PDA

View Full Version : Khiêm nhường tỉnh thức



SimonPheroChien
25-07-2009, 06:50 AM
Khiêm nhường tỉnh thức
Đang có một phong trào khen và tự khen. Thí dụ: Giáo xứ này có nhiều phát triển bền vững. Giáo phận kia có một sức sống trưởng thành vững mạnh. Giáo Hội Việt Nam chúng tôi có một quá khứ và hiện tại sốt sắng, hào hùng, hứa hẹn một tương lai rực rỡ.
Tôi đón nhận những lời khen và tự khen như thế với lòng cảm phục. Nhưng không dừng lại ở đó. Tôi tự hỏi: Những bền vững tốt đẹp ấy có dám tự khẳng định là sẽ không bao giờ bị chuyển biến đến chỗ sa sút không? Sự dè dặt và lo âu của tôi dựa trên lịch sử những Hội Thánh đó đây đã có một thời phồn thịnh.
1/ Một thoáng nhìn lịch sử
Hội Thánh xưa tại Israel và Palestin là nơi Chúa Giêsu đã sinh ra, đã rao giảng, đã làm phép lạ, đã chịu chết và đã sống lại. Hội Thánh đó có một nền tảng vững, một nguồn ơn phong phú. Nhưng nay đã bị lu mờ, trước sự tái sinh của Do Thái giáo và sự lan tràn của Hồi giáo.
Hội Thánh xưa tại Tiểu Á là đất hoạt động của thánh tông đồ Phaolô. Tiếp đó là quê hương của nhiều vị thánh giáo phụ như Inhaxiô thành Antiokia, Irênê, Basiliô, Grêgôriô thành Nixê và Grêgôriô thành Nazianxê. Đồng thời, đó cũng là nơi đã tập hợp nhiều công đồng nổi tiếng, như Nicea, Êphêsô, Constantinôpoli, Calcédonia. Miền đất công giáo phì nhiêu ấy nay đang là Hồi giáo, Công giáo chỉ là thiểu số khiêm tốn.
Hội Thánh xưa tại Ai Cập đã cung cấp cho Công giáo toàn cầu một nền thần học xuất sắc. Với các vị như Clêmentê, Ôrigênê, Athanasiô và Cyrillô. Huy hoàng đó nay còn gì đâu!
Hội Thánh xưa tại Phi châu đã thấy mọc lên từng trăm Toà Giám mục, với từng trăm Giám mục sốt sắng, trong đó có thánh Augustinô và Cyprianô. Miền đất có thời là toàn tòng công giáo ấy nay chỉ là kỷ niệm đẹp, còn thực tế đang là nơi phát triển một Hồi giáo phồn vinh.
Hội Thánh xưa tại Âu châu đã có một thời Công giáo sầm uất sốt sắng, với số người đi lễ gần trăm phần trăm. Nhưng nay phong trào thế tục đã làm giảm số người giữ đạo xuống một cách thê thảm.
Tình hình trên đây có vẻ đúng như lời Chúa Giêsu đã phán xưa: “Khi Con Người trở lại, liệu Ngài còn tìm được đức tin trên trái đất này không?” (Lc 18,8).
2/ Nên áp dụng đúng
Một thoáng nhìn trên đây về lịch sử cho phép tôi nghĩ rằng: Lời Chúa hứa về sự trường tồn cho Hội Thánh phải luôn luôn đúng. Nhưng Chúa hứa cho Hội Thánh toàn cầu, chứ không hứa cho các hội thánh tại địa phương.
Các cửa hoả ngục chắc chắn không thể làm gì nổi Hội Thánh xây dựng trên nền tảng Phêrô (x. Mt 16,18). Lời hứa đó có giá trị đời đời cho Hội Thánh toàn cầu.
“Ta sẽ ở lại với các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).
Lời hứa đó là bảo đảm không hề lay chuyển. Nghĩa là Hội Thánh toàn cầu sẽ tồn tại như lời Chúa hứa. Nhưng, không được áp dụng lời hứa đó vào một giáo hội địa phương.
Sự dè dặt trên đây giúp chúng ta khiêm tốn và tỉnh thức. Hội Thánh Việt Nam ta, giáo phận ta, giáo xứ ta luôn phải bám chặt vào ơn thánh Chúa. Đừng tự hào vịn vào những gì thế gian coi là hùng mạnh, vững bền. Đức tin cũng không theo cha truyền con nối.
Nhận mình là yếu, đâu có gì phải xấu hổ. Hãy nhớ lại lời thánh Phaolô: “Tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi. Vì vậy, tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Kitô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2 Cr 12,9-10).
Luôn có những cám dỗ xúi ta tự hào theo kiểu thế gian. Những thách đố đó được hình thành trong các trào lưu kinh tế, văn hoá, chính trị. Nhưng không phải cái gì đúng ở các lĩnh vực ấy, cũng được áp dụng trong lĩnh vực đạo đức của đức tin công giáo.
Phúc Âm kể lại: “Nhân mấy người nói về đền thờ được trang hoàng bằng những viên đá đẹp và những đồ dâng cúng, Đức Giêsu bảo: ‘Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào’” (Lc 21,5-6).
Tôi suy gẫm lời Chúa phán trên, rồi tự nhiên liên tưởng tới những cơ sở và tổ chức hoành tráng của Hội Thánh Việt Nam, nơi này nơi nọ. Và tôi cầu nguyện trong niềm cậy trông phó thác với tinh thần tỉnh thức khiêm nhường, vâng phục thánh ý Chúa.
Những tồi tệ có thể còn xa. Nhưng xa không có nghĩa là sẽ không thể xảy ra. Chúng ta nên đi về tương lai với tinh thần sám hối cầu nguyện và đổi mới đời sống; vâng lời Chúa mà đi vào đàng hẹp một cách thong dong, không để áp lực xấu nào chi phối.


Gm. Gioan B. Bùi Tuần

TGM Hải Phòng (Theo Hội đồng Giám mục Việt Nam)