PDA

View Full Version : Học thuyết Giáo Hội về việc xây dựng ngôi nhà sự sống



SimonPheroChien
22-07-2009, 07:04 AM
Kinh Thánh dùng những hình ảnh tuyệt vời để diễn tả sự sống mà Thiên Chúa ban cho con người. Đó là việc Thiên Chúa chiều chiều dạo chơi trong khu vườn Eden với ông bà nguyên tổ. Đó là hình ảnh vị mục tử nhân dũng đưa dẫn đàn chiên hiền hoà đến nguồn nước mát trong. Hình ảnh của hoà bình ấy chính là hình ảnh của sự sống, cho nên không gì ngạc nhiên khi chúng ta đọc thấy Học Thuyết Xã Hội Công Giáo gần như đồng nhất ngôi nhà hoà bình và ngôi nhà sự sống của nhân loại chúng ta. Và để xây dựng ngôi nhà ấy, xã hội loài người – cả xã hội dân sự lẫn chính trị - đều cần đến bốn cây cột và bốn đà ngang. Đó là bốn nguyên tắc của học thuyết Xã Hội Công Giáo và bốn giá trị căn bản của đời sống xã hội.


BÀI 1:
BỐN NGUYÊN TẮC
CỦA HỌC THUYẾT XÃ HỘI CÔNG GIÁO


1. Nguyên tắc nhân vị
“Giáo Hội nhìn thấy nơi mỗi người, nam cũng như nữ, hình ảnh sống động của chính Thiên Chúa. Hình ảnh này mỗi ngày được triển khai thêm một cách trọn vẹn và sâu sắc hơn nơi mầu nhiệm Đức Kitô, hình ảnh tuyệt hảo của Thiên Chúa, Đấng duy nhất đã mạc khải Thiên Chúa cho con người và mạc khải con người cho chính con người” (1)
Đây là nguyên tắc đầu tiên và căn bản. Con người là thụ tạo cao quí nhất và là đối tượng của mầu nhiệm Cứu Chuộc. Con người được Thiên Chúa tạo thành giống hình ảnh Ngài. Nhưng vì con người lạm dụng tự do Chúa ban, họ đã gây nên bi kịch khủng khiếp nhất cho muôn thế hệ. Ấy là bi kịch của tội. Giáo Hội trình bày khía cạnh xã hội của tội lỗi cùng tính phổ quát của nó, đồng thời Giáo Hội nhấn mạnh tính phổ quát của ơn Cứu độ.(2)
Nhờ hồng ân Cứu độ, con người mở ra với siêu việt, có phẩm giá cao quí, có tự do, bình đẳng. Và đó chính là nền tảng của nhân quyền mà Giáo Hội đề cao và dấn thân bảo vệ.

2. Nguyên tắc công ích
“Mọi khía cạnh trong đời sống xã hội đều phải liên hệ đến công ích, nếu muốn đạt được ý nghĩa trọn vẹn nhất, công ích xuất phát từ chính phẩm giá, sự thống nhất và bình đẳng của hết mọi người. Hiểu theo nghĩa ban đầu, và được chấp nhận rộng rãi, công ích là “toàn bộ những điều kiện xã hội cho phép con người, tập thể hay cá nhân, đạt tới sự phát triển cách đầy đủ và dễ dàng hơn” (3)
Với nguyên tắc này, Giáo Hội dạy rằng con người sống là phải sống với và sống vì người khác. Do đó, con người phải có trách nhiệm với cộng đồng. Trong chiều hướng ấy, các cộng đồng chính trị phải ra sức mưu ích cho xã hội, để bảo đảm xã hội “trật tự, thống nhất và có tổ chức”.
Điều quan trọng nhất chính là ở chỗ con người phải hiểu rằng công ích tự nó không phải là mục tiêu. Thiên Chúa mới là mục tiêu tối hậu của con người và toàn thể các loài thụ tạo của Ngài. Chính nhờ Đức Giêsu và trong Đức Giêsu mà mọi loài qui hướng về Đấng là Chân Thiện Mỹ. (4)
Từ nguyên tắc công ích này, một hệ luận quan trọng được rút ra, đó là mục tiêu phổ quát của của cải. Của cải phải được phân phối công bằng và hợp lý. Giáo Hội cũng nhấn mạnh quyền tư hữu trên của cải, đồng thời cũng luôn nhắc nhở việc ưu tiên cho người nghèo trong xã hội: “Sự lựa chọn ấy không những ảnh hưởng trên đời sống của mỗi Kitô hữu khi họ tìm cách bắt chước cuộc sống của Đức Kitô, mà còn ảnh hưởng đến các trách nhiệm xã hội của chúng ta, và từ đó, ảnh hưởng đến cách sống và các quyết định hợp lý của chúng ta liên quan tới việc làm chủ và sử dụng của cải” (5)

3. Nguyên tắc bổ trợ
“Bổ trợ là một trong những định hướng bền vững và đặc thù nhất của Học thuyết Xã hội Công giáo, và đã có mặt trong học thuyết ấy ngay từ văn kiện xã hội quan trọng đầu tiên” (6)
Để thực thi nguyên tắc này, các tổ chức xã hội cấp cao có trách nhiệm hỗ trợ để các xã hội thấp hơn có thể thực hiện các nghĩa vụ và bổn phận của mình một các hiệu quả nhất. HTXHCG nói rõ là các xã hội thuộc trật tự cao hơn phải có trách nhiệm “giúp đỡ về kinh tế, cơ chế hay pháp lý” cho các đơn vị nhỏ hơn.
Nhờ nguyên tắc bổ trợ mà con người và gia đình được tôn trọng, dân chúng có thể được bảo vệ khỏi những sự lạm quyền của chính quyền cấp cao hơn, chống trung ương tập quyền và quan liêu giấy tờ. (7)
Biểu hiện rõ nét nhất của nguyên tắc bổ trợ là việc con người được tham gia vào mọi hoạt động xã hội mà không gặp cản trở nào. Việc tham gia này là “là một trong những cột trụ nâng đỡ mọi trật tự dân chủ và là một trong những bảo đảm quan trọng cho hệ thống dân chủ luôn được bền vững” (8)

4. Nguyên tắc liên đới
Giáo huấn của Hội Thánh đã nhiều lần nhấn mạnh rằng “Sự liên đới làm nổi bật một cách đặc biệt bản tính xã hội nội tại của con người, sự bình đẳng của mọi người về phẩm giá và quyền lợi, cũng như con đường chung cho các cá nhân và các dân tộc tiến tới sự thống nhất với một ý thức ngày càng cao hơn.” (9)
Giáo Hội nhấn mạnh hai khía cạnh của liên đới: đó vừa là nguyên tắc cũng như đức tính xã hội, vừa là đức tính luân lý. Liên đới là đức tính luân lý bởi vì nó thúc đẩy con người có quyết tâm và hành động cụ thể để dấn thân cho công ích. Liên đới là đức tính xã hội đơn giản vì nó “nằm trong phạm vi công bằng”. (10)
Liên đới đòi hỏi mọi người nhận ra rằng mình mắc nợ xã hội, và do đó mọi người phải chung tay góp sức xây dựng xã hội. Liên đới có liên quan đến công ích, phân chia của cải và bình đẳng xã hội. (11)
Hội Thánh dạy rằng tột đỉnh của liên đới là chính cuộc đời và giáo huấn của Đức Giêsu Kytô, Đấng đã đến cư ngụ giữa loài người và sẵn sàng chịu chết để cứu độ loài người. Nơi Đức Giêsu, mọi người được mời gọi yêu thương, chia sẻ, hy sinh, tha thứ và hoà giải, bởi vì mọi người là hình ảnh Thiên Chúa và được Đức Giêsu cứu chuộc. (12)

SimonPheroChien
22-07-2009, 07:08 AM
BÀI 2:
BỐN GIÁ TRỊ CĂN BẢN
CỦA ĐỜI SỐNG XÃ HỘI
Bốn nguyên tắc của Học Thuyết Xã Hội Công Giáo gắn liền với bốn giá trị xã hội, những giá trị phổ quát và là nền tảng cho mọi định chế xã hội qua mọi thời gian. Bốn giá trị xã hội đó là Sự Thật, Tự Do, Công Lý và Tình Yêu. Các nguyên tắc và các giá trị này đi chung và bổ túc cho nhau. Giáo Hội còn nhấn mạnh “Các giá trị ấy chính là điểm tham chiếu không thể thiếu cho chính quyền”(13). Ở đây chúng tôi xin sắp xếp trình bày bốn giá trị này theo một bố cục chung để quí độc giả tiện theo dõi: Nghĩa vụ đối với giá trị đó; giá trị đó đặc biệt ứng dụng trong lĩnh vực nào; kết quả của việc sống giá trị đó
1. Sự Thật
Nghĩa vụ: Mọi người có ba nghĩa vụ đối với sự thật: hướng tới sự thật, tôn trọng sự thật và làm chứng về sự thật một cách có trách nhiệm (14).

Sống trong một xã hội mà con người không phân biệt cái thật và giả, cái đúng cái sai thì các nghĩa vụ này càng cần được thúc đẩy để được thực hiện cấp bách hơn.

Người ta đang than phiền và cảnh báo về cái giả dối cứ lan truyền, mà cả trong giáo dục cũng đề cao cái giả từ lâu. Cái nguy hiểm của giáo dục sai lạc là nó còn ăn sâu đến lối sống con người về sau này. Do đó mà Học Thuyết Xã Hội Công Giáo còn nêu một nghĩa vụ nữa: nỗ lực giáo dục.

Lãnh vực: Sự thật phải được tôn trọng trong mọi lãnh vực xã hội, nhưng việc tìm kiếm sự thật cần nhấn mạnh trong hai lãnh vực truyền thông đại chúng và kinh tế (15).

Truyền thông đại chúng ngày nay không còn đánh lừa con người được nữa vì có quá nhiều kênh thông tin chung quanh nó. Một khi đã không tôn trọng sự thật, các phương tiện truyền thông không còn được tin tưởng, và trở nên hoang phí.

Kết quả: Khi sự thật được tôn trọng, có hai kết quả tích cực cho xã hội: Con người tránh được các lạm dụng; và dễ hành động phù hợp các đòi hỏi khách quan của luân lý (16)
2. Tự Do
Tự do là dấu chỉ cao đẹp nhất nơi con người, cho thấy con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa”. Và như vậy, tự do là dấu chỉ phẩm giá con người. (17)

Nghĩa vụ: HTXHCG dạy rằng mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền tự do. Quyền thể hiện tự do, đặc biệt trong lãnh vực luân lý và tôn giáo, là một đòi hỏi không thể thiếu trong phẩm giá con người. (18)

Như vậy rõ ràng khi người ta không tôn trọng tự do của con người, thì người ta không thể đề cao phẩm giá và nhân vị được. Tự do cũng phải xây dựng trên sự thật và công lý.

Lãnh vực: Giáo Hội dạy rằng con người phải được tự do tìm kiếm sự thật, bày tỏ các tư tưởng tôn giáo, văn hoá và chính trị của mình. Thứ hai, con người phải được tự do lực chọn bậc sống, chọn hướng nghề nghiệp, theo đuổi các sáng kiến kinh tế, xã hội hay chính trị của mình (19).

Kết quả: Khi tự do được tôn trọng, con người nhận ra giá trị thật của mình là hình ảnh Thiên Chúa, mình luôn hướng về siêu việt và biết tự chủ, có cơ hội phát triển về mọi mặt
3. Công Lý
Sống trên đời, người ta ai cũng mắc nợ: nợ Thiên Chúa sự sống và mọi thứ mình có, nợ mọi người khác trong xã hội. công lý chính là “có ước muốn kiên định và vững chắc trả những gì mình mắc nợ Chúa và tha nhân” (20). Công lý là những điều phù hợp với bản chất sâu xa của con người.

Nghĩa vụ: Phải tôn trọng các hình thức của của công lý: công lý giao hoán, công lý phân phối, công lý pháp lý và công lý xã hội (21). Nói đơn giản hơn, phải tôn trọng công bằng xã hội, phân phối tài sản hợp lý, luật pháp phải công bằng, chính trực.

Như thế, khi công bằng chưa được thực hiện, tài sản của chưa được về đúng chủ nhân thật của nó… thì chưa có công lý.

Lãnh vực: Công lý phải đươc thực thi trong mọi lãnh vực của đời sống con người. Đặc biệt, công lý cần quan tâm trong các khía cạnh xã hội, chính trị, kinh tế và các khía cạnh cơ cấu của các vấn nạn và các giải pháp cho từng vấn nạn.

Kết quả: Khi công lý được thực thi cùng với bác ái và liên đới, thì nó sẽ thành con đường dẫn đến hoà bình (22), như gợi ý của Thánh Kinh (x. Isaia 32,17; Gc. 3,18) “Hoà bình là kết quả của tình liên đới” (23). Và như vậy, thế giới sẽ tốt đẹp hơn nhiều
4. Tình Yêu
Giáo Hội trung thành với giới răn trọng nhất mà Đức Giêsu đã truyền dạy, nhấn mạnh rằng công lý mà không có tình yêu thì “công lý có thể phản bội chính mình”, nghĩa là nỗ lực thực thi công lý lại có nguy cơ làm phương hại đến công lý. Vì vậy, Giáo Hội dạy “Giữa các đức tính nói chung, và đặc biệt giữa các đức tính, các giá trị xã hội và tình yêu, có một mối liên kết rất sâu xa mà chúng ta cần phải nhận thức càng ngày càng đầy đủ hơn” (24).

Nghĩa vụ: Tình yêu phải được đề cao trên tất cả các giá trị khác.

Lãnh vực: “trong bất cứ lĩnh vực quan hệ liên vị nào, có thể nói, công lý phải được điều chỉnh thật nhiều bởi tình yêu, vì như thánh Phaolô nói, tình yêu hay bác ái vốn ‘nhẫn nại và nhân hậu’ hoặc có thể nói, đó là tình yêu mang những đặc điểm của lòng thương xót, là cốt tuỷ của Tin Mừng và của Kitô giáo” (25)

Kết quả: (26)

- “Chính từ nguồn cội yêu thương sâu xa ấy mà các giá trị như sự thật, tự do và công lý đã khai sinh và phát triển”.

- “tình yêu và chỉ có tình yêu (bao gồm cả tình yêu nhân hậu mà chúng ta quen gọi là “lòng thương xót”) mới có khả năng khôi phục con người trở lại với chính mình”

- “Chỉ có tình yêu, ngay trong đặc tính của nó là “mô thức của mọi đức tính”, mới có thể làm sinh động và định hình cho các sự tương tác trong xã hội, đưa chúng tới sự hoà hợp trong bối cảnh một thế giới ngày càng phức tạp”


***

Trên đây chỉ là tóm tắt hết sức ngắn gọn của bản tóm lược Học Thuyết Xã Hội Công Giáo. Nhìn lướt qua bản tóm tắt này, chúng ta có thể thấy được giáo huấn của Giáo Hội sâu xa, phù hợp với bản chất của con người như thế nào. Học thuyết Xã Hội của Giáo Hội sở dĩ có giá trị trường tồn bởi vì học thuyết ấy đặt nền tảng trên nhân vị, phẩm giá con người do Chúa sáng tạo, và cắm rễ sâu vào Lời Chúa và thánh truyền. Đánh giá về giáo huấn của Giáo Hội, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong Thông điệp Centesimus Annus đã viết: ““… Giáo huấn xã hội của Giáo Hội tự nó là một công cụ hữu hiệu để loan báo Tin Mừng. Thật thế, giáo huấn ấy công bố cho mọi người biết Thiên Chúa và mầu nhiệm cứu độ của Ngài trong Đức Kitô, và cũng nhờ đó, mạc khải cho con người biết chính mình. Trong ánh sáng ấy, và chỉ trong ánh sáng ấy, giáo huấn này đề cập đến hết mọi điều: nhân quyền của mỗi người, đặc biệt của “giai cấp lao động”, gia đình và giáo dục, các bổn phận của Nhà Nước, trật tự của quốc gia và quốc tế, đời sống kinh tế, văn hoá, chiến tranh và hoà bình, cũng như việc tôn trọng sự sống từ khi thụ thai cho đến lúc lìa đời”.

Nguyện xin Mẹ là Mẹ Giáo Hội, giúp chúng con ngày càng hiểu rõ và thực thi giáo huấn của Giáo Hội và xin Mẹ mở lòng cho những người có trách nhiệm trong xã hội chúng con, để họ đến gần với công lý, sự thật, tự do và yêu thương./.