PDA

View Full Version : GẶP GỠ THIÊN CHÚA



BMK
23-12-2007, 08:56 AM
Khi nói đến chứng nghiệm về Thiên Chúa, thì dưới mắt một số người, điều đó có nghĩa là thoát khỏi thế gian, chỉ còn hướng về một mình Thiên Chúa thôi, một Thiên Chúa cô độc, cách biệt con người và xa lạ với những vấn đề của con người. Rõ ràng đó không phải là chứng nghiệm về Thiên Chúa của chúng ta, bởi vì chứng nghiệm chân thật không thể có sự cách biệt như thế.

Cởi mở với Thiên Chúa chính là cởi mở với thế giới và với con người được Chúa tạo dựng, yêu thương và thánh hóa. Bước vào tình yêu Thiên Chúa là bước vào chính mầu nhiệm của một Thiên Chúa yêu thương nhân loại đến nỗi ban cho họ chính Con của Ngài, một Thiên Chúa coi tình yêu tha nhân là trọng tâm của Kitô giáo.

Sau khi xác định điều này, chúng ta hãy trở lại với chứng nghiệm đích thực về Thiên Chúa vốn phải được nhìn nhận như một chứng nghiệm bình thường trong đời sống của mọi Kitô hữu.

Chứng nghiệm thông thường và phi thường

Chúng ta thường thích nói về hai loại chứng nghiệm: phi thường và bình thường. Đây là sự phân biệt theo cung cách suy nghĩ của chúng ta, nó tùy thuộc việc gặp gỡ Thiên Chúa của chúng ta có độc đáo, bất ngờ, có một không hai, hay có khác với cách xảy ra bình thường của sự vật không.

Nhưng đó không phải là phân biệt theo cung cách của Thiên Chúa. Đối với Ngài chẳng có một lằn ranh nào giữa bình thường và phi thường cả. Thiên Chúa thanh thản ở trên những ranh giới của chúng ta, chẳng khác gì nét vẽ đơn giản trên một bản đồ quy ước. Nơi Thiên Chúa, điều có vẻ như không thực hóa ra lại là thực.

Thiên Chúa không yêu chúng ta bằng một tình yêu bình thường, rồi thỉnh thoảng lại làm một ngoại lệ bằng một hành vi yêu thương khác thường, vượt mức. Không, tình yêu phi thường của Thiên Chúa gắn liền với hữu thể của Ngài: Thiên Chúa chúng ta là một vị Thiên Chúa tuyệt vời, yêu thương nhân loại một cách kỳ diệu. Những hành vi lạ lùng nhất của tình yêu Ngài – như Nhập Thể, Thánh Thể, Thập Giá – đều vượt qua tất cả những gì ta nghĩ là có thể có thực. Thánh Kinh cho chúng ta biết «Thiên Chúa quá yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một Ngài» (Ga 3,16). Cử chỉ lạ thường này tự động phát sinh từ tình yêu quá dư tràn của Ngài.

Theo cách nhìn của người trần gian, một tình yêu như thế khiến chúng ta hết sức sửng sốt. Nó vượt hẳn khả năng tưởng tượng táo bạo nhất của chúng ta, nó buộc chúng ta hiểu rằng Thiên Chúa yêu chúng ta đến độ ban cho chúng ta phép lạ nữa. Đức Giêsu đã nói với các môn đệ Ngài: «Kẻ nào tin vào Thầy thì cũng sẽ làm được những việc Thầy làm, thậm chí cả những việc lớn hơn». (Ga 14,12)

Lời hứa như thế không còn gây ngạc nhiên nữa. Điều siêu nhiên đối với con người thì đối với Thiên Chúa lại là điều tự nhiên; tự bản chất Ngài vốn là kỳ diệu. Kinh Tin Kính cô đọng nhất của chúng ta nói: «Chúng tôi đã tin vào tình yêu» (1 Ga 4,16). Và nhờ đó, chúng ta mới dám tin vào hiệu quả của lời cầu nguyện, vào hình ảnh Đức Giêsu đang ngỏ lời với Cha Người ngay cả trước khi xin một điều gì: «Con biết Cha luôn luôn nhận lời Con» (Ga 11,42). Từ ngữ «luôn luôn» này là một phần trong đức tin của chúng ta, ngay cả khi lý trí chúng ta như mù mịt không hiểu gì hết.

Chúng ta phải tìm cách khám phá ra tình yêu phi thường của Thiên Chúa ẩn giấu trong các biến cố có vẻ như ngẫu nhiên nhất. Đức Giêsu đã từng bảo Mác-ta: «Nếu chị tin, chị sẽ được thấy vinh quang của Thiên Chúa» (Ga 11,40).

Có những lúc chứng nghiệm về Thiên Chúa xuất hiện trong đêm tối đức tin như một tia chớp loé lên giữa đêm đen. Những chứng nghiệm về Thiên Chúa như thế đôi khi không diễn tả hay truyền đạt được, nhưng không phải vì thế mà không có thực hoặc không biến đổi được cuộc sống. Triết gia Bergson từng nói: «Thiên Chúa dựng nên thế gian và làm cho nó điên đảo chỉ vì để tạo nên các vị Thánh». Và hành động này vẫn xảy ra liên tục suốt dòng lịch sử Giáo Hội, dù tỏ tường hay âm ỷ bên trong.

Hành động ấy đã làm Đức Maria phải bối rối khi nghe Thiên Sứ truyền tin, vì bỗng nhiên Mẹ hiểu rằng Mẹ được chúc phúc và tuyển chọn giữa mọi người phụ nữ.

Vào sáng ngày Phục Sinh, hành động ấy được ngụy trang dưới vẻ bề ngoài của người làm vườn để gọi Maria Ma-đa-lê-na bằng tên của nàng.

Hành động ấy nhóm lên lửa nhiệt thành trong lòng hai người khách lữ hành đang nản chí trên đường về Ê-mau.

Hành động ấy nổ vang như một tiếng sét làm mù mắt Phaolô trên đường đi Đamát.

Hành động ấy thì thầm bên tai Âu Tinh bảo «hãy cầm lấy và đọc», và lời ấy đã khiến ông hoán cải.

Hành động ấy đã làm một câu Thánh Kinh chói sáng, tựa như mặt trời làm tấm kính ghép hình màu đang mờ mịt bỗng sáng rực lên, khiến Thánh Phan-xi-cô Át-xi phải hiểu câu ấy nói riêng cho mình: «Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi» (Mt 19,21).

Hành động ấy biến thể thành thiên hình vạn trạng tùy theo hoàn cảnh mỗi người chúng ta.

Hành động ấy như ánh sáng từ từ soi sáng hoặc đột nhiên lóe lên cho mỗi người thấy ơn gọi tương lai và sứ mệnh rõ rệt được ủy thác cho mình .

Hành động ấy hàm ẩn trong việc tình cờ gặp một người bạn ở ngã tư đường. Anh ấy đến nói với ta một lời quả quyết giống như A-na-ni-a đã nói với Phaolô. Cuộc gặp gỡ không ai đoán trước được và chứng thực điều mà một tác giả sách thiêng liêng nọ không ngần ngại viết ra: «Nếu ta cần ai đó nói cho ta một lời cần thiết, thì dù người ấy ở tận cùng trái đất, Thiên Chúa cũng sẽ sai đến với ta».

Chúng ta có thể gọi là «việc ngẫu hợp mà xảy ra», bên ngoài là lớp vỏ của những chuyện không đâu, những trùng hợp và ngẫu nhiên, nhưng đây có khác gì chính Thiên Chúa đang hành động. Chúng là những dụng cụ của một tình yêu tinh tế, diệu kỳ và bền vững tuyệt vời.

Thiên Chúa viết nên những quyển tiểu thuyết phi thường qua những cuộc đời sẵn sàng «thuận theo sự dàn xếp của Ngài», những người sẵn lòng đón nhận những điều bất ngờ Ngài gởi tới, luôn chăm chú lắng nghe tiếng thì thầm của ân sủng, những mời gọi của Thánh Thần.

Chứng nghiệm ấy về Thiên Chúa nằm trong tầm với của mỗi Kitô hữu chúng ta; nhưng trong thân phận làm người nơi dương thế, chứng nghiệm nầy không miễn trừ chén đắng của đau khổ và quyền lực sự dữ. Thế giới này là một bức tranh theo kiểu Rembrandt, phối hợp giữa bóng tối và ánh sáng. Thiên Chúa đến với chúng ta không phải như một quyền năng đè bẹp tự do của con người, nhưng như một tình yêu tinh tế mời gọi một lời đáp trả trong tự do. Văn hào Claudel từng nói: «Đức Giêsu không đến giải thích hay hủy bỏ đau khổ mà Ngài đến lấp đầy đau khổ bằng sự hiện diện của Ngài». Lời nói sâu xa này, hẳn không giải thích được mầu nhiệm của bất công và sự ác, nhưng dẫn lối cảm nhận mầu nhiệm ấy trong ánh sáng «Gôn-gô-ta», nơi Thiên Chúa cho chúng ta thấy Ngài ở «về phía chúng ta» để cùng đương đầu với đau khổ và tội lỗi, và Ngài chấp nhận đau khổ để biến nó thành vật liệu làm nên ơn cứu chuộc.

Việc khám phá ra Thiên Chúa đang ẩn mình giữa đau khổ là một chứng nghiệm sống, đôi khi thật diệu kỳ, của những kẻ đau ốm. Trong đớn đau khôn tả, nụ cười của họ làm chúng ta sáng lên, và vẻ thanh thản của họ làm chúng ta xúc động. Thiên Chúa đang hiện diện ở đó với một danh nghĩa đặc biệt, vì Ngài tự đồng hóa với họ. Chiara Lubich nói một câu thật tuyệt vời: «Mọi đau khổ đều là Ngài».

Gặp gỡ cá nhân

Về phần tôi, tôi xin thú nhận rằng qua nhiều năm tháng, càng ngày tôi càng cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa đang hoạt động qua tất cả những gì cao cả từ phía Thiên Chúa và tất cả những gì đơn hèn từ phía tôi. Nhờ nhận ra hành động bao bọc, liên tục và rõ rệt của Ngài, trong tôi liền nảy sinh khúc hát nội tâm đầy tâm tình biết ơn. Điệp khúc của nó giống như một bài Điệp Ca rất trang trọng lễ Giáng Sinh: «Ôi Sự Khôn Ngoan đã chi phối mọi sự từ đầu đến cuối và an bài mọi sự bằng sức mạnh và dịu dàng!»

Tôi thích biến tâm tình tri ân này thành một bản kinh cầu ngăn ngắn của riêng tôi, trong đó tôi kể ra nào là tên, nào là kỷ niệm, nào là ngày tháng, nào là chuyện trùng hợp này nọ. Trong đó tôi cảm ơn Thiên Chúa vì tôi đã nhận được một lời khuyên vào lúc tôi gặp hoàn cảnh khó xử, vì tôi tình cờ đọc được một cuốn sách đã đem đến cho tôi một sứ điệp, vì một cú điện thoại, một lá thư, một nỗi đau khổ, một niềm khích lệ. Khi ôn lại và tổng hợp tất cả những điều ấy, tôi cảm ơn Thiên Chúa vì đã cảm nghiệm được một niềm vui, một sự bình an mà không ai có thể cướp đi được vì chúng nằm ngoài tầm ảnh hưởng của con người.

Điều đó giống như việc lần chuỗi, các mầu nhiệm Vui, Thương, Mừng nối tiếp và hòa quyện với nhau. Mỗi hạt nói lên sự chú tâm của Thiên Chúa, một dấu chỉ, một cuộc gặp gỡ. Và tôi kết thúc bằng kinh Sáng Danh, cảm tạ tình yêu Thiên Chúa luôn ẩn hiện trong mọi giây phút, nơi mỗi khúc quanh của đường đời.

Hình ảnh người thợ săn rình mồi gợi lại trong tôi bài thơ đẹp nhất mà tôi biết, bài «The Hound of Heaven» (Cuộc săn lùng trên Thiên Đàng) của Francis Thompson. Mỗi người có thể cảm nghiệm bài thơ ấy một cách khác nhau tùy theo hoàn cảnh riêng cuộc đời mình, nhưng vị Thiên Chúa luôn rình rập để theo đuổi chúng ta như «kẻ săn lùng trên Thiên Đàng» bằng tình thương khôn nguôi của Ngài cũng chỉ là một Thiên Chúa đối với mọi người; mối quan tâm của Ngài mãi tăng lên đến vô tận, luôn dành trọn vẹn cho từng người; lòng ân cần ấy của Ngài là bầu khí nuôi dưỡng toàn bộ cuộc sống chúng ta.

Mỗi Kitô hữu phải nhìn đời sống mình dưới ánh sáng đức tin. Đức tin ấy là chìa khóa để mở đón Thiên Chúa vào cuộc sống, để phó thác cho Ngài mọi sự, để càng ngày Ngài càng tràn ngập lòng mình.

Họ cũng phải loan báo cho thế gian bí mật mình khám phá ra và hô to lên niềm vui của mình.

Nhìn thấy Thiên Chúa hiện diện, thân thương, gần gũi; cái nhìn ấy càng trở nên sắc bén và tinh tế nếu chúng ta càng tập nhận ra vô số dấu hiệu về sự hiện diện ân cần và hiệp thông của Ngài, như người bạn đang ngoắc tay hay ngước nhìn chúng ta. Thiên Chúa nói với từng người bằng một thứ ngôn ngữ riêng tư, kín đáo nhưng ta vẫn hiểu được. Phải tập đọc những mẫu tự của Thiên Chúa, phải biết đánh vần, biết nhận ra và giải thích những mẫu tự ấy.

Đôi khi chúng ta hiểu sai sứ điệp; chúng ta tưởng rằng vị Thiên Chúa đến trước mặt chúng ta và ra dấu cho chúng ta ấy là một bóng ma. Bấy giờ, Chúa hẳn sẽ phải nói với chúng ta như đã nói với các Tông Đồ Ngài: «Thầy đây, đừng sợ» (Ga 6,20).

Tôi thích so sánh việc tiếp cận bằng đức tin tinh tuyền của chúng ta với Thiên Chúa, như một du khách vào một đêm đông tìm thấy một căn nhà hiu quạnh rực rỡ ánh sáng tại một khúc quặt trên đường. Tới trước ngưỡng cửa, nhìn qua khung kiếng, anh thấy những khúc củi cháy bập bùng, bắn ra những tia lửa. Anh đoán rằng sức nóng của lò lửa đang lan tỏa. Nhưng anh chẳng cảm nhận được sức nóng ấy, bao lâu anh còn đứng bên ngoài trời đầy gió lạnh như kẻ bàng quan. Đó là hình ảnh người Kitô hữu trong đêm tối đức tin biết Thiên Chúa là ánh sáng và hơi ấm. Người ấy có thể nói như tác giả thánh vịnh: «Bóng đêm là ánh sáng và là niềm vui của tôi» (Tv 139,11). Nhưng chỉ thấy những tia sáng lung linh kia, chỉ đoán được sức nóng dịu dàng đang lan tỏa thôi, thì sức nóng ấy chưa thấm vào da thịt được. Phải đi vào bên trong, không phải vì mình xứng đáng mà vì Thiên Chúa tha thiết mời gọi và nóng lòng muốn hiệp thông với mình. Vì thế, phải gõ cửa. Đó là sự hợp tác về phần mình. Đức Giêsu bảo chúng ta đập cửa, không xác định là phải đập bao nhiêu lần. Phải biết bắt đầu lại. Nhưng nhất là mỗi người phải biết rằng Ngài đang đợi mình bên bếp lò, phải biết mình là con trong nhà, và mình không thể đem lại cho Thiên Chúa niềm vui nào lớn hơn là nhận lời mời của Ngài.

Cứ lấy cớ là khiêm nhường để dừng lại trước ngưỡng cửa là hiểu sai tấm lòng của Thiên Chúa, Đấng mời gọi tất cả chúng ta sống thân mật với Ngài ngay ở đời này, và tạo dựng chúng ta để chúng ta gặp gỡ Ngài.

Khi đã vào bên trong thì người lữ hành sẽ thấy tất cả đều thay đổi. Ngọn lửa nóng sáng trong bếp lò như tiến đến trước mặt, sức nóng của ngọn lửa bao bọc, thấm vào da thịt. Khuôn mặt rạng ngời, hai bàn tay giang về phía lò lửa, tứ chi tê cóng nay trở nên ấm áp. Tia sáng ấm của ngọn lửa như thấm sâu con người anh: đó là hình ảnh minh họa chứng nghiệm về Thiên Chúa mà chỉ những người biết để cho Ngài tràn ngập lòng mình, biết rộng mở toàn bộ ý thức lẫn vô thức của mình để đón nhận sự hiện diện đầy ánh sáng của Ngài, mới cảm nhận được. Một sức sống mới đổ tràn trong mình, và một lần nữa lời của Phaolô trở nên hiện thực nơi mình: «Tôi sống, nhưng không phải là tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi» (Gl 2,20).

Chúng ta không đơn độc nhưng cảm thấy được Thánh Thần Ngài dẫn dắt; trọn cuộc sống ta hướng về Ngài. Vì tự bỏ mình nên được Thiên Chúa chiếm hữu, vì tự trở thành trống rỗng nên được Ngài lấp đầy.

Chính Thiên Chúa – là tổ ấm tiếp nhận ta với ánh sáng và hơi ấm – đã biến đổi cuộc đời ta và làm cho ta tỏa sáng. Những ai để cho Thiên Chúa chiếm hữu, như thanh củi dần dần rực cháy sáng, thì cuộc sống con người của họ – được nuôi dưỡng bởi ngọn lửa là chính Thánh Thần – cũng sẽ trở thành lửa như Ngài. Đó là thứ lửa mà Đức Giêsu đã nói tới trong câu: «Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất» (Lc 12,49). Đó chính là chứng nghiệm về Thánh Thần, đấng duy nhất có thể thật sự canh tân bộ mặt trái đất.
[align=right:8cb5868948]tamlinhvaodoi.net[/align:8cb5868948]