PDA

View Full Version : Linh mục Nhạc sĩ Vinh Hạnh



giusehien
20-12-2007, 06:37 AM
NHỚ MÃI VINH HẠNH (1931-1996)
CÂY HƯƠNG NAM TRÊN NÚI

1.
Có lẽ, vâng tôi chỉ được phép "mở" đầu câu chuyện như thế thôi, về linh mục nhạc sĩ Vinh Hạnh. Bởi vì, ngay sau khi trang mở đầu của lớp người tiền phong đi khai phá như Đức cha Dom. Hồ Ngọc Cẩn, Cha Giuse Nguyễn văn Thích, Cha Phaolô Quý, Cha Phaolô Đạt, và đặc biệt ngay sau những tên tuổi đàn anh như Hùng Lân, Hải Linh, Hoài Đức, Phương Linh thì làng thánh nhạc - thánh ca Việt Nam đã sớm tiếp nhận một "con chim lạ" mang tên Vinh Hạnh. Như một hiện tượng, như một bông hoa hiếm quý đã để lại nhiều hương sắc khó phai mờ. Tiếc thay giữa thời điểm ì ầm binh đao ấy, có nghĩa gì một ngòi bút, một cung bậc, một tiếng đàn, cho dù là tài hoa ? Vinh Hạnh ở đúng "điểm rơi" ấy. Cho nên sự vắng mặt, sự ra đi thầm lặng của người nhạc sĩ bổng hóa ra xa lạ ! câu truyện 30 năm qua (1966-1996) tưởng đã lắng xuống, quên đi giữa dòng đời ngổn ngang trăm mối. Mấy ai trách mây trôi, bèo dạt nhỉ ? là một kẻ hậu sinh đã có lần mở miệng hát và rung lên một nhịp dây tơ lòng mình với Vinh Hạnh, cho phép tôi - bắt chước người xưa – rẩy một giọt nước, thắp một vòng hương, để gọi là "trông ra ngọn cỏ lá cây. Thấy hiu hiu gió thì hay... Người về" vậy.

2.
Chuyện ơn gọi, đời tu, Linh mục ở bên Tây bên Mỹ thế nào, tôi chưa rõ. Chứ ở Việt Nam ta trong khung cảnh làng xã của các Cộng đoàn, ở trong từng gia đình Kitô giáo, tôi được biết khá chi li. Thậm chí khó tin, không tin được, nếu không gần thân quen như người trong nhà. Vâng, lạ lắm xưa Chúa chỉ gọi hai ba anh em xóm chài ở Ga-li-lê. Đàng này cả nhà ba, bốn, năm sáu anh chị em cùng rủ nhau đi tu hết, dâng mình vào "nhà thầy, nhà phước" hết trơn hết trọi. Người Hà Nội, Bùi Chu, Phát Diệm, Vĩnh Long, Huế ... ắt rành chuyện này hơn tôi. Xin miễn bàn. Trong khuôn khổ bài này tôi chỉ muốn nói riêng đến "anh-em-nhà-họ-Trần Phúc" ở Phát Diệm. Phúc thay lòng đã cưu mang !
Chuyện kể rằng Giuse Trần Phúc Hạnh (Vinh Hạnh) là người con thứ sáu trong một gia đình 12 anh em, trong đó có tới năm người đi tu : Cha Roch Trần Phúc Long, Cha Louis Trần Phúc Vỵ, Cha Giuse Trần Phúc Hạnh, Cha Albert Trần Phúc Nhân, Nữ tu Catherine Kim Bảo (dòng Phaolô Thiện Bản). Thuở nhỏ Vinh Hạnh học ở Kiến An (Vĩnh Yên); sau lên Tam Đảo vào học ở trường Albert Sarraut. Năm 1946, Vinh Hạnh nhập Tiểu chủng viện Phúc Nhạc. Từ năm 1955-1961 học tại các Đại chủng viện Xuân Bích, Phát Diệm và Lê Bảo Tịnh. Năm 1961, sau khi thụ phong linh mục, cha phụ trách giảng dạy ở Tiểu chủng viện Phao-lô của giáo phận Phát Diệm miền Nam, ở Phú Nhuận. Chính trong thời gian làm cha giáo này, tài năng về âm nhạc của cha đã chớm nở ngay từ thời còn học ở Tiểu chủng viện nay có điều kiện để trau dồi và phát huy, từng bước khẳng định chỗ đứng, chinh phục giới thưởng ngoạn trong làng thánh nhạc Việt Nam. Nếu tôi nghĩ không lầm thì vào thời điểm của thập niên 1960-1970 này, đời sống đức tin, lòng đạo của người Kitô giáo Việt Nam nói chung và đời sống thánh nhạc - thánh ca VN nói riêng đã khởi sắc, đã bước sang một khúc rẽ vô cùng quan trọng. Sự ngẫu hứng nặng về cảm tính và đôi khi cường điệu - nếu có - cũng đã đóng xong vai trò chức năng trong một chừng mực nhất định. Một sức sống mới có cội rễ sâu hơn, một phong cách bài bản, chững chạc hơn, khơi gợi cảm hứng từ chính nguồn mạch "lời hằng sống" của thánh vịnh, thánh kinh đã thực sự ra đời, ngự trị và được nồng nhiệt đón nhận. Sự chuyển đổi theo định hướng này, theo tôi trộm nghĩ, trước hết do thần khí của thánh linh tác động qua những cánh cửa mới khai mở thông thoáng của "biến cố" Công Đồng Vaticano II, qua sự đầu tư đúng mức của các bậc bề trên khi gởi một số tài năng trẻ tiếp cận với các trung tâm âm nhạc chính quy ở Rôma, Paris. Cũng không thể loại trừ một động cơ khác, là sự thúc bách khẩn thiết về nhu cầu "sống đạo" xuất phát từ dân chúa đang vươn vai lớn lên. Đã thấy hàng loạt những tuyển tập thánh ca, phụng vụ, đã thấy trăm hoa đua nở của những nhạc đoàn, ca đoàn, trường lớp. Bên cạnh chùm sao bắc đẩu gồm Hùng Lân, Tiến Dũng, nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh, Hải Linh, Ngô Duy Linh, Đinh Quang Tịnh, Huyền Linh..., đã thấy mọc lên những ngôi sao lạ, mau mắn đã tỏa thành một dải Thiên hà rực sáng. Tôi muốn nói đến những Vinh Hạnh, Hoàng Kim, Kim Long, Thành Tâm, Phạm Liên Hùng, Viết Chung, Dao Kim, Xuân Thảo, Hải Triều... cùng lớp về sau mà trí tôi không nhớ hết.

3.
Là "kẻ ngoại đạo" và chỉ dám "ngồi đồng" ở bên rìa chiếc chiếu cạp điều của thánh nhạc - thánh ca sự hiểu biết và nhìn nhận của tôi về linh mục nhạc sĩ Vinh Hạnh chắc chắn hạn hẹp và chủ quan không tránh khỏi. Chỉ có một điều không sợ sai lầm là nói lên vài ba cảm nhận thô thiển của mình, như một tri ân, một đồng điệu với Vinh Hạnh, người đã đem đến cõi lòng khô khan nguội lạnh của tôi những khoảnh khắc thánh thiêng, những gặp gỡ dạt dào mà đời thường đã mang đi mất. Bởi vì cho đến nay trên dọc con đường, trực tiếp hay gián tiếp mà tôi đã đi qua, với ca đoàn Trùng Dương của Sinh Viên Công Giáo Sài gòn hay những buổi trình diễn thánh ca ở cấp giáo hạt, giáo phận ở cái đất Sài gòn này, tôi vẫn nhớ "có một Vinh Hạnh" và một chỗ riêng trong "nhạc Vinh Hạnh". Làm sao tôi quên được dư vang ngày nào cất lên "Kìa ai rong ruổi đường gió bụi", "Giờ đây hạnh phúc độc nhất đời con", "Xin cho lời con nguyện cầu" hoặc "Mẹ triển dương như cây hương nam trên núi Libano..."v.v. Mãi sau này thật tình cờ tôi gặp lại những tác phẩm đó cùng nhiều bản thánh ca giá trị khác và qui tụ trong tuyển tập riêng, mang tên "Hương thánh kinh". Ba mươi lăm tuổi đời và năm năm linh mục, tôi nghĩ linh mục nhạc sĩ Vinh Hạnh đi sớm, sớm quá chăng ? Sự nghiệp và tài năng đã rộ lên và đang chín tới. Ấy thế mà người anh em linh mục nhạc sĩ đã vội vã lìa bỏ cõi đời, chia tay chúng ta. Tôi chợt nhớ Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Hàn Mặc Tử và Đặng Thế Phong, những "nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiêng hương !" mà ngậm ngùi. Song, miệng đời thì cứ bảo là "tài tử đa truân". Riêng tôi, hôm nay trong một ngày đầu tháng 3 kính thánh Giuse, lại nghĩ khác. Biết đâu, vâng biết đâu vị thánh đã góp công nuôi và góp câu hát điệu hò, ru Đức Kitô khôn lớn kia đã đến thăm và "rước" cha đi đem theo cung bậc của cha để hòa nhập vào bản đại hợp xướng ngợi ca Thiên Chúa trên cõi phúc vĩnh hằng ?
Tháng 3.1996
Lê Đình Bảng

www.mautam.org