PDA

View Full Version : Bài Suy niệm Chúa Nhật 4 mùa vọng Năm A



giusehien
23-12-2007, 06:09 AM
“Giuse đón vợ về nhà mình”

Theo tiến trình phụng vụ của Giáo Hội, trước Đại Lễ Giáng Sinh, bao giờ Giáo Hội cũng cử hành một tuần lễ áp, từ ngày 17 đến ngày 24, để nhắc lại tất cả những gì xẩy ra trước Biến Cố Giáng Sinh và trực tiếp liên quan đến Biến Cố Giáng Sinh. Đầu tiên là hai bài Phúc Âm theo Thánh Mathêu, một cho ngày 17, về nguồn gốc loài người của Chúa Kitô theo gia phả của Người, và một cho ngày 18, về nguồn gốc Biến Cố Nhập Thể của Người, sau đó, Phúc Âm Thánh Luca thứ tự cho thấy chi tiết hơn, ở ngày 19, về việc thiên thần báo tin Gioan Tẩy Giả ra đời, ở ngày 20, về việc truyền tin Lời Nhập Thể, ở ngày 21, về việc Mẹ Maria thăm viếng bà Isave, ở ngày 22, về ca vịnh Mẹ Maria ngợi khen Thiên Chúa là Đấng chẳng những “đã thương đến phận thấp hèn tì nữ của Ngài” là Mẹ mà còn “săn sóc Yếu Duyên tôi tớ của Ngài theo lòng Ngài xót thương, như Ngài đã phán hứa với các vị tổ phụ”, ở ngày 23, về việc đặt tên cho Gioan Tẩy Giả, và ở ngày 24, về ca vịnh Giacaria, thân phụ của hài nhi Gioan, báo trước việc “Chúa là Thiên Chúa của Yến Duyên đã viếng thăm và cứu chuộc dân Ngài”. Theo chiều hướng ấy, các bài Phúc Âm cho Chúa Nhật Thứ Bốn, Chúa Nhật cuối cùng của Mùa Vọng này, cũng cho thấy, ở chu kỳ phụng vụ Năm A theo Phúc Âm Thánh Mathêu, về việc thiên thần báo mộng cho Thánh Giuse liên quan đến Lời Nhập Thể, ở Năm B theo Phúc Âm Thánh Luca, về biến cố Truyền Tin theo Phúc Âm Thánh Luca, (vì Phúc Âm Thánh Marcô cho chu kỳ Năm B không có một chi tiết nào về sự kiện Nhập Thể), và ở Năm C cũng theo Phúc Âm Thánh Luca, về việc Mẹ Maria thăm viếng và được bà Isave nhận biết Đấng cưu mang trong lòng Người. Riêng bài Phúc Âm theo Thánh Mathêu hôm nay cho chúng ta thấy nguồn gốc của việc “Con Đấng Tối Cao” (Lk 1:32) nhập thể, một biến cố trực tiếp liên quan đến cha mẹ của Người, nhất là liên quan đến vị cha nuôi của Người.

Thật vậy, hai tuần Mùa Vọng trước đây chúng ta đã thấy nhân vật Gioan Tiền Hô nổi bật trong các bài Phúc Âm Thánh Mathêu, hôm nay, cũng theo Phúc Âm Thánh Mathêu, đến phiên nhân vật Giuse, nhân vật chính được Thánh Ký Mathêu ghi nhận, “Maria đã đính hôn” và “là một con người chính trực”. Và cũng chính vì “là một con người chính trực” mà Thánh Giuse, như Phúc Âm kể tiếp, “không muốn tố cáo (Mẹ) nên “định tâm bỏ (Mẹ) cách kín đáo”. Tuy Phúc Âm không thuật lại cho biết “con người chính trực” này tại sao lại đi đến quyết tâm như vậy, chúng ta cũng hiểu là thánh nhân đã nhìn thấy tận mắt Mẹ Maria đang mang thai, trong khi hai người mới đính hôn với nhau, chưa về chung sống vợ chồng với nhau. Sự kiện Chúa Giêsu được thụ thai trong thời gian Mẹ Người đính hôn này cho thấy, theo pháp lý Do Thái bấy giờ, một khi đã đính hôn, hai người nam nữ có thể ăn ở với nhau như vợ chồng. Bằng không, Chúa Giêsu có thể bị coi là đứa con tiền hôn, thậm chí có thể trở thành một đứa con ngoại hôn hay một đứa con hoang, nếu hôn nhân không thành theo kiểu đính hôn thời nay, hay sau khi Thánh Giuse âm thầm bỏ đi. Phúc Âm cũng không thuật lại cho chúng ta biết “con người chính trực” này đã thấy được sự kiện phũ phàng oái oăm này lúc nào, (chắc chắn là sau thời gian Mẹ Maria đi thăm mẹ con Thánh Gioan Tẩy Giả về), và cuộc chiến đấu nội tâm đã xẩy ra như thế nào nơi Thánh Giuse sau khi chứng kiến thấy sự lạ xẩy ra trên thân xác của người vợ đính hôn của mình. Thế nhưng, căn cứ vào những chi tiết hết sức quan trọng, dù ngắn ngủi của Phúc Âm hôm nay, (cũng là bài Phúc Âm cho Lễ Kính Thánh Giuse 19/3 hằng năm, và cho cả lễ ngày 18/12 trong tuần trước Đại Lễ Giáng Sinh), chúng ta có thể cảm thấy được tâm trạng đau khổ quằn quại của Thánh Giuse, và cũng mới có thể thông cảm được việc ngài quyết định “bỏ (Mẹ) cách kín đáo”, một quyết định mà đối với ngài bấy giờ hết sức sáng suốt và khôn ngoan của “một con người chính trực”.

Trước hết, Thánh Giuse đã quằn quại với một tâm trạng đau khổ, đến nỗi, đã quyết định âm thầm bỏ đi. Phải chăng quyết định âm thầm bỏ đi của thánh nhân là một quyết định khôn ngoan sáng suốt, hay chỉ là một quyết định bối rối quá không biết phải làm sao hơn? Chúng ta có thể nghĩ rằng, sau khi chợt thấy người vợ đính hôn của mình rõ ràng là có bầu, với cái bụng phồng lên trông thấy, có thể nào về phương diện nhân loại, thánh nhân lại không bật ngửa ra, vô cùng lạ lùng bỡ ngỡ. Chắc chắc ngài đã không lên tiếng hỏi Mẹ Maria cho rõ ràng minh bạch về vấn đề này. Bởi thế, chúng ta cũng có thể suy ra rằng ngài đã bất chợt trông thấy Mẹ có bầu chứ không trực diện với Mẹ. Cho dù như thế, dù không trực diện với Thánh Giuse, Mẹ Maria chắc cũng linh cảm thấy, nếu không muốn nói là biết được rằng vị phu quân của Mẹ đã thấy chuyện lạ nơi thân xác của Mẹ. Cho dù có linh cảm thấy hay biết được điều này đi nữa, Mẹ Maria cũng đã chấp nhận nó ngay từ khi thưa lời “xin vâng” (Lk 1:38). Cả hai đều khó mở lời với nhau đối với vấn đề này. Về phần Thánh Giuse, nếu Mẹ Maria không tự động nói ra, chẳng lẽ ngài lại đi vặn hỏi, như thể ngờ vực và ghen tương, trong khi thánh nhân “là một con người chính trực”, cao thượng. Phần Mẹ Maria, chẳng lẽ phu quân của mình không hỏi mà lại tự động nói ra, như thể sợ bị ngài hiểu lầm, trong khi đó Mẹ lại là một con người “có phúc vì đã tin những gì Chúa phán sẽ được thực hiện” (Lk 145), nghĩa là, Mẹ không lo gì cả, hoàn toàn phó thác cho Chúa tất cả mọi sự, để Ngài tự giải quyết vấn đề theo ý định và đường lối của Ngài, không phải vì Mẹ muốn thách đố Chúa, ở chỗ, nếu Mẹ bị ném đá chết thì Chúa Kitô cũng sẽ chết, như thế những gì Chúa phán sẽ bất thành.

Chúng ta không biết khi quyết định âm thầm bỏ Mẹ Maria mà đi như thế, Thánh Giuse có nghĩ ra rằng, nếu làm vậy, cho dù thánh nhân không trực tiếp ra mặt khiến cho Mẹ bị ném đá chết, thì ngài cũng gián tiếp gây ra sự việc đáng tiếc ấy nếu chẳng may xẩy ra thực sự. Bởi vì, sau khi ngài đi rồi, mà Mẹ Maria lại bị khám phá ra không chồng mà có chửa thì cuối cùng Mẹ cũng bị ném đá chết thôi. Như thế, phải chăng Thánh Giuse chỉ nghĩ đến mình, đến danh thơm tiếng tốt của mình, hơn là dám liều mình che chở cho người khác, kể cả kẻ làm ô danh mình đi nữa, nếu quả thực là như vậy? Thế nhưng, khách quan mà nói, có một điều không thể tránh được là “chính trực” bao giờ cũng ngược với bất chính và không thể nào chấp nhận gian tà, như dâm ô, trộm cướp, giết người v.v. Bởi thế, sự kiện Mẹ Maria mang thai ngoại hôn khách quan là một chuyện không thể chối cãi, một chuyện tự bản chất thật là bất chính và gian tà, không thể chấp nhận được. Thánh Giuse có nghĩ rằng Mẹ Maria đã phạm tội ngoại tình hay chăng, không ai dám khẳng định và quả quyết. Tuy nhiên, việc mang thai ngoại hôn của Mẹ Maria trước mắt thánh nhân bấy giờ quả thực là một việc ngoại tình, và việc ngoại tình này không phải chỉ phạm đến thánh nhân mà nhất là phạm đến chính lề luật, tức đến chính Thiên Chúa. Việc ngài quyết định âm thầm bỏ đi không tố cáo Mẹ nghĩa là ngài hoàn toàn không dám phán đoán Mẹ, trái lại, trao phó những gì ngoài thẩm quyền phán quyết của ngài cho lề luật, cho Thiên Chúa Tối Cao là Đấng duy nhất có quyền phán xét Mẹ.

Như thế, quyết định âm thầm bỏ vị hôn thê của mình mà đi chứ không muốn ra mặt tố cáo người của Thánh Giuse cho thấy thánh nhân chẳng những “là một con người chính trực” theo luật cũ, mà còn là một con người nhân hậu theo luật mới nữa, một thứ luật mới được “Con Đấng Tối Cao” (Lk 1:32), “quả phúc nơi lòng” (Lk 1:42) vị hôn thê của ngài bấy giờ mà ngài không biết, sau này sẽ khuyên dạy trong Bài Giảng Trên Núi, được Phúc Âm Thánh Mathêu ghi lại ở đoạn 7 câu 1, như sau: “Đừng xét đoán để khỏi bị đoán xét”. Phải, nếu Thiên Chúa đã làm sáng tỏ những mầu nhiệm của Ngài cho những tâm hồn đơn sơ bé mọn nhất (xem Mt 11:25), thì Ngài quả thực đã thực hiện điều này nơi trường hợp điển hình của “con người chính trực” Giuse. Ở chỗ, như bài Phúc Âm hôm nay cho thấy, “đột nhiên thiên thần Chúa hiện ra trong giấc mộng của ông mà nói: ‘Hỡi Giuse, con Đavít, đừng sợ nhận Maria làm vợ. Chính bởi Thánh Thần mà người đã thụ thai con trẻ ấy. Người sẽ sinh ra một bé trai và ông sẽ đặt tên cho bé là Giêsu, vì Ngài sẽ cứu dân Ngài khỏi tội’”. Chính vì “là một con người chính trực”, nhưng không phải kiểu công minh chính trực của nhóm Pharisiêu đầy những tự cao, tự đại, xét nét, khinh người, mà là một thứ công chính nhân hậu của Tân Ước, với một tinh thần hết sức đơn sơ bé mọn, nên thánh nhân đã chấp nhận ngay mạc khải của Thiên Chúa, cho dù mạc khải của Ngài không tỏ ra cho thánh nhân thấy giữa thanh thiên bạch nhật mà chỉ qua một giấc mộng. Thánh nhân đã mau mắn chấp nhận mạc khải của Thiên Chúa ở chỗ, như phần kết của bài Phúc Âm hôm nay thuật lại: “Khi Giuse thức giấc ông đã làm như lời thiên thần chỉ dẫn và đã đón vợ về nhà mình”.

Trong câu chuyện của bài Phúc Âm hôm nay, câu chuyện Thánh Giuse định tâm âm thầm bỏ Mẹ Maria mà đi rồi sau đó đã đón Mẹ về nhà mình khi nhận được mạc khải của Thiên Chúa, chúng ta chẳng những thấy được hình ảnh của một Đấng Thiên Sai khổ nạn và tử giá, một cuộc khổ nạn và tử giá đã rọi chiếu nơi cha mẹ của Ngài ngay trước khi Người xuất hiện, mà còn thấy được cả ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa tỏ ra cho chúng ta thấy trong biến cố này nữa. Ý định đó là, muốn chấp nhận Vị Thiên Chúa Nhập Thể, tức chấp nhận Đấng Thiên Sai khổ nạn và tử giá, dù có nhận ra Người hay không, con người chẳng những phải chấp nhận thập giá khổ đau bởi Người và với Người, mà còn phải chấp nhận cả Mẹ của Người là Trinh Nữ Maria nữa. Khi Thánh Giuse “đón vợ về nhà mình” cũng chính là lúc thánh nhân đón cả “Giêsu quả phúc” trong lòng vị hôn thê “đầy ơn phúc” của thánh nhân về nhà của thánh nhân vậy.

Vấn đề thực hành sống đạo: Không một tạo vật nào trên trời dưới đất gần gũi Mầu Nhiệm Nhập Thể bằng Mẹ Maria, vì Mẹ là Mẹ của Lời Nhập Thể. Nếu con khổng long và bọn ngụy thần của hắn bị hất nhào xuống đất mất chỗ đứng của mình trên trời (xem Rev 12:8) là vì chúng không chấp nhận Lời Nhập Thể, tức không chấp nhận loài người được làm Mẹ Thiên Chúa (xem Rev 12:4), và nếu tinh thần phản kitô hay thành phần phản kitô là tinh thần và là thành phần “không chấp nhận Chúa Giêsu Kitô đến trong xác thịt” (2Jn 7; xem 1Jn 4:3), thì quả thực muốn chấp nhận hay muốn cảm nghiệm thần linh về Lời Nhập Thể, nhất là trong Mùa Vọng, phải chăng con người cần “hoán cải và trở nên như trẻ nhỏ” (Mt 18:3), ở chỗ, trước hết, chấp nhận Mẹ Maria, tức đến với Mẹ để Mẹ dẫn họ đến với Chúa, vì Chúa đã thực sự nhờ Mẹ đến với loài người: Mẹ chính là Điểm Hẹn Thần Linh, nơi Thiên Chúa hẹn gặp gỡ loài người và là nơi loài người chắc chắn sẽ gặp được Ngài là Vị Thiên Chúa Làm Người trong lòng Mẹ và được hạ sinh bởi Mẹ?

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

http://www.dongcong.net/