PDA

View Full Version : VÒNG GAI VÀ NỤ HÔN



peter_mau
10-07-2009, 05:44 PM
VÒNG GAI và NỤ HÔN

Ðưa chân vào đời là vô bờ những tiếng gọi đi về tương lai. Mỗi bước chân là một lựa chọn định hướng. Lối nào cũng là lời mời gọi thiết tha. Có lối đi êm đềm của hạnh phúc lứa đôi. Cũng có tiếng gọi về một cuối đồi trải dài nẻo đường lý tưởng. Ðó là lối đi của thập giá, là bước chân Ðức Kitô. Trong lối đi ấy, hồn Ðức Kitô như một cánh diều đong gió, thênh thang, thản nhiên cõi đời.
Người thanh niên nhìn về tương lai với hai nẻo đường đi, giữa cõi trời dệt mộng và lối đi nghệ sĩ như cánh diều của thập giá. Chàng chọn con đường thứ hai. Chàng yêu những chân trời nắng dội. Chàng thích những bình minh lên đường. Chàng mơ một ngày gặp Ðức Kitô để muốn một đời phiêu lưu với Ngài.

* * *
Ðức Kitô đang đi tìm những tâm hồn nghệ sĩ. Thế là họ gặp nhau. Rồi từ đó, họ rong chơi trong vũ trụ. Qua núi. Qua đồi. Có những quãng đời nắng bụi chân trần, nhễ nhãi mồ hôi nhưng mà họ vui biết bao. Ðức Kitô dậy người học trò của mình về vương quốc của Cha Ngài. Ngài bảo vương quốc ấy không có hàng rào chia ranh giới, không có đạo quân canh giữ, vương quốc là một bữa tiệc, là một luân vũ hân hoan. Rất vui. Ai vào cũng được, tuy nhiên có điều muốn luân vũ hân hoan thì họ phải tự do, phải như gió rong chơi bốn mùa, phải như mây tan ra, vì thế họ phải từ bỏ nhiều lắm.
Ðức Kitô chuẩn bị cho người học trò của mình mai sau tiếp nối bước chân trần trên cát nên Ngài đem người học trò qua tất cả mọi nẻo đường cuộc đời. Lối dạy của Ngài rất lạ. Có những chiều hôm nắng quái, để dạy cho trò về sự sống, Ngài chọn nghĩa trang im lặng. Hai Thầy trò bên ven rừng hoang vu. Giữa những ngôi mộ đã nghìn thu im tiếng mà Ngài cứ say sưa giảng: Ðó là sự sống! Ðó là sự sống!
Ðể thấy vũ trụ xôn xao, để hiểu thế nào là âm nhạc, người học trò phải vất vả theo Ngài cả một ngày dài, sau cùng Ngài dẫn vào sa mạc. Ðêm về, trăng lên. Vằng vặc không một bóng người. Lặng lẽ quá đỗi. Chỉ có mênh mông. Không một âm thanh mà Ngài chìm vào một hòa tấu như cả vũ trụ đang khiêu vũ rồi Ngài say sưa nói với học trò: Ðó là âm nhạc! Ðó là đàn ca!
Ngược theo những vạt nắng. Xuôi về những bến sông. Một lần ngang qua phố chiều, Ngài cho người học trò nhìn thấy tất cả tiền bạc giấu kín trong bao. Vàng bạc ngời sáng làm người học trò không biết nhìn nơi đâu. Chung quanh là tiền rừng bạc bể mà Ngài lại hỏi người học trò: Con thấy không, đâu là sự tự do, con thấy không, họ nghèo túng quá!
Có lần người học trò hãnh diện chỉ vào đền đài: "Kìa, Thầy nhìn xem vinh quang của Giáo Hội ta." Ðức Kitô hỏi người học trò: "Con muốn vào ở trong đó hay con muốn đi với Thầy?" Người học trò không hiểu. Ðức Kitô nói tiếp: "Con muốn nhà tù hay tự do". Người học trò chẳng hiểu. Ngài bảo người học trò: "Thôi đi con ạ." Cả hai lại tiếp tục lên đường. Ở đằng trước mặt, con đường vẫn còn hun hút chưa thấy nơi tới....

* * *
Ði qua phố núi. Về qua chợ chiều. Rong ruổi trong đời đã là bao năm. Lên những bình minh rực rỡ. Xuống những mưa rầm rì. Rồi cũng đến ngày Thầy trò chia tay. Ðức Kitô đã dạy cho người học trò tất cả lý tưởng của mình. Nghi thức vào đời làm chứng nhân, kết thúc những ngày theo học với Thầy sẽ là vòng tay chúc bình an của Thầy. Trăng mờ lạnh hơi sương, người học trò nghĩ đến sáng mai, khi vạt nắng trải dài xuống sườn đồi chàng sẽ giã từ Thầy. Nôn nao như một mùa hội mới. Cũng buồn vì xa Thầy, nhưng chàng đã trưởng thành, và Thầy gởi gắm giấc mơ của Thầy nơi mình, chàng phải can đảm. Cứ nghĩ đến một ngày rong ruổi độ thân như đời Thầy, cứ nghĩ đến đời mình như cánh diều lộng gió bay cao, chàng xôn xao chờ phút giây trọng đại.
Vạt nắng bắt đầu hắt lên, nắng rực rỡ sẵn sàng làm chứng cho một chia tay hào hùng. Khi mặt trời nứt đất đẩy lên một vùng lửa cũng là lúc không gian trang trọng đón chân Ðức Kitô đến. Hiến lễ tạ ơn đã xong, chàng đến quỳ trước Thày mình nhận sứ vụ. Ðức Kitô từ từ cúi xuống chúc bình an cho người học trò của mình, gửi chàng những thâm tình lần cuối. Khi vòng tay của Ngài buông xuống bờ vai, mặt Ngài cúi sát xuống vầng trán của người học trò thì cũng là lúc mặt trời ngưng hơi thở và nắng hốt hoảng lo âu. Nhìn lên mặt Thầy mình chàng mới thấy vòng gai nhọn trên đầu Thầy cũng dần dần cúi xuống sắp sửa rạch lên trán. Một cách ngại ngùng, người học trò nhăn mặt nới thõng vòng tay. Vòng gai còn đó, nụ hôn không thành.
Ðức Kitô thấu hiểu tâm hồn người môn sinh. Ngài không thể chúc bình an cho người học trò được nữa. Sự tự do là tất cả giá trị của tặng vật, vòng tay ngại ngùng đã đánh rơi lòng muốn, ánh mắt sợ hãi đã lên mờ sương đục của thiết tha. Ðức Kitô không thể cứ cúi ôm người học trò khi mà người học trò ấy ngại ngùng. Không có tự do là cưỡng bức. Bất ngờ quá. Người học trò bối rối trước vòng gai nhọn, đôi tay đã buông thong mà không hẳn là dám dứt bỏ, muốn đi tới mà nặng trĩu ở đàng sau. Nắng đang sẵn sằng chứng giám cho cuộc lên đường anh hùng đột nhiên xanh xao sợ hãi vì chẳng biết những gì sắp xẩy ra. Ðức Kitô cũng không ngờ sự thể ngoài tầm dự đoán. Lòng xót thương đẩy Ngài đến một sáng kiến cũng không ngờ. Ðể gỡ cho người học trò khỏi mất mặt không biết phải phản ứng như thế nào trước vòng gai nhọn, Ngài ôn tồn hỏi người học trò:
? Con muốn xuống núi sáng nay không hay con muốn ở lại với Thầy ít lâu nữa?
Người học trò bám vào câu hỏi như chiếc phao để rỡ rối. Và dĩ nhiên chúng ta biết người học trò đã ở lại. Vòng gai còn đó, nụ hôn không thành.

* * *
Từ ngày nhánh gai nhọn chạm lên trán, chàng bối rối nhiều về nụ hôn. Chàng sợ vòng tay chúc bình an của Thầy, vì vòng gai và nụ hôn không thể tách rời. Chàng tự hỏi rồi lo sợ cho một cuộc lên đường. Những xuôi mùa trăng. Những ngược mùa gió. Từ ngày xuống núi không thành, chàng trăn trở tiếng gọi theo Thầy. Cánh diều lộng gió hôm nào, có đẹp, có mêng mông, nhưng không dễ để mình bay cao. Bước chân Thầy đơn sơ nghèo khó mà sao quá đỗi nặng nề đối với mình. Những vạt nắng về rồi đi, loãng thoãng trong hồn. Loãng thoãng cho thấy nỗi buồn loang lổ của một trái tim dang dở. Nó loãng thoãng nhưng đủ móng vuốt nhẩy bổ vào chiếu dọi đây đó trong vùng sâu tâm tư những ngõ tối mà khi bắt đầu cuộc sống chứng nhân chàng mới hiểu nỗi đau.
Còn Ðức Kitô, từ ngày đó, cánh diều là người học trò mà Ngài đang nương giây đẩy gió cho lên cao có lẽ sẽ bay mất. Nó đứt giây không phải vươn mình trên cõi đời mà là chao đảo rồi rơi sập.
Trong băn khoăn, sáng kiến đã đưa đến lời nguyện cầu sáng tạo táo bạo. Ngài thầm nghĩ người học trò chỉ vì sợ vòng gai chạm vào da mặt mà không dám ôm Ngài, nên Ðức Kitô quyết định xin Cha Ngài một đặc ân là tạm bỏ vòng gai trên đầu trong giây lát để có thể chúc bình an cho người học trò mà không làm nó miễn cưỡng chấp nhận. Ðức Chúa Cha chấp nhận và rừng lá lại nôn nao chứng dám cho một cuộc lên đường hào hùng.

* * *
Nhè nhẹ như cánh lá vàng thu của một đồi chiều hạnh phúc trong trái tim. Ðức Kitô an tâm hơn, có niềm vui nhưng còn kín đáo đợi chờ. Cũng như lần trước, người học trò chuẩn bị hiến lễ tạ ơn rồi chờ đợi Thầy mình đến. Từ lúc được Thầy báo tin giây phút chia tay, hình ảnh gai nhọn lại hiện về. Lần trước chia tay không thành. Mũi gai và vòng tay chúc bình an là một. Người học trò bịn rịn mồ hôi cho một cuộc lên đường. Sau cùng Ðức Kitô đã đến.
Trong là ngơ ngác khó hiểu. Ngoài là ngạc nhiên buông xuống. Người học trò chăm chăm nhìn Ðức Kitô xa lạ. Chàng chẳng thể nhận ra. Vòng gai và Ðức Kitô không thể tách rời. Thiếu vòng gai Ðức Kitô không còn là Ðức Kitô nữa. Người học trò hỏi người khách lạ.
? Ông là ai?
Ðức Kitô trả lời:
? Con không nhớ là Thầy hẹn ở đây để chúng ta có nghi thức chia tay sao?
Phân vân, người học trò nhìn lên mặt Ðức Kitô rồi xác quyết:
? Không! Ông không phải là Thầy tôi. Nhưng ông là ai mà biết bí mật câu chuyện giữa tôi và Thầy tôi?
? Ðã bao năm theo Thầy mà con không nhận ra giọng nói của Thầy sao?
Người học trò càng phân vân hơn nữa. Có lẽ là giọng nói đó chăng, nhưng còn vòng gai đâu. Dấu hiệu của Thầy mình là vòng gai hay giọng nói?
Mẩu đối thoại tiếp tục. Theo dõi hai người nói chuyện mà mặt trời lại hồi hộp ngừng thở và nắng sợ hãi lo âu không biết những gì sắp sẩy ra. Một bên nhận là Thầy. Một bên chối là không. Người học trò mỗi lúc mỗi liên tưởng đến vòng gai nhọn mà thấy khuôn mặt người khách lạ này khác Thầy mình quá. Khuôn mặt Ðức Kitô không có vòng gai trông lạ lẫm làm sao!
Rồi trời lại về những hoang mang. Rồi đất lại đi những ngập ngừng. Cuộc chia tay lần thứ hai không thành. Nắng đã lên cao trên đỉnh đồi. Nắng đổ xuống chói chang đọng vào tim người học trò những găy gắt.

* * *
Bạn thân mến, Ðức Kitô có hai khuôn mặt. Lúc Ngài lang thang ở biển hồ Galilê, lúc gọi các môn đệ theo mình, Ngài không có vòng gai trên đầu. Những ngày theo Thầy học đạo, các môn đệ chỉ theo Thầy để học bằng lời.
Sau biến cố Golgotha, từ ngày Ðức Kitô bị treo trên thập giá, khuôn mặt Ngài mang chứng tích tình yêu và cứu độ là vòng gai trên đầu. Theo Ðức Kitô để học là theo 3 năm Ðức Kitô dạy phải chết thế nào cho trọn lời Kinh thánh. Còn theo Ðức Kitô làm chứng nhân là theo Ðức Kitô sau biến cố tử nạn, là theo một khuôn mặt luôn luôn có vòng gai trên đầu. Từ ngày tử nạn thì tấm căn cước, chứng minh nhân dân của Ngài luôn luôn có vòng gai.
Hôm nay theo Ðức Kitô là làm chứng nhân chứ không phải chỉ nói về Ngài. Bỏ vòng gai trên đầu Ðức Kitô không còn là Ðức Kitô nữa. Bỏ vòng gai trên đầu, Ðức Kitô không vào phục sinh được. Vinh quang và đau thương là một. Không thể chỉ có một Ðức Kitô rao giảng mà không có Ðức Kitô bị đóng đinh. Không thể tách rời thập giá vòng gai và ơn cứu độ. Ðức Kitô chỉ rao giảng mà không vào khổ nạn đấy không phải là Ðức Kitô thật. Bởi đó, kẻ chỉ theo Ðức Kitô cắt nghĩa Kinh Thánh mà không theo Ðức Kitô vòng gai là một loại ngôn sứ giả hiệu.

* * *
Ðã hai lần người học trò không xuống núi làm chứng nhân được. Bây giờ là lần thứ ba. Bạn có nghĩ lần này người học trò xuống núi được không. Khi biết rõ theo Thầy học Kinh Thánh thì khác mà theo Thầy làm nhân chứng thì khác. Khi biết rõ vòng gai và nụ hôn là một không thể tách rời. Khi biết rõ Thầy mình luôn luôn mang vòng gai, và theo Thầy bây giờ là theo khuôn mặt vòng gai ấy, người học trò sẽ từ bỏ lý tưởng làm con diều lộng gió hay sẽ tiếp tục.
Trở về câu hỏi riêng tư của lòng mình, lần thứ ba này là của riêng bạn, của riêng tôi. Biết rõ nghĩa trang là đường vào sự sống và thinh lặng là âm nhạc. Biết rõ làm chứng nhân là theo Ðức Kitô có vòng gai. Biết rõ thập giá và phục sinh không thể tách rời. Chúng ta có theo Ngài không? Trong cõi tim mình tôi đi tìm câu trả lời cho riêng tôi, bạn tìm câu trả lời cho riêng bạn, vì tiếng gọi là một lựa chọn tự do. Thôi chúng ta phải chia tay ở đây.
Còn lần thứ ba đã xẩy ra những gì cho người học trò? Câu chuyện quá riêng tư, mà thế giới riêng tư thì chẳng phải của bạn, chẳng phải của tôi, cứ để cho người học trò đó thế giới của anh ta. Như thế chắc ta chẳng nên băn khoăn tìm hiểu lần thứ ba của người học trò làm gì.