (tiết 15).
- quản cầm hay các nhạc cụ khác chỉ là đệm theo, không bao giờ được lấn át tiếng hát (tiết 16).

Với tự sắc của Ðức Piô X, một cuộc canh tân sâu rộng về thánh nhạc được toàn thể Hội Thánh thực hiện. Công việc này vẫn tiếp tục qua triều giáo hoàng của Ðức Piô XI và Piô XII. Ðặc biệt là Ðức Piô XII, ngài đã công bố Thông Ðiệp Qui Luật về Thánh Nhạc (25-12-1955) và sau đó phê chuẩn Huấn Dụ về Thánh Nhạc (3-9-1958) của Thánh Bộ Lễ Nghi. Hai tài liệu tiếp tục đi vào chi tiết những gì cần phải thi hành để cuộc cải cách của Ðức Piô XII mỗi ngày thêm sâu rộng và có hiệu quả.

Liên quan đến bản văn các bài thánh ca, ta cần lưu ý tới:

- Số 55 (của Thông Ðiệp): Khi đề cập tới các bài đa âm, Ðức Piô XII nhắc nhở:
"Phải hết sức thận trọng và kỹ lưỡng, không đem vào thánh đường những bài hát đa âm mà thể nhạc khoa trương rườm rà, sẽ làm cho những lời ý nhị của bản văn phụng vụ bị tối nghĩa vì quá dài dòng."

- Số 21 (của Huấn Dụ): "Tuyệt đối cấm đổi thứ tự bản văn, biến tính chúng... hoặc bỏ những lời đọc hay lập lại không thích hợp. Những bài hát đa âm phải làm cho người nghe thấu hiểu minh bạch và rõ ràng mọi lời của bản văn... Trong mọi cử hành phụng vụ, triệt để cấm bỏ tất cả hay một phần bản văn phụng vuï."

e. Công Ðồng Vatican II: Cuộc canh tân phụng vụ của Công Ðồng Vatican II dẫn tới cuộc canh tân về thánh nhạc, nhất là với việc cho phép dùng thường ngữ (tiếng địa phương) trong phụng vụ. Nhưng riêng về thánh nhạc, cuộc canh tân vẫn xây dựng trên hai đặc tính căn bản mà Ðức Piô X đã đề ra: Thánh thiện và hình thức hoàn mỹ (đặc tính thứ ba-phổ quát tính-không được nhắc tới vì tôn trọng những đặc tính riêng biệt của mỗi ngôn ngữ, đồng thời Hội Thánh muốn tôn trọng và khuyến khích phát triển truyền thống âm nhạc của dân tộc. Số 119, Hiến Chế Phụng Vụ).

Hiến Chế Phụng Vụ (4-12-1953). Chương VI của Công Ðồng, Huấn Thị Thứ Ba để thi hành đúng hiến chế Phụng Vụ (5-11-1970) và nhất là Huấn thị về Thánh Nhạc trong Phụng Vụ (5-3-1967) của Bộ Lễ Nghi, qui định chi tiết những gì có liên quan tới thánh nhạc.

Việc bảo quản sự nguyên vẹn các lễ nghi phụng vụ và đặc biệt là bản văn phụng vụ cũng được nhấn mạnh.

- Tuyệt đối không một ai, ngoại trừ Hội Ðồng Giám Mục-dù đó là linh mục-được tự ý thêm bớt hay thay đổi bất cứ một điều gì trong phụng vụ (Hiến Chế Phụng Vụ, số 22).

- Các bản văn phụng vụ do Hội Thánh soạn thảo cần phải được xử dụng một cách kính cẩn, vì thế không ai được tự ý hủy bỏ, bày đặt thêm bớt hay thay đổi gì (Huấn Thị Thứ Ba, điều 3).

Nhìn khái quát một số văn kiện nói trên, hẳn mọi người chúng ta đều thấy rõ sự quan tâm của Hội Thánh trong việc bảo toàn bản văn phụng vụ khi được dệt nhạc. Dù đề cao vai trò của âm nhạc trong phụng vụ như là thành phần cần thiết của phụng vụ trọng thể, hay như Huấn Thị về Thánh Nhạc trong Phụng Vụ xác nhận: "Khi cử hành có kèm theo ca hát, lễ nghi, Phụng Vụ sẽ mang hình thức cao quí hơn... Dưới hình thức đó, lời cầu nguyện được diễn tả thâm thúy hơn, mầu nhiệm phụng vụ được biểu lộ rõ ràng hơn, lòng mọi người hợp nhất với nhau hơn (nhờ cất chung giọng hát), tinh thần mỗi người dễ dàng nâng cao hơn (nhờ vẻ đẹp của âm thanh lôi cuốn)" (số 5).

Hội Thánh luôn nêu lý do chính là thánh nhạc phải đi liền với lời kinh phụng vụ. Bởi đó ta cần tìm hiểu và phân tích đôi điều về bản văn phụng vụ, đặc biệt những bản văn của Thánh Lễ có liên quan đến việc ca hát, để thể hiện đúng ý Hội Thánh khi dệt nhạc cũng như khi chọn lựa các bài ca dùng khi cử hành Thánh Lễ.

II. Phân Loại Các Bản Văn Phụng Vụ Thánh Lễ

(có liên quan tới việc ca hát)

Xét theo việc xử dụng các bản văn Phụng Vụ Thánh lễ có liên quan đến việc ca hát, ta có thể phân biệt thành 3 loại:

1. Bản Văn Cố Ðịnh:

Tức là những bản văn phải được giữ nguyên vẹn như đã ấn hành do HÐGM chuẩn nhận và được Tòa Thánh chuẩn phê.

Huấn Thị Thứ Ba (số 3) viết: "Riêng đối với Nghi Thức Thánh Lễ phải được đặc biệt tôn trọng. Trong các bản dịch chính thức, tuyệt đối cấm thay đổi các công thức trong Nghi Thức dù với lý do phải thay đổi để dễ dệt nhạc."

Ðể hiểu chi tiết hơn phán quyết trên, có thể căn cứ vào thư của Thánh Bộ Phụng Tự số 3 gửi cho Ðức Cha Ðặc trách Thánh Nhạc của HÐGMVN đề ngày 8-2-1994:

"Trong những bản văn liên quan tới ca hát, phải đặc biệt chú ý tới những bản văn liên hệ tới trọng tâm của việc cử hành Phụng Vụ như:

- những kinh nguyện dành cho linh mục (các lời nguyện, kinh nguyện Thánh Thể)

- những câu xướng-đáp giữa linh mục, hoặc phó tế với cộng đoàn (trong các kinh nguyện Thánh Thể, Sanctus, lời tung hô tưởng niệm sau truyền phép).

- những bản văn Thánh Kinh hay Phụng Vụ đã có truyền thống lâu đời (kinh Vinh Danh, Lạy Chiên Thiên Chúa...).
Tất cả các bản văn đó phải được dịch cách trung thực và sẽ dệt nhạc trên các bản văn đó không được thay đổi gì."

Tưởng cũng cần lưu ý về một vài "phép rộng" được một số văn kiện đề cập tới:

a. Theo Huấn Thị về Thánh Nhạc Trong Phụng Vụ (số 55): đấng bản quyền địa phương, hiểu là Ðức Giám Mục giáo phận có nhiệm vụ quyết định một số bản văn bằng tiếng bản quốc có tính cách cổ truyền, có kèm theo cung điệu được dùng trong phụng vụ, dù bản văn đó có đôi chút dị biệt với bản văn chính thức.

b. Theo văn bản "Hướng dẫn về Thánh Lễ cho trẻ em" (số 31): đấng bản quyền có thể chấp thuận cho dùng những bản nhạc hợp với cách diễn tấu cổ truyền để các em dễ tham dự vào việc hát các kinh Thương xót, Vinh danh... dù không theo đúng hoàn toàn bản văn chính thức.

Xin nhấn mạnh: hai đặc ân này thuộc thẩm quyền của Ðức Giám Mục giáo phận.

c. Theo thư của Thánh Bộ Phụng Tự gửi Ðức Cha Ðặc trách Thánh Nhạc của HÐGMVN (số 2c): trường hợp các bản văn phụng vụ được duyệt xét lại, có thể tiếp tục dùng các bài hát phụng vụ đã được chuẩn nhận cho tới khi HÐGM có quyết định thể khác (thí dụ khi HÐGMVN có dùng phần nghi thức Thánh Lễ trong sách Rôma mới ấn hành, ta vẫn tiếp tục được dùng bộ lễ Seraphim của Ðức Cha Nguyễn Văn Hoà).

Trong phần thảo luận về đề mục này, xin quí tham dự viên góp ý và bày tỏ quan điểm của mình để xin Ðức Cha Ðặc tránh có thể đưa ra quyết định về:

- Các bộ lễ không theo đúng bản dịch của sách lễ Rôma (thí dụ: "Lạy Chúa xin dủ tình...")

- Lời tung hô tưởng niệm sau khi truyền phép với lời tự dịch. Thí dụ: "Con tuyên xưng Chúa đã chết đi...," hoặc dùng bài Christus Vincit (Giêsu Chiến Thắng) hay Bài ca Niềm Vui dịch từ Symphony IX của Beethoven để thay thế.

2. Bản Văn Ðược Phép Thích Nghi:

Tức là những bản văn Hội Thánh cho phép thay đổi từ ngữ, sửa lại cách đặt câu, đảo thứ tự ngôn ngữ, có dáng vẻ thi ca để dệt nhạc miễn là vẫn giữ đúng ý nghĩa của bản văn, như xác định trong thư Thánh Bộ Lễ Nghi gởi Ðc Ðặc Trách Thánh Nhạc, có tham chiếu huấn thị về Thánh Nhạc Trong Phụng Vụ (số 32-36) và huấn thị Comme Le Prévoit (Số 36).

Loại này gồm:

a. Ca Nhập Lễ - Ca Hiệp Lễ (ca Dâng Lễ không dịch để in trong sách lễ Rôma vì nếu không hát thì bỏ, không phải đọc).
Tưởng cũng nên lưu ý điều mà thông cáo số 3 về thánh nhạc do Ðc Ðặc Trách Thánh Nhạc ký ngày 30-8-1994: "Ca Nhập Lễ và ca Hiệp Lễ in trong sách lễ Rôma hiện có, mới chỉ là đối ca. Ðể là một bài hát đầy đủ, cần phải thêm vào đó các câu Thánh Vịnh (thường là cùng Thánh Vịnh với đối ca có sẵn. Riêng ca Hiệp Lễ, Ordo Cantus Missae có ghi rõ số câu Thánh Vịnh cần xử dụng) được dùng như tiểu khúc để hát với đối ca."

b. Ðáp Ca:
Bản văn Ðáp Ca trong sách Bài Ðọc vẫn xử dụng như bản dịch Thánh Vịnh dùng trong các giờ kinh phụng vụ chỉ đáp ứng nhu cầu để đọc, nên muốn dệt nhạc, dù với hình thức "Ngâm Thánh Vịnh" (Psalmodier) giản đơn đi nữa cũng phải thích ứng. Vì các bài dịch nói trên không theo một tiêu chuẩn nào của việc ca hát, nhất là khi muốn hát các câu với cùng một điệu nhạc.
Dĩ nhiên, những bài ca loại này cần được Ðấng Bản Quyền chuẩn nhận trước khi đem dùng trong phụng vụ.

3. Bản Văn Ðược Thay Thế

Huấn thị về Thánh Nhạc Trong Phụng Vụ (số 32) dành cho các Ðấng Bản Quyền địa phương quyền quyết đoán cho dùng các bài ca khác để thay thế những bài Nhập Lễ, ca Dâng Lễ và ca Hiệp Lễ in trong sách hát lễ Rôma Graduale miễn là những bài đó hợp với:

- phần Thánh Lễ
- Ngày lễ
- Mùa Phụng Vụ

Và các Ðấng Bản Quyền cần chuẩn nhận bản văn của những bài ca đó. Ðiều này đã được áp dụng hợp pháp tại Việt Nam do Thông Cáo số 2 và số 3 về Thánh Nhạc đã được HÐGM thông qua trước khi Ðc Ðặc Trách ký ban hành.
Việc thay thế bản văn Ðáp Ca có qui định riêng: vì là thành phần phụng vụ Lời Chúa, nên đáp ca không được phép thay thế bằng những bài ca mà bản văn tự sáng tác.

Nhưng để giáo dân dễ dàng tham dự vào việc hát Ðáp Ca, Qui Chế Tổng Quát sách lễ Rôma (số 36) cho dùng một số bản văn Ðáp Ca và Thánh Vịnh đã được chọn cho từng mùa trong năm, hoặc cho từng loại Thánh Lễ để hát thay thế bản văn hợp với bài đọc liên hệ.
Sách Lectionarium I - 1970 trang 861 có in sẵn 10 câu Ðáp Ca và một số Thánh Vịnh dùng cho cả năm. Ta có thể tham chiếu để xử dụng.

Ngoài ra Thánh Vịnh Ðáp Ca có thể được thay thế bằng Tractus (Thánh Vịnh hát liên tục) hoặc Graduale (Ca Tiến Cấp) có in sẵn trong sách hát lễ Rôma.

Trong đề mục Bản Văn Ðược Thay Thế này, xin quí tham dự viên góp ý về một vấn đề được ghi trong thông cáo 58/88 của Tòa Tổng Giám Mục giáo phận TP HCM, ngày 29-9-1988: "Trong thực tế hát Kinh Tin Kính thì quá dài, chúng ta có thể thay thế bằng công thức tuyên xưng đức tin mà không trái với tinh thần phụng vụ của Hội Thánh."

Chúng tôi đã cố gắng tra cứu tài liệu, nhưng không thấy văn bản nào cho phép thay thế như vậy.

Có sự kiện là trong đêm canh thức Phục Sinh, cũng như khi cử hành bí tích Rửa Tội hoặc Thêm Sức trong Thánh Lễ, vì đã dùng công thức hỏi đáp gồm 3 lần thưa "từ bỏ" và 3 lần thưa "con tin" rồi nên nếu Thánh Lễ cử hành cùng ngày, phần đọc kinh Tin Kính cũng không được đọc nữa.

Cũng như việc xức tro là nghi thức của Thứ Tư Lễ Tro biểu lộ tâm tình ăn năn sám hối nên Thánh Lễ cử hành tiếp đó bỏ phần "nghi thức sám hối." Còn việc các ngày thường trong tuần bát nhật Phục Sinh, sách lễ Rôma ghi "không đọc kinh Tin Kính" nên Enchiridion số 1439-khi trả lời câu hỏi có đọc kinh Tin Kính trong những ngày này không-đã viết là có thể đọc kinh Tin Kính khi cử hành long trọng, chứ không hề nói tới việc thay thế như được nêu ra ở đây.

Khi chọn những bài hát để thay thế Ca Nhập Lễ, Ca Dâng Lễ và Ca Hiệp Lễ, nên nhớ 2 điểm quan trọng mà Thông Cáo số 2 và số 3 về Thánh Nhạc đã lưu ý:

a. Những bài hát này phải được HÐGM hoặc ít là Ðức Giám Mục giáo phận chuẩn nhận.

b. Lời ca của những bài hát này phải đạt 2 tiêu chuẩn:

*Ðúng: xét theo:

- nội dung: đây là yếu tố quan trọng nhất, cần lưu tâm.
- hình thức: đúng trong từ ngữ xử dụng trong cách đặt câu, đúng văn phạm, hợp với sự trang nghiêm của lễ nghi phụng vụ, và sự thánh thiện của nhà Chúa.

Chỉ thị của Thánh Bộ Lễ Nghi (số 3) ban hành ngày 25-9-1884 có viết: "Lời của những bài thánh ca phải rút ra từ Kinh Thánh, sách nguyện, sách lễ, những thánh thi của Thánh Tôma hay những thánh thi hoặc lời kinh đã được Hội Thánh châu phê."

Hiến Chế Phụng Vụ (số 121) cũng căn dặn: "Lời văn dùng trong thánh nhạc phải đúng với Giáo Lý Công Giáo, và quí nhất là được rút ra từ Kinh Thánh hoặc lời kinh Phụng Vụ."

*Hay: xét về:

- nội dung: đó chính là những tư tưởng khơi nguồn từ Thánh Kinh và Phụng Vụ, thôi thúc lòng sốt sắng của người nghe đạt tới những tâm tình đạo đức thâm sâu.

- hình thức: có giá trị văn chương, giàu chất thi ca, hình ảnh, từ ngữ, cách gieo vần... để sánh đôi cùng âm nhạc, tránh những sáo ngữ, những kiểu nói mơ mộng, vẩn vơ, chỉ thích hợp với trần đời.

Có thể trích dẫn ở đây lời Ðức Phaolô VI trong bài diễn văn đọc trước Ðại Hội Thánh Nhạc của các nữ tu, tổ chức tại Rôma 1973:

"Phải dứt khoát loại bỏ những từ ngữ, những câu văn không mang lại vinh dự cho thánh ca, cho thể loại ngôn ngữ, và trong vài trường hợp, chúng còn trở nên thô thiển, quê mùa hoặc tương tự như những quảng cáo tuyên truyền hơn là những lời cầu nguyện."

Thời lượng của một buổi thuyết trình không cho phép kéo dài hơn nữa để có thể trích dẫn thêm nhiều văn kiện hoặc đi sâu vào một số chi tiết của từng vấn đề. Nhưng thiết tưởng qua những gì đã trình bày, có thể còn thiếu sót hoặc chưa rõ ràng -do khả năng hữu hạn của kẻ phải vâng lời Ðc Ðặc Trách Thánh Nhạc, đảm nhiệm việc thuyết trình-cũng đủ để quí tham dự viên rõ mối bận tâm của Hội Thánh trong việc bảo toàn sự nguyên vẹn của bản văn Phụng Vụ, đồng thời phân biệt được từng loại bản văn và có cơ sở để đánh giá hầu xử dụng cho phù hợp với qui định của Hội Thánh.

Phần Hội Thảo

I. Về Bộ Lễ (Missa)

Chúng ta phải có thái độ nào đối với những bộ lễ sáng tác không theo sát bản dịch đã được HÐGMVN chấp thuận?
Một số tham dự viên nêu lên thực trạng về việc xử dụng các bộ lễ tại các giáo xứ và cộng đoàn dòng tu từ trước đến nay (Chị Lam Hồng dòng Con Ðức Mẹ Vô Nhiễm, cô Kim Mai xứ Sao Mai, Cha Oanh Sông Lam giáo phận Kontum, Cha Thục giáo xứ Tân Việt):

1. Hầu hết các ca trưởng, ca viên thuộc các ca đoàn giáo xứ và ngay cả một số cộng đoàn dòng tu không biết rằng chỉ được dùng những bộ lễ sáng tác theo bản dịch đã được HÐGM chấp thuận và giáo quyền chuẩn ấn.

2. Cũng có những người hiểu biết, nhưng vẫn cứ cố tình dùng những bộ lễ với bản văn không chính thức, nhiều khi lại là bản văn khác hẳn với bản văn được phép dùng. Những người này viện lý do những bộ lễ này nghe hay hơn, trẻ hơn, ngắn gọn hơn, thu hút giới trẻ đến nhà thờ nhiều hơn.

3. Một số người cảm thấy việc dùng những bộ lễ mới cách bừa bãi là không ổn, là sai, nhưng lại không biết phải căn cứ vào những chứng từ nào của Giáo Hội để thuyết phục và sửa sai cho những người xử dụng những bộ lễ đó.

4. Hiện nay có quá ít những bộ lễ được phép dùng, đề nghị các nhạc sĩ sáng tác thêm nhiều bộ lễ để các nơi có thể lựa chọn, thay đổi trong các Thánh Lễ.

Cha Kim Long: Ðối với đề nghị này, hiện nay chúng ta còn phải chờ một bản dịch mới và chính thức. Các nhạc sĩ nên nghiên cứu bản dịch mới xem có những gì khó khăn cho việc dệt nhạc, đồng thời cũng nên đưa ra những nhận xét và đề nghị cụ thể, sau đó gởi về ban Thánh Nhạc để tôi đúc kết thành văn bản gởi cho ban Phụng Tự. Những ý kiến này sẽ giúp ban Phụng Tự hoàn thiện bản dịch mới để trình lên HÐGM xem xét.

Góp ý của Ðức Cha Hoà về bản dịch bộ lễ mới:

a. Kinh Sanctus: trước đây ba chữ Thánh, Thánh, Thánh với ba âm sắc liền nhau đã làm cho việc dệt nhạc trở nên khó khăn, bản dịch mới lại thêm chữ Chí Thánh, nghĩa là bốn âm sắc liền nhau, việc dệt nhạc xem ra còn khó khăn hơn nữa. Ðề nghị ban Phụng Tự nghiên cứu để có ít dấu sắc hơn khi dịch ba chữ Sanctus.

b. Kinh Credo: câu "Người cùng được phụng thờ và tôn vinh với Ðức Chúa Cha" gồm 6 âm trầm liền nhau nên rất khó đọc mà cũng thật khó dệt nhạc. Cộng đoàn thường có khuynh hướng đổi chữ "cùng" thành chữ "cũng."

Theo định luật về âm thanh thì có sự thu hút, lôi kéo giữa các âm thanh với nhau. Một loạt âm thanh trầm theo nhau luôn luôn bị thu hút bởi âm thanh cao hơn. Nên khi đọc 6 âm trầm của câu trên, một âm thanh cao hơn đã lôi kéo cộng đoàn đổi chữ "cùng" thành chữ "cũng" mà không cách nào có thể sửa được.

Ðể cho việc đọc và dệt nhạc dễ dàng hơn, đề nghị ban Dịch Thuật xem xét dịch câu trên sao cho có được những âm bổng chen giữa những âm trầm. Thí dụ có thể dịch: "Người được phụng thờ và tôn vinh cùng với Ðức Chúa Cha." Xin các nhà thần học xem có được không?

Ý kiến của Cha Trần Phúc Nhân về câu hỏi của Ðức Cha:

Có thành viên trong ban phiên dịch đã đề nghị câu giống như câu của Ðức Cha. Tuy nhiên việc bảo đảm đúng ý nghĩa thần học quan trọng hơn. Trong câu "simul adoratur et conglorificatur," chữ "cùng" phải đi trước mới chắc chắn về ý nghĩa thần học và tín lý.

II. Về Câu Tuyên Xưng Sau Truyền Phép

Theo sách lễ Rôma, chúng ta có 3 công thức tuyên xưng sau truyền phép. Thế nhưng, hiện nay nhiều giáo xứ, cộng đoàn lại tùy tiện dùng các câu tuyên xưng khác như:

- Có nơi đặt lời vào Symphony IX của Beethoven: "Kitô vua chiến thắng vinh quang."
- Có nơi tuyên xưng sai: "Con tuyên xưng Chúa đã chết đi..."

Vấn đề này được giải quyết như thế nào cho đúng với phụng vụ?

Cha Ðỗ Xuân Quế: Không được phép dùng những câu tuyên xưng ngoài sách lễ Rôma. Một số nhạc sĩ như Cha Kim Long, Cha Hoàng Kim, Cha Nguyên Hữu, NS Cát Minh đã dệt nhạc theo bản văn của sách lễ Rôma, chúng ta có thể xử dụng những bài này.

III. Những Ý Kiến Khác

Cha Trần Phúc Nhân:

- Ngay chính những thành viên của ban phiên dịch của Ủy ban Phụng Tự cũng chưa hài lòng về bản dịch mới của sách lễ, vì diễn tả thật đúng ý nghĩa bản văn phụng vụ bằng văn chương Việt Nam một cách xuôi xắn là điều không đơn giản. Thí dụ kinh Lạy Cha trong sách lễ mới cũng không được sự đồng ý hoàn toàn của mọi thành viên trong ban phiên dịch. Vì vậy, sự góp ý của nhiều người trong giai đoạn này cho bản dịch mới cũng là điều cần thiết.

- Các huấn thị, văn kiện của Tòa Thánh về Phụng Vụ và Thánh Nhạc quá nhiều đến nỗi nếu không phải là nhà chuyên môn thì khó lòng mà hiểu cho thấu đáo. Ðàng khác, những thông cáo, chỉ dụ cụ thể hơn, đơn giản hơn từ các toà giám mục, từ các ban thánh nhạc lại không được phổ biến rộng rãi đến một số giáo phận và tới tay những đối tượng cần thiết. Có trường hợp những văn thư này được gởi tới một giáo xứ nào đó để rồi nằm luôn trong ngăn tủ của cha xứ!

- Từ hơn 20 năm nay, vì hoàn cảnh nên các đức cha không thể cho phép "imprimatur" chính thức những sách nhạc in "chui," nên đã xảy ra tình trạng xuất hiện rất nhiều bản nhạc với lời ca không xuất phát từ Thánh Kinh và không thích hợp với phụng vụ. Các nhạc sĩ sau khi sáng tác thường quên luôn việc xin kiểm duyệt của giáo quyền trước khi in ấn phổ biến. Sau đó những tập nhạc này đến tay các ca trưởng và người trông coi việc ca hát trong cộng đoàn. Sau hết là việc lựa chọn để xử dụng lại chỉ tùy thuộc vào cảm tình không theo đúng đường lối và yêu cầu của phụng vụ.

- Ðể Thánh Lễ mang tính long trọng, cần thiết phải có những cung hát của chủ tế cho các câu đối đáp với giáo dân, Phúc âm, kinh Tiền tụng... mà ngày xưa gọi là "lễ hát." Ðây là phần mà Thánh nhạc Việt Nam còn thiếu.

Cha Trần Văn Hiến Minh:

Ðể có được nền thánh nhạc thích hợp với chủ trương của Giáo Hội, cần chú trọng đến việc giáo dục cho hai đối tượng:

- Các nhạc sĩ cần được học hỏi nhiều mặt như Kinh Thánh, Thần học, Phụng Vụ...
- Các ca trưởng và ca đoàn cũng cần được phổ biến những kiến thức về phụng vụ và thánh nhạc. Chính những kiến thức này sẽ hướng dẫn họ trong cách lựa chọn và cử hành những bài ca phụng vụ.

Ðức Cha Hoà:

So với các nước vùng Á châu, Thánh nhạc Việt Nam xem ra có vẻ phong phú hơn về phương diện số lượng: nhiều người sáng tác hơn và số tác phẩm cũng nhiều hơn. Tuy nhiên đó mới chỉ là số lượng. Về chất lượng, hiện nay các nhạc sĩ và ca trưởng cần phải được trang bị thêm những kỹ thuật sáng tác, cần nhất là những hiểu biết về phụng vụ và đường hướng đúng đắn mà Giáo Hội đã dạy dỗ chúng ta qua các văn kiện về thánh nhạc.

IV. Ðúc Kết

1. Từ những ý kiến đóng góp, mọi người đã biểu quyết đồng ý với linh mục Kim Long về việc xử dụng những bài ca có bản văn cố định trong Thánh Lễ, như bộ Lễ, câu tuyên xưng sau truyền phép, kinh Lạy Cha: "Chỉ được phép xử dụng những sáng tác theo bản dịch của HÐGM đã được Tòa Thánh châu phê" (Cho đến nay, bản văn chính thức vẫn là bản văn cũ).

Với nghị quyết trên, đề nghị Ðức Cha ra thông cáo cụ thể và ban Thánh Nhạc tìm cách phổ biến rộng rãi cho mọi người biết để thực hiện nghiêm chỉnh.

2. Một số đề tài đã được đề nghị thảo luận:

- Các hình thể thánh ca phụng vụ.
- Ðệm đàn cho các bài thánh ca trong phụng vụ.
- Thảo luận về việc phát hành một tuyển tập thánh ca cho cả nước.
Ban Thánh Nhạc sẽ cân nhắc để chọn đề tài thảo luận và thông báo sau.

3. Về thời điểm các buổi thảo luận

Tất cả đã đồng ý gặp nhau để học hỏi thảo luận theo định kỳ 3 tháng một lần.

Ðề nghị ban Thánh Nhạc tìm cách tổ chức những cuộc thảo luận với thời gian dài hơn, có thể kéo dài trong nhiều ngày liên tiếp, vì một lần đi tham dự rất khó khăn cho những người ở tỉnh xa, nhất là các tỉnh phía bắc.

(Ghi lại theo biên bản hội thảo)

Phương Trình

nguồn: http://www.nguoitinhuu.com/phungvu/