PDA

View Full Version : CHUYỆN HÀNG XÓM!!!



dominico_dung
15-07-2009, 11:13 AM
Từ ngàn năm nay Việt Nam ảnh hưởng văn hoá Đông Phương với đặc tính coi trọng ý kiến tập thể rộng rải kể cả ý kiến của người hàng xóm, của kẻ qua đường, và cả người ngoài chợ nữa!

Câu ngạn ngữ ‘Đi một ngày đường học một sang khôn’ hoặc ‘Đi cho biềt đó biết đây, ở nhà với mẹ biết ngày nào không’ phần nào ám chỉ cái khôn của con người nằm rải rác, tản mạn trong nhân gian, chớ không phải tập trung vào một cá nhân nào; ấy vậy mà ông Cao Bá Quát ngày xưa tự cho mình có trí khôn hơn thiên hạ; và mới đây trong thế kỷ hiện nay, cũng có kẻ tự mệnh danh là ‘đỉnh cao trí tuệ của loài người’!

Tại các nước dân chủ Tây Phương người ta cũng rất tôn trọng ý kiến của người khác, cho nên trong sinh hoạt của hầu hết tổ chức, từ nhỏ đến lớn với tầm cỡ quốc gia đều thường xuyên có những buổi họp hành, phần lớn là để thu nhận ý kiến chung, tức là muốn có được một ‘cái khôn’ của tập thể để ra một quyết định nào đó.

Như vậy, nhìn chung thì chúng ta thấy trên căn bản thì văn hoá Đông Phương của Việt Nam chúng ta cũng giống như văn hoá Tây Phương là tôn trọng ý kiến người khác. Có điều khác biệt về phương cách thu nhận ý kiến cá nhân giữa hai nền văn hoá nầy có lẽ chúng ta cần nên chú ý hơn.

Trong văn hoá Tây Phương, người ta thu góp ý kiến cá nhân có nguyên tắc và có bài bản hơn chúng ta là ở chỗ biết rõ đối tượng để thu nhận ý kiến thích hợp cho một mục đích hay công tác nào đó, chớ họ không thu nhận ý kiến một cách bừa bải như thói quen của người mình. Cái thói quen đó lâu ngày đã trở thành thông lệ. Chúng ta giáo dục đứa con biết lễ phép để thiên hạ khỏi chê cười. Mình phải làm thế nầy vì có người nói như vậy! Mình phải làm thế khác vì hôm qua có một ông hành khách trên xe nói như thế! Cứ mỗi lần có người phê phán thì chụp ngay ý kiến đó để thi hành mà không cần nghĩ tới sự khó khăn và công sức phải đương đầu, phải bỏ ra, để thực hiện một sự thay đổi! Có nhiều khi ta tôn trọng ý kiến của kẻ bàng quan, vô trách nhiệm hơn là ý kiến của những người tín cẩn kề cạnh ta! Trên thực tế đã có biết bao tình cảnh, nhất là trong môi trường tôn giáo, có những người hết lòng vì đạo, bỏ ra rất nhiều công sức trí tuệ để vun bồi nền đạo, để xây dựng cơ sở của đạo mình. Đây là những tín hữu thầm lặng, không hề có tham vọng cá nhân như thèm muốn có một địa vị nào đó trong tổ chức. Họ là những người thể hiện tinh thần vô ngã trong đạo Phật, không coi cái ‘Tôi’ của mình quá lớn!

Trong văn hoá Tây Phương tại các nước dân chủ đôi khi chúng ta cũng thấy có những cuộc trưng cầu dân ý nhằm lấy ý kiến của người dân để quyết định một vấn đề trọng đại nào đó. Mặc dù đây cũng là một loại ý kiến tản mạn trong nhân gian, nhưng cái giá trị của nó là ở sự tập hợp của nhiều người, chớ không phải của một vài cá nhân. Người mình hay quên đặc tính căn bản nầy khi đánh giá ý kiến cá nhân, và tệ hại hơn nữa, những người có thẩm quyền và trách nhiệm trong một tổ chức thường hay để ý nhiều đến ý kiến của người bên ngoài mà không lưu tâm đến ý kiến của thành phần nồng cốt bên trong tổ chức.

Trên diễn đàn nầy có đăng bài ‘Tinh thần vô ngã trong đạo Phật’ đề cập về ‘Cái tôi’ của con người rất tệ hại. Vì người coi mình là quan trọng nhiều khi không nhớ mình là ai khi đưa ra những yêu cầu, đòi hỏi nầy nọ về sinh hoạt của một tổ chức mà họ chỉ là người bàng quan không có trách nhiệm và không hề có sự đóng góp nào cụ thể cho tổ chức cả. Người nói nhiều thì có nhiều chỗ sai, người làm nhiều thì cũng có nhiều cái khuyết điểm. Không nói, không làm là an toàn nhất! Tuy nhiên lại cũng có kẻ chỉ muốn nói mà không làm để rồi tạo thêm sự rối ren cho một tổ chức khi người lãnh đạo quá coi trọng cái ý của kẻ bàng quan vô tích sự.

Trên diễn đàn quangminh, người điều hành khuyến khích mọi người tham gia, đóng góp bài vỡ, sự kêu gọi tiếp tay góp sức ra rả liên tục trong thời gian dài mà số người góp sức thực sự cũng chẳng có mấy ai! Trước đây tờ báo Hương Đạo cũng vậy, ấn hành mỗi 3 tháng một kỳ, tính từ lúc khởi đầu cho đến khi đình bản, tổn phí mấy trăm ngàn, mà số người hưởng ứng tích cực, đóng góp bài vở cũng chẳng có bao nhiêu. Đành rằng việc đóng góp bài vở cũng cần có ít nhiều khả năng viết lách thì mới làm được; nhưng đã không đóng góp được gì cụ thể mà lại ‘đóng góp’ bằng đề nghị, yêu sách, thậm chí còn đòi không cho đăng bài của một tác giả, dĩ nhiên là dựa theo quan điểm cá nhân của người đưa ra yêu cầu. Nhưng yêu cầu mà lại diễn tả bằng một thứ ngôn ngữ như ra lệnh thì ai mà không sợ!

Vụ xì căng đan của HT đến nay đã tạm lắng đọng, những bài viết phản công của Thiện Nhân đã vắng mặt trên diễn đàn điện tử quangminh, để trả lại sự thanh tịnh trang nghiêm của không khí nhà chùa, sau cơn sóng gío trong mấy tuần qua. Nhưng không phải đây là một dấu hiệu thoái hoá của tinh thần ‘Bi, Trí, Dũng’ trong đạo Phật. Trên thực tế, khi đến chùa ai cũng hy vọng được bước vào một khung cảnh tỉnh lặng; tuy nhiên chốn thiền môn nào cũng có hai mặt - tĩnh và động. Lại nữa, dù cho cảnh giới bên ngoài có tĩnh đi nữa mà tâm mình lại động thì cũng khó khăn trong việc tu hành lắm.

Trong tình huống đương đối đầu với nhiều ý kiến tản mạn trong nhân gian, có lẽ người lãnh đạo cần nên xét lại để đánh giá ý kiến cá nhân của kẻ bàng quan và người tín cẩn để cân nhắc ý kiến nào đáng tin tưởng hơn, để dựa vào đó mà quyết định một hành động gì.

Đồng ý rằng trong thế gian không ai sinh sống mà không chịu sự ràng buộc hay nhờ vả người khác; từ đó mới phát sinh sự quan tâm và tôn trọng người khác. Tuy nhiên nếu mọi người trong xã hội đều có thái độ nầy, đều nhớ mình là ai, để cân nhắc đừng để ‘cái tôi’ của mình làm chủ trong hành vi và lới nói của mình. Nếu được vậy thì không còn ‘chuyện hàng xóm’ xảy ra cho thế gian bớt khổ!

Written by Thiện Nhân
Tuesday, 09 September 2008 11:24


(Sưu tầm: http://www.quangminh.org.au)